Bệnh Tử

Bài Giảng Sư Toại Khanh Zoom 2020

Đề tài sáng nay tôi cho là nó có nội dung thiết thân, cấp thiết, gần gũi với bà con. Đó là do tình hình dịch bệnh nên bà con mình hạn chế đi lại và sinh hoạt ăn uống tùy thuộc theo khả năng mà mình có được. Chính từ chỗ này, rất có thể nhiều cái bệnh do ăn uống sinh hoạt nẩy sinh. Thí dụ như hai ngày hôm nay chúng tôi đặc biệt đọc nhiều về bệnh sỏi thận. Bởi vì vào tháng 5 năm 2016 chúng tôi đã mổ thận một lần và bây giờ nghe đau đi ultra sound thì bác sĩ cho biết nó lại đang hình thành trở lại. Uống nước nhiều thì nó hết thôi. Trong lúc đọc tài liệu của nước ngoài lẫn trong nước, chúng tôi nhận ra một chuyện buồn nhiều hơn cười. Đó là có những tài liệu khuyên mình nên tránh cái này cái kia, tài liệu khác kêu mình nên ăn nên uống những thứ mà bên kia kêu tránh. Trong room này mình biết là bác sĩ, dược sĩ không hà, thì cái phần đó để cho các vị phán đoán. Nhưng các vị cứ vào trong Google đánh chữ “Sỏi thận nên ăn gì uống gì?” thì các vị thấy khiếp lắm. Chẳng hạn như Cranberry, có người khuyên là nên uống nước ép từ trái đó để giúp cho tan sỏi thận. Có người thì nói là không nên tại vì nó sẽ kích thích phát triển sỏi. Cho nên tại sao mà tôi đem cái đề tài đó ra nói ở đây?

Tôi muốn nói một chuyện thế này, từ sau khi có dịch Covid, các lớp học online mọc đầy lên hết, trường lớp thầy bà tràn lan. Có nhiều người quen họ hỏi tôi có nên học lớp này lớp kia hay không. Tôi có góp ý thế này: Tất cả các lớp giáo lý nếu điều kiện cho phép thì mình nên tham dự, chuyện đó tốt chứ không có gì xấu. Nhưng mình đi tìm đạo trong cái tâm thế của một người bệnh mà đi đọc sách, đọc cả cái y thư y liệu. Nhớ cái đó. Có nghĩa là đã bị bệnh, ngoài chuyện đi gặp thiền sư, bác sĩ ra chúng ta phải về đọc thêm kinh điển, gọi là y thư y liệu, thì từ đó sẽ có những phát đồ hợp lý đối với mình.

Chúng ta có một số bài kinh để lấy đó làm nền. Tôi cũng xin thưa, tất cả thầy bà đều phải dựa trên kinh điển hết, chứ còn ý kiến riêng tư của mình thì nằm ở diện tham khảo cho vui thôi. Có hai bài kinh, một bài là phán đoán Phật Pháp của bà Gotami trong Kinh tăng chi. Bài kinh thứ hai tiếng Pali là Teki ca sutta (Aṅguttara Nikāya, XI. Phẩm sa môn tưởng (VIII) (108)) mà Ngài Minh Châu dịch là Kinh Y thuật.

Ở bài kinh bà Gotami là phán đoán Phật Pháp, bà vào hỏi Phật “Bạch Thế Tôn, chúng con dựa vào đâu để có thể tin được đó là lời Phật dạy?” Phật dạy rằng “Pháp môn nào càng tu tập mà nó dẫn đến sự ly tham, thiểu dục, buông bỏ thì đó là Phật Pháp”. Pháp môn, đường lối nào càng đi theo mình càng thích sống độc cư một mình không thích quần tụ đám đông. Pháp môn nào càng đi theo mình càng trở thành người dễ nuôi, nhu cầu sinh hoạt vật chất ngày một đơn giản hơn thì đó chính là Phật Pháp. Càng tu càng buông bỏ, càng tu càng dễ nuôi, càng tu càng thích sống một mình, càng tu càng trở nên tinh tấn hơn thì đây là những tiêu chí những đặc điểm, những nét đặc thù của lời Phật. Đường lối nào, pháp môn nào đi ngược lại những tinh thần ấy thì đó không phải là lời Phật.

Càng theo càng an lạc, càng theo càng dễ nuôi, càng theo càng tinh tấn, càng theo càng thiểu dục ly tham, càng buông bỏ. Trong chú giải nói buông bỏ ly tham có 2 là ly tham trong hiện hữu và ly tham trong hưởng thụ. Cũng có chỗ nói ly tham có 3 là lìa bỏ ý niệm hưởng thụ, ý niệm thích hiện hữu và ý niệm thích sở hữu. 5:35

Ly tham đây là gì? Nãy tôi vừa nói, bây giờ các vị còn trẻ còn khỏe, đầu óc còn tỉnh táo minh mẫn bén nhạy, còn thích lý luận, mình còn một tí thơ, một tí nghệ sĩ tính trong người, mình thích những triết lý xa vời lãng đãng mơ màng mộng mị. Nhưng sẽ có một ngày nhận được kết quả xét nghiệm từ bác sĩ cho biết là mình sẽ không còn bao lâu hoặc là mình phải chịu nhiều đau đớn trong thời gian trị liệu sắp tới. Lúc đó mình mới thấy ra một điều thì ra những gì mình học và hành phải là những gì thật sự cần thiết. Chứ chúng ta không thể nào giờ này còn ngồi đó mà triết lý, thơ thẩn là xài không được.

Theo tinh thần của bài kinh Gotami thì Đức Phật Ngài xác định và khẳng định là pháp môn, đường lối nào mà càng tu tập mình thấy mình càng có khả năng buông bỏ đối với hiện hữu và buông bỏ đối với hưởng thụ. Là sao? Buông bỏ đối với hiện hữu là luôn luôn ý thức được rằng cái tấm thân này là khổ. Dù muốn dù không mình phải cưu mang nó, nó đẹp nó xấu nó trẻ nó già nó khỏe nó đau như thế nào đi nữa thì nó là cái gánh nặng. Từ tấm thân này mà nó nẩy ra bao nhiêu cái khổ nạn nhân gian. Phải thấy như vậy. Và Ngài cho mình nhiều đề mục lắm.

Đề mục bất tịnh, thấy thân này từ trên đầu xuống tới gót chân là một túi đồ dơ do ràng rịt che chắn bao biện thì thấy nó kín đáo, rồi bên ngoài tô phết sơn vẽ cho ngó thấy được một chút, chứ 3 ngày không vệ sinh thì hoa hậu cũng phải bốc mùi.

Phải thấy được cái hiện hữu của thân nhân loại này là khổ. Thân chư thiên thì khó thấy, nhưng ít ra thì nếu một vị trời có trí tuệ thì vị đó cũng thấy rằng sau khi lìa bỏ thân sương khói của chư thiên rồi thì đường luân hồi của phàm phu là bất định, là bất trắc, là bấp bênh. Một vị trời có trí thấy như vậy cũng không đắm đuối hưởng thụ thiên lạc, khoái lạc của thiên giới nữa. Còn cõi người thì dễ thấy, sướng lắm thì cũng sống không quá 100, hơn nữa tới thềm 70 coi như không còn muốn ăn uống đi đứng sở hữu, không còn gì để hưởng thụ thích thú nữa rồi. Đó là lìa bỏ ý niệm hiện hữu.

Thứ hai là ý niệm hưởng thụ, nghĩa là sẽ có một ngày mình nhận ra rằng cái mình gọi là khoái lạc để hưởng thụ nó chỉ là sự thỏa mãn những nhu cầu thôi. Người có nhiều nhu cầu thì phải cần đến nhiều khả năng thỏa mãn nhu cầu. Để có được những khả năng đó chúng ta phải cày bừa cuối xới cực lắm, để thỏa mãn những nhu cầu làm đẹp, nhu cầu sức khỏe, nhu cầu tiền bạc, nhu cầu ăn xài, nhu cầu giao tiếp, nhu cầu đi lại, nhu cầu thông tin, nhiều nhu cầu lắm. Cho nên thấy vậy người tu ngán.

Nhắc lại, những đề mục mà Đức Phật cho mình, thí dụ đề mục niệm về bất tịnh, niệm về sự chết, niệm về các hình thức tử thi, giảng bài này tôi nhắc lại một đoạn kinh Phật dạy “Này các tỳ kheo, pháp ta thuyết giảng cho người thấy chứ không phải cho người không thấy, cho người hiểu chứ không phải cho người không hiểu, giảng cho người có mắt chứ không phải giảng cho người mù.” Ở đây nói cầu may, nếu ai đó có duyên lành giả thoát, có ba la mật thì làm được bao nhiêu thì làm. Tôi xin nhấn mạnh ở điểm này, đó là nếu mình có ba la mật thì ngay từ bây giờ ở lứa tuổi nào không quan tâm, ngay kể từ bây giờ và ngay tại đây chúng ta phải thấy rằng mình phải có khả năng đón nhận cái chết một cách thanh thản, thì tôi cho rằng đó là cái dấu chỉ tích cực cho biết là bà con đã tu đúng. 10:15

Nói lòng vòng để tôi chốt lại cái câu mà tôi đặc biệt chú ý trong bài giảng hôm nay: Tu như thế nào đó mà chúng ta có thể dễ dàng lìa bỏ thân này trong sự thanh thản. Các vị chết trong hôn mê thì tôi không ý kiến tại vì mê còn biết cái gì nữa. Nhưng mà nếu trong tỉnh táo thì bà con có thể dễ dàng lìa bỏ sở hữu, dễ dàng lìa bỏ sự hiện hữu .Hai cái đó quan trọng lắm. Chẳng hạn như đề mục hơi thở mình thấy vậy chứ nó sâu lắm. Một người tu tập đề mục hơi thở lâu ngày, quen thành nếp rồi thì họ sẽ nhận ra một điều mà người học lý thuyết không hiểu. Lời Phật đặc biệt lắm, lời Phật chỉ có thể được chứng nghiệm qua người thực hành, chứ về mặt lý thuyết rất là khó hình dung. Đó là nói về người tu tập hơi thở mà tu đúng.

Tu đúng là sao? Buổi đầu thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào. Lâu ngày mình đi thêm những bước nữa, kết hợp hơi thở với thân quán, thọ quán, tâm quán và pháp quán. Buổi đầu chỉ thở ra, thở vào thôi. Thở ra dài biết thở ra dài, thở vào dài biết thở vào dài. Sau đó mình biết thêm, biết mình đang thở ra với cảm xúc gì, với tâm trạng gì. Nếu tiến trình này được kéo dài, được duy trì tới một lúc bà con nhận ra một điều rất thú vị, đó là cái chết nó đến với mình, mình thấy nó rất là bình thường. Bởi vì thứ nhất mình thấy rằng mình đã chết trong từng phút. Hơi thở ra là một đời sống, hơi thở vào là một đời sống khác, tâm sinh lý của mình trong lúc thở ra khác với lúc thở vào mà tại vì các vị không tin chuyện đó. Khoa học có chứng minh cho mình là sự thay đổi của cơ thể mình diễn ra nhanh lắm. Trong mỗi một giây có bao nhiêu chemical reactions, bao nhiêu phản ứng hóa học diễn ra trong cơ thể của mình, nhiều lắm. Cho nên khoan nói đến đề mục tử thi, chỉ riêng đề mục hơi thở nếu tu đúng mình sẽ thấy rằng mình chết trong từng giây hoặc chết trong từng phút, chết trong từng giờ. Điều đó có lợi lắm, vì mình sẽ tới mức độ buông bỏ toàn diện toàn triệt rốt ráo. Tu đúng là tu như vậy. Càng tu thì khả năng buông bỏ càng tốt. CÁI GÌ RỒI CŨNG SẼ BỎ LẠI HẾT. Đây là câu mình bắt buộc phải nhớ khi nghe bài giảng này. 13:05

Bài kinh thứ hai mà tôi muốn y cứ cho bài giảng sáng nay, dịch thoát là bài kinh Thuốc xổ, còn Pali là bài Kinh Y thuật, Teki ca Bài kinh trị liệu. Đức Phật dạy “Này các tỳ kheo, ở ngoài thế gian đôi khi các thầy thuốc phải dùng thuốc xổ để tống ra khỏi cơ thể bệnh nhân những thứ độc hại, những thứ gây khó chịu đau đớn. Cũng vậy, trong giáo pháp của Như Lai cũng có một loại thuốc xổ của thánh nhân. Loại thuốc xổ này giúp cho một người có thể được an lạc hơn, được giải thoát không còn sanh tử nữa.” Ngài nói “Thuốc của thế gian có khi thành công, có lúc hữu hiệu có lúc vô hiệu. Nhưng thuốc xổ của thánh nhân nếu uống đúng thì chỉ có hữu hiệu chứ không bao giờ vô hiệu”.

Thuốc xổ của thánh nhân là gì? “Này các tỳ kheo, khi mà có Chánh kiến thì tà kiến bị xổ ra. Có Chánh tư duy thì tà tư duy bị xổ ra. Cứ như vậy, hễ có Bát chánh đạo thì bát tà đạo bị xổ ra”. Học cái gì đi nữa, mình cũng phải nhắm đến một lý tưởng, đó là học cái gì mà có thể đưa nó vào hành trì được. Chứ học để thỏa mãn sở thích lý luận, thỏa mãn tri thức thì cái đó xài không được. Học bất cứ cái gì cũng nhắm tới chuyện học Phật Pháp là học cái gì đưa vào hành trì được. Thứ hai, hành cái gì cũng phải nhắm đến một điều là việc hành trì này có thể dẫn đến kết quả giải thoát hay không. Học giáo lý gì đi nữa cũng phải để ý cái mình đang học có hỗ trợ cho hành trì hay không. Học là để bổ sung nhận thức, để điều chỉnh nhận thức. Nhận thức là điều kiện, là phương tiện cho hành trì. Và hành trì gì đi nữa phải hiểu rằng hành trì này dẫn về đâu.

Và cứu cánh rốt ráo nhất của hành trì là gì? Một bài kinh khác, bài kinh Biển cả trong Tăng chi bộ, Đức Phật dạy rằng “Giống như đại dương chỉ có một vị mặn thì giáo pháp của Như Lai cũng chỉ có hương vị giải thoát”. Cho nên học cái gì mình cũng tự xét coi những điều ông thầy đó, những cuốn sách đó nói có thể đưa vào ứng dụng trong hành trì được hay không. Thứ hai, con đường hành trì đó dẫn về đâu? Nếu nó dẫn tới lý tưởng giải thoát thì được. Còn không thì chỉ bàn cho vui, nó dắt mình đi lòng vòng. Như lúc nãy tôi có nói, học cái gì không cần biết, tu cái gì không cần biết, nhưng để mình trở thành con người dễ dàng buông bỏ cái sở hữu và buông bỏ sự hiện hữu một cách dễ dàng thì đó là tu đúng.

Anh học cái gì mà có thể đem vào ứng dụng trong hành trì thì được. Và hành trì sao đó mà khả năng giải thoát của anh được tốt hơn. Giải thoát đây là chứng thánh thì tôi khỏi bàn rồi. Nhưng cái chuyện gần là anh đối với cái thân này, đối với cái hiện hữu của anh, anh nới cái vòng ôm lại, anh nới cái bàn tay mà anh đang nắm chặt. Nới bằng cách nào? Đối với cái chết thanh thản, đó là giải thoát trước mắt. Còn cái chuyện chấm dứt phiền não thành thánh nhân niết bàn thì xa quá. Cái chuyện trước mắt là tu cái gì, học cái gì để khi đứng trước cái chết chỉ thấy rằng duyên đủ rồi bây giờ nó rã, chỉ nghĩ như vậy thôi. Thường trực nhớ rằng đây là cái xác chưa chôn, đây là bộ xương chưa rã hết thịt. Phải liên tục thấy như vậy.

Bà con có quyền nghĩ về tôi ra sao chuyện đó không quan trọng, nhưng trong bài giảng này tôi phải nói một điều, đó là học cái gì, tu cái gì, tâm niệm cái gì, suy tưởng cái gì để mà cầm cái phiếu xét nghiệm trên tay mà lòng vẫn thanh thản thì đó là tu đúng. Còn người ta ra sao là chuyện của người ta, nhưng tôi báo trước một chuyện, các vị có nghe người ta nói chữ vrq không? Cái đó có, cầm cái phiếu kết quả xét nghiệm lên là vrq chứ không phải là không.

Lúc đó bà con mới nhớ lại lời của tôi sáng nay, tu tập cái gì ngay bây giờ phải thu xếp để mà tu tập hơi thở, tu tập đề mục bất tịnh, đề mục tử thi gì không cần biết, bắt buộc là phải có một đề mục để buông dần buông dần. Bởi vì mình có thuơng thích thân này, tài sản này, tình cảm này, uy tín chức vụ này cách mấy thì chắc chắn sẽ có ngày mình bỏ thân này mà đi. Khi mà ta không thể thay đổi được thực tế đó thì ta đành phải thay đổi cách nhìn của mình cho bớt khổ.

Khi mà ta biết mình không tránh được, không thay đổi được tình hình thì đành phải thay đổi cách nhìn của mình thôi. Thân này trước sau cũng phải nằm xuống, cũng phải sình trương, chảy nước, dòi bọ, sớm muộn gì cũng phải bị đem đi đốt đi thiêu, chuyện đó mình không tránh được mà không lẽ bây giờ mình cuống quýt, hoảng loạn hay sao, chỉ còn một cách là đổi cách nhìn.

Tôi thấm thía được một chuyện đó là trên đời này mà hầu hết chuyện mà mình không nghĩ tới nó thì nó không có tồn tại chỉ trừ ra 4 chuyện đó là nợ nần, pháp luật, bệnh hoạn và thù oán. 4 cái này nếu mình quên nó vẫn có, chứ còn ngoài ra thì tất cả những cái khác mình không nghĩ tới nó thì nó không có. Tôi tin là trong room này cái chuyện bệnh hoạn thì tôi không biết, chứ 3 cái kia thì quí vị cũng có. Ngoài 4 cái này ra thì do mình nghĩ nó mới có. Thí dụ mình sợ chết, sớm muộn gì thì mình cũng chết, tôi nhớ một chuyện tại sao mấy ông hồi giáo tà kiến manh động mà họ lại dám ôm bom tự sát? Vấn đề là cái nghĩ của họ, cái nhìn của họ về cái chết.

Tôi không kêu các vị hãy suy nghĩ như cái ông hồi giáo cực đoan để rồi tự sát, tôi không có xúi. Tôi chỉ gợi ý nếu có huệ căn các vị sẽ hiểu tôi nói cái gì. Cái chết nó có đáng sợ hay không? Tại sao có kẻ dám can đảm tìm đến cái chết? Như vậy vấn đề ở đây là do cách nhìn của mình thôi. Thay vì mình tự sát theo cái kiểu của mấy ông hồi giáo thì thôi ngay từ bây giờ mình nên tự sát bằng một cách hiền thánh. Tự sát đây là mình hủy đi cái ý niệm “Tôi là”, hủy đi cái ý niệm “Của tôi”, đó là một kiểu tự sát minh triết.

Tự sát đây không phải là tự mình làm cho mình mất thở, nín thở, mà tự sát đây là ngay từ bây giờ mình phải coi mình là một cái xác chết chưa chôn. Tôi cho rằng đây là một chuyện rất là quan trọng, phải chết ngay từ bây giờ. Và phải nói như thế này, có một câu chuyện rất là ruồi bu mà tự nhiên nói tới đây thì nhớ, thấy cũng cần thiết, biết đâu cũng giúp cho vài người trong room này. Câu chuyện ngắn tôi đọc ở đâu, của ai, tôi không nhớ, chỉ xác định là câu chuyện ngắn của người khác chứ không phải của tôi. Câu chuyện được viết vào thời này nhưng nó mang hơi hướng phảng phất cổ phong nửa giả sử nửa huyền thoại nửa cổ tích, chỉ có một góc nhỏ là mang tính thời sự. 22:23

Ở một ngôi làng không có tên nằm giữa một bên là sông nước, một bên là núi cao ngàn trượng. Ở đó người ta có một truyền thuyết là vượt qua quãng nước rộng mù mịt sương mờ thì trong đó là trụ xứ của các bậc hiền giả. Nơi đó đẹp như đào nguyên bồng lai, có những ông tiên sống nghìn tuổi và những bậc hành giả biết hết chuyện thế gian. Trong đó người ta không có biết âu lo, đói lạnh, bệnh hoạn, oán thù, ghen tuông, sợ hãi nhưng đường vào đó nhiêu khê lắm. Trong làng này có một ông thầy đồ, ông đọc sách nhiều đọc rất nhiều tài liệu để tìm hiểu về cái cõi bồng lai bên trong rặng núi mà đường vào thì cực kỳ trắc trở. Ông có một đám học trò, ông dạy tụi nó ngoan ngoãn chữ nghĩa ngon lành lắm, càng học càng thông thái ngoan hiền hơn làm gia đình chúng nó cảm kích lắm.

Người ở xa cơm đùm cháu nắm đem con tới gởi, người ta hỏi ổng tiền công thì ổng nói “Không, tôi dạy miễn phí. Nếu bà con muốn trả công tôi chỉ xin mỗi người một khúc gỗ tốt, gỗ mà không sợ nước, một khúc gỗ thôi. Các vị gởi con ở đây mấy năm không quan trọng, chỉ xin mỗi người một khúc gỗ thôi.” Người ta nghe vậy thì thấy đó cũng không phải là một học phí cao lắm, thế là người ta đem gỗ tới cho ông. Khi thấy đủ rồi, ổng mới tập trung học trò lại cùng nhau đóng thành cái bè. Học trò hỏi để làm cái gì thì ổng nói rằng để cùng nhau đi vào cõi bồng lai đó tìm các bậc chân nhân hiền giả. Học trò háo hức lắm. Và ông cũng nói là chiếc bè này không thể chở hết các con nên chỉ có một ít học trò ưu tú mới được đi thôi. Đứa nào cũng náo nức nôn nao, có đứa thì mặc cảm tự ti e rằng thầy sẽ bỏ mình lại.

Khi đóng được cái bè rồi thì thầy mới kêu mấy học trò lại nói “Phần của thầy, thầy sẵn sàng ở lại để nhường cho một đứa đi thế thầy. Các con cứ theo hướng đó các con đi.” Đó là đợt 1, mà nhiều đứa đứa nào cũng muốn đi hết nó không ngờ ràng thầy đã nhường cho nó. Chuyến thứ 2 cũng vậy, đóng bè xong sửa soạn đi, trong đám học trò cũng muốn thầy đi thì thầy cũng nhường. Tới chuyến thứ 3, khi thầy trò sắp đi thì trong làng có một người con gái còn trẻ mang cái bụng bầu tới khóc. Cô đã trót dại với một người thanh niên trong làng và có mang, bây giờ cô sợ người trong thôn dùng lệ làng bức tử cô, bắt cô phá thai và có thể giết chết cô hay phạt nặng cô hay đóng rọ thả sông không chừng. Cho nên cô nói để cứu được cô thì trong đám đàn ông con trai ở trong lớp học này có người nào đứng ra gánh dùm thì học trò không đứa nào nhận hết.

Cuối cùng ông thầy đứng ra nhận. Ổng ra trước làng ổng nói trong một phút thiếu kiểm soát ổng đã dan díu với cô này bây giờ ổng xin chịu trách nhiệm về cái bụng của cô này. Coi như bao nhiêu cái phỉ nhổ trong làng đều đổ hết lên đầu ổng. Câu chuyện sâu là ở chỗ này, lâu nay ông là một vị thầy khả kính, cả làng và những vùng xa xôi đều coi ông là một bậc hiền thánh. Ông có trong tay bao nhiêu là học trò, rồi lòng tôn trọng thần tượng suy tôn của mọi người. Nhưng hôm nay, các vị nghe kỹ chỗ này, đóng bè để đi vào gặp các bậc chân nhân hiền giả trong chốn bồng lai, nghe là đã thấy mê rồi mà ông chấp nhận nhường hết cho mọi người để rồi bản thân ông trong chuyến cuối cùng này đứng ra gánh cái nỗi ô nhục này và từ chối chuyến đi vào cõi bồng lai đó.

Khi người làng họ ghẻ lạnh ông đến mức từ chỗ tôn trọng trên trời họ đưa ông xuống tới sình và gặp mặt người ta nhỗ toẹt trước mặt ông. Lời ra tiếng vào và cuối cùng những thứ thổ sản, nông sản ông làm ra, rá rổ sọt tre bán người ta không mua, rau củ trái cây ông trồng người ta cũng không mua, sống không nỗi. Cuối cùng ông đành phải cùng với cô gái mà có chửa hoang đó xuống bè bỏ đi. Lần này ông đi đâu? Lần này ông đi bằng cái tâm trạng của một người đã mất hết không còn gì. Và đúng, lần này ông đã vào được chỗ bồng lai kia. Tôi chỉ nhớ câu chuyện đại khái là như vậy.

Ở đây phải nói thế này, chúng ta còn thấy mình là cái gì đó ghê gớm lắm thì chúng ta cứ quẩn quanh trong cảnh giới của trẻ con thôi, phải nói như vậy. Chúng ta còn thấy mình là cái gì đó ghê gớm, trong khi mình nhớ rằng Đức Phật đã dùng vô lượng phương tiện để Ngài phân tích cho mình thấy chúng ta chỉ là 6 căn 6 thức cộng lại mà thôi, chúng ta chỉ là 32 món uế trược cộng lại thôi, chúng ta chỉ là 13, 14, 25 cộng lại thôi. Ngài đã nói không biết là bao nhiêu lần chúng ta không nghe, chúng ta cứ lén lén nghĩ mình là cái gì đó quan trọng và quan trọng.

Tôi nói lại, tôi giảng cầu may thôi. Cho đến bao giờ mà các vị còn thấy rằng mình là quan trọng thì các vị đừng hòng đi vào được trụ xứ của chân nhân hiền giả. Không thể được. Bởi vì con đường vào đó chuyện đầu tiên là phải có phương tiện. Phương tiện đây là cái gì? Mình muốn đến chỗ bồng lai chỉ có một cách duy nhất đó là một là phải leo núi vạn trượng, hai là phải đi đèo. Dù đi bè hay leo núi vạn trượng vách đá cheo leo thì hành trang hành lý phải gọn nhẹ đến mức nào đó không thể dư 1 gram bởi vì nó sẽ làm cho mình nặng vai mà cũng không thể thiếu 1 gram vì nó sẽ làm cho chuyến đi bị khó khăn. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Dư thì nặng vai mà thiếu thì khó khăn. Hành lý vừa đủ thôi, đi bè mà. Khi mình còn cái ý niệm “Tôi là”, “Cái này là của tôi” thì lúc đó mình nặng lắm, mà đã nặng làm sao mà leo núi, nặng làm sao mà đi bè được? Ở đây ai từng đi trên sông nước, ai từng leo núi thì hiểu điều tôi nói. Các vị biết tôi chỉ có một cái ba lô trong đó có một chai nước chỉ có 1 lít thôi, một trái táo 100 grams, một trái chuối 100 grams, một khúc bánh mì khoảng mấy trăm grams, một cái áo ấm mỏng nhét trong đó khi nào lạnh thì dùng, tổng cộng nguyên ba lô tôi nghĩ không quá 3 ký mà càng đi nó càng nặng quí vị à.

Tôi nhắc lại,

1/ Tu đúng là không để mình thiếu cái cần thiết mà không để dư cái không cần thiết.

2/ Với hành trang đó chúng ta phải đi đến được cái chỗ buông bỏ toàn diện. Trên đường đi thì phải cần một chút cưu mang NHƯ LÀ PHƯƠNG TIỆN, nhưng chỗ đến phải là rũ bỏ toàn bộ những gì trong tay, trên vai, trong lòng, trong tim và trên hết là trong óc của mình. BUÔNG HẾT.

Trong bài kinh Xà dụ, Ví dụ con rắn, trong Trung bộ kinh, Đức Phật dạy rất rõ “Chánh pháp còn phải bỏ hà huống là phi pháp”. Nhiều người không hiểu điều này. Chánh pháp phải bỏ là sao? Phải coi tất cả công đức phước báu tu hành thiền định là phương tiện thôi. Khi mà mình dừng lại thỏa mãn, tâm đắc với nó là mình đã chết với nó rồi. Nhớ, công đức phải làm, gặp dịp không bỏ, ác tránh được như có thể, thiện làm ngay như có thể nhưng phải luôn luôn nhớ rằng chỉ còn một chút tâm đắc trong cái mà mình có được, làm được, hiểu được, tu được là chết ngay. Nó lạ như vậy. Đường đi vào trụ xứ của chân nhân hiền giả nó đặc biệt như vậy. Đi vào đó là chúng ta phải băng qua một cái cầu mà được đan bằng những sợi tơ nhện, chúng ta phải nhớ như vậy. Thiếu nước uống thì khát, thiếu thức ăn thì đói, chúng ta tính làm sao mà túi hành lý đó đủ để chúng ta không đói, không khát nhưng trọng lượng của nó đủ để chúng ta đi qua được cây cầu đó. 32:50

Tôi nhớ có câu chuyện rất là thú vị, ở Hà Nam bên Tàu có cái chùa có nhiều cổ vật được để trong một cái building mà chung quanh là cái hồ nước. Đặc biệt lâu nay là ở đâu mất chứ ở đó không bị mất, mà nếu có mất thì chỉ rớt ở hồ nước chứ trộm không đem đi xa được. Sau này người ta mới phát hiện ra là những cái gì nhẹ thì cất chỗ khác, riêng cái tạm gọi là lầu chuông này trên là chuông dưới là chưng bày cổ vật của chùa, các đời trụ trì trước họ đã tính rất thông minh. Cây cầu bắc ngang hồ nước họ đã tính toán là nó không thể chịu quá 200 ký, mà trong đó những cái chuông, những cái đỉnh đồng, những cái lư nào cũng trên 200 ký cộng với người khiêng nữa thì cái cầu đó chịu không được. Cho nên muốn đi ngang cầu đó là phải đi tay không. Cho nên bao nhiêu đời nay ăn trộm không cách nào mà lấy được món đồ nào trong đó ra hết. Có những tên trộm không biết nó ráng thì cầu phải sập thôi. Đó là câu chuyện ruồi bu nhưng tôi rất tâm đắc. Có nghĩa là cái con đường dẫn vào ngôi nhà giải thoát chúng ta phải đi trên đó với một trọng lượng nhẹ thôi, tôi gọi đó là cây cầu bằng tơ nhện.

Lão tử và Trang tử có một ý tưởng rất là hay, xã hội có loạn là cũng bởi vì lòng người rắc rối, vì lòng người rắc rối nên xã hội mới có loạn, vì có loạn mới có pháp luật, càng có pháp luật thì lòng người càng thêm loạn.

Cho nên hôm nay chúng ta giữ giới là bởi vì chúng ta có quá nhiều phiền não, chúng ta giữ giới là chúng ta hạn chế cái bung xung cái phát tác của phiền não chứ không có cái gì đáng cho chúng ta kiêu ngạo hay tự hào hết. Chúng ta bị bệnh nên trong túi áo mình mới có thuốc. Chúng ta bị bệnh nên trong phòng của mình, trong nhà của mình mới có thuốc. Chứ chúng ta khỏe thì chúng ta đâu cần thuốc. Trong một đất nước có vấn đề thì mới có quá nhiều luật. Một đất nước đơn giản như xã hội nguyên thủy thì người ta không cần luật nhiều vì đời sống ở đó hồn nhiên lắm. Một thế giới, một xã hội có quá nhiều luật là bởi ở đó có quá nhiều vấn đề. 36:00

Ở đây cũng vậy, về mặt giới luật chúng ta giữ được thì hay nhưng cũng không lấy đó làm tâm đắc để khen mình chê người. Bố thí, ngồi thiền, phục vụ, học hỏi giáo lý cũng vậy, tất cả các công đức đều là những viên thuốc chữa bệnh. Nhưng khi chúng ta thực hiện nó với một nhận thức đây là thuốc chữa bệnh thì con người chúng ta nhẹ hề, cái cầu nào chúng ta cũng đi được, sợi tơ nhện nào chúng ta cũng có thể dẫm lên đó để bước hết. Nhưng khi chúng ta tu tạo công đức bằng sự tâm đắc, bằng sự hài lòng với bản thân mình, có ý niệm “Tôi là” “Cái này là của tôi” “Tôi là người thế này, tôi là người thế kia” thì khi bắt đầu có ý niệm đó thì cái trọng lượng của chúng ta nó tăng lên. Khi trọng lượng nó tăng lên thì chúng ta không thể bước lên được cái cầu dẫn qua bên kia bờ giải thoát được. Dù đó là cái bè hay cái cầu bằng tơ nhện. Đường về giải thoát phải là con đường leo núi hay con đường qua sông thì đều kỵ trọng lượng dư thừa.

Cho nên trong bài giảng sáng hôm nay tôi nhấn mạnh một điều, học cái gì thì cũng phải tự xem coi cái học này có thể đưa vào ứng dụng trong hành trì được hay không chứ không phải để lý luận suông. Thứ hai, con đường hành trì đó có dẫn đến sự buông bỏ hay không. Buông bỏ sở hữu và buông bỏ hiện hữu. Buông bỏ sở hữu là bớt đi nhu cầu hưởng thụ, ý niệm chủ nhân. Cái khó nhất là ý niệm hiện hữu, người không có Ba la mật không có túc duyên giải thoát thì không thấy được điều này, không thấy được rằng trước khi thành thánh nhân chúng ta hoàn toàn có thể thành tựu được một quả chứng tuy nó là phàm trí nhưng vẫn có thể gọi là quả chứng.

Đó là khả năng coi nhẹ cái hình hài này, coi nhẹ cái sinh mạng này. Coi nhẹ không phải là mình tự sát hay mình tự hủy, tự hành hạ mà coi nhẹ là nó có chuyện gì mình cũng có thể thanh thản mà đi, thì tôi cho đó là quả chứng phàm phu có thể thành tựu với điều kiện là phải được nỗ lực ngay từ bây giờ. Một năm, hai năm, năm năm, mười năm phải làm cho bằng được. Nếu trong room này có ai đó là người hữu duyên, tôi mong rằng trong 100 người đang nghe chẳng hạn thì có 5, 7 người làm đúng theo điều này.

Tôi ví dụ tu tập với đề mục hơi thở để thấy được rằng đời sống của một người chỉ là nhiều lần thở vào, nhiều lần thở ra. Tu tập đề mục thể trược hoặc đề mục hài cốt tử thi xương trắng ngay từ bây giờ. Buổi đầu các vị có thể nghĩ rằng đó là tự kỷ ám thị, các vị nghĩ sao cũng được, miễn sao mà phải ngồi lại đọc giống như con nít vậy “Tôi chỉ là một bộ xương, hình hài này chỉ là một bộ xương, hình hài này chỉ là một cái xác còn ấm chưa chôn, hình hài này chỉ là một bộ xương mà thịt chưa rã hết”. Cứ thử như vậy, một ngày, hai ngày, cứ liên tục ngồi hay nằm suy niệm như vậy, tâm niệm như vậy 1 tháng, 2 tháng, 1 năm, 2 năm. Tôi tuyệt đối tin tưởng rằng quí vị sẽ có được một đời sống nội tâm cực kỳ nhẹ nhàng. Mà nhẹ nhàng sẽ kéo theo an lạc. Đó là nói về xác.

Còn nói về phần hồn, Đức Phật dạy rằng “Này các tỳ kheo, nếu các ngươi muốn đi tìm một cái gì đó vĩnh cửu ở trong đất nước lửa gió, tuy nó ngu xuẩn nhưng ít ra cũng còn thông minh hơn là đi tìm sự vĩnh cửu trong nội tâm này”. Bởi vì sự vô thường của đất nước lửa gió dù gì cũng còn chậm, còn vô thường của cái tâm này là chớp nhoáng thiện ác buồn vui, buồn vui thiện ác, thiện ác buồn vui, một ngày như vậy thay đổi không biết là bao nhiêu lần. Nó trên cả tốc độ chóng mặt nữa, nhanh tới mức không có lường được. Như vậy phải liên tục ghi nhận để có thể buông bỏ được, còn tất cả lý thuyết của thầy bà gì tôi không có ý kiến.

Theo Thanh tịnh đạo thì phải thường xuyên suy niệm. Hành giả hàng ngày có 4 đề mục để suy niệm: 1. Niệm Phật, 2. Niệm từ tâm, 3. Quán bất tịnh, 4. Niệm sự chết. Đây là 4 đề mục hộ thân. Trong đó đặc biệt là tôi tâm đắc đề mục niệm chết.

Niệm chết có 2 trường hợp: 1. Niệm chết trừu tượng, 2. Niệm chết cụ thể.

Niệm chết trừu tượng là mình cứ suy niệm bằng cái đầu của mình. Suy niệm rằng mình trước sau cũng chết. Thanh tịnh đạo nói mình chỉ là một con suối mùa hạ chờ cạn khô, mình giống như một ngọn đèn leo lét, mình giống như một người lính bị trọng thương đang sống với những giọt máu sau cùng, nhỏ giọt tới một hồi cạn máu thì chết và đúng như vậy.

Hôm nay trong room này quí vị có thể 50, 60 tuổi coi như các vị đã bị trọng thương rồi đó, bây giờ mình đang sống bằng những giọt máu cuối cùng. Hay các vị quan sát cái chai nước biển trong bệnh viện, nó nhiểu từng giọt từng giọt, tôi không có kiên nhẫn, tôi sợ cái gì chậm lắm, nhưng trong thời gian nằm bệnh viện tôi mới nhận ra một điều là nó chậm nhưng đều thì tốc độ của nó cũng đáng kể lắm. Thí dụ như bây giờ các vị nhìn cái đồng hồ, nhìn kim gió thì dễ rồi, nó đi “chạch chạch chạch chạch”. Nhưng các vị nhìn cây kim phút là nó chậm cở nào, còn kim giờ thì nó chậm lắm đừng hòng mà nhìn. Nhưng giả sử mình đừng có nhìn nó, mà mình để từ 6 giờ sáng tới 6 giờ chiều nó đi qua mình không có hay, nó đặc biệt như vậy. Đó là bài học mà các vị phải xâm lên người, bài học nghe qua rất là kỳ, không ai đủ kiên nhẫn để mà nhìn kim giờ trên cái đồng hồ nhưng chỉ cần mình làm lơ nó thì 6 giờ sáng qua 6 giờ chiều nó nhanh đến mức hoang tưởng.

Ở Âu Mỹ, mọi thứ đều lấy ngày cuối tuần làm mốc. Thí dụ cuối tuần này là thôi nôi của ai, đầy tháng của ai, cuối tuần sau là đám cưới đám ma cúng giỗ của ai, cuối tuần sau nữa là tân gia của ai. Lấy cuối tuần làm mốc thì thấy thời gian nó qua nhanh kinh khủng lắm.

Những đất nước người ta không biết quí thời gian thì đất nước đó không phát triển được. Thí dụ Việt Nam, một lực lượng thanh niên khỏe mạnh, hùng hậu mà đem đốt thời gian bằng cách kêu một ly cà phê ngồi 4 tiếng, đọc cho xong tờ báo rồi tán gẫu nói dóc, đi làm chút đỉnh, buổi chiều về nhậu cho tới khuya ói mửa tùm lum lê lết. Họ không biết quí thời gian. Một dân tộc mà sống biết quí thời gian thì họ làm được rất nhiều việc.

Mình không có đủ kiên nhẫn để mình nhìn cái kim giờ trên cái đồng hồ nhưng cứ làm lơ nó đi thì một ngày qua nhanh lắm. Ở đây cũng vậy, cứ mỗi ngày tâm niệm đều đặn như có thể: Đây chỉ là một bộ xương chưa rã hết thịt, đây chỉ là một cái xác còn ấm chưa chôn. Cứ luôn tâm niệm 1 ngày, 2 ngày như vậy thì chắc chắn sẽ có một lúc các vị thành tựu được điều mà tôi nói, đó là đối diện với cái chết thanh thản hơn. Các vị có học đạo cách mấy, có giỏi giáo lý cách mấy, có đi chùa làm phước cách mấy nhưng đứng trước cái chết mà các vị còn hoảng loạn thì đối với tôi như vậy là tu chưa đúng. 46:00

Sẵn đây tôi nói thêm một chuyện, trong chú giải nói giáo pháp này tồn tại 5000 năm, nhưng trong chánh tạng thì nói giáo pháp của Đức Phật chỉ tồn tại 500 năm thôi. Tức là kể từ khi Đức Thế Tôn niết bàn trở đi 500 năm thì giáo pháp mất, chính Đức Phật Ngài giảng như vậy trong kinh, mà ở đây nhiều bà con cũng đã đọc bài kinh đó. Ngài xác nhận giáo pháp của Ngài chỉ tồn tại có 500 năm thôi mà Ngài kêu là sự tồn tại của diệu pháp, sau đó Ngài không có kể nữa và tại sao vậy?

Bởi vì những điều mà nãy giờ tôi nói đối với người hữu duyên họ chỉ nghe được một chút là họ bỏ vô gốc cây họ ngồi rồi. Còn mình bây giờ nói cách gì đi nữa, cả người nói lẫn người nghe, nói gì thì nói, nghe gì thì nghe, nhưng chỉ cần xong buổi giảng đóng room là mình quay trở lại đời sống bầy hầy bê bối bề bộn bụi bặm của mình liền. Trong khi đó, cứ nhớ cái này quan trọng: TÔI SẼ LÀM SAO ĐỂ KHÔNG CÒN SỢ CHẾT. Khi bà con coi thường được cái chết thì bao nhiêu cái thị phi thành rác hết. Khi mà mình có cái gan nhìn cái chết nó đến thì thị phi là rác. Khi mình coi nhẹ được thị phi thì bao nhiêu khoái cảm trong đời sống nó chỉ là rác. Ngay từ bây giờ bà con phải làm.

Bao nhiêu lý thuyết, bao nhiêu kỹ thuật, bao nhiêu hướng dẫn cao siêu tôi không có ý kiến, mỗi người một ý. Nhưng ngay bây giờ bà con phải tự hỏi mình: Cái pháp môn này có thể giúp cho tôi bỏ được 2 cái dính mắc hay không: 1. Là dính mắc trong hiện hữu, 2. Là dính mắc trong hưởng thụ, bớt hưởng thụ lại.

Nói cho đủ là giảm được 3 ý niệm là thích hiện hữu, thích hưởng thụ và thích sở hữu. Chính 3 cái này mà bớt được thì bà con mới khá, mới nghĩ tới chuyện chứng thánh. Nhưng chuyện trước mắt là cái hiện hữu, dù khổ như điên nhưng ai cũng tham sống sợ chết, dù khổ như điên giật gấu vá vai nhưng ai cũng tham sống sợ chết. Bây giờ phải làm sao mà trước cái chết mình có thể thanh thản được? 48:28

Tôi biết đề tài sáng nay rất là khô nhưng đặc biệt tôi lưu ý đến những bà con hữu duyên để chia xẻ quan điểm đó. Bây giờ bà con ok nhưng mầm bệnh trong người mình không biết là mình bị cái gì. Lâu lắm rồi các vị có đi khám bệnh định kỳ không? Các vị có chắc các vị không có bị ung thư không? Các vị có chắc các vị không bị sạn thận không? Các vị có chắc là đường, cholesterol của các vị ok không? Tim mạch, tăng xông huyết áp của các vị có ok không? Từ lúc bác sĩ họ phán là đã bất trị rồi thì quí vị cuống quýt lên. Lúc đó muộn màng rồi, không có thầy bà nào giúp mình được hết. Bây giờ tụng niệm, chưng bông, bưng hoa, đội đèn đi chùa bà con xung lắm. Nhưng tới hồi biết là phút cuối rồi thì điếng lên, nhìn cái gia tài 80 tỷ mình đi rồi ông chồng còn ngon quá thế nào cũng sẽ rước người khác về rồi con của mình sẽ làm sao. Hoặc là mình đi rồi vợ mình ở lại rước ông khác về, có tiền mà. Rồi bao nhiêu cái bỏ ra mấy chục năm mình tưởng mình còn hoài. Nhưng chỉ cần bác sĩ phán một phát hoặc bác sĩ chỉ nghi thôi, ổng cầm kết quả xét nghiệm ổng hơi nghiêm một chút nói nhỏ với người nhà của mình là coi như mình đã vrq rồi. 50:16

Cho nên sáng nay tôi tặng các vị một món quà triệu đô. Đó là ngay từ bây giờ hãy nhớ học cái gì thì phải coi học cái này có đem vào ứng dụng hành trì được hay không? Và hành trì cái gì? Coi cái hành trì đó có dẫn đến khả năng buông bỏ hay không? Buông bỏ cái gì? Buông bỏ trong 2 ý niệm: Hiện hữu và Sở hữu. Tu thế đó là tu đúng. TU VÀ HỌC NHƯ THẾ NÀO ĐỂ THẤY RẰNG ÁC PHÁP DỨT KHOÁT PHẢI TRÁNH, THIỆN PHÁP DỨT KHOÁT PHẢI LÀM NHƯNG NÓ CHỈ THUẦN TÚY LÀ PHƯƠNG TIỆN. Phải buông luôn ngay ở trong cái thiện. Người ta tưởng buông là không làm thiện. Sai. Vẫn phải làm, bắt buộc phải làm, sống chết gì cũng phải làm nhưng bằng ý niệm nhận thức rằng nó chỉ là phương tiện thôi.

Tại sao tôi nhấn mạnh điều này? Bởi vì mình buông hết mà mình còn giữ lại một cái gì đó thì mình chưa có khả năng chết đâu quí vị. Tin tôi đi. Còn có một chút nắm níu là không có cách chi mà chết nỗi đâu nha. Tất cả phải buông hết như có thể. Và 50 trở đi phải nói là cơ thể của mình nó thay đổi, tha hồ nó tính sổ nó kiếm chuyện. Tính sổ có nghĩa là hồi đó giờ mình nợ nần bao nhiêu với nó là bây giờ nó moi ra tính hết mà cộng với cái lãi hoang tưởng. Không có nhà băng nào mà tính lãi cao như cơ thể của mình. Bao nhiêu năm qua mình phung phí sức khỏe, mình đã lạm dụng nó như thế nào bây giờ nó tính cả lãi lẫn vốn mà cái lãi ở đây là nó tính coi như 80 % sau tuổi 50.

Trong room này thế nào cũng có những người đang ok, họ cười thầm nói “Sao ổng bi quan quá vậy?” Tôi đang nói số đông đa phần là vậy. Nhưng những vị mà thấy mình đang ok thì tôi xin báo trước một chuyện đó là sáng ra ok nhưng trưa nay chiều nay tôi không có hứa, nha. Đừng có thấy mình mới đi khám định kỳ xong là mình ngon lành, là tôi không có hứa bởi vì khó nói lắm. Cho nên nói tu cho đúng là phải tu thế nào mà để có thể đối diện với cái chết một cách thanh thản. Đó là cái tiêu chí, chứ còn hỏi “Sư ơi, tu làm sao cho đúng?” tôi mệt quá. Bây giờ hỏi “Mình tu có cần học không sư?” Cần chứ. Muốn nấu một nồi canh còn phải biết rau củ quả nào mình cho vào nói gì tu là cái trừu tượng mà. Phải học chứ. Sẵn tôi nói luôn, phải học lý thuyết để lấy đó làm phương tiện hành trì nhưng tới lúc mình đã hành trì rồi mình tự động quên sạch. Mình không có còn 13, 14, 25 nữa mà tự động nó đi vào khung, nhưng trên lý thuyết phải học, học rồi buông nó tốt hơn là không học gì hết.

Hiện nay có rất nhiều truyền thống chủ trương rằng cư sĩ không nên học. Đặc biệt là học chi ba cái giáo lý A tỳ đàm nhức đầu, có vị còn bài xích nói rằng đó không phải lời Phật. Nhưng họ quên một chuyện ai là người có thẩm quyền để đưa cái đó vào Tam tạng, trong khi Nam tông là vô địch về bảo thủ, ai có thẩm quyền để đưa cái đó vào và nó phải có lý do gì đó nó tồn tại 2, 3 ngàn năm nay? Hơn nữa, khi mình muốn bài xích cái gì thì mình phải coi trong đó nói cái gì chứ không thể nào mình bài xích khi bản thân mình không biết trong đó nói cái gì. Biết mơ hồ lan man rồi bài xích thì tôi e rằng không nên mà đặc biệt đối với Phật Pháp. Các vị nhớ cẩn thận điều đó. Phải học.

Trong Phật tử có 2 nhóm cực đoan, nhóm 1 cho rằng cái gì cũng phải học hết mà họ không có thời giờ để hành trì. Nhóm 2 cho rằng tu không cần học cái gì hết, cứ giữ cái tâm cho thanh thản, buông hết. Nghe thì sướng thiệt nhưng biết cái gì mà buông? Nó khổ như vậy. Cái tâm mình là “Tâm viên ý mã” mà. Tâm viên giống như con khỉ, con vượn hễ nó chụp được là nó chụp. Ý mã giống như ngựa, nó chạy được là nó chạy. Mình không học giáo lý được thì nội cái chuyện mình không học làm sao mình biết hoài nghi là cái gì, dục ái là gì, hôn trầm là cái gì, phóng dật là cái gì mình không biết. Không học cái đó thì quán tâm là quán cái gì? Cứ học xong rồi bỏ. Bỏ đây là mình không còn nhớ nó như kiểu từ chương của con nít nữa mà tự động trên cái nền tảng của cái biết mình mới đi đúng chứ không phải mình cõng cái biết đó lên vai. Nhớ nha.

Tôi ví dụ như các vị đã học xong 12 năm đầu đời từ lớp 1 tới tú tài. Có nhiều thứ kiến thức bây giờ các vị không có xài tới nữa, nhưng không phải nó vô ích đâu. Dù đó là Toán Lý Hóa Văn Sử Địa có nhiều thứ bây giờ đã lâu lắm mình quên mất rồi. Sau khi xong lớp 12 vô đại học có rất nhiều thứ là mình đã quên sạch, nhưng đừng có nói là nó vô ích, nó là cái nền mà mình không biết. Thí dụ nói về Sử, mình không nhớ là Trần Quốc Toản sanh năm mấy, mình không nhớ cái Hội nghị Bình than Diên hồng là năm mấy, mình không nhớ vua Trần Nhân Tôn đánh quân Chiêm Thành là năm mấy, mình không cần nhớ. Học xong thi đủ điểm tốt nghiệp nhưng đừng có cho là mình quên thì giống như người chưa từng học. Sai. Cái đứa nhỏ lớn đi chăn trâu không biết chữ nó khác với đứa đã học rồi, nó học về Đinh Lê Lý Trần rồi bây giờ nó quên thì hai cái đứa đó là khác nhau. Một đứa học về Đại số về Lượng giác rồi quên sạch cái phương trình, cái căn gì nó quên sạch nhưng tôi xin bảo đảm rằng đứa đó nó học mà quên thì cái đầu nó khác với đứa chưa từng học.

Sao cái chuyện này không hiểu mà cứ tối ngày bị người ta hốt cho mấy cái thang tu không cần học là sao? Khác nhau xa à. Có những Phật tử quen với tôi họ là dược sĩ họ nói “Sư ơi, học 100, xài có 20% hà, 80% kia coi như hiếm có dịp đụng tới lắm.” Tôi hỏi đùa “Vậy chứ hồi xưa mình học 20% được không?” Họ nói “Không”. Tôi hỏi “Ai đưa chương trình mà ngu vậy? Dạy 100 xài có 20 vậy bỏ 80 kia được?” Họ nói “Không. Cái 80 đó nó làm nền cho cái 20 này cứng cáp mà đồng thời nó làm nền cho cái đầu của dược sĩ tốt hơn”. Mặc dù họ quên rồi họ không có xài nhưng 80 đó nó làm cái basic, cái background, làm cái nền cho dược sĩ. Cái đứa học rồi quên khác với đứa chưa từng học. Cái này nói tới nói lui hoài, các vị phải xâm nếu ai đó tin lời tôi thì phải xâm cái này:

HỌC RỒI MÀ QUÊN HOÀN TOÀN KHÁC VỚI CHƯA TỪNG BIẾT QUA.

Đây là bài học rất là tiểu học, rất là sơ đẳng. Cho nên đừng vì một lời rù quến của ai đó cho rằng tu là không học giáo pháp đặc biệt là né A tỳ đàm. Không học nó khác. Cứ học rồi liệng qua một bên, vậy đó mà nó khác.

Trong room này tôi nghĩ ai cũng tú tài chứ đâu phải dốt đâu. Các vị mới học lớp 5 cũng phải hiểu cái điều tôi nói nữa. Từ lớp 1 tới lớp 5 mình học bao nhiêu chuyện mà mình đi vào đời mình xài cái gì? Phần lớn vào đời mình chỉ còn lại cộng trừ nhân chia chứ còn ba cái số âm, số dương, đẳng thức mình đâu có xài phải không. Đa phần đời sống mình chỉ cộng trừ nhân chia, nhưng cái đứa mà nó học hết trung học cái đầu nó khác.

Tôi học 400 món ăn mà tôi thường chỉ nấu cho ông xã 6, 7 món thôi như vậy tôi với cái bà nhà quê kia giống nhau hay sao? Tôi học và biết nấu 400 món ít ra trong đầu của tôi nhận thứ của tôi về 6 món này nó khác với người chỉ biết đúng 6 món. Người chỉ biết đúng 6 món não trạng của họ về nấu nướng ẩm thực không giống với người đã học 400 món mà quên sạch. Thấy vậy chứ nó có cái nền rất là vô hình vô tướng.

Chúng ta phải biết thế này:

CỨ MỖI MỘT CÁI BIẾT, MỖI MỘT KIẾN THỨC CÓ ĐƯỢC TRONG ĐẦU CỦA MÌNH THÌ NÓ LẶNG LẼ LIỆNG MỘT CÁI NGU RA.

Cứ hễ có một cái biết thì nó liệng một cái ngu ra mà mình không biết cái ngu đó là cái ngu gì. Chỉ cần các vị biết cây cỏ mực chữa được bệnh xuất huyết nội thí dụ vậy, khi mình biết được chuyện đó là mình bỏ thêm một cái ngu ra, vì hồi xưa mình không biết cỏ mực để làm cái gì còn bây giờ mình biết rồi. Thí dụ mình biết trong các phương cách tốt nhất để chữa bệnh sỏi thận thì mỗi chỗ nói tùm lum hết nhưng mình chỉ nhớ một cách căn bản là uống nhiều nước, tránh thịt động vật, animal protein, tránh những thứ rau cải có oxalat cao, mình nhớ chừng chừng như vậy. Còn ngoài ra mình không cần nhớ chi tiết, chỉ nhớ uống nước nhiều, tránh thực phẩm có oxalat, tránh animal protein. Chừng đó thôi. Chứ còn chuyện ngày xưa các vị ghi có bao nhiêu thức ăn có oxalat nhiều, trong animal protein gồm có cái gì, ngày xưa mình học chi tiết lắm bây giờ quên sạch nhưng mà nó là cái nền cho người tránh bệnh sỏi thận. Giáo lý phải học, nha. 1:01:10

Tôi nhắc lại,

1/ Học cái gì cũng phải coi cái học này có đưa vào ứng dụng hành trì được hay không?

2/ Cái hành trì đó có dẫn đến cứu cánh buông bỏ hay không?

Và lúc nãy tôi có cho bà con nghe bài kinh Thuốc xổ. Đức Phật Ngài dạy rằng “Ở đâu có Chánh kiến thì ở đó tà kiến bị xổ ra”. Trong Kinh trung bộ Đức Phật có dùng hình ảnh rất đẹp, Ngài nói pháp tu giống như cây nêm, muốn lấy một cái vật trong mộng ra thì dùng cây nêm mình gõ vào trong đó để nó văng cái kia ra. Phụ nữ không có làm mộc thì không biết, bà con ở hải ngoại lâu quá không biết có biết cái đó không. Đó là cây nêm của thợ mộc, khi cần lấy cái gì ra thì mình lấy cây nêm chọc vô đó thì nó văng cái kia ra. Tu hành là mình chỉ sử dụng một cách thành thạo mấy cây nêm đó.

Tôi chốt lại bài giảng hôm nay, sự nghiệp của thế gian là huân tập, là tích lũy, là chất đống. Còn trong Phật Pháp, tất cả công đức, kiến thức trí tuệ, thiền định, hạnh lành nói chung chúng ta chỉ dùng nó như những phương tiện chứ nó không phải là cứu cánh. Cứu cánh cao nhất của đạo Phật là KHÔNG CÓ Ý MUỐN ĐỂ NẮM VÀ CŨNG KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ NẮM. Đó là sự nghiệp lớn nhất của đạo Phật. SỰ NGHIỆP LỚN NHẤT CỦA ĐẠO PHẬT LÀ KHÔNG CÒN GÌ ĐỂ GỌI LÀ SỰ NGHIỆP.

Sự nghiệp thế gian là cái gì đó mình phải thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ chạm, suy tư tưởng tượng. Còn đạo Phật, sẽ có một ngày chúng ta thấy rằng trên đời không còn gì để đáng gọi là sự nghiệp và bản thân mình cũng không muốn sở hữu thành tựu một sự nghiệp nào hết. Như có lần tôi nói CÁI VẤN ĐỀ LỚN NHẤT CỦA CHÚNG TA LÀ KHÔNG BIẾT VẤN ĐỀ CỦA MÌNH NÓ NẰM Ở ĐÂU.

Đây là những câu mà tôi cho rằng bà con bắt buộc phải nhớ. Tôi mệt rồi, tôi nghĩ trước 15 phút. Chúc bà con một ngày vui và hẹn lại lần sau.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua ứng dụng Zoom năm 2020. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app