Tinh Tấn

TINH TẤN

(Suy nghĩ đến sự khổ ở bốn ác đạo)

“Dầu chỉ sống trong một ngày mà tích cực hành thiền còn hơn sống trăm năm mà thiếu nỗ lực”

Chú giải có ghi rõ mười một cách để phát sanh tinh tấn.

⑴ Suy nghĩ đến sự khổ ở bốn ác đạo.
⑵ Suy nghĩ đến những lợi ích của tinh tấn.
⑶ Suy Nghĩ Ðến Những Bậc Giác Ngộ Ðã Ði Trên Con Ðường Này.
⑷ Nhớ Ơn Người Khác Ðã Giúp Ðỡ Ta
⑸ Suy Tư Ðến Việc Nhận Lãnh Di Sản Cao Thượng
⑹ Suy Tưởng Ðến Ân Ðức và Năng Lực của Ðức Phật
⑺ Suy Nghĩ Ðến Sự Vĩ Ðại Của Giòng Dõi Chúng Ta
⑻ Suy Tưởng Ðến Sự Cao Quí Của Bạn Ðạo
⑼ Tránh Xa Người Biếng Nhác
⑽ Làm Bạn Với Người Siêng Năng Tinh Tấn
⑾ Kiên Trì Hướng Tâm Vào Việc Phát Triển Ðức Tinh Tấn

Dưới đây là lời giáo huấn của Thiền Sư U Pandita trong cuốn “Ngay Trong Kiếp Sống Này ” (In This Very Life) về vun bồi phẩm hạnh tinh tấn thông qua việc

SUY NGHĨ ĐẾN SỰ KHỔ Ở BỐN ÁC ĐẠO

“Khi bạn rơi vào sự lười biếng, hãy suy tư đến những cảnh đáng sợ ở bốn ác đạo (Địa ngục – Súc sinh – Ngạ quỉ – Atula), hay apaya. Apa- có nghĩa là thiếu, hay không có. Aya, có nghĩa là nghiệp tốt dẫn đến an vui hạnh phúc, đặc biệt chỉ những hạnh phúc an vui ở cõi người, cõi trời, cõi phạm thiên và Niết Bàn. Như vậy, apaya có nghĩa là nơi thiếu hạnh phúc, thiếu an vui.

Thế nên, nếu bạn không hành thiền, bạn sẽ rơi vào khổ cảnh. Nơi đó, bạn sẽ không có cơ hội để làm điều thiện. Có bốn cảnh khổ, nhưng cảnh dễ quán sát nhất và hiện rõ nhất trước mắt bạn là cảnh súc sanh. Hãy xét xem những sinh vật trên mặt đất, dưới biển cả và trên không. Chúng có thể làm được điều thiện không? Chúng có thể làm được những điều mà chẳng ai khiển trách không?
Súc sanh sống trong mờ tối của ảo tưởng. Chúng bị si mê che ám không hiểu rõ, không thấy rõ mọi sự. Côn trùng chẳng hạn. Chúng chẳng khác nào những bộ máy được hoạch định sẵn bởi những cơ cấu vật chất, làm những tác động không có được một chút khả năng lựa chọn, học hỏi, hay hiểu biết. Phần lớn súc sanh có tiến trình tâm hạn chế trong việc sinh tồn và truyền giống.
Trong thế giới của súc sanh, cá tánh riêng biệt thật đơn giản. Chúng vừa là kẻ sát hại, vừa là nạn nhân. Ðó là một thế giới đầy hung bạo, cá lớn nuốt cá bé. Hãy nghĩ đến nỗi sợ hãi và vọng tưởng trong tâm của chúng sanh trong những điều kiện bất nhân, tàn nhẫn, thiếu tình thương này. Hãy tưởng tượng đến nỗi đau khổ và tuyệt vọng của chúng sanh bị chết dưới móng vuốt của chúng sanh khác. Chết trong đau đớn tận cùng. Làm sao súc sanh có thể tái sanh vào một kiếp sống tốt đẹp? Tâm lúc chết qui định cuộc sống tương lai, nhưng làm sao súc sanh có thể thoát khỏi sự sợ hãi luôn luôn có mặt trong chúng?
Súc sanh có thể làm việc nghĩa không? Chúng có thể giữ giới được không? Chúng có thể sống đời sống đạo đức không? Nói chi đến việc hành thiền, làm sao chúng có thể làm được? Làm thế nào chúng hiểu cách kiểm soát và phát triển tâm cho đến lúc thuần thục? Thật là hãi hùng, thật là đáng sợ, khi nghĩ đến một đời sống trong đó chỉ chứa toàn là sự bất thiện.

Suy tưởng như thế sẽ giúp cho bạn tinh tấn: “Bây giờ ta là một thiền sinh. Ðây là cơ hội tốt. Tại sao ta lại phí thời giờ để lười biếng chế ngự? hãy tưởng tượng kiếp sau ta làm một con thú, ta sẽ không bao giờ phát triển được những yếu tố giác ngộ. Ta không được phung phí thì giờ. Ðây là lúc ta phải cố gắng”.

Trích: “Ngay Trong Kiếp Sống Này”, Thiền sư U Pandita, Tỳ kheo Khánh Hỷ dịch

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app