Hãy Tự Mình Bước Đi Trên Đạo Lộ
Người đến một trung tâm thiền để học cách Minh sát (Vipassanã) phải hiểu rõ rằng bước đầu tiên là học cách quan sát một cách khách quan sự thực về hơi thở tự nhiên của chính mình.
Không thêm vào hơi thở tự nhiên bất cứ một từ nào ngay cả như một sự sơ xuất. Bạn có thể tập trung tâm và làm cho nó an tịnh nhờ lập đi lập lại một từ nào đó. Nhưng sự tích tụ các phiền não đang bùng lên ở bên trong, cũng như nó đã từng trước đây. Bất cứ lúc nào, những ngọn núi lửa đang ngủ ngầm này cũng có thể phụt lên và áp chế tâm khiến cho bạn khốn đốn.
Do đó, người muốn trừ tiệt những phiền não ở mức sâu kín của tâm không nên dùng một từ nào cả. Trong các loại thiền khác, việc dùng một từ (để tập trung tâm) có lợi ích riêng của nó, nhưng không thể trừ tiệt những phiền não ở chỗ sâu kín của tâm.
Bạn có thể lập đi lập lại một từ để tập trung tâm, cũng như một bà mẹ hát một bài hát ru em để dỗ cho đứa bé ngủ vậy. Bà ta cứ lập đi lập lại lời ru và đứa trẻ rơi vào giấc ngủ. Theo cách như vậy, khi một từ được lập đi lập lại, tâm sẽ trở nên ổn định trên từ ấy. Nhưng từ này sẽ trở thành một chướng ngại trong việc quan sát khách quan sự thực trong sát na hiện tại.
Sở dĩ tôi có thể hiểu được chướng ngại này là vì chính bản thân tôi trước đây đã hành thiền với sự giúp đỡ của những từ. Điều này cũng đã được xác nhận bởi kinh nghiệm của những người khác từng đương đầu với những chướng ngại như vậy. Một vị thánh Ấn Độ, Kabir đã nói những điều tương tự. Khi người ta liên tục thiền với sự trợ giúp của một từ nào đó, thì một tiếng vọng sẽ phát sanh từ bên trong được gọi là ajapa japa (bài ca không hát). Tiếng vọng này mang hình thức của một sợi dây tinh tế và sợi dây tự nó trở thành một chướng ngại trong việc thẩm sát sự thực của vũ trụ bên trong. Do đó, người ta không thể nào đạt đến sự thực cùng tột, vượt ra ngoài tâm và vật chất. Kabir nói, “Taga tuta, nabha mem vinasaga sabad ju kaham samayi re”. – Dây (tơ) đã đứt; nó không thể nào vương vấn trong vũ trụ (bên trong thân). Sao một từ thô như vậy lại có thể còn lưu!
Vì lý do đó, bạn không nên dùng bất kỳ đối tượng nào sẽ trở thành một chướng ngại cho tiến bộ tương lai trên đạo lộ này. Bạn phải biết sự thực về chính con người của bạn ở mức kinh nghiệm: về thân và tâm của bạn, và về sự tương tác giữa thân và tâm này; cũng như về sự sanh, sự tăng trưởng và sự trừ diệt của những phiền não trong tâm. Bạn phải quan sát sự thực đúng như nó là, chính xác như nó là. Chỉ khi ấy, bạn mới duy trì được sự tiến bộ.
Tiến trình của việc thở (hô hấp) liên quan đến cả hai: thân và tâm. Nhờ quan sát việc thở một cách khách quan, sự thực liên quan đến thân và tâm sẽ trở nên càng lúc càng rõ rệt hơn.
Ban đầu có thể có những khó khăn. Người muốn trừ diệt những phiền não ở sâu trong tâm chắc chắn sẽ phải đương đầu với những khó khăn này. Tâm thật là bất an, thật là chao đảo, chẳng những ở mức bề mặt mà ở cả chiều sâu nữa. Giống như một con khỉ, cái tâm viên, ý mã (mokey-mind, tâm như con khỉ) này cứ liên tục nhảy lên cành này sang cành khác. Vừa mới bỏ cành này, nó đã chụp cành khác. Thật là kích động, thật là rối ren, thật là đau khổ. Tâm hoang dã cần phải được thuần hoá. Và bạn phải làm công việc này một cách kiên nhẫn.
Công việc này cũng tựa như công việc thuần hoá một con thú hoang dã, như một con trâu hoang hay voi hoang vậy. Để thuần hoá một con vật hoang, một người có trí và kinh nghiệm sẽ làm việc một cách rất nhẫn nại và kiên trì, vì con vật hoang không trở nên thuần ngay khi bạn bắt đầu công việc. ở nhà, bạn không làm công việc này một cách liên tục được. Cũng như bạn không thể nào kiên nhẫn làm công việc này bất chấp khó khăn vì không có thầy chỉ dẫn thích hợp. Nhưng khi bạn tham dự một khoá thiền ở một trung tâm Minh sát, bạn có thể làm việc liên tục bất chấp những khó khăn, bạn nhất mực vận dụng mọi nỗ lực để thuần hoá tâm.
Không thể làm cho tâm trở nên hoàn toàn an định và thoát khỏi mọi phiền não ngay khi mới bắt đầu thực hành được. Tâm sẽ lang thang liên tục. Và khi nó lang thang, nó sẽ bị tham ái làm cho yếu đi, bị sân hận làm cho yếu đi. Do điều này, người hành thiền càng lúc càng trở nên bối rối hơn. “Ôi, tâm ta đang mang là loại tâm gì thế này? Nó đầy ắp tham ái, đầy ắp sân hận. Nó hoàn toàn không chịu ở yên trong hiện tại. Thầy ta nói rằng ta phải sống trong hiện tại, nhưng tâm là hoàn toàn không dừng lại trong hiện tại. Thật là khổ sở”. Thế là bạn mất kiên nhẫn. Bạn mất thái độ xả. Bạn mất sự quân bình của tâm.
Làm thế nào công việc có thể tiến triển được? Bạn phải thực hành một cách thật nhẫn nại. Nếu tâm lang thang hay phóng đi, bạn chấp nhận thực tại hiện tiền rằng nó đã phóng đi. Nếu tâm đầy tham ái, bạn chấp nhận thực tại hiện tiền rằng tâm đang đầy tham ái. Bạn chấp nhận hoàn toàn: “Sát na này, tâm ta đầy tham ái” hoặc “sát na này tâm ta đầy sân hận”. Như vậy, bạn tiếp tục quan sát trạng thái của tâm, đúng như nó là. Bạn quan sát hơi thở tự nhiên, một cách vô tư, khách quan, không có bất kỳ sự đồng hoá cá nhân nào cả. Một điều gì đó đã xảy ra ở mức tâm hay vật lý, và bạn hiểu: “Ta đang quan sát”. Bạn cứ làm việc theo cách này. Khi bạn tiến bộ hơn, bạn sẽ đạt đến giai đoạn ở đây cái “ta” này sẽ biến mất, cái “đang quan sát” này cũng sẽ biến mất. Một điều gì đó đã xảy ra và bạn hiểu, “Nó đã bị quan sát”. Không có người quan sát, chỉ có sự quan sát khách quan mà thôi.
Patanjali, một nhà hiền triết Ấn Độ sống sau đức Phật vài thế kỷ, do ảnh hưởng của thiền Minh sát, đã nói, “Drasta drsĩmatra”- trong cái thấy chỉ là cái thấy. Sau đó, sự quan sát khách quan này cũng chấm dứt, và cái biết đơn thuần còn lại ở mức kinh nghiệm trực tiếp. Cái biết này là chánh kiến (sammã ditthi). Sự kiện này đưa hành giả đến giai đoạn cuối cùng của sự giải thoát viên mãn.
Ban đầu, bạn phải trải qua nhiều khó khăn. Khi một con trâu hoang hay một con voi hoang đi vào chỗ cư trú của con người, nó gây ra rất nhiều tai hại, rất nhiều tàn phá, rất nhiều nỗi kinh hoàng. Nhưng sau khi bạn đã thuần hoá được con vật hoang dã này, nhờ làm việc một cách rất nhẫn nại, nó sẽ có ích vô cùng. Toàn bộ sức mạnh của nó lúc này được sử dụng một cách kiến tạo.
Tâm này mạnh hơn cả ngàn con voi. Khi nó huỷ diệt, nó gây tổn hại hơn cả ngàn con voi hoang. Nhưng cũng cái tâm này, khi đã được thuần hoá, sẽ phục vụ được nhiều hơn cả ngàn con voi thuần. Một cái tâm đã thuần thục đem lại nhiều hạnh phúc. Nhưng bạn phải làm việc rất nhẫn nại.
Một người hành thiền cũng sẽ hiểu rằng, “Ta phải tự mình làm công việc này. Đó là trách nhiệm của ta”. Điều này không xuất phát từ chủ nghĩa vị kỷ. Đôi khi, do kỹ thuật Minh sát này đã mất khỏi ấn Độ trong một thời gian quá lâu nên một số người không còn hiểu kỹ thuật này một cách đúng đắn và đâm ra chỉ trích nó. Họ xem cái ý niệm về giải thoát tự thân nhờ loại trừ phiền não như chủ nghĩa vị kỷ. ồ không! Kỹ thuật thiền này sẽ đưa người ta đến giai đoạn ở đó cái tôi hoàn toàn giải thể và chỉ còn vô ngã (anattã). ý niệm về “tôi”, “của tôi”, “linh hồn của tôi” sẽ chấm dứt.
Giải thoát tự thân không phải là chủ nghĩa vị kỷ mà là một trách nhiệm, cũng như bạn phải tắm mỗi buổi sáng vì có trách nhiệm giữ cho thân bạn được sạch sẽ vậy. Ai khác sẽ làm điều đó (cho bạn?). Có phải do tắm rửa hàng ngày mà người ta khoa trương cái tôi không? Vấn đề khoa trương cái tôi này nằm ở đâu? Đó là trách nhiệm cá nhân của mỗi người. Nếu thân thể dơ bẩn, nó sẽ trở nên bệnh hoạn. Do đó, muốn cho thân không bệnh, bạn phải tắm nó. Tương tự, tâm đã trở nên bất tịnh. Ai đã làm cho tâm bất tịnh? Đó là trách nhiệm cá nhân của bạn. Bạn đã làm cho tâm bất tịnh vì vô minh, vì bạn không có sự hiểu biết đúng đắn. Giờ đây công việc làm sạch nó là trách nhiệm của bạn. Bạn phải tự mình làm công việc đó; không ai khác có thể làm điều đó thay bạn.
Con người luôn luôn bị ảo tưởng, “Tôi vô cùng bất lực, tôi rất yếu đuối, làm sao tôi có thể giải thoát được chứ? Đấng nào đó sẽ đoái thương đến tôi. Đấng nào sẽ giải thoát tôi vì lòng bi mẫn”. Một người tự dối mình như vậy cần phải hiểu, “tại sao đấng cứu độ phải giải thoát cho một mình ta? Ta là một người đặc biệt chăng? Chỉ vì ta đã trở thành một chuyên gia ca tụng giả dối mà đấng toàn năng sẽ giải thoát cho ta chăng? Tại sao đấng cứu độ phải giải thoát cho mình ngươi chứ? Cả thế gian đầy rẫy khổ đau, ấy vậy mà ngài không giải thoát được ai cả. Điều đó rõ ràng rằng mỗi người phải tự giải thoát cho mình bằng cách loại trừ phiền não trong tâm. Mỗi người đã thắt những cái gút bên trong, và những cái gút ấy phải được gỡ bằng chính nỗ lực của họ.
Một bực nào đó đầy lòng từ bi có thể chỉ đường cho chúng ta. Đức Phật, bậc đã đạt đến giai đoạn giải thoát nhờ bước đi trên đạo lộ, sẽ chỉ lại con đường này. Nhưng chúng ta phải tự mình thực sự bước đi trên đạo lộ ấy. Chúng ta phải đi hết đạo lộ bằng chính từng bước chân của mình. Lúc khởi đầu, một người nào đó có thể vì lòng bi mẫn mà nói, . “Hãy nắm tay tôi mà đi!”. Người nào đó có thể đi cùng chúng ta trong một lúc, nhưng chúng ta vẫn phải tự mình bước đi trên đạo lộ. CHúng ta càng loại bỏ được cái ảo tưởng rằng một bậc nào đó sẽ cõng chúng ta trên lưng đến đích cuối cùng sớm chừng nào, chúng ta càng được lợi ích nhiều chừng ấy.
Sao lại có một mãnh lực vô hình nào có thể tạo ra những phiền não trong tâm của mọi chúng sinh để làm cho họ đau khổ được? Con người đã tự mình tích luỹ những phiền não, họ phải tự mình loại bỏ những phiền não ấy. Một bậc nào đó có thể vì lòng từ bi chỉ đường cho chúng ta. Như đức Phật dạy:
“Tumhe hi kiccam ãtappam, akkhãtãro tathãgqtã”.
Ngươi hãy tự nỗ lực (làm công việc của mình); Các đấng Như lai chỉ dẫn đường (đạo lộ).
Đức Phật có thể chỉ cho chúng ta con đường vì tự thân Ngài đã đi trọn con đường ấy và đã đạt đến đích cuối cùng. Đó là lý do tại sao Ngài trở thành đấng Như lai (Tathãgatã: bậc giác ngộ). Vì lòng bi mẫn đối với chúng sinh đang đau khổ, Ngài đã ân cần giải thích cho mọi người biết rằng chính trách nhiệm của họ là phải bước trên đạo lộ đi đến giải thoát. Bạn càng sớm hiểu ra rằng bạn phải tự mình bước đi trên đạo lộ, bạn sẽ là người càng may mắn hơn. Người nuôi hy vọng rằng đấng nào đó sẽ giải thoát cho họ vì họ quá bất lực sẽ chẳng bao giờ bước trên đạo lộ. Mỗi người phải tự mình nỗ lực. Sẽ có nhiều khó khăn và chướng ngại trên đạo lộ. Có thể bạn phải vấp ngã nhưng bạn sẽ cố gắng đứng dậy và khởi sự bước đi trở lại cho tới khi đạt đến giai đoạn giải thoát mới thôi.
Trong kinh điển có ghi lại một sự kiện:
Lúc đức Phật trú tại Savatthi (Xá vệ), kinh đô nước Kosala (Kiều tất la), một thành phố đông dân nhất ở Ấn Độ ngày ấy. Các vị sư và tu nữ cũng như các nam nữ cư sĩ thường đến chỗ Ngài ở để nghe pháp và học thiền. Có số người chỉ đến nghe pháp nhưng không hề áp dụng những lời dạy của Ngài vào thực hành. Một người trong số ấy một hôm đến sớm và gặp đức Phật đang ở một mình. Anh ta tiến đến và nói, “Bạch Ngài, con có một vấn đề thường khởi lên trong tâm. Con ngại không dám hỏi trước mặt những người khác. Hôm nay con vô cùng hoan hỉ là Ngài ở một mình. Nếu Ngài cho phép, con xin được hỏi”.
Đức Phật trả lời, “Không nên để có những hoài nghi nào trên đạo lộ của Pháp (Dhamma); hãy làm sáng tỏ những hoài nghi ấy. Câu hỏi của ông là gì?” – “Bạch Ngài, con đã đến trường thiền của ngài trong nhiều năm rồi, và con để ý thấy rằng rất nhiều người cũng đến với Ngài. Một số trong họ, theo con thấy, chắc chắn đã đạt đến giai đoạn cuối cùng và đã giải thoát viên mãn. Con cũng thấy rằng những người khác tuy chưa được giải thoát hoàn toàn nhưng đã kinh nghiệm được một sự chuyển đổi lớn lao trong cuộc sống của họ. Nhưng bạch Ngài, có những người, kể cả con, hoàn toàn không thay đổi gì cả. Họ vẫn y như trước đây họ là vậy.
Điều này là sao, bạch Ngài? Một người đi đến Ngài, một bậc đại nhân đầy quyền năng và lòng bi mẫn. Họ quy y nơi Ngài và tuy vậy vẫn không có sự chuyển đổi nào nơi họ. Sao Ngài không dùng tất cả uy lực và lòng bi mẫn của Ngài để giải thoát cho tất cả?”.
Đức Phật mỉm cười. Đây là những gì Ngài đã giải thích mỗi ngày, nhưng nếu người nào đó không muốn hiểu, thì có thể làm gì được? Ngài cố gắng giải thích lại. Ngài có những cách giải thích khác nhau. Có khi Ngài sẽ giải thích bằng cách hỏi ngược lại.
“Ông từ đâu đến?”
“Bạch Ngài, Savatthi”.
“À, nhưng diện mạo và giọng nói của ông cho thấy rằng ông không phải là người vùng này. Ông từ nơi nào khác đến định cư ở đây thì phải?”.
“Ngài đoán đúng, bạch Ngài. Con từ kinh đô Rajagaha (Vương Xá thành) của nước Magadha (Ma Kiệt Đà). Con đến định cư ở Savatthi mới vài năm trước”.
“Thế ông đã cắt đứt mọi quan hệ với Rajagaha sao?”.
“Thưa không, bạch Ngài. Con vẫn còn bà con và bạn bè ở đó. Con còn công việc ở đó. Hàng năm con đi đi về về giữa Rajagaha và Savatthi nhiều lần”.
“Sau khi đã đi lại nhiều lần con đường từ đây đến Rajagaha, chắc chắn ông phải biết rất rành con đường phải không?”.
“Ồ thưa vâng, bạch Ngài, con biết nó rất rõ”.
“Và bạn bè của ông, những người biết ông rành rẽ, chắc cũng phải biết rằng ông từ Rajagaha và đến định cư ở đây? Họ cũng phải biết rằng ông thường xuyên đến thăm Rajagaha và ông biết rành con đường từ đây đến Rajagaha chứ?”.
“Vâng, bạch Ngài, tất cả những người thân thiết với con đều biết rằng con từ Rajagaha và rằng con biết đường đến Rajagaha rất rành rẽ”.
“Vậy thì, nếu có ai trong họ muốn ông giải thích con đường từ đây đến Rajagaha, ông có giấu diếm điều gì không, hay ông sẽ giải thích cho họ rõ ràng về con đường?”.
“Bạch Ngài, sao con lại phải giấu diếm nó? Con sẽ giải thích cho họ với hết khả năng của con: hãy đi về hướng đông từ ở đây và bạn sẽ đến đô thị Varanasi. Tiếp tục đi tới cho đến khi gặp Gaya. Đi thêm nữa bạn sẽ đến Rajagaha”.
“Và có phải tất cả những người mà ông giải thích rõ về con đường này đều đến được Rajagaha không?”.
“Sao lại có thể được bạch Ngài? Chỉ những người đi hết con đường mới đến Rajagaha thôi”.
“Đây là những gì ta muốn giải thích cho ông. Những người đi đến ta, họ biết rằng ta là người đã đi trên đạo lộ đến Niết Bàn và vì thế biết con đường ấy rất hoàn hảo. Họ hỏi ta về đạo lộ. Sao ta lại phải giấu nó? Ta giải thích cho họ một cách rõ ràng:
“Đây là đạo lộ. Trên đạo lộ này các người sẽ gặp những trạm này, các người sẽ trải qua những kinh nghiệm này. Đi thêm nữa, các người sẽ đến giai đoạn giải thoát, các người sẽ kinh nghiệm Sự Thực Tối Hậu.
“Ta giải thích đạo lộ rất rành mạch. Nếu người nào đó chỉ thoả mãn với lời giải thích của ta và đảnh lễ ba lần, nói lời “Sãdhu, sãdhu, sãdhu – lành thay, lành thay – Ngài đã giải thích rất tường tận, bạch Ngài. Nhưng không bước trên đạo lộ dù chỉ một bước, làm thế nào họ đạt đến mục tiêu cuối cùng được?
“Người bước đi trên đạo lộ, bước mười bước sẽ đến gần đích cuối cùng được mười bước; người bước một trăm bước sẽ gần hơn một trăm bước. Và người bước hết mọi bước sẽ đạt đến đích cuối cùng. Ngươi phải tự mình bước trên đạo lộ”.
Tất cả những ai đã khởi sự bước đi trên đạo lộ giải thoát, đạo lộ của Pháp thuần khiết, là đã bắt đầu bước đi trên đạo lộ của sự thanh tịnh tâm hoàn toàn. Họ đã bắt đầu bước đi trên đạo lộ của sự giải thoát hoàn toàn, đạo lộ dẫn đến hạnh phúc chơn thực, bình an chơn thực, hài hoà chơn thực, giải thoát chơn thực. Những ai bước đi trên đạo lộ của Pháp thuần khiết sẽ tìm được chơn hạnh phúc, chơn tịnh lạc, chơn hài hoà, chơn giải thoát khỏi mọi khổ đau của cuộc đời.
—o0o—
Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ