Tam Pháp Yếu – Tự Chịu Trách Nhiệm (you Are Responsible)

Tự chịu trách nhiệm (you are responsible)

Tất cả bản tánh con người, phần đông hầu hết đều qui trách nhiệm, đổ thừa, khiển trách người khác mỗi khi mình gặp phải những chuyện rủi ro tai hại hay gặp điều bất hạnh nào. Ít có khi nào con người nghĩ đến những sự bất hạnh buồn phiền ấy chính ta phải lãnh chịu trách nhiệm, chớ không nên đổ thừa cho kẻ khác. Những sự buồn phiền khổ não không phải là do nơi dòng giống truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác cho ta đâu, ta không nên nguyền rủa nó. Nó cũng không phải do nơi nguyên nhân tội lỗi của ông bà đưa lại để ám ảnh chúng ta. Nó cũng không phải do nơi một vị tạo hoá hay một vị ma vương nào tạo ra cho ta. Mà chính do ta đã tạo ra những sự buồn phiền đau khổ ấy. Thì ra chính ta đã tạo ra ngục thất hoặc sự tự giải thoát cho ta. Vậy chúng ta nên luyện tập gánh chịu thừa nhận trách nhiệm của đời mình và nên nhìn sự yếu hèn của mình mà không nên khiển trách đổ thừa cho kẻ khác. Nên nhớ câu phương ngôn rằng: “Người thiếu trí luôn luôn trách móc kẻ khác”. Người có trí thì tự nhiên khiển trách mình, người đã giác ngộ hay đầy đủ sự sáng suốt thì không trách ai cả. Như vậy nên học tập theo bậc đã giác ngộ để giải quyết trong mọi vấn đề là không nên khiển trách những kẻ khác. Nếu mỗi người tập lần tự sửa mình thì trên thế gian này không có sự rối ben phiền phức. Nhưng rất tiếc! Phần đông con người ít ai chịu cố gắng tự nhìn nhận hoàn cảnh của mình, mà trái lại họ ưa tìm đổ lỗi cho kẻ khác (chịu tội thay thế). Họ chỉ nhìn nguyên nhân sự buồn phiền đều do bên ngoài đem lại cho họ. Họ tránh né nhìn nhận sự ươn hèn của mình nên họ luôn luôn kiếm kẻ khác hay một nhóm người khác chịu tội thay thế cho họ. Tâm trạng con người thường tự đánh lừa rằng: “Mình không muốn đương đầu với sự yếu hèn của mình”. Nếu ngẫu nhiên họ bị đụng đầu với sự yếu hèn của họ, thì họ ráng cố gắng bào chữa sự hành vi của mình để tạo ra một ảo ảnh cho kẻ khác.

Đức Phật có nói: “Rất dễ thấy lỗi kẻ khác, nhưng thật rất khó mà thấy lỗi của mình”. Như vậy mình phải có can đảm để làm cho phát triển sự nhìn nhận tội lỗi khi mình gặp phải trường hợp sa vào cảnh yếu hèn. Mình phải nhìn nhận mỗi khi mình làm điều sai lầm và không nên theo gương của người thất phu vô trí thức luôn luôn qui lỗi cho kẻ khác. Và không nên dùng người khác chịu tội thay thế cho mình đó là một việc đáng khinh bỉ vậy. Ta phải nhớ rằng “có một đôi khi ta cũng có thể là người điên rồ đối với một vài người, nhưng không phải trong mọi người và mọi thời gian”.

Đức Phật có nói “người ác xấu không chịu nhìn nhận tội lỗi của mình, mới thật là người điên dại. Và người ác xấu mà biết nhìn nhận tội lỗi của mình thì thật là người trí tuệ tốt vậy”. Như vậy, ta phải đương đầu với sự ươn hèn của ta, không nên khiển trách kẻ khác. Ta phải chịu trách nhiệm mọi sự khổ não và khó khăn xảy đến cho ta. Ta phải hiểu rằng: “Chính tinh thần là giúp tạo điều kiện làm cho phát sanh những sự khó khăn, phiền muộn”. Bất luận lúc nào, bất luận chuyện chi xảy đến cho ta, ta phải vui lòng mà nhận lãnh các trách nhiệm ấy.

Ta phải chịu trách nhiệm đối với kẻ khác

Ta nên nhớ rằng tất cả điều chi xảy ra ta không thể bị tổn thương nếu ta biết gìn giữ tâm cho thăng bằng. Khi tâm ta bị tổn thương bởi thái độ tinh thần ta đem áp dụng giữa ta với kẻ khác. Như nếu ta tỏ thái độ thương mến những người khác thì ta sẽ thọ lãnh lại sự thương yêu trả lại. Còn nếu ta tỏ ra sân hận đối với họ thì họ sẽ cũng có thái độ sân hận đối trả lại cho ta, chỉ có bực thánh nhân mới không có thái độ ác xấu trả lại. Nên nhớ rằng không ai có thể làm hại tổn thương ta được trừ phi ta cho phép họ làm tổn thương ta.

Nếu người rầy la khiển trách ta và nếu ta thực hiện theo giáo pháp Đức Phật thì sự chân thật sẽ trả lại và bảo vệ ta khỏi điều khiển trách bất chánh ấy. Đức Phật có nói: “Bất luận ai hãm hại vu khống cho người lành trong sạch vô tội thì những điều tội lỗi xấu xa ấy sẽ trả lại cho người ấy chẳng sai, cũng như bụi trần bay trở ngược lại cho người ném nó đi ngược gió”. Nếu ta để cho kẻ khác được kết quả trong sự làm tổn thương ta thì chính ta phải chịu trách nhiệm.

Không trách ai — tự chịu trách nhiệm

Ta phải học tập gìn giữ tinh thần ta cho quen trong triển vọng rằng “tất cả sự việc xảy ra bên ngoài không thể nào làm lay chuyển hay mất thăng bằng đến tinh thần ta”. Ta sẽ là một bậc vĩ nhân, nếu ta bị dồn vào ngõ bí mà vẫn tươi cười.

Ta cũng không nên khiển trách những hoàn cảnh khi sự vật xảy ra sai quấy. Nhất là không nên đổ lỗi cho tại số phận, tại hên xui hay là tại sự ác xấu của một người nào làm ra. Không có một lý do nào mà ta cố ý trốn tránh trách nhiệm của ta. Ta phải ráng lãnh lấy trách nhiệm không hề đổ lỗi cho hoàn cảnh và ráng giải quyết các vấn đề mà không tỏ ra gương mặt chua chát. Trong khi gặp sự khó khăn, phải ráng vượt qua một cách vui vẻ mới thật là một cố gắng quí nhất trong các trường hợp. Phải đầy đủ sự can đảm để thay đổi trường hợp khi cần. Phải bình tĩnh để thọ lãnh những biến cố xảy ra mà không thể thay đổi hoặc tránh né được. Phải sáng suốt biết rõ sự khác biệt những sự khó khăn mà ta phải vượt qua.

Tự chịu trách nhiệm về sự thanh bình cho tinh thần

Ta phải học cách nào để bảo vệ cho tinh thần được an vui, yên lặng. Muốn bảo vệ tâm linh cho được thanh tịnh, ta phải biết lúc nào ta tự đầu hàng, lúc ta phải từ bỏ sự ngã mạn, lúc ta phải thắng phục sự lỗi lầm và có lúc ta phải thay đổi thái độ cứng rắn hoặc sự cố chấp sai lầm của ta. Ta tự để cho người khác đoạt đi sự thanh tịnh của tâm ta hay là chính ta tự bảo tồn cho nó yên lặng.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app