Khoan dung nhẫn nại và sáng suốt

Một điều ta nên hiểu biết rằng “ta lúc nào cũng phải chịu tất cả trách nhiệm của sự buồn phiền đến cho ta”. Một điều nữa ta nên nhớ là “ta phải ráng thắng phục vượt qua tất cả những sự trở ngại và buồn phiền ấy đến cho ta trong mọi trường hợp”. Ta nên tập cách nào để sử dụng những người ác làm khổ cho ta. Họ cũng là con người, họ cũng có thể trở nên người có đạo đức. Vậy thì ta nên cố gắng làm cách nào để sửa đổi hoặc hướng thiện họ thay vì ta bỏ rơi họ. Nếu ta đủ nghị lực để chịu đựng ảnh hưởng xấu xa của họ thì càng tốt, không lý do gì mà ta xa tránh không cộng sự với họ. Do sự hợp tác cộng sự với họ ta có thể làm cho họ bị ảnh hưởng tốt của ta mà có khi họ sẽ trở nên lương thiện. Nên nhớ rằng “ta phải sáng suốt gìn giữ trong khi hợp tác với kẻ khác và ráng làm cho họ bị ảnh hưởng điều lành. Đó là người sáng suốt biết giữ mình vậy.

Ta phải hiểu rằng “nếu có một người nào làm điều sái quấy đối với ta do sự ngu si và hiểu lầm của họ, đó là đúng lúc để ta tỏ ra sáng suốt, có học thức, có độ lượng và cũng là nền tảng đạo đức của ta vậy. Dùng để làm gì nếu ta không đem ra áp dụng để tỏ ra người có học thức và đạo hạnh đúng khi ta cần dùng đến? Khi có người vu khống hoặc làm xấu đến ta, ta phải thừa dịp lấy hành vi ác xấu của họ mà diệt trừ những điều phiền não và phát huy nền đạo cho ta và được thực hành sự rộng lượng khoan hồng, nhẫn nại và sự sáng suốt của ta. Ta phải hiểu biết áp dụng những tài năng này thì nó sẽ làm cho giải bớt sự khốn khổ, đau thương và buồn phiền của gánh nặng đời ta. Có một đôi khi ta cũng phải đương đầu với một vài người mà họ cố ý làm cho ta mất sự khoan hồng, nhẫn nại và sáng suốt. Đó thật là đúng lúc để cho ta tỏ ra sáng suốt và trí tuệ vậy. Luôn luôn ta nên nhớ sự khoan hồng, nhẫn nại và sáng suốt có mãnh lực phi thường để thắng kẻ địch của ta và cũng làm cho họ ăn năn lãnh hội sự sái quấy của họ.

Nên thứ lỗi và lãng quên

Ta nên hiểu rằng nếu ta vì buồn phiền mà trả thù lại đến người hại ta thì ta lại càng thêm sự rắc rối khó khăn cho vấn đề ấy nữa. Và ta nên nhớ rằng “nếu ta không chế ngự được sự hành vi và cảm giác thù hằn thì cả hai, ta và kẻ nghịch, cũng đều có hại và bị khổ sở in nhau. Mà muốn được trả thù thì trước ta đã tạo lòng sân hận cho ta rồi. Sự oán hận này ví như món thuốc độc mà ta đã chích nó vào người ta và kế đó ta mới chích cho người nghịch ta vậy. Như trước khi ta ném phân bò vào người thì ta phải bị phân bào làm nhơ bẩn ta rồi, cũng như phương ngôn có câu “hàm huyết phún nhơn tiêu ô kỷ khẩu” là ngậm máu phun người trước phải nhơ miệng mình. Như vậy thì sự hành vi của ta không khác nào kẻ điên dại, thì ta có khác nào kẻ ác kia. Bằng cách sân hận kẻ khác, ta chỉ thêm sức lực cho họ nhưng ta cũng không giải quyết được vấn đề gì. Nếu ta sân hận đối với người khác mà họ không sân hận chỉ trả lại ta bằng sự mỉm cười thì chính ta là người đã thua trận rồi vậy. Vì họ không cộng sự với ta để làm cho thoả mãn sự sân hận của ta, thì họ là người toàn thắng ta vậy. Đức Phật có nói “Hạnh phúc thay! Ta sống không sân hận giữa người sân hận”. Lẽ tự nhiên ta không thể đầy đủ nghị lực để thương mến người nghịch ta, nhưng vì lý do sức khoẻ và hạnh phúc của ta, ta phải luyện tập cách nào tối thiểu cho sự dung thứ và lãng quên những điều ác của họ. Do sự không sân hận và nguyền rủa đến kẻ nghịch sự hành vi ấy của ta cũng như bậc trí tuệ và thánh nhân vậy. Muốn được hành vi cao thượng như vậy, ta phải hiểu rằng “họ vì bị chất độc của sự tham lam, sân hận, ganh tị và si mê ám ảnh mà họ phải hành vi ác xấu như thế. Đức Phật một lúc nọ có nói “người ác không phải bởi bản tánh tự nhiên ác xấu, sở dĩ họ làm ác là vì do sự vô minh mờ tối của họ mà ra. Vì sự vô minh của họ mà ta không nỡ nguyền rủa hoặc kết án họ phải bị khổ sở đời đời. Trái lại, ta phải cố gắng sửa sai họ, phải tìm phương giảng giải cho họ hiểu là sái quấy”. Với sự hiểu biết như vậy, ta có thể đối đãi với người ác xấu như một bịnh nhân đang đau khổ vì bịnh hoạn của họ. Nếu ta có thể làm cho nguyên nhân bịnh tật ấy bớt đi thì người bịnh sẽ mạnh lành và sẽ được an vui hạnh phúc. Nếu có người ác xấu làm khổ đến ta vì sự si mê và hiểu lầm của họ thì đúng lúc ta phải rải lòng từ bi, bác ái đến họ. Rồi có ngày nào đó họ sẽ thức tỉnh sự sai lầm và sẽ bỏ hẳn những điều sái quấy ấy. Như vậy ta có một dịp tốt để cho họ trở nên người lương thiện.

Đức Phật có nói “oán hận không khi nào dứt bỏ được bằng lòng sân hận, mà nó chỉ diệt tắt được bằng lòng từ bi mà thôi, đó là cổ luật lâu đời vậy”. Nếu ta có thể rải lòng từ bi, bác ái đến kẻ nghịch của ta thì họ không bao giờ làm hại ta được. Chỉ có phương pháp này mới giúp ta thành tựu được sự khuây khoả cho tinh thần và thể xác. Nếu có người ác xấu càng làm hãm hại ta thường xuyên thì ta phải tỏ ra sáng suốt để sửa chữa họ trong mỗi khi họ hành động sai lầm. Ta nên noi gương theo Đức Phật luôn luôn lấy tốt trả lại cái xấu của họ.

Đức Phật có nói “càng có nhiều sự ác xấu đến cho ta thì càng làm cho ta được sán lạn nhiều sự tốt”. Có người nghĩ rằng “khó mà lấy lành trừ dữ”. Nhưng phải ráng cố gắng và sẽ tự thấy kết quả thế nào. Nếu ta cảm thấy rất khó mà làm phải đến kẻ ác xấu thì ta cũng còn một việc quan trọng giữa ta và kẻ khác là không nên “lấy thù mà trả thù” là nên bỏ quên vậy.

Chúng ta đều là con người

Tất cả con người trong nhân loại đều yếu hèn và đều bị sai lầm, ở trong căn bản của sự tham lam, sân hận và si mê. Những sự yếu hèn này có trong tất cả con người tuỳ theo trình độ tiến hoá của mỗi người, trừ phi các bậc được hoàn toàn trong sạch như bậc A-la-hán. Chúng ta thử nhìn vào sự yếu hèn của con người si mê, bởi vì họ bị màng vô minh bao bọc không cho thấy rõ sự thật của chân lý là đời người phải ở trong sự đau khổ, khó khăn và tối tăm. Do nơi sự vô minh ấy mà họ tự tạo ra sự đau khổ rồi lại chia sớt sự đau khổ ấy cho kẻ khác tiếp chịu với họ. Những khốn khổ và buồn phiền đến cho họ vì họ đã vay nên họ phải trả lại vì nó ẩn tàng trong thể xác này mà họ tin tưởng rằng “có một cái ta hay một linh hồn ẩn náu trong đó. Đã là con người thì phải bị lầm lạc bởi vì sự yếu hèn và vô minh. Trong đời này, không có ai là hoàn toàn (chỉ trừ bậc Thánh nhân) mỗi người đều có bị phạm những điều tội lỗi vì vô ý hoặc cố ý. Như vậy ta thể nào dám tự cho rằng ta đây được trong sạch không có sự lỗi lầm? Nếu ta có thể hiểu biết sự tự nhiên yếu hèn ẩn tàng trong tâm khảm con người thì không có lý do gì than phiền, trách móc đến sự buồn phiền và đau khổ. Ta phải có sự can đảm để đương đầu với nó và phải dung hoà gánh chịu tất cả sự buồn phiền và đau khổ đến cho ta.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app