Phong Thủy

Bài Giảng Sư Toại Khanh Zoom 2020

Như hôm trước tôi có gợi ý bà con là tôi sẽ có một loạt bài, giảng về chú thuật phong thủy, võ thuật của Nam truyền, thì bữa nay mình sẽ có một bài giảng về phong thủy.

Trước hết mình nói chuyện từ thấp lên cao, chuyện từ vỏ vô tới ruột, đi từng bước. Bây giờ mình nói chuyện ở ngoài vỏ vô trong ruột trước. Trong chú giải của kinh Ambattha trong Trường bộ kinh. Các vị vào mục lục Kinh Trường bộ có 32 bài, thì bài Ambattha, bài số 6 hay 8 gì đó. Thì trong chú giải bài đó có kể một câu chuyện. Nguyên ủy nguồn gốc của tên gọi Kapilavatthu ( Tàu âm là Ca tỳ la vệ). Kapilavatthu có nhiều nghĩa, trong trường hợp này thì vatthu có nghĩa là “trạch”, có nghĩa là nền nhà hay nền đất. Trong tiếng Sanskrit phong thủy là “vastu”. Các vị vào internet tìm. Sanskrit là vastu, còn Pali là vatthu, hoặc bhumivatthu. Nhưng trong chú giải Kinh Ambattha cho ta biết rằng nó còn có cái tên nữa. Lát nữa tôi sẽ nói.

Kapilavatthu có nghĩa là cái nền đất của Kapila. Kapila là tên của một đạo sĩ, chính là Bồ tát Thích Ca Mâu Ni. Trong một kiếp đó Ngài sinh ra làm công tử nhà giàu, bỏ nhà đi tu, có tên là Kapila. Ngài vào rừng đi ngang một cuộc đất trong rừng. Ngài thấy một hiện tượng lạ là những con thú lớn mà rượt thú nhỏ chạy tới đó thì không còn ý muốn rượt nữa. Tới đó nó nhẩn nha thảnh thơi quên chuyện rượt bắt mồi. Mà con thú nhỏ bị rượt tới đó cũng tỉnh bơ không sợ nữa. Coi như thú lớn thú bé lọt vô vùng đất đó thì tự nhiên thái hòa thịnh trị, anh em một nhà không có chuyện lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu nữa.

Chú giải cũng ghi thế này. Trước khi đi tu Bồ tát rất giỏi phong thủy, trong đó dùng chữ bhumijala, dịch sát tiếng Tàu thì “ bhumi” là đất, “jala “ là lưới. “bhumijala” là địa võng ( thiên la địa võng đó). Mà cái phong thủy ở đây Ngài xài chữ bhumijala là địa võng là sao? Tức là người không có học thì thấy đất nào cũng là đất. Nhưng người có học thì họ cảm nhận cái cuộc đất chỗ lên chỗ xuống, chỗ lồi chỗ lõm thì không phải đất chỗ nào cũng giống nhau mà nó có luồng địa khí , nó chan hòa, phân tán trên khắp mặt đất thì họ quan sát thấy những luồng địa khí nó đi, chỗ nào tốt chỗ nào xấu, đại khái vậy. Địa võng là họ thấy nguyên một tấm lưới phủ trên mặt đất này. Đi tìm long mạch là đi tìm theo hướng đó. Dĩ nhiên ở đây là nói theo phong thủy của Ấn Độ.

Trong tiếng Pali nói khi Ngài thấy cái đó Ngài biết đây là (…), có nghĩa là chỗ “đất kết”. Ngài cất cái am ở đó. Về sau Ngài gặp một nhóm hoàng tử công chúa đi ngang. Họ đang đi tìm đất lập ấp, lập quốc. Ngài mới chỉ họ đây là chỗ đất lành. Họ ở đó xây dựng kinh đô Kapilavatthu. Để ghi nhớ công ơn vị đạo sĩ đó họ đặt tên ngôi thành đó là Kapilavatthu, nghĩa là ngôi thành cất trên nền đất của ông Kapila.

Câu chuyện đó không đơn giản là một câu chuyện phong thủy Ấn Độ, mà rất sâu sắc. Miếng đất tốt theo khái niệm phong thủy của người Tàu, Việt, Nhật, Đại Hàn, thì miếng đất tốt là cầu tài lộc, phúc lộc thọ cho mình và con cháu nhiều thế hệ sau. Nhưng rốt ráo ý nghĩa cao nhất của phong thủy chính là sự an lạc cho người ở đó và sự an lành cho chúng sanh khác. Chớ không phải là cầu tài lộc cho riêng mình mình, cho gia đình mình, gia tộc mình. Mà ý nghĩa rốt ráo là bản thân người sống ở đó được an lạc cùng sự an lành cho vô lượng chúng sanh khác thì đất đó gọi là đất lành. Quí vị thấy bắt đầu mở mở ý nghĩa phong thủy trong đạo Phật rồi đó!

Cái đó là nói phần vỏ. Giờ tới phần ruột. Có thể nói “ Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Tất cả các khái niệm về bùa chú, võ thuật, phong thủy, tử vi, tử bình…Tất cả các khái niệm đó nếu được hiểu, được định nghĩa theo tinh thần Phật pháp thì đẹp lắm, và sâu rộng hơn rất nhiều so với những khái niệm lâu nay chúng ta vẫn theo đuổi. Giờ chúng tôi bắt đầu từng bước.

Ở đây bắt đầu bài giảng về Phật giáo Nam truyền tôi nhắc lại một số thuật ngữ, một số khái niệm được sử dụng phổ biến trong ngành phong thủy, dầu là giới chuyên môn hay giới lơ mơ, amateur họ đều biết những từ đó. Thí dụ như có một cuộc đất, mình đi tìm “đất kết”, “huyệt kết”, thì miếng đất tốt nhất gọi là long mạch. Còn dưới cái long mạch (long mạch là đất có thể kết tụ linh khí đế vương) thì tôi không nói, cao siêu quá. Mình chỉ nói thấp hơn một chút là miếng đất để cầu tài lộc. Gọi là đất kết nó phải hội đủ một số tiêu chuẩn thí dụ như ở đó nó “ tàng phong tụ thủy “( gió và nước tốt). Rồi có những cuộc đất có dáng đẹp, thí dụ như “ bảo ngọc đới yêu” ( đới là quấn, yêu là eo). Bảo ngọc đới yêu là cái chuỗi ngọc quấn quanh cái eo của mình thì là đất tốt. Tức là miếng đất nằm giữa có nước bao quanh.

Thì khái niệm đó trong đạo Phật , hiểu theo Phật giáo Nam truyền đẹp lắm. Có nghĩa là một đời sống nội tâm, một đời sống thể lý mà nó được bao bọc bởi thiện pháp. Nói rốt ráo đó là 25 tâm sở lành, một đời sống có chánh niệm, có trí tuệ, có từ tâm ,có giới phần, thì đó là một đời sống “bảo ngọc đới yêu”. Đó là một đời sống có được sự che chở. Trong Kinh Đức Phật cho mình một hình ảnh là một con rùa có cách tự vệ là khi nào nó cảm thấy bị đe dọa thì nó rúc vào cái mai của đất để nó tìm chỗ ẩn nấp. Thì cũng vậy, chỗ ẩn nấp của người tu không phải là tiền bạc, là sức khỏe, là quen biết xã hội; mà chính là đạo lực, đạo niệm của mình. Như một bài Kinh chúng tôi cũng đem sưu lục trong Kalama cuốn 2. Trong đó có một bài Kinh rất đặc biệt. Đức Phật Ngài kể một câu chuyện xưa về hai ông cháu làm nghề xiếc. Hai ông cháu chỉ biết làm nghề nhào lộn trên cây tre. Người ông ôm chặt cây tre cho người cháu leo lên ngọn tre biểu diễn, người xem rất thích. Có bữa người cháu ôm cây tre cho người ông leo.Có lần đứa cháu thấy người ông lớn tuổi yếu quá, lúc leo lên mới hỏi “Ông có ổn không?”. Người ông mới nói “Cháu hãy lo phần của cháu, ông lo phần ông”. Câu chuyện cũng có dị bản là người ông nói với cháu: “ Cháu leo cháu nhớ dòm ông, ông sẽ dòm ngó cháu”. Thì đứa cháu mới nói. Cái quan hệ đúng ra là thầy trò. Người học trò mới nói: “Thưa Thầy không nên nói vậy. Mà là con lo phần của con, Thầy lo phần của Thầy. Khi Thầy an toàn thì con cũng được an toàn. Khi con tự bảo trọng thì con cũng lo phần Thầy. Mà khi Thầy tự bảo trọng thì Thầy cũng lo phần con”.

Đức Phật đức kết câu chuyện đó như sau. Ngài nói một người tu Tứ niệm xứ, tu tập chánh niệm và trí tuệ, niệm và tuệ thì bản thân người đó tự bảo vệ họ. Và cũng ngay lúc đó họ cũng bảo vệ luôn người khác. Như vậy thì ở đây cái khái niệm tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác được xem là đồng nghĩa. Ngài giải thích rất rõ khi một hành giả tu tập Tứ niệm xứ, sống với niệm và tuệ thì lúc đó hành giả cũng đang bảo vệ người khác. Bảo vệ người khác theo cách đó cũng có nghĩa là mình đang tự bảo vệ chính mình.

Thuật ngữ Bảo ngọc đới yêu đây có nghĩa là một miếng đất lành là có nước bao bọc chung quanh. Một đời sống an lạc an toàn trong tinh thần Phật pháp phải là một đời sống được bảo bọc bởi thiện pháp. Bảo bọc đây là như tôi vừa trình bày, là tự bảo bọc bằng những đạo niệm, đạo lực ; khi mình được an toàn thì có nghĩa là người khác cũng được an toàn. Mình lo tròn phần mình mình cũng sẽ lo được phần người khác.

Còn có một thuật ngữ nữa liên quan đến khái niệm trên. Trong một ngôi nhà cấu trúc phong thủy đại khái là “Tiền chu tước Hậu huyền vũ , Tả thanh long Hữu bạch hổ.” Trong giả định phong thủy Tàu thì cái nhà một bên là rồng xanh, một bên là cọp trắng, thì “Tả nghi tịnh hữu nghi động” , nghĩa là bên tả thì nên “yên”, còn bên “hữu” thì động. Nghĩa là bên phía , bên hướng con rồng nên yên, hướng con cọp nên động. Có nghĩa cái cửa ra vào nên để bên hướng đó. Có nghĩa là nhà có âm có dương. Huyền vũ là dương mà châu tước là âm. Thanh long bạch hổ thì bên thanh long là âm, bên bạch hổ là dương.

Nếu nói trên tinh thần Phật Pháp, một ngôi nhà có cấu trúc phong thủy thì “ Tả nghi tịnh hữu nghi động”, thì một bên phải có bên động bên tịnh, chớ không phải động hết, cũng không nên tịnh hết. Không nên âm hết hoặc bên dương hết. Trong đời tu mình cũng y chang như vậy. Cũng bên âm bên dương, cũng bên tịnh bên động. Tịnh động là sao? Bên tịnh có nghĩa là về phía mình luôn luôn nội tịnh nhất tâm , bảo toàn lực lượng bằng đời sống chánh niệm và trí tuệ. Còn phía bên động là sao? Là có người mà cũng có ta. Dầu cho mình là người ẩn cư trong núi rừng thì lòng mình nghĩ về vạn loại chúng sinh thì luôn luôn bằng tấm lòng yêu thương, vị tha, bao dung, bằng cái tâm vô lượng. Động là vậy đó. Về phía mình thì lúc nào cũng tịnh. Còn cái động này không phải là um sùm chạy theo đời. Mà động đây là động thái hướng về cuộc đời bằng lòng yêu thương. “ Tả nghi tịnh hữu nghi động” là phải hiểu như vậy đó.

Một thuật ngữ nữa là “Minh đường tụ thủy” nghĩa là miếng đất tốt là có chỗ tích nước. Tích nước hồ, ao, mạch nước tốt, không phải ao tù nước đọng mà có nước ra nước vào. Còn mạch nước bảo đảm nguồn nước không bị cạn, không bị thiếu. Thì chỗ đó gọi là chỗ nước tụ.Thì người tu bao nhiêu năm tu hành đến một ngày mình không còn đi đâu được nữa, mình phải nằm im một chỗ thì cũng còn cái vốn liếng, đó gọi là “tụ thủy”. Tụ thủy khi tuổi già nó ập đến mình cũng còn có gì đem theo. Chưa hết. Giữa phong ba bão táp cuộc đời, dù mình có tham, sân, si, đôi lúc mình có phàm tâm, phàm tánh đến mức nào đi nữa thì cũng chừa lại một chút gì đó đạo tâm, đạo lực. Tụ thủy là như vậy, phải còn có cái gì đó trong nhà nghèo cách mấy, xấu cách mấy cũng chừa cái chỗ chứa nước cho nó tốt, nhe!

Có một khái niệm trong phong thủy nếu hiểu theo Phật giáo Nam truyền thì rất là đẹp. Đó là “Tọa sơn hướng thủy”. Có nghĩa là thế đất đẹp là đất lưng dựa vào núi mắt ngó ra sông, hồ hay biển. Đó là thế đất đẹp. Nhưng tọa sơn hướng thủy mà hiểu theo Nam truyền nó đẹp lắm. Tọa sơn đây là dựa vào yên tĩnh, dựa vào chánh niệm và trí tuệ. Còn hướng thủy là tựa lưng vào chánh niệm trí tuệ để quan sát cái dòng đời đang trôi chảy không ngừng. Dòng đời đó gồm có thiện ác, buồn vui của mình. Dòng đời đó có thế thái nhân tình. Dòng đời đó có nhục vinh thăng trầm “ danh hư tiêu trưởng phù trầm đắc thất”, tức là những khía cạnh lên xuống, còn mất của một đời sống. Tọa sơn hướng thủy là vậy. Là tựa lưng vào chánh niệm, trí tuệ quan sát dòng chảy cuộc đời biến dịch không ngừng, miên viễn bất tuyệt. Đó là tọa sơn hướng thủy.

Đó là những khái niệm đẹp trong phong thủy Nam truyền. Một điều đặc biệt tôi muốn lưu ý ở đây. Đó là những nguyên tắc phong thủy nó luôn luôn phải được ghi nhận một cách linh hoạt, sáng tạo. Mình không thể học ba mớ nguyên tắc phong thủy rồi đem áp dụng mọi nơi mọi lúc cho mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng. Mà chúng ta còn phải tùy vào cái tuổi của mỗi người. Thí dụ mình sanh vào giờ đó ngày đó thì miếng đất đó OK. Nhưng nếu sanh vào giờ khác, ngày, và năm tháng khác thì miếng đất đó không hợp với mình lắm. Hoặc có trường hợp miếng đất đó hợp, mình sẽ lên tới đỉnh cao danh lợi nhưng nó không có bền. Còn miếng đất kia có thể nó không bằng, không phát bằng, cái huyệt không kết bằng nhưng nó bền. Chẳng hạn trong lịch sử, dã sử thì đúng hơn, trong dã sử lập quốc triều Nguyễn thì chúa Nguyễn Hoàng xưa cũng nhờ người đi tìm đất. Sau khi tìm rất nhiều chỗ người ta chọn cái Đại nội bây giờ. Do nhiều cuộc đất ở kinh thành Huế đẹp lắm, đất long mạch, huyệt kết, đất kết, nhưng nó bạo phát bạo tàn. Nó lên tới đỉnh rồi rụi, trong có đầu hôm sớm mai. Riêng cái Đại nội bây giờ ít ra nó cũng kéo dài được 13 đời nhà Nguyễn kết thúc ở đời Bảo đại, thì tuy nó không dài lắm nhưng cũng không ngắn lắm.Đó là nói theo đời.

Nói theo đời thì tùy tuổi mà miếng đất nào là tốt nhất. Còn nói theo Đạo mình thì tùy cái căn cơ, khuynh hướng tâm lý mà cái Pháp môn nào thích hợp nhứt. Đó là một chuyện. Chuyện thứ hai cái phong thủy của thế gian đó là cái cuộc đất, đó là cái ngôi nhà, cái cơ sở vật chất mình sống, làm việc, sinh hoạt, hoạt động. Còn cái phong thủy trong Phật giáo mình thì cái cuộc đất ở đây phải là TÂM. Phong thủy trong Đạo là nhắm đến bản tâm mỗi người. Đến cái số phận, cuộc đời mỗi người, cái căn cơ mình hợp với cái gì. Thí dụ qua Kinh sách, qua thầy bạn, qua sự tìm hiểu của bản thân, thì mình coi coi pháp môn nào thích hợp với mình , mình theo đuổi. Đó là một chuyện. Chuyện thứ hai: sáu căn của mình gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chính là sáu miếng đất mà trong Kinh gọi là TÂM ĐỊA. Mình chú ý, quan sát những gì lọt vào phạm vi hoạt động của 6 căn đều phải được quan sát cho kỹ. Bởi sáu căn được gọi là 6 căn vì nó nhận thức được 6 trần. Mình tu mình không chạy trốn 6 trần là đúng. Nhưng có hai chuyện mình phải lưu ý:

Thứ nhứt là hạn chế những trần cảnh không cần thiết. Người tu không phải là trốn chạy 6 căn hay phủ nhận 6 trần, mà là hạn chế những trần cảnh không cần thiết. Thí dụ tại sao mình phải cạo đầu, đắp y, tu là tu tâm chớ đâu có tu tướng? Nhưng nhờ hình thức cạo đầu đắp y đó mình đi đứng nói năng sẽ khác một chút. Với hình thức cạo đầu đắp y có những nơi chốn mình không nên lui tới, Có những thời điểm mà sớm quá trễ quá mình không nên ra khỏi tịnh xứ của mình. Có những người mình không nên tiếp xúc, những nơi chốn mình phải tránh tiếp xúc. Có những công việc người tu phải tránh. Nói gọn lại đó là hạn chế những trần cảnh không cần thiết.

Thứ hai là đối với những trần cảnh mà mình không tránh được thì luôn luôn nhận thức bằng chánh niệm và trí tuệ.

Tôi nhắc lại, ở ngoài đời phong thủy là người ta nhắm đến cuộc đất, cái ngôi nhà. Còn phong thủy của người tu là nhắm đến chuyện tu hành. Trong Thanh tịnh đạo nói rất rõ. Phong thủy ở ngoài đời là người ta tìm miếng đất nào ở cho vui, cho sướng, cho phát tài lộc. Còn hành giả tìm trú xứ nào để có thể phát triển được cái đạo tâm, đạo hạnh, đạo lực và cái đạo niệm của mình. Thí dụ như một chỗ ở của vị tỳ kheo, hành giả là không quá xa, không quá gần khu dân cư. Không quá xa là chuyện đi đứng khất thực cũng khó khăn lắm, khổ mình khổ người. Còn quá gần thì nó ồn quá cũng không được. Và cái chỗ đó cũng không phải là chỗ nguy hiểm như thú dữ, người xấu. Chỗ gần tụ tập phường cường khấu, đạo tặc mình cũng không nên ở. Ở vùng biên cương dễ dàng xảy ra tranh chấp đầu hôm sớm mai thì cũng không nên ở. Tổng cộng có 18 chỗ như vậy, nhưng nói gọn có mấy điều thôi. Có nghĩa là tránh chỗ nào bất tiện cho sinh hoạt khất thực của mình. Tránh chỗ nào người đời có thể lui tới lai vãng làm phiền không khí tu hành của mình. Tránh chỗ nào có thể đe dọa tánh mạng mình. Đại khái vậy.

Cái phong thủy trong đạo mình phải hiểu như vậy đó, là nó thuận cho chuyện tu hành. Cái phong thủy theo đạo Phật mình, tôi kêu phong thủy cho bà con dễ nhớ chớ trong Kinh nhắc chữ phong thủy có một vài chỗ thôi. Nhưng cái trong Kinh nói thế này: Có bốn điều hỗ trợ cho con đường giải thoát. Đó là Pháp, Tài, Lữ, Địa.

. Pháp là pháp môn tu hành, đề mục tu hành phải thích hợp.

. Tài là khí tài, tài vật, điều kiện vật chất phải thích hợp. Điều kiện vật chất để tu không cần sướng, sang, đẹp. Không cần dư, nhiều mà chỉ cần CẦN và ĐỦ. Có được cái mình cần và có ở mức độ vừa đủ thôi.

. Lữ là bạn, bao gồm luôn thầy nữa. Lữ là thầy bạn, những người mình gần gũi thân cận sớm hôm, quan trọng lắm.Là người có thể giúp được cho mình. Chứ nếu mà người ở gần mà chỉ có hại thôi như mình cần trau dồi chánh niệm mà gần cái người thất niệm; cần trau dồi trí tuệ mà ở gần người dốt nát, chậm lụt. Chuyện đó mất thời gian thôi. Mình cần giữ giới lại ở gần người không giữ giới. Cần tu tập thiền định lại ở gần người không khuyến khích, khích lệ chuyện tu tập thiền định cũng không được.

. Địa là nơi chốn mình có mặt tu hành. Ngài Xá Lợi Phất nói rất rộng chỗ “địa” này. Địa đây là gồm lãnh thổ, đất nước, xứ sở cũng gọi là địa. Ở một xứ sở thích hợp chưa đủ, bởi nói xứ sở bao la lắm. Giờ siết vô từ từ, cái vùng miền, khu vực. Rồi siết vô từ từ, cái cánh rừng, cái khu vườn. Siết vô từ từ, cái hướng mà mình ở. Thí dụ trong 5- 7 cái hang, cái hang nào hợp mình nhứt, khuất gió, cái hang không quá cheo leo, sớm hôm đi ra đi vào không nguy hiểm. Còn nếu cất cốc thì cất cái hướng nào cho nó tốt, cho nó an lành. Như vậy chữ “địa” nói rộng là xứ sở, vùng miền, khu vực. Còn nói siết lại thì là cái vị trí chính xác ở một cuộc đất nào đó. Nó phải an toàn, tiện lợi, thích hợp mới tu được. Thí dụ cái chùa có miếng đất sát bên đường mà mình làm cái cốc sát bên bờ rào cũng khó tu lắm. Hoặc cái cốc kế bên đống rác cũng khó tu, hoặc kế bên chánh điện người ta đi lên đi xuống cũng khó tu. Ở kế bên miệng vực cheo leo nguy hiểm. Cho nên chữ “địa” là vậy: pháp, tài, lữ, địa.

Tôi trở lại chữ phong thủy trong Phật giáo Nam truyền. Người ta phong thủy gói gọn trong cái nhà đất thôi. Còn phong thủy mình gói gọn trong hai chuyện:

. Một là chỗ tu hành.

. Thứ hai chính là sáu trần mình luôn tiếp xúc. Tùy vào cơ tánh mỗi người mà mình thích hợp với chỗ ở nào. Trong Thanh tịnh đạo, phần Định nói rất rõ cái này: Chúng sanh có vô lượng nhưng căn tánh tâm tư, khuynh hướng tâm lý gom gọn có sáu thôi:

. Người dục tánh là đụng cái gì cũng thích.

. Nộ tánh là thường xuyên bất mãn, sân si, hờn giận, cau có.

. Độn tánh là chậm lụt, chậm hiểu, u mê.

. Đãng tánh là người lăng xăng, buông cái này bắt cái kia, không có chủ kiến không có lập trường vững vàng.

. Mộ tánh là người đụng đâu tin đó, người rất dễ tin. Trong cuộc tu hay trong đời sống họ lấy niềm tin làm chánh, Ở ngoài đời trong chuyện tình là bị gạt, trong làm ăn cũng bị gạt. Tới hồi mặt tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng cũng bị gạt. Loại người này tôi nhớ tôi gặp hơi bị nhiều. Họ rất nhẹ dạ. Rất dễ mềm lòng, cả tin trong tình cảm, làm ăn, giao tiếp, quan hệ xã hội, lập trường, quan điểm chính trị ý kiến của họ cũng ngộ lắm. Rồi tâm linh tôn giáo họ rất dễ bị lừa.

. Cuối cùng là loại người ngộ tánh. Là hạng có khả năng phân biệt tốt xấu, cái gì nên, cái gì đừng. Đương nhiên hạng này là hiếm nhất trong sáu hạng.

Nói gọn là sáu hạng như vậy. Nhưng trong thực tế nói rộng thì có 63 hạng. Vì sao? Bởi vì có trường hợp mọi người là không phải chỉ có một trong 6. Mà có người trí mạnh mà sân cũng mạnh. Quí vị thấy số 63 là số lẻ mà số 6 là số chẵn không? Cơ tánh nói gọn là 6 mà nói rộng là 63 là mình thấy số lẻ nó kỳ kỳ. Bởi có những người họ mạnh về trí mà mấy cái kia yếu hết. Có người mạnh về trí mà mạnh luôn cái tham nữa. cái tham, cái dục họ rất mạnh mặc dầu họ thông minh. Rồi có người ngộ tánh, cái trí họ rất mạnh nhưng họ nóng tính. Hoặc có người tham rất mạnh nhưng đức tin cũng rất mạnh. Còn có người họ vừa sân cũng vừa si. Có người vừa tham mà vừa sân. Cái gì cũng thich mà cái gì cũng dễ bất mãn. Tổng cộng vậy có những trường hợp mà có người mạnh 2 có người mạnh 3, có người mạnh 4. Chính vì có mấy con số lẻ vậy nên mới ra 63 căn tánh chúng sinh trong đời. Trong Thanh Tịnh Đạo phần Định nói rất rõ là đặc điểm sinh hoạt trong đời sống thường nhật của những người ngộ tánh, mộ tánh, đãng tánh thì đặc điểm của họ thí dụ như trong sinh hoạt, ánh mắt, nụ cười, cách nói năng, ăn uống, đi đứng của mỗi hạng có những đặc điểm. trong đó đề nghị mình nên quan sát cái đó, quan sát bản thân mình. Chưa kể tự mình quan sát rồi thông qua kinh sách, thông qua thầy bạn góp ý thì mình có thể tự xác định coi mình thuộc loại nào. Tại sao phải xác định? Để mình coi mình hợp với đề mục thiền chỉ thiền quán nào. Thời xưa có Đức Phật, có chư Thánh tăng thì các Ngài nhìn mình các Ngài biết ngay mình thích hợp với cái gì. Còn ngày nay thì hên xui. Ngay cả ông thiền sư, dĩ nhiên ổng hơn mình rồi đó, nhưng cũng hên xui. Rồi bản thân mình hoặc là thầy bạn, bạn tu, bạn bè cũng là hên xui. Nghĩa là có thể họ góp ý đúng có thể họ góp ý sai. Bởi vì chính ngài Xá Lợi Phất mà còn thấy chưa hết 100% mà nói gì chúng ta bây giờ, nghe!

Cho nên cái phong thủy tùy theo cái tuổi của mỗi người mà việc chọn lựa đất xây nhà khá cnhau một chút. Trong chuyện tu hành cũng vậy, cũng tùy thuộc vào khuynh hướng tâm lý, căn cơ thiện ác, cơ địa tâm lý mỗi người trong nhiều đời mà chúng ta có một pháp tu thích hợp. Tôi có thể nói với bà con tất cả vấn đề phong thủy khi chuyển qua chuyện Phật pháp tu hành thì đều có thể giải thích được hết. Thí dụ như ngoài chuyện lựa đất ra, chúng ta thấy còn nhiều chuyện bổ sung. Như lựa chọn vật trang trí phong thủy. Có người họ thích treo chuông bát quái, hay chuông gió. Hay là tìm chỗ nào thích hợp trong nhà đặt tượng thần tài. Hoặc chỗ nào trên sân để hòn giả sơn có nước phun. Hoặc chỗ nào trong nhà trồng cây lê cây táo gì đó. Đó là những vật trang trí bổ sung cho có vượng khí cho nó lưu thông trong đất trong nhà.

Với người tu có những chuyện đó không? Có chứ! Ngoài chuyện mình xác định khuynh hướng tâm lý mình tu tập cho thích hợp; ngoài chuyện làm chủ được sáu căn của mình thì còn có những phụ kiện nữa. Đó là nói về vật chất thì trong chỗ ở của một người tu hành thì những vật chất, những thứ mình sử dụng tu hành chính là những phụ kiện phong thủy. Tức là trong chỗ ở người tu cái gì nên có và cái gì không nên có. Còn nói về tinh thần thì có những đề tài, những vấn đề mà người tu không nên để tâm, không nên xem nặng nó. Tôi gọi đó là những phụ kiện phong thủy. Thí dụ mình tu mình sống chánh niệm đúng rồi. Thường xuyên sống chánh niệm làm gì biết nấy. Khi nằm khi ngồi theo dõi hơi thở vào ra. Còn ngoài lúc nằm, ngồi ra thì mình sinh hoạt cái gì thì mình biết rõ mình đang làm cái đó. Nhưng bên cạnh đó mình đâu ngăn được cái đầu mình làm việc. Nó cũng nghĩ tới chuyện này chuyện kia. Cái người chánh niệm toàn tập là họ chánh niệm 24/24 tôi không có nói. Nhưng trong trường hợp quí vị chưa tới mức đó, trong đầu quí vị đôi khi cũng suy nghĩ chuyện này chuyện kia, thì hành giả cũng phải thường xuyên để ý xem lúc này nè mình thường “treo” cái gì trong đầu mình.

Cũng giống như mình tìm miếng đất tốt rồi, mình cất cái nhà theo hướng dẫn của thầy phong thủy ngon lành rồi nhưng mà chưa. Còn phải trang trí nữa. Mình treo cái này cái kia trong nhà. Thì ở đây cũng vậy. Bên cạnh đời sống chánh niệm mình cũng phải để ý coi thời gian gần đây, trong căn nhà nội tâm của mình, mình hay treo cái gì trong đó nhứt. Mình treo những vấn đề về chính trị, văn hóa, ba cái vụ bầu cử tổng thống, cuộc thi hoa hậu, mấy cuộc đấu giá, ba cái stocks, chứng khoán gì đó. Lúc nào mình cũng coi coi trong đầu mình nó treo cái gì. Mỗi ngày quí vị tu thiền tốt quá tôi đâu có nói. Ngày sáng thiền ba tiếng chiều ba tiếng hay quá. Nhưng mà cái quan trọng là phụ kiện phong thủy đó, mình thường treo cái gì trong đầu mình.

Có đó quí vị. Thí dụ như có người thích hoa, Thiền gì thì thiền mà trong phòng phải có bình hoa. Rồi tôi lên facebook( thỉnh thoảng thôi), tôi nhìn thấy mà trong bụng thì không thoải mái. Nghĩa là Phật pháp thì không chịu học mà cứ khoe cái bàn Phật không hà. Khoe cái trang trí bàn Phật mà tôi liếc qua cái bàn thờ là tôi biết người này không phải hành thiền. Bởi người hành thiền thứ thiệt rốt ráo đó họ không cần hình Phật. Vì Phật đã ở trong đầu trong óc họ rồi. Còn không nữa đó, thì rườm rà một chút thì họ có cái bức hình hoặc bức tượng gọn gọn ở trên vách hoặc trên cái bàn con hạc đó. Cái bàn mà cái chân thiệt là cao, trên đó cái mặt bàn nhỏ xíu để bức tượng lên, rồi có thể để một cái lư trầm thôi. Còn không thì trên tường đóng một cây đinh treo một cái giò lan là xong. Chỉ một giò lan thôi. Tại sao? Lan có tới 800 loại, đâu phải loại nào cũng bạc ngàn đâu. Lan thì không cần chăm sóc. Tối mình mang ra máng ngoài hiên cho nó tắm sương. Tùy mình treo ngày hai ngày, mỗi đêm mỗi đem ra ngày hai ngày, hoặc mình quên đem vô cũng không sao. Rồi đem vô máng trên vách vậy đó. Nó ra hoa một lần kéo dài cả tháng. Nhìn nó gọn, nó sạch, không luộm thuộm như mấy hoa khác mà chăm sóc không mất nhiều thời gian. Hoa bền lâu, nhìn lại đơn giản, trong phòng chỉ một tượng Phật, một lư trầm, một giò lan nhìn gọn biết bao nhiêu. Tôi không biết các vị có tu không mà tôi liếc vô tôi thấy “ được đó, cái này là tu nè”. Còn mà tôi nhìn lên bàn thờ mà tôi thấy quá trời quá đất, gì đâu mà Phật đá, Phật gỗ, Phật đồng, Phật sắt, Phật đất, Phật sành, Phật sứ, Phật kim loại, Phật nhựa, Phật nilon, tùm lum ở trên đó đầy hết. Rồi có nhiều người cái giống gì không biết liệng đâu thì đem lên bàn thờ! Có loại người đó nữa, tôi gặp rồi. Họ đi chơi đâu đó thấy mấy xâu chuỗi, mấy tượng Phật nhỏ nhỏ, mấy búp sen bằng đồng, bằng đá, bằng thủy tinh, bằng pha lê đem về hỏng biết liệng đâu, thì họ nghĩ là tượng, chuỗi, chuông, bông hoa để đâu thì đó để bàn thờ là hay nhứt. Cuối cùng bàn thờ của họ tôi nhìn tôi “ hồn vía lên mây “ luôn.

37:07

Thì tôi gọi đó là những phụ kiện tâm linh. Có nghĩa là trong phòng ngủ, trong căn nhà, trong “ thiền thất” của mình, sau cùng là trong nội tâm của mình nên hạn chế những thứ không thật sự cần thiết như là những phụ kiện phong thủy vậy.

Tìm một miếng đất tốt, cất cái nhà tốt là phong thủy nhưng mà treo tùm lum như cái am thầy pháp thì không được. Ở đây cũng vậy. Mình có là hành giả một ngày ngồi 8 tiếng, 12 tiếng nhưng lại có những thứ treo trong lòng mình thì không nên. Tôi không biết nói là hên hay xui mà tôi gặp cả hai loại hành giả. Có hành giả gặp mình chỉ nói câu hai câu thiệt là cần thiết, rồi thì im. Trước mặt mình thì im, họ nhắm mắt. Ở bên Cali tôi thấy 1 người. Ở Houston tôi thấy 1 người như vậy. Đặc biệt! Có nghĩa họ chỉ hỏi thăm mấy câu cần thiết, rồi khi mình giảng họ ngồi nghe. Lúc không có gì để nghe không có gì để nói thì họ trở về với họ. Còn có những hành giả thiền ba mớ, học ba mớ là bắt đầu treo tùm lum trong đầu. Họ tu nhưng mà quan sát coi ai không tu. Họ giữ giới họ coi ai không giữ giới, họ học đạo họ coi ai không học đạo. Rồi từ đó họ làm những cái bảng so sánh, thang so sánh, thang giá rồi thấy họ hơn người này hơn người kia, rồi thấy bà kia tu giả, bà nọ tu vờ vĩnh, tu chảnh chọe, tu làm dáng, tu biểu diễn gì đó. Họ đánh giá, nhận xét người này người kia… thì tu kiểu đó không nên.

Tôi gọi đó là những phụ kiện phong thủy không thật sự cần thiết. Mình chỉ nên biết chuyện của mình thôi. Nếu bà con hỏi tôi, Phật dạy “thường xuyên tinh tấn chớ có dễ ngươi”, thì “tinh tấn” theo Phật dạy đó là sao? Ngày nào tôi cũng sáng 3 tiếng chiều 3 tiếng, một tháng thì Bát quan 8 ngày, 15 ngày, 28 ngày. Vậy là tinh tấn chưa?”

Tôi xin trả lời dựa vào bài Kinh (…) là Kinh niệm chết. Theo Ngài định nghĩa chữ “tinh tấn” là NGƯỜI ĐÓ CÓ ĐỦ AN LẠC ĐỂ SỐNG CHÁNH NIỆM TRONG TỪNG HƠI THỞ THÌ GỌI LÀ TINH TẤN. Còn nếu sống chánh niệm theo giờ, mình quan sát hơi thở, quan sát thân, thọ, tâm, pháp theo giờ thì chưa.

Mà đúng là tinh tấn, đúng là sợ sanh tử, đúng là tu để chuẩn bị cái già cái chết, đúng mức đó, thì phải là người có đủ an lạc, tôi gạch dưới ĐỦ CÁI AN LẠC để sống chánh niệm trong từng hơi thở thì người đó mới được gọi là người tinh tấn.

Tôi nói thiệt các vị buồn tôi cũng phải nói. Trong lớp thứ hai hay chủ nhật, tôi nghĩ là trong đó có 2 – 3% là thức giả đúng như tôi muốn. Là họ nghe họ về làm liền. Nhưng mỗi sau bài giảng thế này tôi nhận được vài tin nhắn, email mà người ta cho tôi biết rằng (họ không khoe) nhưng bày tỏ vài suy nghĩ là tôi biết họ đã “thấm” rồi. Đó là niềm an ủi, sự khích lệ của Phật tử rất lớn để tôi tiếp tục tôi giảng. Chứ còn người mình bây giờ nói nghe Đạo cho vui vậy thôi chớ mà chuyện đầu hai thứ tóc , chưa đủ cho mình sợ. Một hai câu nói của bác sĩ cũng chưa đủ cho mình sợ đâu. Phải có kết quả xét nghiệm là mình kỳ cuối thì lúc đó hoảng quá rồi không tu nổi nữa. Có người sợ quá. Có người tiếc nuối, không đành lòng ra đi để lại gia tài, sự sản, tình thân con cái dâu rể,quyến thuộc bà con…

Tại sao tôi quẹo qua cái này? Nãy mình đang nói phụ kiện phong thủy treo tùm lum trong nhà. Mấy ông phong thủy chỉ chú ý miếng đất và cái nhà. Còn phong thủy trong chuyện tu hành mình thì lại khác. Phải chú ý mấy thứ phụ kiện là mấy thứ mình treo đó nó rất quan trọng.

“Treo” hiểu trên từ ngữ là trang trí nhưng thực ra con mắt mình, cái ý của mình, mình nghĩ về cái gì nhiều nhứt. Mình có ngồi 8 tiếng, đúng. Nhưng lại có nhiều chuyện tục sự, tục niệm mình quan tâm, để mình nặng lòng, mình lưu ý. Thì chính những chuyện đó nó KÉO MÌNH ĐI RA khỏi Đạo hồi nào không hay.

Mình cứ tưởng ngồi ngày mấy tiếng là OK, tuần tu học mấy ngày, tháng có Bát quan là xong rồi. Không phải vậy! Đó là nói trên mặt “hành chánh giấy tờ” thôi. Chứ còn nói rốt ráo theo Đạo thì phải tính trên phần trăm thời gian. Một ngày dù anh ngồi 8 tiếng 10 tiếng nhưng trong 8 -10 tiếng đó anh có chánh niệm, trí tuệ đủ 8-10 tiếng hay không? Và phần thời gian còn lại anh làm cái gì?

Tôi đã nói rất nhiều lần là TRONG MỖI GIÂY PHÚT TRÔI QUA – mỗi phút, mỗi giây trôi qua, CHÚNG TA ĐANG KÍN ĐÁO CÓ MẶT TRÊN MỘT CON ĐƯỜNG DẪN VỀ ĐÂU ĐÓ TRONG BA CÕI. Các vị phải tin sự thật này giống như tin mình có hai bàn tay, hai bàn chân vậy đó. Mỗi giây đồng hồ trôi qua chúng ta đang kín đáo có mặt trên một con đường dẫn về đâu đó. Dẫn về địa ngục, về thế giới bàng sinh, súc sinh, thế giới của phạm thiên, chư thiên, dẫn về thế giới loài người. Dẫn về một căn nhà xơ xác, một villa sang trọng, một căn hộ bên bờ biển bờ hồ, bên núi. Hay về một xóm ổ chuột, xóm lao động… tùy mình. Tùy kiểu sống, tùy cách nghĩ của mình mà mỗi ngày trôi qua, mỗi giờ trôi qua, mỗi phút, mỗi giây trôi qua chúng ta đang có mặt trên một con đường dẫn về đâu đó.

Chuyện thứ hai là trong từng giây trôi qua chúng ta đang kín đáo trát vữa tô hồ cho từng viên gạch để xây một chốn về cho mình. Trong từng giây trôi qua chúng ta đang đào hang để mai mốt về làm chuột, làm rắn, làm chồn, làm thỏ. Trong từng phút trôi qua cái kiểu sống của mình là đang đắp tô một lâu đài trên cõi trời hay trên hành tinh này cho kiếp sau. Tùy mình thôi, nhe!

Có người miệng nói là Phật tử nhưng kiểu sống của họ, cách nghĩ, cách hành động của họ lại cho mình thấy họ đang từng ngày chuẩn bị một cái hang mai này tắt thở về đó liền. Tôi biết trong room này có người nói rằng tôi nói quá cho các vị run. Nhưng đó là sự thật. Theo tinh thần Phật pháp thì mình nghĩ nhiều về cái gì thì mình sẽ đi về cái đó.

Đức Phật dạy : Khi tâm tư hướng thượng, gọi là (…), Ngài Minh Châu dịch là tâm hướng thù thắng, mình dịch gọn là “hướng thượng”; còn hễ tâm tư mình nghĩ gì thấp kém, nằm ngoài lời Phật, thì cái đó được gọi là (…) , là đọa lạc hướng hạ. Người Tây Tạng có câu “Con voi không chun lỗ chó”.

Bà con biết ở vách nhà lá nhà gỗ có cái lỗ chó cho nó chun ra chun vào. Người Tây phương có làm cái lỗ riêng chó mèo chun vô chứ không làm cái lỗ ngẫu nhiên như bên xứ Tàu xứ Việt mình. Câu “ Con voi không chun lỗ chó” của người Tây Tạng rất hay. Một tâm hồn lớn rộng, hướng thượng , ngoại trừ ra một cái tiền nghiệp nào đó trong quá khứ thì ngoài ý muốn; chứ còn một tâm hồn như vậy phải đi về cái chỗ tương ứng với nó.

Ai cũng sợ bị sa đọa, sợ bị làm heo, bò, trâu, chó. Ai cũng sợ làm dê, dế, trùn, gián, kiến; nhưng kiểu sống mình mỗi ngày cứ tích lũy tài sản. Đó là kiểu sống của loài cấp thấp. Có nhiều cái chúng ta phải suy nghĩ. Có nhiều người họ chỉ mang thân người thôi nhưng lại mang bao tử con heo, cái đầu con bò, có bàn tay tích lũy của con sóc, con chuột. Các vị thấy ghê không? Chỉ có xác là con người thôi. Còn cái đầu không suy nghĩ gì hết, thích ăn, thích vẻ ngoài sặc sỡ, lòe loẹt, diêm dúa của con bướm. Nghĩa là cái phần hồn đủ thứ con hết. Các vị nghĩ có phải hông? Cái tâm sân mình đâu khác gì con rắn con cọp? Tâm heo mình đâu khác gì con heo, con dê, con chim sẻ? Còn cái si mình đâu khác gì con giun, dế, con bọ, con kiến? Mình ngồi nghĩ lại coi đúng không? Ngoài xác người mình ra thì trong đó có đủ thứ con hết. Nguyên cái sở thú ở trỏng!

Chúng ta cũng biết nếu mình không phải là Tu đà hườn, nghĩa là còn phàm phu trớt, thì dầu hôm nay chúng ta có học thức, có giàu sang, có tiếng tăm, quyền lực, uy tín, nổi tiếng cách mấy đi nữa thì khả năng ăn phân người, khả năng ăn thịt sống ,uống máu tươi, khả năng ở hầm cầu ống cống, những khả năng đó còn nguyện vẹn không có mẻ một góc nào hết nếu chúng ta còn phàm. Phải tuyệt đối tin chuyện đó.

Nếu mình còn là phàm, thì chỉ cần tắt thở thôi là biền biệt đi về đâu . Bây giờ người đi chùa rất nhiều, nhờ truyền thông, internet người biết đạo hơi nhiều nhưng thực ra người ta có điều kiện để khoe nhiều hơn là điều kiện để tu. Tin tôi đi. Đừng thấy trên facebook người ta đăng hình đi làm phước, tụng niệm, ngồi thiền, gặp gỡ chư tăng ni. Mình nói ôi trời ơi sao giờ họ tu dữ vậy ta? Không phải! Nó có điều kiện để khoe để diễn nhiều hơn. Bây giờ tìm được những nhóm Phật tử 5 người, 8 người, 10 người mà không thích nói chuyện, gặp nhau nói chuyện khẽ thôi, lịch sự mỉm cười, rồi mỗi đứa kiếm một góc ngồi hít thở vào ra là không phải dễ. Một hội chúng như vậy là không phải dễ tìm. Tin tôi đi.

Thực sự chúng ta không đủ thời gian để tu, không đủ thời gian để học. Mà chỉ có một ít thôi. Chỉ còn lại MỘT ÍT thời gian để sống như LỜI PHẬT thôi. Và tôi nói không biết bao nhiêu lần. Phong thủy trong Đạo Phật không phải là miếng đất, cái nhà hiểu theo nghĩa đen; mà chính là cái đời sống của mình. Nói theo nghĩa bóng , đời sống là sáu trần mà mình thường lui tới lai vãng.

Những gì mình thường thấy thường nghe chính là cái miếng đất, chính là cái căn nhà mà mình phải lưu ý cái khía cạnh phong thủy. Và phong thủy ở đây chính là “tàng phong tụ thủy”. Chỗ nào có nước, có gió, sạch, thoáng đó là chỗ phong thủy tốt. Nói nôm na cho người amateur ngoại đạo không biết gì. Theo trong Kinh Phật, chữ “ phong” ở đây hiểu là “trí tuệ”, còn “thủy” đây là “từ bi”.

Cũng giống trong Mật giáo Tây Tạng họ có câu “ Om Mani Padme Hum”. Om mani nghĩa đen là viên ngọc. Badme tiếng Sanskrit là(…), tiếng Pali là (…) có nghĩa là hoa sen. Om Mani có nghĩa là “ Ngọc sáng trong hoa sen”. Người không học Đạo biết đọc mà không biết nghĩa nó là gì. Còn hạng thứ hai hiểu nghĩa là ngọc sáng trong hoa sen mà rồi không hiểu thêm gì nữa.

Phải là hạng thứ ba mới hiểu: “Ngọc sáng trong hoa sen” trong đó “ngọc sáng” là trí tuệ, còn “hoa sen” là từ bi. Có nghĩa là từ bi và trí tuệ phải song hành không rời nhau được. Phải có “trí” để hiểu vạn hữu là cái gì để BUÔNG; mà phải có “bi” để có thể ÔM LẤY MUÔN LOÀI ĐỂ MÀ THƯƠNG.

Phật là người đã đạt đến đỉnh cao của Trí và của Bi. Trí là cái gì Ngài cũng biết, cái gì Ngài cũng buông được hết. Đệ tử của Ngài thì đúng là các vị A la hán cái gì cũng buông nhưng không phải cái gì cũng biết. Riêng bậc Chánh Đẳng Giác thì Ngài đạt đến đỉnh cao tột cùng của trí và Bi. Chính vì Trí của Ngài đã đến tột cùng nên cái Bi của Ngài cũng đi đến tột cùng. Thinh văn thì có vị thích hoằng Pháp có vị không muốn hoằng Pháp. Và cái tầm hoạt động hoằng Pháp của Thanh văn rất hạn chế so với một vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Vị Chánh Đẳng Chánh giác cho đến giây phút cuối cùng trước khi viên tịchvẫn còn tiếp tục bận tâm đến chúng sinh. Cái Bi của Ngài kinh khủng như vậy đó!

Thì ở đây câu chú “Ngọc sáng trong hoa sen “ phải hiểu chính là từ bi phải song hành với trí tuệ. Còn phong thủy ở đây phải hiểu một ngôi nhà tốt phải là tàng phong tụ thủy. Một nội tâm tốt về phong thủy nó phải có từ bi và trí tuệ. Cái trí ở đây là gió, tượng trưng cho gió. Bởi vì khi mình hiểu mọi thứ nó như một làn gió thì tâm tư mình nó cũng nhẹ nhàng như một làn gió. Còn nước có khả năng xoa dịu, tắm mát, gột rửa mọi thứ dơ bẩn. Từ bi cũng làm bản thân mình mát mẻ, cũng gột rửa bao nhiêu những cái tuế toái phiền phức trong cuộc đời này. Chỉ cần có THƯƠNG thì bao nhiêu rắc rối nó được dẹp qua hết.

Cho nên một miếng đất tốt là phải tàng phong tụ thủy . Một tâm hồn tu hành cũng “tàng phong tụ thủy”, nghĩa là nó có khả năng HIỂU BIẾT ĐỂ BUÔNG BỎ và TỪ BI ĐỂ BAO DUNG.

Bao dung là có thể tha thứ được muôn loài. Dung là dung thứ. Chớ không phải là yêu thương để ÔM vào. Đó là chỗ khác nhau của “từ bi” và “luyến ái”. Luyến ái là ôm vào, mình là chủ của nó, nó là của mình, là cái “thích” kiểu tham ái. Còn thương kiểu từ bi là nó ở đâu để yên đó. Mình chỉ nhìn nó bằng tấm lòng bao dung mát mẻ, lượng thứ thôi. Giúp được thì giúp, giúp không được thì thôi. Phải để cho nó tùy duyên, không có nặng lòng. Thương ai giúp được thì giúp. Nhưng không giúp được lòng vẫn tiếp tục thanh thản. Đó là thương bằng lòng từ. Không can thiệp sâu vào đối tượng. Còn thương bằng ái dục thì là thích can thiệp sâu vào đối tượng. Thích sở hữu, thích điều khiển, thích điều hành đối tượng. Muốn đối tượng phải như vầy, thế kia. Nếu đối tượng không như mình muốn thì mình khổ, mình hờn, giận, hận, tủi, khóc, đau, chết, mình khùng. Đó là thương kiểu bằng tham ái.

Tôi thí dụ, giờ các vị vào Trại mồ côi, thấy mấy em tàn tật, đui mù, khùng điên bẩm sinh có nhiều người chảy nước mắt.Dốc túi có bao nhiêu đưa hết nhiêu. Lột nhẫn, tháo dây chuyền ra hết để làm phước. Thương lắm! Nhưng khi ra khỏi cái chỗ đó rồi các vị về ngủ ngon không nặng lòng nữa. Lên máy bay trở về xứ lòng thanh thản. Đó là thương bằng tâm từ. Trong khi đó cũng cái chuyện thấy người ta khổ, cũng cái chuyện móc túi ra làm phước; nhưng nếu đối tượng đó là người mình ái luyến, thân thiết, thân thích, bà con máu mủ ruột rà huyết thống. Lúc thấy họ khổ mình cũng giúp cũng dốc túi làm phước. Nhưng khi đi về nó nặng lắm. Nó không có yên.

Tôi nhớ tôi có đọc đâu đó câu chuyện giống vậy. Một anh ngày xưa trước khi đi vượt biên có thương một cô. Đang là sinh viên một bữa đi học về má ảnh bắt buộc phải xuống tàu đi vượt biên liền. Ảnh không có thời gian đến giã từ cô gái. Ảnh khổ tới óc luôn. Các vị tưởng tượng mới gặp nhau hồi chiều. Hẹn hò toan tính tương lai dệt mộng tùm lum. Đùng một cái bà má lạnh lùng quyết liệt biểu 3 giờ khuya nay con phải đón xe về Bạc Liêu rồi ra tàu đi luôn. Má nói đâu dám cãi! Ảnh mà cù cưa vô tuổi nghĩa vụ đi Campuchia cũng chết, mà để má buồn cũng chết. Ảnh đi mà lòng đau như cắt. Rồi tàu ảnh được vớt. Ảnh vô đảo rồi sau đó qua tới Mỹ. Ảnh tìm đủ cách liên lạc với người xưa khổ biết bao nhiêu. Nhìn đâu cũng thấy bóng dáng người ta.

Rồi có một ngày ảnh trở về sau nhiều năm mất tin tức. Ảnh trở về tìm trong một xóm gặp lại người xưa. Giờ cổ đã qua hai đời chồng. Hồi xưa răng cổ đẹp giờ sanh con hai ba lứa mất chất vôi nó rụng mà không có tiền làm cái mới. Rồi nó nhăn nheo, nó sồ sề, hôi hám, mặt mày đầy dấu chân chim chân vịt. Người ta nghèo, cách nói chuyện của người ta một là mặc cảm, hai là người ta cũng có ý chớm chớm thấy như muốn nhờ cậy, tự nhiên ảnh giờ thấy nguội lạnh rồi. Lúc bấy giờ ảnh chỉ còn thấy thương thôi. Trước khi đi ảnh để lại cho cổ một số tiền kha khá để cổ có thể đổi một công việc tốt hơn. Nhưng bây giờ ảnh mới thấm một điều. Dĩ nhiên câu chuyện đó tác giả viết không có Phật pháp. Nhưng tôi đọc tôi cảm nhận một điều. Ngày xưa đến giờ ảnh thương cổ bằng tâm tham ái nên khổ lắm. Bây giờ ảnh chuyển qua lòng thương bằng tâm từ bi ảnh “nhẹ” lắm. Nghĩa là sau khi chia tay ảnh dốc túi ảnh cho, từ đó về bên Mỹ ảnh thoải mái dữ lắm, nhẹ nhàng lắm. Thương vẫn có thương, mỗi lần có dịp về là ghé thăm cô này. Coi cổ làm ăn làm sao. Nhưng cái lòng ảnh từ “ái” chuyển qua “bi”, qua “từ” rồi, nhẹ lắm! Cho nên cái đó là phong thủy đó. Đúng phong thủy rồi. Khi hiểu ra mọi sự rồi thì nó có”phong” cũng có “thủy”.

Sống là phải có ăn, mặc, ở là đúng. Nhưng hễ mà anh có ý nắm cái gì đó là đã sai rồi. Nó lạ vậy đó. Sống là phải có cái này cái kia. Nhưng có là đề “ cầm” chớ không phải để “nắm”, không phải để ôm ghì, siết chặt. Khi anh ôm ghì siết chặt là đã sai. Vì đời là cục thủy tinh, là nắm tuyết. Tuyết là để dành đó thôi. Có nhiều lắm là đưa bàn tay hớt một miếng thôi, coi coi rồi thả nó xuống. Miếng thủy tinh đẹp, lấp lánh, nhưng mình cầm nhẹ nó coi coi rồi thả nó xuống thôi. Chớ còn tuyết , thủy tinh, một giọt sương… thì mình không thể nào siết chặt trong lòng bàn tay, mình ôm nó vào lòng, ghì chặt nó, chuyện đó là không được. Bở vì bản chất đời sống là một giọt sương, nó là một nắm tuyết, một mảnh thủy tinh vỡ, để yên đó nhìn. Mà nếu còn cái ý can thiệp sâu, sở hữu nó là sai.

Cho nên sống trong cuộc đời này chúng ta cần có cái này cái kia, nhưng nên ở cái mức là tác dụng thôi. Mình hãy sở hữu nó ở cái mức mà có thể phát huy được tác dụng. Qua khỏi cái mức tác dụng thì không nữa, không có!

Bậc Thánh la hán vẫn ăn uống, vẫn có chỗ để ở, đôi dép để mang, cây gậy để chống. Có hết. Nhưngtất cả những thứ đó các Ngài chỉ dùng ở mức cần và đủ. Cây gậy để chống. Mỗi ngày một bữa ăn để không đói. Bệnh phải uống thuốc.Nhưng khi xong việc thì thôi, chứ các Ngài không có khiêng cái gì vào trong lòng để cất chứa. Còn phàm phu mình xài bằng mắt, xài bằng lỗ tai, rồi xài bằng đôi tai rồi mình vác mình khiêng nhét vào trong lòng đế cất, rồi khổ.

Mình đừng quên một chuyện, giàu gì thì giàu, hạn chế đem đồ vô trong nhà. Nhớ lời của tôi. Ở bên Mỹ nhà người ta có cái closet. Closet là cái tủ âm trong tường, để rảnh con mắt, người ta không phải thấy cái này cái kia. Nhà người Việt mình vô trong nhà ôi bù lon con tán, búa kềm gì đó, mình ngồi phòng khách mình cũng thấy, xuống nhà bếp cũng thấy. Lên phòng ngủ cũng thấy để đầy hết những thứ đẹp thứ xấu, thứ cũ thứ mới, thứ thích thứ không còn thích mình cũng chất đầy, thấy cái nhà mệt lắm!

Nhà ở Mỹ sau này tôi thấy 90% họ có cái nhà kho nhỏ nhỏ ở ngoài vườn để dồn vô đó mấy thứ không xài. Mà những thứ lâu quá không xài thì đem ra để trước nhà, cho ai cần tới lấy. Còn bên Thụy Sĩ có cái gọi là (…), những gì mình không xài mà nó còn đàng hoàng sạch sẽ mình để trước nhà, dán miếng giấy để chữ (…) thì ai đi ngang thấy mà có nhu cầu thì họ lấy.

Một ngôi nhà thoải mái nhứt là ngôi nhà chỉ giữ cái gì thật sự cần thiết. Thực sự cần là sao? Nghĩa là cái gì thiếu không được. Thân xác mình cũng vậy. Một người thoải mái là người có thể gắn trên người, đeo mang, vận mặc trên người những thứ mà không thể lấy ra. Thí dụ người có nhu cầu đeo đồng hồ thì họ đeo. Còn nếu đeo chỉ để trang sức thì không nên. Cái nón là để che nắng che mưa, che sương tuyết. Nếu mình còn nhắm đến một tác dụng nào ngoài đó là sai, là quá mức cần thiết. Và những phụ kiện từ trên đầu xuống gót chân chỉ ở mức vừa đủ thì mình cực kỳ an lạc. Nhưng nó qua cái mức cần thiết, thí dụ đồng hồ nó qua khỏi nhu cầu coi giờ mà còn nhắm tới cái khác là bắt đầu khổ rồi. Áo quần ở mức vừa vặn sạch sẽ, chỉnh chu, tươm tất thì được. Nhưng hễ nó cán cái mức đó là bắt đầu có vấn đề. Nó đẹp, nó sang, đồ hiệu, nó làm mặt mũi sĩ diện của mình ,qua tới cái đó là sai bét rồi. Mà nó chỉ ở mức che thân, về tinh thần nó chỉ mang ý nghĩa tự trọng thôi. Ra trước mặt quần chúng, đám đông thì tôi sạch sẽ, vừa vặn, tươm tất, không luộm thuộm, không củn cỡn là tốt rồi.

Về mặt này chúng ta nhìn nhận nam nữ khác nhau nhiều lắm. Người nam dầu giáo sư dại học, thủ tướng, tổng thống gì đi nữa, trên người của phần lớn đàn ông là ở cái mức vừa đủ. Cần sạch OK tôi sạch. Cần chỉnh chu tinh tươm thì tôi tươm tất, vừa vặn. Chứ còn quá nhiều luộm thuộm trên cái thân, cái vỏ ngoài làm phải mất thời gian cho nó. Mà muốn có luộm thuộm như vậy thì trong đầu phải luộm thuộm trước. Chính vì những người có quá nhiều cái luộm thuộm trong đầu mới lòi ra cái ở ngoài.

Chính vì vậy mới đừng thắc mắc vì sao phụ nữ từ trong Đạo ra tới ngoài đời hiếm bao giờ có những thành tựu tâm linh! Rất hiếm! Từ hồi học trung học họ cũng như nam, có khi còn giỏi hơn nam. Rồi mấy năm đại học họ có thể bằng nam đó. Nhưng sau khi rời đại học rồi thì đàn ông đi làm ký giả cũng hơn đàn bà. Mà làm luật sư, bác sĩ, đến nỗi cook đầu bếp, fashion designer thiết kế thời trang, thợ may, họa sĩ, nhạc sĩ…cái gì cũng hơn đàn bà. Nó lạ vậy là tại sao? Là cái khả năng đàn ông ở dơ rất cao, khả năng đàn ông mặc bộ đồ hai ba ngày, để rác đầy nhà, không cần làm đẹp …rất cao. Chính vì vậy cái đầu nó hưỡn như vậy nó có thể hướng tới chiều cao. Trong khi cái xác nữ đa phần thì lu bu với mấy cái ruồi bu, phong thủy thì chủ yếu tập trung mấy cái rườm rà.

Trong khi phong thủy người ta là chọn đúng đất, rồi mới làm cái gì phát huy vượng khí miếng đất đó. Chứ không có lu bu bận tâm mấy cái không cần thiết. Các vị tưởng tượng mình tìm miếng đất ngon cất cái nhà như là cái miễu. Trong nhà thì bày biện lùm xùm như cái am thầy pháp. Như vậy có phải uổng miếng đất đó không? Trong khi đó miếng đất ngon cất cái nhà như nhà Nhựt Bổn vậy đó, có hồ, thảm cỏ, bonsai. Cái gì thật sự cần thiết mới tha về. Thật sự cần thiết, lấy đi là thiếu liền đó, cái đó gọi là thực sự cần thiết. Các vị cứ nhớ câu thần chú:

. Một là ta chỉ sở hữu những thứ không thể thiếu.

. Thứ hai, ta chỉ sở hữu những thứ mà không bị người khác lấy đi mà mình có thể mang đi vào quan tài.

. Ta chỉ sở hữu những thứ mà khi lấy nó đi thì thấy thiếu. Chớ đừng sở hữu những thứ lấy đi mà thêm đẹp, thêm hay.

Đây là nguyên tắc vàng cho mấy người thích lu bu, rườm rà, thích mấy cái không cần thiết. Chỉ nên sở hữu những thứ mà lấy đi là không được, những thứ mà khi thêm vào chỉ thêm đẹp thôi. Còn những thứ lấy đi càng tốt, lấy đi thì ngôi nhà thêm đẹp, căn phòng thêm rộng, lấy đi mà tâm hồn thêm thoải mái thì cái đó không nên. Đây là nguyên tắc phong thủy của Đạo Phật.

Tôi đã nói một tỉ lần, chúng ta chỉ có một cặp chữ “thêm và bớt”. Mà cái thêm bớt này đi ra từ cái gì? Đi ra từ cặp “có và không”. Toàn bộ thế giới này chỉ có đau khổ và hạnh phúc. Mà đau khổ và hạnh phúc đến từ hai chữ có và không. Có những hạnh phúc đến từ việc ta có cái gì đó hoặc là không có cái gì đó. Cái khổ cũng vậy. Khổ đến từ hai nguồn là do mình có cái gì đó, hoặc do mình thiếu cái gì đó. Nếu định nghĩa hạnh phúc và đau khổ theo hướng đó thì đời sống của mình về tinh thần lẫn vật chất nó chỉ có hai chữ “thêm” và “bớt”.

Bởi vì hạnh phúc và đau khổ đến từ hai nguồn có và không. Như vậy cuộc tu và đời sống mình mình sống bằng hai động từ thêm và bớt. Có những thứ chúng ta phải thêm. Có những thứ chúng ta phải bớt. Cả một cuộc tu, sống trong đời hay Đạo tôi bảo đảm chỉ có hai chữ đó thôi : THÊM và BỚT. Để làm đẹp cho gương mặt chỉ cần hai động từ đó, thêm và bớt. Thêm cái gì vào, bớt cái gì ra là cái mặt nó đẹp. Cái nhà cũng vậy. Thêm cái gì vào bớt cái gì ra là cái nhà nó đẹp. Cơ thể mình muốn khỏe, thì cái gì cần thêm thì thêm, cái gì cần bớt thì bớt là nó khỏe. Giờ muốn sống lâu hay yểu thọ cũng một chiêu đó. Thêm cái gì bớt cái gì tự nhiên nó thọ, nó yểu thôi.

1:10:12

13/12/2020 – 10:13 – buithibuukim – [Mục Lục các Bài Giảng] – [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

Vậy phong thủy trong Phật giáo là gì? Là thêm bớt. Có được trú xứ thích hợp đủ chưa?- Chưa. Phải có thầy bạn thích hợp. Rồi cái điều kiện sinh hoạt thích hợp là gồm có phòng ốc, thực phẩm, y phục. Cuối cùng là pháp môn, tức đề mục tu tập phải thích hợp. Đó là phong thủy của Đạo mình.

Một miếng đất hoàn hảo là miếng đất hội đủ tàng phong tụ thủy. Một đời sống hoàn hảo là đời sống có chánh niệm và trí tuệ. Trí tuệ để thấy mà buông. Từ bi để thương rồi bao dung. Từ bi là thương rồi bao dung chớ không phải để nắm nghe. Thương để mà tha. Rồi trí tuệ thấy để mà buông. Một bên thương để mà tha. Rốt ráo Đạo Phật cuối cùng toàn là “buông” hết. Thấy để mà buông đúng rồi. Còn thương để mà tha. Tha là sao? Tha cũng là buông luôn. Tha là không giữ lại cục bất mãn trong lòng, trong tim, trong dạ mình hết. Dùng trí để buông cái mình thích. Dùng từ bi để buông cái mình ghét. Như vậy là quá OK.

Vậy đời sống người tu hành chính là kiến lập một mảnh đất, một ngôi nhà đúng mức phong thủy. Đương nhiên phong thủy này phải theo tinh thần của Đạo Phật. Gồm:

. Thứ nhứt là trú xứ phải giúp cho thiện pháp phát triển, cái ác pháp bị đẩy lùi.

. Thứ hai là đời sống mình phải luôn luôn nằm trong sự bảo hộ của chánh niệm và trí tuệ ( Bảo ngọc đới yêu).

. Đời sống mình phải theo nguyên tắc “tọa sơn hướng thủy”, tựa lưng vào tĩnh để quan sát cái động. “Tĩnh” là chánh niệm và trí tuệ. “Động” là dòng chảy của cuộc đời vô thường, lúc vầy lúc khác.

Kể từ hôm nay sau bài giảng này bà con nhớ, từ đây trở đi hễ mà bà con nghe chữ “tọa sơn hướng thủy” thì phải nhớ “ồ, tọa sơn là dựa lưng vào núi, dựa lưng vào đồi, dựa lưng vào niệm và tuệ, dựa lưng vào niệm xứ. Hướng thủy đây là quan sát dòng chảy của nhân gian, của nhân tâm, của danh sắc bản thân.

Sau cùng, những phụ kiện phong thủy mình treo mình máng, trang trí trong nhà để rước vượng khí thì nó chính là những đề tài tư duy mình thường xuyên sống với nó. Tôi cho là cái này rất quan trọng. Bởi vì mình là người học Đạo, hành Đạo thì cũng phải luôn luôn nhớ rằng mình thường nghĩ nhiều về cái gì; mắt thường thấy gì, tai thường nghe gì, đầu thường nghĩ gì thì đó chính là lối về của mình trong kiếp sau.

Trong Kinh Phật có cái chữ tôi rất thích là (…), có nghĩa là hướng thượng. Chúng ta có niềm an ủi rất lớn. Đó là một người không biết Đạo giống như con rùa mù ngoài biển, trăm năm trồi đầu lên một lần. Với một cơ hội hiếm hoi nào đó nó mới đưa đầu vào đúng lỗ ván trên biển. Nghĩa là cơ hội làm người khó như vậy.

Chúng ta là người tu học, nếu chúng ta thường xuyên sống Đạo, thường xuyên sống trong chánh niệm và trí tuệ, trong từ bi, kham nhẫn thì chúng ta cũng tiếp tục là con rùa mù nhưng ít ra cứ mỗi lần mình sống thiện là mỗi lần mình trồi đầu lên. Thay vì người không biết Đạo là trăm năm mới trồi lên một lần. Họ trồi lúc nào? Họ trồi những lúc gặp cảnh khổ, gặp sự cố sự biến. Họ trồi khi họ trọng bịnh nan y, trồi lên lúc họ cận tử thôi. Còn mình thì trồi liên tục.

Hai con rùa, một con thì trăm năm mới trồi một lần. Còn một con thì trồi liên tục trong mỗi phút thì mình thấy cơ hội của con này lớn hơn con kia chứ. Lớn hơn gấp tỉ lần. Đó là niềm an ủi của người học Đạo. Cứ mỗi giây phút mình sống với chánh niệm và trí tuệ là giây phút mình trồi đầu, cơ hội về với nhân thiên trước khi vô sanh giải thoát. Cơ hội trở về với nhân thiên của mình lớn hơn người không biết Đạo.

Tôi cũng nhắc lại lần nữa. Chữ “biết Đạo” ở đây không phải như đa phần người Việt Nam hiểu. Biết Đạo là tôi theo đạo Phật, tui có pháp danh sư phụ cho, có chuỗi, áo choàng, có giới điệp, có ăn chay, có tụng Phổ Môn Pháp Hoa, thỉnh thoảng có cúng dường, có đi chùa nghe Pháp… là biết Đạo. Không phải vậy! Đó chưa phải là biết Đạo, mà mới chỉ là cái vỏ thôi.

Mà biết Đạo đây là biết mình được cấu tạo như thế nào, mình ở đâu tới, mình sẽ về đâu, và bây giờ mình nên làm cái gì. Thì cái đó mới gọi là biết Đạo. Chứ còn chỉ có Pháp danh, chỉ có cúng bái là mình chỉ mới quẩn quanh một góc nhỏ của Thập thiện thôi. Mà Thập thiện không phải là Thập độ, không phải là Ba la mật, chưa chắc. Nó mới là góc nhỏ thôi, chưa được trọn vẹn của Thập thiện nữa thì làm sao gọi là biết Đạo. Biết Đạo phải là biết căn bản của lời Phật. Biết rõ từ đâu mình tới, mình sẽ về đâu. Mình đang là cái gì trong trời đất này và bây giờ mình phải làm gì?

Chúng ta phải nên nhớ mình trồng cái gì thì được cái đó. Mình trồng cây không có cái lõi thì nhiều lắm được cây tre cây sậy thôi. Mình muốn có lõi cây mình phải trồng cây có lõi, như cây trầm, cây giá tỵ, cây cẩm lai, cây sưa, cây trắc cây gõ cây sao gì đó. Còn đằng này mình trồng cây không có lõi thì thu hoạch chỉ được cây không có lõi.

Điều rốt ráo sau cùng chính là tôi mượn chủ đề phong thủy để nói một số vấn đề. Nhiều bà con kỳ lắm, nói Đạo nghe thì ngán mà nói thông qua một đề tài dẫn dụ nào đó, một thứ tá dược nào đó thì nó dễ nghe hơn.

Kể từ hôm nay mỗi lần nếu có dịp nghe chữ “phong thủy” thì ít ra mình cũng bàng bạc, phảng phất, lai rai mình nhớ lại có nghe ổng nói “tàng phong tụ thủy” là sao, “tọa sơn hướng thủy” là sao, “bảo ngọc đới yêu” là sao, “châu tước huyền võ thanh long bạch hổ” là sao, đại khái vậy. Rồi “Tịnh động “ trong Kinh Phật là sao. Nhớ cái đó!

Sau cùng cái cuộc đất tốt, cuộc đất mà có mộ kết, huyệt kết là sao. Theo tinh thần Phật pháp mình so với thế gian thì miếng đất huyệt kết, mộ kết là có thể đem lại những lợi lộc cho người làm chủ nó, chôn xác ở đó. Còn long mạch là chỗ kết được vượng khí đủ để mà lập nghiệp đế. Còn trong Đạo Phật thì long mạch có nghĩa là vùng đất nào mà mình ở đó mình tu hành chứng Đạo được. ( …). Còn vùng đất nào mình ở chỉ tu hành tốt đẹp thôi thì đó chỉ là đất lành, đất kết.

Trong Kinh Đức phật dạy: “Này các tỳ kheo, một ông vua có 3 chỗ phải nhớ suốt đời: Một là chỗ mình làm lễ đăng quang, phong vương. Thứ hai là chỗ mình đã chào đời. Chỗ thứ ba là nơi mình đã thắng trận, đánh thắng quân thù, chỗ ca khúc khải hoàn.

Vị tỳ kheo có 3 chỗ phải nhớ: 1. Chỗ nào mình đã thọ giới tỳ kheo. 2. Chỗ lần đầu tiên mình hiểu được Bốn đế là gì dầu chỉ trên lý thuyết. 3.Chỗ nào mà mình chứng Thánh.”

Dĩ nhiên nói theo tinh thần Phật pháp mình tu mình chỉ có chánh niệm trí tuệ thôi. Nhưng ngoài cái đó ra đâu phải mình không có những suy nghĩ. Đức Phật Ngài dạy trong trường hợp có những suy nghĩ này nọ mình còn có những mảng hồi ức thì đó là ba cái chỗ một người xuất gia phải lưu ý: 1, chỗ nào mình đã thọ đại giới. 2.Chỗ nào mình đã hiểu một cách đại lược giáo lý Tứ đế. 3. Chỗ nào mình chứng Thánh. Giống như một ông vua có 3 chỗ không thể quên được trong đời vậy. Đây là điểm đặc biệt trong Kinh mà người Phật tử phải nhớ.

Kỳ sau chúng ta sẽ học về Võ thuật Nam truyền và rất nhiều người trong room này ngạc nhiên: không biết tại sao Đạo Phật là đạo từ bi mà lại có chuyện võ thuật? Có. Là vì mình biết Kinh Phật nghèo quá, nên mình tưởng võ thuật là dộng vô mồm, đánh vô mỏ, xịt máu, tu xì dầu! Sai. Rồi phải có thập bát ban võ nghệ, kiếm rồi thương rồi côn. Sai. Nếu võ thuật mà hiểu vậy nó dốt quá! Cũng giống như trang điểm. Biết trang điểm thì trở thành hoa hậu, người mẫu, mà không biết trang điểm thì thành gái điếm. Ở đây cũng vậy. Hiểu võ thuật mà hiểu nghèo quá thì nó thành cái thằng du côn ngoài đường . Mà võ thuật mà hiểu cho đến nơi nó sang, sang lắm. Ở một định nghĩa sang trọng như vậy đó thì khái niệm võ thuật hoàn toàn có thể đưa vào Phật Pháp.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua ứng dụng Zoom năm 2020. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app