Chương 22

Dọn Nhà Tâm

Một trong những điều chúng ta thấy khó làm nhất, dù nói ra thì nghe có vẻ rất dễ dàng, đó là thương yêu chính bản thân mình. Phần đông chúng ta nhận thấy mình có nhiều điểm rất ‘khó thương’. Trớ trêu thay ta lại dễ nhận ra những cá tính đó ở người khác, khiến ta thấy khó chịu, khó chấp nhận, dẫn đến bất mãn với cuộc đời. Không chấp nhận tính nầy, tật nọ của người khác, không ích lợi gì, mà chỉ khiến ta thêm bực bội, khó chịu trong lòng. Các loại tình cảm nầy chỉ có hại cho ta. Chỉ làm cho mối liên hệ giữa ta và người xấu đi -sẽ chẳng bao giờ đem lại cho ta hạnh phúc hay chánh niệm.

Nhưng cách giải quyết tốt nhất không phải là đi tìm bạn mới, hay che giấu tình cảm của mình, mà là phải thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn của ta về tha nhân. Đức Phật đã được gọi là vị Thầy của những chúng sanh có thể độ, có thể được điều phục. Cái khó thể hàng phục nhất là cái ngã của chúng ta. Người chưa biết tu, sẽ không thể nhận thấy họ luôn biểu lộ điều họ thích hay không thích. Họ luôn nghe theo những chấp kiến của họ, không cần biết đến điều gì khác. Kẻ khác thì lại có thể biết rất rõ về ngã chấp của mình, nhưng không thể làm được gì vì chưa qua quá trình chuyển đổi tâm. Dầu họ biết rất rõ về những tánh chưa điều phục được -những phản ứng bản năng liên tục- họ vẫn không thể kiềm chế chúng. Rồi cũng có những người biết tự bắt đầu sửa đổi. Vì thế không nên xét đoán người khác một cách chủ quan, coi như cá tính của con người cứng nhắc, không thể thay đổi. Tất cả chúng sanh, ngoại trừ các bậc A-la-hán, đều tội lỗi, nhưng tất cả cũng đều có thể chuyển đổi, nếu họ thành tâm. Vì thế đối với tha nhân, ta cần phải xem nếu họ có muốn sửa đổi hay không, còn những người không muốn sửa đổi, thì đừng để ý đến họ.

Chính sự đòi hỏi, mong đợi khiến ta có những phán đoán tiêu cực về bản thân cũng như với người khác. Chúng ta không mong mỏi phải là người hoàn toàn tốt đẹp, thông mình, đẹp đẻ, giàu sang, thanh tịnh, thánh thiện, nhưng chúng ta lại đòi hỏi cái ngã của ta phải cứng rắn, hoàn hảo, vững bền. Đó là lý do tại sao chúng sanh muốn tích tụ của cải vật chất. Vì càng có nhiều của cải, ta càng nghĩ mình đặc biệt, như thể rằng sở hữu và hiện hữu là một. Nhưng điều ta thật sự kiếm tìm là sự bình an, không lo sợ, vì thế, khi không đạt đưọc mục đích, ta sinh ra phiền não.

Ngoài ra ta còn tìm sự thoả mãn khi chấp vào hình tướng nam, nữ, làm mẹ, làm con, làm thiền sinh, hay là người thông minh, danh giá, đẹp đẻ, vân vân và vân vân. Dầu ta không ngừng tìm kiếm sự tự tin, tha nhân cũng không thể ủng hộ ta, vì họ đâu có biết thật sự ta muốn gì. Và vì người khác không thể ủng hộ, chấp nhận ta, lòng mong mỏi, chờ đợi của ta không thể được thoả mãn. Do đó, ta sinh ra thất vọng, và ta càng thấy khó chấp nhận bản thân hơn.

Thêm nữa, ta cũng mong mỏi được trở nên một người xứng đáng hơn, thánh thiện hơn con người hiện tại của mình. Lòng hy vọng đó tùy thuộc vào tương lai, vì thế hiện tại chưa thể khả thi, cũng là cơ hội để phiền não bước vào tâm ta. Tóm lại bất cứ điều gì chỉ nhằm mục đích củng cố thêm ngã chấp của ta, sẽ không thể thành tựu đưọc, vì chúng có mặt phút nầy, phút sau đã biến mất. Vì thế, thay vì được hạnh phúc, bình yên, ta chỉ gặt hái sự sợ hãi, âu lo -sợ không đạt được điều mong muốn, lo âu, tìm mọi cách để đạt đưọc điều mong muốn.

Khi chúng ta còn chấp vào ngũ uẩn -thân, thọ, tưởng, hành và thức- chúng ta còn đau khổ. Tuy nhiên, ngũ uẩn còn có hình tướng, còn hiện hữu. Tất cả các tướng chấp khác như sở hữu, được danh giá hay gì đó, chỉ là ảo tưởng, hầu như không hình tướng. Do đó, những nỗi khổ đau do chúng mang lại cho ta càng sâu đậm hơn năm uẩn. Chúng ta càng chấp vào chúng, mà không ý thức được điều đó, càng khó rèn luyện được tâm biết thương yêu. Vì sự bám víu, cố chấp tạo ra ngăn cách, phán đoán, chia rẽ, ngăn trở lòng

hỷ xả, cởi mở. Mà không có tình thương, lòng hỷ xả, ta càng thêm khổ đau, thiếu sáng suốt -một trái tim biết thương yêu và một cái đầu sáng suốt thường đi đôi với nhau. Khi nào ta còn kích bác, không chấp nhận chính bản thân và tha nhân, khi đó ta còn thấy khổ đau. Ta khó thể biết thế nào là sự bình an thanh tịnh.

Thanh tịnh, bình an không phải là sự vắng mặt của điên đảo. Sức khoẻ thực sự không phải là sự vắng mặt của bịnh hoạn. Thanh tịnh là trạng thái nội tâm tròn đầy, không có chỗ cho ngã chấp, tham muốn, hay lo âu, sợ hãi không đạt được những gì mình mong muốn, là khi ta nương trụ nơi chính ta. Phật giáo hướng ta đến buông xả, con đường tu tập để phá chấp -không tham, không chấp, không sở hữu.

Tâm thanh tịnh không phải tự nhiên mà có đưọc. Phải tu tập, rèn luyện công phu mới có đưọc. Chúng ta sinh ra mang theo những hạt giống của tham sân, nhưng cũng không thiếu các hạt giống độ lượng, nhân từ. Chúng ta cần nỗ lực vun trồng các hạt giống thiện, đào bỏ các hạt giống xấu. Nỗ lực nầy không thể đưọc lơ là phút giây nào cả.

Khi có tâm từ, ta sẽ thấy lợi ích của tha nhân cũng là lợi ích của bản thân. Nếu lúc nào ta cũng chỉ biết có ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’, thì việc rèn luyện để khai mở lòng từ, càng quan trọng hơn nữa, vì khi tâm ta hẹp hòi, chất chứa, thì trí ta cũng hoang mang, u tối. Tâm và trí không phải là hai cơ quan độc lập (trong tiếng Pali, cả hai đều được gọi là Citta). Nếu không bỏ công rèn luyện cả hai, sợ rằng ta đã bỏ qua một phần quan trọng trong giáo lý của Đức Phật. Thanh tịnh đưọc các cảm thọ giúp đầu óc ta thêm sáng suốt. Ta cũng cần thanh tịnh hoá những tình cảm chấp ngã, muốn nhận vào, nhưng không muốn cho ra, diệt bỏ những cấu uế trong ta.

Khó thể chấp nhận, thương yêu người khác cũng giống như khó thể chấp nhận, thương yêu chính bản thân. Nhưng thương yêu bản thân không có nghĩa là tự tôn, cảm thấy mình hơn người, cao ngạo hay hoang tưởng về các khả năng của mình. Thật ra đó là một tình cảm từ bi, tình cảm của người mẹ thương yêu con mình. “Như khi người mẹ không quản thân mạng thương yêu, che chở cho con mình, đứa con duy nhất của mình… ‘, như Đức Phật đã dạy trong Kinh Từ Bi. Nếu chúng ta có thể phát khởi tình yêu thương đó đối với bản thân, ta cũng có thể nhân rộng đến với người chung quanh, và tình cảm hòa ái sẽ phát khởi trong ta. Khi đó cả hai, đời sống tâm linh và cuộc sống đời thường, thuận theo một dòng chảy. Khi ta theo dỏi những biến chuyển trong tâm không chỉ bằng con mắt hiểu biết về sự sinh diệt của chúng, mà còn bằng lòng chăm chút, chú tâm sâu lắng, ta có thể tiêu giảm được những cấu uế, tội lỗi của mình. Đưọc như vậy, ta sẽ bớt trở ngại trên bước đường tu của mình.

Ta cần phải ít nhiều buông bỏ những tham cầu, bám víu. Vì tham muốn là gốc của khổ đau. Nên nếu ta thực sự muốn giảm bớt khổ đau, ta phải biết kiềm chế lòng ham muốn. Con đường tâm linh là con đường của nỗ lực nội tâm; không chỉ là việc ngồi xuống chiếu thiền. Cuộc hành trình tâm linh chỉ thật sự bắt đầu khi ta có thể ý thức được những gì đang dấy khởi trong nội tâm, và có thể buông bỏ chúng.

Thường chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các động lực hành động ở người hơn là của chính bản thân. Tuy nhiên, những gì chúng ta thấy ở người khác chỉ là sự phản
chiếu của bản thân, nếu không làm sao ta có thể hiểu được ý nghĩa của những gì ta quan sát thấy. Do đó, thay vì trách cứ, ghét bỏ người khác, chúng ta biết mình phải làm gì: Hãy coi tha nhân là tấm gương soi của chính mình. Nếu ta có thể nhận biết những gì xảy ra cho người khác đó là vì chúng ta cũng đã từng trãi qua những kinh nghiệm đó.

Hạnh phúc và bình an đồng nghĩa với nhau. Nhưng hạnh phúc và dục lạc thì trái ngược nhau. Dục lạc chỉ xảy ra trong thoáng chốc, do những xúc chạm nhất thời mang đến, trong khi hạnh phúc hay bình an là một trạng thái của bản thể. Nếu tâm ta không có bình an, ta sẽ không cảm nhận được hạnh phúc. Vì thế ta cần tìm hiểu tại sao nội tâm mình không được tự tại. Ta đã ước muốn điều gì, mà không đượa! mãn? Tại sao những hy vọng của ta không thành hiện thực? Ta bám víu vào gì ở tự ngã và ở tha nhân? Ta lo sợ mất mát điều chi? Có phải vì ta luôn đánh bóng cái ngã cửa mình, nhưng không đưọc ai ủng hộ? Sẽ không thể có bình an, hạnh phúc trong những trang thái tâm kể trên.

Nếu không có trực giác về những nội kết nầy, chúng ta không thể sửa đổi được gì. Trực giác đó chỉ có thể có được bằng cách quán xét nội tâm, tức là sati, hay là chánh niệm. Một chữ ngắn gọn đó bao gồm cả con đường, đạo và quả. Chánh niệm đó quy thẳng vào nội tâm, bằng sự nhạy bén của kính hiển vi, không phải bằng sự chú tâm hời hợt mà ta thường có đối vơi nhiều việc khác. Sự thật đưọc bộc lộ rõ ràng, hiển nhiên đó đôi khi làm ta đau khổ, vì những điều ta khám phá ra có thể không đẹp đẻ chút nào; ta đau khổ vì sự phán đoán của chính mình, vì ta không thể chấp nhận một khía cạnh nào đó của bản thân. Nếu không tu tập để được thanh tịnh hóa, ta còn phải chịu nhiều đau đớn hơn thế nữa.

Trong giáo lý của Đức Phật đã nói rõ phiền não, cấu uế là bản tính của chúng sanh, nhưng chúng sanh cũng có thể tu tập , rèn luyện để được thanh tịnh hóa. Nhưng muốn đưọc bước trên con đường thanh tịnh hóa, ta cần quán xét lại lòng ham muốn của mình. Hãy viết chúng xuống giấy, để tự hỏi xem mình có thực sự cần chúng không. Có thể ta cần được thương yêu, ngưỡng mộ, mang ơn; có thể ta cần sự thông minh, giác ngộ hay chỉ cần chút thanh tịnh. Sau đó, hãy tự hỏi tiếp: Làm sao ta có thể tìm được bình an trong nội tâm? Khi chúng ta viết xuống những kinh nghiệm của mình, rồi quán xét chúng, chắc rằng ta sẽ nhận ra sự thanh tịnh, an bình là kết quả của việc từ bỏ các ham muốn.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta có thể ngay lập tức từ bỏ mọi ham muốn, bám víu, nhưng có nghĩa là ta có thể bắt đầu con đường của buông xả, chuyển đổi. Khi lòng ham muốn nổi lên, hãy quán sát nó, hãy mỉm cười rồi nó sẽ biến mất, và thay vào đó là tâm độ lượng sẽ phát khởi trong ta. Khi tâm ta không còn đầy dẫy những ham muốn, ta có thể lấp đầy tâm với tình thương yêu.

Tình thương yêu chính là tâm độ lượng. Chúng ta không thể làm gì với tình thương yêu, ngoài việc ban phát chúng cho mọi người. Khi lòng ham muốn giảm bớt, thì tình thương yêu, lòng độ lượng tăng trưởng. Chúng ta cần nhớ là tình thương yêu chân thật không tùy thuộc vào sự dễ thương của người khác. Nếu ta chỉ thương yêu một người vì người đó tử tế với ta, thì loại tình thương đó cũng chỉ là một hình thức của chấp ngã. Tình thương yêu là đặc tính của trái tim mà không tùy thuộc vào đặc tính của người mình yêu.

Buông xả -không chấp- giúp chúng ta có thể thương yêu chính mình và tha nhân dễ dàng hơn, đưa ta đến sự bình an, tự tại. Tham muốn, ngược lại, vì luôn khiến ta phải tìm kiếm, chạy đuổi không ngừng, nên chỉ tạo ra những cuộc chiến trong tâm trí ta. Không có lòng ham muốn, sẽ không sinh ra sự sợ hãi vì không đạt được hay không giữ được điều mình mong muốn. Tâm sẽ không phát khởi âu lo, do đó ta có thể trụ ngay trong giờ phút hiện tại.

Nếu sự bình an tự tại của tâm hồn là mục đích sống của ta, thì buông xả là con đường phải chọn -không thể có lựa chọn nào khác. Hãy dẹp bỏ trong tâm trí ta những tham luyến, ngã chấp, mong cầu, và thay vào đó bằng lòng độ lượng, thì cánh cửa của lòng từ bi sẽ được mở ra. Nếu ta không làm đưọc như thế, thì lòng từ bi sẽ mãi mãi chỉ là niềm hy vọng, một ước muốn chẳng bao giờ thành tựu.

Đức Phật không bao giờ ép buộc ai phải theo giáo lý của Ngài, nhưng chỉ khuyên ta hãy thực hành theo lời hướng dẫn của Ngài để tự chứng lời dạy đó. Đó là phương pháp của Đức Phật: rõ ràng, thẳng thắn và đã được bao nhiêu người tin theo qua hằng bao thế kỷ.

Chúng ta không phải là những bộ máy, và bộ óc con người không phải là chiếc máy vi tính đầy logic. Tâm ta có những tình cảm mà ta gắn bó mật thiết với chúng. Khi ta được nghe những lời dạy của Đức Phật, tâm ta cảm thấy xao động. Từ thâm sâu, dầu chưa tự chứng đưọc kết quả, ta cũng hiểu rằng đó chính là chân lý.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app