Phần Ba

15 MẪU NGHIÊN CỨU TỶ GIẢO
GIỮA CÁC KINH P VÀ C TƯƠNG ĐƯƠNG

NC1

C 100 : Tưởng kinh

P 1: Kinh Căn bản pháp môn

A. Cốt tủy kinh C

C: Đức Phật kể ra những thái độ khác nhau của các hạng người đối với các pháp, nguyên nhân quyết định những thái độ này, và trình độ giải thoát do những thái độ này đem lại.

P: Gần giống.

B. Nhan đề

C: Tưởng kinh: Bàn về nhận thức, ám chỉ thái độ của những hạng người khác nhau đối với các pháp.

P: Mùlapariyàyasuttam, Căn bản pháp môn: Bàn về các pháp căn bản, ám chỉ phương pháp căn bản để tiếp cận các pháp.

C. Nơi thuyết kinh

C: Xá Vệ, Thắng Lâm, Cấp-cô-độc Viên.

P: Ukkatthà, Subhagavana, dưới gốc một cây Sà la vương.

Nhận xét: Ukkatthà là một thành phố ở Kosala gần dãy núi Tuyết, được quốc vương xứ Kosala phong ấp cho Bà-la-môn Pokkarasàti để thưởng tài năng của ông ta trước đấy. (D.P.P.N.,i,p.319)

Subhagavana là một khu rừng ở Ukkatthà, được gọi như vậy vì vẻ đẹp của nó. (D.P.P.N.,ii,p. 1230)

Bản C dịch danh từ viharati là “du hành”, trong kinh này cũng như các kinh khác, bản P sử dụng từ này trong ý nghĩa nguyên thủy là trú, ở.

D. Nội dung kinh

I. Các hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:

C: Đức Phật nói kinh này không có một dẫn nhập nào cả.

P: Đức Phật gọi các Tỳ-kheo, tuyên bố ý định của Ngài là giảng pháp môn Tất cả pháp, bảo các Tỳ-kheo hãy chú ý lắng nghe, và các Tỳ-kheo vâng đáp đức Thế Tôn. Rồi đức Phật thuyết kinh.

II. Thái độ của các Sa-môn, Bà-la-môn còn vô minh:

C: Có những Sa-môn, Bà-la-môn tưởng tri địa đại là địa đại, rằng địa đại là ngã, thuộc về ngã, ngã thuộc về địa đại. Khi họ có quan điểm rằng địa đại là ngã, thì như vậy họ không biết rõ địa đại. Cũng vậy đối với thủy, hỏa, phong đại, phi nhân, chư thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, sự thanh tịnh, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đồng nhất, dị biệt, đa dạng, sở kiến, sở văn, sở giác, sở tư niệm, sở đắc, sở quán, niệm, ý tưởng, từ thế giới này đến thế giới khác, từ thế giới khác đến thế giới này, tất cả. Đối với tất cả, họ có tưởng về tất cả, lầm tất cả là ngã, tất cả thuộc về ngã, ngã thuộc về tất cả. Khi họ có quan điểm rằng tất cả là ngã, thì như vậy họ không biết rõ tất cả.

P: Không giống hẳn. Trong khi bản C chỉ nói đến Sa-môn và Bà-la-môn nói chung, bản P lại nói đến phàm phu ngu si, bất kể các bậc thánh và bậc chân nhân, không học, không tu tập pháp các bậc thánh, pháp các bậc chân nhân.

C: Người tưởng tri địa đại là địa đại, địa đại là ngã, địa đại thuộc về ngã, ngã thuộc về địa đại=P: vị ấy tưởng tri địa đại là địa đại, sau khi tưởng tri địa đại là địa đại, vị ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến tự ngã trong địa đại, vị ấy nghĩ đến địa đại ở trong ngã, hay ngã ở trong địa đại. Vị ấy nghĩ địa đại là của tôi. Vị ấy hoan hỷ trong địa đại.

C: Khi vị ấy có quan điểm rằng địa đại là ngã, thì vị ấy không biết rõ địa đại = P: Tại sao? Ta nói vị ấy không liễu tri địa đại.

Trong khi bản C kể đến 29 pháp, bản P chỉ kể 24 pháp theo thứ tự sau: địa, thủy, hỏa, phong, chúng sinh, chư thiên, Sanh chủ, Phạm thiên, Quan âm thiên, Biến tịnh thiên, Quảng quả thiên, thắng giả, Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, sở kiến, sở văn, sở giác, sở tri (cái được thấy, được nghe, được cảm giác, được nhận thức), đồng nhất, sai biệt, tất cả, Niết-bàn… 11 pháp không có trong bản P là: phi nhân, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, thanh tịnh, nhiều, sở đắc, sở quán, niệm, ý tưởng, từ thế giới này đến thế giới kia, từ thế giới kia đến thế giới này. Sáu pháp không có trong C: chúng sinh, Quan âm thiên, Biến tịnh thiên, Quảng quả thiên, thắng giả, Niết-bàn.

Nhận xét: bản C bỏ danh từ Niết-bàn, được giải thích trong Papancàsudàni là sự hưởng thụ năm dục lạc, đây là lối giải thích của nhà duy vật xem sự hưởng dục ngay trong đời này chính là Niết-bàn.

III. Thái độ của các Sa-môn, Bà-la-môn có trí:

C: Đoạn này chỉ là ngược lại với thái độ các Sa-môn Bà-la-môn ngu si, với những thay đổi thích hợp.

P: Không giống hẳn. Ở đây bản P nói đến một bậc hữu học, đa văn, chưa đạt đến toàn giác, đang còn nỗ lực đạt đến vô thượng an ổn thoát khỏi trói buộc. Vị ấy biết địa đại là địa đại, và không nhận thức nó như phàm phu ngu si. Vị ấy cố không nghĩ đến địa đại là của tôi, không hoan hỷ trong địa đại. Lý do của thái độ này là với vị ấy, bản chất chân thực của đối tượng có thể biết được (parinneyyam tassàti).

Ở đây bản P thêm thái độ của bậc vô học, bậc A-la-hán, người đã phá hủy các lậu hoặc, đã sống đời phạm hạnh, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt đến mục đích, đã tận trừ hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ thắng trí. Vị ấy đã đạt đến sự không nghĩ đến địa đại, không cho địa đại là của tôi, không hoan hỷ trong địa đại. Lý do của thái độ này là vị ấy đã liễu tri địa đại, đã từ bỏ tham, sân, si.

IV. Thái độ của Như lai:

C: Gần giống như trường hợp các Sa-môn, Bà-la-môn có trí, thay chữ Sa-môn, Bà-la-môn bằng Phật.

P: Ở đây bản P nói đến Như lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Vị ấy đã đạt đến sự không tưởng tri địa đại, không cho địa đại là của tôi, không hoan hỷ trong địa đại. Lý do của thái độ này là vị ấy đã hoàn toàn liễu tri. Vị ấy biết rằng hoan hỷ là nguồn gốc của đau khổ; từ hữu, sanh khởi lên, và có già chết đến với hữu tình. Đức Như lai nhờ đoạn tận tất cả khát ái, nhờ không chấp thủ, nhờ đã chấm dứt, đã từ bỏ, hoàn toàn từ bỏ, nên đã đạt đến Vô thượng bồ đề.

Nhận xét: Ở đây bản P đưa ra một định nghĩa rõ ràng về các hạng người khác nhau với những thái độ khác nhau của họ, và lý do họ làm như vậy, trong khi bản C thì hơi quá đơn giản. Bản P nói đến sự phân biệt giữa hai hạng người cuối cùng, giữa Tỳ-kheo là bậc A-la-hán với tất cả đặc tính của quả vị này và Như lai, cũng là một A-la-hán, nhưng còn là Sammàsambuddho, Chánh đẳng giác. Ở đây bản C dịch danh từ Àtman là thần hồn.

E. Kết luận

C: Đức Phật nói như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật, hoan hỷ phụng hành.

P: Đức Phật nói như vậy. Các Tỳ-kheo hoan hỷ về lời dạy của đức Thế Tôn.

Nhận xét: theo truyền thống Tích Lan và bản kinh Tích Lan, các Tỳ-kheo không hoan hỷ với kinh này. “Na te bhikkhù Bhagavato bhàsitam abhinandunti.” Bản in trong kỳ kết tập thứ sáu tại Miến Điện cũng theo truyền thống của Tích Lan.

NC 2

C 10: Lậu tận kinh

P 2: Kinh Tất cả lậu hoặc

A. Cốt tủy kinh C

Phật nhấn mạnh tầm quan trọng của tri kiến và sự tư duy chân chính đưa đến tận trừ lậu hoặc, và nhấn mạnh những nguy hiểm của tà tư duy nuôi dưỡng và tăng trưởng lậu hoặc. Rồi Ngài nêu lên bảy cách tận trừ lậu hoặc.

B. Nhan đề

C: Lậu tận kinh : Bài kinh nói về sự dập tắt các lậu hoặc, ám chỉ sự chấm dứt lậu hoặc bằng bảy cách.

P: Sabbàsavasuttam: Bài kinh nói về tất cả lậu hoặc, ám chỉ tất cả lậu hoặc được đoạn tận bằng bảy cách.

C. Địa điểm thuyết kinh

C: Ở Câu Lâu Sấu tại phố thị của người Câu Lâu (Kuru) gọi là Chien-mo-sê-t’san.

P: Tại Xá Vệ, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên.

Ghi chú: Kuru là một trong 16 thị trấn lớn. Cư dân ở đây nổi tiếng là có trí tuệ sâu sắc và phần lớn những kinh sâu xa đều được Phật thuyết tại đây. Kammassadamma là một làng của dân Kuru, nơi thỉnh thoảng Phật đến cư trú.

D. Nội dung kinh

I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:

C: Phật thuyết kinh này không có dẫn nhập:

P: Phật gọi các Tỳ-kheo, báo cho biết ý định Ngài muốn thuyết kinh Tất cả lậu hoặc, bảo họ hãy chú ý. Các Tỳ-kheo vâng đáp và Phật giảng kinh.

II. Tri kiến đưa đến sự đoạn tận lậu hoặc:

C: Nhờ tri kiến mà lậu hoặc được dập tắt. Làm thế nào nhờ tri kiến mà lậu hoặc được dập tắt chứ không phải không tri kiến, không lý do? Có sự suy xét chân chính, và suy xét sai lầm. Do suy xét sai lầm, những dục lậu chưa sinh phát sinh, lậu hoặc đã sinh tăng trưởng; hữu lậu chưa sinh phát sinh, vô minh lậu chưa sinh cũng phát sinh. Nhờ suy xét đúng, mà dục lậu chưa sinh không sinh, dục lậu đã sinh biến mất; hữu lậu, vô minh lậu chưa sinh không sinh, hữu lậu, vô minh lậu đã sinh biến mất.

P: Gần giống. C: nhờ tri kiến=P: jànato passato. C: suy xét chân chính, suy xét sai lầm= như lý tác ý, phi như lý tác ý. Bản P chỉ nói àsavà (lậu hoặc) nói chung.

III. Thái độ của vô văn phàm phu và thánh đệ tử đa văn:

C: Những kẻ phàm phu ngu si không thể nghe chánh pháp, không thể gặp bậc thực sự đa văn, không biết diệu pháp, không am hiểu diệu pháp, không như thật biết về pháp. Do suy nghĩ sai lầm, những dục lậu chưa sinh phát sinh … (như trên, cho đến) những lậu hoặc đã sinh biến mất. Vì vị ấy không như thật biết pháp, vị ấy tư duy các pháp không đáng tư duy, vị ấy không tư duy các pháp đáng tư duy. Vì vị ấy tư duy các pháp không đáng tư duy, và không tư duy các pháp đáng tư duy, nên dục lậu chưa sinh phát sinh, lậu hoặc đã sinh tăng trưởng; các hữu lậu, vô minh lậu chưa sinh phát sinh, các lậu hoặc đã sinh tăng trưởng. Thánh đệ tử đa văn có thể nghe chánh pháp, có thể gặp gỡ những người thực sự đa văn (ngược lại với trường hợp vô văn phàm phu).

P: (Bản P để đoạn này trong phần nói về lậu hoặc cần phải đoạn trừ bằng kiến). Ở đây phàm phu vô văn được mô tả là không kể gì đến bậc thánh và bậc chân nhân, vì không am hiểu, không tu tập pháp các bậc thánh và bậc chân nhân. Nó bỏ: “với suy nghĩ sai lầm… những lậu hoặc đã sinh biến mất”. Bản P nói rằng phàm phu này không biết pháp nào nên tác ý và pháp nào không nên tác ý. Những pháp không nên tác ý là những pháp mà khi tác ý thì dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu chưa sinh sẽ sinh, những lậu hoặc đã sinh sẽ tăng trưởng. Những pháp đáng tác ý là những pháp nào khi tác ý đến, thì dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu chưa sinh sẽ không sinh, đã sinh sẽ biến mất. Vì phàm phu này tác ý các pháp không đáng tác ý, cho nên các lậu hoặc chưa sinh sinh khởi, các lậu hoặc đã sinh tăng trưởng. Trường hợp bậc thánh đệ tử đa văn thì trái lại.

IV. Bảy cách để đoạn trừ lậu hoặc:

C: Có bảy cách đoạn trừ lậu hoặc, khổ, bực mình, sầu, não. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng tri kiến. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng phòng hộ. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng tránh né. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng sử dụng. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng kham nhẫn. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng trừ diệt. Có những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng suy tư.

P: Gần giống. Thứ tự trong bản P như sau: 1. Tri kiến, 2. Phòng hộ, 3. Sử dụng, 4. Kham nhẫn, 5. Tránh né, 6. Đoạn trừ 7. Tu tập.

Nhận xét: Thứ tự trong P đúng hơn vì nó đặt “sử dụng” gần với kham nhẫn và “tránh né” gần với trừ khử.

Trong phương pháp thứ bảy, bản C dùng danh từ tư duy, P dùng danh từ Bhàvanà có hai nghĩa, tư duy và thiền định.

V. Lậu hoặc cần đoạn trừ bằng tri kiến:

P: Dassana:

C: Thế nào là lậu hoặc cần đoạn trừ bằng tri kiến? Kẻ vô văn phàm phu không thể nghe chánh pháp… không chân thật biết pháp, vì nó tác ý sai, nó nghĩ: “Ta đã có đời quá khứ; ta không có đời quá khứ; do nguyên nhân gì ta có đời quá khứ, đời quá khứ của ta ra sao? Ta sẽ có đời tương lai; ta sẽ không có đời tương lai? Nó hoài nghi về tự thân, là gì, như thế nào? Các hữu tình này đến đây từ bao giờ và sẽ đi về đâu? Do nguyên nhân nào chúng đã có mặt trong quá khứ? Do nguyên nhân nào chúng sẽ có mặt trong tương lai?” Sau khi làm những tư duy sai lầm như vậy đối với sáu kiến chấp ấy; theo bất cứ quan điểm nào trong đó, kiến chấp khởi lên rằng thật có một cái ngã (soul); sự khởi lên kiến chấp này nảy sinh ra kiến chấp rằng thực sự không có ngã; sự khởi lên kiến chấp này sinh ra kiến chấp rằng ngã thấy ngã; sự khởi lên kiến chấp này sinh ra kiến chấp rằng ngã thấy phi ngã; sự khởi lên kiến chấp này sinh ra kiến chấp phi ngã thấy ngã; sự khởi lên kiến chấp này sinh ra kiến chấp rằng cái ngã này có thể nói, hiểu, hành động, khiến hành động, có thể giảng dạy, khiến giảng dạy; (bản C hơi nhầm lẫn, đáng lẽ là: năng tác, tác khởi, năng giáo, giáo khởi); tái sinh chỗ này chỗ kia, thọ các quả báo thiện ác, chắc chắn nó không từ đâu lại, chắc chắn nó không hiện hữu, chắc chắn nó sẽ không hiện hữu. Đây gọi là tấm màn kiến chấp, kiến tranh luận, kiến trói buộc. Kẻ phàm phu ngu si vì lý do này phải chịu sinh, già, bệnh, chết.

Bậc thánh đệ tử có thể nghe chánh pháp, có thể gặp những người thực sự đa văn; vị ấy như thật biết chánh pháp, như thật biết khổ, biết nguyên nhân của khổ, biết sự chấm dứt của khổ, biết con đường đưa đến sự chấm dứt khổ. Sau khi biết như vậy phù hợp với chân lý, ba kiết sử được đoạn tận. Ba kiết sử thân kiến, giới cấm thủ và nghi khi đã đoạn tận, vị ấy đắc Dự lưu, không còn rơi vào ác pháp và chắc chắn sẽ tiến đến giác ngộ chân chính. Cùng lắm là sau bảy lần tái sinh tại các cõi trời và cõi người, vị ấy sẽ đạt đến chấm dứt khổ. Nếu vị ấy không biết tri kiến chân chính, thì sầu, bi, khổ, ưu sinh khởi. Nếu vị ấy biết tri kiến chân chính, thì sầu, bi, khổ, ưu không sinh khởi. Đây gọi là lậu hoặc đoạn trừ bằng tri kiến.

P: (Bản P để đoạn nói về thái độ phàm phu và thánh đệ tử vào phần này). Gần giống. Về cách suy nghĩ của phàm phu ngu si, về quá khứ và vị lai cũng giống như C. Về hiện tại, C: Vị ấy hoài nghi thân của ta là gì, nó ra sao=P: Hiện tại ta hiện hữu hay không hiện hữu? Ta là gì trong hiện tại? Ta là thế nào? Bản P bỏ: “Do nguyên nhân gì từ trước hữu tình sinh ra? Do nguyên nhân gì tương lai chúng sẽ không sinh?” Sáu kiến chấp khởi lên do tà tư duy cũng gần giống nhau.

Kiến chấp thứ nhất: C: kiến chấp khởi lên rằng thật có một bản ngã=P: kiến chấp khởi lên như thật như chân: “ta có một bản ngã”.

Kiến chấp thứ hai: Cũng nhận xét như trên.

Kiến chấp thứ ba: C: kiến chấp khởi lên rằng, ngã thấy ngã=P: bản P dùng danh từ tưởng tri thay cho thấy, và dùng tự ngã thay cho ngã.

Kiến chấp thứ tư và năm: Cũng nhận xét như trên.

Kiến chấp thứ sáu: C: Chính tự ngã này có thể nói, hiểu, hành động, khiến hành động, có thể giảng dạy và khiến giảng dạy; sinh chỗ này chỗ kia, thọ quả báo thiện ác; chắc chắn nó không từ đâu đến, chắc chắn nó không hiện hữu, chắc chắn nó sẽ không hiện hữu= P: Chính tự ngã này là người nói, người kinh nghiệm, người hưởng thụ quả báo các hành vi thiện ác chỗ này chỗ kia. Tự ngã này của tôi trường cửu, chắc chắn, thường hằng, không biến đổi, bất diệt.

C: Đây gọi là màn kiến chấp, kiến trù lâm, kiến trói buộc=P: ditthigatam, ditthigahànam, ditthikantàram, ditthivisùkam, ditthi-vipphanditam, ditthisamyojanam ( đi đến tà kiến, rừng tà kiến, kiến hoang vu, kiến tranh chấp, kiến đấu tranh, kiến kiết sử). Về thái độ của thánh đệ tử đa văn, bản P đưa vào đây toàn thể đoạn ở trong phần ba đã thấy ở trên. Nó cũng nói tri kiến về bốn chân lý phù hợp với chánh tư duy và sự đoạn tận ba kiết sử: thân kiến, nghi và giới cấm thủ (không trùng thứ tự như bản C). Nó bỏ sự chứng đắc Dự lưu đạo và sự diệt tận đau khổ, sầu, khổ, ưu, não.

VI. Lậu hoặc cần đoạn trừ bằng phòng hộ:

P : Samvara:

C: Vị Tỳ-kheo khi thấy sắc pháp, phòng hộ nhãn căn. Với sự suy xét chân chính, vị ấy quán chúng là bất tịnh. Vị ấy không hộ trì nhãn căn khi do suy nghĩ sai lầm, xem chúng là sạch sẽ. Khi không có sự phòng hộ, thì sầu, bi, khổ, ưu sẽ sinh khởi; khi có sự phòng hộ, thì sầu, bi, khổ, ưu không sinh. Cũng vậy với tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi nhận thức các đối tượng. Vị ấy phòng hộ ý căn. Với tư duy chân chính, vị ấy quán chúng là bất tịnh; vị ấy không phòng hộ ý căn nếu do tà tư duy, quán chúng là thanh tịnh. Khi không có sự phòng hộ thì sầu, bi, khổ, ưu phát sinh; khi có sự phòng hộ thì sầu, bi, khổ, ưu không sinh.

P: Không giống hẳn. Ở đây bản P nói, vị Tỳ-kheo như lý tác ý, sống phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn. Nếu vị ấy sống không phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn, thì những lậu hoặc tàn hại và nhiệt não sẽ sinh khởi; nếu vị ấy sống phòng hộ với sự phòng hộ nhãn căn, thì những lậu hoặc tàn hại, nhiệt não sẽ không sinh. Cũng vậy với các căn khác. Phần còn lại không có.

VII. Lậu hoặc cần được diệt trừ bằng tránh né:

P: Parivajjana:

C: Khi vị Tỳ-kheo trông thấy voi dữ, vị ấy nên tránh nó, ngựa dữ, bò dữ, chó dữ, rắn độc, con đường nguy hiểm, hào, hố, hầm phân có đậy nắp, con sông, ao sâu, hố thẳm, người có học nhưng xấu xa, bạn xấu, ngoại đạo xấu xa, láng giềng xấu, chỗ ở xấu (vị ấy nên tránh chúng). Khi sống chung với những du sĩ, Bà-la-môn, nếu những người chưa nghi ngờ sẽ nghi ngờ, thì Tỳ-kheo nên tránh những trú xứ xấu xa. Tại những nơi này, nếu người không nghi ngờ sẽ nghi ngờ thì tất cả những nơi này cần phải được tránh né. Nếu không có sự tránh né, thì sầu, bi, khổ, ưu sẽ sinh khởi. Nếu có sự tránh né, thì sầu, bi, khổ, ưu, sẽ không sinh. Đây gọi là là lậu hoặc được đoạn trừ bằng tránh né.

P: Trong số những thú vật và nơi chốn cần tránh né, bản P bỏ: đường xấu, hố phân có đậy nắp, sông, ao sâu, nhưng thêm: những gốc cây, những bờ có gai, hố rác. Bản C: “Khi sống chung… tất cả những người này cần được tránh né hoàn toàn”, bản P nói: “Bất cứ chỗ nào vị ấy ngồi, bất cứ nơi nào vị ấy đi đến, bất cứ người bạn xấu nào vị ấy liên hệ, nếu do làm như vậy mà các vị đồng phạm hạnh có trí sẽ nghi ngờ vị ấy có tính đồi trụy (có tội : pàpakesu thànesu okappeyyum), thì vị Tỳ-kheo như lý tác ý, nên tránh những nơi chốn và những người này.” Phần còn lại cũng có nhận xét như ở đoạn trên.

VIII. Lậu hoặc cần được đoạn trừ nhờ thọ dụng:

P: Patisevana:

C: Thế nào là lậu hoặc được đoạn trừ bằng sử dụng? Nếu một Tỳ-kheo sử dụng một y phục không phải vì lợi lộc, vì kiêu mạn, không phải để trang sức, nhưng chỉ để che thân khỏi muỗi mòng, gió, mưa, lạnh, nóng, để che đậy sự hổ thẹn. Khi sử dụng đồ ăn uống, không phải vì lợi lộc, vì kiêu mạn, không phải vì lạc thú mập phì, mà chỉ vì muốn duy trì cơ thể được lâu dài, muốn trừ khử sầu, não, khổ, ưu để duy trì đời sống phạm hạnh, để xua đuổi bịnh cũ và đề phòng bịnh mới, để sống lâu, để bảo dưỡng, không bệnh. Khi vị ấy sử dụng trú xứ, phòng, nhà, giường, nệm, đồ nằm, thì không phải vì lợi lộc, kiêu mạn, trang sức, mà chỉ vì để chấm dứt sự mệt nhọc do ngồi thiền. Khi vị ấy sử dụng dược phẩm trị bệnh, không phải vì lợi lộc, vì kiêu mạn, không vì lạc thú mập phì, mà chỉ vì để diệt trừ ưu não do bệnh gây ra, để duy trì sự sống, để sống được an ổn không bệnh. Nếu không sử dụng, thì sầu, khổ… không sanh khởi, đây gọi là lậu hoặc được đoạn trừ nhờ thọ dụng.

P: Không giống hẳn. Về sự sử dụng y phục, bản P thêm: “như lý tác ý” cho thái độ vị Tỳ-kheo, và thêm sirimsapa vào danh sách muỗi mòng. Nó bỏ: không vì lợi lộc, kiêu mạn, trang sức. Về sử dụng đồ ăn uống, C: ăn và uống=P: đồ ăn khất thực. Ở đây bản P nói Tỳ-kheo sử dụng đồ ăn khất thực không để vui đùa, davà, không để say mê, madà, không phải để trang hoàng, không để làm đẹp mình, mà để duy trì sự sống, giữ cho nó khỏi bị hại, để duy trì đời sống phạm hạnh, để phá hủy cảm thọ cũ, đề phòng cảm thọ mới, để sống không lỗi, an ổn và thoải mái.

Về sử dụng trú xứ, bản P chỉ nói sàng tọa. Nó bỏ: “không vì…” và nói để che khỏi lạnh, nóng, ruồi, muỗi, gió, mặt trời, bò sát, để tránh sự khắc nghiệt của thời tiết, để hưởng sự độc cư.

Về sử dụng dược phẩm, bản P nói dược phẩm trị bệnh. Nó bỏ: “không vì…”, nhưng nói để diệt trừ các cảm thọ khởi lên gây đau đớn, để được sự an lạc tối đa.

Nhận xét: Từ sirimsapa ở vị trí này hơi lạ, vì đáng lẽ nó được đặt gần các từ damsa, makasa. Kinh Uttaradhyayanasùtra kể theo thứ tự: vàta, àtapa, damsa, masaka, sirimsapa. Truyền thống bản P chỉ kể nhu yếu tích cực của y phục, không nói đến những cách sử dụng sai. Trong bản C, danh từ kiêu mạn được dùng để dịch madà, vừa có nghĩa kiêu mạn vừa có nghĩa say mê. Ở đây chữ say mê thích hợp hơn trong việc sử dụng đồ ăn khất thực. Bản P nói “không để trang sức, không để làm đẹp”, nghe ra hơi gượng ép. Bản C dễ nghe hơn.

IX. Lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng kham nhẫn:

P: Adhivàsanà:

C: Thế nào là những lậu hoặc được đoạn trừ bằng kham nhẫn? Để tận trừ các ác bất thiện pháp và tu tập các thiện pháp, vị Tỳ-kheo thường xuyên để tâm mình tư duy: tôi sẽ nỗ lực với tất cả tâm hồn, dù cho thân thể, da, thịt, gân, xương, máu, tủy khô cạn, kiệt sức, tôi cũng sẽ không bao giờ từ bỏ sự nỗ lực; chỉ khi tôi có được điều tôi muốn, tôi mới từ bỏ nỗ lực. Vị Tỳ-kheo lại phải chịu đựng đói, khát, lạnh, nóng, muỗi, ruồi, chí, rận, sự bức bách của gió và nắng, những lời ác độc, sự đánh bằng gậy gộc. Vị ấy chịu đựng tất cả. Dù cơ thể bị đau ốm và đau đến khốc liệt, đến nỗi gần như chết và đối với mọi cảm giác khó chịu khác, vị ấy có thể chịu đựng tất cả. Nếu không có sự kham nhẫn, thì sầu, bi, khổ, ưu, não sẽ phát sinh, nếu có kham nhẫn thì sầu, ưu không sinh, đây gọi là lậu hoặc được đoạn trừ bằng kham nhẫn.

P: Bản P chỉ nói rằng vị Tỳ-kheo nên chân chánh giác sát, chịu đựng lạnh, nóng, đói, khát, ruồi, muỗi, gió, mặt trời, các loài bò sát, sự nhục mạ và những lời độc ác. Vị ấy nên chịu đựng những cảm thọ về thân khởi lên đau đớn, nhói đau, khốc liệt, nghiêm trọng, khó chịu, chết điếng người.

Nhận xét:Bản P bỏ: sự nỗ lực … thân thể máu thịt v.v.. đều khô cạn.

X. Lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng trừ diệt:

P: Vinodana:

C: Thế nào là những lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng trừ diệt? Khi các tư tưởng về tham dục khởi lên, vị Tỳ-kheo cần phải trừ diệt, đoạn tận, xua đuổi chúng. Khi những tư tưởng về sân, hại khởi lên, vị ấy cần phải trừ diệt, đoạn tận, xua đuổi chúng. Nếu không có sự trừ diệt, thì sầu, bi, khổ, ưu, não sẽ sinh khởi, nếu có……. không sinh. Đây gọi là lậu hoặc được đoạn tận bằng trừ diệt.

P: Gần giống. Bản P thêm: “bất thiện pháp” và các ý tưởng dục, sân, hại.

XI. Lậu hoặc cần được đoạn tận nhờ tu tập:

P: Bhàvanà:

C: Thế nào là lậu hoặc được đoạn tận nhờ tu tập? Vị Tỳ-kheo tư duy về chánh niệm giác chi thứ nhất, y cứ độc cư, ly dục, diệt, đưa đến giải thoát. (Cũng vậy) người ấy tư duy về trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, và xả, giác chi thứ bảy, y cứ biệt ly, ly dục, diệt, đưa đến giải thoát. Nếu có tư duy, ……….. sẽ không sinh. Đây gọi là lậu hoặc được đoạn tận nhờ tư duy.

P: Gần giống. Bản P thêm: như lý tác ý. Ở đây bảy giác chi y cứ viễn ly (viveka), ly tham (virgàra), diệt, đưa đến từ bỏ (vossaggaparinàmin).

Nhận xét: Bản C nói đến giác chi thứ hai là pháp, chứ không nói trạch pháp.

XII. Sự tận trừ tất cả lậu hoặc:

C: Nếu một Tỳ-kheo thành công trong việc tận trừ tất cả lậu hoặc nhờ tri kiến, nhờ phòng hộ, nhờ tránh né, nhờ sử dụng, nhờ kham nhẫn, nhờ trừ diệt và nhờ tu tập, vị Tỳ-kheo ấy đã tận trừ tất cả lậu hoặc, đã giải thoát khỏi kiết sử, có thể sử dụng chánh trí để chấm dứt khổ đau.

P: Phần đầu cũng giống như C; phần hai như sau: “Vị Tỳ-kheo ấy được nói là đã trú chế ngự với sự chế ngự tất cả những lậu hoặc, đã phá hủy tham ái, tận trừ kiết sử và thực chứng kiêu mạn, chấm dứt khổ đau”.

E. Phần kết

C: Đức Phật nói như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

P: Đức Thế Tôn nói như vậy. Các vị Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

NC5

C 105: Nguyện kinh

P6: Kinh Ước nguyện

A. Toát yếu kinh C

Đức Phật kể ra một số ước nguyện (bản C có 13, P có 17). Những ước nguyện này sẽ được viên mãn bởi những Tỳ-kheo tuân thủ những học giới của Giới bản và siêng tu thiền định và tuệ quán.

P: Gần giống.

B. Nhan đề

C: Nguyện kinh, bản kinh nói về những mong muốn, ám chỉ những mong muốn do các Tỳ-kheo lập nên.

P: Kinh Ước nguyện, bài kinh nói về những gì người ta có thể mong cầu, cũng ám chỉ các mong cầu của Tỳ-kheo.

C. Địa điểm thuyết kinh

Hai bản giống nhau, ám chỉ Xá Vệ, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên.

D. Nội dung kinh

I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:

C: Lúc bấy giờ có một Tỳ-kheo sống viễn ly độc cư tại một nơi xa vắng yên tịnh. Trong khi ngồi thiền, những ý nghĩ sau đây khởi lên nơi ông: “Đức Thế Tôn an ủi ta, nói chuyện với ta, giảng pháp cho ta, để ta được thọ cụ túc giới mà không xao lãng thiền định, viên mãn sự tu tập tuệ, ở một nơi vắng vẻ không người.” Sau khi nghĩ thế, vào buổi chiều, vị Tỳ-kheo đứng dậy từ chỗ ngồi thiền và đi đến đức Phật. Đức Thế Tôn khi thấy vị Tỳ-kheo ấy từ xa đến, đã nhân vị Tỳ-kheo ấy mà dạy các Tỳ-kheo.

P: Không nói đến hoàn cảnh thuyết kinh. Đức Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo, không có giáo đầu.

II. Các ước nguyện:

Bản C có 13, P có 17. Nội dung các ước nguyện gần giống nhau trong hai bản, nhưng có vài dị biệt trong cách hành văn và về chi tiết. Bản P trước khi kể ra các ước nguyện, đã trích dẫn lời Phật khuyến cáo các Tỳ-kheo hãy tuân giữ các học giới, thực hành Giới bản Biệt giải thoát, sống khéo chế ngự bằng sự chế ngự của Giới bản, tuân giữ uy nghi và hành xứ chính đáng, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ và học tập các học giới. Bản C bỏ đoạn này. Trong bản P, sau mỗi ước nguyện có một đoạn lập lại giống nhau, một thứ điệp khúc nói lên các điều kiện cần có để viên mãn ước nguyện ấy như sau: “Vị ấy phải là một người viên mãn các học giới, nội tâm tịch tịnh, không gián đoạn thiền định, có tuệ quán, thường ưa thích lui tới nơi nhàn tịnh.” Trong bản C cũng có một loại điệp khúc cuối mỗi nguyện nhưng nó không tách rời với ước nguyện ấy, và cách hành văn làm cho ta khó thấy được nó là một điều kiện cần phải viên mãn như trong bản P. Điệp khúc ấy như sau: “Hãy tuân giữ toàn bộ các học giới, nhưng không xao lãng thiền định, hãy viên mãn sự tu tập tuệ quán bằng cách ở nơi vắng vẻ.”

C1=P1:

C: Tỳ-kheo nên ước nguyện rằng: “Ước gì đức Thế Tôn an ủi ta, nói chuyện với ta, thuyết pháp cho ta”…

P: “Mong sao tôi được đồng phạm hạnh yêu mến, thích, cung kính, tôn trọng.”

C2=P4:

C: “Ta có những thân quyến. Mong sao khi họ mạng chung, nhờ ta mà họ được đi đến những nơi tốt lành, cho đến tái sinh lên trời.”

P: “Mong sao những thân bằng quyến thuộc của ta lúc chết và tái sinh vào một loài khác, sẽ nhớ đến ta với một tâm hoan hỷ, và nhờ vậy mà họ được kết quả lớn, lợi ích lớn.”

Nhận xét: Cô Horner đã dịch đoạn này như sau: “Mong đây sẽ là một quả báo lớn, lợi ích lớn cho những bà con quyến thuộc của ta, những người này với tâm vui vẻ nhớ lại những người đã chết…..” nhưng trong Papancasùdanì thì nói các thân quyến khi chết nhớ lại những đức tính của vị Tỳ-kheo và nhờ vậy chết với tâm hoan hỷ.

C3=P3:

C: “Mong sao những người cho tôi y phục, đồ nằm, đồ ăn uống, giường, đệm, dầu, dược liệu, những đồ dùng để sống; mong sao nhờ sự bố thí này, họ được công đức lớn, danh vọng lớn và gặt quả báo lớn.”

P: Giống nhau. Nó kể theo thường lệ y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nó chỉ nói quả báo lớn và lợi ích lớn.

C4=P không có:

C: “Mong ta có thể chịu đựng đói, khát, lạnh, nóng, muỗi, ruồi, nhặng, chí, rận, sức ép của gió và nóng, các lời xấu ác, sự đánh đập bằng roi gậy. Khi thân bị đau bịnh khốc liệt, chết điếng,và đối với tất cả khổ thọ, mong tôi chịu đựng được tất cả.”

C5=P5:

 C: “Mong ta có thể chịu đựng bất lạc. Nếu bất lạc xảy đến, mong rằng tâm ta cuối cùng sẽ không bị ảnh hưởng.”

P: Giống nhau.

C6=P6:

C: “Mong ta có thể chịu đựng sợ hãi khiếp đảm. Nếu sợ hãi khiếp đảm xảy đến, mong rằng tâm ta cuối cùng không bị ảnh hưởng.”

P: Giống nhau.

C7=P không có:

C: “Nếu ba ý tưởng ác bất thiện khởi lên nơi tôi, những ý tưởng về dục, sân và hại, mong rằng cuối cùng tôi không bị chúng ảnh hưởng.”

C8=P7:

C: “Mong ta ly dục, ly bất thiện pháp, cho đến chứng và trú thiền thứ tư.”

P: “Mong ta có thể không khó khăn, không mệt nhọc, chứng được bốn thiền thuộc tăng thượng tâm, khiến ta an trú trong hiện tại lạc.”

C9=P9:

C: “Mong ta có thể, nhờ đoạn trừ ba kiết sử, chứng được Dự lưu, không còn rơi vào ác pháp, chắc chắn được giác ngộ, chỉ còn tái sinh nhiều nhất là bảy lần trong thiên giới hay trong cõi người, và sau bảy lần qua lại, ta sẽ chấm dứt khổ đau.”

P: Gần giống; C: không rơi vào ác pháp=P: avinipàtadhammo. Bản P bỏ: và sau khi qua lại bảy lần, chấm dứt khổ đau.

Nhận xét: Danh từ avinipàtadhammo, bản C dịch là “pháp” trong khi nó chỉ có nghĩa là “phải bị, phải chịu”.

C10=P10:

C: “Sau khi đoạn trừ ba kiết sử, làm mỏng dần tham, sân, si, mong ta có thể chỉ còn đi lại một lần ở cõi trời hay cõi người, và sau khi qua lại một lần, có thể chấm dứt khổ đau.”

P: Giống nhau. C: đến cõi trời và cõi người=P: thế giới này.

C11=P11:

C: “Mong ta sau khi đoạn năm hạ phần kiết sử, sẽ được tái sinh trong cõi ấy và từ đấy đạt Niết-bàn, được pháp Bất thối, không còn trở lui đời này.”

P: Giống nhau. Bản P thêm: opapàtiko (hóa sanh). C: được pháp Bất thối, không trở lui vào thế giới này=P: anàvattidhammo (từ cõi ấy không còn phải chịu luân chuyển).

C12=P8:

C: “Mong ta chứng được tịch tịnh giải thoát siêu quá sắc giới, đạt đến vô sắc, giống như những người đạt được trong thiền (?) với thân chứng và trú, để tư duy với trí tuệ, để đoạn tận lậu hoặc, để biết rõ lậu hoặc.”

P: Bản P bỏ: “giống như những người đạt được trong thiền. ” và “để tư duy… lậu hoặc”. Bản P dùng danh từ phassitvà trong khi bản C dịch là chứng đắc, cách dịch này rất đúng vì từ phassitvà ở đây không có nghĩa là sờ chạm như thông thường.

C13=P12, 13,14,15,16,17:

C: “Mong ta có thể đạt đến các thần thông, như thiên nhãn, tha tâm, túc mạng, sinh tử trí, mong tất cả lậu hoặc được dập tắt, giai đoạn không còn lậu hoặc được đạt đến, và bằng tự tri, tự ngộ, ta đạt được ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Sanh đã tận, phạm hạnh đã viên thành, những gì cần làm đã làm xong, sẽ không còn sinh lại, sự hiểu biết này là đúng thật.”

P: Ở đây bản P nói cùng một đề tài nhưng chia làm sáu ước nguyện: nguyện thứ 12 là thần túc thông, 13 là thiên nhĩ thông, 14 là tha tâm thông, 15 là túc mạng thông, 16 là thiên nhãn trí, 17 là lậu tận.

C: sinh tử trí=P: thiên nhãn. Các loại trí này được mô tả chi tiết trong bản P.

P2=C: không có:

P: “Mong ta có được y phục, đồ ăn khất thực, trú xứ và dược phẩm trị bệnh.”

Nhận xét: Ước nguyện thứ tư ở đây cũng được tìm thấy trong Lậu tận kinh số 10, bản kinh nói về sự diệt tận lậu hoặc, nhưng phần đầu của Lậu tận kinh nói Tỳ-kheo nỗ lực cho đến thân thể, xương máu… khô kiệt cũng không bỏ, thì ở đây không có. Điều này chứng tỏ rằng đoạn này có thể đã được thêm về sau, như bản kinh Pàli cho thấy rõ.

III. Sự tu tập và chứng đắc của Tỳ-kheo:

C: Khi ấy các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy, đã khéo thâu nhận và khéo an trú. Rồi họ đứng lên khỏi chỗ ngồi, cúi đầu đảnh lễ dưới chân đức Phật, đi nhiễu quanh Ngài ba vòng rồi ra đi. Những Tỳ-kheo sau khi nhận chỉ giáo này của đức Phật, đã sống độc cư viễn ly, và nỗ lực tu tập thiền định với tâm không xao lãng. Do sống viễn ly độc cư, nỗ lực tu tập thiền định với tâm không xao lãng, bằng tự tri tự ngộ, họ đã đạt đến và an trú trong mục đích tối thượng của đời sống phạm hạnh mà các thiện gia nam tử đã hướng đến, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp cà sa, từ bỏ gia đình sống không gia đình để học pháp. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã làm xong, từ đây không còn sanh tử. Tri kiến này chân thật. Các Tôn giả ấy sau khi biết pháp, đã đắc quả A-la-hán.

P: Không có. Ở đây bản P lập lại lời khuyên của đức Phật ở đầu kinh.

E. Phần kết

Như thông thường trong cả hai kinh.

NC6

C93: Thủy tịnh Phạm chí kinh

P7: Kinh ví dụ tấm vải

A. Toát yếu kinh C

Phật kể ra 21 loại cấu uế và so sánh một tâm cấu uế giống như một tấm vải dơ, còn tâm không cấu uế như tấm vải sạch. Rồi Ngài chỉ ra cách diệt trừ các cấu uế và giải thích sự tu tập bốn phạm trú. Sau đó Phật chỉ cho Bà-la-môn Thủy Tịnh thấy rõ sự vô ích của việc tắm sông để rửa tội lỗi, tưởng đấy là nước thánh; và hiển thị rằng chỉ nhờ làm các hành vi công đức mà các ác nghiệp có thể được nhổ tận gốc.

P: Gần giống. Ở đây Phật đưa ví dụ tấm vải ra trước rồi mới kể ra 16 loại cấu uế.

B. Nhan đề

C: Thủy tịnh Phạm chí kinh, bản kinh nói về Bà-la-môn Thủy Tịnh, giảng cho Bà-la-môn này.

P: Kinh Ví dụ tấm vải, nói đến ví dụ mà Phật xử dụng trong bản kinh.

C. Địa điểm thuyết kinh

C: Uruvelà, bên bờ sông Ni Liên, dưới cây Ni câu luật.

P: Xá Vệ, Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên.

D. Nội dung kinh

I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:

C: Một thời đức Thế Tôn du hành ở Uruvelà bên bờ sông Ni Liên, dưới cây Ni câu luật, nơi Ngài vừa đạt giác ngộ. Lúc bấy giờ một Bà-la-môn tên Thủy Tịnh vào buổi chiều đang đi lang thang; ông đến nơi đức Phật … đức Thế Tôn nhân Bà-la-môn Thủy Tịnh đã dạy các Tỳ-kheo.

P: Không có hoàn cảnh đặc biệt. Đức Phật chỉ gọi các Tỳ-kheo đến và giảng kinh này.

Nhận xét: bản C nói: “khi đức Phật vừa mới đạt giác ngộ”. Ta không biết kinh này được giảng trước khi Ngài đến Ba La Nại, hay sau khi Ngài giảng bài pháp đầu tiên, khi Ngài trở lại Uruvelà để cải hóa ba anh em Ca Diếp.

Thủy Tịnh Bà-la-môn có lẽ nên hiểu là một Bà-la-môn thường thực hành nghi lễ tẩy tội bằng cách tắm trong nước sông thiêng.

II. Kể ra những cấu uế:

C: Có những người mà tâm bị ô nhiễm vì 21 cấu uế. Họ chắc chắn sẽ đi đến những cõi xấu và tái sinh vào địa ngục. 21 cấu uế là những gì? 1. Tà kiến là một cấu uế của tâm, 2. Ham muốn đối với tà pháp, 3. Ác dục, 4. Tà pháp, 5. Tham, 6. Sân, 7. Hôn trầm, biếng nhác, 8. Dao động, hối hận, 9. Nghi ngờ không tin, 10. Ác ý, tâm trói buộc, 11. Bất ngữ kiết tâm uế (?), 12. Hà tiện, 13. Ganh tị, 14. Lừa dối, gian lận, 15. Nịnh hót, 16. Vô tàm, 17. Vô quý, 18. Mạn, 19. Quá mạn, 20. Kiêu căng, 21. Phóng dật là một cấu uế của tâm. Nếu người ta có 21 cấu uế này làm ô nhiễm tâm, chắc chắn họ sẽ đi đến cõi xấu và sinh vào địa ngục.

P: Chỉ kể 16 cấu uế như sau: 1. Tham, 2. Ác dục, sân, 3. Hại, 4. Não hại, 5. Giả dối, hạ giá trị người khác, 6. Khinh bỉ, 7. Ganh tị, 8. Hà tiện, 9. Lừa dối, 10. Gian lận, 11. Ngoan cố, 12. Cấp tháo, 13. Mạn, 14. Quá mạn, 15. Kiêu căng, 16. Phóng dật.

Nhận xét: Nếu so sánh danh sách này với danh sách trong bản kinh C: Cầu pháp kinh và kinh P: Thừa tự pháp, chúng ta nhận thấy rằng hai danh sách của bản C không giống nhau (số lượng khác, thứ tự khác…) trong khi hai kinh bản P có danh sách giống nhau ngoại trừ ở đây cấu uế đầu tiên là abhijjhàvisamalobho, còn ở kinh kia là lobho. Như vậy người biên tập kinh P dường như có hệ thống hơn, trung thực và nhất quán trong khi kết tập.

III. Ví dụ tấm vải:

  1. Vải dơ:

C: Như một tấm vải dơ được đem đến người thợ nhuộm. Thợ nhuộm dùng tro sạch hay đậu dùng để rửa, hay đất để rửa nó cho thật sạch. Mặc dù tấm vải dơ ấy được thợ nhuộm giặt sạch như vậy, tấm vải dơ ấy vẫn còn mang màu dơ uế trước kia.

P: Bản P không nói người thợ nhuộm giặt sạch tấm vải với các vật liệu khác nhau mà chỉ nói thợ nhuộm nhúng tấm vải dơ vào thuốc nhuộm màu xanh, vàng, đỏ, tím. Nhưng tấm vải không ăn màu bởi vì nó đã dơ.

  1. Vải sạch:

C: Bản C nói đến trường hợp những người tâm không bị ô nhiễm bởi 21 cấu uế. Nó ngược lại với trường hợp những người tâm bị ô nhiễm vì 21 cấu uế, với những thay đổi thích nghi. Rồi nó kể ra ví dụ một tấm vải sạch). Giống như một tấm vải trắng, sạch, dệt ở Ba La Nại, được đem đến một người thợ nhuộm. Thợ nhuộm ấy sử dụng tro sạch, hay đậu dùng để rửa, hay đất để rửa nó thật sạch. Như vậy tấm vải Ba La Nại trắng sạch ấy đã sạch càng sạch hơn.

P: Cũng những dị biệt như đã thấy trong ví dụ trước.

IV. Sự diệt trừ cấu uế và những lợi ích:

  1. Biết rõ cấu uế và diệt trừ chúng:

C: Nếu vị ấy biết tà kiến là một cấu uế của tâm, sau khi biết như vậy, vị ấy diệt trừ tà kiến. (Cũng vậy với 20 cấu uế còn lại).

P: Cũng vậy, chỉ có những dị biệt về các cấu uế như đã nhận xét trước đây.

  1. Lòng tin đối với Tam bảo:

P: Cùng với sự diệt trừ cấu uế, phát triển được đức tin Tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Ở đây kể ra tất cả đức tính của Tam bảo theo công thức thông thường.

C: Không có.

  1. Lợi ích của đức tin Tam bảo:

P: Với lòng tin Tam bảo, vị Tỳ-kheo có được lợi ích của nghĩa tín thọ, pháp tín thọ, được hỷ, khinh an, lạc, nhất tâm. (Trí biết mục đích, trí biết pháp, hân hoan, hỷ, khinh an, lạc, định).

C: Không có.

  1. Những lợi ích do có được hạnh như vậy, công đức như vậy:

P: Một Tỳ-kheo có được giới như vậy, công đức như vậy, trí như vậy, thì dù có ăn thực phẩm béo bổ cũng sẽ không vì thế mà bị ảnh hưởng xấu, giống như một tấm vải dơ bỏ vào nước sạch sẽ sạch, như vàng bỏ vào lò nấu sẽ thành thuần tịnh.

C: Không có.

  1. Tu tập phạm trú:

C: Vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, thứ ba, thứ tư, bốn phương trung gian, trên, dưới, cùng khắp, tất cả, với tâm câu hữu với từ không có trói buộc, không hận, không sân, không tranh chấp, vô cùng rộng lớn, quảng đại, vô lượng, biến mãn khắp thế gian, vị ấy khéo tu tập và khéo an trú. Cũng vậy với tâm bi, hỷ và xả… (như trên).

P: Gần giống C: bốn phương trung gian=P: bề ngang; C: không trói buộc, không thù hận, không ghét, không tranh chấp=P: không hận, không sân; C: vô cùng rộng lớn, quảng đại vô lượng=P: vipulena, mahaggatena appamànena (gần giống, chỉ bỏ chữ “vô cùng”); C: vị ấy khéo tu tập=P: không có.

  1. Sự đắc quả A-la-hán:

P: Bản Pàli còn thêm sự chứng đắc quả A-la-hán với sự hiểu rõ quả A-la-hán, hiểu rõ về idam (quả A-la-hán), hìnam (hạ liệt, các cấu uế), và panìtam (thù thắng, tức các phương tiện để từ bỏ cấu uế). Một tri kiến như vậy đưa đến sự diệt trừ ba lậu hoặc, sự phá hủy sinh, sự lập thành phạm hạnh, sự viên mãn bổn phận và sự hủy bỏ tái sinh.

C: Không có.

Nhận xét: Đoạn này không có trong bản C chỉ gồm một câu kết thúc đoạn này và mở ra đoạn kế tiếp. Câu ấy như sau: “Đây gọi là rửa sạch nội tâm chứ không phải ngoại thể”. Bản P viết : “Đây gọi là một Tỳ-kheo đã tắm rửa với sự tắm rửa nội tâm”. Trong đoạn này, lòng tin Tam bảo mà C không có, có thể là một đoạn chen thêm về sau trong bản P.

V. Bà-la-môn Thủy Tịnh xen vào và sự quy y của ông:

  1. Bà-la-môn Thủy Tịnh xen vào:

C: Lúc bấy giờ Bà-la-môn thưa đức Thế Tôn: “Thưa Cồ Đàm, xin Ngài hãy đi tắm ở sông Đa Thủy.” Đức Thế Tôn hỏi: “Đi tắm sông Đa Thủy có được cái gì?”. Bà-la-môn trả lời: “Thưa Cồ Đàm, sông Đa Thủy ấy được nhiều người xem là có tính chất làm sạch, tịnh hóa, giải thoát, và đem lại công đức. Nếu người nào tắm trong sông Đa Thủy, sông ấy sẽ tịnh hóa và tẩy sạch tất cả xấu ác.”

P: Ở đây Bà-la-môn có tên là Sundarikabhàradvàja. Khả năng được gán cho sông Đa Thủy như sau: là một phương tiện để giải thoát, để có công đức, và tẩy trừ tội lỗi. Chỉ đến đây bản P mới đề cập sự hiện diện của Bà-la-môn, trong khi bản C ngay từ đầu bản kinh đã nói đến Bà-la-môn ấy.

  1. Phật trả lời:

(Xem Chương Bảy, Kệ tụng).

(Văn xuôi tiếp tục như sau): “Bạch Thế Tôn, con đã hiểu, bạch Thiện thệ, con đã hiểu, nay con xin quy y Phật, Pháp và Tăng, mong đức Thế Tôn nhận con làm một cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.”

P: Không giống hẳn. Ở đây Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja sau khi nghe Phật giảng, thốt lên lời ca tụng như thường lệ, rồi công bố xin quy y Tam bảo và xin được xuất gia làm Tỳ-kheo và được thọ đại giới. Khi Phật cho ông tất cả điều này, ông nỗ lực tinh cần tu tập và cuối cùng đắc quả A-la-hán.

Nhận xét: Ở đây tính vừa phải trong sự chuyển hóa của Bà-la-môn trong bản C rất có ý nghĩa. Có lẽ điều này gần với sự thật, khi nó kể lại hình thức quy y đơn giản dưới thời đức Phật. Chúng ta cũng nhận thấy rằng theo bản C, sự cố này xảy ra khi đức Phật vừa mới đạt giác ngộ; bởi thế sự dè dặt trong bản C là có lý.

E. Phần kết

Kinh P không có phần kết, chấm dứt với Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja đắc quả A-la-hán, trong khi bản C thì có phần kết như thường lệ.

 

Các bài viết trong sách
36. Phần Ba

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app