Niệm Thân – Phương Pháp Để Suy Xét Trước Khi Niệm Vào Đề Mục Thiền Định

Phương pháp để suy xét trước khi niệm vào đề mục thiền định.

Pháp niệm thân có 6 phần là: phần niệm hơi thở (ānāpāna pabba), phần niệm oai nghi (iriyāpatha pabba), phần biết mình (sampajañña pabba), phần niệm 32 thể trược (patikūla manasikāra pabba), phần niệm nguyên chất (dhātu manasikāra pabba), phần niệm 9 tử thi (navasīvathikā pabba).

Hành giả nào muốn học pháp thiền định thì trước hết lựa một chỗ thanh vắng, ngồi bán già hoặc kiết già thân mình ngay thẳng, day mặt về phía đông, mắt nhắm vừa khít mi; rồi bắt đầu suy xét 10 tội ngũ trần như vầy: atthikangka lūpamā kāmā: đức Thế Tôn ví ngũ trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc) cũng như khúc xương không, người sa mê theo ngũ trần cũng như con chó đói gặm khúc xương không; maṃsapesūpamā kāmā: đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như cục thịt thúi mà bầy quạ giành nhau ăn; tinukkūpamā kāmā: đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như cây đuốc rơm, người xa mê theo ngũ trần cũng như người cầm đuốc rơm đi ngược gió; angārakāsupamā kāmā: đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như hầm lửa to đang cháy, người sa mê theo ngũ trần cũng như người té vào hầm lửa to đang cháy; supinakūpamā kāmā: đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như giấc chiêm bao, vì trong giấc mộng thấy đó rồi mất đó biến đổi vô thường; yācitakūpamā kāmā: đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như vật mượn của người vì của người thì không được làm chủ lâu dài; rukkhabhalūpamā kāmā: đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như người đi tìm trái cây; sattisulūpamā kāmā: đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như lưỡi kiếm và lao, người sa mê theo ngũ trần cũng như người bị phạm nhằm lao và kiếm ấy; asisūnūpamā kāmā: đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như thớt và dao, người sa mê theo ngũ trần cũng như người bị dao bằm xuống tấm thớt vậy; tappasirūpamā kāmā: đức Thế Tôn ví ngũ trần cũng như đầu con rắn độc, người sa mê theo ngũ trần cũng như người bị rắn độc cắn mổ. Ngũ trần có nhiều điều tai hại khổ não, đau thương (Tam tạng quyển 4 trong 277). Kế đó lại rải lòng từ bi để ngăn ngừa sự tai hại, vì các nhà tham thiền phần nhiều đều ở nơi thanh vắng, nên rải tóm tắt như vầy: “Cầu xin cho tấm lòng bác ái của tôi thấu đến tất cả Chư Thiên và nhân loại, cùng chúa bốn loài rắn, như là: Virūpakha, Erāpatha, Chabyāputta, Kanhāgotamaka, cùng tất cả loài thú không chơn, hai chơn, bốn chơn và nhiều chơn, xin cho tất cả chúng sanh ấy hằng được sự yên vui theo mỗi mỗi”. Kế tiếp lại suy xét thêm về pháp chán nản như vầy: tất cả chúng sanh trên thế gian hoặc là cha mẹ anh em thân bằng quyến thuộc cùng những vật vô tri hữu tri nhứt là vàng bạc ngọc ngà châu báu đều không có vật chi để cho ta nương nhờ được khi sự chết sẽ tới cho ta, chỉ có pháp thiền định này ta mới có thể nương nhờ được thôi, rồi bắt đầu niệm qua đề mục “Niệm 32 thể trược”.

Nhưng đây chỉ giải rộng về sự niệm 32 thể trược và niệm “nguyên chất” còn 4 phần kia xin miễn giải. Trong quyển kinh này cốt nhứt là giải về 32 thể nhưng thấy sự niệm nguyên chất có ảnh hưởng tới pháp này nên bần tăng ráng phiên dịch luôn cho các hàng Phật tử dễ bề tham cứu.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app