Manasikāra kosalla
Chỗ nói phải thuần thục trong sự chủ tâm theo 10 pháp manasikāra kosalla: anupubbato – phải để tâm theo thứ tự của mỗi thể, nātisīghato – phải để tâm không nên mau lắm, nātisanikato – phải để tâm không nên chậm lắm, vikkhepapatibāhanato – phải nhớ rõ đừng cho tâm phóng ra khỏi đề mục, pannattisamanato – phải để tâm cho là vật đáng ghê gớm lắm, anupubbamuñcanato – như thể nào phát sanh lên rõ rệt thì phải lấy thể đó mà niệm bỏ mấy thể kia hết, appanāto – nhập định để biết rõ trong 32 thể đều có thắng lực đem tâm hành giả nhập định được hết, adhicittato – phải để tâm luôn luôn trong 3 pháp, sītibhāvato – phải biết rõ trong 6 pháp khác nữa, sattabojjhangakosalla suttato – phải biết rõ trong 7 nhân sanh quả bồ đề đặng thành theo trong khi tâm dụ dự lười biếng.
- Giải về pháp chủ tâm thứ nhất.
Chỗ nói phải để tâm theo thứ tự của mỗi thể là nói hành giả phải để tâm có thứ tự theo mỗi thể không cho bỏ cách khoản niệm thể này, bỏ thể kia, niệm thể kia, bỏ thể nọ và cũng không nên chỉ lấy có một thể mà niệm, bởi vì nếu chỉ có niệm niệm một thể thì pháp niệm ấy khó kết quả, ví như người kia muốn leo lên cái thang có 32 nấc người ấy không chịu ráng leo cho hết. Sau lại muốn leo cho cùng cây thang nhưng người ấy không thể leo lên được vì chưa từng quen và phải rớt ra khỏi cái thang người ấy phải khốn khó không thể đứng vững trên cây thang thế nào thì hành giả nếu chỉ lấy 1 thể mà niệm cũng khó mà làm cho kết quả pháp thiền định của mình như thế ấy. Vì không thể làm cho tâm được sự yên vui.
- Giải về pháp chủ tâm thứ hai.
Chỗ nói phải để tâm không nên mau lắm là nói hành giả trong lúc niệm không nên niệm hướng cho mau rồi, vì niệm mau quá thì không có nhìn xem các thể cho được rõ rệt thì không thể đem hành giả để đoạt các pháp vô thượng được, ví như người kia muốn đi lên trên con đường dài độ 50 cây số người ấy đi cũng mau và về cũng lẹ đi cho đến 7, 8 lượt mà vẫn còn hỏi thăm đường hoài4 vì không chủ ý nhớ rõ hai bên đường sự không nhớ rõ đường đi của người ấy thể nào thì hành giả nếu niệm mau quá thì tâm thấy cũng không được rõ rệt đề mục thiền định của mình như thế ấy.
- Giải về pháp chủ tâm thứ ba.
Chỗ nói pháp để tâm không nên chậm lắm là nói hành giả khi chủ tâm không cho chậm quá, vì nếu để tâm chậm quá thì pháp thiền định không được đến chỗ cuối cùng thì cũng không có thể đắc các pháp cao thượng được, ví như có người kia muốn đi trên con đàng độ dài 50 cây số, người ấy lúc đi qua phía tay mặt ghé qua phía tay trái, nghỉ chỗ này ngừng chỗ nọ làm cho sự đi trễ ấy trễ nãi khó mà tới nơi nhất định được; sự trễ nãi của người ấy thế nào thì sự chủ tâm chậm quá thì cũng khó mà đến chỗ cuối cùng của pháp thiền định cũng như thế ấy.
- Giải về pháp chủ tâm thứ tư.
Chỗ nói phải nhớ rõ đừng cho tâm phóng ra khỏi đề mục thiền định là nói khi hành giả đương niệm nhưng tâm lại bỏ đề mục thiền định mà đi nơi khác thì phải biết mà bắt lại đừng cho tâm phóng ra ngoài đề mục niệm ấy, nếu không biết mà kiềm tâm lại thì pháp niệm ấy sẽ hư hoại vì tâm hành giả đã lọt ra ngoài pháp thiền định vậy. Ví như người đi trên con đường nhỏ chỉ vừa bước hai bàn chơn mà thôi, hai bên đều là hầm hố nếu người ấy không chủ ý theo con đường mình đang đi lại để mắt ngó nơi đâu chơn bước trật một bước mà không biết cứ việc bước tới thì sẽ trật chân mà sa xuống hầm là rớt ra khỏi đường mình đang đi vậy, người ấy lọt ra khỏi con đường mình đang đi thế nào thì hành giả khi tâm phóng túng ra khỏi đề mục mà không hay biết thì người ấy đã lọt ra ngoài pháp thiền định cũng như thế ấy.
- Giải về pháp chủ tâm thứ năm.
Chỗ nói phải để tâm cho là vật đáng ghê gớm lắm là nói khi hành giả niệm hết mỗi thể thì phải để ý ghi trong tâm cho thấy thể ấy vật đáng ghê gớm lắm theo trong một điều ghê gớm nào ở trong 5 điều dưới đây: vaṇṇato: ghê gớm về màu của nó, santhanato: ghê gớm về hình thể của nó, gandhato: ghê gớm về mùi của nó, āsayato: ghê gớm những vật dính theo nó, okāsato: ghê gớm về chỗ ở của nó.
Ví như khi niệm hết thể máu thì phải để tâm cho là vật đáng ghê gớm nhứt là ghê gớm màu đỏ của máu. Thí dụ: người kia đi vào rừng khát nước muốn kiếm nước uống, khi kiếm được nước uống rồi thì tìm thể để cho nhớ chỗ, lúc đầu đi dài tới đâu lại gút lá cây làm dấu tới đó khi đi, tới lui nhiều lần, sau lại dấu chơn càng ngày càng rõ rệt về sau người ấy không cần nhìn theo gút ở lá cây nữa chỉ đi theo dấu chơn rõ rệt ấy mà thôi, người ấy không cần nhìn theo gút lá chỉ đi theo dấu chơn ấy thế nào, thì hành giả khi niệm mỗi thể đều cho vật đáng ghê gớm. Niệm tới, niệm lui nhiều lần sau lại tâm đã quen khi niệm tới thể nào thì tâm không để ý tới thể ấy chỉ thấy là vật đáng ghê gớm cũng như thế ấy. Nghĩa là khi hành giả niệm tóc, lông đến khi tâm thấy là vật ghê gớm rồi thì chỉ lấy sự ghê gớm ấy mà làm cảnh giới (ārammana) mà thôi. Không còn cho là tóc, là lông chi hết. Nói về sự ghê gớm của một sợi tóc. Ví như có người đương ăn cơm thấy vật chi đen đen hình dài giống như sợi tóc ở trong vật thực thì người ấy nhờm gớm cho là vật thực này lộn với tóc rồi rầy la người nhà bảo đem đổ đi không ăn, tóc ghê gớm màu và hình như thế ấy. Khi tóc ấy nếu có chải gỡ tắm gội xức dầu thì coi đẹp và không mấy gì có mùi hôi, nếu người nào bỏ xụi độ năm, bảy ngày không chải gỡ tắm gội thì tóc ấy trở nên có mùi hôi chua ghê gớm lắm, nhiều người không chải gỡ để quá cho đến đanh đi, chí, rận rút rỉa theo, nếu có ai đi gần thì bay mùi hôi hám ghê gớm lắm, giống như mùi chó chết. Tóc ghê gớm vì mùi như thế ấy. Còn nói tóc ấy ghê gớm vì vật dính theo và nương ngụ ấy, nào là mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, dính theo lại nương ngụ ở theo các thể ấy. Ví như các loại rau cỏ mọc nơi hầm vũng có đầy phẩn và rác rến, rau cỏ ấy ở trên thì coi tươi tốt…nhưng phía dưới là nơi phát sanh lên và nương ngụ với vật rất ghê gớm thế nào thì tóc dính theo những vật rất ghê gớm và nương ngụ trên 31 thể khác cũng ghê gớm như thế ấy.
- Giải về pháp chủ tâm thứ sáu.
Chỗ nói như thế nào phát sanh lên rõ rệt, thì bỏ hết các thể kia chỉ lấy thể rõ rệt mà niệm là nói khi hành giả niệm tới lui 32 thể ấy, có thể thì rõ rệt, có thể cũng không được rõ rệt, nếu khi niệm ấy mà có thể nào rõ rệt phát sanh lên thì phải để tâm ghi nhớ mà niệm theo thể ấy, nếu hai hoặc ba thể mà phát sanh lên rõ rệt thì phải lựa một thể nào trong sạch hơn và lấy thể ấy mà niệm (là nói thể ấy rõ ràng hơn các thể cùng phát sanh) và phải ráng phấn khởi tâm lên đặng nhập định (appanā) không nên chậm trễ. Thí dụ cũng như người thợ săn muốn bắt con khỉ trên 32 cây thốt nốt đầu tiên thợ săn ấy bắn lá cây thốt nốt thứ nhứt và la “huồi huồi”, lúc bấy giờ con khỉ bắt đầu nhảy chuyền qua theo thứ tự 32 cây thốt nốt ấy cho đến cây cuối cùng người thợ săn vẫn bắn theo cho tới cây chót, con khỉ ấy nhảy trở lại theo thứ tự 32 cây thốt nốt ấy cho tới cây đầu tiên, người thợ săn cũng vẫn bắn theo không ngừng nghỉ. Khi con khỉ ấy chuyền tới chuyền lui theo 32 cây thốt nốt nhiều bận rồi tự nhiên lựa một cây thốt nốt mà ôm cứng lá đọt cây thốt nốt ấy, dầu người thợ săn có bắn đuổi thế nào, nhưng con khỉ ấy cũng không chuyền qua cây khác nữa, con khỉ ôm cứng đọt cây thốt nốt thế nào thì tâm hành giả cũng yên trụ, không lay chuyển ở trong một thể, cũng như thế ấy. Chỗ nói 32 cây thốt nốt ví như 32 thể trong châu thân, tâm ví như con khỉ, hành giả niệm ví như người thợ săn; tâm niệm tới lui trong 32 thể ví như sự chuyền của con khỉ trên 32 cây thốt nốt. Sự bỏ những thể nào không rõ rệt và chỉ lấy thể nào rõ rệt mà niệm ví như con khỉ bỏ các cây thốt nốt kia nhảy phóng lên trên một cây thốt nốt. Sự giữ thể rõ rệt ấy mà niệm cho đến khi tâm yên trụ “nhập định” ví như sự ôm đọt của con khỉ mặc dầu thợ săn có bắn đuổi cách nào nó cũng không lay chuyển mà nhảy đi.
- Giải về pháp chủ tâm thứ bảy.
Chỗ nói nhập định (appanā) là nói hành giả phải biết tất cả 32 thể ấy nếu tâm đã yên trụ không lay chuyển trong một thể nào thì gọi là tâm hành giả “nhập định” trong thể ấy. Hành giả niệm tới đây là xong pháp niệm 32 thể trược còn 3 pháp chủ tâm nữa là từ thứ tám, chín, mười ấy là khi nào hành giả đã đắc thiền rồi thì mới sang qua pháp “minh sát” tuệ niệm hầu có đoạt được đạo quả thì phải rành mạch thêm trong ba pháp chủ tâm sau đây.
- Giải về pháp chủ tâm thứ tám.
Chỗ nói hành giả phải để tâm luôn luôn trong ba pháp là nói phải biết rõ trong ba pháp tưởng là: samādhi nimitta: là tưởng pháp thiền định mà đã đắc ấy, paggaha nimitta: là tưởng tới pháp tinh tấn, upekkhā nimitta: tưởng tới pháp xả. Khi hành giả theo phép cao thượng là phép “minh sát tuệ” (vipassānā) ấy. Nếu hành giả chỉ để tâm tưởng tới một pháp thiền định luôn luôn hoài mà thôi thì tâm chỉ yên tịnh hoài, lâu sanh ra lười biếng, còn nếu chỉ có để tâm đặng hành theo pháp tinh tấn luôn luôn thì tâm ấy không đặng yên tịnh phải xao xuyến. Còn chỉ để tâm tưởng tới pháp thứ ba là xả tâm trung bình luôn luôn thì tâm ấy không được yên trụ lâu, hành giả không thể làm cho các pháp “trầm luân” (āsava) tiêu hoại được. Thế nên khi hành giả theo pháp cao thượng phải để tâm luôn luôn trong ba pháp tùy thời, tùy lúc cho phù hợp với tâm thì tâm ấy mới được mềm mại nên việc và sáng láng tốt đẹp thì mới có thể diệt trừ các pháp phiền não được. Thí dụ: như người thợ bạc muốn cho miếng vàng được mềm mại và tốt đẹp đặng làm món đồ chi thì người thợ bạc ấy đốt ngọn lửa lên lấy cái gắp kẹp miếng vàng vào để vô ngọn lửa lúc thổi hơi, lúc rảy nước, mắt nhìn xem luôn theo miếng vàng thì miếng vàng ấy mới chín đều được. Nếu người thợ bạc chỉ ráng thổi lửa không thì vàng ấy tiêu tan ra hết, nếu chỉ ráng nhìn xem mà không thổi thì vàng ấy chín không đều; còn nếu thổi lửa, rảy nước nhìn xem tùy thời, tùy lúc cho phù hợp với miếng vàng ấy thì vàng ấy được mềm mại, nên việc lại có bóng ánh sáng tốt tươi, nếu người thợ bạc muốn làm món đồ chi như là cà rá, dây chuyền, hoa tai hoặc neo, thì người thợ bạc ấy có thể làm được tùy theo ý muốn. Vàng ấy được mềm mại chín đều do nơi 3 phận sự ấy thế nào thì tâm mà được mềm mại nên việc và sáng láng cũng nhờ hành giả chủ tâm theo 3 pháp trên cũng như thế ấy. Nếu tâm đã được yên tịnh mềm mại, sáng láng rồi thì hành giả muốn biết rõ pháp chi thì có thể biết rõ được pháp ấy như theo ý muốn không chi ngăn trở.
- Giải về pháp chủ tâm thứ chín.
Chỗ nói phải biết rõ trong sáu pháp khác nữa là nói thầy tỳ khưu phải có 6 pháp mới có thể làm cho rõ thấu “Niết-bàn” được. Sáu pháp ấy là: phải đè nén cái tâm trong lúc nên đè nén, phải phấn khởi tâm trong lúc nên phấn khởi, lúc nào tâm vui thích thì nên để cho tâm vui thích, phải xả tâm trong lúc nên xả, phải có tâm mê mẫn theo pháp cao thượng là đạo và quả, phải có tâm vui thích theo pháp “Niết-bàn”.
- Giải về pháp chủ tâm thứ mười.
Chỗ nói phải biết rõ trong 7 nhân sanh quả bồ đề là nói hành giả phải biết lúc nào nên hành theo pháp bồ đề nào và lúc nào không nên hành theo pháp bồ đề nào. Như tâm hành giả đương dụ dự lười biếng thì không nên hành theo 3 pháp bồ đề: bồ đề tịnh, bồ đề định, bồ đề xả. Thí dụ: như đống lửa muốn tàn mà cứ lấy củi tươi, cỏ tươi bỏ vào đống lửa ấy, củi và cỏ tươi ấy đề nhẹp đống lửa làm cho tắt mất đi, lửa bị cỏ tươi và củi ướt đè nhẹp tắt mất đi thế nào thì tâm nếu dụ dự lười biếng là tâm muốn hôn mê nếu cứ hành theo bồ đề tịnh, bồ đề định, bồ đề xả, thì tâm ấy phải tắt mất (là bị pháp môn đè nén), cũng như thế ấy. Còn nếu hành giả tâm đương xao xuyến, phóng túng thì không nên hành 3 pháp bồ đề; bồ đề tinh tấn, bồ đề hỉ, bồ đề huệ. Thí dụ: như đống lửa đương cháy rần rộ ngọn lửa lên cao lại lấy cỏ khô, củi khô bỏ thêm vào thì ngọn lửa ấy càng cháy rần rộ thêm lên dữ dội hơn nữa; vì củi khô, cỏ khô tiếp sức cho cháy dữ dội thêm lên thế nào thì khi tâm đương xao xuyến, phóng túng, lại cứ hành theo bồ đề tấn, hỉ, huệ thì lại càng xao xuyến, phóng túng dữ dội hơn nữa cũng như thế ấy. Trái lại, khi tâm xao xuyến, phóng túng thì phải hành theo một pháp bồ đề5 nào trong 3 pháp là: bồ đề tịnh, định, xả. Còn khi tâm dụ dự lười biếng thì phải hành theo một pháp bồ đề nào trong 3 pháp là: bồ đề huệ, tấn, hỉ thì mới gọi là biết tùy thời mà hành theo 7 nhân sanh quả bồ đề vậy. Còn bồ đề niệm dầu tâm thế nào cũng không bỏ đi được, vì bồ đề niệm là pháp cần yếu cho cả 2 cái tâm dụ dự hoặc xao xuyến hết thảy.
Dứt mười pháp chủ tâm.