Những Thánh Địa Phật Giáo Tại Ấn Độ – Buddhist Shrines In India – Mục Lục

Những Thánh Địa Phật Giáo tại Ấn Độ

Nguyên bản: Buddhist Shrines In India

Thích nữ Minh Tâm dịch

Mục Lục

Lời giới thiệu

Thánh địa thứ nhất: Lâm Tỳ Ni
Thánh địa thứ hai: Bồ Đề Đạo Tràng
Thánh địa thứ ba: Sarnath
Thánh địa thứ tư: Kusinagara
Thánh địa thứ năm: Sravasti
Thánh địa thứ sáu: Sankasya
Thánh địa thứ bẩy: Rajagriha
Thánh địa thứ tám: Vaisali

Những địa danh quan trọng:

-Sanchi
-Ajanta và Ellora
-Nalanda

Lời kết

 

Lời mở đầu

Kính bạch chư Tôn Đức,

Con xin đê đầu đãnh lễ cảm niệm công đức chỉ dạy của chư Tôn Đức và nguyện cố gắng tu học hơn nữa để báo đáp hồng ân Chư Phật Tổ và công lao dạy dỗ của chư Tôn Đức.

Kính nguyện Chư Phật gia hộ chư Tôn Đức pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ để dìu dắt chúng con trên bước đường tu học.

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát tác đại chứng minh.    

Tỳ Khưu Ni TN Minh Tâm cẩn bút

-ooOoo-

 

Kính gởi quí Phật tử,  

Nhận được sự góp ý, phê bình, khuyến khích và ủng hộ của các Phật tử xa gần, tôi vô cùng cám ơn và cố gắng hết sức sửa chữa những khuyết điểm; mong các tác phẩm sau này sẽ càng ngày càng hoàn hảo hơn.

Với ý nghĩ mở rộng thêm tầm kiến thức Phật Giáo cho các Phật tử mới bước chân vào đạo, cần hiểu sâu thêm về lịch sử Phật Giáo, tôi cố gắng dịch quyển “Buddhist Shrines In India” do nhà xuất bản Patiala House tại New Delhi ấn hành năm 1951, và đã được tái bản lần I vào năm 1956, lần II vào năm 1968, và lần III vào năm 1994.

Dù quyển sách này đã xuất bản lâu năm, nhưng với văn phong dễ hiểu, gọn gàng, xúc tích, sẽ không làm người đọc mệt mỏi, nhàm chán khi đọc một tác phẩm thuộc dạng nghiên cứu, tài liệu.

Kính mong các bậc cao minh, thiện hữu trí thức giúp đỡ và phê bình.

Kính chúc quí Phật tử tăng tiến tu học, phát tâm cầu Vô Thượng Bồ Đề.

Kính nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.

Tỳ Khưu Ni TN Minh Tâm đệ bút.

 

Lời giới thiệu

Thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên là thế kỷ hoàng kim của các tôn giáo Á Đông. Những biến cố mang tính cách lịch sử vĩ đại đã lần lượt xảy ra tại các nước Đông Phương: Khổng Tử và Lão Tử tại Trung Hoa, Zoroaster tại Iran (Ba Tư), Mahavira và Đức Phật Thích Ca tại Ấn Độ.

Trong vùng lốc xoáy tôn giáo đó, đaọ Phật do Đức Thích Ca sáng lập, đã đứng vững và tiếp tục lớn mạnh như một ngọn đuốc sáng để đáp ứng nhu cầu tâm linh của loài người. Đaọ Phật đã đem đến cho con người một đời sống tâm linh hoàn hảo. Lẽ dĩ nhiên, đaọ Phật cũng không thoát ra ngoài qui luật chung của vũ trụ “thành, trụ, hoại, không,” và cũng đã trãi qua không biết bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử các dân tộc và tôn giáo; nhưng đạo Phật vẫn tồn tại và còn tồn tại mãi trong dòng sinh mệnh của các đất nước đạo Phật đã đi qua và để lại dấu ấn.

Nói đến đạo Phật, thiết tưởng chúng ta phải nhắc đến vị giáo chủ đã sáng lập ra tôn giáo đó.

Vào thế kỷ thứ 6, năm 566 trước Công Nguyên, tại thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatsu) của một tiểu vương quốc tại Ấn Độ, Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) đã giáng sanh trong sự chờ đón trọng thể huy hoàng của hoàng gia và dân chúng. Thái tử là con của đức vua Tịnh Phạn (Sudhodana) và hoàng hậu Ma Gia (Mayadevi). Thái tử ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), gần sát biên giới Nepal và Ấn Độ.

Một đạo sĩ đã tiên đoán rằng “Thái tử, hoặc sẽ trở thành một đaị vương cai trị tứ châu thiên hạ, hoặc sẽ xuất gia tu hành đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.” Vua cha nghe vậy, vội tìm đủ mọi cách ngăn chận. Nhưng những phương cách đó đều vô hiệu, ngay cả người vợ tài sắc của Thái tử là công nương Da Du Đà La (Yasodhara) và đưá con mới chào đời La Hầu La (Rahula) cũng không thể dẹp tan được ý nghĩ thoát ly mọi ràng buộc thế tục của Thái tử. Thái tử đã nhìn thấy được cảnh sanh, lão, bệnh, tử của con người, đã hiểu rõ sự vô thường thay đổi của vạn hữu hàm linh và Thái tử muốn đi tìm phương pháp giải thoát khổ đau cho chính mình và nhân loại. Không lâu sau đó, Thái tử đã thoát ly hoàng cung, rời xa mái ấm gia đình, dấn thân vào cát bụi.

Sau 11 năm tầm sư học đaọ, khổ hạnh đủ mùi, tham bái cầu đạo với nhiều danh sư, Bồ Tát Tất Đạt Đa vẫn không thấy thoả mãn. Ngài nhận thấy phương cách tu tập, lý thuyết của các đạo sư vẫn tiêu cực bế tắc. Ngài liền bỏ lối tu tập đó và một mình một bóng đến ngồi tham thiền bên bờ sông Ni Liên Thiền (Uruvila). Qua 49 ngày đêm nhập định, Bồ Tát Tất Đạt Đa hoát nhiên đại ngộ, chứng thành quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tôn hiệu là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.  Sau khi chứng đắc chân lý, Đức Phật đã đến gặp năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển. Bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật nói về pháp Tứ Đế được gọi là Chuyển Pháp Luân (Dhamma – Chakrapravartana). Giáo lý Tứ Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) xuyên suốt Bát Thánh Đạo hay Bát Chánh Đạo (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định, Chánh Niệm) đã hướng dẫn bao nhiêu người giải thoát từ dòng sông đau khổ đến bến bờ cực lạc hạnh phúc.

Suốt 45 năm, Đức Phật và hàng đại đệ tử của Ngài đã đi khắp lãnh thổ Ấn Độ, từ bờ sông Hằng đến những làng quê hẻo lánh, cốt yếu để truyền bá chánh pháp giải thoát lầm mê cho chúng sanh. Ánh sáng đạo Phật truyền đến đâu thì bóng tối vô minh tan đến đó. Hàng triệu triệu người đã tìm thấy hạnh phúc và giải thoát. Đức Phật nhập diệt tại thành Câu Thi Na (Kusinagara) năm 486 trước Công Nguyên. Năm ấy, Ngài được 80 tuổi.

Đạo Phật đã phát triển rực rỡ tại Ấn Độ, nhất là tại thành Câu Xá La (Kosala) và Ma Kiệt Đà (Magadha) còn được gọi là trung tâm Phật Giáo. Nhưng sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 200 năm, đạo Phật cũng theo những biến cố lịch sử mà có nhiều thăng trầm thay đổi. Trong những biến cố lịch sử đó, trận chiến thảm khốc với quân Kalinga của vua A Dục (Asoka) là bước ngoặt nổi tiếng trong lịch sử Phật Giáo Ấn Độ.

Vua A Dục đã rùng mình tỉnh giấc mộng đế vương khi nhìn xác người ngựa đẫm máu nằm chết la liệt ở chiến trường. Hình ảnh đẫm máu đó đã khích động mãnh liệt lòng vị vua bạo tàn đó, khiến ông ta hối hận đã gây ra cảnh tương tàn hủy diệt sanh linh. Từ đó, A Dục Vương đã chuyển hoá tâm hồn, tìm hiểu đạo Phật và qua giáo lý, A Dục Vương đã thuần hoá từ từ trở thành một vị vua nhân đức nhất của lịch sử Ấn Độ.

Những thánh tích Phật Giáo còn sót lại trên lãnh thổ Ấn Độ đều có dấu ấn trùng tu lại của vua A Dục; nhờ thế mà ngày nay chúng ta có thể học và hiểu rõ thêm về những di tích lịch sử Phật Giáo qua những bia ký và thánh địa. 

Những Thánh Địa

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã để lại dấu chân Ngài trên toàn lãnh thổ Ấn và hình bóng Ngài đã khắc sâu trong tâm tư nhân loại. Trong thời kỳ chánh pháp hưng thịnh, các địa danh quan trọng đều được nhắc tới. Bốn thánh địa nổi tiếng của Phật Giáo nói riêng và của Ấn Độ nói chung là: Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nơi Đức Phật giáng sanh, Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh-Gaya) nơi Đức Phật thành đạo, Lộc Uyển (Sarnath) nơi Đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên, và Câu Thi Na (Kusinagara) nơi Đức Phật nhập diệt.

Bốn địa danh quan trọng khác cũng được đề cập đến trong lịch sử Phật Giáo là bốn nơi Đức Phật đã thi triển thần thông để giáo hoá điều phục chúng sanh. Những địa danh đó là: Sravasti (thủ phủ của Kosala) nơi Đức Phật đã thi triển thần thông điều phục Ca Diếp (Puruna Kasyapa), người lãnh đạo phái Tirthika (đạo thờ thần lửa).  Nơi thứ hai là Sankasya, Đức Phật đã lên tầng trời thứ 33 để giáo hoá cho hoàng hậu Ma Gia (mẫu thân của Ngài).  Nơi thứ ba là Rajagriha (thủ phủ của Ma Kiệt Đà), nơi đây Đức Phật đã điều phục con voi say do Đề Bà Đạt Đa sai khiến ra giết Đức Phật. Nơi thứ tư là Vệ Sá Ly (Vaisali), nơi đây Đức Phật đã thọ dụng bát mật ong do đàn khỉ dâng cúng.

Những địa danh nổi tiếng này và những biến cố trong cuộc đời Đức Phật đã là đề tài cho hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo từ xưa cho đến nay.

Những địa danh này đã lôi cuốn không biết bao nhiêu khách thập phương đến chiêm bái, và nhiều ngôi đền, tháp, bia ký cũng được xây dựng chung quanh những thánh địa này. Tuy nhiên, trong thời kỳ đạo Phật suy tàn tại Ấn Độ, một vài thánh địa đã bị hoang phế tàn rụi theo cát bụi và thời gian.

Ngày nay, các nhà khảo cổ Ấn Độ đang trên đường khai quật lại di tích và trùng tu lại các thánh địa.

 

 

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app