Nội Dung Chính
Tương Quan Thứ Bảy
Do Thọ Làm Điều Kiện, Ái Sanh Khởi (Vedanā-paccayā tanhā = Thọ Duyên Ái)
Tương quan này là: “Do Thọ làm điều kiện, Ái sanh khởi.” Ý nghĩa cơ bản của Ái (tanhā) là khát hay khao khát. Chẳng hạn khi quí vị khát nước, sự khao khát muốn uống nước là Ái. Trạng thái tâm hay tâm sở Ái này giống như khát nước, không bao giờ được thỏa mãn trọn vẹn. Khi khát nước, quí vị uống và rồi lại khát và muốn uống nữa. Cứ như vậy tiếp tục hoài không dứt.
Ái như vậy là khao khát hay ưa thích đối tượng. Trong 52 tâm sở, Ái chính là tâm sở Tham (lobba). Tham và Ái đều là mong muốn có được đối tượng ưa thích nhưng trong tương quan này Ái được dùng thay vì Tham. Do đó, cùng một tâm sở nhưng được gọi với nhiều tên khác nhau. Đôi khi là Tham (lobha), đôi khi là Ái (taṇhā), đôi khi là Dục (kāma), đôi khi là ô nhiễm (rāga) và còn nhiều tên khác nữa. Rāga có ngĩa là vết dơ hay thuốc nhuộm. Như khi muốn nhuộm vải, quí vị bỏ vải vào thuốc nhuộm và như vậy vải được nhuộm màu. Khi bị ô nhiễm nhuộm, tâm bị dơ và rất khó mà làm sạch được. Đối lại với rāga là virāga. Virāga được dịch là phai mờ đi nhưng thật sự là bay mất thuốc nhuộm chứ không phải màu nhuộm phai mờ từ từ. Khi đạt tầng thánh thứ tư, rāga mới được đoạn diệt hoàn toàn. Do đó, nghĩa đen của raga là vết nhơ hay thuốc nhuộm và nghĩa bóng là ô nhiễm. Bốn danh từ Tham (lobha), Ái (taṇhā), dục (kāma), và ô nhiễm (rāga) thường hay được dùng trong Kinh và Vi Diệu Pháp để chỉ cùng một tâm sở.
Tương ưng với sáu loại đối tượng có sáu loại ái: sắc ái (rūpa taṇhā), thanh ái (sadda taṇha), hương ái (ganda taṇha), vị ái (rasa taṇha), xúc ái (photthabba taṇha) và pháp ái (dhamma taṇha). Sắc Ái là sự khao khát hay ưa thích những đối tượng thấy được. Thanh Ái là sự khao khát hay ưa thích những đối tượng nghe được. Hương Ái là sự khao khát hay ưa thích những đối tượng ngửi được. Vị Ái là sự khao khát hay ưa thích những đối tượng nếm được. Xúc Ái là sự khao khát hay ưa thích những đối tượng đụng chạm được. Pháp Ái là sự khao khát hay ưa thích những đối tượng của tâm hay pháp trần.
Chẳng hạn khi thấy một cái gì đẹp, quí vị có nhãn thức, nhãn xúc, và lạc thọ (nhãn thọ). Ái sanh khởi từ lạc thọ trong trường hợp này là sắc ái. Vào lúc nhãn thức sanh khởi chưa có sắc ái. Chỉ ở giai đoạn tốc hành tâm sắc ái mới sanh khởi. Vì sắc ái sanh khởi sau lạc thọ và chịu điều kiện của lạc thọ nên lạc thọ liên hệ với sắc ái theo tương quan hỗ trợ mạnh mẽ. Tương tự như vậy lạc thọ là điều kiện hỗ trợ mạnh mẽ cho thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái hay pháp ái sanh khởi.
Quí vị còn nhớ đối tượng của tâm hay pháp trần (dhammārammana) là gì không? Đó là phần nhạy cảm của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tứ đại, nam tính, nữ tính, mạng căn, sự nhẹ nhàng của thân, sự nhu nhuyến của thân, sự thích ứng của thân… Đây là những sắc pháp vi tế. Chúng được kể vào đối tượng của tâm. Đối tượng của tâm ngoài các sắc pháp vi tế còn bao gồm tất cả các loại thức hay tâm vương, các trạng thái của tâm hay tâm sở, Niết Bàn và ý niệm. Như vậy có rất nhiều đối tượng của tâm.
Như vậy, khi quí vị thích mắt của mình thì loại ái nào sanh khởi? Đó là pháp ái vì mắt hay đúng hơn là phần nhạy cảm của mắt hay nhãn căn thuộc về đối tượng của tâm hay pháp trần như vừa được kể ở trên. Tương tự như vậy, khi thích tai, mũi, hay những phần nhạy cảm nơi những giác quan của mình…thì pháp ái cũng sanh khởi. Khi thích thức (tâm), thích chánh niệm (tâm sở) của mình thì pháp ái cũng sanh khởi vì chúng cũng thuộc về đối tượng của tâm hay pháp trần.
Tóm lại, có sáu loại ái là sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái và pháp ái tùy theo sáu loại đối tượng.
Mỗi một trong sáu loại Ái ở trên được phân thành ba tùy theo cách thức sanh khởi. Chúng gồm Dục Ái (kāma taṇhā), Hữu Ái (bhava taṇhā) và Vô Hữu Ái (vibhava taṇhā). Sư sẽ theo lối giải thích truyền thống của các bậc thầy thông suốt giáo pháp xa xưa gần và hiểu Đức Phật hơn chúng ta để giảng cho quí vị nghe về ba loại ái này. Sự giải thích này đã được thử thách qua thời gian nên khỏi phải sợ sai lầm. Sở dĩ Sư nói như vậy vì ngày nay có rất nhiều người đã tự giải thích theo ý của mình. Có thể họ thấy một vài khía cạnh nhưng không thông suốt nên dễ bị sai lạc. Nếu quí vị có ý định giải thích theo cách của họ, quí vị nên cẩn thận.
Nếu Ái sanh khởi vì khao khát các đối tượng ưa thích thì đó là Dục Ái. Đối tượng ưa thích là những đối tượng đẹp được ưa thích. Dục Ái như vậy giống như tham bởi vì tham là ham muốn đối tượng ưa thích. Do đó, tất cả các đối tượng ưa thích trên thế giới đều có thể là đối tượng được ham muốn. Đây là các đối tượng của tâm tham và khao khát các đối tượng này là Dục Ái.
Nếu Ái sanh khởi với thường kiến tức là quan kiến cho rằng đối tượng ưa thích thường hằng hay còn mãi thì là Hữu Ái. Như vậy ưa thích hay khao khát các đối tượng thuộc về sắc pháp sẽ có sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái. Nếu các ái này sanh khởi với tà kiến về sự thường hằng của đối tượng thì được gọi là Hữu Ái.
Có thể hiểu Hữu Ái (bhava tanhā) là ái (tanhā) về hữu (bhava) không? Không thể hiểu hữu ái là ham muốn được tái sinh vì như vậy hữu ái cũng giống như dục ái mà thôi. Chẳng hạn chúng ta muốn tái sinh về cảnh giới tốt đẹp và nếu cho sự ham muốn được tái sinh này là hữu ái thì hữu ái như vậy chẳng khác gì với dục ái cả vì hữu ở đây cũng là đối tượng của sự ham muốn.
Hữu (bhava) trong hữu ái không có nghĩa là hiện hữu hay cảnh giới mặc dù ý nghĩa căn bản của hữu (bhava) là hiện hữu. Ý nghĩa của Hữu ở đây hàm chỉ sự hiện hữu là thường hằng tức là sự trường cửu của sự vật, linh hồn… Cho nên Hữu Ái là Ái sanh khởi cùng với tà kiến về sự thường hằng của đối tượng.
Danh từ Pali của Vô Hữu Ái là vibhava. ‘Vi’ có nghĩa phủ định là ‘vô’ nên vibhava là Vô Hữu Ái. Vô hữu có nghĩa là sự vắng mặt hay hũy diệt của hữu. Do đó, vô hữu ái được giải thích là sự ưa thích đối tượng tương ưng với tà kiến hư vô cho rằng đối tượng một khi đoạn diệt sẽ không tái sinh. Vì thế khi sắc ái sanh khởi với quan kiến cho rằng chúng sanh sẽ bị hủy diệt ngay lúc chết được gọi là vô hữu ái. Tóm lại, vô hữu ái là ái tương ưng với tà kiến hư vô chủ nghĩa hay đoạn kiến.
Dục ái và hữu ái đều là khao khát đối tượng ưa thích nhưng đối với hữu ái thì khao khát sanh khởi cùng với thường kiến. Tương tự, vô hữu ái cũng là khao khát đối tượng ưa thích nhưng sanh khởi với đoạn kiến. Đây là giải thích đúng đắn về Dục Ái, Hữu Ái và Vô Hữu Ái.
Trong sách dịch luận thư Thanh Tịnh Đạo của Ñanamoli mà Sư đang có đây, tác giả dịch hữu ái và vô hữu ái là khao khát trở thành và khao khát không trở thành. Cách dịch này theo Sư không chính xác. Một số còn dịch vô hữu ái là khát khao được tự hủy diệt. Cách đây vài năm, Sư có cho một người một cuốn sách về Phật Giáo. Tuần sau đó vị này đến gặp Sư và nói là Phật Giáo cho phép tự tử. Sư ngạc nhiên và thắc mắc là do đâu mà vị này nghĩ như vậy. Sư hỏi và được vị này cho xem bản dịch Kinh Chuyển Pháp Luân trong đó có đề cập ba loại Ái và chỉ chỗ nói vô hữu ái là mong muốn tự hủy diệt. Do đó, khao khát tự hủy diệt có thể mang ý nghĩa là muốn tự tử. Quí vị thấy sở dĩ hiểu lầm là do cách dịch thuật không chính xác như vậy. Vì thế có được một vị thầy sửa sai những quan kiến sai lầm do sự hiểu biết không chính xác về những lời Phật dạy rất là quan trọng.
Như vậy sáu loại ái căn bản với mỗi loại được chia thành ba nên có tất cả 18 loại ái. Ái sanh khởi trong tâm của mình gọi là nội ái và sanh khởi trong tâm người khác gọi là ngoại ái. Do đó, 18 loại ái tăng lên gấp đôi thành 36. Mỗi một loại ái có thể thuộc về quá khứ, hiện tại, hay vị lai nên tổng số lên đến 108 loại ái. Trong Kinh cũng như Chú Giải có đề cập đến 108 loại ái nhưng không giải thích vì sao. Cho nên, Sư giải thích để quý vị biết.
Bây giờ Sư muốn nói về tương quan giữa Thọ và Ái. Trước hết, Chú Giải nói liên hệ giữa thọ và ái là tương quan hỗ trợ mạnh mẽ. Ngoài ra, còn nói chỉ có lạc thọ dị thục mới được xem là thọ trong tương quan này bởi vì ái thường chỉ sanh khởi khi có lạc thọ mà thôi. Hiểu theo Chú Giải như vậy có thỏa đáng không?
Công thức của tương quan này là “Do Thọ làm điều kiện, Ái sanh khởi” chứ không nói là do lạc thọ dị thục làm điều kiện, Ái sanh khởi. Tuy nhiên, Chú Giải giải thích theo cách mà chúng ta có thể chấp nhận được.
Trường hợp lạc thọ làm điều kiện cho ái sanh khởi rất dễ hiểu. Nhưng như thế nào, khổ thọ làm điều kiện cho ái sanh khởi? Khi đau khổ, chúng ta muốn đau khổ biến mất hoặc muốn được hết đau khổ hay thoải mái. Hết đau khổ hay thoải mái là một loại hạnh phúc. Khi đói, muốn cơn đói mất đi và khi nghèo muốn được giàu…Như vậy, bất cứ lúc nào bị đau khổ vì một điều gì, chúng ta muốn điều trái ngược nghĩa là muốn sung sướng. Và muốn hay khao khát hạnh phúc như vậy là ái. Do đó, khao khát hạnh phúc thật sự trong trường hợp này chịu điều kiện bởi đau khổ. Cho nên, khổ thọ có thể là điều kiện cho ái sanh khởi. Không phải ái đối với những điều kiện không thoải mái đang trải nghiệm mà là khao khát những gì ngược lại với đau khổ.
Trong buổi ngồi thiền vừa qua, không khí trong thiền đường trở nên nóng hơn. Khi quí vị kinh nghiệm như vậy, chuyện gì xảy ra nơi tâm quí vị? Quí vị có ghi nhận ‘nóng, nóng, nóng’ hay chỉ mong cho máy sưởi tắt đi hay đồng hồ điểm hết giờ. Nếu quí vị mong ước như vậy tức là quí vị có ái. Thú thật thoạt tiên Sư cũng có ái này nhưng sau đó nhớ lại liền ghi nhận ‘nóng, nóng, nóng’ và nhờ vậy Sư có thể chịu đựng được. Khao khát được mát hay ra khỏi cơn nóng ở đây là Ái chịu điều kiện bởi khổ thọ.
Còn đối với thọ trung tính hay xả thọ thì sao? Vì loại thọ này gần với lạc thọ nên khi có loại thọ này chúng ta muốn thêm. Do đó, thọ trung tính cũng là điều kiện cho ái.
Như vậy tất cả ba loại thọ đều làm điều kiện cho ái. Và Chú Giải tiếp: “Mặc dầu thọ là điều kiện nhưng nếu không có khuynh hướng ô nhiễm nội tại, ái sẽ không sanh khởi. Do đó, bậc Thánh hoàn toàn giác ngộ là bậc thật sự giải thoát vì không còn ái nữa.” Điều này có nghĩa là khi không còn khuynh hướng ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm, ái sẽ không sanh khởi mặc dù có cảm thọ. Do đó, khi quí vị thành bậc A La Hán hoàn toàn giác ngộ, ái sẽ không còn sanh khởi nữa nên được giải thoát. Nói cách khác, ái chỉ sanh khởi ở những ai vẫn còn khuynh hướng ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm mà thôi. Lời dạy này thật tốt lành vì vạch ra lối thoát khỏi vòng sanh tử cho chúng ta.
Nhưng làm thế nào để bẻ gãy bánh xe luân hồi? Tương quan này tối ư quan trọng trong Mười Hai Nhân Duyên hay Pháp Duyên Sinh. Như Sư đã giảng là các Vòng Ô Nhiễm, Vòng Nghiệp và Vòng Quả liên tục sanh khởi nên rất là nãn lòng khi nhìn vào những vòng này. Dường như không có lối thoát nào hết giống như trường hợp bò bị niền gỗ ở cổ đi vòng quanh cối xay để kéo cần ép dầu từ đậu phụng hay mè ở các xứ Á Châu. Tại một vài nơi muốn đưa nước lên cao, người ta cũng cột cần gỗ vào cổ bò để bò đi vòng tròn làm chạy bánh xe đẩy nước lên cao. Khi bị cột cần gỗ đi lòng vòng không ngừng bò sẽ không có lối thoát. Tương tự như vậy, quí vị nhìn ba vòng và thấy dường như không có lối ra. Thật là nãn phải không? Nhưng những lời dạy của Đức Phật cho quí vị một nguồn an ủi vô biên, một sự khích lệ vô cùng lớn lao. Đó là nếu làm được điều gì để ái không sanh khởi mặc dù có thọ, chúng ta sẽ bẻ gãy được vòng luân hồi ngay tại tương quan này. Và khi bị bẻ gãy, tất cả đều bị phá vỡ và chúng ta sẽ được giải thoát một cách rốt ráo.
Và như thế nào chúng ta có thể làm được điều đó? Làm thế nào để phá vỡ tương quan này? Đó chính bằng hành thiền Minh Sát Niệm Xứ. Khi thực tập Thiền Minh Sát, quí vị ghi nhận những gì đang xảy ra ngay trong giây phút hiện tại. Chẳng hạn ghi nhận ‘đau, đau, đau’ khi bị đau giúp quí vị thấy cơn đau không kéo dài mãi mãi nhưng sẽ chấm dứt. Do đó, quí vị không mong lạc thọ nhưng chỉ tập trung và ghi nhận khổ thọ cho nên Ái sẽ không sanh khởi từ cảm thọ này. Khi cảm thấy thoải mái tức có lạc thọ, nếu nhớ ghi nhận quí vị sẽ thấy lạc thọ sanh khởi rồi hoại diệt nên không bị dính mắc vào lạc thọ. Vì thế, dù có khổ thọ hay lạc thọ nhưng nhờ chánh niệm ghi nhận, quí vị sẽ không bị dính mắc vào thọ cho nên Ái không sanh khởi. Điều này có nghĩa là quí vị đã phá vỡ tương quan này hay bẻ gãy được bánh xe luân hồi. Đây là tương quan duy nhất trong 11 tương quan mà chúng ta có thể làm được như vậy. Tại các tương quan khác, không ai có thể làm gì được hết kể cả Đức Phật. Chúng ta có thể gọi đây là điểm yếu của bánh xe luân hồi và nếu đánh mạnh vào điểm này chúng ta có thể bẻ gãy được bánh xe.
Chúng ta có thật sự vĩnh viễn bẻ gãy được tương quan này khi thực hành Thiền Minh Sát hay không? Sự bẻ gãy này chỉ xảy ra ngay trong phút giây hiện tại đối với đối tượng mà chúng ta đang chú niệm mà thôi. Khi chánh niệm ghi nhận và kinh nghiệm được đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã của đối tượng, chúng ta sẽ không có tham ái sanh khởi từ cảm thọ đối với đối tượng. Nếu chúng ta không chú niệm vào đối tượng, tham ái sẽ xảy ra ngay sau cảm thọ. Do đó, sự cắt đứt tương quan này qua thực tập Thiền Minh Sát có phần yếu ớt và tạm thời so với sự phá vỡ rốt ráo khi đạt được Đạo Tâm và Quả Tâm lúc giác ngộ.
Tuy nhiên, vì vòng luân hồi quá lớn và quá mạnh hầu như khó có thể làm gì được nên “việc bẻ gãy một mắt xích của bánh xe” dù tạm thời cũng đã là một công việc to lớn lắm rồi. Điều này có nghĩa là ít ra chúng ta cũng không dính mắc vào những gì mà chúng ta đang chánh niệm theo dõi. Và nếu tiếp tục thực tập, một lúc nào đó, quí vị sẽ bẻ gãy vòng này một cách vĩnh viễn. Khi đạt đến giai đoạn đó, trong tâm quí vị không còn những khuynh hướng ô nhiễm ngủ ngầm kể cả tham ái. Và sau tương quan này sẽ không còn tương quan nào nữa hết. Ngược lại, nếu cứ tiếp tục để tham ái sanh khởi thì vòng luân hồi sẽ tiếp tục và chúng ta sẽ không có cách nào phá vỡ hay thoát ra được cả.
Khi phá vỡ được tương quan này, tất cả diễn trình của tái sanh sẽ chấm dứt hay toàn khối khổ đau kết thúc. Cái gọi là hiện hữu không gì khác hơn là diễn trình thân tâm hay danh sắc luôn luôn bị áp đảo không ngừng bởi sanh diệt nên chỉ thuần là một khối khổ đau. Và đây chính là bản chất vô thường, khổ và vô ngã của tất cả các pháp hữu vi hay hiện tượng do điều kiện tạo thành. Đó chỉ thuần là một khối đau khổ vì không pha trộn với hạnh phúc và toàn khối đau khổ này mãi tiếp tục nếu chúng ta không ngăn chận được sự tham ái sanh khởi.
Do đó, để chấm dứt vòng luân hồi hay toàn khối khổ đau, điều duy nhất cần làm và phải làm là không cho tham ái sanh khởi sau cảm thọ. Tại điểm này, dựa vào giáo pháp mà Đức Phật đã khám phá và dạy lại, chúng ta có cơ hội để thoát khỏi sự trói buộc vào vòng tái sanh. Điều còn lại là chúng ta phải nỗ lực không ngừng nghỉ để loại bỏ tham ái bằng cách kiên trì hành thiền Minh Sát Niệm Xứ.
Đây là khích lệ vô cùng lớn lao vì qua lời dạy của Đức Phật chúng ta biết bánh xe luân hồi có thể bị bẻ gãy tại điểm yếu của nó ngay ở tương quan này và nhất là học được cách thức để phá vỡ nó.