Làm thế nào để hành thiền tiến bộ

NỘI DUNG TÓM TẮT BÀI GIẢNG CỦA NGÀI KYUNPIN CHO NHÓM THIỀN SINH CŨ tại Thiền Viện Kyunpin, Myanmar, ngày 12/09, 2019.

Hôm nay Ngài Kyunpin (Ngài U Jaṭila) sẽ giảng về chủ đề làm thế nào để hành thiền tiến bộ.

Bấm vào đây để nghe bài giảng dạng tiếng (mp3)

Bấm vào đây để nghe bài giảng song ngữ Anh Việt dạng tiếng (mp3)

Bấm vào đây để tải toàn bộ văn bản

Thời Đức Phật, một lần nọ, hoàng tử Bodhi hỏi Đức Phật: các tỳ khưu, tỳ khưu ni, các cư sĩ nam, cư sĩ nữ, muốn thấy được pháp, muốn kinh nghiệm được Đạo, Quả, chứng ngộ Niết Bàn, thì phải thực hành trong bao lâu?

Đức Phật không trả lời chính xác họ phải thực hành bao lâu. Đức Phật trả lời rằng họ có thể thực hành ít nhất là vài giờ, nửa ngày, một ngày, hai ngày, ba ngày, một tuần, một tháng, bảy tháng, hoặc có thể nhiều nhất là bảy năm. Nếu có đầy đủ đức tin, sự tinh tấn, sự hiểu biết, sức khỏe và sự chân thật, họ thực hành nhiều nhất là bảy năm thì có thể thấy được Pháp mà Đức Phật đã thấy, họ có thể chứng ngộ Niết Bàn.

Khi đến thiền viện (TV) để hành thiền tích cực thì TS chỉ thực hành mà không nói chuyện, không làm các việc khác. Mỗi ngày, TS có rất nhiều giờ để hành thiền. Sáng thức dậy, TS bắt đầu hành thiền suốt cả ngày. Sau khi nghe Thiền sư giải thích về cách hành thiền, TS nắm bắt cách quan sát, quan sát phồng-xẹp khi ngồi thiền và khi thiền đi thì quan sát dở-bước-đạp. TS quan sát liên tục, cẩn thận và cung kính.

TS phải hiểu được cụ thể thế nào là quan sát liên tục, quan sát cẩn thận và quan sát với một thái độ cung kính. Mức độ hiểu của từng TS là khác nhau. Một số TS, mặc dù hiểu được lời chỉ dạy của Thiền sư nhưng không thực hiện được, không thể quan sát liên tục, cẩn thận và cung kính. Một số TS không hiểu được lời hướng dẫn nên không thực hành được. Một số TS khác có thể hiểu và có thể thực hành được. Khi hiểu đúng thì TS có thể thực hành được.

  1. Khó khăn không phải là khó khăn

Khóa thiền tích cực Hạ này đã qua 50 ngày, nếu TS biết quan sát liên tục, cẩn thận và cung kính thì việc hành thiền sẽ không còn khó khăn vì TS hiểu đúng.

Không còn khó khăn ở đây không có nghĩa là hoàn toàn không có khó khăn nào, mà là khi có khó khăn thì TS hiểu rằng những khó khăn này chỉ là đối tượng của thiền mà thôi. Vì vậy TS quan sát một cách cẩn thận, quan sát liên tục và cung kính.

Những TS khác, do không hiểu được điều này nên khi gặp khó khăn họ không quan sát, vì vậy những khó khăn này trở thành trở ngại lớn cho việc hành thiền. Trong khi đó, một số TS hiểu được những khó khăn này chỉ là những đối tượng của hành thiền, họ chấp nhận, không phản ứng. Khi gặp những khó khăn như phóng tâm, thân xoay lắc, ngứa, khó chịu, thì những TS này hiểu rằng đây chỉ là những đối tượng của thiền. Những cái họ thấy không còn là khó khăn nữa, chúng chỉ là những đối tượng để quan sát.

Hiểu đúng như vậy, họ giữ vững sự quan sát cẩn thận, liên tục và cung kính. Cuối cùng, họ thấy tất cả những hiện tượng/ đối tượng này thay đổi và đôi khi chúng thay đổi rất nhanh. Khi hành thiền nếu những hiện tượng như phóng tâm, buồn ngủ xuất hiện thì không có gì sai cả. Hoặc khi có nghi ngờ, buồn chán hoặc tức giận, khó chịu, tất cả những hiện tượng này đều là bình thường, không có gì sai. Tất cả TS đều có thể trải qua những hiện tượng như vậy.

Một số TS hiểu tất cả những hiện tượng này chỉ là đối tượng để quan sát, họ chấp nhận và quan sát một cách cẩn thận, quan sát liên tục và quan sát với một thái độ cung kính. Khi những hiện tượng này đến họ chỉ quan sát, dù cho nó là ngứa, thân lắc lư, phóng tâm, hay có ham muốn này nọ, bất kể chuyện gì xảy ra thì họ chỉ quan sát. Nếu chúng đến liên tục thì họ quan sát liên tục. Nếu chúng lặp đi lặp lại thì họ quan sát lặp đi lặp lại.

Cứ như vậy, việc hành thiền của họ tốt hơn. Tốt ở đây không có nghĩa là lúc nào họ cũng có những trải nghiệm tốt. Một số TS thấy vui thích khi việc hành thiền của mình tốt. Tốt ở đây nghĩa là TS hiểu đúng cách quan sát, hiểu đúng cách thực hành, họ chấp nhận những gì xảy ra và thấy chúng chỉ là đối tượng để quan sát và quan sát chúng; chứ không phải tốt có nghĩa là không có khó khăn, không có bực bội, không thấy khổ, không thấy đau nhức, không phóng tâm.

Một số TS khi thấy những hiện tượng này thì họ bực bội, chán nản, muốn bỏ về, muốn đi khám bệnh hay muốn dừng thiền chỉ vì họ không biết cách quan sát. Thay vì quan sát, họ lại phàn nàn, họ cảm thấy thất vọng, nghi ngờ, muốn đi đến TV khác, muốn đi gặp thầy khác. Cách suy nghĩ như vậy làm cho khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn. Họ có thể nghĩ rằng con đường này, cách này khó, có thể có cách nào đó dễ dàng hơn chăng. Do không biết cách quan sát, họ chỉ muốn làm theo một cái gì đó dễ dàng, không quan tâm đến việc quan sát nữa cho nên ngày càng khó khăn hơn, rối rắm hơn.

Khi TS gặp khó khăn, không hành thiền được, muốn đi nơi khác, gặp vị thầy khác, nhưng khi họ đến TV khác họ cũng không thể thực hành được và họ có thể bỏ cuộc. Họ cảm thấy không vui, không hài lòng với Thiền sư.

Trong một số trường hợp, nếu môi trường hoặc nơi hành thiền không tốt, TS có thể đi nơi khác. Tuy nhiên, ở một nơi mà Thiền sư có thể dạy dỗ với tâm từ và sự nhẫn nại và môi trường lại thuận lợi thì TS nên tiếp tục hành thiền mà không cần lo lắng đi tìm một nơi khác, một vị thầy khác. Tóm lại TS phải hiểu đúng, hiểu đúng cách thực hành, biết cách làm thế nào để vượt qua khó khăn. Có hiểu đúng như vậy thì TS mới vượt qua khó khăn được.

  1. Cẩn thận, liên tục và cung kính

Khi  TS quan sát phồng-xẹp, dở-bước-đạp, quan sát khi ngồi xuống, đứng lên, khi co tay, duỗi tay, tất cả những hiện này phải được quan sát một cách cẩn thận, liên tục và cung kính. 

Khi quan sát phồng-xẹp như vậy, họ có thể thấy được rất nhiều chuyển động khi quan sát phồng-xẹp. Không chỉ thấy phồng-xẹp, không chỉ thấy thân mà họ còn thấy được tâm, thấy các tâm buồn, tâm vui, tâm suy nghĩ, tâm phân tích, tâm hôn trầm. Khi quan sát cẩn thận như vậy, họ có thể thấy các chuyển động phồng-xẹp rất kỹ càng, rất nhiều chi tiết. Chuyển động phồng-xẹp có lúc dài, lúc ngắn, có lúc to, lúc nhỏ, có lúc thay đổi từng nấc, từng nấc một, có lúc nhanh, lúc chậm.

Không chỉ thấy chuyển động phồng-xẹp kỹ càng như vậy, TS còn thấy được các tâm bất thiện, thấy được mình có định tâm hay không có định tâm, thấy được tâm lo lắng.

Không chỉ thấy được tâm, họ còn cảm nhận được các cảm giác, cảm giác buồn, dễ chịu, khó chịu, cảm giác trung tính, cảm giác đau nhức, rất nhiều cảm giác… Không chỉ thấy các cảm giác, TS cũng có thể thấy các hiện tượng khi nhìn, khi nghe…

Khi quan sát một cách cẩn thận, liên tục và cung kính như vậy thì TS lúc nào cũng bận rộn với việc quan sát. Lúc đó, TS thấy được bốn Xứ, Thân – Thọ –  Tâm và Pháp, thấy được phồng-xẹp rõ ràng, thấy các đối tượng khi nghe, khi thấy.

Quan sát một cách cung kính nghĩa là không bỏ sót bất kỳ một đối tượng nào. Quan sát liên tục cũng rất quan trọng. Khi kết thúc một thời thiền ngồi, có những TS đứng dậy mà không có chánh niệm, không tiếp tục quan sát, đi uống nước, đi vệ sinh không tiếp tục chánh niệm, không chú tâm quan sát.

Khi họ không chú tâm quan sát liên tục như vậy thì rất khó có thể phát triển được chánh niệm, rất khó có thể phát triển được khả năng quan sát của mình. Khi không quan sát liên tục như vậy thì chánh niệm và định tâm không thể phát triển, TS không thể quan sát tốt, không thể quan sát một cách hiệu quả.

Khi không quan sát với một thái độ cung kính, TS bỏ lỡ, bỏ sót rất nhiều đối tượng, không thấy rõ thân và tâm của mình. Khi các đối tượng đến và đi, họ không thấy rõ, họ bỏ sót, bỏ lỡ mất. Vì vậy việc hành thiền càng khó khăn hơn. Khi các đối tượng đến, TS không biết cách quan sát mà chỉ suy nghĩ và phân tích, vì vậy họ càng trở nên rối rắm, càng trở nên nghi ngờ.

Khi biết cách quan sát một cách cẩn thận, liên tục và cung kính thì TS không còn thời gian để suy nghĩ, không còn thời gian để phân tích, để buồn chán, để phàn nàn, không còn thời gian để nói chuyện với người khác hay quan sát người khác. Toàn bộ thời gian, TS bận bịu để quan sát thân – tâm mình.

Khi không chú tâm quan sát thân – tâm của mình một cách cẩn thận, liên tục và cung kính, TS chỉ thấy người khác, chỉ quan tâm người khác, xem họ hành thiền như thế nào, đi đứng như thế nào, xem họ bật quạt, tắt quạt như thế nào. TS bắt đầu nhìn đó nhìn đây, rồi cảm thấy buồn chán.

  1. Thí chủ cung kính phục vụ, TS cung kính hành thiền

Vì không có chánh niệm, không chú tâm quan sát, nên họ suy nghĩ rất nhiều, đặt nhiều câu hỏi, họ phàn nàn, bắt đầu nói chuyện với người khác. Việc hành thiền trở nên khó khăn hơn, khó tiến bộ.

Khi đó họ không thấy tôn kính Phật pháp, không cung kính lời dạy của Đức Phật. Họ không trân quý lời chỉ dẫn của Thiền sư, không quý trọng thí chủ. Họ không tôn trọng việc hành thiền, không cảm kích sự giúp đỡ của người khác. Họ không tôn trọng người phiên dịch.

Họ không thấy được lợi ích trong việc hành thiền, vì không thấy lợi ích nên họ không cung kính. Họ bắt đầu đếm lùi, xem còn bao nhiêu ngày nữa là kết thúc khóa thiền, muốn trở về nước. Dù thân của họ đang ở đây mà tâm không còn ở đây nữa.

  1. Tứ Niệm Xứ

Nếu TS có thể quan sát quan sát một cách cẩn thận, liên tục và cung kính thì thời gian sẽ trôi đi rất nhanh. TS lúc nào cũng bận rộn quan sát phồng-xẹp khi ngồi thiền, bận bịu quan sát dở-bước-đạp khi thiền đi, bận rộn quan sát khi ngồi xuống, đứng lên, co tay, duỗi tay, nhắm mắt, mở mắt. Họ luôn bận rộn với việc quan sát. Họ thấy được danh – sắc thay đổi liên tục, thấy được các hiện tượng, các đối tượng đến và đi rất nhanh. Đôi khi các đối tượng có thể ở lâu hơn một chút, nhưng tiếp tục quan sát rồi chúng cũng biến mất.

Khi quan sát như vậy, TS sẽ thấy thân và tâm thay đổi trong từng khoảnh khắc, các cảm giác, các hiện tượng nghe, thấy cũng thay đổi trong từng khoảnh khắc. Tức là họ thấy được bốn Xứ – bốn Nền Tảng Của Chánh Niệm.

Do chú tâm quan sát như vậy, họ có được nhiều lợi ích, họ cung kính việc hành thiền. Khi họ biết cách quan sát thì các đối tượng đến một cách tự động, không cần cố gắng, nỗ lực. Các đối tượng đến trong từng khoảnh khắc, tâm họ tự động bắt đối tượng mà không cần cố gắng nhiều. Mặc dù có rất nhiều đối tượng nhưng họ không bỏ lỡ, bỏ sót, họ có thể bắt được, thấy được rất nhiều đối tượng. Các đối tượng đến và đi không giống nhau.

Việc hành thiền trở nên dễ dàng hơn vì TS biết trân trọng, hiểu rõ, hiểu đúng cách hành thiền, tức là phải quan sát một cách cẩn thận, liên tục và cung kính. Khi thấy được lợi ích như vậy thì TS trở nên tôn kính lời dạy của Đức Phật, trân quý lời hướng dẫn của Thiền sư, quý trọng các thí chủ. Càng có sự cung kính, trân quý như vậy thì TS càng quan sát tốt hơn và càng tiến bộ hơn.

  1. Thất Giác Chi

Khi thấy được bốn Xứ, phát triển được chánh niệm trên bốn nền tảng thì chánh niệm của TS rất vững vàng. Khi các đối tượng xuất hiện thì tâm tự động bắt đối tượng, TS có Niệm Giác Chi – một trong bảy Yếu Tố Dẫn Đến Giác Ngộ.

Khi TS có chánh niệm, tâm quan sát, ghi nhận tự động chạy đến đối tượng và bắt được đối tượng, định của TS trở nên rất mạnh, khi đó TS có Định Giác Chi.

Khi tâm bắt được đối tượng như vậy, và định trên đối tượng như vậy, TS có thể thấy được sự thay đổi của danh – sắc, TS có được Trạch Pháp Giác Chi. Vào lúc đó, TS cảm thấy vui vẻ, phấn chấn, thân, tâm an lạc, thư thái như vậy, TS có Hỷ Giác Chi và Thư Thái Giác Chi. Khi đó Tinh Tấn Giác Chi phát sinh, tinh tấn của TS trở nên quân bình.

Trước đây, tinh tấn của TS lúc lên, lúc xuống, không được quân bình, lúc này sự tinh tấn được quân bình. TS không cần chú tâm nhắm đến đối tượng mà Tâm tự động bắt đối tượng một cách dễ dàng. Tâm của TS lúc này không trồi, sụt, lên, xuống nữa.

Trước đây, có thể có lo lắng, các cảm xúc này nọ, nhưng bây giờ tâm của TS trở nên bình thản, khi thấy đối tượng Tâm có thể nắm bắt đối tượng. Như vậy là bảy Yếu Tố Dẫn Đến Giác Ngộ xuất hiện một cách tự động.

Đó là lý do tại sao khi Ngài Ananda hỏi Đức Phật có một Pháp nào để phát triển chánh niệm trên bốn nền tảng, thấy được được bảy Yếu Tố Dẫn Đến Giác Ngộ và chứng ngộ Niết Bàn, Đức Phật trả lời, quan sát hơi thở ra vào để phát triển chánh niệm trên bốn nền tảng, có được Thất Giác Chi, và dẫn đến Niết Bàn; quan sát hơi thở ra vào một cách cẩn thận, liên tục. Đề mục chính khi đó là hơi thở ra vào, còn bây giờ là phồng-xẹp. TS quan sát phồng-xẹp một cách cẩn thận, liên tục và quan sát lặp đi lặp lại, nhờ đó chánh niệm và định tâm của TS ngày càng phát triển, ngày càng tăng, đến mức độ nào đó mà TS có thể quan sát được bốn Xứ, thấy bảy Yếu Tố Dẫn Đến Giác Ngộ.

Khi bảy yếu tố này xuất hiện là những dấu hiệu cho biết TS này có thể chứng ngộ Niết Bàn ngay trong kiếp sống này. Khi có được bảy yếu tố này, TS có thể giác ngộ bất kỳ lúc nào, có thể là khi đang ngồi thiền, khi đang thiền đi, khi đang ăn, khi co tay, duỗi tay, khi nằm xuống, hoặc khi đang nhắm mắt, mở mắt.

  1. Chứng ngộ Niết Bàn

Khi chứng ngộ Niết Bàn TS thấy không còn suy nghĩ, không thấy có thân, không thấy có tâm, không thấy có danh, không thấy có sắc, không có nghe, không có thấy. Đây là sự tận diệt của thân và tâm. Nếu TS biết cách phát triển định tâm và chánh niệm của mình, TS có thể thấy được bốn Xứ, có thể thấy bảy Yếu Tố Dẫn Đến Giác Ngộ và có thể giác ngộ bất kỳ lúc nào.

  1. Không thể tắt

Khi TS hiểu cách quan sát và quan sát một cách cẩn thận, liên tục và cung kính thì  TS sẽ tiến bộ. TS không cần phải lo lắng về việc quan sát, quan sát một cách cẩn thận, liên tục và cung kính nữa. Khi đó tâm tự động bắt đối tượng, và tự động quan sát đối tượng một cách cẩn thận, liên tục và cung kính. Đó là lý do tại sao khi chánh niệm, sức chú tâm quan sát trở nên mạnh, vững vàng, thậm chí khi TS có ý nghĩ không muốn có chánh niệm nhưng chánh niệm vẫn tự động đến.

TS có thể bật, tắt đèn, nhưng một khi chánh niệm đã phát triển, nếu muốn tắt ngọn đèn chánh niệm của mình đi thì TS cũng không thể tắt được. Thậm chí khi TS muốn nghĩ đến tình dục thì Tâm cũng không muốn nghĩ, không theo. TS muốn bực bội, muốn tức giận, muốn lo lắng, muốn ghét người nào đó, muốn cố làm cho mình đau khổ, cố gắng khóc thì lúc đó nước mắt cũng không cũng không thể chảy ra, sự bực bội, tức giận, sự lo lắng, sự đau khổ cũng không đến.

Đó là lý do tại sao Đức Phật nói trong Kinh Nissaraṇīga, khi TS nghĩ đến tình dục, nếu chánh niệm đủ mạnh, Tâm sẽ không theo. Khi TS nghĩ về sự tức giận, sân hận, sự bực mình hoặc tìm cách trả thù ai đó, Tâm cũng không theo. Khi TS muốn nghĩ về cái tôi, về bản ngã, thì TS cũng không thể nghĩ về cái tôi, cái ta được nữa.

Khi đó chánh niệm, sự chú tâm quan sát có mặt liên tục trong từng khoảnh khắc, các phiền não đã được loại trừ, không thể tới nữa. Dù TS cố ý mời ô nhiễm tới thì ô nhiễm cũng không thể tới. TS đã từng sân giận, bực tức, đã từng có tham dục, và nhiều ô nhiễm khác, nhưng từ khi TS tạm biệt ô nhiễm, ô nhiễm sẽ không quay trở lại.

  1. Người gác cửa

Đó là lý do tại sao chánh niệm (Sati) được ví như người gác cửa, người bảo vệ. Khi người gác cửa canh gác thì kẻ lạ mặt không thể vào. Tương tự như vậy, chánh niệm canh gác các giác quan: mắt, tai mũi, lưỡi, thân và ý. Khi có chánh niệm thì tự nhiên các căn sẽ không làm những gì không cần thiết. Nếu không cần thiết nói thì tự động tâm không nói, TS không cần cố gắng ép buộc. Nếu không cần thiết nhìn và nhìn không có lợi ích gì, thì tự động tâm không nhìn, không cần phải ép nó không nhìn. TS chú tâm quan sát đề mục một cách tự động, quan sát một cách cẩn thận, quan sát liên tục và quan sát với một thái độ cung kính trong từng khoảnh khắc.

Dù là ở TV hay ở nhà, khi lái xe, nấu ăn, khi ăn, khi nói chuyện thì TS không cần ép buộc Tâm canh gác và quan sát liên tục như trước nữa. Khi có chánh niệm mạnh như vậy, thì dù TS muốn tâm suy nghĩ việc này việc nọ, nó cũng không suy nghĩ. Tâm sẽ tự động ngưng không theo các đối tượng phiền não.

Nhưng trước khi TS đạt được mức độ như vậy, tức là chánh niệm và sự quan sát chưa đủ mạnh, chưa tiến bộ, thì TS phải ép không cho Tâm suy nghĩ, phải ép buộc tâm không nói chuyện, không nhìn đây, nhìn đó. TS phải ép buộc không cho tâm phân tích, thắc mắc.

Khi định, niệm của TS mạnh và vững vàng rồi thì TS có muốn ép tâm phân tích, phàn nàn, đặt câu hỏi, bắt tâm suy nghĩ đến tham, sân, si tâm cũng không phân tích, không phàn nàn hay theo phiền não.

Thiền sư hy vọng TS có thể hiểu được lời giảng giải của Thiền sư. Trước khi chánh niệm và định tâm thực sự phát triển, TS phải ép không cho tâm mình suy nghĩ, không phân tích, không thắc mắc, không cho phóng chạy, vọng động, không lo lắng, không khổ, TS phải ép buộc tâm như vậy. TS phải cố gắng quan sát một cách cẩn thận, quan sát liên tục và cung kính, cố gắng không nhìn đó đây, không nói chuyện.

Một khi TS tiến bộ, nếu TS ép tâm nghĩ về các đối tượng ô nhiễm, Tâm sẽ không theo. Chắc chắn đây là sự tiến bộ trong việc hành thiền của TS.

Thiền sư kết thúc bài giảng ở đây./.

Bấm vào đây để xem toàn bộ bài giảng năm 2019 tại Thiền Viện Kyunpin, Myanmar.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app