Kinh Tăng Chi số 044

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Cần Phải Thân Cạn

Tất cả chúng sanh trong vô lượng vũ trụ thì chỉ gom gọn ở trong hai cái giới thôi, đó là khổ và lạc, có nghĩa là sung sướng và đau khổ, vui và buồn; và vui và buồn từ đâu nó ra? nó từ thiện và ác, cái ác thì nó tạo ra khổ ưu, tức là khổ thân và khổ tâm gọi là khổ ưu, còn cái thiện nó tạo ra hỷ lạc, thì hỷ lạc là cái thân lạc tâm an-sướng cái thân mà vui cái tâm thì gọi là hỷ lạc.

Thì toàn bộ vũ trụ, tất cả chúng sanh và vô lượng vũ trụ chỉ có bốn thứ thôi, đó là thiện ác buồn vui, chính cái thiện nó tạo ra cái sự hỷ lạc cho thân tâm, còn cái ác thì nó tạo ra cái khổ ưu cho thân tâm, mà vì đâu mà chúng ta có cái thiện ác? 

Thì dĩ nhiên thiện ác là do chính bản thân mình huân tập, tích chứa mỗi phút, mỗi giây, nhưng mà đâu phải một mình mình nó làm nên chuyện đâu, chúng ta phải cần đến vô số cái điều kiện, những nhân duyên, bởi vì cái thế giới này là thế giới của nhân duyên, thế giới của điều kiện, mọi thứ do duyên mà có mà! 

Cho nên cái thiện ác đầu tiên là do chính mình trước cái đã, khuynh hướng tâm lý, nhưng mà bên cạnh nó còn có chuyện là chúng ta sống ở đâu và người nào chúng ta thường gặp nữa, mình thường gặp ai, rồi mình đang sống ở đâu, mình đang sống trong cảnh giới nào, thí dụ mình đang sống ở dưới địa ngục thì coi như thua rồi, mình đang sống trong cảnh giới súc sanh, mình đang sống trong cảnh giới của A-tu-la, của ngạ quỷ thì coi như thua rồi! Mình phải sống ở trong cái cảnh giới nào mà mình có thể có hy vọng gặp gỡ, tiếp cận, học hỏi, lắng nghe từ những bậc minh sư thiện hữu, như vậy thì cái chuyện thân cận nó rất là quan trọng, bởi vì từ cái sự tác động của người khác thì chúng ta ít nhiều có những biến chuyển tích cực hoặc tiêu cực, mình không phủ nhận được chuyện đó. Đừng có nói chuyện trên mây là tôi là cái này, tôi cái kia, không có cái tôi nào hết, chỉ có Thánh nhân thôi là tự họ khi mà đã có cái Thánh Trí rồi thì tự họ không cần ai thì họ cũng có thể đi thẳng đường, còn cái phàm phu như mình là cái chuyện mà tiếp xúc nó quan trọng ghê gớm lắm. 

Tôi nhắc lại, đánh một vòng để cho các vị thấy cái chuyện tiếp xúc nó là quan trọng, bởi vì toàn bộ vũ trụ nó chỉ có thiện ác, buồn vui, mà cái thiện ác của mình nó do hai cái nguồn:
1. một là bản thân mình, 
2. hai là sự tác động từ người khác. 

Mà cái vấn đề này nó sâu lắm, bởi vì cái nền tảng của ta ra sao thì khi mà ta sống trong cái nơi chốn đó nó ảnh hưởng đến mình như thế nào, rồi cái nền tảng, cái nhân cách của mình nó ra sao, cái bản chất của mình, bẩm sinh của mình, khuynh hướng của mình ra sao, thì khi mình tiếp xúc với người nào đó, mình có cái khả năng tiếp nhận ra sao, mình bị ảnh hưởng như thế nào. 

Cũng là hai người sống chung với bậc Thánh, nhưng mà chắc chắn các vị phải đồng ý với tôi một điều là cái sự mà ảnh hưởng từ bậc Thánh đó ở hai cái người phàm nó khác nhau chứ! Thí dụ như mình thấy Ngài Xá-lợi-phất trước khi mà chứng Thánh, gặp Ngài Assaji là Ngài thấy thích liền, mến liền, quý kính liền, có ý tưởng lắng nghe liền, mà trong khi đó có biết bao nhiêu người không có ưa Ngài Xá-lợi-phất, không có thương quý Đức Phật, cái chuyện đó rất là bình thường. 

Cho nên là thế giới này chỉ có thiện ác buồn vui, và thiện ác đó nó đi ra từ nhiều nguồn mà mình gom lại còn có hai thôi đó là cái bản chất của mình nó ra sao và cái nguồn tác động từ bên ngoài nó ra sao, cái nguồn tác động ấy nó gồm có cái chỗ mình ở và cái người mình gặp. Chính vì vậy tôi nói tới nói lui để bà con thấy cái chuyện mà mình tiếp xúc gặp gỡ nó có một ý nghĩa, nó có một cái vai trò rất rất lớn trong cái đời sống của chúng ta. 

Ngày xửa ngày xưa, trước khi có cái sự tiến bộ khoa học như hôm nay, thì cái sự thân cận nó chỉ quẩn quanh trong những đối tượng mà mình thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, tiếp xúc bằng mắt, bằng tai trực tiếp, còn thời nay thì cái chuyện mà mình tiếp xúc với ai đó nó đa dạng hơn, nó nhiều cách hơn, có thể cách nhau nửa vòng trái đất mà chúng ta vẫn có thể tiếp xúc với nhau mỗi ngày, có đúng vậy không? Cho nên cái chuyện gần gũi ai bây giờ mình phải hiểu rộng lắm, gần gủi đây không hẳn là về cái khoảng cách địa dư, khoảng cách vật lý, mà còn là khoảng cách kỹ thuật, chỉ cần mình hai bên có cái phương tiện để liên lạc nhau, thì chúng ta đã rất là gần gủi nhau. 

Và nhiều lần và rất nhiều lần chúng tôi đã nói rồi: lòng ta nghĩ tưởng về nhau cách nhau ngàn dặm vẫn là ở cạnh nhau, lòng ta không có nhau, không nghĩ tưởng về nhau, thì tay trong tay vẫn là ngàn trùng xa cách. Trong lòng ta có nhau, thì ngàn trùng viễn xứ nó không phải là một khoảng cách quan trọng, mà ta đã không có nhau rồi đó, thì tay trong tay cũng là ngàn trùng viễn xứ, cái này không phải tôi nói, cái này là Kinh nói, Đức Phật dạy:

– Này các Tỷ-kheo, một người không hiểu lời Ta, không hành trì lời Ta thì cho dù có nắm cái chéo Y của Ta thì cũng cách xa Ta nghìn dặm; một người sống xa Ta nghìn dặm nhưng nếu hiểu Ta và làm đúng lời Ta thì người ấy giống như đang ngồi cạnh Ta.
Cái này Kinh nói, mà tôi không biết trong room này có ai mà đọc cái bài Kinh này chưa, đúng là có bài Kinh đó: Dầu cho cách xa Ta một trăm do tuần, một ngàn do tuần mà hiểu Ta, làm đúng lời Ta thì coi như họ đang ở cạnh Ta, còn mà có nắm chéo Y – trong Chú Giải, trong Kinh Chánh Tạng nói nguyên văn là có nắm cái chéo y, chữ Pali kêu là cīvarakaṇṇa là cái chéo y, cái góc y, nắm cái y của Ngài mà không hiểu Ngài, không hành theo lời Ngài, thì coi như đã cách xa Ngài nghìn dặm rồi! 
Cho nên cái chuyện thân cận ở đây mình phải hiểu sâu, hiểu rộng, hiểu cho tới bến này cho nó triệt để như vậy. Hôm nay Phật đã không còn nữa, xét về địa dư thì Ngài đời xưa Ngài ở Ấn Độ cách mình về khoảng cách địa dư là vạn dặm, còn xét về thời gian thì cách mình mấy nghìn năm, nhưng mà trong lòng mình có Ngài thì Ngài vẫn còn đó, đây chính là lý do ra đời cái ý niệm Pháp thân, có nghĩa là những cái ý tưởng những gì Phật đã chứng đắc, đã nhìn thấy và giảng dạy, đã sống trọn vẹn trong đó, thì những cái đó còn hoài không mất nếu mà trong đời này còn có người nghĩ tưởng đến. 

Thí dụ như Phật Nhiên Đăng đã ra đời, đã độ sinh, đã viên tịch cách đây 4 a-tăng-kỳ 100 ngàn đại kiếp, Phật Tỳ-bà-thi 91 đại kiếp, Phật Ca-diếp đã ra đời, đã độ sinh, đã viên tịch trước Phật Thích Ca đã lâu lắm rồi, từ lúc Phật Ca-diếp níp-bàn cho đến khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời thì cái mặt đất này nó đã dày thêm là 10 cây số, nó lớn hơn, nó dầy thêm 10 cây số, nghĩa là nó lâu dữ lắm, mhững gì mà các vị đó đắc chứng, giảng dạy thì vẫn còn nguyên vẹn, không mất, không mẻ một gram nào hết, bằng chứng đó là ở trong Trường Bộ Kinh bài Kinh Tự Hoan Hỷ: những gì mà chư Phật ba đời mười phương, vị lai mình không có nói, bây giờ mình nói chư Phật quá khứ, đắc chứng rồi giảng dạy thì những cái điều đó khi các Ngài đã ra đi thì tạm thời thì không còn ai biết tới, nhưng chỉ cần có người biết tới, nhắc nhỡ tới thì những điều ấy nó vẫn còn nguyên, ta gọi đó là Pháp thân, còn cái tấm thân mà 32 hảo tướng của Ngài gọi là Báo thân thì nó cũng bị già, bị bệnh, bị chết, bị héo úa tàn phai, bị băng hoại phân hủy, nhưng mà riêng cái Pháp thân thì cái giá trị tâm linh, giá trị tinh thần của các Ngài thì đời đời còn đó, chỉ cần có người nhắc tới thôi. Kinh Tự Hoan Hỷ của Trường Bộ trong đó có nói cái đó, Ngài Xá-lợi-phất có một bữa đó Ngài suy nghĩ thế này: 
– Chắc chắn là không có ai mà hơn được Thế Tôn, với cái trí tuệ như Thế Tôn, đạo hạnh như Thế Tôn, cái nhân cách vĩ đại như Thế Tôn, chắc chắn là không có ai hơn được Thế Tôn.
Ngài nghĩ như vậy, Ngài mới vào thưa với Đức Phật, Ngài nói rằng:
– Con vừa có cái suy nghĩ như vậy.
Thì Đức Phật Ngài hỏi rằng:
– Xá-lợi-phất biết gì về chư Phật quá khứ, chư Phật vị lai mà Xá-lợi-phất có suy nghĩ như vậy?
Thì Ngài Xá-lợi-phất mới nói:
– Dạ cái trình độ của con là con không thể nào biết rõ về chư Phật, dầu là ba đời mười phương con không đủ sức, nhưng có cái này thì con biết: là tất cả chư Phật đều phải đi qua cái con đường Bát Chánh Đạo, đều phải đi qua cái con đường Tam Học, đều phải đi qua cái con đường 37 Phẩm Bồ-đề để trở thành Phật; và tất cả chư Phật cũng đều giảng dạy chừng ấy để mà độ sinh, để giúp cho chúng sinh được chấm dứt phiền não, giải thoát luân hồi như nhau. Cái đó là cái mà con biết, và con nghĩ rằng nếu mà dựa theo đó mà nói thì con nghĩ rằng không có ai hơn được Thế Tôn, chư Phật ba đời mười phương chỉ bằng chứ không có hơn.

Nhớ ở chỗ này trong Kinh Tự Hoan Hỷ, mình phải tập như thế này, mình coi cái Kinh này là phải nhớ được cái Kinh kia, để mình vô mình đối chiếu, cho nó mạnh, cho nó rõ, cho nó sáng lên.

Trở lại Kinh mình đang học, có nghĩa là trên đời này Đức Phật Ngài dạy rằng cái chuyện mà thân cận nó có một vai trò rất rất lớn trong cái đời sống của chúng ta. Trong khi chúng ta có hai nguồn thiện ác, một là nó đến từ cái bản thân của chúng ta, chúng ta sống ở đâu, chúng ta thường gặp ai, chúng ta thường nghĩ gì, chính cái cách suy tư của chúng ta, chúng ta thường suy tư về cái gì và suy tư kiểu nào, thì đó là phần của chúng ta, nhưng mà cái phần tác động từ người khác là sao? Là chúng ta sống ở đâu, chúng ta thường gặp ai? 

Thì ở đây Đức Phật Ngài dạy rằng có ba cái hạng người trên đời này:
1. cái hạng thứ nhất là mình tuyệt đối phải tránh xa,
2. còn cái hạng thứ hai là mình phải nên xem như bạn,
3. và hạng thứ ba là mình phải nên kính như Thầy.

Hạng thứ nhất là hạng phải tránh xa là sao? Là thiện pháp của họ không có hoặc là kém sút một cách nguy hiểm, là sao? Có nghĩa là cái ác pháp của họ nó quá nhiều, khi mình ở gần họ mình có khả năng bị cảm nhiễm, bị lây lan. Cảm nhiễm lây lan bằng cách nào? Có 3 trường hợp cảm nhiễm lây lan:
1. giai đoạn một ta thấy nó kỳ kỳ hoặc là ta bực mình vì nó,
2. giai đoạn hai ta thấy nó bình thường,
3. và giai đoạn ba ta thấy nó hay hay.

Đó là 3 steps-3 bước: bước một thấy nó kỳ kỳ, bước hai là thấy nó bình thường và cái bước ba là thấy nó hay hay; tới cái bước ba này là tiêu tùng rồi, đó là 3 cái bước cảm nhiễm và lây lan. 

Và có hai hình thức chúng ta biến đổi khi mà chúng ta sống gần một người nào đó:
1. một là ta giống họ,
2. hai là ta trở thành một con người khác để đối kháng với họ.

Thì như vậy rõ ràng cái chuyện mà mình tiếp xúc với ai đó là chắc chắn chúng ta không có còn như cũ nữa: một là mình giống họ ít hoặc nhiều thôi, nhưng đại khái mình nói gọn là giống đi, còn hai nữa là mình trở thành một con người khác để đối kháng với họ. Thí dụ như hồi đó mình không có kẹo, mình không có bủn xỉn, nhưng mà mình ở gần cái người mà họ bủn xỉn thì mình bực lắm, nhưng mà nói bực vậy thôi chứ còn mà không khéo mình sẽ bị đi ba cái bước hồi nảy tôi nói: một là mình bắt đầu thấy nó kỳ quá đi, rồi sau đó mình sống lâu ngày mình thấy nó bình thường và cuối cùng là mình thấy nó hay hay, mình thấy cái kẹo đó nó hay là chết tươi rồi! 

Còn trường hợp thứ hai của hai hình thức biến đổi là sao? Thứ nhất là mình ở gần họ lâu ngày mình cũng kẹo giống như họ, khi mình thấy nó hay hay rồi là mình bèn kẹo giống họ, còn không nữa là (trường hợp thứ hai) mình tự nhiên mình trở nên một con người khác. Hồi đó giờ mình không để ý cho nên là hễ mà gặp chuyện cần xài thì mình xài, nhưng bây giờ thì khác, cứ mỗi lần mà gặp chuyện cần xài mình chực nhớ tới cái kẹo của người này, rồi mình bực mình, mình sân si, như vậy là mình tự nhiên mình trở thành một con người khác. Hồi trước đó mình ở chung nhà mình thấy giấy toilet hết mình đi mua, thấy nước chai hết mình đi mua, thấy nước bình hết mình đi mua, thấy mắm muối gạo đường hết mình đi mua, còn bây giờ mỗi lần mình mua cái mình cứ bực, mình suy nghĩ: Tại sao phải mua, ở chung nó không mua, tại sao mình mua, mà nếu không mua lấy gì xài? cuối cùng mình cũng đi mua, nhưng mà mua ở trong cái sự bực mình. Rồi lâu ngày mình mua mà mình tính toán, mua rồi về đưa hóa đơn cho nó cưa hai, các vị coi nó kỳ không, mà ngày xưa con người mình nó không có như vậy, ngày xưa mình rất là rộng, mình không bao giờ nghĩ tới hóa đơn, nhất là mình ở gần mấy người mà dễ thương, họ rộng mà họ lại dễ thương nữa, cho nên một trong hai cái đó là đủ để cho mình không thèm nhớ tới hóa đơn, một là họ rộng, có nghĩa là có lúc mình bỏ có lúc họ bỏ ra, có lúc họ bỏ ra có lúc mình bỏ ra, họ rộng lắm, cho nên chỉ một lý do đó thôi mình đã không nhớ tới hóa đơn, trường hợp hai là họ không bỏ ra mà họ quá dễ thương đi, họ rộng rãi, họ dễ thương lắm, họ không có tiền, họ nghèo hơn mình nhưng mà họ quá dễ thương. Còn đằng này, là cái người này là họ buộc mình là trở thành một con người khác, có nghĩa là cứ bước ra đường đổ xăng là phải nhớ tới cái receipt hóa đơn, đi chợ là phải nhớ tới hoá đơn, đi về nấu nướng cái gì cũng phải nghĩ đến cái hóa đơn, bực quá mà! Như vậy thì khi mà tiếp xúc với người khác chúng ta tối thiểu chúng ta sẽ bị biến đổi theo hai cách, một là giống họ, còn hai là mình trở thành một con người đối kháng. 

Cho nên ở đây Đức Phật Ngài dạy có ba hạng người mà mình phải lưu ý, một là hạng người mình phải tránh xa, là bởi vì sao? Là vì mình ở gần họ nó quá nhiều vấn đề đi, bởi vì cái gì họ cũng tệ hết trơn. 

Còn cái hạng thứ hai mình nên xem họ là bạn, là bởi vì cái thiện pháp của họ nó giống mình, nó cỡ cỡ tầm tầm như mình, ở gần nhau có thể hỗ trợ nhau, có thể dìu bước nhau, đây chính là cái lý do mà ở trong Kinh, trong tiếng Pali kêu cái chữ bạn nó nhiều từ lắm, là mitta, là sahāya, là sampavanka, là sao? Mitta là cái người sống có cái từ tâm đối với mình, còn sahāya là cái người cùng tiến thoái với mình, sampavanka là cái người mà cùng chia sẻ với mình, gọi là bạn thì phải bạn như vậy đó! Cho nên họ cũng là cái người có cái thiện pháp, có cái hàm dưỡng, có cái chất lượng tầm tầm như mình vậy, thì mình có thể hỗ trợ nhau, dìu tay nhau, có thể nâng bước nhau, có thể dựa lưng nhau, có thể kề vai nhau, coi như các bộ phận cơ thể có thể tỳ vào nhau: dựa vai, tựa lưng, nắm tay và theo bước chân nhau.

Còn cái hạng thứ ba, là ngon lành nhất, là cái hạng mình nên xem là Thầy, bởi vì cái gì họ cũng hơn mình hết, những cái thiện pháp, những cái đức tánh, những cái gì tốt đẹp hay ho đều hơn mình hết, thì nên bái Sư.

Sẵn ở đây mở ngoặc nói thêm một chuyện mà tôi cho là rất quan trọng, có những người mình bái sư là vì họ có nhiều cái để mình nhìn, mình bắt chước, còn có nhiều người thì bắt chước họ là chỉ có chết, nhưng mà họ có nhiều cái để mình nghe, thôi thì banh cái lổ tai mà nhắm con mắt, rồi có những người thì họ không biết nói hoặc là họ không có gì để nói, nhưng mà họ tu ok, thì lúc bấy giờ mình tạm thời mình khép lổ tai lại mà mình banh con mắt của mình ra để mình nhìn họ, trên đời này có cái loại người đó không? Riêng tôi tôi thấy có, tôi nói không có đâu xa, trong đám cư sĩ mà tôi quen biết có rất là nhiều người nam có nữ có, họ không có gì để tôi nghe hết, nói ra nó hơi dễ ghét, dễ bị ném đá, tôi cũng nói luôn là cho họ làm học trò của tôi tôi cũng không thèm nữa, họ dốt đặc hà, họ không có học Giáo lý mà họ còn làm biếng, mà nhớ dỡ, mà hiểu chậm, tuy nhiên cái đời sống của họ thì chao ôi nó cực kỳ dễ thương, hành thiền sáng nào cũng vậy, cũng phải ngồi nửa tiếng, 15 phút, người hào sảng rộng rãi, ăn nói dễ thương chừng mực, lễ phép, biết chuyện lắm, biết người biết ta lắm, họ không có gì để tôi nghe hết trên nhưng mà họ có tới 1 tỷ cái để tôi nhìn, rồi ngược lại trên đời này có nhiều cái người nếu mình nhìn họ thì ôi thôi rồi nồi sôi, là vì sao? Vì Tây nó có một câu thế này: Anh hùng hoặc là người tài giống như bức tranh vậy đó, mình sáp vô mà gần quá coi chừng thấy nó xấu hoắc hà, ai có đi viện bảo tàng Louvre của Pháp, các vị thấy cái bức Mona Lisa của ông Léonard de Vinci, nhìn xa xa, nghe đọc báo, có xem phim thì thấy ok chứ lại gần nó nhỏ xíu xìu xiu hà quý vị, mà nó có cái gì để nhìn đâu, xấu hoắc hà, nói xấu hoắc thì mình nói ác, nhưng mà thiệt rằng đúng là nó xấu hoắc, xấu hoắc ở đây là so với cái tiếng tăm mà nó có được, nó chẳng có đáng để mình nhìn đâu quý vị, nhưng mà tại vì cái giá trị của nó một là vì nó lâu đời, là tác phẩm của một danh họa và có nhiều huyền thoại lẩn khuất đằng sau cái tác phẩm ấy, nó bèn nổi tiếng và nó bèn trở thành ra là niềm khát khao mộng mị của nhiều người, chỉ thế thôi. 

Cho nên có nhiều kẻ trên đời này họ chỉ đáng để cho mình nhìn chứ họ không có gì để cho mình nghe, rồi có nhiều người họ có cái cho mình nghe, nhưng mà nhớ đừng có nhìn họ, nên mũ ni che tai, mắt nhắm, mắt mở thì mình mới có thể chơi với nhau lâu bền được       

Nội dung bài Kinh này là có ba hạng người: hạng một nên tránh xa, hạng hai nên xem là bạn, hạng ba nên xem là Thầy. 

Nhưng mà cái sâu của bài Kinh này là gì? Anh là ai, anh có cái tư lương, anh có cái hành trang, anh có cái bản chất, anh có cái nền tảng như thế nào để mà khi anh gặp người ác anh được miễn nhiễm, mà khi anh gặp người thiện anh có khả năng tiếp nhận. Cái sâu của bài Kinh này nó nằm ở chỗ đó, tôi ôn lại cho nhớ, anh phải tự anh trang bị cho anh như thế nào để mà anh gặp người ác anh được an toàn, và anh gặp người thiện anh có khả năng gọi là thấm thía, tiếp cận được họ, có được cái hay của họ, rút tỉa và khai thác được họ, mình phải biến mình thành con người như vậy. Chứ bài Kinh này mà đọc phớt qua thì có cái gì đâu, nhưng mà ngồi ngẫm bài Kinh này nó sâu như biển!

Đáng Ghê Tởm

Có ba hạng người khác nữa, cái hạng thứ nhất là không nên gần gủi, còn hạng thứ hai là chỉ nhìn họ một cách thản nhiên, nhưng mà không có cần phải sống chung, còn hạng thứ ba là phải sống chung.

Trước khi tôi giảng, tôi xin tặng cho các vị một món quà sáng sớm, theo cái hướng dẫn của cụ Nguyễn Du đó là: Trăm năm trong cõi người ta, cái gì không biết thì tra google, các vị vào trong Google đánh cái chữ Nhân chế định, còn không thì đánh dùm chữ Pāli Puggala-paññatti hai chữ này hoặc là nhân chế định, đánh tiếng gì cũng được. Đây là cái bộ A-tỳ-đàm thứ tư, người nào có ý mà mê Tạng Kinh thì đây là cái bộ rất là độc đáo, bởi vì tuy mang tiếng là A-tỳ-đàm nhưng mà cái ruột thì coi như là Tạng Kinh thuần túy luôn, đọc đã lắm. 

Tôi còn mách thêm cái nữa, là phần cuối của Bộ Milindapañha tức là phần cuối của Mi-tiên vấn đáp, học về các hạng người trên đời, thí dụ như là người tu thì nên bắt chước con cọp ở những cái chi tiết sinh hoạt ra sao, người tu nên bắt chước con rùa ở những cái chi tiết sinh hoạt ra sao, người tu nên bắt chước con ong, con bướm, con rắn, con chuột, con trâu, con heo. 

Tôi nhắc cho các vị nghe thêm những cái địa chỉ mà các vị cần học, đúng ra có một cái nữa hay kinh khủng luôn, nhưng mà chắc ở trong room này nó chưa tới đâu, cái đuôi-phần cuối của Thanh Tịnh Đạo-phần Tuệ mà cái đoạn cuối nó hay kinh khủng luôn, nhưng mà cái đó thì thôi nó không mắc mớ gì cái phần đang giảng cho nên tôi không có nói nhiều, mà tại sao tôi nhắc? là bởi vì tôi muốn lưu ý một chuyện đó là cái phần đuôi của các bộ Kinh thường là có lắm điều mà quan trọng lẩn khuất, bàng bạc, phản phất, váng vất ở trong đó, lạ lùng như vậy! Giống như người ta nói là ăn tiệc thì đi trước mà lội nước thì đi sau, nhưng mà đặc biệt là coi Kinh là cái phần cuối nó xuất sắc lắm, không biết sao kỳ vậy.

Tôi quay lại tôi giảng bài Kinh này đó là có ba cái hạng người mà mình phải lưu ý trong đời này:
1. hạng thứ nhất bất thiện tư bề nên mình phải tránh xa, bởi vì họ cực kỳ bất thiện, ở gần họ một là mình mang tiếng lây, còn hai nữa là mình bị cảm nhiễm, mình lây lan, mình giống họ là chết, đó là hạng thứ nhất vì cái bất thiện-họ là người bất thiện, tham nhiều, sân nhiều, si nhiều, ganh tị, bỏn xẻn, tà kiến, ác giới, thất niệm, phóng dật, phóng dật là không có định, thất niệm là không có niệm, thiểu trí là không có tuệ, phá giới là không có tàm quý, không có niềm tin, thì cái hạng này thiếu tùm lum, bậy bạ tùm lum tứ bề vây phủ, thì cái hạng này là hạng mình phải tránh xa, không thân cận, không phục vụ gì hết.
2. hạng thứ hai là thường trực sân hận, ở gần họ mình dễ dàng bị trúng miểng, họ là người không có khả năng tiếp nhận cái hay của người khác, và cũng không có cái gì ngọt ngào để trao ra cho người khác. Dầu họ không đến nỗi tệ như hạng một, nhưng mà họ là người như vậy, họ luôn luôn có khả năng làm bực phiền người khác, thì cái hạng này mình nên tránh xa, không nên gần gũi, nhưng mà bình thản thôi bởi vì họ là người không dễ thương, chớ họ không phải là người đáng gớm. Hạng một là bất thiện, hạng hai là sân si, phẫn nộ, ở gần dễ bị trúng miểng,
3. chỉ có hạng thứ ba thiện pháp đủ đầy, vuông tròn sung mãn, phong phú dầy đặc, mình ở gần họ thì mình dễ dàng được ân triêm lợi lạc, có nghĩa là mình không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc.

Ba cái hạng này cũng rất là đáng để mình lưu tâm [00:34:10] [00:34:45] hạng thứ nhất là phải lánh xa bởi vì ở gần họ chỉ có hại thôi, hạng thứ hai ở gần chỉ có bực mình thôi vậy thì cũng không nên ở gần và hạng thứ ba là ở gần được lợi lạc.

Nhưng mà tôi vẫn nhắc lại một cái vấn đề mà tôi cho rất là quan trọng, đó là chúng ta thường xuyên tâm niệm rằng: tôi phải có khả năng miễn nhiễm trước người xấu, tôi phải có khả năng gọi là khai thác và đón nhận những cái hay ho từ người lành. Phải liên tục ghi nhận như vậy, chứ còn mà mình quên cái câu bùa này không được, tức là phải luôn luôn tâm niệm, chẳng những đời này mà đời sau kiếp khác: Tôi xin luôn luôn là cái người mà miiễn nhiễm trước người ác và luôn luôn có khả năng khai thác, đào xới, học hỏi và tiếp nhận từ người lành. 
Sở dĩ tôi nhấn mạnh cái này là bởi vì sao? là vì mình học Kinh mà học phớt phớt qua mình nghe nói là xa người ác, gần người lành, nhưng mà mình quên một chuyện là mình phải ra làm sao mình mới tránh người ác được, bởi vì miệng nói vậy nhưng mà cái bản chất của mình là bản chất của người ác thì mình tránh họ nhưng mà tâm tư mình là một phe với họ. 

Tôi nói huỵch toẹt luôn về chính trị mình chống học thuyết này, mình chống chính phủ kia, mà trong khi đó mình y chang như họ, mình chống độc tài, mình ghét Hitler, ghét Mussolini, mình ghét Pol Pot, ghét Mao Trạch Đông mà trong khi đó là trong tâm tưởng của mình mình y chang như họ, mình chửi tư sản, chửi tư bản mà trong khi mình là tổ sư hưởng thụ, tổ sư tích lũy. 

Cho nên cẩn thận cái đó, nói lánh người ác là mình phải làm sao mình mới lánh, lánh từ hình thức tới nội dung, lánh từ cái đời sống cho đến tâm tưởng, thảy đều xa lánh, phải nhớ cái đó-cái đó quan trọng lắm. Còn đối với người lành cũng vậy, chúng ta phải có cái khả năng ở gần họ, ở gần trong hai hình thức, một ở gần về thể lý có nghĩa là sống gần trong khoảng cách không gian, nhưng mà thứ hai là phải có khả năng gần họ về tâm tưởng, có nghĩa là họ cách chúng ta rất xa xôi về thời gian, về không gian, Trang Tử, Lão Tử, Thế Tôn, Hiền Thánh ba đời họ ở xa mình lắm về cả không gian lẫn thời gian, nhưng mà mình vẫn có chỗ để mà mình đồng cảm và chia sẻ, học hỏi và khai thác, tận dụng được cái hay của họ, thì coi như những khoảng cách kia lúc bấy giờ nó không còn là vấn đề nữa! Mấy cái này phải nhớ, chứ còn anh nói anh lìa người ác mà bản thân anh là ác nguyên một núi thì anh lìa ai?

Sẵn ở đây cũng nói luôn, là lớp Kinh Tạng này mình được nhiều cái lợi lắm, thứ nhất là mình tự mình đưa mình vào một cái hoàn cảnh phải để mắt tới Kinh điển, hồi trước giờ đưa mình một núi Kinh có bao giờ mình đọc đâu, nhưng bây giờ có người nói sẵn, kệ nó mình vừa làm bếp mình vừa nghe vậy đó, vừa quét nhà, vừa chăm con, vừa nấu ăn, vừa dọn dẹp mà vừa nghe lai rai coi như là một cái kiểu mà nghe thụ động gọi là second hand listening, cũng được, giống như hút thuốc mà hút thuốc thụ động rồi nó cũng có cái effet cũng tương đương độc hại như là hút thuốc trực tiếp vậy, quý vị biết cái đó không? Tôi đem chuyện giảng Kinh mà so với hút thuốc nó kỳ, nhưng bây giờ nhớ bao nhiêu nói bao nhiêu, bởi vì là mình xài cái chữ second hand. Cho nên cái thứ nhất là cái lớp này nó giúp cho quý vị cái đó, thứ hai là nhờ cái lớp này nè thì tuy tôi đâu phải là thầy bà gì và các vị cũng đâu phải là học trò đệ tử gì, mình đâu có phải lớp lang gì đâu, nhưng mà ít ra 3 năm nữa, 5 năm nữa ít ra các vị cũng có thể tự nhủ lòng mình: Tôi cũng đã học xong lớp Kinh Tạng! cũng vui chứ quý vị, trong đời cư sĩ tự nhiên mình nghĩ tới mình cũng vui chứ: Tôi đã nghe xong Trung Bộ, Trường Bộ, Tăng Chi và Tương Ưng! cũng vui chứ, đáng lắm chứ, rất là đáng! Chứ còn mà đi theo mấy chục năm rồi không biết cái gì cũng uổng!   

Nói Như Hoa

Hồi nãy Ngài nói đến 3 cái hạng người nên gần, nên tránh, bây giờ Ngài nói qua vấn đề ngôn ngữ, Tây có một câu: Văn tức là người. Người ta nói: Ngôn ư trung xuất hình ư ngoại, tức là người sao thì cái ngôn từ nó vậy, thì dĩ nhiên câu này nó cũng chỉ đúng có một phần thôi, bởi có nhiều người thì tôi nói hoài: Ở ngoài áo lam mà ở trong là dao lam, nó cũng đều là lam lam hết đó, cho nên cũng có trường hợp đó là bề ngoài thì thơn thớt nó cười, mà bề trong nham hiểm giết người không dao, hoặc là khẩu Phật tâm xà, miệng thì hoa nở mà ở trong thì coi như độc dược cũng có. 

Nhưng mà ở đây tôi đang nói tới một cái trường hợp thông thường mà mình có thể hình dung suy diễn, đó là trong tâm tư mình thế nào thì nó mới ra cái ngôn ngữ đó. Ở đây Đức Phật Ngài dạy là tu thân cũng là tu tâm, mà tu khẩu cũng là tu tâm, có điều tu thân là tu tâm mà qua những cái hoạt động, còn tu khẩu tức là cũng tu tâm nhưng mà qua ngôn từ, qua môi miệng. 

Tu cái gì cũng là tu tâm hết, chớ đừng có mà chia ra như vậy, đừng có tưởng là tu thân không có phải là tu tâm, không phải, tất cả thân tâm khẩu đều là tâm hết, nhưng mà tu thân tức là tu tâm mà qua tay chân, qua thân thể, còn tu khẩu có nghĩa là cũng tu tâm mà qua môi miệng, qua miệng lưỡi, qua ngôn từ, qua ngôn ngữ, nhớ như vậy. 

Thì Ngài nói trên đời này có 3 cái kiểu nói năng của chúng sinh trong vô lượng vũ trụ, chứ không phải riêng cái pháp hội, trong cái đạo tràng này, cũng không riêng gì một nhóm người nào, mà trong vô lượng vũ trụ, trong tất cả chúng sinh, gom lại thì có ba cái kiểu ngôn ngữ:
1. kiểu một là Gūthabhāṇī, gūtha là phân người, bhani là kẻ phát ngôn, người phát biểu, gūthabhāṇī là người có cái ngôn ngữ như phân, 
2. hạng thứ hai là Pupphabhāṇī là người có cái ngôn ngữ như bông hoa,
3. và cái thứ ba là Madhubhāṇī, madhu là mật ong, là honey, tiếng Đức là honig, madhubhāṇī là người có cái ngôn ngữ như là mật ong.

Gūthabhāṇī là người nói năng có cái lời nói như là phân, Pupphabhāṇī là người có lời nói như hoa và Madhubhāṇī là người có lời nói như mật. Mấy cái chữ này gọn gọn tôi muốn bà con nhớ, nhớ bỏ túi cho nó sang, mình là con Phật, mình học Kinh điển Pāli có những cái từ ngữ Pāli mình biết thì cũng tốt; học thuật nào, ngành chuyên môn nào thì nó cũng có những cái thuật ngữ, đặc hữu chuyên môn của ngành đó; mình học Phật, mình học A-tỳ-đàm, mình học Tuệ Quán thì mình cũng phải có những từ ngữ, nhất là biết được cái từ Pāli thì nó tốt chứ sao, tại sao vậy? Xài cái chữ sang là tôi nói đùa thôi, chứ thật ra các vị biết mấy chữ này là các vị đang mò vô trong google, các vị đi tìm, đó là lý do duy nhất chứ không có cái gì hết, đó là dễ tìm, khi mà mình biết những cái thuật ngữ này, chữ này mà bằng tiếng Pāli là mình dễ tìm. 

Thí dụ như bây giờ mình đi Thái Lan, Miến Điện mà nghe các vị bên đó họ giảng bằng tiếng Anh, có rất là nhiều cái từ mà họ không có dịch ra mà họ xài thẳng cái tiếng Pāli luôn, như chữ Satisampajañña hay là chữ Tàm Quý, hay là chữ Bố Thí, Trì Giới, chữ Trí Tuệ, rồi Thiền Định Samatha rồi Vipassanā, là họ nói thẳng tiếng Pāli, lúc đó mình mới thấy đúng là con một nhà, chứ mấy cái đó mà dịch ra tiếng Anh thì cũng có, nhưng mà bên chư Tăng các xứ Quốc Giáo thì họ có khuynh hướng họ giữ nguyên mấy chữ đó, vì sao? Vì những chữ này dịch ra nó có hai cái không nên, cái thứ nhất là ông này thì dịch ra chữ này, ông kia dịch ra chữ kia, mỗi ông dịch bằng một chữ khác nhau làm nó rối, khi mình nghe ổng xài chữ đó mình hoang mang mình không biết có phải là cái chữ kia của ông nọ hay không; riêng mình xài cái chữ gốc là sang nhất, cứ nói chữ Satisampajañña thì coi như ông nào cũng chữ đó chứ không có chữ khác, đó là cùng một gốc nó gọn, đó là cái thứ nhất; thứ hai là khi nghe thẳng cái từ Pāli gốc như vậy là bao nhiêu cái chi tiết đặc biệt, cái ý nghĩa đặc hữu của cái từ ấy được bảo lưu nguyên vẹn. Trong khi đó mình dịch nó ra tiếng Anh thì nó không còn giữ cái nghĩa gốc đó nữa, nhiều lắm là nó miếng nhỏ thôi, một mảnh vụn thôi! Đây là lý do vì đâu mà tôi thỉnh thoảng tôi đề nghị các vị tôi nói: nhớ chữ này nha!

Có ba cái hạng người, ba cái kiểu phát biểu, có ba cái kiểu ngôn ngữ của tất cả chúng sanh trong vô lượng vũ trụ, chứ không có riêng nhóm nào cả, nhân nào, nơi chốn nào, không gian thời gian nào, không, mà trong vô lượng vũ trụ thì tất cả chỉ có ba cách nói năng: một là gūthabhāṇī tức là cái người có cái ngôn từ giống như phân vậy đó, tức là không có giúp mình được cái gì hết. Tại sao tôi nói bài Kinh này quan trọng? là mai mốt chỉ cần cầm cái phone lên, mở email ra, coi cái tin nhắn trong điện thoại, thì nhớ bài Kinh này, nhớ rằng cái người này nè, gặp gỡ người này, đọc tin nhắn người này, đọc email người này chỉ có phiền não thôi, thì mình xếp họ vô cái loại một là Gūthabhāṇī là cái người mà ngôn từ của họ chỉ có cái nội dung bất thiện; còn cái trường hợp thứ hai gọi là Pupphabhāṇī là những người có cái lời nói chân thật, là sao? là bởi vì, các vị còn nhớ chư Phật ba đời mười phương chỉ nói ra cái điều gì đó mà hội đủ 4 điều kiện-đặc điểm trong ngôn từ của chư Phật:

1. một là bhūtavādī là nói như thật,
2. hai là āptavādī là hữu ích,
3. ba là kālavādī là đúng lúc,
4. thứ tư là mettavādī là bằng từ tâm.

Còn mình bây giờ có nhiều khi mình nói đúng sự thật, nói lời hữu ích, nói đúng thời, nhưng mà bằng cái tâm cầu danh lợi, cái chỗ từ tâm nó lại thiếu, vì cầu danh lợi hoặc là vì nói để khoe khoang cho người ta biết, cái đó cũng là thiếu; hoặc là có trường hợp nói lời chân thật đúng sự thật nhưng mà cái điều đó nó không có lợi ích, gặp nhau bàn về phong thủy, bàn về cây cảnh bonsai, bàn về thời tiết, giá cả thị trường chứng khoáng rồi nào là chiến tranh, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, thì rõ ràng mình cũng đang nói những chuyện có thiệt, nhưng mà những cái đó nó không có lợi ích cho cái con đường giải thoát, cho cái lý tưởng tu hành; rồi có trường hợp mình nói điều lợi ích, mình nói cái điều đúng sự thật nhưng mà nói phi thời, bà con đạo bạn gặp nhau đang vui vẻ hỏi thăm, cái mình nhào vô cái mình móc một cái bài Kinh nào đó ra, thì nó hơi vô duyên, mà cái thứ này tôi có gặp rồi, không phải cái lúc mà mình đem Đạo ra, mà mình móc ra coi nó kỳ dữ lắm! các vị trong room có hiểu cái điều này không? Các vị tưởng là Phật Pháp là cao siêu, Phật Pháp là châu báu, là vàng ngọc, cái lúc nào mình cũng bày ra được hết, tôi xin thưa không có phải. 

Hiền Thánh thì được, các vị Hiền Thánh gặp nhau là chỉ có hai chuyện: Cùng nhau khép mắt thiền định và cùng nhau mở miệng để nói Pháp, cùng nhau khép mắt và cùng nhau mở miệng; còn cái thứ phàm phu tào lao của mình thì nó có trường hợp thứ ba nữa, có nghĩa là mình tuy không cùng thiền định, tuy không có cùng bàn về Phật Pháp, nhưng mà có nhiều khi chúng ta có một chút thời gian gọi là thăm hỏi hoặc nói một hai câu trao đổi mà nó hơi nhẹ nhàng không đến nỗi bất tịnh, phàm phu nó có cái loại thứ ba này, mà ngay cái thời điểm đó mà mình móc ba cái thứ mà Giáo lý Phật Pháp ra nó cũng phi thời, các vị biết không? Chưa kể là đề tài, tức là người ta đang đám cưới mà mình móc ra ba cái vụ sanh già đau chết thì nó cũng kỳ, sanh ly tử biệt mình nói trong đám tang mà nói trong đám cưới nó cũng kỳ! 

Cho nên là lời của chư Phật là phải hội đủ bốn điều kiện: bhūtavādī là đúng sự thật, āptavādī là có lợi ích cho đời này đời sau, lợi ích hiệp thế và siêu thế, cái thứ ba là kālavādī là phải đúng thời, đúng lúc, đúng môi trường, đúng hoàn cảnh, cái cuối cùng là mettavādī là nói bằng từ tâm. Thiếu một trong bốn cái này thì không gọi là hoàn hảo, mà chư Phật là hoàn hảo, cho nên đi một cách hoàn hảo, đứng, nằm, ngồi, sinh hoạt một cách hoàn hảo, im lặng một cách hoàn hảo,và nói năng một cách hoàn hảo, bởi vì chư Phật là những người hoàn hảo. 

Chúng ta không được hoàn hảo, nhưng mà được tốt đẹp bao nhiêu thì gọi là mừng bấy nhiêu, thì chúng ta có ba cái kiểu phát biểu, tự mình nghe mình biết nên theo cái loại nào: Một là ghūtabhāṇī tức là cái điều mình nói ra, viết ra nó như phân vậy, nó chỉ là đáng gớm, đáng sợ, đáng chán thôi; cái trường hợp thứ hai được gọi là pupphabhāṇī có nghĩa là, các vị biết hoa là chỉ để nhìn và để ngữi thôi chứ có mập béo gì đâu, thì một cái ngôn từ, một câu nói mà bản thân nó là lời thật thì nó cũng có giá trị ít nhiều, chưa nói đến lợi ích, chỉ riêng cái khoảng nói thật thôi thì nó cũng có lợi ích, ít nhiều giá trị bởi vì nó là thật, bởi vì sống trên đời này mình có cọ sát, có va chạm mình mới thấy, tìm được cái người mà thiệt thà không phải dễ, nghe được câu nói thật không phải dễ đâu quý vi, cứ sống thêm đi, cứ va chạm, cứ cọ sát với nhân gian mới thấy hiếm lắm, môi miếng thì nhiều, lừa phỉnh, gạt gẫm nhau thì nhiều, cho nên mình phải biết trân quý cái thiệt, nhưng có một điều là đôi khi cái thiệt quá thì nó dễ mất lòng, cho nên cái trường hợp thứ hai đó là chỉ bản thân cái lời nói thiệt nó đã có giá trị rồi; và cái lời thứ ba gọi là madhubhāṇī là cái lời mà được phát biểu bằng từ tâm. 

Phát biểu bằng từ tâm là sao? Tức là không có gây sốc cho người ta, không nói cái điều bất lợi cho người ta, không có nói cái điều làm cho người ta khó chịu, không có nói cái điều làm cho người ta bị bất lợi, thì được gọi là phát biểu bằng từ tâm. Thì tuy Ngài không có nói gì đến Phật Pháp ở đây hết, nhưng mình phải hiểu ngầm là người phải có thiện tâm thì mới có thể nói cái lời này được, cái lời mà gọi là không làm cho người khác bị đau lòng, mà cũng không có đem lại cái điều mà bất lợi cho người khác. 

Các vị đừng có tưởng bất lợi là chuyện phải nói ghê gớm, cái gì mà chỉ cần mà mình nói cái điều mà nó mang cái thứ gợi ý, hướng dẫn cái suy nghĩ của người khác về một góc nào đó không hay thì đã là gây bất lợi cho người ta. Thí dụ như mình tới thăm người ta, lẽ ra nếu mình thiệt lòng mình có lòng thương người ta, thì nên nhớ, tôi nhắc lại lần nữa, đừng bao giờ tỏ cái giọng cao đạo thầy đời! không có nên tỏ ra cao đạo hay tỏ ra thầy đời! nhưng mà nếu mà mình có thiệt lòng, mình có lòng thương người ta nên tránh những cái câu nói mang cái tính gọi là dẫn dụ, gợi ý, hướng dẫn người ta về một cái góc bất thiện, thí dụ như tự nhiên mình tới mình thấy chủ nhà rất là thích hoa kiểng, mà mình có lòng từ mình muốn giúp đỡ chủ nhà trong từ bi, thì mình không có nên nói nhiều để mà khen ngợi cái vườn hoa đó, tôi biết tôi nói điều này nhiều người ngạc nhiên, vì sao? Vì mình vô tình mình xúi họ vùi sâu vào ở trong cái trò chơi phiền não và vô ích đó, nói theo thế gian thì chơi hoa kiểng nó không có xấu, nhưng mà trong tinh thần Phật Pháp thì nó mất thời giờ dữ lắm và nó là tham, nó là tâm tham, nhất là bả có tuổi rồi, nếu mà mình có lòng từ thì mình chỉ khen nhẹ thôi, như mình nói: Sướng thiệt chứ, có mấy cái này là cúng Phật khỏi tốn tiền! Đó, mình khen, nhưng mà mình cũng phải lái qua một chút xíu như vậy đó, đó gọi là lời như mật, có nghĩa là không làm cho người ta buồn mà còn đem lại lợi ích cho người ta nữa, khen nhưng mà có giúp ngầm ở trong đó: Bà sướng thiệt đó, tui là mỗi tháng tôi tốn biết là bao nhiêu tiền, chứ mấy cái luống hoa này là cúng khỏi tốn tiền, cái này mà sinh nhật, là tân gia là khỏi tốn tiền! Tức là mình gợi ý cho người ta vậy đó, tức là mai này lỡ mà bả có tiếp tục trồng hoa nữa thì bả cũng nhớ cái lời của mình: Ừ, đúng rồi trồng cái này để cúng Phật, trồng cái này để đem đi cho người khác. 

Tay nào đem tặng hoa thơm, chính nó đã được mùi hương trước rồi, nhớ cái câu trong Pháp Cú, phải nhớ câu đó. Chứ còn mình lại mình cứ mua lòng người ta mình cứ cắm đầu mình khen, vô tình mình hại người ta, để cho người ta vùi sâu vào cái thú vui mất thời gian và phiền não ấy! Thì tôi có lòng tôi nói vậy thôi, còn cái chuyện gặp tà kiến thì thôi cái chuyện của người ta, mắc mớ bận tâm làm chi, khổ quá, thấy người ta bệnh thì mình góp ý, chứ còn cái chuyện mà có chữa được không là chuyện của người ta mình bận tâm làm cái gì!

Cho nên ở trong tất cả chúng sanh vô lượng vũ trụ chỉ có ba cách nói thôi, cách nói một là nói lời như phân, cách thứ hai là lời như hoa, tôi nhấn mạnh tại sao hoa, bởi vì hoa là chưa biết nó có xài được chuyện gì hay không, nhưng ít ra nó cũng có giá trị tối thiểu là để nhìn và để ngữi, còn cái cuối cùng là lời như mật, có nghĩa là lời được phát biểu bằng từ tâm, mà từ tâm là sao? Từ tâm có nghĩa là trước mắt không làm cho người ta đau lòng, thứ hai là nhắm đến lợi ích của người ta, thì cái lời nói như vậy đó được gọi là lời như mật. 

Các vị nhớ dùm là ba cái kiểu nói năng này không có riêng của nhóm nào hết, của cá nhân nào, mà của tất cả chúng sanh trong vô lượng vũ trụ, tất cả Thánh phàm, rồi từ chư Thiên, Phạm thiên, Càn-thát-bà, Long vương, loài người, tất thảy đều gom gọn trong ba cách nói này, trừ ra cái loài không biết nói thì không có kể ở đây, nhưng mà cái loài nào biết nói thì nằm trong ba cái này: một là nói như phân, hai là nói như hoa và ba là nói như mật, thì tự mình hiểu coi mình thường xuyên mình là người phát biểu theo cái kiểu gì

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app