VÀI SẮC THÁI CỦA GIỚI LUẬT
Phần sau đây, có thể bổ ích cho hang cư sĩ, sẽ đề cập đến kỉ cương của bậc xuất gia. Người cư sĩ phải làm thế nào để có thể giúp đỡ các vị tỳ khưu tránh phạm giới và giữ gìn giới đức trong sạch, sẽ ghi nhận một vài tập tục và thái độ của người cư sĩ khi tiếp xúc với nhà sư. Trong những quốc gia Phật giáo, tác phong của người cư sĩ thường chịu nhiều ảnh hưởng quan trọng của bảy mươi lăm giới tu tập của chư vị sa di và tỳ khưu. Để được tham khảo dễ dàng và nhờ sự hoan hỷ gợi ý của vài nhân vật, người viết xin gom tất cả vào năm mục đích chính là: chào đón, nơi ở, ẩm thực, di chuyển và hạnh kiểm tổng quát. Phần kết luận sẽ đề cập đến một vài ghi nhận về thái độ của người Phật tử Thái Lan hiện đại đối với hang tỳ khưu.
Chào đón
Nói một cách tổng quát người Phật tử trong các quốc gia Phật giáo cảm thấy lối chào mừng của người phương Tây – lối bắt tay – không đặng thích nghi đối với thầy tỳ khưu. Điểm phải làm ở đây là thầy tỳ khưu nên cố tránh mọi sự đụng chạm đến phụ nữ. Bởi vì khi tham ái phát sinh, thầy tỳ khưu có thể phạm nhằm những giới nặng đưa đến trọng tội. Vì lẽ ấy lối bắt tay như người phương Tây được xem là không thích hợp. Lại nữa, nếu là trường hợp của một vị tỳ khưu có tri kiến và kinh nghiệm về giáo Pháp mà người xư sĩ biết như thế, muốn thỉnh đến thọ giáo, thi lối chào đón bằng cách tay bắt mặt mừng hẳn không biểu hiện được ước nguyện học hỏi như thái độ đảnh lễ cổ truyền.
Ở nơi công cộng, người Phật tử cư sĩ chào mừng thầy tỳ khưu bằng cách cấp tay gọi là “Anjali”, cúi đầu và đôi khi nghiêng mình. Lối chấp tay “Anjali” cũng giống như tư cách cầu nguyện trong các tôn giáo thờ Thần linh (người ta nghĩ đến “những bàn tay cầu nguyện” của Duerer) nhưng tác dụng cũng như ý nghĩa của nó quả có phần khác.
Ở đây, vì khuôn khổ chật hẹp của một quyển sách nhỏ như thế này ta không thể thảo luận dong dài về mối tương quan giữa “danh” (nama) và “sắc” (rupa), phần tinh thần vô hình và vật chất hữu hình. Ta chỉ ghi nhận rằng có những cử chỉ, tác động, hay nghi thể của thể xác làm phát sanh, bảo trì và tăng trưởng trạng thái tâm thiện và tâm an trụ. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến hai tác động chấp tay theo lối anjali và cái thường được gọi là đảnh lễ, hay lạy, mà chúng tôi thích dùng danh từ “năm điểm chấm dứt” hay “cúi mình xuống” hơn. Trong hai tác động ấy, chấp tay theo lối anjali thường được thấy ở các nhà ga, ngoài đường, trong hành lang hay những nơi công cộng khác. Mức độ tôn kính được phát biểu ở độ cao của bàn tay chấp lại (từ ngang tim đến trước trán) và ở độ sâu của cái cuối cùng. Càng đưa tay lên cao và cúi đầu sâu là càng tôn trọng. Tuy nhiên một vài hình thức “anjali” quá lố thường chỉ phát lộ các điểm bợn nhơ bên trong (như nịnh bợ, ngã mạn, ngây ngô v.v…) và do đó không được ưa thích và khuyến khích. Những vị sa – di và tỳ khưu thấp hạ cũng chào mừng các vị cao hạ bằng cách ấy, giống như người cư sĩ chào nhà sư. Và giữa người cư sĩ Phật tử với nhau, lối chào này cũng được áp dụng rộng rãi.
Một điểm khác cần phải được ghi nhận, cũng có liên quan đến cả hai, anjali và “năm điểm chấm đất”, là thái độ tôn kính của người muốn học đối với người thông hiểu giáo pháp, và đó vì lợi ích của người muốn học. Người quen sống theo lối Tây phương, khi thấy một Phật tử đảnh lễ, không khỏi liên tưởng đến sự cầu nguyện, van vái, và nghĩ rằng đó là thái độ hạ mình có lợi ích cho “người nhận” (tượng Phật hoặc thầy tỳ khưu). Quả thật xa hẳn chân lý, và Đức Phật dạy rằng:
“Tuy nhiên, này các tỳ khưu, nếu kẻ khác tán tụng Như Lai, tán tụng giáo Pháp, hay giáo hội Tăng già, các con không nên vì đó mà hoan hỉ, vui mừng, hay tự tôn tự đại….(vì, nếu vậy) điều ấy sẽ trở thành một hiểm họa cho chính các con”.
Điểm này chắc chắn đúng với những vị tỳ khưu chơn chánh trong thời hiện đại, hiểu biết rõ ràng rằng còn nuôi dưỡng trong tâm lòng mong muốn được tán tụng – một trong tám điều kiện thăng trầm của thế sự – cũng là dấu hiệu của người kém trí tuệ, người ở xa lý tưởng của chư Thánh Văn (ariyasavaka), mục tiêu cứu cánh mà thầy chú nguyện thành đạt. Vậy khi dạy người cư sĩ những lợi ích của cử chỉ chấp tay xá theo lối anjali hay đảnh lễ theo “năm điều chấm đất” thầy tỳ khưu không tìm hưởng danh dự riêng cho mình mà vì đó là hành động tạo thiện nghiệp, tăng trưởng phước báu cho người xá hay đảnh lễ. Câu kinh pháp cú sau đây mô tả phước báu ấy:
“Người có bản chất biết tôn kính,
Nâng cao danh dự của bậc trưởng thượng, (người ấy)
Làm tăng trưởng bốn phẩm hạnh của mình:
Sống lâu, được sắc đẹp, an vui và tráng kiện”.(câu 109)
Như thầy tỳ khưu đảnh lễ theo pháp “năm điểm chấm đất”, dưới chân vị tỳ khưu tế độ của mình, hoặc một vị tỳ khưu cao hạ hơn, trong chánh điện hay một nơi nào khác có thờ tượng Phật, cũng dường thể ấy, người cư sĩ chấp tay xá hoặc cúi mình đảnh lễ một nhà sư dạy giáo lý cho mình. Và họ thường đảnh lễ như vậy ở những nơi yên tịnh, kín đáo, như trong chùa, trong tịnh thất, hay trong nhà, khi có cơ hội thỉnh Sư về nhà để giảng Pháp, đọc kinh hay làm phước (làm một hành động bố thí để tạo phước). Trong khi người lớn có những thái độ cung kính trước tượng Phật, trước một ông thầy dạy đạo, hay những vị sư khác bằng cách chấp tay xá hoặc đảnh lễ “năm điều chấm đất”, trẻ con cũng được khuyến khích làm theo và như vậy, từ lúc còn thơ ấu, con cái trong nhà dần dần thấm nhuần tinh thần biết tôn trọng bậc trưởng thượng – hành động thiện sẽ đem lại nhiều quả lành trong tương lai. Gương mặt an vui là đặc điểm của người đã thận trọng làm đủ bổn phận tôn kính. Vả chăng, hạnh phúc có dính liền với tâm trong sạch không?
Vài người cư sĩ chào hoặc đảnh lễ mà không chú tâm đến việc mình đang làm, và như thế, không để ý đến ý nghĩa và lợi ích của điều ấy. Những cũng có những người khác chú nguyện thật sự tiến bộ trên con đường, luôn luôn hiểu biết và thực hành bổn phận một cách thận trọng, mặc dù trong ngay cơ thể có nhiều cơ hội phải lập lại lối chào “anjali” và đảnh lễ “năm điều chấm đất”.
Ở phương Tây không có phong tục chào mừng như vậy trong hàng Phật tử. Dù sao, số tỳ khưu ở đấy vẫn còn hiếm hoi, và sự khiếm khuyết này hình như không tạo nên trở ngại, mặc dù có một điểm khác thỉnh thoảng cũng nên lưu tâm đến. Có vài người không chịu được lối hạ mình quy lụy như thế. Có lẽ họ hiểu lầm vì đã lâu đời thâm nhiễm tinh thần lễ bái thần linh trong Ki –tô giáo. Cũng có lẽ vì họ nghĩ rằng người mà họ lễ bái cần phải được tôn sùng hoặc có ý trông chờ thái độ tôn sùng ấy. Lại cũng có thể là sự phối hợp phức tạp và mù mờ của nhiều yếu tố thần linh, giống như một lớp khói mù mịt bao trùm nguyên nhân thật sự – tánh ngã mạn. Đầu gồm có mắt, tai, mũi, lưỡi, những cơ cấu phức tạp khác và những dây thần kinh tụ họp vào một bộ phận gọi là não. Tánh cách quan trọng của bộ phận “đầu não” ấy tăng cường mạnh mẽ ý niệm “tự ngã”. Nghĩ rằng cái quý báu vào bậc nhất ấy, bộ phận tốt đẹp rực rỡ nhất của con người, bây giờ phải mọp xuống đất, dưới chân một người khác, tức nhiên có sự bất mãn vì một ít ô nhiễm thuộc về loại ngã mạn đã phát sanh trong tâm và có lẽ bên ngoài cái nguyên nhân chính ấy cũng có một lớp khói mờ … “cũng một thái độ như vậy không có trong văn hóa của chúng ta”…. “đó chỉ là mộ tập tục của người phương Đông”… v.v…
Thế gian hiện đại đã khéo léo thành công kích thích tất cả những tinh thần của con người và trong ấy ô nhiễm ngã mạn được nuôi dưỡng bằng những ý niệm như: “ta cũng tốt như bất luận người tốt nào khác”. Đúng với tinh thần của các giới tu tập trong giáo pháp và giới luật (dhamma – vinaya) một ý niệm tương tự không có chỗ đứng. Chính người khiêm tốn mới có thể tiến bộ chớ không phải người khư khư ôm lấy tính ngã mạn của mình, ví như vậy ắt không có cơ hội để học hỏi. Luận về điểm này, một tác phẩm của Tây tạng nhan đề “Cây và Nước” mô tả như sau:
Tựa hồ như một cành cây có mang dồi dào hoa quả phải uốn mình hoằng trở xuống, tâm của người trí tuệ mang dồi dào đức hạnh, cũng uốn mình hoằng trở xuống một cách từ tốn, yên lặng và không còn biết đến ngã mạn. Trái lại, như một nhánh cây không mang trái có khuynh hướng vượt thẳng lên, cùng thế ấy, đầu của người có tánh ngã mạn cũng ngẩng lên cao vì tâm người ấy không khiêm tốn. [2]
Khi được đảnh lễ như thế, chư vị tỳ khưu thường đáp lại bằng những câu chúc tụng như “sukhi hotu” – cầu chúc hạnh phúc – (theo lối Tích Lan) hoặc “āyu vanno sukham balam” – (sống lâu, sắc đẹp, hạnh phúc và sức mạnh) – (theo lối Thái Lan). Đối với người Anh, câu “cầu chúc hạnh phúc” hình như thích hợp nhất vì hành giáo Pháp thì được nhiều người hạnh phúc.
Những điều viết ra trên đây chỉ được đề cập đến để cho người cư sĩ biết cái gì thật sự có lợi ích, cũng như chư sư và các sa-di đã được dạy. Đức Phật không ban hành một hình thức chào mừng hay lễ bái phải được chấp thuận, mà các vị đạo sư Phật giáo cũng không hề bắt buộc phải theo một nghi thức nào. Đúng ra không có một nghi thức lễ bái nào nhất định, và cũng như thời Đức Phật còn tại tiền, trong các quốc gia Phật giáo như ở Thái Lan. “Khi đến gần Đức Thế Tôn vài người khấn đầu đảnh lễ trước mặt Ngài rồi ngồi lại một bên, vài người khác lễ phép chào mừng và ngồi lại một bên. Cũng có người chấp tay theo lối “anjali”, vái chào Đức Thế Tôn rồi ngồi lại một bên; người thì tự xưng danh rồi ngồi xuống và có người tự tiện ngồi xuống, không nói gì hết.”
Về đoạn kinh được lặp đi nhắc lại nhiều lần này, có lời chú giải rằng những người khiêm tốn chào mừng Đức Phật được hưởng nhiều phước lành, trong khi người chỉ “ngồi lại một bên” có tính ngã mạn, tà kiến và mọi ô nhiễm khác.
Theo ý người viết, khó mà tìm thấy tác phẩm nào khác, những tài liệu tập trung trong quyển sách nhỏ này. Đây là sinh hoạt thông thường của người Phật tử phương Đông, và ở phương Đông khong vao giờ phải cần đến những lời giải thích vì dân chúng hằng ngày đã tiếp xúc với một tập tục sống.
Nơi ở
Trong một quốc gia Phật giáo, khi có việc phải đến một nơi không có tự viện (vihāra), thầy tỳ khưu có thể phải tạm trú ngụ tại nhà một người cư sĩ. Nếu người này khá giả thì trong nhà đã có sẵn một phòng nhỏ làm phòng thờ cho gia đình và thầy tỳ khưu có thể được mời lưu lại ở đây để nghiên cứu, học hành, tham thiền và nghỉ ngơi. Theo phong tục, chỉ có các thầy tỳ khưu mới được mời ở lại trong phòng thờ, không người nào khác trong gia đình được ở trong ấy, và đó là nơi gia đình hành puja (đọc kinh, dâng hoa, đốt hương v.v…) và tham thiền.
Nếu người Phật tử ở các quốc gia khác cũng có thể dành riêng một căn phòng để dung vào việc thờ phụng và tụng niệm của gia đình thì ắt là hữu ích, vì như thế gia chủ sẽ có cơ hội thỉnh thầy tỳ khưu về. Lẽ dĩ nhiên, vị trí của căn phòng đặc biệt này sẽ tùy thuộc phương tiện trong nhà, nhưng chỗ nào yên tịnh nhất sẽ thích nghi hơn và nếu là nhà lầu, tốt hơn ở tầng trên. Nếu ngôi nhà có vườn tượt bao quanh và có một số căn phòng nhỏ cất riêng biệt ngoài vườn thì lại càng thích nghi hơn.
Có vài giới mà thầy tỳ khưu có thể vi phạm, liên quan đến chốn ở. Giới đầu tiên là tỳ khưu không thể ngủ chung một phòng nhiều hơn là ba đếm với một người chưa có thọ đầy đủ Cụ túc giới, nghĩa là chưa xuất gia Tỳ khưu. Trong khi giới thứ nhì ghi nhận: “nếu thầy tỳ khưu ngủ chung với một người phụ nữ ắt thầy tỳ khưu phạm tội Ưng xã đối trị (pacittiya, chuộc tội,…) Bản chú giải giảng rõ rằng ngủ chung ở đây có nghĩa là chung “dưới một mái nhà”, nhưng lắm khi điều này cũng tạo nhiều trở ngại, nên có nơi giải thích rằng: thầy tỳ khưu phải ngủ ở trong một căn phòng riêng biệt[3]. Cũng nên ghi nhận rằng nhiều đoạn trong tạng Luật đã lặp lại lời nhắc rằng những giới tu tập – như giới này chẳng hạn – không phải chỉ để giúp cho thầy tỳ khưu được dễ dàng giữ lối sống trong sạch mà còn để giữ gìn thanh danh của thầy tỳ khưu cũng như thanh danh của toàn thể giáo hội Tăng già, và tức nhiên không để cho giáo Pháp (dhamma) vì một lẽ gì phải mang tai tiếng, dù là những người xấu miệng có thể cố tình tạo chuyện để bêu xấu. Vì những lẽ ấy, các thầy tỳ khưu trì giới trang nghiêm rất thận trọng giữ mình khi có chuyện với hàng phụ nữ (như tạng Luật đã hướng dẫn). Và người phụ nữ hiểu biết các quốc gia trong các quốc gia Phật giáo rất thận trọng giúp chư vị tỳ khưu về điểm này, bằng cách giữ một thái độ đoan trang và khiêm tốn.
Những điều có thể làm cho thầy tỳ khưu vi phạm giới luật bao gồm cả những vật vô tri vô giác lẫn những chúng sanh hữu giác hữu tri. Như khi thầy tỳ khưu chạm đến một người phụ nữ, mặc dù không có tâm xấu và dù người này lớn tuổi hoặc trẻ con cách nào thầy cũng phạm giới. Như vậy, người phụ nữ nên ở cách xa thầy tỳ khưu và thận trọng những hành động có thể dẫn đến sự đụng chạm[4]. Một lần nữa ta có thể nhấn mạnh rằng điều này, vì lợi ích của thầy, vì các thầy tỳ khưu vẫn còn có thể bị tham ái chi phối – rất khó mà gặp được chư vị A- la – hán. Như ta sẽ thấy ở phần sau, giáo lý của Đức Thế Tôn luôn luôn thực tiễn. Thầy tỳ khưu cũng không được phép chạm đến quần áo, hay đồ trang sức như vòng, vàng, phấn son của người phụ nữ – cũng không được chạm đến thú cái, búp bê hay tiền bạc.
Tiền bạc
Về giới cầm tiền, có vài vị tỳ khưu chủ trương rằng trong đời sống hiện tại, thầy tỳ khưu không thể trong sạch vì cần phải trả tiền xe cộ trong khi di chuyển. Vấn đề tỳ khưu dung đến tiền bạc chắc chắn không mới lạ vì từ kỉ nguyên Phật giáo thứ 100 chính vấn đề này thầy tỳ khưu có thể chấp nhận vàng và bạc hay không là nguyên nhân đầu tiên của cuộc kết tập Tam tạng (sanghayana) lần thứ nhì tại Vesali. Cũng có những người cư sĩ chỉ trích các tỳ khưu không chấp nhận tiền bạc và phê bình rằng đó là một trở ngại cho sự truyền bá giáo Pháp. Đằng khác, cũng có những tập tục cổ truyền đã ăn sâu vào tâm não thầy tỳ khưu rằng cầm tiền bạc là phạm tội Ưng xã đối trị, trong lúc Đức Thế Tôn minh bạch dạy như sau:
“Này các tỳ khưu, Như Lai không nói rằng bất luận đường lối nào, vàng và bạc có thể chấp thuận, có thể được tìm kiếm”.
Trong lời chú giải, vàng và bạc đây có nghĩa là tiền hoặc các vật dụng có giá trị. Cuộc kết tập Tăng già lần thứ nhì cũng quyết định không chấp nhận thầy tỳ khưu giữ tiền bạc và nhắc lại giới tu tập Patimokkha (Nissagiya Pacittiya – 18). Đến khi và ở nơi nào mà giới này được chấp thuận đầy đủ thì người cư sĩ không còn dâng tiền cho tỳ khưu và cũng không mong nhà sư giữ tiền. Tiền có thể để sẵn cho thầy tỳ khưu sử dụng nhưng không dâng đến tay các Ngài. Số tiền ấy – mặc dù được trao cho một người thân tín của thầy tỳ khưu, để dùng trong bốn việc cần thiết cho đời sống xuất gia, vẫn còn là sở hữu của người dâng nó. Người thân tín thường là một người cư sĩ theo học với thầy tỳ khưu, trông nom những nhu cầu của thầy và mua sắm cho thầy mỗi khi thấy cần thiết. Khi muốn dâng “bốn nhu yếu” đến thầy tỳ khưu, hoặc chư tỳ khưu, người cư sĩ có thể nói “Bạch Sư, con xin dâng số tiền…. đến Sư để dùng trong bốn điều cần thiết” và trao số tiền ấy đến người thân tín hay hầu cận của thầy. Hoặc có thể dâng đến thầy một mảnh giấy có viết mấy dòng: “Bạch Sư, con thỉnh Sư dùng số tiền… mà con trao cho ông….để dùng trong bốn nhu yếu. Mỗi khi cần đến, xin thỉnh Sư hỏi ông ấy”.
Theo tập tục này thì vị tỳ khưu không phải bận tâm đến tiền bạc, vì mọi việc đã có người thân tín lo giúp. Trong tâm thầy không còn những lo âu về việc tiền còn hết, hoặc phải mua sắm vật gì, hoặc nếu có số tiền lớn hơn, v.v… và thầy có thể đem hết năng lực và tâm trí vào công trình học hỏi và thực hành giáo pháp và giới luật, con đường mà thầy đã chọn cho đời sống minh.
Có những món mà thầy tỳ khưu không được phép sờ đụng đến là: trái cây (khi còn ở trên cây), khí giới, thuốc độc (trì phi được xem là một món thuốc), lưới và các dụng cụ bắt cá, hột giống và nhạc cụ. Một cách tổng quát, thầy tỳ khưu không cần tới máy thu thanh, máy truyền hình cũng vậy.
Thức ăn và thức uống
Có lẽ một trong những giới tu tập được đến nhiều nhất là ăn ngọ, nghĩa là không ăn từ trưa đứng bóng (giờ ngọ) đến lúc mặt trời mọc ngày hôm sau (gọi là ăn sái giờ). Sờ đụng đến vật thực cũng đã phạm giới rồi chớ không phải ăn mới phạm. Người cư sĩ thọ bát quan trai, trong các ngày giới (uposatha) hay những ngày khác, cũng phải giữ mình trong sạch tương tự như vậy. Khi thọ giới thứ sáu, giới tử đọc: “tôi xin vâng giữ điều học là không ăn sái giờ”. Thầy sa-di cũng phải trì giới này mỗi ngày vì đó là một trong mười giới tu tập của sa-di. Giới này đem lại nhiều lợi ích cho hàng xuất gia, tỳ khưu, sa-di, cũng như người cư sĩ. Bậc xuất gia thì khỏi mất thì giờ, tâm không bộn rộn, thân được nhẹ nhàng, những điều kiện thuận lợi chi công việc học hỏi, hành thiền… Đối với người cư sĩ là bớt đi gánh nặng phải lo cơm buổi chiều cho nhà sư.
Mặc dù phạm giới này không phải là một trọng tội (mà chỉ là tội ưng xã đối trị) những vị tỳ khưu thận trọng không bao giờ vi phạm (trừ nhưng khi đau ốm) vi phạm giới này tức là không chế ngự được lòng tham ái, là mất tinh thần từ khước, tinh thần xuất gia, làm cho bao tử nặng nề và do đó khó chứ không phải dễ phát triển tâm hơn.
Khoảng thời gian chính đáng mà thầy tỳ khưu hay thầy sadi thọ thực bắt đầu từ lúc trời vừa đủ sáng cho ta thấy được những lằn chỉ trong lòng bàn tay và chấm dứt lúc đứng bóng. Trong khoảng thời gian ấy thầy tỳ khưu có thể ăn một hoặc hai lần. Nếu một lần thì số lượng vật thực ắt phải lớn hơn để thầy có thể chịu đựng trọn hai mươi bốn tiếng liền. Nếu dùng hai lần, buổi thọ thực thứ nhì thường bắt đầu lúc mười một giờ mười lăm để có thể rộng rãi chấm dứt trước mười hai giờ.
Có một vài hạn chế nhỏ liên quan đến ít loại thịt cá (như thịt chó, rắn, cọp, beo, ngựa rằn.v.v…) cũng như thịt người. Ở đây ta có thể xét đến vấn đề thịt cá đối với thầy tỳ khưu. Danh từ bhikkhu (tỳ khưu) xuất nguyên từ căn “bhikkh’” có nghĩa van xin. Lúc đi trì bình thầy tỳ khưu không phải xin ăn, (thầy chỉ nhận lãnh những gì người ta vui lòng dâng đến) vì thầy không được phép xin, ngoại trừ trường hợp đau ốm. Mặc dù vậy, thầy phải tùy thuộc một phần lớn vào những gì mà lòng từ thiện của bá tánh thập phương đặt vào bát. Khi trở về đến chùa thầy có thể, nếu muốn, chọn ra những món chay và chỉ dùng những món này. Về điểm này, cũng nên ghi nhận rằng khi Devadatta thỉnh cầu Đức Phật ban hành giới luật cấm hang tỳ khưu dùng thịt cá, Đức Phật không chấp nhận và Ngài dạy: “….và sự ăn thịt cá có thể coi như trong sạch trong ba trường hợp (tam tịnh nhục) là người ăn không thấy, không nghe, con vật bị giết và không nghĩ rằng con vật bị giết vì mình (dù sao thịt cá phải được nấu chín vì thầy tỳ khưu không được phép ăn sống). Cũng có bài kinh giảng cho Jivaka về vấn đề này và bài kinh Āmagandha, thường được trích thuật, trong ấy Đức Phật dạy rằng phẩm hạnh xấu xa của người làm tội bằng nhiều cách còn tệ hại hơn là ăn thịt cá nhiều.
Như vậy ta có thể tóm tắt rằng về sự đi trì bình khất thực, thầy tỳ khưu nhận lãnh tất cả những gì được dâng đến, không có sự phân biệt nào (ngoại trừ những loại thịt cá mà thầy không được phép dùng, chẳng hạn như không phải là tam tịnh nhục, nhưng thường thường không ai dâng các loại vật thực ấy). Nếu thầy tỳ khưu muốn trường chay, thầy có thể chọn ra những món chay. Đây là một điểm khó khăn cho thầy vì như thế thầy không còn đủ vật thực để dùng. Dù sao, dù đi bát hay thiện tín đem đến dâng tận chùa, thầy tỳ khưu không được phép đòi hỏi món này hay món khác, ngoại trừ trường hợp đau ốm. Trong những quốc gia mà thầy tỳ khưu không thể đi trì bình ngoài đường phố, một thầy tỳ khưu hay một nhóm các thầy sẽ tùy thuộc nơi những thiện tín (những thí chủ) bằng lòng hỗ trợ của các thầy. Các thầy tỳ khưu trú ngụ sẽ được các thiện tín tổ chức mua sắm, nấu nướng và dâng đến các thầy theo lối thuận tiện nhất và thích hợp với giới luật nhất, không cần phải có thức ăn gì đặc biệt cho các thầy nhưng phải có đủ chất dinh dưỡng. Như vậy, người cư sĩ không nên hỏi thầy tỳ khưu: “Bạch sư, sư có thích ăn…không?” hoặc “Hôm nay tôi phải nấu món gì để dâng cho sư?”. Truyền thống của hàng tỳ khưu là thọ lãnh bất luận món gì mà người cư sĩ sẵn có và vui lòng dâng đến. Càng ít gây phiền phức cho thiện tín chừng nào càng tốt, vì cũng như ở vào thời Đức Phật, thật vậy, người cư sĩ “còn rất nhiều việc khác phải làm (bahukiccam).
Thầy tỳ khưu không được phép vào nhà hàng hay đến tiệm mua hay đặt vật thực. Cũng không thể cất giữ cách đêm. Khi vật thực đã dâng đến theo đúng cách (xem phía dưới), thầy tỳ khưu phải dùng trước khi đúng ngọ, còn lại phải để cho cư sĩ dùng hết. Lại nữa, thầy tỳ khưu không thể nấu ăn cho mình (mặc dù được phép hâm nóng lại những món ăn đã nấu). Tuy nhiên, trong chùa công việc cất giữ vật thực cách đêm có thể để cho một thầy sadi hay một cư sĩ đảm nhiệm. Tinh thần của ba giới luật vừa kể trên ngăn chặn lòng tham ái, luôn luôn sẵn sàng nổi dậy và tức nhiên phải được kiểm soát, không nên khuyến khích, trong lúc nhà sư cần phải tùy thuộc nơi thiện tín. Thầy tỳ khưu phải luôn luôn suy niệm: “Đời sống của tôi tùy thuộc vào người khác.” Người xuất gia hằng phải suy niệm điều này (bài kinh về mười điều kiện ANX).
Bây giờ ta hãy đề cập sơ lược đến nghi thức dâng vật thực và những món khác đến nhà sư. Một vị tỳ khưu cố ý sử dụng – không nói chi đến dùng – một thức ăn hay thức uống chưa được dâng đến là phạm một giới nhỏ. Lý do nằm bên trong giới này không có gì khó thấy. Thầy tỳ khưu phải luôn luôn thận trọng tránh mọi hành động có thể được hiểu là đến gần tội Bất Cộng Trụ. Lấy một vật gì không có ai cho với ý địn ăn cắp là phạm tội Bất Cộng Trụ và dù không hoàn toàn phạm tội này, thầy tỳ khưu có thể phải sám hối một trọng tội. Do đó nghi thức dâng đến và thọ lãnh quả thật quan trọng. Vật cúng dường phải được trao đến tận tay hoặc để trong một cái mâm ấy đến tay thầy tỳ khưu.
Vật thực đã dọn sẵn lên bàn, thầy tỳ khưu ngồi lại chỉnh tề, người cư sĩ dùng cả hai tay nâng chén, dĩa, tô, hay mâm đựng vật thực lên khỏi mặt bàn rồi dâng đến tận tay, hoặc nếu là vật nhỏ (như lọ muối v.v…) thì cầm lên bằng tay mặt còn tay trái thì đặt lên lối cuồm tay mặt. Nếu có nhiều vị ngồi chung, phải dâng đến vị cao hạ trước rồi tuần tự theo niên hạ cao thấp mà dâng đến các vị khác. Nghi thức này không áp dụng với các thầy sadi. Sau khi đã hoàn tất cung cách dâng vật thực đến mỗi vị tỳ khưu, thường người cư sĩ chấp hai tay theo lối anjali, xá, rồi ngồi lại một bên, chờ xem còn có thể giúp được gì cho nhà sư. Sau khi đã dâng xong một món đến tận tay thầy tỳ khưu, người cư sĩ không được sờ đến dĩa hay tô ấy nữa, nếu đã lỡ cầm đến thì phải dâng món ấy lại một lần nữa. Khi nhận lãnh một món gì khác như tờ giấy, sách vở chẳng hạn – người cư sĩ chấp tay xá trước khi nhận. Đó cũng là một tập tục hữu ích.
Vì những giới vừa kể trên, các thầy tỳ khưu không thể cùng ăn chung một dĩa hay một tô như người cư sĩ, vật thực thường được dâng riêng cho mỗi vị. Khi được thỉnh về gia đình, thầy tỳ khưu có thể ngồi riêng ở một đầu bàn như ở nơi có đông người cư sĩ thầy phải có một bàn riêng biệt. Các thầy sadi, vì chưa thọ cụ túc giới, không được ngồi ăn chung với các vị tỳ khưu, phải ăn riêng, và thường được ngồi ở một bàn khác. Ở nhà riêng của người cư sĩ, thầy tỳ khưu thường là khách quý nên được dâng vật thực trước khi các người khác ngồi lại hoặc nếu không có thì giờ, phải dâng đến thầy trước khi các người cư sĩ ăn. Vị thầy tỳ khưu không được phép ăn hay uống lúc đứng, phải mời các ngài ngồi trước khi dâng thức ăn hay uống. Thầy tỳ khưu không thể dự các tiệc trà vì đối với thầy, ăn là một hành động nghiêm chỉnh, quan trọng, một lối quán tưởng, tham thiền, chớ không phải là một cơ hội để gặp nhau hoan hỉ chuyện trò hay nói nhảm.
Đến đây ta chỉ đề cập đến trường hợp của người thiện nam dâng vật thực. Trường hợp các bà tín nữ có phần khác biệt hơn. Thầy tỳ khưu không được phép nhận bất luận món gì ngay từ tay một người đàn bà nhưng thầy luôn luôn có một cái khăn nhỏ gọi là “khăn để nhận”. Khi người tín nữ tỏ ý muốn dâng một vật gì thì thầy trải cái “khăn để nhận” ấy ra và món đồ được đặt vào đó, thay vì được trao đến tận tay. Khi nằm trên khăn, món đồ được xem như đã dâng đến tay[5].
Khi ban hành những giới luật như trên để giữ thầy tỳ khưu vào nếp sống đạo hạnh, các vị A-la-hán tham dự vào cuộc kết tập Tam Tạng (sangayana) lần đầu tiên tỏ ra hết mực thận trọng trong vấn đề đụng chạm giữa nam và nữ để tránh những lời oan vu, phỉ báng hay những sa ngã có thể có. Nơi đây ta có thể nhắc lại lời mở đầu của kinh Tăng Nhứt A Hàm (Anguttara Nikaya):
“Này các Tỳ khưu, Như Lai không tri giác hình dáng nào khác, giữ chắc tâm linh của người đàn ông như…hình dáng của người đàn bà….âm thanh…hương..vị…sự đụng chạm với người đàn bà. Này các thầy Tỳ khưu, Như Lai không tri giác sắc tướng nào khác, giữ chắc tâm linh của người đàn bà như hình dáng của người đàn ông, âm thanh, hương, vị và sự đụng chạm với người đàn ông.”
Trên thực tế Phật ngôn này biểu hiện trong những giới tu tập của hàng xuất gia, tỳ khưu cũng như tỳ khưu ni, (lúc còn giáo hội tỳ khưu ni).
Cung cách dâng vật thực đến chư vị tỳ khưu bằng lối sớt vào bát – khi các Ngài đi trì bình, đứng ôm bát trong tay cũng như lúc trai tăng ở nhà – không có gì khác biệt giữa người thí chủ nam hay nữ bởi vì cái bát nằm trong tay vị tỳ khưu và người thí chủ chỉ dùng muỗng sớt vật thực vào đấy mà thôi.
Ngoài thức ăn và thức uống, món khác mà người cư sĩ có thể dâng đến hàng xuất gia để dùng vào bên trong thể xác được là thuốc men, y, bát và các nhu cầu cần thiết khác (trong bốn vật dụng) cũng phải được dâng lên và khi đã dâng xong người cư sĩ không nên sờ đụng vào nữa vì nếu sờ chạm vào, tức nhiên vật ấy không còn là vật sở hữu của nhà sư nữa. Về các vật cúng dường khác như bông, nhang đèn, thuốc men và những vật khác, hữu dụng trong đời sống tỳ khưu, cũng phải trang nghiêm dâng lên theo đúng cung cách. Trong trường hợp người cư sĩ muốn dâng vật thực đựng trong hộp hay trong hũ (kể cả sữa) đến nhà sư, ngoài giờ được phép (từ đúng ngọ đến sáng hôm sau) vật cúng dường này không được trao đến tay thầy tỳ khưu mà thầy cũng không được phép nhận. Nhưng thí chủ có thể bạch cho sư hay rồi nhờ một thầy sadi hay một cư sĩ nào giữ lại một bên. Những điểm nhỏ nhen như vầy chẳng những nhắc nhỏ người cư sĩ càng thêm thận trọng để giúp hàng xuất gia giữ được giới hạnh trang nghiêm.
Trong phần trên có một điểm được nhấn mạnh là khi dâng một vật gì đến chư vị tỳ khưu, dù thí chủ là đàn ông hay đàn bà, nên cầm món đồ bằng cả hai tay. Đó không phải là một loại nghi thức; nhưng có những lí do để làm như vậy. Thông thường, khi đưa ai một vật gì đó có thể cầm được trong một tay, thì ta chỉ dùng một tay, cầm lấy rồi đưa đến người ấy. Trên thực tế, lối đưa như thế đã trở thành thói quen mà lắm khi ta làm một cách hồn nhiên, vô ý thức, không chú tâm vào hành động “cho” hoặc “dâng”. Đứng về quan điểm Phật giáo đó là hành động thiếu chú tâm và kém thận trọng. Chư vị tỳ khưu – là những người đã chú nguyện cố gắng kiên trì trên con đường giáo pháp và giới luật – được xem là phước điền, một thửa đất tốt để cho ta gieo trồng phước báu. Vậy phước lành do hành động dâng cúng đến các Ngài – là những vị đang cố gắng sống đời sống trong sạch để đạt đến đạo quả Niết Bàn – quả thật là to lớn và phước lành ấy sẽ là sự tăng trưởng tâm trong sạch và an tịnh của người dâng tặng. Như vậy, khi dâng cúng vật gì đến chư sư, dù bữa ăn hằng ngày hay trong những trường hợp đặc biệt, ta nên xem đó là hành động quan trọng và tác hành một cách ý thức, chú tâm mạnh mẽ vào sự dâng tặng. Ý thức dâng tặng càng mạnh – và đây là sự hành động tạo thiện nghiệp – quả lành thu hoạch được càng to lớn. Như vậy, người thiện tín cư sĩ được nhắc nhở nên ý thức mạnh mẽ hành động bố thí của mình bằng cách cầm món đồ dâng tặng bằng hai tay – một cử chỉ cần phải chú ý hơn là lối đưa cho thông thường. Đó cũng là một cách để biểu lộ lòng tôn kính mà các thầy sadi và thầy tỳ khưu thấp hạ áp dụng đối với các thầy tế độ của mình hay các vị cao hạ hơn.
Được mời về nhà trai tăng – sau khi thầy tỳ khưu độ ngọ xong – thầy đọc vắn tắt những câu kinh chúc lành cho gia chủ và khách cư sĩ. Nếu không làm vậy, thầy phạm nhằm giới tác ác hay hành động sai lầm. Điều phải làm ít nhất là thầy (hoặc nếu có đông chư Tăng thì vị cao hạ nhất) nói lên vài lời như chúc cho gia chủ được “sống lâu, có sắc đẹp, hạnh phúc và sức mạnh” (ayu vanna sukham). Trong lúc ấy, dù các cư sĩ còn đang ăn hay bắt đầu ăn, ít nữa gia chủ cũng phải yên lặng ngồi xuống chấp tay lại nghe những lời hoặc những câu kinh chúc lành. Vị này có thể không thông hiểu tất cả ý nghĩa của câu kinh Pāli nhưng điểm quan trọng là nên chăm chú lắng tai nghe và ngoài câu kinh, không để ý đến điều gì khác. Một tâm thiện và an trụ vào câu kinh lúc nào cũng là tâm thiện, nghĩa là tạo thiện nghiệp. Những câu Pāli chúc lành ấy có thể được phiên dịch như sau:
“Cũng như nước sông rạch tràn ngập,
Cuồn cuộn chảy ra lắp đầy biển cả,
Dường thế ấy, nơi đây, phước báu được hồi hướng,
Đến người quá vãng (ngạ quỷ – pela)
Bất luận có điều ước ao hay mong muốn nào,
Cần chúc điều ấy được thành tựu mau chóng
Cầu chúc mọi ước vọng được viên mãn,
Như mặt trăng rằm,
Như viên ngọc ước (có khả năng thỏa mãn mọi ước vọng)
Cầu chúc mọi bất hạnh đều được tránh khỏi,
Cầu chúc mọi bệnh tật đều bị tiêu trừ
Cầu chúc mọi hiểm nguy đều được xa lánh
Cầu chúc (quý vị) được hạnh phúc, sống lâu
Người có tâm tánh biết tôn trọng
Và luôn luôn kính bái bậc trưởng thượng
Bốn đức tính sau đây (của người ấy) sẽ tăng trưởng
Tuổi thọ và sắc đẹp, hạnh phúc và sức mạnh”.
Theo tập túc Phật giáo ở nhiều nơi khi thầy (hoặc các thầy) tỳ khưu đọc xong câu kinh chúc lành ấy thì các người cư sĩ nói “sādhu, sādhu” và chấp tay theo lối anjali, để ngang lên trán, cúi đầu xá. “Sādhu” nghĩa “lành thay”, là lời nói biểu lộ lòng hoan hỉ chấp thuận được thốt ra ở khắp nơi trong các quốc gia Phật giáo mỗi khi có một hành động thiện, tức có khả năng tạo phước báu (puñña) như bố thí, tế độ hay nghe pháp v.v…
Về thức uống, thầy tỳ khưu không được uống chất độc, rượu cất hay lên men (surā meraya majja) trừ những phần rất nhỏ cần thiết trong thuốc uống. Trước ngọ, bất luận thức uống nào khác – có sữa hay không – đều có thể dâng đến nhà sư. Quá ngọ thầy tỳ khưu không được phép dùng sữa hoặc thức uống nào chứa đựng sữa, ngũ cốc, trứng…hoặc các loại súp. Có thể dâng đến thầy các thứ nước trái cây (không có nấu nướng, nhưng phải lọc kĩ, không có chất lợn cợn nhỏ nào) hoặc các loại nước ngọt vào chai hoặc hộp rất được thông dụng ngày nay. Cũng có thể dâng đến sư năm “món thuốc” được phép dâng trong thời gian bảy ngày. Món đầu tiên là một loại dầu (ghee) chỉ có ở Ấn Độ, nhưng bốn món kia thì được thông dụng ở khắp nơi: bơ (chứ không phải là phô mát), dầu thảo mộc (như margarine), mật ong, mật đường (gồm luôn các loại đường) – năm món này, nếu dâng nhiều để tiêu thụ hơn một buổi chiều, có thể cất lại dùng trong những ngày sau, nhưng không quá bảy ngày. Sau bảy ngày, nếu thầy tỳ khưu còn dùng cái còn lại sẽ phạm giới. Do đó, năm “món thuốc” này thường được giao cho một thầy sadi hay một người cư sĩ giữ để khi cần dâng đến thầy tỳ khưu. Trà, cà phê hay ca cao (không có sữa) đều được phép uống sau ngọ. Tất cả những thức được phép uống ấy cùng với tâm tri túc kiên cố trong mọi trường hợp và khả năng chịu đựng được rèn luyện, giúp thầy tỳ khưu (hay sadi) có đủ sức học tập, thực hành hoặc dạy dỗ.
Di chuyển
Vì lẽ, đúng theo giới luật, thầy tỳ khưu không được phép cầm tiền, nếu có ai thỉnh thầy đi đâu để thuyết Pháp hay để ở lại thì vị ấy cung cấp phương tiện di chuyển cho thầy. Nếu người thỉnh ở xa, không tiện đi đến rước thì mua vé xe rồi gửi đến thầy. Nếu cuộc hành trình xa hơn nữa, có một vị cư sĩ đi theo thầy tỳ khưu lo mua vé xe và cơm nước để được dâng cúng đúng lúc. Khi thầy phải đi một mình thì người thỉnh thường đến đón ở nhà ga hay bến xe.
Thầy tỳ khưu sẽ phạm giới nếu một mình cùng đi xa với một người phụ nữ. Vậy, nếu phải có người đi theo, người ấy phải là đàn ông (và khi đã có một người nam đi theo, người phụ nữ sẽ có thể đi cùng mà nhà sư không phạm giới). Đây là một biện pháp nữa để ngừa những lời dị nghị. Cùng đi trên một xe hơi, người tín nữ không được phép ngồi kế bên thầy tỳ khưu, thiện nam thì được. Tốt hơn, không nên để một người đàn bà ngồi lái xe một mình với thầy.
Có nhiều nơi không thích đáng để rước một vị sư đến gọi là “nơi không chơn chánh” đối với tỳ khưu như đám đông vui nhộn, hí viện, những nơi hòa nhạc, rạp chiếu phim, vận động trường, chỗ cờ bạc, chợ phiên, họp đêm, diễn binh, chiến trường v.v… Ai cũng có thể hiểu được vì sao thầy tỳ khưu không cần phải biết những kích thích của các nơi tương tự.