Đọc Luận Điểm Kathāvatthu – Lời Nói Đầu & Mục Lục – Tỳ Khưu Chánh Minh
Lời nói đầu
Kathāvatthu là bộ thứ năm trong bảy bộ của Tạng Thắng pháp (Abhidhammapiṭaka). Các vị Luận sư tiền bối gọi bộ này là “bộ phá”, vì nội dung bộ này tranh luận về những quan điểm khác nhau trong Phật giáo và những quan điểm sai lạc với truyền thống Phật giáo cổ truyền được chỉnh lý. Do vậy, chúng tôi tạm dịch Kathāvatthu là “Luận điểm”.
Tác giả bộ sách này là Đại Trưởng lão Moggaliputta Tissa (Tissa con của Moggali), thật ra Ngài Moggali Tissa nương theo lời dạy của Đức Thế Tôn, triển khai rộng ý nghĩa Phật ngôn mà thôi, không phải Ngài Moggaliputta Tissa sáng tác ra bộ kinh này.
Theo dòng thời gian xuôi chảy, sau gần ba thế kỷ kể từ khi Đức Thế Tôn viên tịch, vào thời vua Asoka (A-Dục) Phật giáo đã phân phái và có đến 18 tông phái trong Phật giáo, mỗi tông phái lại có quan điểm riêng khác với quan điểm truyền thống (Theravāda – Trưởng lão bộ). Theo lời yêu cầu của Ngài Moggaliputta Tissa, vua Asoka tổ chức cuộc Kết tập Phật ngôn lần III, đồng thời Đức vua Asoka là Đại hộ pháp cho cuộc Kết tập Phật ngôn lần III.
Nếu cuộc Kết tập Phật ngôn lần I với ý nghĩa là “trùng tuyên Phật ngôn” để gìn giữ Luật- Pháp do Đức Thế Tôn giáo truyền. Cuộc Kết tập Phật Ngôn lần II với ý nghĩa là “chỉnh lý về Luật”, thì cuộc Kết tập Phật ngôn lần III là cuộc “chỉnh lý về tri kiến hay về Pháp”.
Khi chính thức Kết tập Phật ngôn, phải trải qua 3 tháng của thời gian đầu, Theravāda cùng các bộ phái tranh biện về những quan điểm sai biệt và sau đó mới đi vào nội dung chính là Kết tập Phật ngôn, sau một năm cuộc Kết tập Phật ngôn lần III viên mãn.
Kathāvatthu (Luận điểm) gồm 23 chương, với 216 luận điểm sai biệt của 18 tông phái; trong đó luận điểm “Puggalakathā – Nhân ngữ” được Ngài Moggaliputta Tissa nêu lên trước tiên, đã nói lên tầm quan trọng của luận điểm này, đồng thời phản ánh triều tư tưởng đương thời. Quan điểm “người là chân ngã thường hằng bất biến” đã phổ cập rộng rãi trong Phật giáo vào thời kỳ đó cũng không có gì khó hiểu.
Trước khi Đức Phật xuất hiện, hệ thống tư tưởng Bà-la-môn đã ngự trị suốt thời gian dài trong tư tưởng của người Ấn cổ, Bà-la-môn giáo chủ trương “người là một sản phẩm xuất hiện do ý muốn của vị Phạm thiên và Phạm thiên ban cho người “sự sống – jīva” thường hằng, tư tưởng “có một bản ngã thường hằng bất biến” đã chìm sâu vào tiềm thức của người Ấn cổ.
Đức Phật xuất hiện hoằng pháp độ sinh với thời gian là 45 năm, thời gian này quá ngắn so với bề dày lịch sử gần ngàn năm ngự trị của Bà- la- môn giáo, chưa đủ làm phai nhòa, xóa bỏ chủ thuyết “có bản ngã trường tồn”.
Trong những trang Phật sử đã phản ánh triều tư tưởng này của Bà-là-môn giáo như kinh Phạm võng (Brahmajālasuttaṃ), kinh Ví dụ con rắn (Alagaddūpamasuttaṃ) … Và Đức Phật đã tuyên bố: “Sabbe dhammā anattāti … Các pháp là vô ngã”.
Những vị Đại đệ tử của Đức Thế Tôn như Ngài Añña Koṇḍañña (A-nhã Kiều- Trần- Như ), Ureuvelā Kassapa, Sāriputta (Xá-lợi-phất), Moggallāna (Mục-Kiền-Liên), Mahā Kaccāna (Đại Ca-Chiên Diên) … xuất thân từ Bà-la-môn giáo, tinh thông ba Tạng Veda (Vệ-đà) đã nói lên ưu thế của Bà-la- môn thời Đức Phật.
Thậm chí chính tác giả bộ sách này là Ngài Moggaliputta Tissa cũng từ Giáo hệ Bà-la-môn chuyển sang Phật giáo.
Có câu hỏi được nêu lên là: “Đã có sự chỉnh lý quan điểm này vào thế kỷ thứ III sau khi Đức Thế Tôn viên tịch. Vậy vì sao chủ thuyết này vẫn còn tồn tại cho đến thời hiện tại này?”.
Đáp. Tuy các bộ phái như Độc tử bộ (Vajjiputtaka), Chánh lượng bộ (Sammittiya) thua lý với Theravāda (Trưởng lão bộ), nhưng tâm chưa phục và vẫn âm thầm phát triển.
Chánh Lượng bộ có thời kỳ cực thịnh (vào thế kỷ thứ VII) trong khi các bộ phái khác dần dần bị suy tàn và vắng bóng. Thế là chủ thuyết “người là chân ngã thường hằng” vẫn tồn tại đến thời hiện tại.
Mặt khác, theo dòng thời gian có sự cải biên, “chân ngã” được thay thế bằng những ngôn từ khác để tránh bị cật vấn, xem như “bình mới rượu cũ”, có thế thôi.
Trong phần luận điểm “nhân ngữ” này, bộ phái Paravādī cho rằng: “Người viên tịch vẫn còn trong Níp-bàn”. Có khả năng từ tư tưởng này, thuyết “Hóa thân, thị hiện” ra đời.
Ngôn từ trong Kathāvatthu rất đơn giản, nhưng ẩn tàng những “gút” thâm sâu, vi tế.
Chúng tôi có tham khảo bản dịch “Bộ Ngữ Tông” của cố Đại Trưởng lão Santakicco (Tịnh Sự) và bản dịch từ Anh ngữ của chị Quỳnh Hương và anh Đổ Thành Minh (tức Tâm An – Minh Tuệ), cùng với Bản Sớ giải Kathāvatthu (Kathāvatthu- atthakathā) của Ngài Buddhaghosa.
Soạn phẩm này chỉ trình bày luận điểm trước tiên của tập Kathāvatthu, đó là “nhân ngữ”, gồm 21 luận cứ với 238 đoạn Chánh kinh. Những luận điểm còn lại, chúng tôi sẽ trình bày trong những tập sau.
Để độc giả tiện tham cứu đối chiếu, chúng tôi đưa Pāli ngữ từ Chánh tạng của bộ Kathāvatthu vào soạn phẩm này.
Chúng tôi rất mong các bậc cao minh rộng dung những sơ sót vấp phải và chỉ điểm thêm những phần tinh yếu của luận điểm “người là chân ngã bất biến”.
Soạn phẩm này chỉ là viên sỏi nhỏ đóng góp vào kho tàng tri thức Phật học sâu rộng vô biên mà thôi, chúng tôi không dám có cao vọng gì hơn.
Kính mong các bậc hiền minh cùng độc giả hoan hỷ với phước lành này vậy.
Tỳ-khưu Chánh Minh cẩn bạch.
Mục lục
Những chữ viết tắt
Phần I. Khai mở
Ba cuộc kết tập Phật Ngôn
A- Kết tập Phật Ngôn lần I
- Nguyên nhân kết tập Phật ngôn
- Địa điểm kết tập Phật Ngôn
- Thời điểm
- Cách thức kết tập
- Khiển trách Ngài Ānanda
- Trừng phạt Phạm Đàn với Ngài Channa
- Sự bất đồng của trưởng lão Purāṇa
B- Cuộc Kết tập Phật ngôn lần II
- Địa bàn Magadha (Ma-Kiệt-Đà)
- Nội dung kết tập Phật ngôn
- Mahāsaṅghika (Đại chúng bộ) hình thành
* Ngài Mahādeva (Đại Thiên)
C- Kết tập Phật ngôn lần III
- Vua Nanda
- Vua Bindusāra
- Mẹ vua Asoka (Adục)
- Du sĩ Janasoṇa
- Vua Asoka (Adục)
- Tiền nghiệp của vua Asoka
- Sadi Nigrodha
- Ông Hoàng Tissa
- Đại trưởng lão Moggalliputta Tissa
Sự phân phái và Luận Kāthavatthu
I- Sự xuất hiện các bộ phái
II- Kathāvatthu
Phần II. Luận Kathāvatthu
Chương I
Luận điểm 1. Puggalakathā
A- Vajjiputtaka
B- Samitiyavāda
Luận điểm 1. Quan điểm có chân ngã 47
Luận cứ 1. Không lẫn lộn sự thật cao tột (Suddhasaccikaṭṭho).
Luận cứ 2.Phản đối thuận tùng (paccanīkānulomaṃ).
Luận cứ 2 (tt). Sự thật cao tột ở mọi nơi (okāsasaccikaṭṭho).
Luận cứ 3. Sự thật cao tột ở mọi thời (kālasaccikaṭṭho
Luận cứ 4. Sự thật cao tột từng phần (avayavasaccikaṭṭho)
Luận cứ 5. So sánh không lẫn lộn (suddhasaṃsadanaṃ)
Luận cứ 6. So sánh đối chiếu (opammasaṃsaṇdanaṃ).
Luận cứ 7. So sánh theo bốn chi (catukkanayasaṃsandanaṃ).
Luận cứ 8. Giải thích theo đúng thực tướng (lakkhaṇayuttikathā).
Luận cứ 9. Ngôn ngữ chính xác (ngôn ngữ chính xác).
Luận cứ 10. Cật vấn Chế định (paññattānuyogo).
Luận cứ 11. Cật vấn nơi đến (gatianuyogo)
Luận cứ 12. Nương theo chế định cật vấn (upādāpaññattānuyogo)
Luận cứ 13. Cật vấn người làm (purisakārānuyogo)
Luận cứ 14. Cật vấn thần thông (abhiññānuyogo)
Luận cứ 15-18. Cật vấn thân tộc (ñātakānuyogādi)
Luận cứ 19. Cật vấn thông đạt (paṭivedhānuyogo)
Luận cứ 20. Cật vấn chúng Tăng (saṅghānuyogo)
Luận cứ 21. Cật vấn chung về sự thật cao tột (saccikaṭṭhasabhāgānuyogo)
Sách tham khảo