Lợi điểm của xuất gia lúc tuổi già là: Không còn tầm cầu dục lạc hạ liệt (ám chỉ tình dục), nhưng lại có những dính mắc khác như: Vợ, con, tài sản hay các vật dục (vatthukāma).

Lợi điểm của tuổi trẻ thì không bị vướng mắc, không bị trói buộc những thứ trên, nhưng đời sống xuất gia khó tồn tại lâu dài. Thực tế đã cho thấy rõ điều này và trong kinh điển cũng ghi nhận.

Có lần Đức Ānanda cùng đại chúng Tỳkhưu du hành ở Nam Sơn (Dakkhināgiri), rồi nhóm đệ tử trẻ tuổi của Ngài Ānanda (khoảng 30 vị) đã hoàn tục [82] .

Trong Trung bộ, bài kinh Catuma, Đức Phật có chỉ ra bốn tai nạn đang chực chờ đối với các tân Tỳkhưu, ví như người xuống nước có bốn điều sợ là:

– Sợ sóng (ūmibhayaṃ).

– Sợ cá sấu (kumbhīlabhayaṃ).

– Sợ nước xoáy (āvatabhayaṃ).

– Sợ cá dữ (susukabhayaṃ).

*- Sóng, ám chỉ sân hận, phẫn nộ. Vị Tỳkhưu thường sân hận, không thể trú lâu dài trong Giáo đoàn này.

*- Cá sấu, ám chỉ sự đói (vì cá Sấu ăn không hề biết độ lượng). Vị Tỳkhưu không chịu đựng được sự thiếu thốn vật thực, sẽ không trú lâu dài trong Giáo đoàn này.

*- Nước xoáy, ám chỉ năm dục tăng trưởng (sắc, thinh, hương, vị, xúc hấp dẫn liên hệ đến dục lạc). Vị Tỳkhưu không cảnh giác trước những nguy hại do năm dục mang lại, sẽ dễ dàng hoàn tục.

*- Cá dữ, ám chỉ nữ nhân. Vị Tỳkhưu không thu thúc các căn (indriya) dễ dàng hoàn tục.

Tóm lại: Người già rất khó xuất gia, nhưng khi xuất gia rồi, đời sống xuất gia được lâu dài. Trái lại người trẻ xuất gia rất thuận lợi vì không bị vướng mắc nhiều, nhưng khi xuất gia rồi, đời sống xuất gia khó duy trì được lâu dài.

Đức Phật có dạy:

“Duppabbajjam, durabhiramaṃ…

Xuất gia là khó, vui thích với sự xuất gia là khó … [83]

4- Trú xứ của bậc xuất gia.

Xuất gia với ý nghĩa “thoát ra những ô nhiễm”, thì bất cứ nơi nào ô nhiễm cũng có thể xuất hiện.

Điều kiện thuận lợi cho ô nhiễm sinh khởi chính là vật dục (vatthukāma), là sắc, thinh, hương, vị, xúc, hạn chế và xa lánh những nơi có nhiều điều kiện cho ô nhiểm sinh khởi, đó là việc cần làm.

“Atthi, bhikkhave, āsavā parivajjanā pahātappā.

“Này các Tỳkhưu, có những ô nhiễm (āsava) do xa lánh được diệt trừ [84] .

Trong Bổn sanh, các nhà Hiền trí như Sumedha, anh em Hatthipāla … sau khi xuất gia, ẩn trú nơi núi Tuyết (Himalaya). Có phải khi xuất gia phải đi vào núi Tuyết để tu tập không? Không cần thiết phải như vậy, vì đó chỉ là địa điểm thích hợp với hoàn cảnh có được đối với các Ngài.

Chúng ta tìm thấy Bổn sanh vua Nimi [85] , là hậu thân của vua Makkhādeva.

Khi vua Makkhādeva xuất gia, Ngài đi vào rừng xoài của Hoàng tộc gần kinh thành Mitthilāđể tu tập tứ vô lượng tâm và chứng thiền, mệnh chung sinh về Phạm thiên giới.

Kể từ Đức vua Makhādeva trở đi, các hậu duệ của Đức vua khi “thấy sợi tóc bạc” xuất hiện trên đầu, đều từ bỏ vương quyền, sống đời sống xuất gia (đây cũng là xuất gia theo truyền thống), trải qua 84 ngàn vị như thế, và tất cả cũng vào rừng xoài tu tập và chứng thiền sinh về Phạm thiên giới.

Vị Phạm thiên (tiền thân là Makhādeva) lại tái sinh trở lại Vương tộc này, Ngài có tên là Nimi, sở dĩ Ngài có tên Nimi vì khi sinh ra các Bàlamôn chiêm tướng tiên đoán rằng:

-“Thưa Đại vương, vị Tử hoàng này sinh ra để kế tục sự nghiệp vương gia, sau vị này sẽ không còn vị vua nào trong Hoàng tộc xuất gia làm ẩn sĩ nữa”.

Đức vua hài lòng rằng:

– Hài tử này ra đời, khiến cho sự nghiệp các vị vua liên tục, ví như vành xe không bị vết nứt, (ý Đức vua muốn nói: Hài tử này là người xuất gia theo truyền thống vương tộv cuối cùng. Ví như dấu chấm cuối cùng của một vòng tròn, dấu cuối cùng nối liền dấu chấm đầu tiên)

Vì thế Đức vua đặt tên cho con là Nimi kumāra [86] (hay Nemi kumāra), rồi khi thấy sợi tóc bạc xuất hiện, Đức vua Nimi lại xuất gia và đó cũng là vị vua sau cùng của truyền thống này.

Rõ ràng, nơi ẩn cư không phải là chủ yếu, chủ yếu chính là tâm lý “thoát ra”, nhưng “nơi thanh vắng” để ẩn cư tu tập là điều không thể bỏ qua.

Nơi thanh vắng ấy là gì? Đó là rừng núi, cội cây, đống rơm, nơi nhà trống. Như Đức Phật dạy:

“Idha bhikkhave, bhikkhu araññāgato vā rukkhamūlagato vā suññāgāragato…

Này các Tỳkhưu, ở đây vị Tỳkhưu đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà vắng… [87] .

Các bộ Sớ giải có giải thích:

Rừng: Chỉ cho bất cứ loại rừng nào có thể trú ngụ được, như: Rừng tre (veḷuvana), rừng sồi, rừng xoài, rừng lớn (mahāvana), rừng nhỏ(vana)… cách căn nhà đầu tiên của khu làng tối thiểu là 500 cây cung của người bậc trung (tương đương 350 m).

Rừng là nơi xa hẳn tiếng ồn ào của dân chúng, rừng có thể xa thành phố, có thể cận thành phố, như khu rừng Jeta (Jetavana) hay khu rừng Trúc (Veḷuvana).

Rừng không phải là nơi hoàn toàn thanh nhã u mặc, trái lại rừng là nơi chứa đựng nhiều bất trắc, nguy hại, những bất ổn này có thể phát sinh từ thú dữ, các loại độc động – thực vật, bọn cướp, phi nhân …

Rừng cũng chưa hẳn hoàn toàn không có tiếng động, vì tiếng chim, tiếng thú rừng, tiếng cọp gầm … cũng làm kinh động rừng núi.

Bàlamôn Jāṇusoni có bạch với Đức Thế Tôn rằng:

“Durabhisambhavāni hi bho Gotama araññe-vanapatthāni pantāni senāsanāni, dukkaraṃ pavivekaṃ, durabhiramaṃ.

“Thưa Tôn giả Gotama, những trú xứ xa vắng như rừng (vana)[88], rừng sâu (arañña), thật khó thích thú (với) những gì có nơi đó (durabhisambhavāni), khó làm cho yên tỉnh, khó có thích thú cao.

Ekatte, haranti maññe mano vanāni sadhiṃ alabhamānassa bhikkhuno’ti.

“Tôi nghĩ rằng “vị Tỳkhưu chưa chứng định, ở rừng một mình, rừng mang đến rối loạn tâm”.

Đức Phật thừa nhận: “Evaṃ etaṃ brahmaṇa, evaṃ etaṃ brahmaṇa.

“Này Bàlamôn, thật sự là như vậy, này Bàlamôn, thật sự là như vậy.” [89]

Tiếp theo Đức Phật mô tả khu rừng Uruvela khi Ngài còn là Bồtát đã trú ẩn để tu tập, có những nơi trong khu rừng rất đáng sợ hãi.

“Tatra ca me brahmaṇa viharato mago vā āgacchati moro vā kaṭṭhaṃ pāteti vāto vā paṇṇasataṃ ereti. Tassa mayhaṃ evaṃ hoti: Etaṃ nūna taṃ bhayabheravaṃ āgacchati”.

“Này Bàlamôn, khi ta ở tại các nơi ấy, một con thú có thể đến, hay con công làm rơi nhánh cây, hay gió làm rung động lá [90] . Nơi ta khởi lên như vầy: Sợ hãi và khiếp đảm này đã đến” (sđd).

Một chỗ ở mà một con thú (dữ) có thể đến, nơi có gió độc đi qua, thậm chí một cành cây rơi xuống (báo hiệu có thể có thú dữ như rắn, gấu, beo… xuất hiện) khiến phát sinh sợ hãi, thì trú xứ này quả thật không đáng hài lòng, không là nơi ngụ với sự thích thú cao của những ai còn vướng mắc với tự ngã hay các vật dục khả ái.

Một đoạn kinh khác, Đức Thế Tôn mô tả khu rừng mà Đức Phật Vessabhū giáo huấn các đệ tử, một khu rừng ghê rợn mà:

Tatra sudaṃ, Sāriputta, bhiṃsanakassa vanasaṇḍassa bhiṃsankatasmiṃ hoti, yo koci avītarāgo taṃ vanasaṇḍaṃ pavisati, yebhuyyena lomāni haṃsanti. (Chương Verañja. 19)

“Này Sāriputta (Xálợiphất), vào trường hợp ấy, trong khi đã bị kinh sợ với khu rừng ghê rợn, người nào chưa dứt bỏ ái dục [91] đi vào khu rừng ấy thì hầu hết các sợi lông sẽ dựng đứng lên. [92]

Trú trong rừng có hai cách: Ở am tranh, các hang, động, bọng cây … hay ở dưới cội cây .

Bồtát Sumedha khi xuất gia, Ngài đi vào khu rừng Dhammika, trước tiên Ngài trú ngụ nơi thảo xá có trước, như Sớ giải Chánh giác tông (Buddhavaṃsa-atthakathā), có ghi:

“Himavantassāvidūre, Dhammiko nāma pabbato;

Assamo sukato mayhaṃ, paṇṇasālā sumāpitā.

“Gần Hymãlạpsơn, trên núi có tên là Dhammika;

Ẩn xứ của ta rất thích hợp, thảo xá được khéo làm [93] .”

Thảo xá (paṇṇasālā) này không do Bồtát làm, cũng không do thiên tử Vissakamma theo lịnh Thiên vương ĐếThích (Sakka) tạo ra, thảo xá có được là do phước riêng của Bồtát, như Pāli:

“… na ca pana sahatthā māpitā, kintu sakkena devena pesite Vissakammunā devaputtena nimmitā. Bhagavā pana tadā attano puññānubhāvena nibbattaṃ.”

“ … (thảo xá) không tự đôi tay vị ấy tạo ra, cũng không do thiên tử Vissakamma tạo ra theo lịnh vua Trời ĐếThích vì không có dấu hiện (nào) của chư thiên. Đức Thế Tôn dạy “đó là do phước của Ta phát sinh lên”(sđd, Budv.33).

Như vậy, có thể hiểu “thảo xá” ấy có trước, là nơi cư ngự của một đạo sĩ nào đó. Vị đạo sĩ àny đã bỏ đi hay đã mệnh chung.

Cội cây (rukkhamūla).

Dưới cội cây nào cũng được, nhưng nơi ấy phải là nơi thanh vắng, không có (hay ít) người qua lại.

Trú trong thảo xá có 8 khuyết điểm (aṭṭhadosasamākiṇṇa), trú dưới cội cây có 10 ưu điểm.

Tám khuyết điểm của thảo xá là:

1’- Phải chuẩn bị nhiều vật liệu như cỏ, lá, đất sét … để xây dựng.

2’- Phải bị hư cũ.

3’- Phải tu bổ.

4’- Tu bổ lúc sái thời khiến mất an tịnh.

5’- Có được thân xúc an lạc vì tránh được nóng, lạnh, sẽ dẫn đến ái thân.

6’- Là nơi kín đáo, có thể làm những điều tội lỗi.

7’- Có sự ái luyến nơi trú ngụ.

8’- Có sự cộng trú với những côn trùng hay rắn rết ….

Mười ưu điểm của cội cây là:

1’- Không mất thời gian để chẩn bị.

2’- Ít sửa soạn.

3’- Kiếm được dễ dàng và vô tội.

4’- Sự thay đổi lá cây thường xuyên, dễ cảm nhận lý vô thường.

5’- Không bị ganh tỵ (vì không ai ganh tỵ với chỗ trú như thế).

6’- Ở nơi trống vắng sẽ cảm thấy xấu hổ khi làm tội lỗi.

7’- Không ái luyến trú xứ.

8’- Cộng trú với các thọ thần.

9’- Được an vui.

10’- Tâm không bận rộn do mất trú xứ, vì tìm được trú xứ khác dễ dàng. (sđd, Budv.31).

Ngôi nhà trống.

Là nơi để tu tập, nơi đó không phải là nhà kho, không là nơi sinh hoạt chung cho những người cộng trú, đồng thời nơi đó không có những vật dụng tiện nghi.

Như vậy, “nơi thanh vắng” ám chỉ nơi vắng mặt những sắc, thinh, hương, vị, xúc khả ái, hấp dẫn làm duyên sinh khởi tham dục.

5- Đặc tính của xuất gia.

Tuy phẩm mạo tại gia hay xuất gia chỉ là thứ yếu, điều quan trọng là thực hành pháp. Dù là tại gia nhưng thực hành đúng pháp vẫn chứng đạt Thánh quả, trái lại bậc xuất gia không thực hành đúng pháp không thể chứng Thánh quả, như Phật ngôn:

Alaṅkato ce’pi samaṃ careyya; santo danto niyato brahmacārī

Sabbesu bhūtesu nidhāya daṇḍaṃ; so brāhmaṇo so samaṇo sa bikkhu.

“Ai sống tự trang sức, nhưng an tịnh nhiếp phục,

Sống kiên trì phạm hạnh, không hại mọi sinh linh.

Vị ấy là Phạm chí, hay Samôn – khất sĩ [94] .

Tuy vậy, không nên xem nhẹ phẩm mạo xuất gia, Đức Nāgasena có giảng cho vua Milinda hiểu về những đặc tính (hay ân đức) của bậc xuất gia như sau [95] :

Phẩm mạo xuất gia là nơi nâng đở quả vị Alahán.

Tức là cư sĩ chứng quả Alahán, nếu không xuất gia trong ngày, vị ấy sẽ viên tịch (parinibbaana) ngay trong ngày ấy.

– Làm thành tựu mọi ước nguyện.

Ví như ngọc Mani tên là Kāmadda có thể làm thành tựu mọi ước nguyện, đặc tính của xuất gia cũng như thế đó.

– Không thể ước lượng ân đức.

Ví như biển lớn dung chứa sóng lớn, sông nhỏ không thể dung chứa được, và không thể ước lượng sức chứa của biển lớn.

Cũng vậy, phẩm mạo tại gia không thể dung chứa những ân đức lớn, phẩm mạo xuất gia dung chứa được các ân đức lớn (như biển lớn) và không thể ước lượng được ân đức xuất gia .

Chứng đắc Đạo quả nhanh và dễ dàng hơn tại gia.

Vì bậc xuất gia là bậc ít ham muốn (appiccho), biết đủ (santuṭṭha), trong sạch (visuddhi) và chỉ ở nơi thanh vắng (vivitto).

Lại nữa, bậc xuất gia đã thoát ra 10 sự ràng buộc là: Mẹ (mātā), cha (pitā), vợ (bhariyā), con (putta), thân quyến (ñāti), bạn bè (mitta), tài sản (dhana), lợi lộc (lābhāsakhāra), danh vọng (yasa) và năm dục tăng trưởng (kāmaguṇa) cột trói chúng sinh [96] .

Lợi ích của xuất gia.

Sự xuất gia mang đến 9 điều lợi ích là:

1’- Ít ham muốn (appiccho).

2’- Có sự biết đủ (santuṭṭho).

3’- Ở nơi thanh vắng (vivitto)

4’- Không phe nhóm (asaṃsattho).

5’- Không có mến tiếc (nirālayo).

6’- Không có chỗ ở nhất định (anikketo).

7’- Đầy đủ giới hạnh (vì dễ giữ giới) (paripunnasīlo).

8’- Có hạnh kiểm trang nghiêm (sallekhitācāro).

9’- Thông thạo cách hành pháp tinh cần (dhutaṅga paṭipattikusalo)[97].

6- Nghi thức xuất gia.

Thọ tỳkhưu giới.

Ngoại trừ những tu sĩ xuất gia độc lập, không theo tín lý của một giáo thuyết nào, như Bồtát Sumedha, Temiya, Siddhattha… các Ngài chỉ cần cắt bỏ râu tóc, đấp lên mình chiếc y hoại sắc, là trở thành bậc xuất gia.

Riêng mỗi giáo hệ, hẵng nhiên đều có nghi thức xuất gia riêng để trở thành một thành viên chính thức trong giáo hệ.

Trong Kinh điển Phật giáo thì nghi thức để chính thức trở thành một thành viên của Giáo đoàn, đó là nghi thức xuất gia thọ Tỳkhưu giới.

Và nên ghi nhận, những nghi thức được trình bày sau đây chỉ có trong thời Đức Chánh giác Gotama, còn trong thời Giáo pháp của các vị Chánh giác quá khứ hay vị lai, nghi thức thọ Tỳkhưu giới có thể khác đi (có khả năng ngoại trừ cách xuất gia bằng thần thông ehibhikkhu: Hãy đến đây vị tỳ khưu”).

Có năm cách thọ Tỳkhưu giới (upasampadāsīlā: cụ túc giới)là:

a-Thọ cụ túc giới bằng lời gọi:“Hãy đến đây, này Tỳkhưu” (Ehi bhikkhupasampadā).

Là cận sự nam hay du sĩ, đạo sĩ ngoài Giáo pháp này, sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, chứng đạo quả, có ý nguyện xuất gia trong Giáo pháp này, Đức Phật quán xét duyên lành bố thí của người này trong quá khứ: “Đã từng cúng dường đến các bậc Samôn tám món vật dụng (Tam y, bát, dây thắt lưng, dao cạo tóc, ống đựng kim chỉ, vải lọc nước)”.

Đức Phật đưa tay gọi “Ehi bhikkhu: đến đây này Tỳkhưu”, lập tức vị ấy rụng râu tóc, trên người có đầy đủ tám dụng cụ của vị Sa môn và Ngài có tăng tướng như vị Trưởng lão có trăm tuổi đạo.

Đức Añña Koṇḍañña là người đầu tiên thọ Tỳ khưu giới cách này, tiếp theo là Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma và Ngài Assaji.

Thật ra, 5 Ngài đã là bậc xuất gia, nhưng Ngài Koṇḍañña (KiềuTrầnNhư) sau khi đắc Pháp, Ngài bạch với Đức Thế Tôn rằng:

“Bạch Ngài, con có thể xuất gia trong sự hiện diện của Đức Thế Tôn không? Con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Ehi bhikkhu’ ti, svākkhāto dhammo, cara brahmacariyam. Sammā dukkhassa antakiriyāyā’ti.

– Này Tỳkhưu, hãy đến đây. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau. [98]

Tương tự như thế đối với 4 vị còn lại. Ở đây, chúng ta có thể hiểu “cả năm Ngài Añña Koṇḍañña (A-nhã Kiềutrầnnhư) đã là bậc xuất gia trước, sự xin xuất gia với Đức Thế Tôn chỉ là cách hợp thức hóa phẩm mạo xuất gia trong Giáo pháp này.

Thật ra, cư sĩ vẫn có thể xuất gia bằng cách Ehibhikkhu, đó là trường hợp của Ngài Yasa và 54 người bạn (sđd)”.

Tạng Luật, bộ Đại phẩm (sđd) ghi nhận: Có 1341 vị (hoặc có 1346 vị) xuất gia bằng cách Ehi bhikkhu như sau:

– Nhóm Ngài Kiều Trần Như: 5 vị

– Nhóm Ngài Yasa: 55 vị

– Nhóm Hoàng tử Bhadda: 30 vị

– Nhóm đạo sĩ thờ thần lửa Kassapa: 1000 vị

– Nhóm hai vị Thượng Thủ Thinh Văn: 250 vị

– Ngài Aṅgulimāla: 1 vị

Tổng cộng: 1341 vị.

(Nếu tính nhóm của Ngài Uruvelakassapa là 1003 vị, nhóm hai vị Thượng thủ Thinh văn là 252 vị, thì số lượng là:1346 vị)

b- Thọ Tỳkhưu giới bằng “ba nương nhờ – Tisarana”.

Trong luật Mahāvagga (Đại phẩm) có ghi:

Khi chư thánh Tăng đi khắp nơi rao giảng Giáo pháp, một số cận sự nam muốn xuất gia, các Ngài cùng những cận sự nam ấy trở về yết kiến Đức Thế Tôn xin Ngài cho xuất gia. Để tránh mệt nhọc cho cả thầy lẫn trò, Đức Phật dạy rằng:

Anujānāmi bhikkhave imehi tīhi saraṇaga mamhi pabbajjaṃ upasampadaṃ.

Này chư Tỷ kheo! Như Lai cho phép xuất gia thọ Tỳ khưu giới bằng Tam quy là:

Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi: Con xin quy ngưỡng Đức Phật.

Dhammaṃ saranaṃ gacchāmi: Con xin quy ngưỡng Giáo pháp.

Saṅghaṃ saranaṃ gacchāmi: Con xin quy ngưỡng Đức Tăng [99] .

c- Thọ Tỳkhưu giới bằng Tứ Tác Bạch Tuyên Ngôn (ñatti catuṭṭha kammūpasampadā) là:

Một lần thông tri (ñatti) và ba lần tuyên bố (kammavācā).

Cách thọ này hình thành do sự kiện xuất gia của Ngài Rādha, vì khi Ngài Rādha xin được xuất gia trong Giáo pháp này, một số chư Tỳkhưu không đồng ý, do đó “có sự hỏi ý” của chư Tỳkhưu, khi chư Tỳkhưu đều đồng ý qua hình thức im lặng thì giới tử chính thức là vị Tỳkhưu và nghi thức này được lưu truyền cho đến nay [100] .

dĐắc giới Tỳkhưu do thọ nhận “lời giáo huấn”.

Đây là trường hợp đặc biệt chỉ có cho Ngài Mahā Kassapa.

Đức Thế Tôn thấy được duyên lành của Ngài Mahā Kassapa, Ngài đi đến đền Bahuputta, ngôi đền này nằm giữa hai thành phố Vương xá (Rājagaha) và Nalandā.

Để tế độ Đức Mahā Kassapa, Đức Phật dạy Ngài Mahā Kassapa ba điều:

“Tasmātiha te, Kassapa, evaṃ sikkhitabbaṃ – “tibbaṃ me hirottappaṃ paccupaṭṭhitaṃ bhavissati theresu navesu majjhimesū’ti. Evañhite, Kassapa, sikkhitabbaṃ.

“Do vậy, này Kassapa, ngươi nên học tập như vầy: “Đối với bậc cao, trung hay thấp, tôi đều có sự hổ thẹn tội lỗi (tàm -hiri) và ghê sợ tội lỗi (quý – ottappa). Này Kassapa, ngươi nên thực hành như vậy.

“Tasmātiha te, Kassapa, evaṃ sikkhitabbaṃ – “yaṃ kiñci dhammaṃ sunissāmi kusalūpasaṃhitaṃ sabbaṃ taṃ aṭṭhiṃ katvā manasi karitvā sabbacetasā samannāharitvā ohitasoto dhammaṃ suṇissāmī’ti. Evañhite, Kassapa, sikkhitabbaṃ.

“Do vậy, này Kassapa, ngươi nên học tập như vầy: “Những pháp nào liên hệ đến thiện, tất cả những pháp ấy tôi lắng nghe với sự chú ý, lắng nghe với tất cả tâm lực. Này Kassapa, ngươi nên thực hành như vậy.

“Tasmātiha te, Kassapa, evaṃ sikkhitabbaṃ – “sātasahagatā ca me kāyagatāsati na vijahissatī’ti. Evañhite, Kassapa, sikkhitabbaṃ.

“Do vậy, này Kassapa, ngươi nên học tập như vầy: Phàm niệm nào thuộc thân hành, sanh chung với hỷ, tôi không bỏ niệm ấy. Này Kassapa, ngươi nên thực hành như vậy.

Trên đường theo Đức Thế Tôn về thành Vương xá (Rājagaha), Đức Mahā Kassapa cúng dường đến Đức Thế Tôn chiếc y ngự hàn [101] , và Đức Thế Tôn ban cho Đức Mahā Kassapa chiếc y phấn tảo của Ngài (chiếc y này tự thân Đức Thế Tôn tìm, giặt, phơi và làm thành bộ y [102] , tương truyền rằng: Trong đời Đức Thế Tôn chỉ có một lần tìm y phấn tảo này mà thôi).

Và Đức Mahā Kassapa đã tuyên bố với Đức Ānanda rằng:

Yañhi taṃ, āvuso, sammā vadamāno vadeyya “bhagavato putto oraso mukhato jāto dhammajo dhammanimmito dhammadādo, paṭiggahitāni, sāṇāni paṃsukūlāni nibbasanātī’ti”.

“Và nầy Hiền giả, nếu nói chân chánh về ta, thời ta là con ruột Thế Tôn được sinh ra từ miệng, sinh ra từ Pháp, hóa sinh từ pháp, Ta thừa tự chánh pháp vì đã nhận được tấm y phấn tảo, làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ” [103] .

Đức Mahā Kassapa (Đại Cadiếp) sau khi xuất gia được 7 ngày, vào ngày thứ 8 Ngài chứng quả Alahán.

e- Đắc cụ túc giới do “vấn đáp pháp”.

Đây là trường hợp của Ngài Sopāka [104] .

Theo bộ Sớ giải “kệ ngôn Trưởng lão – Theragāthā”, thì Ngài Sopāka là con một người cùng đinh, khi được 4 tháng thì cha mất, mẹ cậu gửi cậu cho người cậu nuôi dưỡng.

Khi được 7 tuổi, do một cuộc cải vả với con người cậu, Sopāka bị người cậu cột hai tay vào cổ một tử thi trong bải tha ma để cho những con chó rừng đến sát hại.

Trong đêm ấy, vào lúc gần sáng Sopaka kinh hoàng than khóc, cầu cứu Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn thấy được duyên lành của Sopāka, Ngài phóng hào quang đến nghĩa địa thuyết lên kệ ngôn:

“Ehi Sopāka mābhāyi, olokassu tathāgataṃ

Ahaṃ taṃ tārayissāmi, rāhumukheva candimaṅ’ti.

“Hãy đến đây, này So-pa-ka, con chớ có sợ hãi.

Hãy hướng nhìn Như Lai, Ta giúp con giải thoát.

Như mặt trăng thoát khỏi, nanh vuốt chúa Ra-hu.

Với uy lực của Đức Phật, cậu bé 7 tuổi Sopāka chợt có sức mạnh, bứt đứt dây trói. Vừa lúc dứt kệ ngôn, Sopāka chứng quả Dự lưu và đứng trước Hương phòng của Đức Phật.

Bà mẹ Ngài Sopāka đi tìm con, hỏi người cậu, người cậu im lặng, bà suy nghĩ “Đức Thế Tôn biết tất cả mọi việc. Ta hãy đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và tìm Sopāka”.

Khi mẹ Ngài tìm đến nơi ngự của Đức Thế Tôn, bậc Đạo sư che dấu Ngài Sopāka bằng thần thông, khi bà hỏi thăm Sopāka, Đức Thế Tôn không trả lời câu hỏi của bà, trái lại Ngài thuyết lên kệ ngôn:

“Na santi puttā tāṇāya, na pitā nāpi bandhavā;

Antakenādhipannassa, natthi ñātīsu tāṇatā’ti”. [105]

“Không thể nương tựa từ những người con, kể cả cha hay quyến thuộc cũng vậy. Khi tử thần đã đến, người không thể nương tựa vào quyến thuộc.

Dứt kệ ngôn, bà chứng quả Dự lưu, còn Ngài Sopāka chứng quả Alahán, Đức Thế Tôn thu hồi thần thông, mẹ Ngài sung sướng khi gặp lại Ngài và biết được Ngài đã thành tựu bậc Alahán nên hoan hỷ chấp thuận Ngài xuất gia.

Thế rồi, khi Đức Phật đi kinh hành, Ngài Sopāka theo sau Ngài từng bước. Đức Thế Tôn muốn tế độ Ngài, đã hỏi Ngài 10 câu hỏi như sau:

Eka nāma kiṃ? Thế nào là một?

Hiểu ý Đức Thế Tôn, Ngài Sopāka đáp:

“Sabbe sattā āhāraṭṭhikā: Tất cả chúng sinh tồn tại nhờ vật thực”.

Dve nāma kiṃ? Thế nào là hai?

Nāmañca rūpañca: Danh và sắc.

Tīni nāma kiṃ? Thế nào là ba?

Tisso vedanā: Ba thọ.

Cattāri nāma kiṃ? Thế nào là bốn?.

Cattāri ariyasaccāni: Tứ Thánh đế.

Pañca nāma kiṃ? Thế nào là năm?

Pañcupādānakkhandhā: Năm thủ uẩn.

Cha nāmakim? Thế nào là sáu?

Cha ajjhattikāniāyatanāni: Sáu nội xứ.

Satta nāmakim? Thế nào là bảy?

Satta bojjhaṅgā: Thất giác chi.

Aṭṭha nāma kiṃ? Thế nào là tám?

Ariyo aṭṭhaṅgiko maggo: Bát Thánh Đạo.

Nava nāma kiṃ? Thế nào là chín?

Nava sattāvāsā: Chín hữu tình cư.

Dasa nāma kiṃ? Thế nào là mười.

Dasāhaṅgehi samannāgato arahāti vuccatī’ti: Gọi là mười chi phần Alahán.

Khi dứt 10 câu hỏi và trả lời của Ngài Sopāka, Đức Thế Tôn ban cho Sadi Sopāka địa vị Thera (trưởng lão). Và việc thọ Cụ túc giới này được gọi là Pañhabyā-karana upasampadā: “Vấn đáp cụ túc”.

Trong Kệ ngôn Trưởng lão Tăng (Theragāthā), Ngài Sopāka có lập lại lời dạy của Đức Thế Tôn:

Ajjatagge maṃ Sopāka, dassanāyopasaṅkama,

Esā ceva te Sopāka, bhavatu upasampadā.(485).

“Kể từ ngày hôm nay, hỡi này So-pa-ka

Ngươi tự do yết kiến, hỡi này So-pa-ka.

Việc trả lời câu hỏi, là Cụ túc của ngươi.

Và Ngài Sopāka cũng tự nhận là:

“Jātiyā sattavassohaṃ, laddhāna upasampadaṃ

Dhāremi antimaṃ dehaṃ, aho dhammasudhammatā’ti. (486).

“Bảy năm từ khi sinh, Ta được thọ Cụ túc.

Đây là thân cuối cùng, vi diệu thay pháp lành.”

Ngoài ra, trong bản sớ giải kinh Pháp cú có nêu lên câu truyện của Ngài Cūla Sumana [106] (Tiểu Thiện ý), Ngài là đệ tử của Đức Anuruddha, xuất gia lúc 7 tuổi, chứng quả Alahán cùng pháp thần thông ngay khi vừa cạo xong tóc.

Ngài được Đức Thế Tôn ban cho địa vị Thera (Trưởng lão) [107] khi thể hiện năng lực thần thông. Tương truyền, trong thời Đức Phật có 2 vị Sadi 7 tuổi được Đức Thế Tôn ban cho địa vị Trưởng lão, đó là hai Ngài: Sopāka và Cūla Sumana.

Thọ giới Tỳkhưu ni.

Có ba cách:

a- Thọ tám trọng pháp (garudhamma).

Đây là Cụ túc giới của bà Mahā Pajāpati Gotamī (bà KiềuĐàmNi). Tám trọng pháp là:

Vassasatūpasampannāya bhikkhuniyā tadahupasampannassa bhikkhuno abhivādanaṃ paccuṭṭhānaṃ añjalikammaṃ sāmīcikammaṃ kātabbaṃ.

1’- Vị Tỳkhưu ni tu được 100 năm, cũng phải đảnh lễ, đứng dậy chào, chấp tay và hành động hợp lẽ đối với vị Tỳkhưu mới xuất gia trong ngày ấy.

Ayampi dhammo sakkatvā garukatvā mānetvā pūjetvā yāvajīvaṃ anatikkamanīyo.

Đây là trọng pháp cần phải gìn giữ, cung kính, tôn trọng, thực hành (pūjetvā), và trọn đời không vi phạm.

Na bhikkhuniyā abhikkhuke āvāse vassaṃ vasitabbaṃ.

2’-Tỳkhưu ni không được an cư mùa mưa nơi không có Tỳkhưu.

Ayampi dhammo sakkatvā garukatvā mānetvā pūjetvā yāvajīvaṃ anatikkamanīyo.

Đây là trọng pháp cần phải gìn giữ, cung kính, tôn trọng, thực hành (pūjetvā), và trọn đời không vi phạm.

Anvaddhamāsaṃ bhikkhuniyā bhikkhusaṅghato dve dhammā paccāsīsitabbā uposathapucchakañca, ovādūpasaṅkamanañca.

3’- Mỗi nửa tháng Tỳkhưu ni hỏi chư Tỳkhưu ngày làm lễ Uposatha và đến để nghe Giáo giới của Tỳkhưu.

Ayampi dhammo sakkatvā garukatvā mānetvā pūjetvā yāvajīvaṃ anatikkamanīyo.

Đây là trọng pháp cần phải gìn giữ, cung kính, tôn trọng, thực hành (pūjetvā), và trọn đời không vi phạm.

Vassaṃvuṭṭhāya bhikkhuniyā ubhatosaṅghe tīhi ṭhānehi pavāretabbaṃ diṭṭhena vā, suttena vā, parisaṅkāya vā.

4’- Tỳkhưu ni mãn mùa an cư, phải làm lễ Tự tứ (pavāraṇā) giữa lưỡng phái Tăng với ba yêu cầu: Do thấy, do nghe, do nghi [108] .

 Ayampi dhammo sakkatvā garukatvā mānetvā pūjetvā yāvajīvaṃ anatikkamanīyo.

Đây là trọng pháp cần phải gìn giữ, cung kính, tôn trọng, thực hành (pūjetvā), và trọn đời không vi phạm.

Garudhammaṃ ajjhāpannāya bhikkhuniyā ubhatosaṅghe pakkhamānattaṃ caritabbaṃ.

5’- Tỳkhưu ni phạm trọng tội phải chịu hình phạt mānatta [109] nửa tháng ở cả hai hội chúng (Ni và Tăng).

Ayampi dhammo sakkatvā garukatvā mānetvā pūjetvā yāvajīvaṃ anatikkamanīyo.

Đây là trọng pháp cần phải gìn giữ, cung kính, tôn trọng, thực hành (pūjetvā), và trọn đời không vi phạm.

Dve vassāni chasu dhammesu sikkhitasikkhāya sikkhamānāya ubhatosaṅghe upasampadā pariyesitabbā.

6’- Sau khi thọ học nữ giới [110] hai năm, (Sadi ni) phải thọ cụ túc (upasampadā) ở lưỡng phái Tăng.

Ayampi dhammo sakkatvā garukatvā mānetvā pūjetvā yāvajīvaṃ anatikkamanīyo.

Đây là trọng pháp cần phải gìn giữ, cung kính, tôn trọng, thực hành (pūjetvā), và trọn đời không vi phạm.

Na bhikkhuniyā kenaci pariyāyena bhikkhu akkositabbo paribhāsitabbo.

7’- Không vì một duyên cớ nào, Tỳkhưu ni có thể mắng nhiếc, chỉ trích Tỳkhưu [111] .

 Ayampi dhammo sakkatvā garukatvā mānetvā pūjetvā yāvajīvaṃ anatikkamanīyo.

Đây là trọng pháp cần phải gìn giữ, cung kính, tôn trọng, thực hành (pūjetvā), và trọn đời không vi phạm.

Ajjatagge ovaṭo bhikkhunīnaṃ bhikkhūsu vacanapatho, anovaṭo bhikkhūnaṃ bhikkhunīsu vacanapatho.

8’- Kể từ hôm nay, có sự gióo giới, phê bình của Tỳkhưu đối với Tỳkhưu ni, không có sự giáo giới, phê bình của Tỳkhưu ni đối với Tỳkhưu.

Ayampi dhammo sakkatvā garukatvā mānetvā pūjetvā yāvajīvaṃ anatikkamaniiyo.

Đây là trọng pháp cần phải gìn giữ, cung kính, tôn trọng, thực hành (pūjetvā), và trọn đời không vi phạm [112] .

Về sau có những Tỳkhưu ni cho rằng “Bà Gotamī chưa thọ giới Tỳkhưu ni”. Đức Thế Tôn xác nhận:

“Yadaggena, Ānanda, Mahāpajāpatiyā Gotamiyā aṭṭha garudhadhammā paṭiggahitā, tadeva sā upasampannā’ti”.

Này Ānanda, kể từ lúc bà Mahāpajāpati Gotamī thọ nhận tám trọng pháp, đó là Tỳkhưu giới của bà.” [113]

 Trường hợp xuất gia thọ Tỳkhưu giới này chỉ có cho bà Mahāpajāpati Gotamī mà thôi.

b- Thọ Tỳ khưu ni giới bằng cách nhờ người đại diện

Đây là trường hợp đặc biệt chỉ có cho cô Aḍḍhakāsī.

Trước khi xuất gia nàng Aḍḍhakāsī là một kỹ nữ nổi tiếng, khi thọ giới Tỳ khưu ni giữa chư ni rồi, theo luật thì nàng phải thọ giới giữa chư Tăng.

Trong lúc chuẩn bị lên đường đến thành Sāvatthī, nàng hay tin có một nhóm phóng đảng sẽ đón đường làm hại cô, nàng nhờ một Tỳkhưu ni đại diện, xin Đức Phật cho nàng thọ giới Tỳkhưu ni giữa chư Tăng qua người đại diện đó. Đức Phật đã nhận lời thỉnh cầu của nàng rằng:

“Anuyānāmi bhikkhave dūtenapi upasampadā”.

“Này chư Tỳkhưu! Như Lai cho phép thọ giới Tỳkhưu ni qua người đại diện” [114] .

c- Thọ giới Tỳkhưu ni giữa lưỡng phái Tăng.

Là tiến hành thọ giới Tỳkhưu ni giữa chúng ni, sau đó được chư Tỳkhưu Tăng xác định là Tỳkhưu ni.

-ooOoo-

[1] – Đại Đức Giác Giới . Tầm nguyên ngữ căn (kn).

[2] – S.i, 9, 19 (Chương I – Tương ưng chư thiên, phẩm II, kinh Am thất (kuṭikāsuttaṃ)).

[3] – Ám chỉ ái của một chúng sinh.

[4] – Dhp. 87.

[5] – Đại Đức Giác Giới, Tầm nguyên ngữ căn (kn).

[6] – Xem It. 61. Kinh Xuất ly (Nissaraṇiyasuttaṃ).

[7] – A.i, 80 – Pháp 2 chi, phẩm lạc (sukhavaggo)

[8] – HT, TMC (d), Sn.58, Kinh Rāhula (Rāhulasuttaṃ) (1982), Tp Hồ Chí Minh, Tu thư Phật học Vạn Hạnh, (tr.5).

[9] – HT. TMC (d), Sn.63 – Kinh Chánh du hành (Paribbājaniyāsutta)(1982), Tp Hồ Chí Minh, Tu thư Phật học Vạn Hạnh (tr. 59).

[10] – Cariya – atthakathā; chương Pakuma – atthakathā.

[11] – Pabbajita: Vị tu sĩ.

[12] – Phạm Kim Khánh (d), Dhp. 184, (1971).

[13] – HT. TMC (d), M.i, Sacca Đại Kinh (Mahāsaccakasuttaṃ).

[14] – A.i, Phẩm lạc – Sukhavaggo- Pháp hai chi.

[15] – Pháp duyên khởi.

[16] – HT. TMC (d), S,ii.92 (1992), Tp Hồ Chí Minh, Viện Phật Học Vạn Hạnh (tr.109).

[17] – HT. TMC (d), S.i, 5. kinh Rừng núi.

[18] – Xem S.ii, 112 – Tương ưng nhân duyên (nidānasaṃyuttaṃ), kinh Bó lau (Naḷakalāpīsuttaṃ).

[19] – Phạm Kim Khánh (d), Dhp. Câu 46 (1971).

[20] – Trưởng lão Bửu Chơn – Từ điển Pāli (1977),Tp Hồ Chí Minh, tr. 197, (nguyên tác Pāli – English của Ngài Buddhadatta Mahāthera).

[21] – Đại Đức Giác Giới – soạn dịch Tầm nguyên ngữ căn.

[22] – HT.TMC (d), Sn, 190. 1003. (Kinh con đường đến bờ kia).

[23] -HT. TMC (d), Sn.35, 209.(1982) Tp Hồ Chí Minh, Viện Phật Học Vạn Hạnh (tr.109).

[24] – Là trú xứ trong hiện tại lẫn cảnh giới tái sinh trong tương lai.

[25] – Xem A.i, 163, kinh Tikaṇṇa.

[26] – Xem A.iii, 223, kinh Bàlamôn Doṇa.

[27] – HT. Thích Minh Châu (d). Sn 49 (1982), Kinh Hành Chánh Pháp Sn. 49 (dhamma cariyasuttaṃ – 276), TP Hồ Chí Minh, Viện Phật Học Vạn Hạnh, tr. 47. Trong bản dịch này pabbajito Hòa Thượng dịch là “bậc xuất gia”.

[28] – Là Đức Phật, khi Ngài còn là Bồtát Sidhattha bỏ nhà đi xuất gia.

[29] – M.i, 277. Kinh Thánh cầu (ariyapariyesanasuttaṃ), trang 163.

[30] – A.iii, 214.

[31] – Sn. 131, kinh Nālaka (Nālakasuttaṃ . 684).

[32] – D.ii, 2.74, kinh Abaṭṭhaka (Ambaṭṭhasuttaṃ).

[33] – M.i, kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanasuttaṃ)

[34] – Sn.6

[35] – Xem Độc Giác truyện – Đại Đức Giác Nguyên dịch. Sở dĩ chúng tôi nêu dẫn như thế, để tránh hiểu lầm là: các bậc Độc giác có thể có hình thức “không cạo bỏ râu tóc”.

[36] – Theo các bộ Sớ giải: Buddhavaṃsa, Khuddaka, Kosalasaṃyutta.

[37] – S.i, 192. Kể từ Đức Chánh Giác Vipassī cho đến nay, Đức Phật Gotama là vị Chánh giác thứ 7. Sáu vị Chánh giác trước là: Đức Phật Vipassī, Sikhī, Vessabhū, Kakusandha, Koṇāgamana, Kassapa.

[38] – Sn, 35.

[39] – Vatthu (ruộng), ám chỉ sinh hữu.

[40] – Ám chỉ nghiệp dẫn đến tái sinh.

[41] – Ám chỉ ái.

[42] – Ám chỉ ngã mạn.

[43] – DhA, kệ ngôn 182 – 192.

[44] – DhpA, kệ ngôn 168 – 169.

[45] – Vism. Chương I, 4.

[46] – Đại Đức Giác Giới, Tầm nguyên ngữ căn (kn).

[47] – VbhA 328; VvA 29.

[48] – Nidd1 70, Nidd2 477.

[49] – M. i. kinh Tiểu khổ uẩn (cūladukkhakkhandhasuttaṃ) (kinh số 14).

[50] – Sớ giải Hạnh Tạng (cariyapitaka – atthakātha).

[51] – JA, truyện 539.

[52] – DhpA, kệ ngôn số 188 – 192.

[53] – Dhp, kệ ngôn 188 – 189- 190- 191.

[54] – JA. Truyện số 444.

[55] – Đại Đức Nguyệt Thiên (d) ; Luật Đại Phẩm I (2005), Nxb Tôn giáo, tr.244.

[56] – Đại Đức Nguyệt Thiên (d); Luật Tiểu phẩm II (2005), Nxb Tôn giáo, tr.259

[57] – Đại trưởng lão Narada, Phạm Kim Khánh (d) (1991), Đức Phật và Phật pháp; Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, tr.142.

[58] – JA. Truyện số 507.

[59] – JA. Truyện số 488.

[60] – JA. Truyện số 509.

[61] – Cõi trời Dạma (Yama) là cõi trời không có nóng nảy.

[62] – D.i, kinh Sa môn quả.

[63] – Đại Đức Nguyệt Thiên (d), Luật Đại Phẩm (2005), TP Hồ Chí Minh, Nxb Tôn Giáo , tr. 225.

[64] – Gaṇḍo, Đức Hộ Tông dịch là bịnh ung thư, Đại Đức Nguyệt Thiên dịch là “bịnh nhọt”. Danh từ “ung thư” mới xuất hiện sau này trong Y học, còn bị bịnh nhọt mà không được xuất gia, thì quá khe khắc, nên chúng tôi cho là “bịnh bướu ”.

[65] – Loại loại bịnh ngoài da, những mụt ghẻ luôn tươm nước vàng, lở loét , phát ra mùi tanh hôi. Khi nước vàng lan đến đâu thì nơi đó ngứa lên để rồi trở thành ghẻ.

[66] – Đại trưởng lão Hộ Tông, Luật xuất gia tóm tắt (1993), Tp. Hồ Chí Minh, Thành hội Phật Giác Thành phố Hồ Chí Minh (THPG Tp Hồ chí Minh), tr.312

[67] – Đại Đức Nguyệt Thiên (d), Luật Đại Phẩm I (Mahāvagga I. 211), (2005), Tp Hồ Chí Minh, Nxb Tôn Giáo, tr.239.

[68] – S.i, 77.

[69] – Đại trưởng lão Pháp Minh (d), Chú giải kinh Pháp cú q.3 (2000), Tp Hồ Chí Minh, Nxb Tp Hồ Chí Minh, tr.311.

[70] – A.iii, 362 (pháp sáu chi, Khattiyasuttaṃ – Kinh Vị Sátđếlỵ – )

[71] – JA. Truyện số 9.

[72] – HT. TMC (d) (1973), M.i, 371; Saccaka Đại kinh (Mahāsaccakasuttaṃ), Tu thư Đại học Vạn Hạnh, tr. 240B.

[73] – A.i, 146 . Pháp ba chi, chương IV. Kinh Kiêu mạn (madāsuttaṃ).

[74] – A.i, 145 . Pháp ba chi, chương IV.

[75] – Vin. Iii,12. Tương tự như công tử Hatthapāla, chỉ sai khác một vài chi tiết.

[76] – M.ii. 294. Raṭṭhapālasuttaṃ (kinh Raṭṭhapāla).

[77] – A.i, 24.

[78] – DhpA, kệ ngôn số 80.

[79] – A.iii, 5. Chương 5 pháp, phẩm 1, kinh dục (kāmasuttaṃ).

[80] – Đại trưởng lão Bửu Chơn (d), kho tàng pháp bảo.

[81] – A.i, 16.

[82] – S.ii, 217.

[83] – Dhp, kệ ngôn 302.

[84] – M.i, kinh Tất cả ô nhiễm (sabbāsavasuttaṃ)

[85] – JA. Truyện 541.

[86] – Đức vua Nemi là một trong ba tiền thân của Đức Phật, Ngài đến cõi trời Ba mươi Ba bằng thân nhân loại, hai vị kia là vua Mandhātu và nhạc sĩ Guttila.

[87] – M.i, kinh Niệm xứ (Satipatthānasuttaṃ). Trong Trường bộ, kinh Đại Niệm xứ có đề cập thêm “đống rơm”.

[88] – Vana là khu rừng nhỏ hoặc khu vườn lớn.

[89] – M.i, kinh Sợ hãi và khiếp đảm (Bhayabheravauttaṃ).

[90] – Ám chỉ gió độc của rừng núi (lam sơn chướng khí).

[91] – Ám chỉ ái ngã, hay thân kiến.

[92] – Đại Đức Nguyệt Thiên (d), Phân tích giới Tỳkhưu (q1) (2005). Tp Hồ Chí Minh, Nxb Tôn giáo, tr.44.

[93] – Bv. 28.

[94] – HT.Thích Minh Châu (d), kinh Pháp cú , câu số 142 (1982), Tp Hồ Chí Minh, Tu thư Phật học Vạn Hạnh, tr.311.

[95] – Mil, Phẩm VI, câu hỏi thứ 9.

[96] – Đại trưởng lão Bửu Chơn (d), Kho tàng Pháp Bảo (1964), tr.150.

[97] – Đại trưởng lão Bửu Chơn (d), Kho tàng Pháp Bảo (1964), tr.134.

[98] – Đại Đức Nguyệt Thiên (d), Luật Đại Phẩm, chương I.18, (2005), Tp Hồ Chí Minh, Nxb Tôn giáo. Tr.54.

[99] – Mhv. Chương I, 34.

[100] – Mhv. Chương I, 85.

[101] -Đây loại y chống lạnh, nhiều mảnh vải cắt rời ra, may lại thành nhiều lớp, khi mặc vào rất ấm, dùng để mặc trong mùa lạnh.

[102] – Xem Mhv, chương I.

[103] – S.ii, 11 (Tương ưng Kassapa, câu 29-30).

[104] – Thera A, Sopākathera.

[105] – Dhp, kệ ngôn số 288.

[106] – Dhp A., kệ ngôn 382.

[107] – Thera (trưởng lão), là một danh từ chỉ cho vị Tỳkhưu được 10 tuổi đạo (10 hạ Tỳkhưu) trở lên.

[108] – Tức là làm lễ Tự tứ (pavāraṇā) ở Ni chúng trước, sau đó đến làm lễ Tự tứ ở Tăng chúng.

[109] – Mānatta là một hình phạt với ý nghĩa “làm cho vui lòng”. Là một hình phạt chứng tỏ cho chư Tăng biết là “có tâm phục thiện”. để chư Tăng hoan hỷ cho phục vị phẩm vị Tỳkhưu hay Tỳkhưu ni.

[110] – Sadi ni muốn thọ Tỳkhưu ni giới, phải thọ sáu giới là: 5 giới đầu của Sadi ni và giới thứ sáu, trọn vẹn 2 năm. Nếu bị đứt 1 trong 6 giới này, thời gian thọ trì xem như bỏ, phải thọ lại từ đầu. Sáu giới này gọi là Học nữ giới (sikkhāmānā sīlā).

[111] – Tức là, Tỳ khưu ni không được mắng, chỉ trích Tỳkhưu do bất kỳ nguyên nhân nào.

[112] – A.iv, 274. Chương 8 pháp, phẩm Gotamī. Culv, chương Tỳkhưu ni (bhikkhunī khandhakaṃ), 516.

[113] – Cv, 52o.

[114] – Cv. 595.

 -ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app