3. Đại Phẩm:


Đại Phẩm gồm có mười chương:


1. Chương 1 nói về sự khởi đầu của Giáo Pháp được tính từ lúc đức Thế Tôn chứng đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, và bao gồm quá trình hình thành nghi thức cho xuất gia và tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu, cùng một số vấn đề liên quan đến việc huấn luyện các vị xuất gia.


2. Chương 2 giảng giải về lễ Uposatha với nguyên nhân ban đầu là lời thỉnh cầu của đức vua Seniya Bimbisāra và nhiều vấn đề có liên quan đến việc tiến hành cuộc lễ, như việc ấn định ranh giới (sīmā) và nhà hành lễ Uposatha, việc sám hối, việc đọc tụng giới bổnPātimokkha, v.v… Việc gìn giữ sự hợp nhất của hội chúng là điểm được nhấn mạnh ở chương này.


3. Chương 3 giảng giải về việc vào mùa (an cư) mưa. Tuy chỉ được ghi lại trong hai tụng phẩm, nhưng nội dung của chương này trình bày những sự việc có liên quan đến 1/3 thời gian sống và tu tập của vị tỳ khưu. Chương này cần được xem xét kỹ lưỡng vì có những tư liệu mới chưa được trình bày trong các tài liệu về Luật đã được phổ biến.


4. Chương 4 giảng giải về lễ Pavāraṇā (Tự Tứ) tức là một trong những hình thức góp ý nhau về đời sống tu tập có liên quan đến giới luật. Hành sự của lễ Pavāraṇā tuy chỉ được tiến hành một lần trong năm sau ba tháng cư trú mùa mưa, nhưng có tầm quan trọng tương đương với lễ Uposatha nhằm bảo tồn sự trong sạch đồng thời tính hợp nhất của hội chúng.


5. Chương 5 nói về da thú có liên quan đến đời sống của các vị tỳ khưu ví dụ như giày dép, v.v… Câu chuyện xuất gia của thanh niên Soṇa Koḷivisa ở đầu chương giới thiệu về sự nỗ lực tinh tấn của vị tỳ khưu trẻ tuổi này, dẫu rằng do chính sự tinh tấn quá mức này đã là chướng ngại cho sự đắc chứng của vị ấy nhưng cũng là một ví dụ để chúng ta thấy được động cơ tu tập của các vị xuất gia vào thời đức Phật còn tại tiền.


6. Chương 6 nói về dược phẩm và các cách thức chữa bệnh. Chương này gồm có 4 tụng phẩm đề cập đến cách thức chữa trị một số bệnh thông thường, về một số quy định đã được áp dụng trong thời kỳ khó khăn về vật thực, về đức tin vững chắc của nữ cư sĩ Suppiyā, về vấn đề thọ dụng cá và thịt trong Phật Giáo, ngoài ra, còn có câu chuyện về kỷ nữ Ambapālī và một số vấn đề khác vẫn còn có được sự ứng dụng thực tiễn trong thời hiện tại.


7. Chương 7 giảng giải về lễ dâng y Kaṭhina. Đây là cuộc phước thí có tầm vóc quan trọng, vì sự thành tựu của Kaṭhina không những có ảnh hưởng đến phước báu của người thí chủ mà còn có liên quan đến sự tu tập của các tỳ khưu. Sự giảng giải chi tiết với những sự việc tương phản của chương này có lẽ không ngoài mục đích trình bày một số điểm tế nhị cần đến sự chú tâm suy xét.


8. Chương 8 là chương về y phục giảng giải về loại y và các vấn đề có liên quan về nhiều phương diện. Điểm thú vị ở chương này là tụng phẩm mở đầu với câu chuyện về thầy thuốc Jīvaka Komārabhacca và tài năng chữa bệnh của vị này, đáng ngạc nhiên là việc giải phẩu ở đầu và ở bụng đã được tiến hành vào thời gian cách đây hơn 2,500 năm.


9. Chương 9 được đặt tên theo một sự kiện xảy ra ở Campā, nêu lên một tiền lệ không tốt đẹp về việc sử dụng sức mạnh tập thể để áp đặt hành phạt sai trái lên cá nhân. Thời bấy giờ còn có đức Phật là vị quan tòa để phân xử, trong thời hiện tại trách nhiệm xem xét lại sự việc được trao cho các hội chúng tỳ khưu ở những trú xứ khác nếu có sự thỉnh cầu. Các điều giảng giải trong chương này không ngoài việc trình bày khuôn mẫu trong việc tiến hành các hành sự, khả năng thực hiện của hội chúng đối với các loại hành sự khác nhau tùy thuộc vào số lượng tỳ khưu hiện diện, và một số nguyên tắc cần được áp dụng để bảo đảm tính chất đúng Pháp đúng Luật của hành sự. Các hành sự của hội chúng cùng với việc thâu hồi các hành sự ấy cũng được trình bày ở chương này gồm có: hành sự khiển trách, hành sự chỉ dạy, hành sự xua đuổi, hành sự hòa giải, và ba loại hành sự án treo.


10. Chương thứ 10 nói về sự việc chia rẽ hội chúng ở Kosambī từ lúc khởi đầu đến hồi kết thúc. Mầm mống chia rẽ trong câu chuyện này chỉ là một sự tranh cãi về một điều Luật không quan trọng, từ sự xung đột cá nhân đã lan rộng đến tập thể và trở nên căng thẳng không những đưa đến ẩu đả giữa các tỳ khưu mà còn khiến cho đức Phật đã bỏ đi vào rừng sâu sống với sự phục vụ của voi và khỉ. Yếu tố đưa đến việc giải quyết sự chia rẽ này là hành động tẩy chay tích cực của các cư sĩ ở thành Kosambī, cuối cùng sự tranh tụng được giải quyết do sự phục thiện của vị tỳ khưu sai trái. Câu chuyện về hoàng tử Dīghāvu và nếp sống sinh hoạt của ba vị đại đức Anuruddha, Nandiya, Kimbila nhằm đề cao sự sống chung hòa ái và không thù hận lẫn nhau là yếu tố quan trọng cần được xây dựng và duy trì trong đời sống tập thể.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app