Chói Sáng Cội Nguồn Tâm
Kết Nối Với Cội Nguồn Bằng Khoảng Trống Giữa Những Tư Tưởng
KHOẢNG TRỐNG CỦA VÔ NIỆM
Eckhart Tolle
Diện Mục Nguyễn văn Hạnh dịch Việt
Khi bạn lặng lẽ chú tâm đến một ý tưởng hay một cảm xúc ở trong bạn là bạn không những đang ý thức về sự hiện diện của ý tưởng hay cảm xúc đó mà bạn còn ý thức được cả chính bạn, vì bạn đang làm chứng nhân của ý tưởng/cảm xúc đó. Sẽ có một chiều không gian mới của tâm thức được nảy sinh khi bạn lặng lẽ chú tâm đến một ý tưởng/một cảm xúc, bạn có thể cảm nhận được một sự hiện hữu có ý thức – một cái gì sâu kín, chân thực của bạn – nằm đằng sau, hay bên dưới những suy tưởng-không-chủ-đích kia.
Do đó nếu giờ có một ý tưởng đang hiện hữu trong đầu bạn, nó sẽ bị giảm thiểu đi sức mạnh kiềm tỏa đối với bạn, và từ từ nó sẽ bị biến mất. Vì bây giờ bạn không còn làm cho phần trí năng hay suy tưởng miên man ấy mạnh lên khi sai lầm tự đồng hóa với thứ trí năng hay loại suy tưởng đó. Đây chính là lúc bạn có thể bắt đầu để chấm dứt hẳn lối suy tư, hay cảm xúc không kiểm soát, không có chủ đích của mình.
Khi một ý tưởng như thế lắng xuống, bạn sẽ cảm nhận được một sự gián đoạn trong dòng chảy của những suy tư ở trong đầu bạn – một khoảng hở của tâm thức mà Thiền thường goi là khoảng trống vô niệm, trạng thái yên tĩnh của Tâm. Đó là một trạng thái tâm thức rất tỉnh táo, sáng sủa, nhưng không hề có những ý nghĩ lo sợ vẫn vơ, vắng bặt những tạp niệm, suy tưởng lăng xăng, miên man không thể dừng được ở trong bạn. Thoạt tiên, những khoảng hở Vô Niệm ấy vẫn còn rất ngắn ngủi, có khi chỉ trong vài giây thôi, nhưng dần dần, khoảng hở đó sẽ dài hơn. Những khi có những khoảng hở này xuất hiện, bạn sẽ cảm nhận được một cảm giác yên tĩnh và an bình ở trong bạn. Đây là sự bắt đầu của trạng thái tự nhiên, trạng thái hợp nhất với Sự Hiện Hữu mà trước đây nó thường bị trí năng và những suy nghĩ miên man không chủ đích che mờ. Nhưng với sự thực hành bền bỉ thì khả năng cảm nhận sự yên bình của bạn sẽ càng ngày càng sâu sắc hơn. Quả thực bạn sẽ khó cảm nhận được hết chiều sâu của mức độ tĩnh lặng và an bình này. Bạn cũng sẽ cảm nhận được một niềm vui mơ hồ toát ra từ trong sâu thẳm của chính bạn : Niềm vui ung dung tự tại với toàn thể đời sống chung quanh bạn.
Tuy nhiên, đây không phải là một trạng thái mê. Vì không có sự đánh mất ý thức sáng tỏ ở đây. Trái lại, trong trạng thái liên hệ mật thiết nội tại thuần khiết như thế, bạn sẽ trở nên tỉnh giác hơn, sáng suốt hơn là khi bạn ở trong trạng thái tự đồng hóa mình với những suy tưởng miên man. Và bạn đang có mặt một cách trọn vẹn. Trạng thái này sẽ nâng cao tần số của những trường năng lượng chung quanh bạn, tạo nên một sức sống mới cho cơ thể bạn.
Khi bạn đi sâu vào trạng thái Vô Niệm, trạng thái Không-Có-Những-Tâm-Niệm-Suy-Tư này, như người phương Đông vẫn thường gọi, bạn sẽ nhận ra được một trạng thái tính chất của Tâm – TRẠNG THÁI CỦA TRỰC GIÁC THUẦN KHIẾT. Trong trạng thái tưởng chừng như trống rỗng đó, bạn sẽ cảm nhận sự hiện hữu của mình với một cường độ và niềm vui mãnh liệt, đến độ tất cả những suy tưởng, tình cảm, thân thể cũng như thế giới chung quanh bạn đều trở nên không đáng kể nữa. Tuy nhiên đây không phải là một trạng thái ích kỷ, mà trái lại là khác, vì đó là một trạng thái vô ngã. Trạng thái ấy đưa bạn vượt thoát những gì trước đây bạn cho là bạn, là tự ngã. Sự hiện hữu đó chủ yếu vừa là bạn mà lại vừa to lớn hơn bạn, vượt thoát ra khỏi tầm hiểu biết của chúng ta.
Hãy cương quyết chú tâm bền bỉ vào phút giây hiện tại. Thay vì “quan sát những suy tư, cảm xúc ở bên trong bạn”, bạn có thể chọn cách thứ hai để tạo nên một khoảng hở ở trong dòng chảy của tâm tư bằng cách hướng sự chú tâm của bạn vào phút giây hiện tại. Bạn chỉ cần ý thức một cách chăm chú vào phút giây hiện tại thôi đã là một điều thỏa mãn rất sâu xa cho bạn rồi. Vì khi làm như thế, bạn sẽ đưa tâm trở về với mình, rời xa những hoạt náo, và tạo nên một khoảng hở của Vô Niệm trong dòng chảy của tâm tư ở trong đầu, trong khi bạn vẫn rất tỉnh táo và sáng suốt mà trong đầu không vướng bận suy tư gì cả. Đây chính là tinh yếu của Thiền Tập.
KHOẢNG TRỐNG GIỮA HAI TƯ TƯỞNG
Guru Rinpoche Padmasambhava
Nguyễn Thế đăng dịch Việt
Giữa hai tư tưởng, khoảng trống không có tư tưởng ấy, không có một duyên sanh nào cả, không có một chủ thể cái tôi nào cả,không có một đối tượng nào cả. trong khoảng trống không giữa hai tư tưởng không có sự tương tục của một cái tôi hay một cái ở ngoài tôi. Sự tương tục của chấp ngã và chấp pháp tạm thời bị cắt đứt. Chính đây là trạng thái vô ngã, vô pháp.
Chính đây là trạng thái tánh không, mà ở nơi tâm thức thì gọi là tâm không. Chính đây là cánh cửa mở vào không gian giải thoát. Kéo dài khoảng cách giữa hai tư tưởng và nhìn sâu vào đó, chúng ta thấy đó là một trạng thái vắng bặt cái tôi và những sự vật, vắng bặt chấp ngã và chấp pháp, mọi thứ đều bị cắt đứt, đều được xa lìa (viễn ly), chúng ta bắt đầu cảm nghiệm trạng thái giải thoát là gì ? Chúng ta bắt đầu thấy ra bản tánh của tâm thức. Bản tánh của tâm thức là tánh không.
Thiền là làm quen với trạng thái đó, và khi ở lâu được trong trạng thái đó, nỗ lực nhìn vào bản tánh của tâm thức trong trạng thái đó,những che chướng của chấp ngã chấp pháp dần dần mỏng, rơi rụng, cho đến khi người ta trực tiếp thấy tánh không hay pháp thân nằm giữa hai tư tưởng.
Nói theo kinh Kim cương, giữa hai tư tưởng là cái tâm không chỗ trụ, không có ngã, không có nhân, không có chúng sanh, không có thọ mạng. Đây là sự giải thoát.
Giữa hai tư tưởng, thật sự là trạng thái không tư tưởng, trạng thái vô niệm, cũng như giữa hai đám mây là bầu trời.
KHÔNG GIAN CHUNG QUANH NHỮNG TƯ TƯỞNG
Ajahn Sumedho
Susanta Nguyễn dịch Việt
Hãy lấy một câu nói đơn giản, “Tôi là,” rồi bắt đầu ghi nhận, quán sát, và suy tưởng trên vùng không gian nằm chung quanh hai chữ “tôi là” nầy. Thay vì đi tìm một cái gì khác, bạn hãy duy trì sự chú ý trên vùng không gian bao chung quanh hay chữ nầy. Bạn hãy nhìn tiến trình tư duy, thật sự xem xét và tìm hiểu quá trình ấy. Bây giờ, bạn sẽ thấy là bạn không thể thấy được con người đang suy nghĩ ở trong bạn, vì ngay giây phút mà bạn ghi nhận là bạn đang suy nghĩ, tiến trình suy nghĩ chấm dứt và biến mất ngay. Bạn có thể tiếp tục lo nghĩ, “Tôi không biết là điều này sẽ xảy ra hay không. Nếu điều nầy xảy ra thì sự việc sẽ như thế nào? Ồ, tôi lại đang suy nghĩ rồi.” và khi bạn biết là bạn đang suy nghĩ, tiến trình suy nghĩ lại chấm dứt.
Để xem xét tiến trình tư tưởng, bạn hãy chú tâm suy nghĩ về một điều gì đó: thí dụ bạn có thể suy nghĩ về một ý niệm rất bình thường như “Tôi là một con người,” rồi chỉ nhìn và quan sát nó. Nếu bạn quán sát phần đầu của tư tưởng nầy, bạn có thể thấy một khoảng không gian ngay trước lúc bạn nói “Tôi,” Sau đó, nếu bạn tiếp tục suy nghĩ trong đầu là
“Tôi — là — một — con — người,” bạn sẽ thấy có những khoảng không gian trống ở giữa những chữ nầy. Ở đây, chúng ta chỉ quán sát tư tưởng chứ không đánh giá xem tư tưởng đó là thông minh hay ngu si đần độn. Trái lại, chúng ta cố ý suy nghĩ để ghi nhận khoảng không gian nằm giữa mỗi tư tưởng. Với phương pháp nầy, chúng ta sẽ thấy được bản chất vô thường của tiến trình tư tưởng.
Đây chỉ là một cách nhìn và xem xét để chúng ta có thể ghi nhận được khoảng trống khi không có sự suy nghĩ xảy diễn ra trong tâm. Hãy cố gắng trụ tâm trên không gian của tâm khi không có tư tưởng nào đang xảy diễn; hãy cố gắng trụ tâm trên phần không gian có trước và sau khi một tư tưởng xuất hiện rồi chấm dứt. Bạn có thể trụ tâm như thế trong bao lâu? Hãy suy nghĩ, “Tôi là một con người,” và ngay lúc trước khi bạn bắt đầu suy nghĩ câu nói trên, hãy trụ tâm trên khoảng không gian trước khi bạn nói lên câu nói nầy. Đó chính là chánh niệm, phải không các bạn? Tâm của bạn đang rỗng rang, nhưng lúc đó cũng đã có tác ý muốn nghĩ về một điều gì đó đặc biệt. Sau đó, bạn hãy suy nghĩ về điều đó, và khi tiến trình suy nghĩ về tư tưởng nầy chấm dứt, bạn hãy cố gắng trụ tâm lại hay chánh niệm về khoảng không gian xuất hiện ngay sau khi tiến trình tư tưởng trên chấm dứt. Tâm bạn có trống vắng và rỗng rang không?
Phần lớn những đau khổ của chúng ta đều xuất phát từ thói quen suy nghĩ của chính chúng ta. Chúng ta không thể nào triệt tiêu tiến trình suy nghĩ bằng cách đè nén nó. Vì là con người, chúng ta sẽ luôn tiếp tục suy nghĩ và suy nghĩ. Vì thế, điều quan trọng không phải là tìm cách triệt tiêu tư tưởng, mà là thấy và biết được tiến trình tư tưởng. Và chúng ta thấy và biết được tiến trình tư tưởng bằng cách tập trung quán niệm trên khoảng không gian của tâm, thay vì chỉ trụ tâm hay chú ý vào những luồng tư tưởng trong tâm.
Tâm chúng ta thường bị lôi cuốn bởi những tư tưởng hấp dẫn hay phản ứng chống lại những tư tưởng xấu xa, nhưng khoảng không gian nằm chung quanh những tư tưởng nầy tự nó không lôi cuốn hấp dẫn hay làm chúng ta chán ghét. Không có sự khác biệt giữa khoảng không gian chung quanh một tư tưởng đầy hấp dẫn và khoảng không gian chung quanh một tư tưởng đầy chán ghét phải không các bạn? Qua việc tập trung quán niệm trên khoảng không gian nằm giữa những luồng tư tưởng, chúng ta sẽ không còn bị say khiến bởi những tình cảm yêu ghét về các tư tưởng. Vì thế, khi bạn thấy có những mặc cảm tội lỗi, những tình cảm than vãn và tự thương xót, hay lòng tham ái xuất hiện trong tâm, bạn hãy làm theo cách nầy — cứ chú tâm suy nghĩ về nó, để cho nó thật sự hiện lên trong tâm một cách có ý thức, rồi ghi nhận phần không gian bao bọc chung quanh nó.
Làm như thế cũng giống như nhìn không gian trong căn phòng: bạn không cố ý đi tìm không gian để quán sát, phải không các bạn? Bạn chỉ đơn giản mở rộng tâm và đón nhận không gian vì nó luôn luôn ở bên cạnh bạn. Nó không phải là cái mà bạn phải đi tìm trong cái tủ đựng bát đĩa hay trong căn phòng kế bên, hay ở dưới sàn nhà — nó ở ngay tại đây và ngay bây giờ. Vì thế bạn đang mở rộng tâm để đón nhận sự hiện diện của nó; bạn bắt đầu ghi nhận là nó đang có mặt tại đây.
Nếu bạn vẫn cứ chú tâm đến những cái màn, những cánh cửa sổ, hay những con người trong phòng, bạn sẽ không ghi nhận được không gian. Nhưng bạn cũng không cần phải vứt tất cả những đồ đạt nầy để ghi nhận không gian. Thay vào đó, bạn chỉ cần mở rộng tâm và đón nhận không gian; và ghi nhận nó. Thay vì chỉ biết tập trung trên một đối tượng, bạn hãy hoàn toàn mở rộng tâm thức. Bạn không lựa chọn một đối tượng bị điều kiện hay một pháp hữu vi nào để quán chiếu. Trái lại, bạn chỉ cần ý thức hay tỉnh giác về không gian trong đó các pháp hữu vi đang tồn tại và vận hành.
Bạn có thể áp dụng cái nhìn rộng mở và trùm phủ nầy vào thế giới nội tâm của mình. Khi nhắm mắt lại, bạn có thể lắng nghe những tiếng nói vọng lên từ trong tâm. Chúng nói, “Tôi là thế nầy…Tôi không nên như thế kia.” Bạn có thể dùng những tiếng nói nầy để nhận ra khoảng không gian giữa những tư tưởng. Thay vì than phiền và làm trầm trọng hơn về những nỗi ám ảnh và sợ hãi đang diễn ra trong tâm, bạn có thể mở rộng tâm để thấy những ám ảnh và lo sợ nầy chỉ là những điều kiện đến rồi đi trong khoảng không vô biên của tâm thức. Bằng cách nầy, thậm chí một tư tưởng xấu ác cũng có thể giúp bạn thấy được sự trống rỗng của các pháp.
Thấy và biết bằng cách nầy là phương pháp rất thiện xảo và khéo léo vì nó giúp bạn chấm dứt được trận chiến tâm linh trong đó bạn đang tìm cách quét sạch đi những tư tưởng bất thiện của mình. Hãy để cho ác ma làm xong nhiệm vụ của nó, hay nói khác đi, hãy để cho những ô nhiễm ngủ ngầm trong tâm xuất hiện và ra đi, vì bây giờ bạn đã biết ác ma hay các phiền não đều là vô thường. Chúng xuất hiện và sẽ ra đi nên bạn không cần phải tiêu diệt nó. Ác ma hay thiên thần — tất cả đều giống nhau.
Trước kia, khi một tư tưởng xấu ác hiện ra, bạn liền than vãn: “Trời ơi, ác ma lại theo đuổi tôi. Tôi phải tìm cách tiêu diệt nó!” Giờ đây, cho dù bạn đang xua đuổi ác ma hay chào đón thiên thần, tất cả đều là dukkha hay đau khổ. Nếu bạn có thái độ “mát mẻ và bình thản” của tâm Phật — tâm thấy biết các sự vật như nó đang xảy diễn — thì tất cả sự vật sẽ biến thành Dhamma hay Pháp. Mọi vật trở thành sự thật như nó đang là. Bạn thấy và biết tất cả trạng thái tâm đến rồi đi, cái xấu đi bên cạnh cái tốt, cái thiện xảo đi bên cạnh cái thô thiển và phàm phu.
Đây là điều mà chúng ta gọi là quán tưởng hay quán sát — ghi nhận mọi việc như nó đang xảy diễn. Thay vì cho là nó nên như thế nầy hay thế khác, bạn chỉ thuần quán sát và ghi nhận. Mục đích của tôi không phải là giải thích cho bạn thấy sự vật như thế nào, nhưng là khuyến khích bạn ghi nhận sự vật cho chính bạn. Xin bạn đừng nói với mọi người là, “Sư Sumedho nói mọi vật đang diễn biến như thế đó.” Tôi không muốn thuyết phục bạn phải chấp nhận một quan điểm hay một cái nhìn nào đó về cuộc đời; Tôi chỉ cố gắng trình bày cho bạn một cách nhìn để bạn thử nghiệm, đó là cách quán tưởng trên chính kinh nghiệm sống của bạn, cách thấy và biết được nội tâm của chính bạn.
KHOẢNG TRỐNG GIỮA HAI TƯ TƯỞNG
Krisnamurti
Phạm Công Thiện dịch Việt
Tâm trí là kết quả của quá khứ, tức là tiến trình của sự qui định. Làm thế nào tâm trí có thể tự do, giải thoát ? Muốn được tự do giải thoát, tâm trí không phải chỉ nhìn thấy hiểu biết sự đong đưa của quả lắc giữa quá khứ và tương lai mà còn phải ý thức trực tiếp về khoảng cách giữa những tư tưởng . Khoảng cách ấy đột phát một cách tự nhiên , mình không thể tạo ra khoảng cách ấy bằng bất cứ quan hệ nhân quả, bằng bất cứ ước vọng nào, bằng bất cứ sự cưỡng bách nào.
Nếu bạn quan sát một cách kỹ càng bạn sẽ thấy rằng dù sự đáp ứng, sự vận hành của tư tưởng có vẻ như nhanh chóng, thế mà vẫn có những lỗ trống, những khoảng cách giữa những tư tưởng. Giữa hai tư tưởng thì có một giai đoạn im lặng không liên hệ gì với tiến trình tư tưởng. Nếu quan sát, bạn sẽ thấy rằng khoảng im lặng ấy, khoảng cách ấy, không thuộc vào thời gian, và sự khám phá khoảng cách ấy, sẽ giải phóng ngài ra khỏi sự qui định nô lệ – hoặc nói đúng hơn, việc ấy không giải phóng “bạn” mà giải phóng khỏi chính sự qui định. Vì thế, sự lý hội tiến trình tư tưởng là tham thiền. Chúng ta hiện nay không phải chỉ thảo luận về cơ cấu và tiến trình của tư tưởng , tức là bối cảnh của ký ức, của kinh nghiệm, của kiến thức, mà đồng thời chúng ta cũng cố gắng tìm xem tâm thức có thể tự giải phóng ra ngoài bối cảnh. Chỉ khi nào tâm trí không còn tạo ra sự tiếp diễn liên tục cho tư tưởng, khi nào tâm trí được im lặng với một sự im lặng tự nhiên, chứ không phải sự im lặng cố ý do mình làm khởi phát, nghĩa là sự im lặng bên ngoài bất cứ quan hệ nhân quả nào – chỉ có lúc ấy mới có thể có sự tự do thoát khỏi bối cảnh qui định.
NHÌN VÀO KHÔNG GIAN
Osho
Ngô Trung Việt dịch Việt
Nhận ra tánh không khi chăm chú về không gian yên lặng. Điều này chính là phương pháp thiền tuyệt vời: “Nhìn không gian, nhìn bầu trời mà không nhìn gì cả. Nhìn với cặp mắt trống không” Nhìn mà không tìm kiếm. Đơn giản chỉ là cái nhìn trống rỗng.
Nhìn bầu trời mà không tìm kiếm bất cứ gì. Khi tìm kiếm cái gì đó, một vầng mây sẽ xuất hiện không thể tránh; “Cái gì” nghĩa là một vầng mây. “Không có gì” là cái rỗng không rộng lớn của bầu trời xanh.
Đừng tìm kiếm bất cứ vật thể nào. Nếu tìm kiếm một đối tượng, cái nhìn sẽ tạo đối tượng như một vầng mây, bạn nhìn và bám chặt vào nó.
Đừng nhìn những vầng mây, kể cả khi có những vầng mây. Đừng dùng cái nhìn bám vào chúng. Chỉ đơn giản nhìn, hãy để tất cả trôi qua. Vì nó chỉ hiện diện trong thoáng chốc (vô thường).
Đột nhiên, giây phút nào đó, khi cách nhìn mới đã được điều chỉnh với “Cái nhìn không nhìn” Những vầng mây biến mất chỉ còn lại bầu trời bao la. Thật khó khăn vì đôi mắt bạn đã quen tập trung vào đối tượng, quen hướng vào vật thể.
Đây là một trong những kỹ thuật thiền độc đáo: Chúng ta nhận thấy tánh không; khi nhìn xuyên suốt không gian. Thế nên đừng tìm kiếm cái gì để thấy, cứ thản nhiên nhìn. Những ngày đầu, bạn thấy cái gì đó. Đơn giản chỉ do thói quen. Chúng ta nghe, thấy, hiểu sự việc tất cả đều do thói quen.
Ban đầu, bạn không thành công và cứ lãng quên. Bạn không có khả năng liên tục nhớ, nhưng đừng thất vọng. Điều này tất nhiên do quán tính dài lâu. Mỗi khi nhớ lại hãy ngưng tập trung đôi mắt vào vật thể, thư giản và đơn giản nhìn bầu trời. Hãy đơn giản nhìn mà không làm gì cả. Chắc chắn đến một lúc nào đó, bạn có thể nhìn bầu trời mà không cần cố gắng bất cứ một hơi sức nào.
Sau đó, hãy thử nhìn bầu trời bên trong. Với tâm thức, chúng ta quan sát bầu trời tâm thức… Bạn nhắm mắt và nhìn vào bên trong, trong trạng thái không tìm kiếm bất cứ thứ gì. Đơn giản giữ cái nhìn vắng bặt đối tượng (suy nghĩ).
Những tư tưởng đi qua, không cần tìm kiếm hay lưu tâm đến chúng. Không cần để ý – bạn chỉ thản nhiên nhìn. Chúng đến, tốt; không đến cũng tốt. Chẳng gì phiền toái. Như vậy bạn sẽ có khả năng nhìn những khoảng cách: Một tư tưởng đi qua, một tư tưởng khác đến – và ở giữa là khoảng lặng. Thế là từ từ, bạn có khả năng nhìn với tư tưởng trong suốt. Khi tư tưởng đi qua, bạn vẫn nhìn vào khoảng lặng. Có nghĩa vẫn tiếp tục nhìn bầu trời ẩn núp sau những vầng mây.
Khi cách nhìn này đã được điều chỉnh, tư tưởng càng không thể tồn tại. Chúng ít dần, ít dần. Khoảng lặng ngày càng rộng hơn. Những giây phút trọn vẹn trôi qua không còn những ý tưởng.
Tất cả đều yên lặng và bên trong bạn hòa điệu lần đầu tiên với tổng thể. Tất cả hoàn toàn phúc lạc, không dao động. Và nếu cái nhìn này trở thành tự nhiên với bạn thì nó sẽ là một trong những điều tuyệt vời nhất của sự vận hành.
Bạn chỉ cần không tập trung vào một điểm. Có nghĩa cắt hết những điều kiện tạo thành sự chú tâm vào một điểm. Như thế, tất cả phân biệt tự hủy diệt và tan biến. Vậy, không có gì thiện ác hay xấu đẹp. Thế là trạng thái phật được đạt đến.
Trạng thái phật có nghĩa đạt đến trạng thái tỉnh thức cao nhất không còn phân biệt. Mọi chia chẻ không còn hiện diện. Sự thống nhất hiện hữu duy chỉ cái một còn giữ lại. Cũng không thể nói là một vì nói thế có nghĩa còn thuộc về tính nhị nguyên.
Cái một giữ lại nhưng không thể nói một. Vì làm sao có thể nói một khi hai được thành hình tự bên trong? Không, đừng nói chỉ còn một ở lại. Hãy đơn giản nói hai đã biến mất. Cái hằng sa đã biến mất. Bây giờ chỉ là cái bao la không biên giới (bất nhị).
Một thân cây tự hòa vào thân khác, đất được hòa tan vào những thân cây, thân cây được hòa tan trong bầu trời, bầu trời hòa tan trong cái vượt khỏi tư lương. Bạn, bạn được hòa vào tôi và tôi được hòa vào bạn… Tất cả hòa tan vào nhau.
Những dị biệt đã biến đi, tất cả tuôn chảy, hòa trộn vào nhau như những ngọn sóng tan hòa vào lượn sóng khác. Cái bao la rung chuyển, sống động không biên giới, không định danh, không thích nghĩa, và không đồng dị.
Nhà hiền triêt hòa vào lão ngư phủ. Lão ngư phủ hòa vào nhà hiền triết… Cái thiện ác biến thành trung tính. Đêm là ngày ngày cũng là đêm vì chỉ là đơn vị thời gian trong tổng thể.
Duy chỉ giây phút này trạng thái phật được đạt đến. Thiện, ác, tội lỗi hay đức hạnh không còn hiện hữu. Không bóng tối cũng chẳng đêm thâu. Không gì cả. không còn định danh phân biệt. Vì tất cả đều trong trạng thái trung tính.
Những khác biệt hình thành từ đôi mắt bạn. Sự khác biệt là sự việc được huân tập. Sự khác biệt không có chỗ trong hiện hữu. Sự khác biệt do tri thức phóng chiếu. Sự khác biệt do bạn cho nó thâm nhập vào cuộc sống; vì nó không thể tự hiện hữu. Đây là mẹo vặt phát sinh từ cái nhìn của mắt. Có nghĩa đôi mắt bạn đang lừa dối bạn.
Nhưng khi bản ngã hay tâm thức được quan sát, tất cả phân biệt ngưng bặt. Như những vầng mây đang lảng đảng trên bầu trời. Tương tự tư tưởng bạn; tương tự bầu trời bên trong bạn. Những tư tưởng không gốc rễ cũng không xuất xứ như những vầng mây, chúng chỉ lang thang đâu đó. Không cần thiết chiến đấu, đối kháng hay cố ngăn chận chúng.
Trong không gian, những hình thái và những màu sắc đến và đi… Trong không gian không tô điểm trắng hay đen… Và, dù có gì xảy ra, bầu trời vẫn tinh khiết không tỳ vết. Ban ngày, bầu trời rực lửa, ánh lửa đỏ chói từ mặt trời, nó hoàn toàn đỏ rực. Nhưng đêm xuống, màu đỏ này ở đâu? Bầu trời hoàn toàn tối, đen và ban ngày, những bóng tối thì ở đâu? Bầu trời vẫn trinh khiết, không tỳ vết.
Hãy thử sống như thế – hiện hữu trên thế giới như bạn là bầu trời, hãy xem nó như phương cách hiện hữu thật sự của bạn. Nếu ai đó nỗi giận và chưởi bạn. Hãy quan sát; nếu cơn giận dữ hình thành và đang dâng cao trong bạn – Hãy quan sát; hãy như là người quan sát trên ngọn đồi cao, chỉ đứng nhìn và quan sát.
Khi nhìn mà không nhìn vào bất cứ gì riêng biệt. Không bị bất cứ điều gì ám ảnh. Khi trực nhận trở thành thông suốt. Đột nhiên, ngay giây phút vượt thời gian, bạn hoàn toàn tỉnh thức. Bạn là một vị Phật, bạn trở thành một nhà huyền môn đầy tỉnh thức.
LỖ HỔNG VÀ Ý NGHĨ
Osho
Ngô Trung Việt dịch Việt
Nhớ điều này, rằng nếu bạn mong đợi bất kì cái gì từ cuộc sống, bạn sẽ không được cái gì cả. Đừng mong đợi và nó có đó trong mọi niềm vinh quanh của nó. Đừng mong đợi, đừng đòi hỏi, và nó mưa rào lên bạn trong mọi sự huyền bí của nó. Mọi phép kì diệu của nó đều có đó. Chỉ đợi thêm chút ít trong khi không có ý nghĩ… nhưng điều đó dường như là không thể được.
Không phải là không có những khoảnh khắc bạn hiện hữu mà không có ý nghĩ. Có đấy. Tất cả những người đã đi vào trong không gian bên trong của con người, họ biết có lỗ hổng. Nhưng bạn đang bỏ lỡ chúng bằng cách nào đó, bởi vì những lỗ hổng đó ở trong hiện tại. Bạn nhảy từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, và ở giữa là lỗ hổng này. Ở giữa là cõi trời – bạn nhảy từ địa ngục này sang địa ngục khác.
Ở giữa là cõi trời, nhưng ở giữa bạn không có. Bạn nhảy từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác, bạn có. Từng ý nghĩ đều nuôi dưỡng cho bản ngã của bạn, giúp bạn hiện hữu, xác định bạn, cho bạn biên giới, hình dáng, hình dạng, căn cước. Bạn không nhìn vào lỗ hổng giữa hai ý nghĩ bởi vì nhìn vào lỗ hổng đó là nhìn vào mặt nguyên thuỷ của bạn, cái không có căn cước nào. Nhìn vào lỗ hổng đó là nhìn vào vĩnh hằng, nơi bạn sẽ bị mất hút.
Bạn đã trở nên sợ việc nhìn vào lỗ hổng đó tới mức bạn gần như đã xoay xở để quên chúng đi.
Giữa hai ý nghĩ có một lỗ hổng, nhưng bạn không thấy nó. Bạn thấy một ý nghĩ, thế rồi bạn thấy ý nghĩ khác, rồi ý nghĩ khác…. Quan sát một chút đi. Các ý nghĩ không chờm lấp lên nhau đâu. Từng ý nghĩ đều tách biệt. Ở giữa hai ý nghĩ phải là một lỗ hổng. Có lỗ hổng, và khoảng hở đó là cánh cửa. Từ cánh cửa đó bạn sẽ đi vào trong sự tồn tại lần nữa. Từ cánh cửa đó bạn đã bị đuổi khỏi vườn địa đàng Eden. Từ cánh cửa đó bạn sẽ đi vào trong vườn địa đàng Eden lần nữa, bạn sẽ lại trở thành giống như con thằn lằn sưởi nắng trên đá. Tôi đã nghe rằng:
Có lần một gia đình chuyển từ vùng thôn quê lên thành phố, và người mẹ cho cậu bé hướng dẫn cẩn thận về giao thông. “Đừng bao giờ đi ngang qua phố chừng nào xe chưa đi qua hết,” cô ấy nói vì đứa trẻ bắt đầu đi thăm một bạn nhỏ. Quãng một giờ sau nó quay về, mắt nhoà nước mắt. “Có chuyện gì vậy?” mẹ nó cảnh giác hỏi.
“Con không thể đi được,” Bobby nói. “Con đợi và đợi mãi, nhưng chẳng xe nào đi qua.
Nó được bảo phải đợi cho tới khi xe đã đi qua hết, nhưng chẳng có xe nào đi qua. Con đường trống vắng, và nó tìm xe chạy qua.
Đây là tình huống bên trong bạn. Con đường bao giờ cũng trống rỗng – sẵn có – nhưng bạn đang tìm xe, ý nghĩ, và thế thì bạn trở nên lo nghĩ rất nhiều. Bao nhiêu ý nghĩ. Chúng trở nên được nhân lên, chúng vọng đi vọng lại trong bạn, và bạn cứ chăm chú hướng tới chúng. Cách nhìn của bạn sai.
Đổi cách nhìn đi. Nếu bạn nhìn vào trong các ý nghĩ, bạn tạo ra tâm trí trong bản thân bạn. Nếu bạn nhìn vào trong lỗ hổng, bạn tạo ra thiền trong bản thân bạn. Tích luỹ lỗ hổng là thiền; tích luỹ ý nghĩ là tâm trí. Đây là hai động thái, hai khả năng của bản thể bạn: hoặc bạn hiện hữu qua tâm trí, hoặc bạn hiện hữu qua thiền.
Tìm lỗ hổng đi. Chúng đã có đó rồi, tự nhiên sẵn có. Thiền không phải là cái gì đó phải được tạo ra bởi nỗ lực. Nó có đó nhiều như tâm trí. Thực ra còn nhiều hơn tâm trí bởi vì tâm trí chỉ ở trên bề mặt, con sóng, còn thiền là chiều sâu của đại dương.
TẠO RA KHOẢNG HỞ BẰNG HƠI THỞ
Eckhart Tolle
Diện Mục Nguyễn văn Hạnh dịch Việt
Bạn khám phá không gian ở bên trong bằng cách tạo ra các khoảng hở trong dòng suy nghĩ của bạn. Không có những khoảng hở đó thì dòng suy nghĩ của bạn cứ lặp đi lặp lại, không có gì gây cảm hứng và hoàn toàn không có một chút sáng tạo nào. Đó là tình trạng chung của hầu hết mọi người trên trái đất này. Tuy nhiên, bạn không cần phải quan tâm đến độ dài của các khoảng hở. Chỉ cần vài giây là đủ. Dần dần những khoảng hở đó trong dòng suy nghĩ của bạn sẽ kéo dài ra mà bạn không cần phải cố gắng gì cả. Điều quan trọng ở đây là hãy thường xuyên tạo ra các khoảng hở trong dòng suy nghĩ của bạn, để cho dòng suy tư đó được xen kẽ bởi các khoảng hở.
Mới đây, có người cho tôi xem tờ quảng cáo của một tổ chức tâm linh lớn. Khi xem qua, tôi bị ấn tượng bởi quá nhiều những buổi hội thảo và các khóa học hằng năm. Nó gợi cho tôi liên tưởng đến một bữa ăn có quá nhiều món. Người đó muốn tôi cho lời khuyên là nên chọn học những lớp nào. Tôi trả lời “Ồ! Những lớp này có vẻ rất thú vị, nhưng tôi nghĩ thế này: Tốt hơn hết là bạn hãy thường xuyên có ý thức về hơi thở của mình. Bạn càng có ý thức về hơi thở càng tốt. Thực tập thở như thế trong một, hai năm, nó sẽ có tác dụng cải biến tâm thức bạn mạnh mẽ hơn là tham gia tất cả các khóa học này. Và bạn cũng chẳng phải mất đồng nào”.
Ý thức về hơi thở giúp bạn bớt cuốn hút vào thói quen suy nghĩ và giúp bạn tạo ra không gian ở bên trong. Đây là một cách làm cho bạn có ý thức hơn. Dù vốn là thứ có sẵn trong đời sống, trong mọi vật, nhưng hiện nay ý thức vẫn còn chưa được hiển lộ trong thế giới này, và nhiệm vụ của chúng ta là đưa ý thức vào trong đời sống này.
Hãy có ý thức về hơi thở của mình. Để ý đến cảm giác ở trong bạn về hơi thở. Cảm nhận hơi thở vào, ra qua cơ thể mình. Chú ý đến sự giãn ra và co lại của ngực và bụng khi bạn thở vào và thở ra. Chỉ cần bạn thở một hơi thở có ý thức là đủ để tạo ra ở trong bạn một khoảng không gian mà trước đó chỉ là một chuỗi suy nghĩ tiếp nối nhau, không dứt. Một hơi thở, hoặc hai, hoặc ba, được thực hiện nhiều lần trong một ngày là cách rất tốt để đưa không gian vào trong cuộc sống của bạn. Dù bạn có ý dành ra nhiều tiếng đồng hồ để thực tập chú tâm vào hơi thở thì thực ra điều mà bạn cần làm chỉ là thở và để ý đến hơi thở đấy. Phần còn lại chỉ là ký ức và sự phỏng đoán, tức chỉ là những ý nghĩ. Hơi thở tự nó sẽ xảy ra, chỉ cần bạn chứng kiến chứ không cần bạn phải làm gì cả. Hơi thở của bạn được phát sinh do sự thông thái sẵn có ở trong cơ thể của bạn. Điều bạn cần làm là quan sát hơi thở của mình khi nó đang xảy ra. Hơi thở không cần bạn phải cố gắng hay nỗ lực gì cả. Bạn chú ý đến những khoảng ngưng ngắn của hơi thở, đặc biệt là khoảng lặng cuối của hơi thở ra, trước khi bạn bắt đầu hít vào.
Hơi thở của nhiều người nông cạn đến độ bất thường. Nhưng khi bạn càng có ý thức về hơi thở của mình thì chiều sâu tự nhiên của hơi thở sẽ được phục hồi.
Vì hơi thở không có hình tướng nên từ xưa nó đã được xếp ngang hàng với linh hồn – Đời sống duy nhất, vô hình. Kinh Thánh viết: “Thượng Đế sinh ra con người từ cát bụi và thổi vào lỗ mũi hơi thở của sự sống. Nhờ đó mà con người mới trở thành một tạo vật có sự sống”. Từ thở trong tiếng Đức (atmen) có nguồn gốc từ chữ Atman trong tiếng Ấn Độ cổ (tiếng Sanskrit), có nghĩa là “linh hồn thánh thiện” hay “Thượng Đế ở bên trong”, ý nói bản chất thiêng liêng của Thượng Đế luôn có sẵn trong mỗi con người.
Vì hơi thở không mang hình tướng nên đó cũng là một trong những lý do tại sao ý thức về hơi thở là một trong những cách rất hiệu quả để giúp bạn mang không gian vào trong đời sống, để tạo ra nhận thức. Ý thức về hơi thở là một đối tượng thiền tập rất tuyệt vời vì hơi thở không phải là một vật thể, không có hình tướng. Một trong những lý do khác là do hơi thở là một trong những hiện tượng vi tế nhất và có vẻ như ít có ý nghĩa nhất – nó là một cái gì “nhỏ nhoi nhất”, theo Nietzsche – nhưng lại làm nên cái “hạnh phúc lớn nhất”. Ý thức về hơi thở giúp bạn đi vào phút giây hiện tại – chiếc chìa khóa mở ra tất cả những khả năng chuyển hóa ở nội tâm. Bạn có mặt tuyệt đối bất cứ khi nào bạn ý thức được hơi thở của mình. Bạn nên biết rằng bạn không thể vừa suy nghĩ mà lại vừa có ý thức về hơi thở. Thở có ý thức giúp bạn ngừng lại những suy tư ở trong mình. Nhưng điều này rất khác với trạng thái mê mẩn xuất thần hay ngủ gật, vì bạn hoàn toàn tỉnh táo khi có ý thức về hơi thở của mình. Bạn không bị rơi xuống dưới mức suy nghĩ, mà trái lại là vượt lên trên nó. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy rằng việc hoàn toàn có mặt trong phút giây hiện tại và sự sáng suốt chẳng vướng bận một suy tư nào giống nhau ở chỗ: Đó là sự trỗi dậy của không gian rộng thoáng ở nội tâm bạn.
TỈNH GIÁC IM LẶNG
Ajahn Brahm
Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch Việt
Mục đích của hành thiền là đạt đến sự im lặng tuyệt vời, tĩnh lặng, và tâm sáng suốt để giúp phát triển nhiều tuệ giác thâm sâu.
IM LẶNG NGHĨA LÀ KHÔNG BÌNH LUẬN
Chúng ta cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa trải nghiệm tỉnh giác im lặng về phút giây hiện tại và suy nghĩ về phút giây hiện tại. Tôi dùng ví dụ việc xem một trận đấu quần vợt trên màn ảnh truyền hình để giúp bạn hiểu được điểm này. Có thể bạn để ý rằng có hai trận đấu đang diễn ra cùng một lúc : Trận đấu bạn thấy trên truyền hình và trận đấu bạn nghe người bình luận mô tả. Người bình luận thường thiên vị. Thí dụ, nếu một tay vợt người Úc đang đấu với một tay vợt người Mỹ, thì bình luận viên thể thao của Úc rất có thể sẽ đưa ranhững lời bình luận khác hẳn với bình luận viên của Mỹ.
Trong thí dụ này, xem truyền hình mà không bình luận gì cả tượng trưng cho sự tỉnh giác im lặng về phút giây hiện tại trong thiền tập, còn chú ý đến lời bình luận tượng trưng cho suy nghĩ về phút giây hiện tại. Bạn phải nhận thức rằng bạn đến gần với sự thật hơn khi bạn chỉ thể nghiệm sự nhận biết im lặng về phút giây hiện tại mà thôi. Đôi lúc chúng ta tưởng rằng chính thông qua sự bình luận nội tâm mà ta biết được thế giới. Thật ra, tiếng nói nội tâm ấy chẳng biết gì về thế giới cả. Chính tiếng nói nội tâm ấy đã thêu dệt ra những vọng tưởng khiến ta đau khổ. Tiếng nói nội tâm khiến ta tức giận người ta ghét và tạo ra những dính mắc nguy hiểm với những kẻ ta thương. Tiếng nói nội tâm là nguyên nhân tạo nên mọi vấn đề của cuộc sống. Nó tạo nên sự sợ hãi và mặc cảm tội lỗi, lo âu và trầm cảm. Nó dựng nên những ảo tưởng này cũng tài tình như những diễn viên khéo dùng thủ đoạn kích động khán giả để tạo ra kinh sợ hay bi thương. Vì vậy nếu bạn đi tìm chân lý, ban phải biết quý trọng sự tỉnh giác im lặng, và khi bạn hành thiền, bạn phải xem việc này quan trọng hơn ý niệm nào khác.
Một phương cách hữu hiệu để vượt qua sự bình luận nội tâm là phát triển sự tỉnh giác im lặng thật tinh tế về giây phút hiện tại. Bạn quan sát mỗi phút giây hiện tại thật chặt chẽ đến nỗi bạn không còn thì giờ để bình luận về những gì vừa xảy ra. Một niệm khởi lên thường là một ý kiến về những gì vừa xảy ra. ‘Điều ấy tốt’, ‘Điều kia xấu’, ‘ Cái gì vậy?’. Tất cả những lời bình luận ấy thuộc về trải nghiệm trước đây. Khi bạn đang ghi nhận hay bình luận về một trải nghiệm đã qua, bạn không còn chú ý đến trải nghiệm vừa mới đến. Bạn đang tiếp xúc với khách cũ và bỏ quên mất những người khách mới đến.
Để triển khai ẩn dụ này, hãy tưởng tượng tâm bạn như một người chủ nhà tổ chức một buổi dạ tiệc, bạn đứng đón khách trước cửa. Nếu một người khách bước vào và bạn bắt đầu trò chuyện với người này, thì bạn không làm tròn nhiệm vụ là phải chú ý chào từng ngườ khách khi họ bước vào. Vì mỗi lúc đều có khách bước vào, bạn chào người này xong là phải chào ngay người đi vào kế tiếp. Bạn không thể có đủ thời giờ để nói chuyện với bất cứ người nào, dù là một cuộc trò chuyện ngắn nhất, vì như thế có nghĩa là bạn phải bỏ sót người bước vào kế tiếp. Trong thiền tập, sự việc cứ hiện đến trong tâm ta hết chuyện này đến chuyện kia qua cửa ngõ của giác quan. Nếu ban chú tâm đón nhận một sự việc và bắt đầu đàm thoại với nó thì bạn bỏ sót mất sự việc kế tiếp đang xảy ra ngay sau đó.
Khi bạn hoàn toàn sống trong giây phút hiện tại với từng sự việc, với từng người khách hiện ra trong tâm bạn, thì bạn không còn khoảng trống cho suy luận nội tâm. Bạn không thể đàm luận với chính mình bởi vì bạn hoàn toàn bận rộn chú tâm vào việc đón nhận mọi việc ngay lúc nó vừa xuất hiện. Đây là lúc bạn đang tinh tế thanh lọc sự nhận biết về giây phút hiện tại đến mức độ nó trở thành sự tỉnh giác im lặng về hiện tại trong từng giây phút.
Trong lúc phát triển sự im lặng nội tâm, bạn đang từ bỏ một gánh nặng rất lớn khác. Giống như bạn đã đeo một cái ba-lô nặng trĩu trên lưng trong suốt ba chục hay năm chục năm ròng rã, và trong suốt thời gian ấy bạn đã lê bước chân mệt nhọc trên nhiều dặm đường dài. Giờ đây bạn đã có được can đảm và trí sáng suốt để cởi cái ba-lô ấy ra và đặt nó xuống đất trong chốc lát. Bạn cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm, thật là thanh thản, thật là tự do, khi bạn đã đặt gánh nặng xuống đất.
Một phương cách hữu ích khác để phát triển sự im lặng nội tâm là nhận diện khoảng cách giữa các ý niệm, hoặc giữa những thời khắc đối thoại nội tâm. Hay theo dõi thật kỹ với sự nhận biết nhạy bén khi một ý niệm vừa tan biến và trước khi một ý niệm khác khởi lên – Đấy ! Khoảng cách đó chính là tỉnh giác im lặng. Lúc đầu, khoảng cách đó có thể chỉ trong giây lát, nhưng khi bạn đã nhận ra sự im lặng thoáng qua ấy bạn sẽ dần dần quen thuộc với nó. Và khi bạn đã quen thuộc với nó, sự im lặng sẽ kéo dài lâu hơn. Cuối cùng khi bạn đã tìm thấy nó, bạn bắt đầu vui hưởng sự im lặng, và đó là lý do khiến nó kéo dài lâu hơn. Nhưng nên nhớ rằng sự im lặng rất dễ mắc cỡ. Nếu sự im lặng nghe bạn nói về nó, nó sẽ biến mất ngay lập tức
IM LẶNG THẬT LÀ THÍCH THÚ
Thật tuyệt diệu nếu mỗi chúng ta có thể từ bỏ tất cả tiêng nói nội tâm và an trú trong sự tỉnh giác im lặng về giây phút hiện tại trong một thời gian vừa đủ dài để cảm nhận được điều này làm ta thích thú biết chừng nào. Im lặng giúp phát triển trí tuệ và óc sáng suốt nhiều hơn suy nghĩ. Khi ta nhận thức được điều này, sự im lặng trở nên hấp dẫn và quan trọng hơn. Tâm ta sẽ hướng về sự im lặng, tìm kiếm nó không ngừng, cho đến mức độ là tâm chỉ dấn thân vào quá trình suy nghĩ khi nào thật cần thiết, chỉ khi nào có việc gì đáng suy nghĩ. Một khi chúng ta nhận thức được rằng phần lớn những suy nghĩ của chúng ta thật ra chẳng đáng bận tâm chút nào, chẳng đi đến đâu, mà chỉ làm chúng ta nhức đầu, chúng ta sẽ vui vẻ và dễ dàng dành nhiều thì giờ hơn để tìm về sự tĩnh lặng nội tâm.
Nếu chúng ta có thể đạt đến điểm này, chúng ta đã đi được một đoạn đường dài trong nổ lực thiền tập. Trong sự tỉnh giác im lặng về ‘ngay phút giây này’, chúng ta đã cảm nhận được rất nhiều an tịnh, hỷ lạc và theo sau đó là trí tuệ.
KHOẢNG HỞ GIỮA HAI HƠI THỞ
Sogyal Rinpoche
Trí Hải dịch Việt
Phương pháp này rất xưa và có mặt trong tất cả trường phái Phật giáo. Đó là để tâm chú ý vào hơi thở một cách nhẹ nhàng đầy chánh niệm. Hơi thở là sự sống, sự biểu hiện căn bản nhất của cuộc đời ta. Trong Do thái giáo thì ruah, hơi thở, là linh hồn của Thượng đế thấm khắp tạo vật; trong Ki tô giáo cũng có dây nối mật thiết giữa đấng Thánh linh – nguồn gốc của mọi sự sống – và hơi thở. Trong giáo lý Phật, thì hơi thở, Phạn ngữ là prana, được gọi là “cỗ xe của tâm”, vì chính hơi thở làm cho ta tâm ta di chuyển. Bởi thế khi ta làm an tịnh tâm bằng cách làm việc khéo léo với hơi thở, thì cũng như ta đang luyện tâm và hàng phục tâm. Có phải ai trong chúng ta cũng đã từng thấy khỏe khoắn biết bao khi đang gặp căng thẳng mà ngồi lại vài phút để thở những hơi thở vào ra thật chậm và sâu không? Ngày cả một tập luyện đơn giản như thế cũng có thể giúp ta rất nhiều.
Vậy khi thiền định, bạn hãy thở tự nhiên, như thường ngày bạn thở. Tập trung sự chú ý của bạn vào hơi thở ra. Khi thở ra, bạn hãy buông ra theo hơi thở tất cả sự bám víu của bạn. Tưởng tượng hơi thở bạn tan vào trong khoảng không bao la của chân lý. Mỗi lần thở ra, trước khi hít vào lại, bạn sẽ thấy có một khoảng hở tự nhiên, khi sự chấp thủ đã tan biến.
Hãy an trú trong khoảng hở ấy, không gian rộng mở ấy. Và khi tự nhiên bạn thở vào, thì đừng chú ý hơi thở vào, mà cứ tiếp tục an trú tâm nơi khoảng hở đã mở ra ấy.
Khi thực tập, điều quan trọng là bạn đừng vướng vào sự luận giải, phân tích trong tâm, hay thói lải nhải nội tâm. Đừng lầm sự lặp đi lặp lại trong tâm rằng “Bây giờ tôi đang thở vào, bây giờ tôi đang thở ra” cho đó là chánh niệm; cái quan trọng là sự tỉnh giác thuần túy không xao lãng.
Đừng quá tập trung vào hơi thở; chỉ để cho nó chừng hai mươi lăm phần trăm, còn bảy mươi lăm phần trăm thì bạn hãy buông xả một cách lặng lẽ bao la. Càng chánh niệm hơi thở, bạn càng tỉnh thức về chính mình, gom lại những mảnh vụn phân tán của bạn thành một nhất thể, tính nhị nguyên và ngăn cách tan biến.
Chính tiến trình chánh niệm ấy lọc sạch tư tưởng và cảm xúc bạn.
Khi ấy, bạn cảm như đã rũ bỏ một cái lốt da ngoài, có cái gì được lột sạch, được phóng thích.
TƯ TƯỞNG
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên dịch Việt
Sử dụng tư tưởng như một đề mục chánh niệm là một điều quan trọng. Nếu chúng ta không ý thức được tư tưởng của mình khi chúng vừa mới khởi lên, ta sẽ khó có thể nào hiểu được lý Vô ngã và thấy được rằng sự suy nghĩ không phải thật là mình.
Sự ngộ nhận này là nền móng căn bản xây dựng lên cái ngã, cái tôi của mình: “Tôi” là người đang suy nghĩ. Chánh niệm về tư tưởng có nghĩa là giản dị biết được tư tưởng khi nó sinh lên, biết được rằng tâm mình đang suy nghĩ mà không bị dính mắc vào nội dung của chúng. Chúng takhông nên miệt mài chạy theo sự tưởng tượng, phân tích coi tư tưởng từ đâu đến. Ta chỉ cần ý thứcđược rằng trong giây phút này có một tư tưởng đang phát khởi.
Bạn có thể niệm thầm trong đầu “suy nghĩ, suy nghĩ” mỗi khi có một tư tưởng nào phát hiện. Bạn hãy quán sát chúng mà không phê bình, không phản ứng, không cho rằng sự suy nghĩ đó chính là mình, là của mình, sự suy nghĩ cũng chính là người suy nghĩ. Chẳng có ai đứng phía sau chúng hết. Tư tưởng tự nó suy nghĩ. Nó đến mà chẳng cần một ai mời.
Sau một thời gian thực tập thiền quán, bạn sẽ thấy rằng khi chúng ta không còn bị dính mắc vào sự suy nghĩ, tư tưởng sẽ không có mặt lâu. Khi bạn ý thức được sự có mặt của một tư tưởng, nó sẽ biến mất và sự chú ý sẽ trở lại với hơi thở. Bạn cũng có thể đặt tên chính xác hơn cho những tư tưởng sanh lên, để nhận diện sự khác biệt của chúng, nếu bạn muốn, thí dụ như “dự định”, “tưởng tượng” hay là “nhớ, nhớ”. Cách này có thể giúp cho sự chú ý của bạn được sâu sắc hơn. Nhưng nếu bạn chỉ niệm “suy nghĩ, suy nghĩ” thôi cũng đủ rồi. Điều quan trọng là phải ý thức được tư tưởng khi nó vừa mới phát lên, chứ không phải vài phút sau đó. Khi bạn có thể nhận diện được sự có mặt của tư tưởng khi chúng vừa mới sinh lên, chúng sẽ mất đi khả năng chi phối được bạn.
Bạn đừng bao giờ đối xử với tư tưởng như là một chướng ngại, kẻ thù của thiền quán. Chúng chỉ là một đối tượng của chánh niệm, một đề mục của thiền quán. Đừng bao giờ để tâm mình trở thành lười biếng, dễ duôi. Phải biết tinh tấn duy trì chánh niệm, biết rõ ràng những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại.
Thiền sư Suzuki trong quyển Thiền Tâm, Sơ Tâm có viết:
Khi ngồi thiền, bạn đừng có cố gắng ngăn chặn sự suy nghĩ của mình. Hãy để tự nó chấm dứt. Nếu có một tư tưởng nào xuất hiện, hãy để nó đến rồi để nó đi. Chúng chẳng ở lâu đâu. Còn khi bạn dụng công để ngăn chặn nó, có nghĩa là bạn bị nó làm khó chịu. Đừng bao giờ để chuyện gì làm cho bạn phải bực mình. Điều mà bạn tưởng rằng đến từ bên ngoài, thật ra chính là những đợt sóng trong tâm mình, và nếu bạn không khó chịu vì những đợt sóng, chúng dần dần sẽ trở nên yên tĩnh hơn… Những cảm xúc đến, tư tưởng, hình ảnh phát lên đều là những đợt sóng trong tâm. Chẳng có gì là ở ngoài tâm đâu. Nếu bạn để cho tâm mình được sự nhiên, nó sẽ trở nên tĩnh lặng. Tâm này ta gọi là Chân tâm.
Hãy để mọi việc xảy ra một cách tự nhiên. Hãy để những hình ảnh, tư tưởng, cảm giác sinh ra và diệt đi mà không khó chịu, phản ứng, phê phán hay ôm giữ. Trở thành một với Chân tâm, quán sát một cách thật cẩn thận và tinh tế những đợt sóng đến và đi. Thái độ này sẽ đem lại cho tâm ta là một sự quân bình và tĩnh lặng vô cùng nhanh chóng. Đừng bao giờ xao lãng sự tập trung của mình. Giữ tâm chánh niệm luôn luôn, từng giây phút một, về mọi chuyện đang xảy ra, dù nó có là sự phồng xẹp ở bụng, hơi thở ra vào nơi mũi, cảm giác hay tư tưởng. Lúc nào cũng giữ chánh niệm, tập trung nơi đối tượng với một tâm quân bình và thoải mái.
NHỮNG DẤU LẶNG
Nguyễn Duy Nhiên
Chúng ta thường nghĩ rằng một người thành công, hay là một người có ích cho đời là một người rất bận rộn. Người ta thường nói thì giờ là vàng bạc, vì vậy lúc nào ta cũng phải biết tận dụng thi giờ của mình, không được hoang phí. Nhưng có một nhà văn Trung Hoa, ông Lâm Ngữ Đường, nói rằng, “Thì giờ có ích lợi nhất khi nó không bị bắt dùng vào một việc gì hết. Thì giờ cũng được ví như khoảng trống trong một căn phòng.” Khoảng trống ấy đâu có sử dụng cho việc gì đâu, nhưng nó rất là cần thiết.
Cũng như trong nghệ thuật cắm hoa. Một yếu tố quan trọng trong sự cắm hoa là khoảng không gian chung quanh những nhánh hoa, những cành lá. Chứ không phải hễ càng cắm cho nhiều hoa, chen chúc với nhau, là đẹp. Nhìn vào ta phải thấy nhẹ mát, phải cảm nhận được nơi ấy một không gian thênh thang. Ta có thể ví dụ cuộc sống như là một bài nhạc. Trong một bài nhạc bao giờ cũng có những dấu lặng, và những khoảng cách giữa hai nốt nhạc với nhau. Thiếu những khoảng trống ấy, thì bản nhạc không thể là một bản nhạc, nó chỉ là một âm thanh kéo dài vô nghĩa mà thôi.
Một nhạc sĩ dương cầm tài danh, Artur Schnabel, chia sẻ về nghệ thuật chơi đàn của ông như sau, “Tôi không nghĩ là mình chơi đàn hay hơn bất cứ một nhạc sĩ nào khác, những nốt nhạc trong một bài nhạc đều giống y như nhau, chúng cũng chỉ có vậy thôi. Nhưng tôi biết cách sử dụng những khoảng cách giữa hai nốt nhạc. Mà nghệ thuật nằm ở những nốt nghỉ đó. Chúng làm cho bản nhạc hay hơn.”
Bạn biết không, mọi vật trên vũ trụ đều có một nhịp điệu riêng, từ sự chuyển động của một hạt nguyên tử nhỏ bé, cho đến trái đất, mặt trăng, và các dãy ngân hà xa xôi. Tất cả đều có một rhythm riêng của nó. Chung quanh ta, trời có mưa nắng, thiên nhiên cây lá có bốn mùa, thủy triều có lên xuống…
Sự sống của ta cũng vậy, cũng có những sự mất còn, đến đi, cần thiết của nó. Có những lúc ta bước tới, nhưng cũng có những lúc ta cần sự dừng lại. Nếu như ta chỉ biết đi tới mà không còn dừng nghỉ, thì sự sống này chỉ còn có một chiều duy nhất mà thôi, nó sẽ lạc mất nhịp điệu.
Bạn hãy làm cho cuộc sống mình được tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, trong sáng hơn, bằng cách chú ý và trân quý đến những khoảng trống, những dấu lặng trong đời mình. Và bạn biết không, nghệ thuật sống đẹp của chúng ta nằm ở nơi những khoảng trống đó.
NHÌN KHÔNG GIAN – CHÚ TÂM KHÔNG ĐỐI TƯỢNG
Wangchuk Dorje
Đương Đạo dịch Việt
Để hướng tâm thức vào cái không có căn cứ hay đối tượng, bạn nhìn thẳng, trống trơn vào không gian trước mặt với hai mắt mở và không có đối tượng nào cả.
Hư không như bản tánh của tâm thức, là thường hằng, không có điều kiện cũng không lệ thuộc nhân duyên. Bởi thế nhìn thẳng vào không gian trước mặt bạn là một phương pháp tiếp cận cho tham thiền về bản thân tâm thức.
Tham thiền không có đối tượng không nên lầm lẫn với tâm vô ký trống trơn trong đó bạn hoàn toàn hôn trầm như sự bất tỉnh hay say đờ đẫn. Nó cực kỳ cảnh giác, tỉnh thức và trong sáng, không có đối tượng hay tư tưởng nào.
Không để cho tâm thức bạn nghĩ về cái gì cả, chớ cho phép một lang thang nhỏ nhặt nào của tâm thức. Chớ hướng tâm thức đến những tư tưởng trạng thái này có những phẩm tính gì, hay quá khứ, tương lai. Đặt tỉnh giác như một tay gián điệp rất siêng năng kiểm soát xem bạn có đi lạc không, và rồi buông xả. Nói cách khác, hãy tự đặt mình trong một trạng thái thanh tĩnh, không tạo tác giả tạo của cái tại đây và bây giờ (cái hiện tiền).
Chớ lang thang dù chỉ một khoảnh khắc. Hãy chăm chú như khi xâu chỉ lỗ kim. Chớ để tâm thức bạn ồn náo, mà như một đại dương không sóng. Chớ có ý cố gắng hoàn thành một cái gì, mà chỉ trụ tâm thức con như một con ó vút thẳng lên. Hãy hoàn toàn thoát bỏ mọi mong cầu và lo toan.
Khi bạn không có lang thang trong tư tưởng, thì những tư tưởng sẽ không đến. Nhưng khi lang thang xảy ra, bấy giờ bởi vì những tư tưởng tiếp nối cái này qua cái khác, hãy cố gắng nhận biết chúng là gì ngay khi vừa khởi lên. Nói cách khác, hãy nhìn thẳng vào chúng và rồi trụ tâm như trước. Bất kể tư tưởng khởi lên như vậy, chỉ nhận biết chúng là cái gì. Hãy đặt sự chú ý của bạn ngay vào chúng mà không nghĩ gì đại loại “Ta phải chặn chúng” hay “Ta đã chặn được chúng”, hay cảm thấy vui sướng hoặc bất hạnh. Chỉ nhìn vào chúng với con mắt của trí huệ rõ biết. Hãy lấy chính tư tưởng như là căn cứ đối tượng cho tâm thức nắm giữ và rồi định vào đó. Hãy để cho tâm bạn trong một trạng thái không căng thẳng quá cũng không buông lỏng quá. Đây là điểm thứ năm cho thiền định.
Khi bạn bắt đầu tham thiền, có vẻ tư tưởng bạn tăng thêm. Thật ra không phải thế, mà chỉ vì bạn ý thức hơn về nhiều “giao thông” trong tâm thức bạn.
Tâm thức và những tư tưởng của nó không đồng nhau cũng không khác nhau. Nếu chúng là một, sẽ không sao làm cho bình lặng hoặc loại bỏ tư tưởng. Nếu chúng là khác và tách biệt nhau, bạn có thể có những tư tưởng mà không cần có tâm. Những tư tưởng là trò chơi nhất thời của tâm. Tâm thì sáng tỏ, thanh tịnh không có đặc tính gì, như tấm gương. Những tư tưởng giống như những hình ảnh trong tấm gương đó ; chúng không tách lìa gương, cũng không là một với gương.
Những tư tưởng là kết quả của mê lầm về bản tánh của thực tại, và có nhiều loại khác nhau. Những tư tưởng thô thì dễ nhận ra. Chẳng hạn nếu bạn đang thiền định về một cái tách, và tư tưởng khởi lên bạn muốn uống trà, rồi bạn gọi ai đem tới cho bạn, đó là tư tưởng thô. Một tư tưởng tế có thể nghĩ, “Đây là một cái tách” hay “Nó làm bằng sứ trắng”, hay nhận biết tiếng ra -đi-ô khi đang chú tâm vào cái tách. Nhưng bất cứ loại tư tưởng nào khởi lên, hãy nhận ra nó là cái gì. Nhận biết đó chỉ là một tư tưởng, trò chơi của tâm thức như một hình ảnh trong gương, không bám níu và để chúng đi qua. Hãy để những tư tưởng liên tục tan biến như một cuộc diễn hành đủ mọi tính cách đi qua một khán đài mà không hề dừng lại.
Nếu bạn nghĩ rằng một tư tưởng nhỏ không đáng nghĩa gì, đây là một thái độ dở. Đám cháy rừng có từ một ngọn lửa nhỏ. Cũng như từ tư tưởng nhỏ “Đây là một tách trà”, nếu bạn bám vào nó, bạn sẽ sớm có mặt trong bếp để nấu trà và xa hẳn thiền định của bạn. Chỉ nhìn vào tư tưởng, không theo nó, và nó sẽ tự nhiên tan biến. Không có cái gì khác có thể làm.
ĐẠI DƯƠNG VÀ SÓNG
Sogyal Rinpoche
Trí Hải dịch Việt
Khi bắt đầu thiền, người ta thường nói những ý tưởng của họ nổi loạn, và trở nên ồn ào hơn bao giờ hết. Nhưng tôi trấn an họ rằng, đó là dấu hiệu tốt. Nó chứng tỏ bạn đã trở nên an tịnh hơn, nên mới ý thức được sự ồn ào của những ý tưởng trong tâm bạn. Bạn không nên nản chí bỏ cuộc. Dù khởi lên ý niệm gì, hãy để tâm bạn tỉnh thức, kéo tâm về hơi thở, ngay dù nó đang tán loạn.
Trong những chỉ dẫn về thiền ngày xưa, thường nói rằng lúc đầu những ý tưởng kéo đến té nhào lên nhau không gián đoạn, như thác đổ trên núi xuống. Dần dần, khi bạn hoàn hảo về thiền, thì ý tưởng như nước trong vực sâu, rồi như dòng sông lớn chảy ra biển, chỉ thỉnh thoảng có sống gợn lăn tăn.
Đôi khi người ta nghĩ rằng khi thiền định, họ không được có ý tưởng cảm xúc nào cả, nên khi chúng khởi lên, họ đâm ra bực bội cáu tiết với chính họ, vì tưởng mình thất bại. Thật không gì sai sự thật hơn. Tây Tạng có câu: “Đấy cũng như đòi thịt đừng có xương, đòi trà đừng có lá.” Bao lâu bạn còn tâm là còn có ý tưởng và cảm xúc.
Cũng như đại dương có sóng, mặt trời có tia, những tia sáng của tâm bạn chính là những ý tưởng và cảm xúc. Biển có sóng, nhưng nó không phiền hà gì về những ngọn sóng. Sóng chính là bản tính của biển. Sóng sẽ nổi lên, nhưng sẽ đi về đâu? Trở về đại dương. Và những con sóng ấy từ đâu đến? Từ đại dương. Cũng thế, ý tưởng và cảm xúc là những tia sáng và biểu hiện của chính tự tính của tâm. Chúng nổi lên từ tâm, nhưng chúng tan biến đi đâu? Cũng tan trở về tâm. Dù ý tưởng gì khởi lên, cũng đừng xem nó như một vấn đề trọng đại. Nếu bạn không phản kháng một cách ồn ào, nếu bạn cứ kiên nhẫn, thì nó sẽ lại trở về trong tự tính của nó.
Khi bạn hiểu được như vậy, thì những ý tưởng khởi lên chỉ làm tăng tiến việc thực tập thiền định của bạn. Mà nếu không hiểu như vậy, thì chúng lại trở thành hạt giống của mê mờ. Vậy hãy có một thái độ cởi mở từ bi đối với chúng, vì những ý tưởng ấy đều là gia đình của tâm bạn. Bạn hãy xử với chúng “như một ông già minh triết nhìn đứa trẻ đang chơi,” như Dudjom Rinpoche đã nói.
Chúng ta thường không biết làm sao với tính tiêu cực hay vài cảm xúc rầy rà. Trong tính khoáng đạt của thiền định, bạn có thể nhìn những ý tưởng và cảm xúc bạn với một thái độ hoàn toàn cởi mở không thành kiến. Khi thái độ của bạn thay đổi, thì toàn thể không khí của tâm bạn cũng thay đổi, cả đến bản chất của những tư tưởng và cảm xúc bạn. Khi bạn trở nên dễ chịu hơn, thì chúng cũng dễ chịu hơn; nếu bạn không khó khăn với chúng, thì chúng cũng không khó khăn với bạn.
Bởi thế, dù tư tưởng cảm xúc nào khởi lên, hãy để cho chúng lên xuống như sóng biển. Bất cứ gì bạn thấy mình đang nghĩ tới, hãy để cho ý nghĩ ấy tự sinh tự diệt không một gượng ép nào. Đừng nắm bắt nó, nuôi dưỡng nó, chạy theo nó; đứng bám lấy nó và củng cố nó. Không theo dõi những vọng tưởng, cũng không mời gọi chúng, bạn hãy giống như biển nhìn những làn sóng của nó, hay như bầu trời nhìn những đám mây bay qua nó.
`Bạn sẽ thấy rằng những ý tưởng như cơn gió, chúng đến và đi. Bí quyết là đừng “nghĩ” về chúng, mà để cho chúng tuôn chảy qua tâm, đồng thời giữ cho tâm bạn thoát khỏi những “hậu” ý tưởng.
Trong tâm thường ngày, ta nhận thấy dòng tư tưởng như là liên tục; song kỳ thực không phải vậy. Bạn sẽ khám phá cho chính bạn rằng có một khoảng hở giữa hai ý tưởng. Khi niệm quá khứ đã qua, thì niệm tương lai chưa đến. Bạn sẽ luôn luôn tìm thấy một khe hở trong đó Rigpa, tự tính của tâm, làm hiển lộ. Vậy, công việc của thiền định là làm chậm lại dòng tư tưởng, để cho khoảng hở ấy trở thành rõ rệt hơn.
Thầy tôi có một người học trò tên Apa Pant, một nhà ngoại đạo Ấn, một tác giả, người đã làm đại sứ Ấn ở nhiều thủ đô khắp thế giới. Ông ta đã từng làm đại diện cho chính phủ Ấn tại Tây Tạng ở Lhasa, và có một thời gian ông làm đại diện ở Sikkim. Ông cũng là một thiền giả và người thực hành yoga, và mỗi lần gặp thầy tôi, ông đều hỏi làm sao để thiền. Ông đang theo một truyền thống Đông phương, trong đó người học cứ hỏi đi hỏi lại vị thầy một câu hỏi căn bản thật nhiều lần.
Apa Pant kể cho tôi nghe chuyện này. Một hôm thầy tôi Jamyang Khientse đang ngắm một màn vũ của các Lama trước Chùa Cung điện ở Gangtok, thủ đô Sikkim, đang khúc khích xem một người hề làm trò giữa hai màn vũ. Apa Pant cứ hỏi đi hỏi lại mãi cái câu làm thế nào để thiền định, bởi thế thầy tôi cho ông biết thầy trả lời ông ta một lần chót:
- Xem, nó giống như thế này: Khi ý tưởng quá khứ đã qua, mà ý tưởng vị lai chưa đến, có phải có một khoảng hở không?
Apa Pant đáp:
- Vâng.
Thầy tôi nói:
Đấy, hãy kéo dài nó ra: Đó là thiền định.