Cái Gì và Tại Sao

Bài Giảng Sư Toại Khanh Zoom 2020

Tiếp nối với bài giảng lần trước, tuần này chúng ta có đề tài vừa lạ và vừa quen. Đề tài này không có gì là Phật Pháp hết. Đó là cái gì và tại sao.

Trong một tác phẩm của Shakespear ông có một câu rất nổi tiếng và rất khó dịch vì nghĩa nó rộng lắm. Đó là to be or not to be? Phải hay không phải? Sống hay là chết? Có hay không có? Đó là một vấn đề.

Trong tiếng Bali, có một chữ là “chúng sinh”. Trong tiếng Anh Pháp thì có động từ vừa là “có”, vừa là “là”. Toàn bộ đời sống là động từ to be.

Ví dụ như người ta nói “chúng ta làm thiện không phải vì đối tượng người đó là ai mà bởi vì chúng ta là ai. Làm thiện tức là nói thiệ nghĩ thiện, là điều lành là bởi vì chúng ta là ai cho nên chúng ta mới làm thiện. Đó là một trong những gợi ý lớn để thấy rằng đời sống của mình chỉ là động từ to be thôi. Chúng ta là ai và chúng ta là cái gì? Đó mới là cái quan trọng.

Chúng ta thường nghĩ về những cái rất là to tát ví dụ như sự nghiệp: sự nghiệp tinh thần, tiếng tăm, quyền lực, uy tín, tình cảm … chúng ta nghĩ đến chuyện chúng ta sở hữu cái này cái kia. Còn việc quan trọng nhất chí tử cốt yếu nhất thì chúng ta lại quên. Đó chính là cuộc đi nghìn dặm nào cũng bắt đầu từ bước đi đầu tiên. Tòa lâu đài nào cho dù lớn cách mấy cũng bắt đầu bằng viên gạch đầu tiên. Một chiếc xe đạp và một chiếc xe 18 bánh, trọng lượng khác nhau xa lắm. Nhưng điểm đồng của hai chiếc xe này, tuy là về hình dáng trọng lượng cơ cấu vận hành cấu tạo thì đúng là nó khác nhau nhiều lắm. Nhưng mà nó có điểm giống nhau, đó là bánh xe chạm xuống mặt đường dầu là chiếc xe đạp thì diện tích chạm mặt đường cũng là phần rất nhỏ so với tổng diện tích của chiếc xe đạp. Còn chiếc 18 bánh thì tiếp diện của bánh xe cũng chỉ là một phần rất nhỏ so với tổng diện tích của chiếc xe. Chúng ta có là ai và có bao nhiêu khác biệt đi nữa thì chúng ta có một điểm đồng với nhau là đời sống của mỗi người nó diễn ra trong từng phút. Mình sống 75 tuổi hay 92 tuổi thì đời sống cũng chỉ diễn ra trong từng phút hít thở, buồn vui, thiện ác, thích ghét. Giống như chiếc xe dầu cho nó có lớn hay bé cách mấy thì diện tích tiếp xúc không bao nhiêu. Thì mình cũng vậy. Toàn bộ đời sống được thiết lập trên từng khoảnh khắc hiện hữu, rất mong manh. Mà chỉ có người hiểu đạo, người hành đạo thì mới có thể sống một cách đúng nghĩa, đúng mức và trọn vẹn. Còn không chúng ta chỉ là xác chết chưa chôn. Chúng ta sống mà không biết gì về mình hết. Chúng ta chỉ nghĩ đến những cái cao vời, cao xa, hoành tráng, đồ sộ, nguy nga. Nhưng chúng ta quên một chuyện là từng phút của chúng ta trôi qua như thế nào.

Tôi có thể mạnh miệng nói rằng, tuy không phải là một bác sĩ, không phải là một nhà khoa học, không phải là một nhà sinh vật hay chuyên gia hóa học, tôi có thể dám nói rằng “Mỗi giây phút hít thở của chúng ta, mỗi ly nước chúng ta uống vào mỗi giờ đồng hồ, mỗi miếng ăn chúng ta ăn vào miệng mình mỗi bữa, nó có một ảnh hưởng cực lớn đến toàn bộ sự nghiệp của chúng ta. Tôi chịu trách nhiệm với câu tuyên bố đó.

Từng bữa ăn, mình ăn cái gì? Lượng natri mỗi ngày mình nạp vào trong người của mình là bao nhiêu phần trăm. Lượng đường lượng muối và lượng cholesterol mình nạp vào hàng ngày nó quyết định sức khỏe của chúng ta. Chúng ta có giỏi bằng trời thì nếu ăn không tốt thì cũng mau đi lắm.

Đến chuyện hít thở, là chuyện nhỏ là sai. Chúng ta hít thở trong bầu không khí như thế nào? Không khí ô nhiễm khác nhau với bầu không khí trong lành, khác nhau xa lắm. Cho nên mình tưởng mỗi hơi thở là chuyện nhỏ là không phải. Anh thở ở đâu? Và cái hơi thở là của một người tập luyện chuyên nghiệp hay là của phản ứng sinh học tự nhiên, còn sống là còn thở. Còn thở của người tập luyện khí công yoga nó khác, với hành giả nó khác. Khác nhau nhiều lắm. Và mình thở ở đâu? Thở ở chỗ khói bụi, khí độc ô nhiễm nó khác. Có thở ra và quên thở vào nó khác, thở gấp quá cũng mệt. Hơi thở thong thả, sâu chậm nó khác.

Từng hơi thở từng ly nước từng miếng ăn có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ đời sống của chúng ta.

Từng cảm xúc buồn vui, từng giây phút thiện ác trong lòng có ảnh hưởng rất lớn thậm chí ảnh hưởng toàn bộ đời sống của mình. Đừng coi thường cái buồn vui, vì sao vậy? cái gì làm cho anh vui làm cho anh ta buồn phiền . Giá trị của một con người tương đương với cái gì làm cho vui buồn phiền. Cái câu này nhiều người không hiểu hoặc hiểu mà bị sốc nặng lắm.

Giá trị của một con người tương đương với cái gì làm cho anh ta thích, làm cho anh ta ghét, cái gì làm cho anh ta mỉm cười hay chảy nước mắt đổ lệ. Từng giây phút buồn vui mình thấy nó không đáng gì nhưng mà sai, anh vui trên cái gì, tại sao anh thích đọc sách, tai sao anh thích đánh bài, thích câu cá, thích ngồi thiền, thích tụng kinh. Cái thích cái ghét của anh, cái buồn cái vui của anh nó rất là quan trọng bởi vì nó phản ánh toàn bộ con người của anh, nó phản ánh một phần nào đời sống tâm sinh lý của anh. Sức khỏe anh làm sao đó anh mới cười được. Tôi thấy anh còn cười được tức là sức khỏe anh OK.

Mỗi cái thiện là nền cho cái ác. Và mỗi cái ác là nền cho cái thiện. Hễ còn phàm phu thì còn như vậy. 13:31

Tâm lý của anh làm sao thì anh mới cười được, tối thiểu làm sao mới có thể cười được.

Vậy, từng hơi thở ra vào, từng miếng ăn từng ly nước, từng nụ cười từng niềm vui từng nỗi buồn, từng suy nghĩ thiện ác trong đầu rất là quan trọng. Vì nó phản ảnh con người thật của mình, đồng thời nó còn là con đường dẫn ta về đâu đó.

Công thức trong Phật Pháp: Mỗi giây trôi qua, chúng ta đang kín đáo xây dựng một chốn về cho mình trong tương lai, mỗi giây trôi qua chúng ta đang kín đáo đi trên con đường dẫn về đâu đó.

Cho nên trong bài giảng trưa nay, chúng tôi đặc biệt nói về những nghi vấn từ : cái gì tại sao bao lâu…

Tại sao chúng ta đi chùa? Chỉ trả lời câu hỏi này là chúng ta đã đi một quãng đường rất xa trong hành trình tu học của mình. Đi chùa để làm cái gì? Đi chùa để nhào xuống bếp nấu nướng dọn dẹp, đi chùa để chạy vào thư viện mày mò ghi ghi chép chép, đi chùa để đến một góc vắng ngồi thiền, đi chùa để lên chánh điện xin xăm, thắp hương cầu khẩn cái này cái kia, đi chùa để gặp người quen tán dóc, đi chùa chỉ vì tình cảm riêng tư với tăng ni hoặc một vài phật tử thân quen nào đó. Vậy chúng ta có nhiều lý do để đi chùa lắm.

Vì vậy, đầu tiên trong bài giảng hôm nay tôi nói tới cái gì là chỗ đó, và tại sao. Khi mình hiểu cái gì và tại sao mình đi chùa và tại sao mình lại chọn cái đó. Là vì hai lý do: một là do tiền nghiệp quá khứ nó đẩy mình vào cái đó, và cái tương lai sau này mình ra sao là do chính mình quyết định. Cái đó rất là quan trọng.

Mình cũng muốn thấy người ta làm chùa rồi mình bắt chước mình làm. Giống như bên Brisban ở Úc, làm một cái, nhưng hỏi là làm cái gì, ví dụ như vậy. Tôi nói với tất cả cái tấm tình chân thành, nhưng mà sẵn nói thì nói hết. Thấy người ta làm cái chùa nhưng cất xong tăng ni có về đó hay không? Nếu không có tăng ni, anh chị em bạn đạo có thường xuyên đoàn kết họp mặt, thường xuyên làm cái việc tích cực ở đó hay không? Hay họp mặt để mà phe phái. Cất một cái chùa kể cả mình là tăng ni thì mình sẽ sống ra sao? Mình có pháp học hay không? Mình có pháp hành hay không? Đừng có nói tới pháp thành, chỉ nói tới pháp học pháp hành thôi. Một cái chùa nó chỉ có giá trị khi nó có pháp học hoặc pháp hành. Tốt nhất là cả hai. Còn nếu một cái chùa hay một màu áo tu sĩ mà thiếu một trong hai cái này, thì cái chùa ấy, cái lá y ấy nó có ý nghĩa gì?

Như vậy, trong bài giảng này tôi chọn đề tài này, tôi cứ phân vân mình giảng vậy có ai hiểu hay không? Tôi giảng tôi phải mệt chứ, mà ai nghe, bao nhiêu năm trời giảng có giúp ích gì cho thiên hạ không? Không hề có, chỉ gây ra cái rắc rối sao chép in ấn rồi kinh doanh gì đâu không! Chứ không hề thấy có giúp đỡ được ai hết. Cho nên đó cũng là một lý do quan trọng cho cái lớp kinh tạng mình dẹp nó qua một bên. 17:57

Và nếu có dịp trở lại, hay có một cơ duyên đặc biệt nào đó chẳng hạn như những lần chúng tôi về Kalama thì mình sẽ có một cái lớp học ở đó, lớp Kinh Tạng. Dĩ nhiên, cách thức lúc đó sẽ khác với bây giờ nhiều lắm.Nghĩa là giờ nào thiền thì thiền, giờ nào học thì học. Chúng tôi muốn có thể sẽ lập lại cái lớp đó nhưng theo kiểu mới. Có nghĩa là không theo từng bài thứ lớp ở trong Kinh Tạng nữa mà là để ý vào buổi sáng thiền sư Miến Điện nói cái gì. Thì mình sẽ có một bài giảng tương đương với một bài Kinh Tạng, vừa chú giải về phần mà thiền sư mới nói lúc sáng.Mà đó là chuyện mai này. Nhưng mà chuyện trước mắt, chúng ta phải tự hỏi mình, quý vị vào trong cái room này để làm? Mình đi vào đây bằng cái tâm trạng gì? bằng mục đích, ý hướng gì? Cái đó lớn chuyện lắm. Đừng có nghĩ rằng mặc áo lam là Phật tử. Chưa chắc. Đừng có nghĩ rằng vào trong room, móc cây bút ra ghi ghi chép chép thì đã là người học đạo. Chưa chắc. Cho nên, sau nhiều đắn đo, tôi quyết định trưa nay nói về hai chữ “Tại sao” và “Cái gì”. Và cũng có một chút xíu tiếp nối bài giảng ngày hôm qua của lớp bên Châu Âu. Hôm qua tôi có nói thế này: “Mỗi cái thiện của mình nó là cái nền cho những cái ác. Mỗi cái ác làm cái nền cho cái thiện. Miễn là còn phàm phu”. Nói tới đó mà không có giải thích thì bà con thấy lạ lắm:” Không lẽ vậy tôi tu, tôilàm thiện là làm nền cho cái ác hay sao?”. Không. Phải nghe giảng mới được. Là thế này. Tôi đi chùa là lòng lành đúng không? Giả định, giả định. Tui đi chùa là do lòng lành nhưng chính vì bản chất của tui quá nhiều ganh tỵ, quá nhiều tỵ hiềm, thách đố, ghen ghét cho nên khi tui làm công đức, làm phước trong chùa, tui không có muốn ai hơn tui hết. Tui muốn tui độc quyền. Tui muốn tui là thí chủ duy nhất trong cái bảng vàng, bia đá, sổ công đức á. Tên của tui đứng đầu. Mấy cái bảng làm bằng cẩm thạch ở trong các chùa á. Ghi tên mình tui thôi hoặc là lỡ khắc chung với ai thì tên tui đứng đầu tiên. Hoặc là chỗ ghi tên tui phải trang trọng nhất, dễ nhìn thấy nhất. Các vị thấy chưa? Có nghĩa là chính cái bất thiện của tui á, nó mới khiến cho tui có một cái thiện không giống ai. Tôi đi chùa làm thiện mà, tui bỏ tiền ra làm thiện mà nhưng cái thiện đó đặt trên nền tảng tâm lý là rất nhiều đố kỵ. Như vậy trong trường hợp đó, nó có mối quan hệ rất là chặt chẽ. Cái thiện và cái ác nó làm nền như vậy. Rồi ngược lại cái ác của mình nó cũng dựa trên cái thiện. Có nghĩa là khi lẽ ra mình xuống tay hại người khác 100% nhưng mà nhờ mình có cái gốc thiện, có cái vốn thiện cho nên mình ngừng, không làm nữa. Đó. Thì cái ác lúc này đứng ở trên cái thiện cho nên nó cũng có chừng mực. Các vị nghe chưa? Cho nên mỗi giây phút buồn vui của mình trong đời sống, mỗi giây phút thiện ác trong đời sống, nó có một mối tương quan rất là chặt chẽ. Tại sao tui thích cái này? Tại sao tui ghét cái kia? Chính cái thích và cái ghét đó là câu trả lời. Tui thích ấm thì tui ghét lạnh. Khi mà tui thích mắt thì tui ghét nực. Khi mà tui thích khô ráo thì tui ghét ẩm ướt. Khi mà tui thích nước nôi thì tui ghét cái gì cằn cỗi, khô cạn. Nhe! Tui thích sáng thì tui ghét tối. Tui ghét mềm thì thích cứng. Thích thơm thì ghét thối. Cứ như vậy đó! Toàn bộ đời sống của mình. Hễ mình thích cái này thì mình sẽ có một cái chết ngược lại. Cái chuyện đó rất là quan trọng. Cho nên hãy thường xuyên để ý xem tại sao mình thích cái đó, lý do tại sao và cái thích đó nó dẫn đến cái gì trong đời sống của mình. Phải lưu ý cái đó.

18:37 Rồi cái ghét cũng vậy. Mà ai làm được chuyện này đây. Chỉ có một người duy nhất có thể làm được chuyện này. Đó là hành giả TỨ NIỆM XỨ. Hễ nói tới TỨ NIỆM XỨ thì nói ra nó dài dòng lắm. Chính cái Chánh Niệm giải quyết tất cả. Buổi đầu chỉ là làm gì biết nấy. Tôi nhắc lại, buổi đầu coi như cái niệm là chủ yếu. CHỈ LÀM GÌ BIẾT NẤY. Nhưng về lâu về dài, ngày dài tháng rộng, khi mà chánh niệm vững rồi đó. Buổi đầu mình còn niệm theo giờ, có nghĩa là mình sẽ thiền TỨ NIỆM XỨ trong vòng hai tiếng, ba tiếng. Mình ngồi xong giờ chánh niệm rồi mình đi kinh hành hai, ba tiếng. Ngoài cái ngồi, cái đi ra là mình tự do. Cái đó chưa khá. Mà phải tới một lúc nào đó, giật mình thức giấc lập tức chánh niệm. Chánh niệm cho đến khi nào chìm vào giấc ngủ thì thôi. Mà hễ giật mình thức giấc là phải chánh niệm. BIẾT RÕ MÌNH ĐANG NHƯ THẾ NÀO. Không có phân tích, không có chọn lựa, không kiếm tìm, không trốn chạy, không tống khứ, không nghinh đón bất cứ cái gì hết. Trước đây, mình cứ tìm cơ hội làm phước còn bây giờ thì không. Bất cứ phút giây nào cũng là cơ hội công đức hết. Bởi vì cứ CHÁNH NIỆM LÀ CÔNG ĐỨC. Súc miệng, đánh răng cũng là công đức. Đi vào cầu ngồi cũng là công đức. Miễn là làm trong chánh niệm. Cái đó là cái quan trọng. Từng phút trôi qua được mình tận dụng khai thác triệt để và rốt ráo bằng chánh niệm. Rồi sẽ có một ngày, trên cái nền tảng chánh niệm ấy, trí tuệ mới bừng lên. Còn cái ngày đó là ngày nào thì … tui đâu có được biết Ba la mật của quý vị đến đâu. Cái Ba la mật của mình nó dày hay mỏng. Có những người Ba la mật đủ rồi. Nhưng nó chưa tới lúc phát huy hết mức. Thí dụ như Ngài Xá Lợi Phất. Khi mà Ngài gặp Ngài A Xà Chí thì Ba la mật của Ngài xong rồi. Không cần bổ túc gì hết. Nhưng mà lúc đó, trước khi Ngài gặp Ngài A Xà Chí, Ngài hoàn toàn không biết gì hết. Ngài đi theo ngoại đạo.Trước khi Ngài gặp Ngài A Xà Chí hai phút, thì Ngài cũng không biết cái gì hết. Tới lúc Ngài gặp Ngài A Xà Chí rồi, nghe một câu nói rồi, “vạn pháp gieo duyên mà có, vạn pháp do duyên mà mất”. Khi mà Ngài nghe được câu đó rồi thì Ngài đắc Tu Đà Hoàn – tầng Thánh đầu tiên – vĩnh viễn từ nay về sau không còn coi cái Thân, Tâm này là Tôi hay Của Tôi nữa. Không còn hoang mang, nghi hoặc về thế giới, bản thân, về con người, vạn loài, chúng sinh…nhưng mà đủ chưa? Chưa. Ba la mật thì xong rồi đó nhưng mà hành trình của Ngài thì chưa. Phải một tháng sau, trong lúc hoàng hậu Đức Phật nghe Đức Phật thuyết pháp cho người khác thì Ngài mới đắc A La Hán. Thấy chưa. Cho nên Ba la mật đầy đủ như vậy nhưng mà nó phải có một cái lúc, cái khi, cái thì, cái thời buổi nào đó thì nó mới đủ duyên kết, duyên cuối cùng, đủ để Ba la mật phát huy hết công suất. 22:25

Ở đây cũng vậy, cứ sống chánh niệm không có cầu mong đắc chứng cái gì hết, trong cái chánh niệm nó không có cái cầu mong. Chánh niệm là có cái gì biết cái đó, có thiện biết thiện có ác biết ác, có buồn biết buồn có vui biết vui, thì làm gì có cái cầu mong. Nó hởn mới có cái cầu mong, cứ sống chánh niệm. Rồi một ngày mình sẽ lần lượt tự mình đi. Mình đi những bước rất là ngoạn mục. Những bậc tốc chứng thì những bước đó chỉ thu gọn một nháy mắt thôi. Còn người độn căn thì hành trình tu chứng nó chậm lắm, nó chia ra nhiều giai đoạn. Cho nên nhiều người hôm nay cứ đọc sách về 16 cái tuệ rồi 9 cái tuệ 12 cái tuệ rồi cứ ngồi tưởng tượng là ai đắc cũng phải đi qua 12 cái tuệ giống như lớp phổ thông đầu đời vậy đó, giống như lớp 1 lớp 2… không phải! Đối với bậc thượng căn tốc trí tốc chứng, người ta không đi theo kiểu dò dẫm mò mẫm từng bước vậy. Tất cả chỉ trong nháy mắt là xong. Đối với người chậm mới có chuyện phân tích như vậy. Lúc nào là thấy sợ hãi trong danh sắc, lúc nào là thấy chán nản trong danh sắc, lúc nào là thấy thờ ơ dửng dưng trong danh sắc. Còn đối với bậc thượng căn tốc trí tốc chứng không có như vậy.

Và tôi quay trở lại bài giảng là cái gì và tại sao. Chỉ có người sống với tứ niệm xứ thì mới biết cái gì đang xảy ra. Tôi nói là toàn bộ pháp môn tứ niệm xứ chỉ có cái how và cái what. Cái how là biết mình đang như thế nào, đang đi đang đứng, còn cái what là biết rõ cái gì nó xảy ra trong lúc đó, tôi đang đi và tôi có tâm trạng gì đang xảy ra, ok, tâm sân. Đang ngồi mà có tâm trạng gì đó xuất hiện, oh oh, bủn xỉn, đay là ganh tỵ, đay là tham. Cái này là thiện, cái này là đức tin, là tinh tấn là trí tuệ. Biết rồi thấy, thấy rồi biết. Biết rồi ghi nhận như vậy thôi rồi coi cái gì đang xảy đến. Tứ niệm xứ chỉ có làm hai việc thôi, đó là cái how và cái what, biết rõ mình đang như thế nào, và cái gì nó vừ xảy đến.

Buổi đầu thì mình không có đủ bén, mình thấy cái gì nó đang có mặt, cái gì nó vừa sanh, có mặt rồi thì nó biến mất. Rồi sẽ có một ngày không còn thấy nó lê thê mà thấy mọi thứ nó đang biến mất, mình thấy mọi thứ nó vừa biến mất. Đó là lúc chuẩn nhất. Khi mình thấy nó vừa biến mất , lúc đó mình không thấy nó xuất hiện nữa, thấy là tâm tham nó vừa biến mất, tâm sân nó vừa biến mất. Biến mất có nghĩa là sao? Có nghĩa là khi mình thấy nó đã trở thành quá khứ rồi. Người học a tì đàm nghe này, mọi thứ luôn luôn phải được ghi nhận là nó vừa biến mất. Mình thấy nó biến mất tức là một cái tâm khác xuất hiện để ghi nhận cái vừa rồi. Trong a tì đàm không bao giờ có cùng lúc hai cái tâm, tâm A đứng ngó qua tâm B đứng núi này trông núi nọ. Không phải đâu! Khi mà có một cái tâm bất mãn nó xuất hiện đó là tâm sân, và khi mà có một cái tâm ghi nhận đây là tâm sân thì cái tâm sân đó nó đã biến mất nhường chỗ cho cái tâm ghi nhận đó có mặt. Đó là nói theo a tì đàm. Cho nên hành giả rốt ráo là hành giả thấy rằng tâm sân của mình vừa biến mất, tâm tham của mình vừa biến mất.

Hôm nay tôi muốn bàn sâu về cái tại sao và cái gì, là để mình bàn sâu về kiểu sống, kiểu ăn ở mặc giao tiếp kiểu học kiểu hành kiểu tu của mỗi người. Chúng ta mỗi người có thân phận riêng, đến đây bằng một cái hành trình riêng. Chúng ta có một cái duyên nghiệp, chúng ta có một khuynh hướng tâm lý riêng. Cái đó là cái riêng, nhưng điểm chung của chúng ta là cái gì? Là đều sanh tử giống nhau, đều là phàm phu giống nhau, đều là đau khổ giống nhau. Nhưng nó khác nhau ở chỗ là cái nhận thức của mỗi người, về bản thân và về cuộc đời không giống nhau. Có người họ không quan tâm lắm đến chuyện chết rồi đi về đâu. Nói họ vô thần nói họ duy vật sao đó cũng được. Tôi biết ngay cả những người trên đầu thờ Phật vẫn có thái độ đó. Nói thờ Phật nhưng họ không quan tâm lắm đến đời sau kiếp khác. Cứ ngó chuyện trước mắt sống sao nó vui.

Cái người hạ căn thì sống sao nó vui, sống sao như mình thích thôi. Cái bậc trung căn thì sống sao thiện, sống sao đừng có ác, đùng có bất thiện. Còn cái bậc trung căn thì luôn luôn sống trong cái nhận thức rốt ráo rằng, thiện ác đang có mặt, thiện ác đang mất đi. Bậc thượng căn không còn quan tâm đến thiện ác, biến mất thì biến mất thôi chứ không chìm sâu như hạng thứ hai. Trung căn là ăn rồi cứ cắm đầu đi làm từ thiện, đi cúng dường đi bố thí lung tung hết, cái đó là bậc trung căn. Bậc hạ căn chỉ có quan tâm đến thích ghét buồn vui thôi. Còn bậc trung căn là cầu tìm công đức. Làm được nhiều nó vui. Hạng này rất dễ bị tổn thương. Làm phước rồi gặp họa cái là lòng không vui, liền bị dao động. Mình đang sống lành mà sao toàn gặp cái dân trời ơi không, Sốc! Mình là bạn tốt mà sao toàn gặp người hèn người xấu không hà! Sốc! Mình đem cái tín tâm của mình vô mình quỳ mình lạy cúng dường cho mấy ổng mấy bã mà mấy ổng mấy bã không xứng đang như mình nghĩ! Sốc!

Còn hạng thứ ba thì không. Cái gì cần làm thì làm. Cái việc cần làm nhất trên đời này là cái gì? Là việc thiện trước mắt. Cái đối tượng xứng đáng nhất để mình làm việc thiện là gì? Là đối tượng trước mắt. Cái thời điểm quan trọng nhất để mình sống thiện là gì? Chính là thời điểm trước mắt, tại đây và bây giờ.

Nói như vậy không phải tôi phủ nhận các vị cúng dường, phủ nhận các vị đi Ấn Độ, không! Tùy duyên. Cái quan trọng nhất là ngay tại đây. Biết rõ cái gì đang xảy ra đó là cái hành trình rốt ráo nhất đúng theo lời Phật nhất. Đức Phật kêu gọi mình trong kinh Đại Bát Niết Bàn trường bộ, Ngày dạy rằng hãy là hải đảo tựa nương bằng cách tu tập tứ niệm xứ. Xem lại trong kinh Đại Bát Niết Bàn có đúng như vậy không hay là tôi nói. Hãy tự làm cái hải đảo nương tựa cho chính mình không nương tựa vào một cái gì khác đó chính là tu tập bốn niệm xứ.

Ngay trong cái chuyện ăn chuyện mặc của mình là tại sao mình ăn cái món đó. Nó có lợi có hại gì cho sức khỏe của mình. Về ăn uống rất là quan trọng. Hít thở và những suy nghĩ trong đầu của mình. Chỉ có đời sống chánh niệm thì mình mới liên tục nhận ra cái gì nó diễn ra trong cái sinh hoạt của mình, trong đời sống thường nhật của mình mà thôi. Từng cái ăn cái mặc hơi thở, từng cảm xúc buồn vui, từng tư tưởng thiện ác.

Nói xa hơn, rộng lớn ví von hơn đó là những sinh hoạt lớn, thí dụ như là mình đi chùa, mình đọc kinh sách mình nghe băng giảng, gặp gỡ tăng ni, cúng dường bố thí phục vụ, công đức công quả… Thì tự hỏi mình xem mình làm những cái đó với mục đích gì? Mình phải biết chứ. Không phải là mình ăn rồi mình đi nhìn cái xấu của thiên hạ, mà mình nhìn mình trước cái đã. Mình nhìn mình chứ đừng nhìn người ta, mình nhìn mình trước. mình nhìn mình coi mình nghĩ gì về cái đời sau kiếp khác.

Tôi nói một lần nữa tôi không hề kêu gọi qúi vị quy y tam bảo, tôi cũng không kêu gọi quý vị tin có kiếp trước kiếp sau. Chuyện các vi tự lựa chứ tôi không khoái cái việc tuyên truyền nhồi sọ tẩy não. Nó tào lao lắm.

Tôi chỉ nói cho bà con nghe nè. Tại sao mình sống thiện? Thứ nhất, mình sống thiện không phải là vì ai mà mình là ai, chứ không phải là vì người khác. Đó là cái nhân thiện. Chúng ta làm thiện không phải là vì ai mà là vì mình là ai cho nên chúng ta mới làm thiện. Sẽ có một ngày chúng ta thấy chúng ta làm thiện không phải là vì cầu công đức, Vì ta không thể sống ác. Ví dị như đối với việc bố thí cầu công đức, mình bố thí không phải cho người ta thấy, để người ta nể người ta ngưỡng mộ người ta ghen tị. Mình bố thí vì cái lòng từ bi của mình, nó thúc đẩy mình làm chuyện đó. Mình không cầu mong gì hết mà tự nhiên nó trào ra. Tại sao mình phải ngồi thiền, mình phải đi đứng trong chánh niệm. Chính mình lúc đó mình thấy mình không thể sống thất niệm. một ngày quý vị sống thiện vì không thể sống bất thiện. Đó mới là cái tôi muốn nói. Làm thiện cái kiểu đặt điều kiện, kiểu trả giá, chợ búa là chưa khá. Cho nên có một ngày quý vị không thể sống thất niệm cho nên phải sống có chánh niệm. Sẽ có một ngày quý vị không thể nào buông cái lời ác ngữ, ác khẩu mà quý vị chỉ có một lựa chọn duy nhất là nói lời cam ngôn mỹ từ, lời mà nó thúc đẩy bởi trí tuệ bởi từ bi. Bởi vì một câu nói thiện ngôn nó phải bao gồm các điều kiện sau đây: một là cái lời nói đó phải có lợi ích có ý nghĩa giúp người giúp mình thì đó mới là thiện ngôn; thứ hai là cái lời nói đó phải nói đúng lúc, thứ ba là cái lời nói đó phải là lời chân thật, đúng sự thật. Có cái nó đúng sự thật nhưng nó không cần thiết. Hôm nay mình gặp nhau mình bàn về bùa chú võ thuật khí công, thời trang tình hình thế giới, kinh tế chính trị… mấy cái đó cũng là cái có thật chứ, những cái nó làm ra diện mạo thế giới trong từng giờ mà. Nhưng nó không lợi ích cho đời sống tâm linh của mình. Như vậy mình muốn nói với nhau thì chuyện đó phải là đúng sự thật. Thứ hai thì lời đó phải dẫn đến lợi ích, lợi lạc cho đối phương. Nhưng cái thứ ba là quan trọng không kém là nói đúng lúc.

Tôi có gặp không ít người có thói quen lạ lắm. Không biết nói là thấy ghét hay dễ thương mình không nói được. Tức là khoái giảng. Đầu cổ tóc tai đầy đủ, nhưng cứ gặp người ta là đè ra giảng đạo. để chị nói cho em nghe, để chú nói cho nghe… mà không biết người ta có sẵn sàng nghe hay không mà cứ đè ra mà giảng. Cái đó không phải là đúng lúc. Mình không phải là bậc hiền trí là có bảy pháp về trí. Một là tri nhân tri quả, tri nhân tức là nhìn cái chuyện đó sẽ biết nó dẫn về đâu. Tri quả là nhìn nó biết nó từ đâu nó tới. Tri kỷ là biết mình cần bổ sung cần chỉnh cái gì, cần thêm cần bớt cái gì. Tri bỉ là biết đối tượng trước mặt mình là ai để mà mình liệu bề nói năng cư xử. Tri hội là biết cái hội chúng này như thế nào để cư xử cho nó phải phép. Tri thời tức là lúc này làm cái gì và không nên làm cái gì. Còn tri độ là biết chừng mực, chuyện không nên làm thì không làm. Đúng! Cái chuyện nên làm thì phải biết chừng mực. Biết giới hạn ở đâu là maximum biết điểm dừng của nó. Không phải cái chuyện đó hay là tui cứ làm được là làm, là sai! Bởi vì có nhiều cái chuyện nói ra thì nó hay đó, làm thì nó hay đó nhưng thêm nữa thì nó hết hay rồi. Giống như là nói pháp thì nó hay rồi, nhưng mà trong một cái thời điểm trong một cái không gian một cái dịp mà cứ tràn lan ở đâu mà mình cứ đè người ta ra mà mình giảng thì kỳ lắm.

Cho nên cái chuyện tu hành làm lành lánh dữ chúng ta cũng phải nhớ. Buổi đầu chúng ta còn thiết tha, còn cầu công đức, thiết tha làm phước này phước kia để đời sau kiếp khác được quả báo nhân thiên. Nhưng sẽ có một ngày chúng ta thấy rằng còn quẩn quanh trong cảnh giới nhân thiên thì cái khả năng sa đọa còn cực lớn. Cho nên sẽ có một ngày đời sống an lạc nhất của một người sẽ là đời sống chánh niệm.

Như vậy tại sao chúng ta phải sống thiện, là chuyện đầu tiên là chúng ta không thể sống ác. Sẽ có một ngày chúng ta thấy sống ác chúng ta không có khả năng đó. Sống ác nó không có an lạc, Đúng! Nó cũng không phải là con người của mình. 42.47

Cứ một phút sống thiện, chúng ta sẽ được an lạc một phút. Đó là nói hiện tại, còn quả báo đời sau thì xa xôi lắm. Bây giờ tôi bắt quý vị phải tin là làm phước sẽ được quả báo đời sau kiếp khác. Tôi không muốn nói cái đó lắm. Cho nên tui chỉ muốn nói vắn tắt. Đó là ” Anh là ai thì anh mới sống thiện được”. Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai ” Còn cầu cái quả sinh tử thì tốt hơn là đoạn kiến”. Đúng. Nhưng nó còn có một chỗ khác cao hơn để đi. Đó chính là sẽ có một ngày mình thấy ” Thấy được cái bất thiện cũng là tu. Nhận diện được cái thiện nó đang có mặt cũng là tu”.

Sẽ có một ngày mình tu toàn bằng chữ “cũng”. Trong thời điểm này, có người hỏi tôi ” Đạo Phật, nếu đem nghĩa lý, hành trì, nhận thức gom trong một chữ thì Sư lựa chữ nào?”. Tui nói tui thích nhất chữ “cũng”. Nhưng mà chữ “cũng” thì phải giải thích. ” Cũng” thứ nhất là thấy được rằng thích, ghét, buồn, vui gì thì nó cũng là vô ngã, vô thường. “Cũng” là do các duyên mà có. Cái “cũng” thứ hai là dầu cho phước báu nhiều cách mấy, có về cảnh trời nào đi nữa thì cũng có lúc nó đi xuống. Mà chỉ có Bậc Thánh thì Các Ngài mới chán cái “cũng”. Trong ngôn ngữ Tiếng Việt, nếu mà mình hiểu nghĩa chữ “cũng” có đồng nghĩa là vô số vấn đề, vô số hệ lụy ở trong đó. Hễ mà có chữ “cũng” là thấy mệt rồi. Thích, ghét, buồn, vui cũng đều vô thường mà thiện hay là ác cũng là cái nhân sanh tử. Cuối cùng, cái thiện và cái ác cũng đều là luôn luôn sanh diệt. Phải thấy được ba cái đó.

Sẽ có một ngày hành giả mới thấm ra một điều. Không phải là ” mình tu cao rồi mình chê công đức.” Không phải!! Đó là đoạn kiến nha. Không phải ” tu lâu rồi mình bất chấp thiện, ác.” Sai !! Đó là đoạn kiến. Mình vẫn tiếp tục hành thiện lánh ác. Nhưng hành thiện lúc bấy giờ không phải là cầu quả nhân thiên sanh tử mà vì mình không thể sống ác. Giống như một đứa bé ăn xong rồi nó bôi thức ăn lên quần, lên áo nó. Rồi khi nó bị la, bắt đầu nó sợ. Nó không dám bôi nữa. Sẽ có một ngày khi nó 12 tuổi, 15 tuổi, 18 tuổi. Lúc đó có năn nỉ nó ở dơ nó ở dơ cũng không nổi nữa. Sẽ có một ngày nó ở sạch không phải vì sợ bị la, nó ở sạch không phải vì nó muốn được khen mà bởi vì nó không có khả năng ở dơ. Không có điều kiện tâm lý để nó ở dơ nữa. Nhớ nha. Cái này quan trọng lắm.

Mình coi mình là hạng người nào? Hạng thứ nhất, mình có đúng là làm lành lánh dữ chưa?! Chưa chắc đâu quý vị. Vì sao? Vì cái định nghĩa của mình về chữ “lành” và chữ “dữ” này, nó còn cạn và hẹp lắm. Làm lành là sao? Mình hiểu “lành” ở đây là phải bố thí, cúng dường, tụng kinh, ngồi thiền, phục vụ, lao dịch, chắp tác Tam Bảo. Đó gọi là “lành”. Hiểu vậy thì nghèo quá. Mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm có từ bi, kham nhẫn, trí tuệ thì mỗi cái suy nghĩ đó nó là “lành”. Nếu chỉ gói gọn chữ “lành” trong một số sinh hoạt nhất định nào đó thì nghèo lắm. Nhớ nha. Rất nhiều Phật Tử, họ hiểu “làm lành” nghĩa là làm công đức, họ cứ làm những điều mà người khác thấy thì cái đó mới đáng kể. Họ quên một chuyện rất là quan trọng. “LÒNG LÀNH LÀ CÁI KHÔNG AI THẤY.” mà cái đó mới là nguồn cội của vạn pháp lành. Lòng lành mới là cái quan trọng. Còn họ hiểu “lành” ở đây là cái chuyện hay ho mà ai cũng thấy còn cái nội tâm của mình nó như con dòi cũng không sao hết á!!! Có ganh ghét, tỵ hiềm ở trỏng cũng không sao hết á!!! Cái quan trọng là đi đâu cũng thấy bảng vàng, bia đá, sổ công đức mà gia đình tui đứng đầu. Làm đường, làm cổng, tạc tượng, đúc chuông lúc nào cũng chình ình tên tuổi của tui, người thân tui. Vậy mới gọi là lành. 99% mình hiểu nghĩa chữ “lành” là việc thiện mà ai cũng thấy. Còn những cái mà người ta không thấy thì mình không thèm làm.

Trong khi đó cái “lành” ở đây nó phải là ba nghiệp: thân – khẩu – ý. Cái “ý” nó là gốc của hai nghiệp kia. Nhớ nha!!!

Mình chưa có phải là người làm lành lánh dữ. Vì mình chưa có làm những việc “lành” vô danh không ai thấy.

Còn “lánh dữ” là sao? “Dữ” ở đây mình định nghĩa ngộ lắm. “Dữ” có nghĩa là phải đốt nhà, cướp của, móc túi, lừa đảo…Những cái gì mà pháp luật có thể sờ gáy được, cái gì mà cảnh sát công an thấy được, cái gì mà bị xã hội lên án thì mới gọi là ác. Hiểu vậy thì nó nghèo lắm! Hiểu như vậy thì còn lâu mới đắc đạo được là bởi vì cái ác, cái xấu mà đợi cho người ta thấy được mới gọi là ác thì như vậy là tiêu rồi. Cái đó mới là chuyện ngoài da thôi quý vị!!! Cái đó mới là cái ác ngoài da thôi. Cái ác bên trong tủy, trong xương đó. Cái đó mới là rốt ráo nha!!! Cái thiện cũng vậy. Phải là cái thiện bên trong tủy, trong xương kìa!!! Chứ còn cái thiện, cái ác mà từ đó đến giờ mình định nghĩa mới chỉ là cái thiện, cái ác ngoài da thôi à.

Ngoài da có nghĩa là sao? Ngoài da có nghĩa là thiên hạ ai cũng thấy, xã hội thấy, pháp luật thấy, chính quyền thấy, dân chúng thấy, bàn dân thiên hạ thấy thì cái đó mình mới kể. Vậy là không được !!!

Như vậy, ngay trong hạng đầu tiên là “làm lành lánh dữ” mình đã hiểu hết chưa thì nói chi đến hạng thứ hai là “tôi làm lành”, “tôi lánh dữ”. Đến hạng thứ ba mới khá. Lìa bỏ ý niệm, ngã sở. Không còn cái ý “tôi” hay là “của tôi”, “tôi thiện”,”tôi ác” nữa mà lúc đó chỉ có ghi nhận.

Cái ác nó vừa mất hoặc là cái thiện đang có mặt. Hoặc là cái ác đang có mặt. Chỉ ghi nhận mà thôi. Lúc bấy giờ nó mới rốt ráo. Và cái chuyện làm lành lánh dữ lúc này nè, nó mới đúng là rốt ráo. Còn không thì mình toàn là tu ngoài da không à. Như tôi đã nói không biết bao nhiêu triệu lần.

“TU CÁI GÌ ĐẮC CÁI ĐÓ”. Mình tu mà mình chỉ có niệm không, còn trong đầu mình toàn rác không. Mình chỉ biết đọc thôi còn cái tâm mình, tâm bất thiện đầy rẫy, miệng thì đọc mà con mắt thì nó cứ lườm lườm, nguýt nguýt, môi má thì trề bỉu, tùm lum hết. Trề môi, bỉu môi, khinh bỉ người khác, tỵ hiềm, ghen ghét người khác. Đó mới là tu ngoài da, ngoài miệng thôi. Tu ngoài da thì chỉ đắc ngoài da thôi. Da coi đẹp vậy thôi chứ ở trong toàn bệnh nan y không. Cái thiện, cái ác mà mình hiểu, mình tu phớt phớt thì chỉ đắc cái bên ngoài. Tôi nói như vậy mà nhiều người không có tin. Nhưng mà tôi chứng minh.

NẾU các vị không có ĐỜI SỐNG CHÁNH NIỆM, không có đời sống kham nhẫn, từ tâm thì cái chuyện mà quý vị làm được chỉ là bố thí và phục vụ thôi, thưa quý vị. Nếu mà những giá trị tinh thần tâm linh không được lưu ý mà chỉ có lưu ý về hình thức không thôi thì coi chừng tu đó là tu da nha. Ở đây, tui không có phủ nhận chuyện bố thí. Tu những cái mà người ta thấy thì mai mốt cái mình được cũng toàn là những cái người ta thấy không à!!!

Thí dụ như là người ta thấy mình giàu nè, người ta thấy mình đẹp nè, răng đẹp, trán đẹp, mũi đẹp, người ta thấy mình có tiếng nói hay nè, dáng đi đẹp nè, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan. Đó là những cái mà người ta thấy. Còn những cái bên trong như là khả năng lìa bỏ phiền não mà đắc Thánh, khả năng thấy được bốn đế, 12 duyên khởi. Khả năng đó mình không có vì hồi xưa mình toàn là tu cái vỏ ngoài không.

TU NHƯ BÁNH CAM á!!! Quý vị biết bánh cam không!? Nói tới bánh cam cũng thèm. Lâu lắm rồi tui vẫn còn nhớ cái mùi. Trên đời này, tồn tại cái bánh cam, cái ruột nó rỗng mà bên ngoài nó rắc mè với đường à! Có nhiều người tu như trái bắp. Trái bắp là sao. Có nghĩa là ở ngoài ăn không được, ăn được khúc trong thôi là cái hột vô tới cái cùi, liệng.

TU KIỂU TRÁI BẮP có nghĩa là mới nhìn họ thì thấy không có gì hết, bình thường. Tiếp xúc với họ thấy dễ thương lắm nhưng mà đào sâu vô trong thì…. Không có trau dồi, trí tuệ, kham nhẫn, thiền định gì hết. Mới nhìn thì thấy thường lắm giống như trái bắp có vỏ ngoài, có râu bắp này kia nhưng mà tiếp xúc vô nữa thất dễ thương nhưng mà vào sâu hơn nữa thì nó xài không được. Còn TU NHƯ BÁNH CAM là sao? tức là nhìn bề ngoài thì nó đã lắm, nhìn màu áo bên ngoài vàng ươm à, mè rắc lên cắn giòn đã lắm ở trong rỗng, không có gì hết.

TU GIỐNG NHƯ CÂY MÍA là sao? có nghĩa là khi gặp cảnh gian truân khó khăn thì mới thấy cái tu của họ, nó mới trào ra. Cái cây mía mà để tự nhiên thì không có thấy được cái xuât sắc của nó. Cây mía phải bị người ta cắn, người ta nghiền ra, dùng máy ép cán thì mới trào ra nước mía. Có người gặp nghịch cảnh thì công phu tu học của họ lúc bấy giờ mới trào ra. Có kiểu tu như cây mía, tu như trái bắp, tu như bánh cam.

Tui đang nói đến đề tài “CÁI GÌ” và “TẠI SAO”. Ở đây, như tui đã nói “tu cái gì là đắc cái đó”. Tu ngoài da thì mình đắc cái ngoài da. Mà tu ngoài da là sao. Là tu những cái mà người ta thấy được, người ta nghe được. Rồi còn tu ruột nữa. Là những cái mà người ta không thấy được nhưng tới hồi mình đắc thì mình đắc những cái mà người ta không có thấy. Thí dụ như Đức Phật. Mình nhìn vô chỉ thấy 32 tướng tốt của Ngài thôi. Mình nhìn rồi mình nghe được âm thanh của Ngài, âm thanh hay quá nhưng mà phải là Bậc Thượng Căn đại trí túc duyên sâu dày thì mới thấy được cái hay khác. Mình tu mà mình chỉ có khả năng hoan hỷ với vẻ ngoài của Ngài là chưa được. Mà mình phải hoan hỷ với những cái vô tướng, vô hình của Phật thì cái đó mới là ngon. Nhớ cái đó!

Chỉ có những Bậc Thượng Thừa, họ mới ngồi lại họ nghe, họ mới vượt qua những vẻ ngoài của Ngài để nhìn vào bên trong Ngài. Trong giọng nói du dương đó nói CÁI GÌ và họ vượt xuyên qua 32 cái hảo tướng đó. Bên trong cái hảo tướng đó, TẠI SAO người đó có hảo tướng và bên trong cái hảo tướng này nè, người này còn có giá trị tinh thần nào khác nữa. Mà TẠI SAO họ có khả năng này là bởi vì kiếp xưa, người ta vừa tu ruột mà vừa tu vỏ. TU KIỂU HẠT DẺ là tu ba lớp luôn. Tu ngoài rồi ở trong rồi ở trong lõi. Tu hết. Bây giờ thì sao. Đa phần TU KIỂU BÁNH CAM, TU KIỂU TRÁI BẮP.

Không biết quý vị có biết trái ô môi không? Người không thích thì chê nó hôi. Người thích thì nghe cái mùi nó ứa nước miếng mà nó không có ăn được. Ăn không được nên núc cái hột thôi à. Mà cái ngọt của nó ngộ lắm. Ở Việt Nam ngày xưa, cứ bán trái ô môi cho mấy đứa trường tiểu học nhà quê, ăn không được nên cứ núc xong rồi nhả, nhả hết!!! Có nhiều người hôm nay TU KIỂU TRÁI Ô MÔI. Có nghĩa là đến chùa không co một cái nhận thức cho cái việc tu chứng. Không học cũng không hành. Do ai đó rủ thì đi, buồn buồn ghé chùa; ba má chết không biết giao hũ xương đi đâu, gửi ở chùa lâu lâu cũng phải đi rồi vô chùa nghe ba chớp ba nháng. Chủ yếu tám là nhiều, tụ năm tụ ba nói dóc xong đi về. Thì cũng có công đức đó. Nhưng cái kiểu tu của họ như trái ô môi vậy đó. (1:00:00)

29/08/2020 – 09:33 – MaiNgocVu511 – [Mục Lục các Bài Giảng] – [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

Có những người kinh sách thì không chịu đọc mà cứ ngồi tưởng tượng. Trong Ngài Xá Lợi Phất có nói thế này, Ngài nói rằng tất cả chúng sanh trong đời này, không có ai là dễ ghét. Chỉ có hai hạng: dễ thương và đáng thương. Kinh nào nối? Dạ thưa, trong Tăng Chi Bộ Kinh. Ngài nói có những người như hồ nước trong vắt,tinh khiết. Đó là những Bậc Chí Thiện. Mình gặp được họ, mình nhìn họ, mình bắt chước họ mình tu cũng được nhiều lợi ích. Nhưng cũng có những người mà cái thiện của họ không đủ là một cái hồ mà chỉ là một vũng nước. Mình chỉ có thể dùng hai tay bụm lấy phần nước trong, tinh khiết. Mình mới khai thác được cái hay của họ. Mà Ngài cũng nói có những người tệ quá đi. Cái thiện của họ quá ít, không đủ đưa hai bàn tay để vốc mà mình chỉ dùng một tay vớt nhẹ, được bao nhiêu thì húp và Ngài cũng nói rằng có những người mà cái thiện của họ cực ít, tựa như nước đọng trong dấu chân bò. Dấu chân bò thì nhỏ trong khi mình quá khát nước. Vậy thì mình phải làm sao để lấy nước trong dấu chân bò? Trong kinh nói rất rõ là mình phải đưa hai tay, kề miệng sắt vào dấu chân đó mà húp nhẹ. Dĩ nhiên, hình ảnh dấu chân bò là chỉ những hoàn cảnh ngặt nghèo. Mình phải nhớ thế này: con ma nào cũng có một tương lai và ông Thánh nào cũng có một quá khứ. Đó là một câu nói của Tây. Kẻ ác nào cũng có một tương lai, biết đâu sau này nó khác. Mà ông Thánh nào cũng có một quá khứ. Nghĩ như vậy, quý vị mới có thể thanh thản, thong dong đi vào chốn chợ đời, trần ai khoai củ này. Nói đến cái thiện, cái bất thiện và chuyện tu hành phải nói cho bằng hết để mình biết mình ở chỗ nào trong cuộc tu này. Đừng có tưởng có mặt ở chùa, có pháp danh, có làm lễ quy y Phật tử là đủ rồi. Sai. Đừng có nghĩ rằng mình là đại thí chủ là được rồi. Sai. Đừng có nghĩ rằng mình tham dự nhiều lớp giáo lý là đủ rồi. Sai. Đừng có nghĩ rằng mình đã đi hành hương ở Ấn Độ tám lần rồi. Sai. Mình đừng có nghĩ rằng mình đã tu thiền ở Miến Điện vài khóa là đủ rồi. Sai. Mà hãy nhớ rằng tu cái gì thì mình đắc cái đó. Mình gieo cái gì thì mình gặt cái đó. Mà ty ngoài da thì mình được toàn những cái ngoài da. Tui xin nhắc lại cho một số người trong room khỏi quên. Mình tu cái gì mà người ta thấy được gọi là tu ngoài da. Còn mình tu cái nào mà người ta không thấy thì gọi là tu trong ruột. Nhờ mình tu cái trong ruột thì sau này mình được những cái trong ruột, những cái mà người ta không thấy và mình cũng không cần người ta thấy. Tu thứ thiệt là không màng người ta biết tới mình nữa. Trong kinh kể về các tỳ kheo hạnh đầu đà. Tỳ kheo đầu đà gồm nhiều hạng. Hạng thứ nhất là làm thiện, làm lành thuần túy để cầu danh lợi. Hạng thứ hai là cũng có lý tưởng nhưng còn mong người khác biết. Còn hạng thứ ba, thậm chí không thấy an lạc khi được người khác biết, thậm chí không thấy thoải mái khi người khác biết về mình nhiều quá. Ví dụ, tôi nói về hạnh khất thực. Hạng đầu tiên, vị đó sống hạnh khất thực để mà được nhiều người khác biết tới, cúng dường nhiều hơn. Hạng thứ hai là cũng muốn tu thanh bần, đơn giản, tri túc nhưng mà còn dính mắc ở chỗ nào dễ dàng để khất thực,chỗ nào còn có người biết tới mình. Không phải vì danh lợi mà khi người khác không biết tới mình, lòng mình không được yên. Nhưng hạng đầu đà thứ ba, ngay lúc mà phát hiện ra mình bắt đầu nổi tiếng thì lòng mình không còn an lạc, thoải mái. Muốn tìm đến một nơi để sống vô danh. Niềm vui của hạng đầu đà thứ ba đã thoát ra khỏi những niềm vui thường tình rồi. Tự mình biết riêng mình nó đã lắm. Còn niềm vui mà để thiên hạ ban phát, niềm vui khi có người biết mình, khi có người khen mình, nể phục mình thì niềm vui đó chưa cao.

Còn niềm vui an lạc với chánh niệm của mình, tri kiến của mình, an lạc với thiền định của mình, thành tựu, sở chứng của mình. Niềm vui này là lạ lắm. Khi mình khoe niềm vui này thì nó không còn nữa. Giữ niềm vui thứ thiệt ấy cho riêng mình không phải vì ích kỷ mà vì rượu ngon không có bạn hiền, không mua không phải không tiền không mua. Rồi đời sống chánh niệm cũng vậy. Khi là hành giả, người ta ngại tiếp xúc nói chuyện. Vì đối với hành giả thứ thiệt, thời gian là họ sống chánh niệm 100%.

Con nít thích xoa đầu khen ngoan. Người học đạo mà còn mong thiên hạ xoa đầu khen giỏi là chưa khá. Còn mong người khác xoa đầu khen ngoan thì mình hãy còn là em bé. Còn mong người khác biết đến mình là người như thế nào thì mình còn non lắm.

Còn lên tới bậc Thượng Thừa thì lời khen và lời chê là như nhau. Khi mình được người ta khen thì mình phải suy nghĩ như thế này: nó khen được là nó chửi được. Sáng khen chiều chửi xưa nay chuyện thường. Đời nó khốn vậy đó. Người hiểu đạo rốt ráo sẽ hiểu rằng không có gì ngu xuẩn bằng đam mê trong món quà của thiên hạ mà nó ban phát cho mình.

Tóm lại, làm ơn nhìn lại “Cái Gi”và” Tại Sao”. Toàn bộ đời sống của mình chỉ có bao nhiêu đó thôi.

Chúc các vị một đêm vui, một ngày lành.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua ứng dụng Zoom năm 2020. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app