Nhân Quả

Bài Giảng Sư Toại Khanh Zoom 2020

Pháp thoại trưa nay chúng tôi nói về một chuyện rất là thiết thân và quan trọng trong nhận thức và hành trì của người tu sĩ nói riêng và đề tử Phật tu Phật tin Phật nói chung. Đó là nói nhiều về chữ nhân quả.

Người không biết Phật Pháp, chỉ cần lớn lên trong xã hội Việt Nam, Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn thì đều chữ nhân quả. Thậm chí ít nhiều liên tưởng tới Phật giáo. Mặc dù khái niệm nhân quả nói cho rốt ráo là nguyên tắc của khoa học – nguyên tắc của vũ trụ. Nhưng từ Phật giáo thì người ta biết đến góc cạnh khác của nhân quả.

Ở ngoài đời thì nhân quả là lực tác động và phản ứng. Cặp nhân quả này chi phối toàn bộ đời sống của chúng ta. Một chiếc lá rơi tạo ra tiếng động trên bậc thềm, đó là nhân quả. Mình nấu ăn là gieo nhân và có bữa ăn là quả. Mình đứng ngoài nắng là nhân và bị đổ mồ hôi là quả. Những phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm và những phản ứng vật lý cũng chỉ là nhân quả mà thôi. Cho nên khái niệm nhân quả là khái niệm phổ cập. Bản thân nó là nguyên tắc vũ trụ chứ không riêng gì Phật Giáo. Nhưng ở Phật Giáo ta biết thêm một khía cạnh khác, đó là báo ứng thiện ác.

Chỉ riêng hai chữ nhân quả nó đã bao gồm toàn bộ vũ trụ và toàn bộ kinh Phật cũng chỉ là hai chữ nhân quả thôi. Nhưng hôm nay tôi nói về một khía cạnh nhỏ của chữ nhân quả cho các bà con sơ cơ cần phải lưu ý đắc biệt. Đó là toàn bộ đời sống chúng ta chỉ là chuỗi ngày tháng tiếp nối nhân quả. Và nói một cách rốt ráo thì toàn bộ đời sống chúng ta chỉ là nhân và quả cộng hưởng với nhau nó tạo ra cái gọi là đời sống.

Nói xa một chút thì từ cái nhân là tham sân si phiền não chúng ta mới làm các nghiệp bất thiện (những việc làm khổ người và chúng sanh khác bao gồm người thú chim cá côn trùng…). Bất cứ việc gì mình nói mình làm mình suy tư mà nhắm đến thiệt hại làm khổ chúng sanh khác phải gọi là máu đổ lệ rơi hoặc làm cho người khác phải khó chịu phải đau khổ, thì tất cả những việc đó dầu là qua ngôn từ hay qua tư tưởng hay qua hành động cụ thể thì đều được gọi là ác nghiệp hay nghiệp bất thiện.

Trường hợp thứ hai là nghiệp thiện gồm tất cả những suy tư, suy nghĩ, những ngôn từ nói năng hay là những hành động cụ thể bằng tay chân mà được thúc đẩy bởi thiện chí, thiện tâm đem lại niềm vui hay lợi ích cho người khác. Tất cả được gọi chung là thiện nghiệp hay những nghiệp tốt, nghiệp lành. Còn nói theo A Tỳ Đàm thì thiện nghiệp là sáu căn biết sáu trần bằng tâm lành thì đó gọi là nghiệp thiện. Còn nghiệp ác là sáu căn biết sáu trần bằng cái tâm bất thiện – tham sân si, nhỏ mọn, ganh tỵ, bủn xỉn, tỵ hiềm, ích kỷ đều gọi là nghiệp bất thiện.

Như vậy, mình có một định nghĩa gọn, toàn bộ đời sống được chi phối bởi nhân và quả, trong cái nhân quả đây, tôi chỉ lấy ra một phần thôi. Như nãy tôi nói: nhân quả có liên hệ đến chuyện báo ứng gồm có thiện ác. Trường hợp thứ hai là nhân quả vô tính có nghĩa là chỉ nói đến cái lực tác động và phản ứng thôi. Ví dụ như chiếc lá là nhân, rơi xuống tạo thành tiếng động gọi là quả thì đó gọi là nhân quả vô tính – không để lại cái gọi là nhân quả báo ứng. Còn nhân quả báo ứng ở đây có nghĩa là việc thiện việc ác, thông qua suy nghĩ, hành động và ngôn từ của chúng ta, nó để lại một hậu quả cho đời sau kiếp khác. Hoặc là một việc lành chúng ta làm, để lại một hậu quả – dư lượng, dư chấn, dư âm, dư vị cho đời sau thì đó được gọi là quả lành.

Như vậy nghiệp thiện chính là sáu căn biết sáu trần bằng tâm lành, nghiệp ác tức sáu căn biết sáu trần bằng tâm xấu và từ đó suy ra hạnh phúc chính là sáu căn biết sáu trần như ý. Còn đau khổ thì cũng chỉ là sáu căn biết sáu trần bất toại. Đây là những công thức bắt buộc phải nhớ, phải thuộc lòng.

Do thói quen nhiều đời nhiều kiếp nên chúng ta có khuynh hướng sống ác nhiều hơn sống thiện. Muốn biết tôi nói đúng hay sai, các vị thử nhìn lại bản thân mình trong một ngày trừ ra lúc ngủ, lúc thức có bao nhiêu phút giây là mình sống lành? Sống biết nghĩ đến lợi ích của người khác?

Đa phần mình chỉ nghĩ đến chuyện cá nhân, chuyện hại người. Một là chuyện cá nhân như là hưởng thụ hai là tích góp, ba là tình cảm ghét thương – những chuyện tào lao, không có lợi ích gì cho mình cho người. Một ngày trong suốt thời gian mình thức thì toàn là suy nghĩ tầm bậy tầm bạ không! Chính vì thói quen bất thiện mạnh hơn thói quen thiện lành. Cho nên cứ sanh ra thì chuyện bất trắc, bất toại, bất tường nó đổ xuống đầu mình nhiều hơn!

Quý vị tính từng cá nhân đi, mỗi người trong một ngày những lúc mình vui so với lúc mình không vui cái nào nhiều? Lí do đơn giản vì cái ác nó nhiều hơn cái thiện cho nên cái quả trổ ra là giây phút mà một ngày cái vui nó ít hơn là cái không vui, đó là nói về cá nhân.

Còn nói đến quảng đại quần chúng cả bảy tỷ người trên hành tinh này, số người sống toại nguyện như ý không nhiều, chỉ là 1% thôi, 99% còn lại là sống bất toại, nghĩa là muốn mà không được. Thiếu hụt về điều kiện giáo dục, văn hoá, y tế, đi lại, truyền thông thậm chí những điều kiện tối thiểu của đời sống như ăn, ở mặc thì hơn phân nửa nhân loại là bị thiếu hụt bởi những điều kiện rất đỗi căn bản, thiết yếu đó. Tại sao lại như vậy?

Tôi quay trở lại các nguyên tắc căn bản là mình có khuynh hướng sống ác nhiều hơn sống thiện. Thứ hai, cái lòng tham của phàm phu không biết sao cho đầy. Hễ mà nó muốn một được một thì nó lại muốn hai mà nó được hai nó lại muốn bốn, tám, mười sáu, ba mươi hai, sáu mươi bốn… cứ như vậy. Cho nên, thứ nhất, nói về quả, chúng ta khổ vì quả. Có nghĩa là quả bất thiện, quả ác nó nhiều hơn quả thiện vì mình tánh ác mà! Hễ nhân ác nhiều thì quả ác nhiều. Quả ác nhiều thì mình khổ vì quả xấu đời trước. Cái thứ hai mình khổ vì nhân ác là sao? Nghĩa là cả ngày cứ tham sân si chạy theo cái thích và trốn cái ghét. Hễ mà trốn không được cái ghét thì khổ, kiếm không được cái thích là khổ. Như vậy cái tham cái sân nó làm cho mình khổ như điên! Còn cái si thì không nói tới bởi vì ở đâu có tham thì ở đó có si. Ở đâu có sân thì ở đó có si. Hãy nhớ điều này!

Và chuyện mà tôi muốn nói tới trưa nay đó là đời sống và cuộc tu của mỗi người trên tinh thần nhân quả mà tôi vừa trình bày. (9:50)

Các vị thấy khuynh hướng của mình, ai cũng muốn có quả lành hết! Ai cũng muốn mình đẹp, giỏi, sướng. Ai cũng muốn mình toại nguyện về danh về lợi về tình cảm về vật chất tinh thần. Ai cũng muốn mình có kiến thức, có quyền lực, học vị, uy tín … Mấy cái đó toàn là quả lành. Quả lành thì ai cũng mê cũng ham cũng theo đuổi nhưng mà khổ một chỗ, quả lành thì ham mà nhân lành thì lại lười, cái vị nghĩ coi có chịu nỗi không?! Có vô lý không? Quả lành thì ai cũng mê, ai cũng mê mình đẹp, ai cũng mê mình toại nguyện về gia đạo về tình cảm, về quan hệ xã hội, về vật chất tài sản, trí tuệ, tri thức. Ai cũng mong mình số một. Nó khổ một chỗ ai cũng mơ quả lành, mà nói tới nhân lành thì không mấy ai hết! Khổ vậy đó! Mình biết Đạo rồi, trên đầu có Phật rồi mà con tim mình toàn ma chướng không!

Cho nên bây giờ mình trở lại chuyện tu của mình … lạy Phật … mà trong khi mình quên rằng có hai cách tu: TU NHÂN và TU QUẢ. Tu nhân là mình lạy Phật để mình học cái gương lành của Phật, mình sống như Phật, mình ăn, mặc, ở như Phật, suy tư nói năng hành động như Phật. Thì lúc bây giờ đó là mình đang tu Nhân. Còn đằng này, vào chùa mình cứ cầu quả không! Không bắt chước cái nhân lành của Phật mà cứ ngó mấy cái quả lành của Phật để mà mơ. Thí dụ như mơ thấy Phật có thần thông, có hảo tướng, có trí tuệ, có bao nhiêu cái hay ho mình đều mơ hết nhưng cái hạnh của Phật thì mình không theo. Rồi từ đó, nó mới dẫn tới cái chuyện, ai cũng mơ mình có được trí tuệ như ngài Xá Lợi Phất nhưng mà không chịu học Đạo. Ai cũng mơ mình nhớ giỏi như ngài A Nan mà không chịu tu chánh niệm. Ai cũng mơ mình có thần thông như ngài Mục Kiền Liên nhưng mà không chịu tu thiền định. Ai cũng mơ mình dễ thương như ngài Purna Phú Lâu Na nhưng mà không chịu nhẫn. Quý vị thấy khổ chưa? Ai cũng mơ mình tài lộc tràn trề như ngài Si-va-li nhưng mà hạnh bố thí thì lại không! Các vị nghĩ coi có vô lí không!

Cho nên phép niệm Phật ở đây, tôi đang nói về phép niệm Phật, Pháp, Tăng thì niệm Phật là phải học theo, noi theo cái hạnh của Phật cái nhân lành của Phật. Đó là mấy cái quan trọng. Cái quả lành của Phật để mình nhìn, mình lấy đó làm chỗ nhắm tới thôi, cái quan trọng là phải tu cái hạnh lành – cái nhân lành của Phật. Rồi niệm Pháp, không phải là mình cứ niệm bài kinh Ân đức Tam Bảo rồi mình cầu các quả lành, không phải! Mà niệm Phật là nhắm tới các hạnh lành của Phật để mà mình bắt chước! Niệm Pháp là ghi nhớ những lời dạy của Phật. Niệm Tăng là ghi nhận, tưởng nhớ đến các đoàn thể Thánh chúng. Ở đây tôi nhấn mạnh chữ Thánh chúng! Cứ còn cái Phàm nó phiền lắm! Cái Phàm nhiều khi quý vị mến ông thầy nào đó nhưng mà lại bất mãn ông thầy khác. Khổ vậy đó, cái Tăng bảo mình nó không được trọn vẹn! Chưa kể ông thầy đó bữa nay mình thích, bữa kia mình không thích. Bữa nay mình nghe người ta khen, bữa khác mình nghe người ta chửi cái lòng nó giao động. Bởi vì chúng ta biết trong Kinh, Đức Phật ngài dạy trong Tăng chi mà lẫn trong bộ Nhân Thiên Thiết trong A Tỳ Đàm của Kinh Tạng thì Ngài từng nói một chuyện đó là chúng sanh trong đời luôn luôn sống hướng đến thần tượng, ai cũng vậy hết!

Giờ một người nhà quê ở miền Tây Nam Bộ cũng hướng tới Lệ Thuỷ, Út Bạch Lan, hay Út Trà Ôn, ai cũng nhắm đến thần tượng hết. Rồi đi chùa, nếu thích thiền mình thích hoà thượng Nhất Hạnh, hoà thượng Thanh Từ, còn nếu dân ăn học mình thích hoà thượng Huyền Vi, hoà thượng Thiện Châu, hoà thượng Minh Châu. Nói chung là trong nước mình có thêm hoà thượng Chân Tín chùa Quảng Pháp, thượng toạ Nhật Từ chùa Giác Ngộ, hoà thượng Thanh Phong chùa Ba Chúc. Nói chung, ai trong đời cũng có thần tượng. Thần tượng đó có thể là một diễn viên, ca sĩ, linh mục, hồng y, giáo hoàng, một nguyên thủ, một chính khách, hoà thượng, danh tăng, thiền sư, giảng sư … Ai trong đời mình cũng hướng đến thần tượng. Và Ngài nói rằng cách chúng sanh hướng đến thần tượng chỉ có bốn trường hợp.

Trường hợp một là nhắm tới vẻ ngoài của đối tượng đó, nhìn đối tượng trang nghiêm hảo tướng hoặc là đẹp đẽ, kiều diễm, tuấn tú, khôi vĩ. .. mình mê, từ đó mình đi theo luôn, mình thờ phụng, mình thần tượng thì đó gọi là đánh giá người qua vẻ ngoài.

Loại thứ hai là tìm đến thần tượng thông qua tiếng tăm của đương sĩ, có nghĩa là mình cũng chẳng có màn Phật Pháp là gì hết, chẳng màn thiền định là gì… nhưng có điều mình là Phật tử mình nghe cái tiếng của Làng Mai bên Pháp, nghe nói tới hoà thượng Nhất Hạnh là nhân vật Phật Giáo số hai sau Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gây ảnh hưởng lớn cho giới trí thức Tây Phương. Nghe cái tiếng đó mình chịu quá, liếc mắt vô Làng Mai mình gặp toàn bác sĩ, kỹ sư, trùng trùng điệp điệp trong đó. Mình thấy bản thân hoà thượng là người có tiếng, học trò toàn là người trí thức, cái hoành tráng, bề thế của Làng Mai, mấy chục, mấy trăm mẫu đất bao la bát ngát. Tất cả những tiếng tăm đồn thổi về Làng Mai đã làm cho mình mê Làng Mai, mê Tăng thân, mê hoà thượng Nhất Hạnh. Như vậy mình đến với hoà thượng Nhất Hạnh không phải do vẻ ngoài mà do cái tiếng. Nhiều khi có ca sĩ, diễn viên đó mình không thích lắm nhưng do cái tiếng họ, lâu ngày mình thần tượng hồi nào không hay.

Loại thứ ba, trường hợp này hơi đặt biệt dành cho các đối tượng tinh thần nhiều hơn, nghĩa là nhiều khi mình đến với vị tăng không phải vì hảo tướng mà thấy vị ấy có nếp sống thanh bần, bần tăng khổ sãi, kiên khem khổ hạnh, giản dị, nghèo khó … tự nhiên mình thấy cái mình thích.

Rồi trường hợp cuối cùng tức là mình đến với đối tượng đó xét qua khía cạnh Giáo Pháp. Nhân vật đó có gì để mình nghe hay không? Nhân vật đó có gì để mình nhìn, mình noi gương hay không? Lúc bấy giờ mình dựa trên Chánh Pháp. Như vậy thì có bốn cách để mình tìm đến một thần tượng. 

Tôi trở lại vấn đề, có người đến với Phật là do tin đồn thổi, nghe nói chùa đó linh. Trong khi tất cả tượng Phật đều là kim thân của bổn sư hết, nhưng đặc biệt mình thích cái tượng đó. Vì tượng đó nằm ở trong cái đền, cái miểu, cái chùa, cái tự viện nào ở trong rừng núi hay ở thôn phố nào đó. Cho nên mình đến với Phật không phải vì tinh thần chánh pháp, vì mục đích tu học giải thoát mà đến là vì tiếng đồn của thiên hạ. Hoặc mình thấy trong các vị giáo chủ không có vị nào bằng Đức Phật hết, tự nhiên mình nhìn thấy nét mặt từ bi mình khoái, chỉ khoái nét từ bi thôi.

Hôm nay bà con đi qua các xứ Âu Mỹ, nói rõ như Thụy Sĩ, Đức là 2 chỗ tôi lui tới. Rất nhiều và rất nhiều những tiệm quán của những người này họ chưng bày tượng Phật trong đó. Người ta mê một nét mặt từ bi, một nụ cười bí ẩn hàm súc. Một gương mặt có thể chứa đựng trong đó bao nhiêu đức tính, bao nhiêu giá trị tinh thần thì họ không màng. Rồi nét mặt đó lại đi với một khối đá, một bụi trúc, một suối nước nho nhỏ ri rỉ. Đối với họ vậy là được rồi, họ đến với Phật bằng những lý do rất là hời hợt như vậy. Còn có người họ qúi Phật vì nghe nói Ngài là một ông vua bỏ ngôi đi tu mỗi ngày ôm bát đi xin, cả đời tài sản chỉ có tam y quả bát, họ qúi cái hạnh đó họ cũng theo. Rốt ráo cuối cùng là có người đến với Phật là vì lời dạy của Ngài. Ngài đã sống ra sao? Ngài đã nói gì? Ngài đã đắc chứng cái gì? Ngài đã hiểu biết cái gì? Ngài đã tuyên dạy thuyết giáo cái gì cho chúng ta? Chúng ta nhận được lợi ích gì từ lời dạy ấy? Từ chỗ này người ta bắt đầu thờ Phật trên đầu, trong tim, trong óc.

Như vậy mình thấy toàn bộ đời sống của mình chỉ quẩn quanh giữa Nhân và Quả thôi. Nhưng đa phần chúng ta thích Quả lành nhưng lười làm Nhân lành. Ai cũng sợ Quả xấu mà khoái tạo Nhân xấu. Các vị có thấy mình Vô minh không? Thích làm chuyện bậy nhưng khoái hưởng Quả lành. Trồng toàn là mắc cở, mắt mèo, xuyên tâm liên mà thích hái sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon. Các vị nghĩ trồng ớt mà muốn hái cà là sao? Trồng mắt mèo muốn hái xà lách là sao? Mình trồng toàn là mắt mèo không thôi! Trồng xuyên tâm liên mà cứ đòi hái xà lách, xà lách xon, cà chua, dâu tây.

Tới lúc vô chùa cũng vậy, biết Phật Pháp ba mớ mình vẫn tiếp tục tu theo cái kiểu đó. Nhìn lên tượng Phật cứ cầu Quả lành mà Nhân lành thì quên tạo. Trong kinh nói Ngài Xá Lợi Phất cách đây một A tăng kỳ và một trăm ngàn đại kiếp khi Ngài lần đầu phát nguyện trở thành một vị đệ nhất trí tuệ của một vị Phật tương lai thì kể từ dạo ấy trở đi là đời đời kiếp kiếp, kiếp nào sa đọa quên mình thì thôi, còn kiếp nào mà nhớ cứ hễ mang thân người Ngài có thói quen rất đặc biệt. Thích tìm tòi học hỏi điều hay lẽ phải ở các bậc thông tuệ hiền trí, thói quen nhiều đời như vậy mới dẫn tới đệ nhất trí tuệ. Đời đời kiếp kiếp Ngài Xá Lợi Phất trau dồi hạnh trí tuệ chứ không phải nguyện vậy rồi trùm mền ngủ luôn một A tăng kỳ, không phải một sớm mai hồng đẹp trời nào đó bật dậy gặp Phật Thích Ca mâu ni là trở thành đệ nhất trí tuệ. Ngài phải tìm tòi học hỏi tham vấn với bao nhiêu là bậc hiền sĩ, hiền giả trên đời này suốt một A tăng kỳ đại kiếp như vậy.

Trong kinh nói Ngài Anurudha kể từ sau lúc phát nguyện trở thành đệ nhất thiên nhãn đời đời kiếp kiếp, khi sa đọa quên mình thì thôi nhưng hễ có dịp mang thân người thì Ngài luôn gieo cái hạnh lành đặc biệt là bố thí ánh sáng. Đời nào sanh ra hễ gặp thời văn minh thì Ngài hỗ trợ đèn điện cho người ta, nhằm thời củ chuối thì Ngài hỗ trợ đèn dầu, đèn nến. Ngài luôn đặt nặng chuyện hỗ trợ áng sáng với tâm nguyện là khi tôi chứng La hán rồi thì trong vũ trụ này không hề có góc tối, không có chỗ nào mà tôi không thấy. Trong một ngàn vũ trụ thế giới như vậy không có chỗ nào là tối mà phải sáng bừng lên cho tôi nhìn. Cho nên hôm nay có dịp nhắc bà con nên nguyện khi cúng dường ánh sáng. Dù là một thước dây điện, một bóng đèn hay là trả tiền điện tháng thì cũng nguyện đời đời sanh ra cặp mắt sinh học đừng bị đui mù. Cặp mắt tâm lý là đời đời sanh ra con luôn luôn là người có trí huệ, không bị sống trong góc tối, góc mù, góc tù. Sợ nhất là cực đoan một chiều, phiếm diện cuồng tín, đó là sự đui mù của tâm thức, đời đời sanh ra con đừng bị cái đó. Sợ nhất là cái ông mù không thấy đường, cái khổ của ổng gieo cho người khác không có nhiều bằng cái ông mù về tâm lý. mù về tâm lý là mù về chính trị, về văn hoá, về giáo dục, về tôn giáo, báo đời hại người ta. Cho nên đời đời kiếp kiếp nguyện sanh ra đừng có mù mắt, mù lầm và mù tâm.

Ngài Anan kể từ lúc nguyện trở thành đệ nhất đa văn là đời đời kiếp kiếp tu chánh niệm. Cộng với lời nguyện thì đời đời sanh ra trí nhớ hơn người, tuệ quán cũng hơn người, làm gì biết nấy, có trí nhớ siêu phàm. Trong một dấu chân con bò, con trâu không thể nào có một khối nước lớn như đại dương, trong não trạng của con người bình thường không thể nào có được trí tuệ và sức hiểu như Ngài Xá Lợi Phất, không ai có sức nhớ kinh khủng như là Ngài Anan, trong kinh dùng cái ví dụ kinh khủng như vậy. Đó là do đời đời kiếp kiếp có lập nguyện nhưng cũng phải có tín, có lập hạnh.

Chư Phật Chánh đẳng giác ba đời mười phương khi thành đạo rồi luôn có mấy chục đệ tử, mỗi vị là xếp xòng về một biệt hạnh, thắng hạnh nào đó. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng vậy, Ngài cũng có những vị đệ tử đệ nhất trí tuệ, đệ nhất thần thông, đệ nhất đa văn, đệ nhất tài lộc v v. Ngài có vị đệ tử là Ngài Sivali là tôn giả đệ nhất về tài lộc. Có nghĩa Ngài đi vào rừng Ngài ngồi giữa rừng hoang vắng thì chư thiên cũng phải xuống hóa hiện làng mạc, nam phụ lão ấu vây quanh để cúng dường cho Ngài như đang ở phố vậy. Không phải khơi khơi trên trời rớt xuống tài lộc đó mà Ngài đã trăm ngàn đại kiếp kể từ khi nguyện trở thành đệ nhất tài lộc là đời đời sanh ra luôn luôn sống với bàn tay mở rộng không có nắm lại gì cho riêng mình hết. 26:53

Nãy giờ tôi kể cho các vị nghe về những hạnh lành, mình muốn được Quả lành thì mình phải gieo Nhân lành. Còn đằng này lạy Phật chỉ cầu Quả lành mà quên gieo Nhân. Đi rước cho bằng được cái tượng Ngài Sivali về nhang đèn khấn khứa tùm lum hết mà trong khi đó quên rằng ở đâu mà nó lòi ra cái tài lộc? Đó là hạnh bố thí, hạnh hào sảng. Thờ hiền thánh, thờ quan âm Bồ tát mà quên cái mình phải thờ ở đây là hạnh từ bi, hạnh lắng nghe, lắng nghe cuộc đời coi ai cần mình nhào tới giúp. Hạnh đó thì quên. Đeo tượng Quan âm, thờ hình Quan âm mà ai đụng tới chửi được thì chửi, đánh được thì đánh, hành hung được thì hành hung, bạo lực được thì bạo lực mà cổ vẫn đeo tượng Quan âm, nhà vẫn thờ hình Quan âm. Ai cũng thờ Ngài Sivali mong được tài lộc, thờ thần tài mong tài lộc mà kẹo vắt chày ra nước, cho một đồng mà mong được một triệu, cúng nải chuối mà mong trúng số.

Cho nên đời sống của mình là một chuỗi Nhân Quả. Những gì buồn vui của mình bây giờ đó là Quả của đời trước. Nhưng những cái Ác, cái Thiện của mình bây giờ là Nhân cho khổ vui đời sau. Chúng ta đi vào đời chỉ bằng cái tâm đầu thai. Thí dụ như mình làm một việc lành kiếp xưa quá khứ, dĩ nhiên làm việc lành phải bằng tâm lành, chính là tâm đầu thai chun vô bụng mẹ thay vì chun vô bụng chó, bụng trâu, bụng heo, bụng lừa. Tại sao mà mình được làm người? Là tại vì có tâm Nhân lành quá khứ tạo ra cái tâm đầu thai. Tâm đầu thai chỉ mới là cái visa nhập cảnh, rồi mình vào kiếp người này mang thân người này sống ra sao là phần khác. Chúng ta có visa để vào Úc, vào Mỹ nhưng rời khỏi phi trường chúng ta về đâu? Ở khách sạn hay ở nhà người quen, ở trong điều kiện sinh hoạt như thế nào, áo quần giầy dép, phòng ốc, thực phẩm, thuốc men ra sao thì đó là chuyện khác. Còn visa entry nó chỉ cho mình nhập cảnh thôi.

Ở đây cũng vậy, mình nhờ cái Quả lành quá khứ mà mình được đầu thai làm thân người nhưng mình phải nhờ đến vô số quả lành nữa cho nên bây giờ mình mới đẹp, mới giỏi, được thông minh, được may mắn về gia đạo, về tình duyên, về quyền lực, về chức vụ, về quan hệ xã hội, về tình cảm nam nữ v v. Mình còn phải nhờ đến vô số phước lành khác. Đó là lý do vì đâu có những người được phước sanh vào con nhà giàu mà bị đơ, bị down syndrome, hoặc là sanh ra có nhan sắc mà nhiều lắm chỉ được thuê làm tiếp tân ….. (mất âm thanh).

Cho nên do Quả lành hay Quả xấu đời trước mà đời này mình mới có mặt trong cái hình hài người hay là thú. Cái chuyện ta có mặt trong cái hình hài người hay là thú thì đó là Quả lành hay Quả xấu đời trước, tâm đầu thai đó là tâm Quả. Cũng do Quả lành hay Quả xấu đời trước mà bây giờ mình mới có các Căn khác nhau, là sao? Do Nghiệp xấu đời trước, đời này sanh ra tôi cũng có 6 Căn nhưng 6 Căn của tôi biết toàn là cảnh bất toại. Tôi thấy những cái tôi không muốn thấy, tôi phải nghe những cái tôi không muốn nghe, tôi phải ăn những cái tôi không muốn ăn, tôi thường xuyên ngửi cái mùi mà tôi không muốn ngửi. Nhà tôi ở gần cống rãnh, đống rác cho nên quanh năm tôi cứ phải nghe mùi đó. Nhà tôi ở gần chỗ phế liệu cho nên quanh năm tôi thấy toàn là đồ dơ, đồ xấu. Vì nghèo nên quanh năm tôi chỉ ăn những thứ mà tôi không muốn. Đi chợ thấy đủ thứ hết mà tôi trở về nhà tôi phải ăn những thứ mà tôi không có muốn ăn. Như vậy do tiền nghiệp quá khứ mà đời này sanh ra tôi có mang hình hài con người hay con thú, đó là một chuyện. Chuyện thứ hai là do tiền nghiệp thiện ác đời trước mà bây giờ 6 Căn của tôi biết được 6 Trần như ý hay là bất toại. Đó toàn là Quả.

Bây giờ qua tới Nhân, người có tu khi hưởng Quả lành không có đắm đuối trong đó để rồi quên mất chuyện tu thêm công đức. Người có tu chịu Quả khổ thì không có bất mãn, không có sân si rồi từ đó trốn chạy bất hạnh của mình bằng những việc bất thiện, tội lỗi. Đó là người có tu. Người có biết Phật Pháp khi hưởng Quả lành thì không có đắm đuối đê mê trong đó quên mất chuyện tu hành. Mà khi khổ quá cũng không vì cái khổ mà nó khờ người rồi làm toàn chuyện ác. Còn người không có tu thì khi hưởng được Quả lành nào đó trong quá khứ mà nó trổ thì họ tận hưởng mà quên gieo Nhân lành mới cho kiếp sau đời khác. Sanh ra đẹp là tận hưởng tất cả cái quyền lợi của nhan sắc đó. Sanh ra được làm con nhà giàu thì cắm đầu tận hưởng cái giàu đó, tận hưởng cái thông minh đó, tận hưởng cái sức khỏe, cái nhan sắc, tiền bạc đó mà không biết hoặc quên tạo Nhân mới khác 36:01.

Còn người có học Phật Pháp, khi sống trong Quả lành thì họ cũng chỉ lấy Quả lành làm điều kiện để tiếp tục làm thêm Nhân lành. Khi chẳng may mà họ nhằm kiếp đang chịu trổ Quả xấu thì họ cũng lấy cái đau khổ đó để tự răn mình. Đối với người có trí thì đôi khi cái bất hạnh lại là một điều kiện tốt để mà họ tu thân tốt hơn. Các vị có biết rằng một tu sĩ có phước nhiều thì một là xuất thân gia đình ngon lành, gia đình lo. Hai, nếu phước trễ một chút thì xuất gia đi tu thì cũng có nhiều điều kiện để được cúng dường, được người ta thương yêu qúi mến và chăm sóc. Nghe thì ham nhưng tôi nói thiệt, làm thầy chùa tôi biết chuyện này, hãy cẩn thận, một vị tu sĩ mà quá may mắn về tài lộc, quá may mắn về tình cảm thì chưa chắc là chuyện hay đâu qúi vị. Mới tu có mấy năm chưa có thật giỏi Phật Pháp, tự nhiên có một mớ đệ tử nhào theo đội lên đầu bái sư, rồi mình lơ mơ mình tưởng mình giỏi thiệt. Nhào ra cất chùa, làm tự viện, có đệ tử. Trong đầu có bao nhiêu móc ra dạy, dạy riết hết nghề luôn, hết bài luôn, nha. Mà lúc đó không có quay lại làm học trò được, lúc đó đâu có thời gian đâu đọc thêm kinh sách, lúc đó cái ngã nó to đùng như núi làm sao mà đi hạ mình để học hỏi với ai, nhiều khi kẹt cũng muốn hỏi mà sợ quê sợ người ta biết mình dốt! Cho nên nhiều khi cái may mắn là cái họa đó. Chưa kể khi mình cán đáng một cái chùa lúc quá sớm. Khổng Tử có nói trong đời người có mấy cái bất hạnh, 1 là thành công quá sớm, 2 là chết vợ quá sớm, 3 là tuổi già cô độc. Mà 3 cái đó không phải là ở ngoài đời không thôi mà nó còn bao trùm trong đạo nữa. Một vị sư mà có quá nhiều tài lộc, có quá nhiều may mắn về tình cảm coi chừng đó là họa hơn là phúc.

Cho nên Đức Phật Ngài dạy, người đệ tử xuất gia khi nhận được lễ bái cúng dường, nhận được cái sự kính trọng tín nhiệm của quần chúng thì phải hiểu đó chỉ là đống phân thôi, mà mình chỉ là một con dòi, một con bọ hung thôi. Nếu mình không thích nó thì mình là thánh, nó vẫn là lễ phẩm, vẫn là tặng phẩm và bản thân mình vẫn là ruộng phước cho đời. Khi mình có lòng đắm đuối đê mê vùi đầu trong đó thì mình là con dòi và những thứ kia bấy giờ trở thành đống phân. Đó là một sự thật.

Tôi giả định cho các vị nghe, thí dụ bây giờ các vị may mắn có được cái bằng bác sĩ hoặc tiến sĩ sớm lúc các vị 30 tuổi; rồi về tình cảm, hôn nhân, tình yêu, tiền bạc, uy tín xã hội, cái gì qúi vị cũng ngon lành; đẻ ra một bầy con đẹp người, đẹp nết, thông minh, học giỏi. Các vị sống được 90 tuổi rồi con cái các vị đỗ đạt ngon lành như ý hết. Rồi thì sao? Kết thúc chung cuộc mình chỉ là một ông cụ, một bà lão phúc lộc thọ đầy đủ, sống lâu 90-95 tuổi, nhìn lại cái quãng đường vàng son của mình nhiều lắm chỉ là những kỹ niệm, những ký ức ngọt ngào mà thôi. Trong khi đó nếu mà mình 90 tuổi mà mình nhớ lại quãng đời trước đây của mình tuy có gian khó nhưng đó là quãng đời của một người có học đạo, hành đạo, của một người có giới, có niệm, có tu Tứ niệm xứ, có tu tập thiền định; thì các vị nghĩ coi, hai ký ức, ký ức nào đẹp? Một bên là một ông bác sĩ già, một giáo sư già 90 tuổi nhớ lại cái quãng đời hào hoa, phong lưu, sung sướng như tiên của mình toàn là Quả lành không. Trường hợp thứ hai là một người nghèo khó mà nhớ lại quãng đời của mình có mấy chục năm tuy sống gian lao, nghèo túng nhưng mình gieo toàn là Nhân lành không.

Cho nên phàm phu mình có hai mâu thuẫn sau đây:

1, Lười tạo Nhân lành nhưng khoái hưởng Quả lành, khoái tạo Nhân ác mà sợ chịu Quả ác.

2, Ai phàm phu cũng muốn mình có cái hiện tại sung sướng nhưng ai cũng muốn mình có một quá khứ đạo hạnh. Ai cũng mong mình có cái hiện tại sung sướng như tiên nhưng ai cũng muốn mình có một quá khứ cao khiết, thanh tịnh như thánh. Mà trong khi đó mình phải làm ngược lại, mình phải từng có hiện tại như thánh. (nghe không rõ) Tôi đang nói về chữ Nhân Quả. Mở miệng ra mình nói Nhân Quả nhưng mình hiểu không đúng, mình làm không đúng. Ai cũng thích Quả lành nhưng làm biếng tạo Nhân lành. Ai cũng sợ Quả xấu nhưng luôn luôn thích tạo Nhân xấu. Ai cũng muốn mình có một hiện tại như tiên nhưng muốn có một quá khứ như thánh. Một ông già, một Phật tử 90 tuổi mong mình là người có đạo đức hơn là một người hưởng thụ ngọt ngào, không có hay bằng mấy chục năm đạo hạnh.

Trong đời sống tu sĩ cũng vậy, một sự may mắn, một sự thành công của một vị sư trẻ ngay trước mắt mình nó sướng thiệt nhưng nếu vị đó không có tĩnh tâm, tĩnh thức, không biết phản tĩnh, thì cái may mắn cái hanh thông trong đời tu chỉ là cái họa cho vị đó. Phật dạy buồng chuối hại cây chuối, bào thai hại tuấn mã. Con ngựa giỏi bằng trời mà khi có thai rồi thì xong, cây chuối mà có buồng rồi là xong, cây tre ra bông rồi là xong, kẻ ngu có danh lợi rồi là xong. Đó là nói về đời tu, cư sĩ cũng vậy. Đừng nói rằng tôi là cư sĩ tôi có quyền, sai. Nói theo luật Phật, đúng là Ngài không có bắt cư sĩ phải giữ mấy trăm giới. Nhưng nói trên mặt Nhân Quả luân hồi thì cái chuyện trầm luân của tu sĩ và cư sĩ giống nhau y chang. Cho nên khi nói tôi là cư sĩ thì luật đâu có cấm, tôi giữ 5 giới đủ rồi. Nhưng thật ra ai mà thất niệm nhiều, ai mà bất thiện nhiều thì tuổi già là bất hạnh và lúc cận tử là kinh hoàng. Ngài không có phân biệt tăng tục, xuất gia hay cư sĩ. Chứ đừng có học đạo ba mớ rồi nói giới luật trong Tam tạng đâu có cấm, đâu có bắt cư sĩ phải như thế này thế kia. Đúng, vấn đề là bắt không được. Cho nên Ngài chỉ nói thôi bây giờ những người không tóc thì khó hơn một chút, người có tóc thì cứ 5 giới, 8 giới. Chứ nếu Ngài có thể dùng thần thông mà biến cho mọi người sống tốt đẹp, thánh hạnh như ý muốn thì tôi bảo đảm 1000% không hề có sự phân biệt giữa cư sĩ và người xuất gia trong giáo pháp của Ngài, không hề có. Nên nhớ Chư Phật cái gì Ngài cũng biết, ai Ngài cũng thương, đức lành nào Ngài cũng có, nhưng mà không phải chuyện gì các Ngài cũng làm được, bởi nếu chuyện gì Chư Phật cũng làm được thì hôm nay chúng ta lên tòa sen ngồi hết rồi.

Cho nên nói đến chuyện trầm luân sanh tử thì người xuất gia và cư sĩ đều là khách trầm luân như nhau hết, chẳng qua là bây giờ Đức Phật không có ép người cư sĩ được thì Ngài đành phải buông trôi thả nổi. Ok, nhiêu đó được rồi. Chứ nếu nói trên bình diện Nhân Quả thì Nhân nào Quả nấy, bây giờ anh sống ra làm sao thì mai sao anh sẽ có một hậu quả tương ứng với kiểu sống hôm nay của anh. Muốn biết kiếp xưa ta làm gì, hãy nhìn bây giờ ta ra sao. Muốn biết sao này ta ra sao, hãy nhìn bây giờ ta như thế nào. Và nguyên tắc đó không riêng gì người xuất gia mà bao trùm nhất thiết pháp giới hữu tình chúng sinh trong đời, ba đời mười phương đều nằm gọn trong cái lưới Nhân Quả không ai ra được hết.

Bữa nay nói về Nhân Quả để tôi nhắc nhẹ một chuyện là cái kiểu tu của mình. Ngày xưa mình không biết đạo thì khỏi nói, tới hồi biết ba mớ thì mình cứ nghĩ chùa, chư tăng, bạn đạo là chỗ để làm công đức, lễ lộc là cơ hội làm công đức. Nói chung về thời gian mình lựa ngày nào ngày nào làm công đức, về không gian là chỗ nào chỗ nào. Có nghĩa cái chuyện tu tập công đức của mình phải lệ thuộc vào không gian và thời gian. Mà các vị biết, hễ có lệ thuộc là không có tự tại. Tu mà phải lựa lúc tu, lựa chỗ, lựa đối tượng là tu chưa rốt ráo. Tới khi học đạo được rốt ráo mình mới biết rằng không gian thời gian nào cũng là cái chỗ để mình tu học được hết.

Quay lại bài học đầu bài giảng, toàn bộ đời sống của mình chỉ là Nhân với Quả thôi. Những gì mà chúng ta có ngay trong đời sống này là mắt tai mũi lưỡi thân ý, nhà cửa, cơm áo, gạo tiền, giày dép, mắt kính, đồng hồ, dây nịch, cà vạt, nữ trang, mỹ phẩm. Tất cả những cái đó đều do cái Quả quá khứ. Mà người có tu, người biết đạo khi hưởng Quả lành phải biết tiếp tục tạo Nhân lành. Khi gặp Quả xấu phải lấy nó làm bài học RĂN mình. Gặp cái Khổ mà mình biết nhìn nó thì nó là cái phúc chứ không phải cái họa. Còn cái Quả lành mà mình không biết cách thì nó là cái họa chứ không phải là cái phúc. Mình tưởng giàu là có phúc, tôi nói thiệt, đúng, giàu là Quả lành xưa, nhưng nếu hỏi có phải phúc hay không thì tôi xin thưa là không chắc. Mà sự đói nghèo túng thiếu có phải là họa hay không, tôi nói chưa chắc. Nó là Quả xấu do bủn xỉn đời trước, đúng, nhưng nó có phải là chuyện đáng sợ hay không thì chưa chắc. Bởi nhiều khi cái túng nó là cơ hội cho mình nhìn lại. Ai có sống túng thiếu và có biết Phật Pháp thì mới biết cái túng lại là cái hay.

Tôi nhớ có nói tinh hoa của Phật Pháp là buông bỏ, cốt lõi của Phật Pháp là tinh thần buông bỏ. Buông bỏ có 3: Bỏ ác về với thiện, bỏ cái riêng về với cái chung, bỏ cái cũ để lên cái mới. Nếu ai mà thấy mình không có khả năng buông bỏ thì hãy hạn chế sở hữu những thứ khó buông bỏ. Không phải mình tự an ủi mình mà đó là sự thật. Tôi sợ nhất là khi chết mình để lại quá nhiều thứ để mình phải tiếc nuối. Nếu mình có nhiều thứ mà mình lại vẫn có thể ra đi thanh thản thì tuyệt vời. Nhưng nếu cái khả năng buông bỏ của mình yếu quá thì đôi khi mình phải cám ơn sự ra đi trong bàn tay trắng. Điều này tuyệt đối không phải là lời an ủi đâu mà là sự thật.

Trừ trường hợp bất đắc kỳ tử, bị xe cán, rớt máy bay v v thì dĩ nhiên đó là ngoài ý muốn, ngoài dự trù, tôi có tâm nguyện là đến năm 60 tuổi là trong tay tôi không còn cái gì hết. Kinh sách, chuông tượng, y áo không còn giữ lại cái gì hết. Các vị có thể nghĩ tôi đang khoe nhưng đây là cái hèn của tôi. Tôi rất là sợ cái chuyện ra đi mà con mắt tôi còn ngó lại, tôi tiếc. Tôi tính 50-55 là gác bút không dịch, không giảng nữa, nhưng tôi cũng còn có nhu cầu đi lại. Đến năm 60 tuổi nếu còn sống thì đến cả cái đồng hồ coi giờ tôi không muốn giữ nữa. Đó không phải là tu hành gì hết mà là tôi sợ chết. Tôi không bao giờ ngu xuẩn đến mức tôi nhận rằng tôi là người tu chơn chánh. Phải biết sợ chết, có nghĩa mình phải chuẩn bị giây phút ra đi mà không tiếc nuối và không sợ hãi, đó là cái quan trọng nhất. Tôi không biết các vị nghe pháp trong room này là ai, nếu các vị là người chí thân chí ái của tôi thì tôi cũng xin thưa rằng tôi mong bạn có một cái chết không sợ hãi và không tiếc nuối. Đó là người tôi thương nhất thì tôi sẽ nói câu đó. Bạn sống làm sao mà khi ra đi không sợ hãi, không tiếc nuối, ok, còn nếu hôn mê thì trời cứu, vô phương nha. Nếu mà mình còn tĩnh tôi đặc biệt chú ý đến những cái chết ngon lành. 51:57

Là một ông sư nhưng tôi rất muốn treo hình những người cư sĩ mà có cái chết đẹp. Tôi muốn thờ họ hơn là tranh ảnh khác, các vị biết không. Các vị nghe có kỳ không? Tôi không muốn treo thờ thần tiên nào hết mà tôi muốn treo hình người cư sĩ mà tôi biết là chết đẹp. Tôi thích treo hình những vị sư mà chết đẹp. Chẳng hạn như hòa thượng Pháp Minh, hòa thượng Hộ Nhẫn chết đẹp lắm. Ngài Hộ Nhẫn đang đi bát, mà lạ buổi sáng trước khi đi Ngài linh cảm điều gì đó Ngài nói với mấy người trong chùa “Bữa nay 10 giờ không thấy sư về, đi kiếm nha.” Đúng, mới vừa trên đồi Quảng Tế đi xuống chừng một phút Ngài băng qua đường thì bị hai cô gái đi chiếc honda tông Ngài, tông mạnh chấn thương não. Các thượng khiếu (mũi, tai, miệng) xuất huyết. Thì ngay lúc đó người ta nhào tới tính làm khó dễ, Ngài nói “ Hãy để cho họ đi, họ không có muốn làm như vậy đâu. Chỉ là tai nạn thôi”. Bị tông giữa đường và Ngài đi vào bên lề đường, chỉnh trang, sửa sang y áo xong xuôi, nằm nghiêng qua tay phải rồi sau đó không biết gì hết. Tỉnh táo như vậy. Mọi người hay được đem Ngài vô bệnh viện không cứu được rồi đem Ngài về chùa máu vẫn còn trào ra phải lấy bông gòn bít lại. Có ai mà được như vậy không? Thí dụ gãy tay gãy chân mà như vậy đã quá giỏi, còn đằng này chấn thương ở đầu. Có nghĩa là khả năng chánh niệm và định lực của người này phải nói là tràn trề mới làm được chuyện đó. Chứ các vị biết lúc đó là hoảng loạn 1 là đau đớn giãy dụa quằn oại, 2 là hoảng loạn sợ hãi kinh hoàng. Mà Ngài thì không, không là không. Thân đau không để tâm đau, không để tâm bị ảnh hưởng.

Người thứ hai đó là hòa thượng Pháp Minh, Ngài đúng là người đủ tư cách để nhận chữ xả bỏ báo thân, an nhiên thu thần thị tịch. Tức là đêm đó thấy không xong rồi là Ngài xếp bằng là đi luôn. Sáng hôm sau có một ông Phật tử tới gõ cửa để đặt bát, Ngài sống bằng hạnh ôm bát khất thực chứ không dùng mâm chén muỗng nĩa. Ăn trong bát mấy chục năm như vậy. Trước đây cốc của Ngài là một am lá giữa đồng, rắn không hà. Rồi Phật tử họ nói “Trời ơi, ghê quá đi, Ngài ở như vầy ghê quá, rồi tụi con tới hầu Ngài tụi con cũng sợ, đảnh lễ mà sợ rắn.” Giữa đồng mà cất cốc trên gò đất là rắn tổ sư luôn. Năn nỉ quá Ngài cho cất nhưng cất giống như cái chuồng heo vậy đó. Có nghĩa là xây ở dưới đất lên khoảng chừng 1,5 mét bằng gạch, rồi từ đó trở lên là lấy mấy thanh tre kết lại để thoáng gió cho mát mà đồng thời không có cái gì là khuất lấp, Ngài muốn nó phải minh bạch như vậy, ai muốn nhìn Ngài thì nhìn thoải mái. Rồi đêm cuối cùng thấy sao đó không biết mà Ngài ngồi xếp bằng thẳng lưng tọa thiền, tư thế tuyệt hảo, hoàn chỉnh. Sáng hôm sau ông cư sĩ tới để cúng bát, ổng gõ cữa không thấy thì ổng dòm vô trong ổng thấy Ngài ngồi thẳng băng thì ổng biết xong rồi, vì đâu có ai mà kỳ vậy, hồi đó giờ ổng đâu thấy ai nhập định đâu mà bây giờ ổng thấy Ngài ngồi như vậy mà đập muốn banh cái cữa mà không mở có nghĩa là xong rồi. Ổng mới hô hoán lên thì mọi người tới, sờ vào không thấy có nhịp nhàng nhúc nhích, là xong. Rất tiếc là công an địa phương họ sợ cái tư thế ra đi nó gây tiếng vang tiêu cực, đồn thổi, tới xin số đề. Họ mới đề nghị những vị Chư tăng Phật tử lo hậu sự là phải lấy rượu đắp, vỗ, vuốt để trả Ngài trở về tư thế nằm bình thường, chứ để ngồi nó đồn tùm lum rồi tối đó nó kéo nguyên sư đoàn tới nó xin số đề là chết luôn! Bồ đề không thấy mà thấy số đề không hà! Dân VN mà! Cho nên mình phải thấy đó là những cái chết đáng được bảng vàng bia đá. Và có một ông Phật tử bên Cali trước khi mất là tỉnh táo, tụng kinh, xin giới, nghe pháp ,còn biết nói những câu dí dỏm ví von ngon lành, xong rồi áo quần tinh tươm chỉnh chu nằm thẳng người ta để hai tay lên rún, mắt nhắm hờ, không biết có hước hay không nhưng không hề có xê dịch, là đi luôn. Cư sĩ mấy chục năm, ông đó chết như vậy.

Tôi nhắc lại, đời sống của mình là Nhân Quả, vấn đề là dù mình đang nhận Quả lành hay đang nhận Quả xấu thì hãy lấy nó làm điều kiện để tiếp tục tạo Nhân lành, đó là tinh thần Phật Pháp. Còn đằng này Nhân lành thì không tạo, tạo toàn Nhân xấu mà mở mắt ra cứ cầu Quả lành, là cầu cái gì? Mình sống rất là mâu thuẫn. Muốn có hiện tại sướng như tiên nhưng muốn có một quá khứ cao khiết như thánh là mâu thuẫn thứ nhất. Mâu thuẫn thứ hai là muốn hưởng Quả lành mà tạo toàn là Nhân xấu. Sợ Quả xấu mà toàn tạo Nhân xấu. Thích Quả lành mà lười tạo Nhân lành.

Bữa nay tôi nói qua chuyện niệm. Kể từ hôm nay về Miến Điện, về Thái lạy Phật, lạy thánh, đảnh lễ cao tăng không phải mình đi mình xin cái phước của người ta, không phải mình xin cái Quả lành của người ta mà mình phải nhìn người ta như là một bài RĂN đời để mình trang nghiêm Tam nghiệp, trau dồi cái Nhân lành. Mình thờ Ngài Sivali không phải để mình xin cái Quả lành của Ngài như cái kiểu ăn mày đi xin nhà giàu, mà mình phải nhìn cảnh tượng của Ngài để mà nhớ cái hạnh hào sảng của Ngài trong vô số kiếp. Nhắc tới Ngài Anan là mình phải nhớ cái hạnh đa văn, hạnh một đời khao khát học Phật không biết mỏi mệt trong nhiều kiếp như vậy. Nói đến Ngài Xá Lợi Phất là mình phải nói đến hạnh thiết tha cầu pháp. Nói đến Đức Phật thì khỏi nói, mình phải nhớ Ngài là người trau dồi tất cả hạnh lành. Đệ tử thì có người chuyên cái này, chuyên cái kia riêng Ngài thì cái gì cũng chuyên hết. Cho nên khi thành Phật rồi thì tất cả hạnh lành Ngài đều là tuyệt đỉnh hết. Thí dụ nói đệ nhất tài lộc có ai hơn Đức Phật? Lúc đi tu đúng là Ngài Sivali có rất nhiều tài lộc nhưng có ai mà được như Đức Phật? Lúc mà Ngài là Bồ tát kiếp chót, trong kinh nói Tất Đạt ngay cái ngày mới vừa lọt lòng mẹ ở Lumbini thì trong vương quốc Kapilavatthu xuất hiện 4 hầm châu báu. Mà mỗi hầm như vậy, hầm cạn nhất là 2 cây số, hầm sâu nhất là 15 cây số. Ngài cứ móc lên xài 1 kiếp không hết. 1:01:20

Ngài vừa xài vừa cho còn không hết, phước Ngài nhiều như vậy. Và những lần trên đường du hoá sau khi thành Phật, những lần Ngài gặp khó là kim ngai, long ngai bảo tọa của Đế Thích ở trên trời, của Ngọc hoàng thượng đế phải nóng vì biết Thế Tôn đang cần cái gì đó. Mỗi bữa ăn của Thế Tôn là Chư thiên trong vô lượng vũ trụ tới cúng dường thiên phẩm, thiên vị cho Ngài dùng. Phước lộc của Đức Phật kinh khủng như vậy. Nói đến tài lộc không ai hơn Phật, nói đến trí tuệ không ai hơn Phật; nói đến kham nhẫn, thiền định, từ bi không ai hơn Phật. Vì tất cả hạnh lành Phật đều tu hết và tu ở mức “top”, dám vì hạnh lành đó mà bỏ mạng nên gọi là “top”, là đỉnh. Ngài dám bỏ mạng cho mỗi hạnh lành.

Thí dụ vì hạnh kham nhẫn, chém chết Ngài vẫn Nhẫn. Có lần ngồi tu trong rừng có ông vua tới hỏi “Ông tu cái gì?” Ngài nói “Tu một chữ Nhẫn thôi”. Vua cho người chặt tay Ngài và hỏi còn Nhẫn không, Ngài nói Nhẫn không phải nằm ở tay. Chặt chân Ngài và hỏi còn Nhẫn không, Ngài nói Nhẫn không phải nằm ở chân, đạp vô ngực Ngài và hỏi còn Nhẫn không, Ngài nói Nhẫn nằm ở trong tâm chứ không ở ngoài ngực. Khiếp như vậy đó! Giữ vững lập trường cho đến cuối cùng không hề thay đổi.

Ngài vì hạnh bố thí cho đến cái mạng cũng không tiếc. Có lần đó Ngài làm sư phụ dạy học cho cả trăm đệ tử trong từng, giống như Chu Văn An mở lớp dạy trò. Bữa đó Ngài với đệ tử trưởng tràng đi vô rừng hái thuốc, đang đi Ngài liếc xuống vực sâu thấy có con cọp mẹ. Theo mình hiểu khi bị lọt xuống vực cọp đang có chửa lên không được và sau đó sanh con luôn. Đó là lý do tại sao có cả cọp mẹ lẫn cọp con, chứ nếu đẻ trên đất bằng thì làm sao mà lọt cả một family như vậy. Ngài liếc thấy con cọp mẹ gầy trơ xương mà đám cọp con cứ rút vào vú mẹ còn gì nữa đâu mà bú? Mà đem lên thì đem bằng cách nào? Ngài liếc thấy rồi Ngài quay mặt đi không cho đệ tử thấy và nói “Con về trước đi, đừng có chờ thầy”. Học trò đi khuất thì Ngài từ trên cao nhảy xuống.

Trong kinh nói lúc đó Ngài gần thành đạo rồi cho nên trách nhiệm của Ngài đối với chúng sinh y như mẹ đối với con. Chứ không phải như mình nhảy cho cọp ăn là thấy thua rồi, nhảy sợ gẫy chân, bị thương , bị đau, v v. Còn Ngài thì không. Khi càng gần ngày thành Phật thì cái hùng tâm tráng chí dễ sợ lắm, dời non lấp biển chỉ là chuyện nhỏ. Càng gần ngày thành Phật làm toàn chuyện khó nhưng lại dễ làm là vì cái tâm quá thuần thục, quá chín muồi rồi. Ngài nhảy xuống mà con cọp mẹ nó yếu tới mức nó chỉ nhìn Ngài nó liếm liếm thôi chứ không biết làm sao. Ngài mới lấy cái dăm gỗ Ngài tự chọt vô cổ cho máu trào ra để cọp liếm lấy sức. Nhờ có sức như vậy nó mới ăn Ngài được.

Người học trò đó chia tay thầy đi một đỗi thì nghe đất dưới chân mình rung lắc, trên trời thì sấm chớp nổ vang, đại địa chấn động, trời đất tối mù. Người trò với cái huệ căn của mình biết chuyện gì rồi vì hồi nãy sư phụ quay mặt không cho mình nhìn nhưng trò đã kịp thời nhìn thấy cái gì dưới hố, và lúc đi nửa nghi nửa ngờ nghĩ chắc thầy có chuyện gì ở lại. Nhưng khi thấy đại địa chấn động, trời đất tối mù, sấm chớp vang động người học trò với cái huệ căn của mình biết thầy đã làm cái gì, quay trở lại thì thấy con cọp đang ăn sư phụ mới nói “Thầy lừa con được” rồi nhảy xuống vực luôn. Người thầy chính là Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni và học trò chính là Bồ Tát Di Lạc sau này. Kể tới đây mà tôi nổi da gà, dễ sợ như vậy! Giống như Trung quốc có Tôn Dật Tiên và Tưởng Giới Thạch vậy, hoặc Ai Cập có Nasser. Tôi đem so sánh hơi khập khiểng nhưng ý tôi muốn nói những tâm hồn lớn mới gặp nhau được.

Bồ Tát trong vô số kiếp sanh ra cứ có dịp là tu. Đặc điểm của Bồ Tát là gì? Thích tạo Nhân lành nhưng khi gặp Quả lành lòng chẳng màng, không muốn tạo Quả xấu nhưng khi gặp Quả xấu lòng chẳng sờn. Bồ Tát nói riêng mà hiền trí ở đời nói chung thích tạo Nhân lành nhưng khi gặp Quả lành lòng dửng dưng, hờ hững, coi thường cái đẹp, cái giàu, cái giỏi, cái tiếng tăm, cái may mắn và không vùi đầu vô đó. Kẻ thiếu trí phàm phu lười tạo Nghiệp lành nhưng gặp Quả lành thì đắm đuối đê mê, gặp Quả ác thì kêu trời như bọng, gào la kêu khóc, nước mắt đầy mặt. Quả ác thì sợ nhưng lười tạo Nhân lành. Còn mình thì sao? Mình khoái ác ghét thiện, khoái hưởng Quả lành mà sợ chịu Quả xấu.

Sau bài giảng này những người đã tinh thông Phật Pháp tôi không dám nói, nhưng đặc biệt với người sơ cơ làm ơn nhớ dùm đời sống này của mình, hơi thở, tay chân, mắt mũi này chỉ là Quả thiện ác quá khứ. Nhưng dựa trên Quả này mình có tạo Nhân mới thiện hay bất thiện đó lại là chuyện khác.

Tại sao thân này là Quả ác? Có 2 trường hợp.

1, Có người cũng có tấm thân này mà họ chỉ chịu toàn là chuyện khổ không hà. Mắt của họ thấy toàn là cái không muốn thấy, tai nghe toàn là âm thanh không muốn nghe. Có những người từ nhỏ đã ở xóm lao động, xóm ổ chuột, từ lúc nứt mắt ra là đã thấy ống cống, thấy đống rác, thấy xác chó, xác mèo quăng ném tùm lum. Cứ vậy lớn lên đi ba gác, đạp xích lô, bán vé số rồi lấy vợ lấy chồng, đẻ bầy con cũng ở ngay đó. Cho nên cả đời của họ mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi toàn là cảnh trần bất toại. Ai trong room này không biết thì đảo xuống xóm Thị Nghè, bây giờ chắc họ cũng có móc sình làm lại nhưng chắc cũng không khá, xóm đó ngày xưa kinh khủng lắm. Hoặc mấy ao rau muống bên Phú Nhuận gần động hoa vàng của Phạm Thiên Thư kinh dị lắm, ao rau muống mà chuột cống ghẻ không có lông chạy xơn xởn. Mấy thế hệ cứ sanh ra, lớn lên rồi chết đi ở một chỗ như vậy. Đó gọi là 6 Trần bất toại.

2, Có người may mắn đẻ ra cũng có Lục Căn nhưng Lục Căn (mắt, tai, …) của họ biết toàn là Lục Trần như ý. Ngay trên đất Thụy Sĩ này có biết bao nhiêu người nứt mắt ra là đã có sẵn mấy cái nhà, ở trên núi, ở dưới hồ và ngoài phố, ở không hết, chỗ ở mùa đông, chỗ ở mùa hè, lúc ở nhà óp đá cẩm thạch, lúc ở nhà gỗ. Tất cả thức ăn đều phải qua xét nghiệm nghiêm túc từ cọng rau cho đến miếng tàu hủ, cây nấm, trái cà, trái ớt. Biết bao nhiêu người mở mắt ra là thấy núi tuyết, hồ nước xanh biếc, đồi cỏ thẳng tắp. Cả đời mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm toàn những thứ như ý. Sáu Căn của họ là Quả lành do Nhân lành từ đời trước.

Vấn đề tôi muốn nói ở đây là người có đạo tâm, đạo tuệ, có mắt tuệ, sống trong cái Khổ lấy đó làm bài học để không có tạo Nghiệp xấu nữa. Sống trong Quả lành thì lấy nó làm điều kiện để tiếp tục tạo Nhân lành nếu đủ duyên thì không còn sanh tử, nếu chưa đủ duyên thì đời sau kiếp khác sanh ra cũng ở trong một điều kiện tương đối để tiếp tục tu tập. Nói gì thì nói, tu là phải đơn giản, tu là phải thiểu dục nhưng nếu có điều kiện, có phương tiện vẫn tốt hơn thưa qúi vị.

Thí dụ có hai người Phật tử đều là hành giả, đều giữ bát quan trai, đều sống trong một thiền viện ở Miến Điện. Một người chỉ cần cảm thấy hơi kỳ kỳ là họ đã rút cái phone ra liên lạc bên nhà book vé trong vòng 3 giây bay về Singapore, về Bangkok hay về Saigon vô nằm bệnh viện Pháp Việt. Còn người kia nghe đau lói lói lạ quá 3-4 ngày không biết làm sao, không có cái phone để liên lạc. Mà có liên lạc được thì bố đạp xích lô, mẹ bán vé số, đứa em đi làm thuê thì báo về để làm cái gì? Không biết bị bệnh gì mà đau quá phải đi về nước, người có tiền vé giá nào họ cũng mua, còn mình phải ngồi lựa vé nào mềm mình mới dám bay. Các vị nghĩ coi có đứt ruột không? Rồi từ ở Maymyo muốn về Mandalay là phải quá giang xe, trong khi người có tiền là gọi taxi rước đi liền. Trong khi mình quá giang xe, xe gì cũng nhào lên, xe chỗ gỗ chở heo ngồi xốc dằn xô đẩy về tới Mandalay, hoặc từ Mandalay về Yangoon để bay cái đó tôi còn chưa nói tới, nghe tới đó đã thấy ớn rồi.

Các vị thấy không, đều là hành giả, đều là ly dục, bát quan hết, áo nâu hết nhưng người có Quả lành nhiều thì tu coi bộ sướng. Ngay trong những lúc chưa bệnh nhiều thì người có điều kiện khi cảm thấy kỳ kỳ là mở vali ra có đủ thứ thuốc cảm, nhức đầu, sổ mũi, tiêu chảy, kem thoa dị ứng ong chích v v, máy sấy chân mùa đông. Còn người kia trời lạnh chỉ thoa cù là mà nhằm loại càng thoa càng lạnh! Cho nên người tu không cần sướng nhưng người tu phải có tâm lành để lấy đó làm điều kiện tiếp tục tu nữa chứ không phải tạo Nhân lành để được sướng. 1:15:00

17/10/2020 – 06:25 – elteetee – [Mục Lục các Bài Giảng] – [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

Tôi đã có nói, chúng sanh trong đời chia làm mấy hạng:

1, Chỉ biết quẩn quanh trong 4 chữ thích, ghét, buồn, vui bất kể thiện ác.

2, Cũng quẩn quanh trong thích, ghét, buồn, vui nhưng quan tâm tới thiện ác, làm lành lánh dữ để trốn khổ tìm vui.

3, Thấy thích, ghét, buồn, vui, thiện, ác đều là vô ngã vô thường, đều là Nhân sanh tử. Cho nên người này vẫn tiếp tục làm lành lánh dữ, nhưng không phải trốn khổ tìm vui mà làm lành để vĩnh viễn không còn thiện, ác, buồn, vui nữa.

Như trong bài giảng ngày hôm trước tôi có nói. Có hai người Việt Nam đang đi làm kiếm tiền trên hình thức giống nhau nhưng lý tưởng khác nhau. Một người đi làm kiếm tiền để trở thành đại gia ngay trên mảnh đất hình chữ S. Còn người kia đi làm quần quật, cày bừa như trâu để kiếm tiền hướng tới mục đích định cư nước ngoài, tìm mọi cách đẩy con cháu ra trước rồi mình đi sau. Cho nên cả hai người đều kiếm tiền nhưng một người kiếm tiền để ở lại quê hương làm đại gia, một người kiếm tiền để đi định cư ở nước khác.

Hai người tu tập phước lành cũng vậy. Một người cầu quả nhân thiên đó là người kiếm tiền để tiếp tục ở lại quê hương. Còn hạng thứ hai cũng làm lành lánh dữ nhưng cầu giải thoát, thì hạng này được gọi là kiếm tiền để đi định cư ở nước khác. Hình thức giống nhau, đều kiếm tiền hết nhưng người muốn làm đại gia thì cách anh ta đầu tư mua đất ĐL, NT v v , kiếm một miếng để hưởng tuổi già; thích chơi lan, chơi kiểng, đồ cổ. Còn người tính định cư nước ngoài thì đâu có mua chi mấy thứ đồ đó, tất cả tiền kiếm được là anh ta đổi ra ngoại tệ hết, qui ra hột xoàn và vàng hết để chuyển đi ra nước ngoài, mục đích là không ở lại với đất nước đó.

Ở đây cũng vậy, hạng người thứ nhất chỉ biết thích, ghét, buồn, vui không màng thiện ác. Hạng thứ hai tiếp tục quẩn quanh trong thích, ghét, buồn, vui nhưng biết làm lành lánh dữ. Hạng thứ ba không màng thích, ghét, buồn, vui nhưng vẫn tiếp tục làm lành, lánh dữ để không còn thiện ác, buồn vui nữa. Khi không có Đức Phật ra đời thì chúng sanh khá lắm là hạng hai thôi, là làm lành lánh dữ để trốn khổ tìm vui. Đa phần chúng sanh còn lại là thích, ghét, buồn, vui bất kể thiện ác, hạng này nhiều vô số.

Cho nên bài giảng hôm nay tôi nói về chữ Nhân và chữ Quả để nhắc một điều, người tu Phật cầu giải thoát không cầu Quả lành nhưng phải tạo Nhân lành, không tạo Nhân ác nhưng khi gặp Quả ác lòng không sợ không sờn. Còn người không biết đạo việc thiện thì lười làm mà khoái làm việc ác tới lúc nhận Quả ác thì kêu trời.

Thứ hai, người không biết đạo muốn mình có một hiện tại sướng như tiên và muốn có một quá khứ như ông thánh. Riêng người học đạo muốn ngay từng giây phút hiện tại sống như thánh bởi vì đối với họ sống như thánh tức là sướng như tiên. Còn người không biết đạo thì họ phân biệt rất rõ sướng như tiên dễ chịu mà cao khiết như thánh thì rất là cực, sợ làm thánh mà khoái sướng như tiên. Còn người biết đạo thì thích sống như thánh nhưng không màng sống như tiên.

Bữa nay mình nói sâu, nhiều về khía cạnh Nhân Quả mà theo lối nhìn thông tục, nôm na, ví von dành cho mấy người dốt đặc không biết gì hết. Lẽ ra đề tài Nhân Quả này mà nói về 12 Duyên khởi thì rất là ngon lành, nhưng vì trong room này tôi chẳng biết qúi vị đã học tới đâu. Cho nên đề tài Nhân Quả mà khai triển theo giáo lý Duyên khởi tôi sẽ dành riêng cho lớp intensive bên Đức này.

Cũng phải rao cho biết tôi giảng cái gì. Do Vô minh trong 4 Đế tức là không biết mọi thứ ở đời là Khổ, không biết mình thích cái gì cũng là thích trong Khổ, muốn hết Khổ thì đừng thích trong Khổ nữa. Sống bằng 3 nhận thức này chính là con đường thoát Khổ. Và người không biết 4 Đế thì gọi là Vô minh. Do Vô minh trong 4 Đế mới tạo các Nghiệp thiện ác. Do Vô minh trong 4 Đế họ mới chia ra cái này Khổ nè, cái này Sướng nè, cái này Vui. Lẽ ra phải thấy tất cả là Khổ thì yên quá rồi. Chia ra phân ướt là Khổ, phân khô là Sướng. Trong khi đó theo tinh thần Phật Pháp, đã là phân thì dù là phân một nắng hay tám nắng hay mới ra lò nóng hổi thì đều là phân hết. Nhưng vì không biết đạo mình mới chia ra 2 nắng, 3 nắng hay chưa có nắng nào. Còn trong mắt của bậc thánh thì hiện hữu là đống phân!

Nhân Quả nói theo lý Duyên khởi rất là sâu. Do Vô minh trong 4 Đế cho nên mình mới có 2 cách để hành động là sống thiện và sống ác. Vô minh trong 4 Đế nếu nói theo công thức chung là có một Vô minh thôi, nhưng trên thực tế cái Vô minh của thằng Tèo hoàn toàn khác của thằng Tý, của con Lan không giống của con Hương, của con Cúc không giống của con Yến. Thằng Tèo nó ác không giống cái ác của thằng Tý, thằng Tèo nó sống thiện không giống cái thiện của thằng Tý. Cho nên cái Vô minh khác nhau dẫn đến thiện hành và ác hành khác nhau. Chính vì ác hành và thiện hành khác nhau nên cái tâm đầu thai đi về các cõi cũng khác nhau. Thí dụ, cho dù hai đứa cùng xài cái tâm đại quả đi đầu thai, nói trên mặt chữ họ xài cùng một tâm nhưng thực tế không phải. Hai tâm đại quả này không cách nào giống nhau. Vì không có hai tâm đại thiện giống nhau thì làm gì có hai tâm đại quả giống nhau?

Cho nên do Vô minh không biết mọi thứ là Khổ người ta mới trốn Khổ tìm vui bằng cách làm các Nghiệp thiện ác. Do tạo các Nghiệp thiện ác nên người ta mới có tâm đầu thai đi về các cõi. Do đi về các cõi nên người ta phải có 6 Căn. Và 6 Căn của mỗi người không giống nhau, có người có 6 Căn mà biết toàn 6 Trần bất toại, có người có 6 Căn mà biết toàn 6 Trần như ý. Trong số bất toại bao nhiêu người thì bấy nhiêu trường hợp. Trong số như ý có bao nhiêu chúng sanh thì có bấy nhiêu trường hợp. Hai hoa hậu không cách nào có khuôn mặt giống nhau. Hai ông giảng sư không cách nào giống nhau. Hai ông bác sĩ nổi tiếng cũng không cách nào giống nhau. Hai cô diễn viên, ca sĩ, người mẫu không cách nào giống nhau. Nói giống là giống trên cái đại thể căn bản, chứ còn chi tiết thì không cách nào giống nhau.

Nhân thiện của người này không giống Nhân thiện của người kia, Nhân ác của người này không giống Nhân ác của người kia, cho nên dù sanh về chung một cõi thì cái phận đời, cái hình hài, não trạng, tâm trạng, thể trạng của mỗi người không giống nhau. Do 6 Căn không giống nhau mới dẫn tới 6 Trần không giống nhau, 6 Trần 6 Căn không giống nhau dẫn tới 6 Thọ không giống nhau. Vì 6 Thọ không giống nhau dẫn tới 6 Ái, 6 niềm đam mê không giống nhau. Vì 6 Ái không giống nhau cho nên Tứ thủ không giống nhau. Vì Tứ thủ không giống nhau cho nên 2 Hữu không giống nhau, tức là Nghiệp hữu và Sanh hữu không giống nhau. Vì 2 Hữu không giống nhau cho nên tiếp tục cõi tái sanh lại khác, mà nếu có giống thì giống trên đại thể chứ còn chi tiết tiếp tục khác nữa. Cứ như vậy trong vòng luân hồi Nhân thiện của thằng Tèo không giống của thằng Tý, Nhân ác của thằng Tý không giống của thằng Tèo, của con Cúc không giống của con Yến, của con Lan không giống của con Hương.

Tổng cộng lại, Nhân nào Quả nấy là cách nói ví von đơn giản cho người không biết cái gì. Nếu nói chi tiết thì do khuynh hướng tâm lý, tiền nghiệp và môi trường sống khiến cho chúng ta mỗi người có một kiểu Nhân thiện khác nhau, Nhân ác khác nhau. Từ đó Quả thiện khác nhau, Quả ác không giống nhau. Vấn đề lớn ở đây tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh đó là đối với người biết đạo, trong mọi hoàn cảnh đang gặt hái Quả lành thì hãy xem Quả lành là điều kiện để tạo Nhân lành. Đang hái Quả xấu thì coi Quả xấu đó là điều kiện để tiếp tục tu tập. Còn người không biết tu thì sao? Nhân lành không chịu tạo chỉ tạo toàn Nhân xấu, tới lúc chịu Quả xấu thì kêu trời, lúc gặp Quả lành thì chỉ biết hưởng và tiếp tục sa đọa trầm luân.

Tùy thuộc vào cái ác của mỗi người kiếp này mà kiếp mai sau cái ác của mình sẽ có một hình thái rất là đặc biệt. Và tùy thuộc vào cái ác của mình mà mình có cái thiện không giống ai. Và cũng tùy thuộc vào cái thiện của mình mà mình có cái ác không giống ai. Cái thiện, cái ác của phàm phu hỗ trợ, tương tác lẫn nhau. Do cái ác của mình, trên nền tảng cái ác mang cái mạc TK mai mốt nó sẽ tạo ra cái thiện TK và trên cái thiện TK sẽ làm nền cho cái ác cũng mang cái mạc là TK.

Thí dụ tôi là một hành giả thích tu thiền nhưng cái tánh tôi ganh tỵ cực mạnh nên vô thiền viện tôi thấy bữa nào thiền sư vui vẻ với tôi thì tôi rất là hạnh phúc, bữa nào tôi thấy ổng làm lơ, ổng hơi chăm sóc đặc biệt một hành giả khác là tôi khó chịu dữ lắm. Từ chỗ khó chịu tôi bất mãn thiền sư, tôi nói xấu bạn tu v v.

Thí dụ tôi là người bủn xỉn, khi đi tu tôi nghĩ cách nào ít tốn nhất. Bữa nào thiền viện kêu gọi hành giả đóng góp là tôi khổ tâm và khó chịu lắm. Nhiều khi kẹt cũng móc ra, mà móc ra buổi sáng thì buổi chiều ngồi thiền không được, nhớ lại thiền là miễn phí tự nhiên bây giờ xin tiền để giúp cho hành giả nào đó có tiền mua vé máy bay về nước chữa bệnh! Có nghĩa là cái thiện của mỗi người bị ảnh hưởng bởi cái ác của đương sự. Và cái ác của mỗi người bị ảnh hưởng bởi cái thiện của đương sự. Có người tánh rất là nóng nhưng nhờ họ từng có tu Nhẫn, tu Xả, tu Niệm, tu Định, tu Trí cho nên cái ác của họ nó cũng có gia giảm. Cái ác của họ có được cái thiện tác động một cách tích cực. Ngược lại cái thiện của mỗi người cũng bị cái ác nó tác động có điều hơi tiêu cực.

Cho nên trong bài giảng hôm nay tôi muốn nói đến khía cạnh tương tác của vạn hữu mà quan hệ tương tác ấy có một tên gọi rất là bình dân rất là phổ cập, đó là Nhân Quả. Ok, tôi mệt rồi, chúc các vị một ngày vui một đêm an lành. Hẹn gặp lại qúi vị thứ hai tuần sau.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua ứng dụng Zoom năm 2020. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app