Tác giả: Hộ Pháp Tỳ Khưu #1
Người dịch: Tỳ Khưu Hộ Pháp
Nhà xuất bản: NXB Tôn Giáo
Thể loại: Bộ Nền Tảng Phật Giáo, Sách Dhamma T.Việt, Sách Thiền
Đọc sách điện tử: TẢI SÁCH EBOOK
Thỉnh sách giấy: LIÊN HỆ THỈNH SÁCH
Lời mở đầu
Tâm từ, nói một cách nôm na là tình thương yêu, là một tình cảm thiêng liêng đối với tất cả chúng sinh dầu nhỏ dầu lớn, là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống của mỗi chúng sinh.
Tất cả sinh vật [1] hiện hữu nói chung, tất cả mọi chúng sinh nói riêng, thường có hai nhu cầu thiết yếu:
- Nhu cầu về vật chất: như vật thực, y phục, chỗ ở, thuốc trị bệnh, v.v...
- Nhu cầu về tinh thần: ở đây chỉ muốn đề cập đến tình cảm thiêng liêng, tình thương yêu đối với tất cả chúng sinh gọi là tâm từ, chỉ có trong thiện tâm trong sáng mà thôi, là một món ăn tinh thần ngon lành bổ dưỡng không những nhất thời, mà còn nuôi dưỡng thiện tâm tăng trưởng, đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai, cả cho mình lẫn cho tất cả mọi chúng sinh nữa; cho nên, tâm từ là một nguồn sinh lực quý giá, một thứ bảo bối bảo vệ an toàn cho thân tâm.
Ðể có được tâm từ không phải là việc dễ dàng, mà đòi hỏi hành giả cần phải có nền tảng vững chắc để tâm từ phát sanh, có tâm tinh tấn không ngừng, có đức nhẫn nại, kiên trì thực hành niệm rải tâm từ đúng theo phương pháp, thì tâm từ mới có thể phát sanh và tăng trưởng, chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho mình và những người gần gũi thân cận, cùng tất cả chúng sinh, không ngoại trừ một ai.
Bởi vì, hành giả niệm rải tâm từ rộng lớn vô lượng, vô biên đến tất cả chúng sinh, hoà đồng giữa mình cùng với tất cả chúng sinh; chan hoà cùng khắp, mọi sinh vật tiếp nhận sự an lành, mát mẻ trong một môi trường sinh khí phát xuất từ tâm từ, làm cho các sinh vật được tươi tốt và tăng trưởng.
Vậy tâm từ là gì?
Tâm từ chính là tâm sở vô sân đồng sanh trong đại thiện tâm có đối tượng là tất cả chúng sinh. Hành giả tiến hành niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, không ngoại trừ một chúng sinh nào. Người có tâm từ vô lượng vô biên rải khắp cùng mọi sinh vật; tâm từ rải đến nơi nào, chúng sinh muôn loài hưởng được an lành mát mẻ nơi ấy; tâm từ rải khắp mọi nơi thì chúng sinh muôn loài hưởng được an lành, mát mẻ khắp mọi nơi.
Ngược lại với tâm từ là "tâm từ giả", cũng là tình thương yêu, nhưng lại phát sanh từ tâm tham trong đối tượng chúng sinh nào đáng hài lòng, người nào đáng hài lòng, v.v...
Nếu đối tượng chúng sinh, con người ấy làm điều gì không đáp ứng được tâm tham muốn, thì chủ thể,người mong muốn ấy cảm thấy bất mãn, thất vọng; nghĩa là tham mà không được như ý của mình, thì chính tâm tham ấy làm nhân duyên phát sanh tâm sân thù ghét, phá hoại đối tượng chúng sinh, con người ấy. Do đó, tình thương yêu phát sanh từ tâm tham gọi là "tâm từ giả".
Sự khác nhau giữa "tâm từ giả" và tâm từ do theo tâm và đối tượng.
- Tâm từ giả đồng sanh với tâm tham, có đối tượng là chúng sinh, con người đáng yêu theo tâm tham của mình; nếu đối tượng chúng sinh, con người ấy không còn thoả mãn theo tâm tham, thì làm nhân duyên phát sanh tâm sân làm hại đối tượng ấy. Ðó là tính chất của "tâm từ giả".
- Tâm từ là tâm sở vô sân đồng sanh với thiện tâm, có đối tượng là tất cả chúng sinh, không ngoại trừ một ai, dầu trong số tất cả chúng sinh ấy, biết có chúng sinh là kẻ thù của mình, thì thiện tâm vẫn không thay đổi, hành giả vẫn niệm rải tâm từ cầu mong tất cả chúng sinh:
- Không oan trái lẫn nhau,
- Không khổ thân,
- Không khổ tâm,
- Giữ gìn thân tâm thường được an lạc.
Ðó là tính chất đặc biệt của tâm từ.
Hành giả niệm rải tâm từ là người cần phải có tâm từ trước tiên; cũng ví như người thí chủ muốn làm phước bố thí, cần phải hội đủ các điều kiện:
- Tác ý thiện tâm bố thí.
- Có vật thí đầy đủ sẵn sàng.
- Có người thọ thí xong.
Khi ấy, người thí chủ mới thành tựu phước thiện bố thí.
Cũng như vậy, hành giả niệm rải tâm từ, trước tiên phải có đầy đủ tâm từ, rồi mới niệm rải tâm từ ấy đến tất cả chúng sinh, không ngoại trừ chúng sinh nào.
Hành giả nên niệm rải tâm từ bằng tiếng Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật, là một thứ tiếng phổ thông đối với các hàng chư thiên, phạm thiên, lại còn có thể tạo được cảm giác nơi các loài chúng sinh; điều quan trọng, khi tâm niệm, hành giả cần phải hiểu rõ ý nghĩa từng chữ, từng câu Pāḷi ấy.
Quyển sách nhỏ này bần sư đã dày công biên soạn, chỉ dẫn tiến hành niệm rải tâm từ theo nhiều phương pháp như:
- Phương pháp theo bài kinh Tâm Từ (Mettāsutta).
- Phương pháp theo bộ Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga).
- Phương pháp theo bộ Paṭisambhidāmagga, v.v...
Ðể giúp cho quý hành giả, độc giả tìm hiểu, nghiên cứu, chọn lựa phương pháp tiến hành niệm rải tâm từ nào thích hợp với bản tánh, với căn duyên của mỗi hành giả, để cho sự tiến hành niệm rải tâm từ đạt được hiệu quả tốt nhất.
Sư Hộ Pháp
Liên hệ mượn sách giấy: (cập nhật)
CÁC SÁCH CÙNG BỘ: