Ðối Tượng Tứ Oai Nghi

6 12 800x445 1Tiêu đề: Ðối Tượng Tứ Oai Nghi
Tác giả: Hộ Pháp Tỳ Khưu #1
Người dịch: Tỳ Khưu Hộ Pháp
Nhà xuất bản: NXB Tôn Giáo
Thể loại: ,
Thỉnh sách giấy: LIÊN HỆ THỈNH SÁCH

 

Đối Tượng Tứ Oai Nghi

Tỳ Khưu Hộ Pháp

Lời Nói Ðầu

Một hôm, Ngài Ðại Ðức Cakkhupāla đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bèn bạch rằng:

- Bhante, imasmiṃ sāsane kati dhurāni? [1]
Kính bạch Ðức Thế Tôn, trong Phật giáo này có bao nhiêu phận sự?

Ðức Thế Tôn dạy Ngài Ðại Ðức Cakkhupāla rằng:

- Ganthadhuraṃ vipassanādhuran’ti dveyeva dhurāni, bhikkhu.
Này Tỳ khưu, trong Phật giáo này chỉ có hai phận sự duy nhất là:

1- Ganthadhura: Phận sự học pháp học chánh pháp.
2- Vipassanādhura: Phận sự hành pháp hành thiền tuệ.

* Phận sự học pháp học chánh pháp như thế nào?

Tỳ khưu có trí nhớ trí tuệ, có khả năng, cố gắng tinh tấn học thuộc lòng trọn vẹn lời giáo huấn của Ðức Phật trong Tepiṭaka: Tam tạng: Luật tạng, Kinh tạng, Vi diệu pháp tạng; hoặc Pañcanikāya: ngũ bộ: Trường bộ kinh, Trung bộ kinh, Ðồng hợp bộ kinh, Chi bộ kinh, Tiểu bộ kinh gồm cả Luật tạng và Vi diệu pháp tạng, tùy theo khả năng trí nhớ trí tuệ của mình.

Ðó là phận sự học pháp học chánh pháp.

* Phận sự hành pháp hành thiền tuệ như thế nào?

Sau khi đã học pháp học chánh pháp, có nền tảng căn bản, có hiểu biết rõ về hành giới, hành pháp hành thiền định, hành pháp hành thiền tuệ xong rồi, Tỳ khưu hành giả hài lòng hoan hỉ sống một mình nơi thanh vắng, nuôi mạng chân chánh, cách sống dễ dàng; ngày đêm tinh tấn tiến hành pháp hành thiền tuệ cho đến khi trí tuệ thiền tuệ thấy rõ biết rõ sự sanh, sự diệt của danh pháp sắc pháp; thấy rõ biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp sắc pháp; dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo -- Nhập Lưu Thánh Quả; Nhất Lai Thánh Ðạo -- Nhất Lai Thánh Quả; Bất Lai Thánh Ðạo -- Bất Lai Thánh Quả; A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng; trong 4 Thánh Ðạo Tâm, 4 Thánh Quả Tâm có Niết Bàn làm đối tượng, diệt đoạn tuyệt được mọi tham ái, phiền não không còn nữa, hoàn thành mọi phận sự Tứ thánh đế, thành tựu xong phạm hạnh cao thượng trong Phật giáo.

Ðó gọi là phận sự hành pháp hành thiền tuệ.

Hai phận sự này có liên quan mật thiết với nhau, hoàn toàn nương nhờ lẫn nhau. Sở dĩ sự tiến hành thiền tuệ chứng đắc được Thánh Ðạo -- Thánh Quả, Niết Bàn là vì nhờ có pháp học chánh pháp tối thiểu phải học 4 pháp niệm xứ, 4 pháp tinh tấn, 4 pháp thành tựu, 5 pháp chủ, 5 pháp lực, 7 pháp giác chi, 8 pháp chánh đạo, gọi là 37 pháp chứng đắc Thánh Ðạo (Bodhipakkhiyadhamma).

Thật vậy, chỉ có hai phận sự duy nhất này mới có thể giữ gìn duy trì chánh pháp của Ðức Phật được lưu truyền lâu dài trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho chúng sinh nhất là nhân loại, chư thiên, phạm thiên.

Phật giáo (Buddhasāsana) là lời giáo huấn của Ðức Phật. Phật giáo có 3 loại:

1- Pariyatti sāsana: Pháp học Phật giáo.
2- Paṭipatti sāsana: Pháp hành Phật giáo.
3- Paṭiveddha sāsana: Pháp thành Phật giáo.

* Pháp học Phật giáo nghĩa là gì?

Trong Chú giải Chi bộ kinh định nghĩa:

"Pariyatti tepiṭakaṃ Buddhavacanaṃ sāṭṭhakathā Pāḷi". [2]
"Pháp học Phật giáo là học lời giáo huấn của Ðức Phật trong Tam tạng cùng Chú giải bằng tiếng Pāḷi".

Tiếng Pāḷi là ngôn ngữ chung của chư Phật trong quá khứ, Ðức Phật hiện tại và chư Phật trong vị lai. Tiếng Pāḷi có nguồn gốc từ ngôn ngữ Māgadha là ngôn ngữ phổ thông của chư thiên trong các cõi trời dục giới, chư phạm thiên trong các cõi trời sắc giới nữa.

Trong bộ Văn phạm Pāḷi Padarūpasiddhi dạy rằng:

Sā māgadhī mūlabhāsā, narā yāyādikappikā.
Brahmāno ca’ssutālāpā, Sambuddhā cāpi bhāsare.
[3]

Tiếng Māgadha này là nguồn gốc của ngôn ngữ: những nhân loại đầu tiên hóa sanh xuống trái đất này, chư thiên, phạm thiên trong các cõi trời, trẻ sơ sinh không từng nghe một thứ tiếng nào, chư Phật Chánh Giác, tất cả những vị ấy đều nói bằng tiếng Māgadha.

* Tại sao gọi là tiếng Pāḷi?

Chư Phật sử dụng tiếng Māgadha sắp đặt theo hệ thống trong giáo pháp của Ðức Phật; có quan hệ logic giữa nhân và quả, thực hành có thể dẫn đến sự giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài. Do đó, lời giáo huấn của Ðức Phật gọi là tiếng Pāḷi như: Tepiṭakapāḷi, Aṭṭhakathāpāḷi, Mahāsatipaṭṭhānasuttapāḷi,v.v...

Các ngôn ngữ khác của con người trong đời, chỉ có thể tồn tại một thời gian lâu hoặc mau, tùy theo sự tồn tại của dân tộc ấy. Nếu dân tộc ấy bị tiêu diệt rồi, thì thứ ngôn ngữ ấy sẽ mai một theo thời gian.

Ðặc biệt ngôn ngữ Pāḷi, nếu người nào học hiểu biết rõ, ghi nhớ rõ pháp học Phật giáo bằng ngôn ngữ Pāḷiđược chừng nào thì tâm trí của người ấy tích lũy được chừng ấy, dầu phải trải qua bao nhiêu số kiếp trong vòng tử sanh luân hồi, cũng không bao giờ mất đi một tiếng nào. Bởi vì tiếng Pāḷi vốn là mūlabhāsā: ngôn ngữ gốc, sabhāvabhāsā: ngôn ngữ diễn tả hiểu được thực tánh của các pháp, v.v...

Mỗi đại kiếp trái đất trải qua 4 a tăng kỳ thành -- trụ -- hoại -- không, có khi trải qua vô số kiếp trái đất như vậy không sao kể siết, mà vẫn không có một Ðức Phật nào xuất hiện trên thế gian gọi là Suññakappa: kiếp trái đất không có Ðức Phật. Vậy mà, khi một kiếp trái đất nào có Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, thời đại ấy có tiếng Māghadha, Ðức Phật thuyết pháp tế độ chúng sinh bằng tiếng Pāḷi, chắc chắn không phải một thứ tiếng nào khác.

Kiếp trái đất mà chúng ta đang sống, gọi là Bhaddhakappa có nhiều diễm phúc nhất, bởi vì có đến 5 Ðức Phật xuất hiện tuần tự, trải qua một chu kỳ thời gian rất lâu dài.

  1. Ðức Phật Kakusandha, trong quá khứ, đã xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 40.000 năm.
  2. Ðức Phật Koṇāgamana, trong quá khứ, đã xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 30.000 năm.
  3. Ðức Phật Kassapa, trong quá khứ, đã xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 20.000 năm.
  4. Ðức Phật Gotama, đang hiện tại, đã xuất hiện trên thế gian vào thời đại con người có tuổi thọ 100 năm. Hiện nay, Ðức Phật đã tịch diệt Niết Bàn cách đây 2.546 năm, song giáo pháp của Ngài vẫn còn lưu truyền trên thế gian này đến 5.000 năm sau rồi sẽ bị tiêu diệt.
  5. Ðức Phật Metteyya, trong vị lai, sẽ xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 80.000 năm.

Từ một Ðức Phật này đến một Ðức Phật kia, trải qua một chu kỳ thời gian rất lâu dài.

Ví dụ:

Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, vào thời đại con người có tuổi thọ 100 năm. Từ 100 năm, tuổi thọ con người theo thời gian giảm dần giảm dần xuống còn 10 năm, rồi từ 10 năm, tuổi thọ con người lại tăng dần tăng dần đến tột cùng a tăng kỳ năm (asaṅkheyya [4] : tính theo số lượng số 1 đứng đầu 140 số không (0) viết tắt 10140). Từ a tăng kỳ năm, tuổi thọ con người giảm dần giảm dần đến thời đại con người có tuổi thọ 80.000 năm, khi ấy Ðức Phật Metteyya sẽ xuất hiện trên thế gian cũng trong kiếp trái đất này.

Như vậy, từ một Ðức Phật này cho đến một Ðức Phật kia cùng chung trong một trái đất, mà phải trải qua thời gian lâu dài không thể tính bằng số được. Cho nên, trong vòng tử sanh luân hồi của mỗi chúng sinh, kiếp nào có diễm phúc gặp được Ðức Phật hoặc giáo pháp của Ngài, thì thật là cơ hội tốt, vô cùng hi hữu, một dịp may mắn rất hiếm có. Vậy, chúng ta nên cố gắng theo học cho được tiếng Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật, dầu không thuộc lòng được trọn bộ Tam tạng, Chú giải, thì ít ra chúng ta cũng phải thuộc lòng cho được câu cung kính lễ bái Ðức Thế Tôn mà chư Vua Trời đã cung kính:

"Namo tassa Bhagavato Arahato Sammā-sambuddhassa". (3lần)
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn, bậc A-ra-hán, bậc Chánh Ðẳng Giác ấy.

Và Tam quy (Tisaraṇagamana):

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Dutiyampi, Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi, Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi, Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi, Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi, Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Nghĩa:

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ nhì.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ nhì.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ nhì.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, lần thứ ba.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, lần thứ ba.
Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, lần thứ ba.

* Pháp hành Phật giáo như thế nào?

Sau phận sự học pháp học Phật giáo, đã hiểu rõ ý nghĩa lời giáo huấn của Ðức Phật, biết cách thực hành theo lời dạy của Ðức Phật, hành giả tiếp tục phận sự hành pháp hành Phật giáo.

Pháp hành Phật giáo đó là: hành giới -- hành định -- hành tuệ.

- Hành giới: đó là tác ý thiện tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi ác nghiệp tội lỗi, làm cho thân khẩu được trong sạch thanh tịnh, để làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ.

- Hành định: đó là tiến hành pháp hành thiền định. Ðịnh tâm:

* Khaṇikasamādhi: sát na định, định tâm trong khoảnh khắc trên mỗi đối tượng danh pháp, sắc pháp thuộc pháp hành thiền tuệ.

* Upacārasamādhi và appanāsamādhi: cận định và an định trong một đối tượng thiền định duy nhất thuộc pháp hành thiền định, để chứng đắc các bậc thiền sắc giới, các bậc thiền vô sắc giới làm cho tâm thanh tịnh để làm nền tảng cho pháp hành thiền tuệ.

- Hành tuệ: đó là tiến hành pháp hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo -- 4 Thánh Quả và Niết Bàn diệt đoạn tuyệt mọi tham ái, mọi phiền não, mọi ác pháp, tâm không còn bị ô nhiễm bởi phiền não, tâm hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh.

* Pháp thành Phật giáo như thế nào?

Pháp thành Phật giáo đó là kết quả của pháp hành Phật giáo, là sự chứng đắc 4 Thánh Ðạo -- 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

4 Thánh Ðạo Tâm -- 4 Thánh Quả Tâm có Niết Bàn làm đối tượng, khi chứng đắc Thánh Ðạo, liền chứng đắc Thánh Quả không có thời gian ngăn cách (akālika), Thánh Ðạo -- Thánh Quả tương xứng với nhau như:

- Nhập Lưu Thánh Ðạo -- Nhập Lưu Thánh Quả.
- Nhất lai Thánh Ðạo -- Nhất lai Thánh Quả.
- Bất lai Thánh Ðạo -- Bất lai Thánh Quả.
- A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả.

Phật giáo có 3 loại liên quan quả với nhân như sau:

- Pháp thành Phật giáo là quả của pháp hành Phật giáo.
- Pháp hành Phật giáo là quả của pháp học Phật giáo.

Trong 3 loại Phật giáo này, pháp học Phật giáo đóng vai trò quan trọng bậc nhất, là vì làm nền tảng căn bản, làm nơi nương nhờ chính yếu của pháp hành Phật giáo.

Nếu không có pháp học Phật giáo, thì chắc chắn không có pháp hành Phật giáo và cũng không có pháp thành Phật giáo.

Như vậy, pháp học Phật giáo đóng vai trò quan trọng hàng đầu, cho nên:

- Nếu học hiểu sai, thì dẫn đến hành sai; và cũng có kết quả sai, vẫn còn phải chịu cảnh khổ tiếp tục tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

- Nếu học hiểu đúng, thì dẫn đến hành đúng, và cũng có kết quả đúng, được giải thoát khỏi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Như vậy,

Pháp học là nhân -- pháp hành là quả.
Pháp hành là nhân -- pháp thành là quả.

* Pháp học Phật giáo sai hoặc đúng như thế nào?

Trong Chú giải kinh Alagaddūpamasutta [5] dạy rằng:

Pháp học Phật giáo có 3 hạng người:

1- Alagadda pariyatti: Hạng người học pháp học Phật giáo, như người bắt rắn phần đuôi.

2- Nissaraṇa pariyatti: Hạng người học pháp học Phật giáo, để thực hành giải thoát khổ sanh.

3- Bhaṇṇāgārika pariyatti: Bậc Thánh A-ra-hán học pháp học Phật giáo, như người giữ kho tàng Pháp bảo.

* Hạng người học pháp học Phật giáo, như người bắt rắn phần đuôi như thế nào?

Trong đời này, có hạng người theo học pháp học Phật giáo cho thật giỏi, tự đề cao mình, khinh miệt người, để tranh luận đè bẹp ý kiến của người khác, muốn nổi danh, mong được nhiều người biết, mưu cầu lợi lộc nhiều, thậm chí còn sử dụng sở học của mình, dùng lời lẽ ngụy biện che giấu tội lỗi của mình.

Ví dụ: Tích con cá vàng Kapila [6] tóm lược như sau:

Tiền kiếp con cá vàng Kapila là một vị Tỳ khưu trong thời kỳ Ðức Phật Kassapa, vị Tỳ khưu này học pháp học thông suốt Tam tạng, được nhiều người biết đến, phát sanh nhiều lợi lộc, ỷ lại vào tài sở học của mình nói lừa dối người khác như:

- "Ðiều không hợp với luật", y nói rằng "hợp với luật".
- "Ðiều hợp với luật", y nói rằng "không hợp với luật".
- "Ðiều có tội", y nói rằng "điều vô tội".
- "Ðiều vô tội", y nói rằng "điều có tội" v.v...

Những bậc đồng phạm hạnh, có giới đức đến khuyên bảo y chớ nên nói như vậy, thì y dùng lời lẽ ngụy biện che giấu tội lỗi của mình, còn xem thường những bậc ấy. Thậm chí, sư huynh của y, Ngài Sāgala là bậc Thánh A-ra-hán cũng không thể khuyên dạy y được. Y có một người mẹ tên Sādhinī và em gái tên Tapanāđều là Tỳ khưu ni, thường bênh vực y, và chê trách những Tỳ khưu có giới khác.

Tỳ khưu Kapila hết tuổi thọ, sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh sa vào cõi địa ngục Avīci; mẹ và em gái bênh vực y, sau khi chết, cũng do ác nghiệp ấy cho quả đều tái sanh sa vào cõi địa ngục.

Trong thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu thân của Tỳ khưu Kapila vừa thoát ra khỏi đại địa ngục, do ác nghiệp quá khứ ấy cho quả tái sanh làm con cá màu vàng tên Kapila, (hậu thân của Tỳ khưu Kapila) miệng có mùi hôi kinh khủng, là do quả của khẩu ác nghiệp tiền kiếp của y. Kiếp con cá màu vàng Kapila chết, do năng lực ác nghiệp cũ cho quả tái sanh vào cõi địa ngục trở lại.

Xét về Tỳ khưu Kapila trong thời kỳ Ðức Phật Kassapa đã dày công theo học thông thuộc Tam tạng, đã sử dụng tài sở học của mình mưu cầu danh và lợi; không chịu thực hành theo pháp hành thiền tuệ; cho nên Tỳ khưu Kapila phải chịu bao nhiêu cảnh khổ trong cõi địa ngục, súc sanh... từ thời kỳ Ðức Phật Kassapa cho đến thời kỳ Ðức Phật Gotama cũng vẫn chưa giải thoát khỏi khổ được. Như vậy, Tỳ khưu Kapila đã học pháp học đúng, nhưng áp dụng thực hành sai.

Hạng người học pháp học như vậy không đem lại sự lợi ích giải thoát khổ sanh; mà đem lại cho mình những điều tai hại cả kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai, như vị Tỳ khưu Kapila. Ví như người làm nghề bắt rắn, đi tìm rắn, nhìn thấy con rắn độc, tâm tham phát sanh, không thận trọng, bắt nhằm phần đuôi, con rắn độc quay đầu lại cắn nơi tay hoặc phần nào trong thân; chất độc làm cho người ấy chết hoặc gần chết, bởi vì bắt rắn không đúng chỗ.

Cũng như vậy, người học pháp học, mà sử dụng không đúng chỗ, nên đem lại những điều tai hại cho mình, cho người khác cả kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

Như vậy, gọi là hạng người học pháp học Phật giáo, như người bắt rắn phần đuôi (Alagadda pariyatti).

* Hạng người học pháp học Phật giáo để thực hành giải thoát khổ sanh như thế nào?

Những bậc thiện trí phàm nhân và 3 bậc Thánh Hữu Học [7] (Sekkha) theo học pháp học để hiểu biết rõ giới luật của Ðức Phật đã ban hành; phương pháp phát triển mỗi thiện pháp và phương pháp diệt mỗi ác pháp.

Nếu biết giới hạnh chưa đầy đủ, thì hành giới cho đầy đủ, nghĩa là tạo cho mình có đức tin trong sạch nơi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp; có tác ý thiện tâm trong sạch giữ gìn thân khẩu tránh xa mọi ác nghiệp, tội lỗi làm nền tảng để tiến hành thiền định.

Nếu biết định chưa vững chắc, thì hành định cho được vững chắc, nghĩa là cố gắng tinh tấn tiến hành thiền định, để chứng đắc các bậc thiền sắc giới; các bậc thiền vô sắc giới, định tâm được vững chắc làm nền tảng để tiến hành thiền tuệ.

Nếu biết tuệ chưa hoàn toàn, thì hành tuệ cho được hoàn toàn, nghĩa là cố gắng tinh tấn tiến hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả nào chưa chứng đắc; cho đến bậc Thánh tột cùng là A-ra-hán Thánh Ðạo -- A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, đã hoàn thành xong phạm hạnh cao thượng, trí tuệ biết rõ kiếp này là kiếp chót, sẽ tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sanh kiếp nào khác nữa, giải thoát khổ, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, là giải thoát hoàn toàn mọi cảnh khổ. Ví như người làm nghề bắt rắn, đi tìm thấy con rắn độc, người ấy rất thận trọng dùng cây chĩa bắt rắn, nhắm vào ngay đầu con rắn kẹp lại, lấy tay nắm chặt đầu rắn, dầu con rắn độc có hung hãn thế nào cũng không thể gây tại hại cho người ấy.

Cũng như vậy, người theo học pháp học, không phải để khoe khoang sở học của mình, không phải để mưu tìm danh và lợi cho mình, mà cốt để hiểu biết đúng đắn rồi thực hành theo đúng, đem lại sự lợi ích cao thượng giải thoát khổ sanh.

Như vậy, gọi là hạng người học pháp học, để thực hành giải thoát khổ sanh (Nissaraṇa pariyatti).

* Bậc Thánh A-ra-hán học pháp học Phật giáo, như người giữ kho tàng Pháp bảo như thế nào?

Chư bậc Thánh A-ra-hán là bậc đã hoàn thành xong mọi phận sự Tứ thánh đế, thực hành xong phạm hạnh cao thượng, gọi là bậc Thánh Vô Học [8] (Asekkha); song bậc Thánh A-ra-hán có phận sự học mọi pháp học, như người giữ gìn, duy trì kho tàng Pháp bảo của Ðức Phật, để lưu truyền lại cho thế hệ hậu sinh.

Sự thật, ngày nay chúng ta là những người hậu sinh có duyên lành được nhìn thấy Tam tạng pháp bảo: Kinh tạng, Luật tạng, Vi diệu pháp tạng và những bộ Chú giải... bằng ngôn ngữ Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật, đó là do nhờ chư bậc Thánh A-ra-hán đã học thuộc lòng giữ gìn duy trì y theo bổn chánh bằng ngôn ngữ Pāḷi từ đời này sang đời khác, kể từ khi Ðức Phật còn hiện tiền trên thế gian, cho đến sau khi Ðức Phật đã tịch diệt Niết Bàn.

Như vậy, gọi là chư bậc Thánh A-ra-hán học pháp học Phật giáo, như người giữ kho tàng Pháp bảo (Bhaṇṇāgārika pariyatti).

Liên hệ mượn sách giấy: (cập nhật)


CÁC SÁCH CÙNG BỘ:
Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app