DHAMMAPADA KINH PHÁP CÚ – PHÂN TÍCH TỪ NGỮ PALI – TỲ KHƯU ĐỨC HIỀN

DHAMMAPADA KINH PHÁP CÚ – PHÂN TÍCH TỪ NGỮ PALI 

TỲ KHƯU ĐỨC HIỀN BIÊN SOẠN

Không biết, không quen nên gọi là “lạ.”

Không nắm vững, không rành rẽ nên gọi là “khó.”

Ngôn ngữ được sử dụng để lưu lại lời dạy của Đức Phật ở Tam Tạng (Tipiṭaka), tạm gọi theo thói quen là ngôn ngữ Pāḷi,xem ra còn rất xa lạ đối với người Việt và gây khó khăn cho người có ý mong cầu học tập.

Tiếp xúc và thân cận để hiểu biết và quen thuộc thì không còn là “xa lạ.”

Nghiên cứu và học tập để nắm vững và rành rẽ thì không còn là “khó khăn.”

Ngôn ngữ Pāḷi có thể học được hay không? Có thể học được. Nên đến các xứ sở có Theravāda là quốc giáo, đặc biệt là Sri Lanka, để thấy được người dân ở xứ sở này trong lúc nói chuyện bình thường có thể dẫn chứng Phật ngôn bằng tiếng Pāḷi. Người dân ở đây đã được học tập về Phật Pháp ngay từ lúc nhỏ ở các trường Phật Học (Dhammaschool) vào các ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật hàng tuần. Việc đọc tụng các bài Kinh Pāḷi là việc làm thường nhật của Phật tử ở xứ sở này.

Học Pāḷi theo cách nào? Tạm thời ghi nhận có các giáo trình như sau:

– Ở các nước quốc giáo như Sri Lanka, Myanmar, Thailand, Campuchia có chương trình bằng ngôn ngữ bản xứ, thời gian dài từ 10 năm trở lên, chú trọng về từ chương, nếu được tham dự các chương trình học này vào tuổi thiếu niên thì sẽ thích hợp hơn.

– Giáo trình thuần túy về ngôn ngữ Pāḷi qua các tài liệu văn phạm bằng Anh ngữ của Ven. A. P. Buddhadatta, A.K. Warder, Lily de Silva, v.v… thực tế cho thấy chỉ có hiệu quả trong việc truyền đạt phần văn phạm cơ bản.

– Giáo trình ở các nước Âu Mỹ chủ trương dạy ngôn ngữ Pāḷi dựa trên kiến thức về Sanskrit. Sau 3 hoặc 4 năm học theo chương trình này thì có thể nghiên cứu độc lập, qua đó sẽ trau dồi thêm kiến thức.

Tìm Hiểu Ý Nghĩa Phật Ngôn: Nếu có đầy đủ phước báu để được nghe Giáo Pháp trực tiếp từ đức Phật, nếu có đủ duyên lành để theo hầu một vị thầy tận tường về Tam Tạng Pāḷi thì đâu cần phải nghiên cứu Văn Tự Pāḷi để làm gì? Trong thời hiện nay, việc học Phật Pháp chủ yếu là qua sách vở hoặc các phương tiện truyền thông, việc học hỏi Văn Tự xét ra lại là việc chính yếu.

Người Việt chúng ta đã quen thuộc việc học Phật Ngôn được dịch lại từ các bản dịch của Hán Tạng, và trong thời gian gần đây là các bản văn được dịch lại từ các bản dịch của các thứ tiếng Anh, Thái, Miến, Khmer, v.v… Ở đây cần phải phân biệt rõ hai khía cạnh:

– Lệ thuộc vào bản dịch của các ngôn ngữ khác cho dầu xuất xứ là Hán, hay Anh, Thái, Miến, Khmer, v.v…

– Tham khảo bản dịch của các nước này nhằm có thêm tư liệu để xác định ý nghĩa của văn bản gốc Pāḷi.

Trong việc học một ngôn ngữ, có cần phải biết về văn phạm của ngôn ngữ đó hay không? Thật ra không cần nếu được tiếp xúc với ngôn ngữ ấy lúc còn trẻ thơ, vì cấu trúc và văn phạm của ngôn ngữ ấy sẽ được tiếp thu một cách tự nhiên. Còn đối với các lứa tuổi khác, việc học qua văn phạm lúc ban đầu lại là điều quan trọng. Lúc đã thông thạo ngôn ngữ rồi thì kiến thức về văn phạm sẽ tự động bị đào thải vì không còn cần thiết nữa. Do đó, để làm quen với ngôn ngữ Pāḷi việc học văn phạm là việc phải làm đối với Phật tử người Việt.

Trong lãnh vực này, khoa phân tích về văn phạm để xác định ý nghĩa của câu văn có rất nhiều hứng thú và có nhiều vấn đề để tranh cãi. Việc phân tích này thường chỉ được tiến hành ở lớp học, trực tiếp giữa thầy và trò, không phổ biến ra bên ngoài. Phương pháp này giúp cho người nghiên cứu có thể hiểu được câu văn Pāḷi, hoặc kiểm chứng lại lời dịch của những người khác.

Đại Đức Đức Hiền đã có công sưu tập và sắp xếp những tài liệu phân tích về tập Kinh Dhammapada (Pháp Cú), qua đó trình bày ý nghĩa tiếng Việt của các câu kệ ngôn này. Hy vọng rằng sau khi xem kỹ câu văn Pāḷi và lời dịch Việt từ ba nguồn khác nhau, người đọc sẽ có được cảm nhận mới đối với ý nghĩa của những Phật Ngôn này. Trong tinh thần đó, nỗ lực của Đại Đức Đức Hiền thật đáng được đón nhận và khích lệ.

Xin trân trọng giới thiệu,

Tỳ khưu Indacanda

Kinh-Phap-Cu

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app