Abhidhamma Áp Dụng

Niết Bàn

Niết Bàn (nibbāna) là thực tại tối hậu (paramattha dhamma) thứ tư. Trong khi ba thực tại tối hậu kia (tâm, tâm phụ tùy, sắc) chịu điều kiện, Niết Bàn không chịu điều kiện nào cả. Nó không được sáng tạo ra cũng không được làm thành.

Khi du sĩ Jambukhādaka hỏi người chú, tôn giả Sāriputta, nghĩa của chữ nibbāna là gì, tôn giả đáp rằng nibbāna là sự tận diệt của tham sân si. Nhưng Niết Bàn không phải chỉ là sự diệt tận những nhiễm lậu này. Nó là trạng thái đạt được ngay trong cõi đời này bằng sự diệt tận tham sân si ấy.

Niết Bàn là cứu cánh tối thượng trong sự tu hành theo đạo Phật, chỉ được chứng đắc khi hành trì tám thánh đạo. Với hầu hết chúng ta, hành trình chánh đạo sẽ dài và gian truân, nhưng có những bảng hiệu trên đường chỉ cho thấy ta đang đi đúng hướng. Ta sẽ nhận ra những bảng này khi các ràng buộc cột trói mình tuần tự bị cắt đứt. Khi ba ràng buộc đầu tiên – ngã kiến, nghi và chấp vào giới luật – bị cắt bỏ, hành giả trở thành Sotāpanna người đã nhập giòng đến Niết Bàn. Những ràng buộc này một khi bị cắt đứt, sẽ không bao giờ trói buộc vị ấy nữa. Đây là sự thực mà hành giả biết chắc như thế. Bậc Sotāpanna sẽ không bị tái sanh vào bốn đường dữ. Vị ấy sẽ tái sanh nhiều lắm bẩy lần, hoặc trong cõi người hay cõi chư thiên.

Khi hai ràng buộc kế – tham dục và sân hận bị suy yếu đi, hành giả trở thành Sakadāgāmī, người chỉ trở lại một lần cõi dục giới rồi chứng Niết Bàn.

Khi tất cả các ràng buộc thấp hơn bị đoạn diệt, hành giả trở thành Anāgāmī, người sẽ không bao giờ trở lại cõi dục giới nhưng, sau khi chết, sẽ được sanh trong cõi tịnh thiên và chứng Niết Bàn ở đó.

Hành giả tiến thêm bước lớn nữa và đoạn trừ năm ràng buộc lớn hơn là: thích sanh vào cảnh siêu thế, thích sanh vào cảnh vô sắc, ngã mạn, lao chao và vô minh – vị ấy đạt mục tiêu cuối cùng. Vị ấy là Arahat, không còn trở lại nữa.

Mỗi một trong bốn tầng siêu thế có liên quan đến hai giai đoạn. Một là ‘đạo lộ’ (magga) vốn hủy diệt các ràng buộc, cái kia là ‘quả’ (phala), những khoảnh khắc của thức cõi siêu thế kết quả từ con đường (đạo lộ), có thể tạo được do công việc đoạn diệt. Quả là sự thọ hưởng khả dĩ có được do pháp hành của ‘đạo’. Quả có thể chứng nhập và thọ hưởng nhiều lần sau khi con đường thích hợp đã đạt tới. Người đệ tử thánh thiện cương quyết nhập quả rồi tu tập tuệ quán cho đến khi liễu ngộ. Quả cao nhất là quả vị A La Hán. Vị A La Hán biết chắc rằng tâm của vị ấy không còn nhiễm ô nữa. Vị ấy đã liễu ngộ bốn thánh đế. Ngài không còn bị thất vọng hay phấn khởi qua sự tiếp xúc với tám chuyện thế tục: được mất, vinh nhục, hạnh phúc hay khổ đau, khen chê. Ngài không còn khổ não, vô nhiễm và an ổn. ‘Không còn khổ não’ vì ngài không còn khóc lệ và than vãn, ‘vô nhiễm’ vì ngài không còn nhiễm lậu, ‘an ổn’ vì không bao giờ phải tái sanh nữa.

Cho dù tâm của vị A la hán không còn nhiễm lậu, nhưng thân của ngài vẫn phải chịu già suy, bịnh hoạn và thương tổn, đau đớn và khó chịu. Ngài có thể vượt qua chúng được bằng cách khơi động tâm siêu thế vào bất cứ lúc nào tùy ý, nhưng không thực tế cho ngài nếu làm như thế trong bất cứ khoảng thời gian bao lâu. Vì thế, trong quãng đời này, vị ấy có thể chỉ hưởng sự thoát khỏi khổ đau có tính cách gián đoạn. Điều này được gọi là sa-upādi-sesa-nibbāna (Niết Bàn với các tập hợp còn sót lại), vì ngài vẫn hiện hữu như một cá thể còn chịu quả của hành vi tác ý còn sót lại. Vì thế, đức Phật bị đau chân khi Devadatta ném đá, tôn giả Maha Moggallāna bị thảo khấu đánh chết, tôn giả Angulimāla bị đánh bằng gậy gộc và đá trong khi khất thực.

Khi A la hán tịch diệt, ngài chứng an-upādi-sesa-nibbāna, Niết Bàn không còn tập hợp. Ngài không còn tái sanh vào bất cứ cõi nào. Trước đó ngài đã cắt đứt sợi xích duyên khởi tại mắt xích thọ được tham ái nối theo. Bây giờ ngài cắt luôn cái mắt xích trở thành (bhava) dẫn đến tái sanh.

Đã có nhiều suy luận về cái gì đến với A la hán sau khi nhập diệt – hiện hữu hay không hiện hữu, hoặc cả hai, hoặc cả hai cũng không. Sự lầm lộn này khởi từ nhận thức về một thực thể vĩnh cửu đi từ kiếp đời này sang kiếp đời khác. Đức Phật dạy rằng không có cái thực thể như thế. Đó là ảo tưởng. Đời sống là tiến trình của trở thành, hoại diệt trong từng khoảnh khắc, do nghiệp sanh ra. Vì không có tự ngã, nên không có cái gì bị hủy diệt và cũng không có gì để đi vào cõi vĩnh cửu. Khi A la hán nhập diệt, diễn trình tâm-sinh lý đi đến chỗ tận cùng vì không còn ‘nhiên liệu’ để diễn trình ấy tiếp tục. Nhiên liệu này là ‘khao khát’ (taṇhā) dẫn đến bám víu, rồi dẫn đến trở thành. Nếu khao khát hoàn toàn bị dập tắt, không còn trở thành nữa. Khi thân chết vào lúc cuối đời, không còn tái sanh nào nữa xảy ra. Nếu không còn tái sanh vào bất cứ cảnh giới nào, sẽ không còn khổ não, ta thán, đau đớn, khổ sở hay tuyệt vọng. Đây là sự chấm dứt toàn khối khổ đau.

—–*—–

Kết Luận

Để kết luận, hãy gợi lại bốn khía cạnh của kiếp sống đề cập từ trước:

  1. Ta thực sự là gì? Mỗi chúng ta là tổng hợp tâm-thân mà mỗi phần của chúng, tùy theo điều kiện, khởi lên và diệt đi trong từng khoảnh khắc. Không tìm thấy ngã nào trong diễn trình trở thành. Tâm và thân có liên hệ hỗ tương. Với cái chết, thân tan rã ra trở về với bốn yếu tố chính nhưng giòng tâm thức tiếp tục đi tìm một căn cứ vật chất trong một cảnh giới khác tùy theo nghiệp chướng. Ta là chủ nhân của nghiệp của mình, kế thừa nghiệp của mình, nghiệp là tử cung từ đó ta sanh ra, nghiệp là bạn hữu, là nơi trú ngụ. Cái tổng hợp tâm-thân sẽ tồn tại một khi còn nghiệp tái tạo nuôi dưỡng nó, nhưng có thể bị sát nghiệp (upacchedaka kamma) mạnh hơn cắt đứt bất cứ lúc nào. Cho dù có thụ hưởng hạnh phúc tạm bợ, ta không còn cách nào tránh được già suy, bệnh hoạn, sự chung đụng với cái mình không thích, lìa cái mình thương và không đạt được cái mình ao ước.
  2. Cái gì ở quanh ta? Quanh ta là những đối tượng hữu tình và vô tình kích thích các giác quan và tâm thức của mình. Bản tánh vật thể của thân cũng giống như các sắc thể quanh ta, tất cả đều do bốn yếu tố chính và phụ tạo thành.

III.   Tại sao ta phản ứng lại cái bên trong và quanh ta và phản ứng như thế nào? Ta phản ứng lại để đáp ứng với sáu loại kích thích mà ta tiếp xúc qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý. Tính chất của sự phản ứng của mình tùy thuộc vào những nhiễm lậu biểu hiện thành ái dục và bám víu. Nói cách khác, ta đã cho phép saññā hoạt động và gán cho đối tượng một giá trị để saṅkhāra phản ứng.

  1. Ta nên mong đạt được cứu cánh tâm linh nào? Ta nên nguyện đoạn diệt ái dục và từ đó chấm dứt diễn trình tái lập sự trở thành này, luôn luôn đầy ắp khổ đau. Đây là sự chứng đạt nibbāna bằng cách thực hành tám thánh đạo.

Vị A la hán Raṭṭhapāla nói với vua Koravya tại sao ngài từ bỏ lối sống công tử gia đình sang đời tu sĩ. Ngài nói rằng cuộc sống trong bất cứ thế giới nào đều là:

  • không bền và đi đến chỗ hủy diệt
  • không nơi trú ẩn và không có sự bảo vệ
  • tự nó không có gì, không có gì để sở hữu, phải bỏ lại tất cả và tiếp tục hành trình
  • không đầy đủ, không thỏa mãn và làm nô lệ cho ái dục.

Các sự kiện ấy thật cù nhầy khó sửa đổi và thường không vừa ý. Xử sự như con đà điểu trong chuyện ngụ ngôn hay ‘làm vui gượng gạo kẻo là’ hay ‘fake it until you make it’ hay làm ngọt ngào cái hương vị thật sự của kiếp đời bằng vài giọt cao lương cũng chả giúp ích được gì. Nhưng không cần thiết phải chán nản. An lạc và hạnh phúc là những gì có thể có được, luôn luôn sẵn đấy, nếu ta nỗ lực đi tìm. Để tìm thấy chúng, ta phải biết ‘sự vật đúng như thực tánh của chúng’. Biết ‘sự vật đúng như thực tánh của chúng’ là mục đích của Abhidhamma. Bằng cách học hỏi Abhidhamma và biến những học hỏi này thành kinh nghiệm bản thân nhờ thiền định, ta có thể chứng đạt tuệ giác giải thoát đưa đến an lạc.

—–*—–

Sách tham khảo

Abhidhamma in Practice (The), Dr. N. K. G. Mendis
Art of Happiness (The), Teachings of the Buddhist Psychology, Mirko Fryba
Art of Living (The), S. N. Goenka
Book of Analysis (The), Pāli Text Society
Buddhist Abhidhamma, U Kyaw Min
Buddhist Outlook (The), Francis Story
Buddhist Psychology of Perception, E. R. Sarachchandra
Contemplation of Feeling, Nyanaponika Thera
Dictionary of the Pāli Language, R. A. Childers
Discourses on Elements, Pāli Text Society
Encyclopædia of Buddhism, Ceylon
Gradual Sayings, Pāli Text Society
Kindred Sayings, Pāli Text Society
Long Discourses of the Buddha (The) – Maurice Walshe
Middle Length Discourses of the Buddha (The), Ñāṇamoli & Bhikkhu Bodhi
Philosophy and Its Development in the Nikāyas and Abhidhamma, Fumimaro Watanabe
Psychology & Philosophy of Buddhism (The), Dr. W. F. Jayasuriya
Reading The Mind, Tan Acharn Kor Khao-suan Luang
Studies in The Origins of Buddhism, G. C. Pande

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app