Abhidhamma Áp Dụng

Tâm Phụ Tùy

Thực tại tuyệt đối thứ hai là tâm phụ tùy (cetasika). Chúng là những yếu tố tâm thức hay nhóm phụ tùy khởi lên và diệt đi cùng lúc với tâm, có cùng căn và đối tượng.

Tạng Abhidhamma liệt kê 52 tâm phụ tùy. Một là thọ, hai là tưởng. Năm mươi tâm phụ tùy còn lại được gọi chung là sankhārā.

Cảm giác (vedanā)[16]

Cảm giác có một địa vị vô cùng quan trọng trong Phật Pháp. Con người ai cũng có bốn đặc tính chung của thực tại sau: thân và cảm giác của nó, tâm và nội dung của nó (là pháp). Bốn đặc tính này tạo thành bốn lãnh vực trong kinh Satipaṭṭhāna (Bốn Niệm Xứ), bốn đại lộ đưa đến sự hiểu biết về hiện tượng con người. Khi sự tra gạn, tự vấn về hiện tượng con người hoàn tất, mỗi đặc tính phải được kinh nghiệm bằng cách quán về cảm giác.

Đó là lý do đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cảm giác. Ngài nói trong kinh Brahmajāla: ‘Bậc Giác Ngộ Toàn Triệt đã được giải thoát, tự tại khỏi những tham ái bằng cách nhìn thấy đúng như thật sự sanh khởi, sự hủy diệt, sự ngọt ngào, sự nguy hiểm của cảm giác, và sự thoát ly khỏi cảm giác’[17].

Bãt cứ cái gì ta kinh nghiệm được trong đời sống này đều qua sáu cửa: ngũ quan và tâm ý. Theo luật duyên khởi, ngay khi có xúc xảy ra trong sáu cửa tâm và vật lý này, ngay khi ta gặp phải bất kỳ một hiện tượng tâm hay vật lý nào, cảm giác khởi lên. Bãt cứ cái gì khởi lên trong tâm đều có cảm giác đi kèm[18]. Đức Phật còn nói: ‘Cái gì cảm giác được, cái ấy dính dáng đến khổ đau’[19]. Ở tầng lớp ý thức, nếu không chú ý đến cái gì đang xảy ra trong thân, ta vẫn không hay biết gì về vedanā cả. Trong bóng tối của vô minh, một phản ứng thuộc về cảm giác bắt đầu hình thành trong vô thức, một sự thích hay không thích chỉ trong chốc lát ngắn ngủi, phát triển thành tham hay sân. Phản ứng này được lập đi lập lại và cường điệu hóa vô số lần trước khi in dấu lên tầng ý thức. Nếu hành giả chỉ chú trọng đến tầng ý thức không thôi, vị ấy sẽ chỉ nhận biết được tiến trình sau khi phản ứng đã xảy ra thì đã muộn, phản ứng ấy đã quy tụ đủ sức mạnh nguy hiểm để khống chế hoàn toàn vị ấy. Trước khi cố gắng dập tắt nó, vị ấy để cho tia chớp cảm giác nháng lên ngọn lửa cuồng nộ, để rồi tự tạo cho mình những khó khăn không cần thiết. Nếu hành giả có học pháp quán về cảm giác trong thân một cách khách quan, vị ấy sẽ cho phép mỗi tia chớp tự thiêu đốt nó mà không bùng lên thành một ngọn lửa lớn. Bằng cách chú trọng đến khía cạnh thân thể, vị ấy trở nên có ý thức rõ rệt về vedanā ngay khi nó khởi lên, và có thể ngăn cản không để cho bất cứ phản ứng nào xảy ra[20].

Khía cạnh thân thể của thọ quan trọng vì nó hiến tặng sự cảm nghiệm rõ ràng, sống động về thực tính vô thường trong ta. Sự đổi thay diễn ra trong ta theo từng khoảnh khắc, tự biểu hiện trong vai trò cảm giác. Tính vô thường đó phải được kinh nghiệm ở trình độ cảm giác này[21]. Sự quán chiếu về các cảm giác đang thay đổi thường xuyên cho phép ta chứng nghiệm được tự tánh vô thường của mình. Sự chứng nghiệm này chỉ rõ cho ta thấy là tham đắm vào cái gì tạm bợ quả là vô dụng. Như vậy, kinh nghiệm trực tiếp về vô thường tự động tạo nên sự buông bỏ chấp trước, không những ngăn cản được những phản ứng tươi rói của tham và sân, mà còn tận diệt được cái thói quen hay phản ứng. Cứ theo cách này người ta dần dần giải thoát cái tâm khổ đau. Nếu khía cạnh thân thể của thọ không được kể đến, nhận thức về vedanā vẫn còn phiến diện và khiếm khuyết. Vì thế đức Phật lập đi lập lại sự quan trọng của việc kinh nghiệm vô thường qua cảm giác của thân:

những ai thường nỗ lực
hướng nhận thức về thân
không làm hành bất thiện
gắng làm việc phải làm
người ấy liễu ngộ rằng
đã thoát khỏi ô nhiễm
[22]

Trong Abhidhamma, vedanā còn có nghĩa là kinh nghiệm cảm tính về một đối tượng (cảm thọ); nó không ngụ ý xúc động (xuất hiện dưới đề mục khác). Thọ liên kết với mỗi loại tâm. Giống như tâm, nó ngắn ngủi, khởi lên và diệt đi trong chớp nhoáng. Sự khởi lên và diệt đi xảy ra theo thứ tự nhanh đến nỗi chúng tạo ra một ảo tưởng là có sự dính kết và lâu bền, ảo tưởng này che mờ đi tính chốc lát ngắn ngủi. Nhưng qua sự hành trì quán niệm, ta có thể kinh nghiệm được tính chốc lát ngắn ngủi này. Rồi (hành giả) sẽ chứng nghiệm rằng không có ngã hay một người đại diện nào kinh nghiệm cảm thọ cả. Chỉ có sự sanh khởi và hủy diệt của một diễn trình phi nhân cách. Một khi còn chưa thấy được cái diễn trình phi nhân cách này xảy ra như thế nào, ta còn tin rằng thọ là tự ngã, hay ngã làm chủ thọ, hay thọ nằm trong ngã, hay ngã ở trong thọ. Những quan điểm này giữ rịt ta ở chỗ khổ đau, phiền não, than van, đau đớn, khổ sở và tuyệt vọng.

Thọ thường được chia làm ba loại: lạc thọ, khổ thọ, thọ không lạc không khổ. Thiếu sự suy xét kỹ lưỡng (yonosi manasikāra), lạc thọ dẫn đến tham ái, khổ thọ đưa đến sân hận, thọ không lạc không khổ dẫn đến vô minh. Lạc thọ là lạc khi hiện hữu nhưng khi diệt (tất nhiên) nó tạo khổ đau, nó thành khổ thọ. Còn khổ thọ là khổ khi hiện hữu, nhưng khi diệt, nó trở thành dễ chịu[23] khiến một người bình thường nghĩ rằng: ‘Bây giờ ta đã khỏe rồi’. Thọ không lạc không khổ, với sự vắng mặt của sự chú ý minh mẫn, có thể nuôi dưỡng vô minh và sự lãnh đạm vô tình đến bất kỳ hạnh phúc của ai. Tuy nhiên nếu ai đã tu tập thiện niệm dựa trên tuệ quán, khi thọ không lạc không khổ khởi lên, tâm tiếp tục an trú trong bình thản, không bị chao động trong mọi hoàn cảnh. Tâm thái bình thản này giúp ta phá vỡ được phản ứng theo thói quen và là một trong những hình thức cao nhất của hạnh phúc[24].

Theo tạng Luận, hai loại phân loại thọ khác nữa cần được đề cập tới:

Loại có năm: lạc thọ thuộc về thân, khổ thọ thuộc về thân, hỷ, ưu và xả

Loại có sáu: thọ phát sanh từ sự tiếp xúc với mắt tai mũi lưỡi thân và ý.

Nhận thức (saññā)

Saññā là sự nhận biết về những khía cạnh đặc biệt của đối tượng. Nó có sáu phần trong tương quan với năm đối tượng của giác quan (sắc, thanh, hương, vị, xúc) và pháp. Nó cho phép ta nhận biết một đối tượng được nhận thức trước đó.

Giống như cảm thọ, saññā (nhận thức) là một diễn trình phi nhân cách sanh và diệt trong chốc lát. Nếu tính chốc lát và bản chất phi nhân cách của nhận thức không được tuệ quán hiểu rõ ràng đầy đủ, một lần nữa, các nhận biết sai lầm sẽ khiến cho ta nghĩ rằng nhận thức là ngã, hay ngã chiếm hữu nhận thức, hay nhận thức nằm trong ngã, hay ngã ở trong nhận thức.

Có bốn điên đảo (vipallāsa) vặn tréo nhận thức:

cái vô thường cho là thường,
cái khổ cho là sướng hay tạo hạnh phúc,
cái vô ngã cho là ngã,
cái bất tịnh cho là tịnh

Sự lệch lạc này, bắt nguồn từ vô minh, làm gia tăng ái dục, bám víu và khổ đau. Chỉ có hành trì quán niệm người ta mới có thể nhìn thấu suốt và tránh được các điên đảo này.

Nhận thức và trí nhớ. Trí nhớ không xảy ra qua một yếu tố đơn thuần nhưng qua một diễn trình phức tạp trong đó nhận thức đóng vai trò quan trọng nhất. Khi ý thức nhận biết một đối tượng qua các giác quan, nhận thức rút tỉa ra ‘dấu vết đặc biệt’ của đối tượng. Khi chính đối tượng đó được ‘gặp gỡ’ lại vào một dịp khác, nhận thức một lần nữa lưu ý đến dấu vết đặc biệt đó giống với dấu vết trước. Nó ‘nắm bắt’ lấy tính tương đồng của dấu vết. Sự nắm bắt này là một chuỗi phức hợp các tiến trình tư tưởng, trong đó, một trong những tiến trình tư tưởng chắp nối đối tượng hiện có với đối tượng trước đó và một tiến trình tư tưởng khác gán vào đối tượng hiện có cái tên của đối tượng trước. Trí nhớ sẽ tốt nếu sự ‘nắm bắt’ này khéo thi hành nhiệm vụ của mình, và ‘sự nắm bắt’ này sẽ hoạt động khéo nếu sự ‘phân biệt’ dấu vết đặc biệt của đối tượng được rõ ràng, không bị che khuất bởi ý tưởng không thích hợp. Nhận thức rõ ràng đến từ tác ý. Vì đức Phật dạy: ‘Trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ nhận qua giác quan chỉ là cái thọ nhận qua giác quan, trong cái nhận thức chỉ là cái nhận thức’ [25].

Saṅkhārā. Ngay sau khi thành đạo, đức Phật đã thốt lên lời nói này (Dhammapada XI. 8 & 9 (153 & 154):

Aneka-jāti saṁsāraṁ
sandhāvissaṁ anibbisaṁ
gahakārakaṁ gavesanto
dukkhā jāti punappunaṁ.
Gahakāraka! Diṭṭho’si
Puna gehaṁ na kāhasi
Sabbā te phāsukā bhaggā,
gahakūṭaṁ visaṅkhitaṁ.
Visaṅkhāra-gataṁ cittaṁ.
taṅhānaṁ khayaṁ ajjhagā.

nghĩa là:

Trong cõi saṁsāra này, với bao lần sanh tử,
Ta đã bao lần chạy, tìm, nhưng không thấy
kẻ đã xây căn nhà này;
cứ thế ta đối diện khổ đau của cái sanh mới.
— kẻ xây nhà kia! Nay đã bị bắt gặp
Ngươi sẽ không xây nhà cho ta nữa.
Tãt cả các đòn chèo đã gãy,
Các lỗ chôn cột nhà đã vỡ tan tành.
Tâm đã không còn saṅkhāra nữa,
đã chứng được sự tận diệt của tham ái.

Visaṅkhāra: vi là không, saṅkhāra được hiểu là những duyên nghiệp chịu trách nhiệm cho sanh tử tái diễn. Những duyên nghiệp chịu trách nhiệm cho sự tái diễn ấy là gì? Là năm mươi tâm phụ tùy còn lại. Chúng chia thành bốn nhóm:

Tâm phụ tùy cùng khởi lên với tâm (sabba citta sādhāranā)
Tâm phụ tùy biệt khởi với tâm (pakinnakā)
Tâm phụ tùy bất thiện (akusalā)
Tâm phụ tùy thiện (sobhanā)

Các tâm phụ tùy cùng khởi lên với tất cả các tâm. Gọi thế vì chúng chung cho mỗi tâm. Có bẩy tâm phụ tùy loại này: hai trong số đó là thọ và nhận thức đã được đề cập ở trên; năm tâm phụ tùy còn lại là (thứ tự không mang ý nghĩa quan trọng gì vì chúng đồng hiện hữu trong bất cứ tâm nào:

  1. Xúc (phassa), sự gặp gỡ nhau giữa giác quan, đối tượng và thức tương ứng.
  2. Định (ekaggatā), sự định tâm vào một đối tượng gạt bỏ tất cả các đối tượng khác.
  3. Chú ý (manasikāra), sự chuyển hướng tự nhiên của thức về đối tượng mà đối tượng này dính những tâm phụ tùy có liên quan vào nó.
  4. Sinh khí (jīvitindriya), sinh lực giúp đỡ và duy trì những tâm phụ tùy khác.
  5. Tác ý (cetanā), hành vi của ý muốn. Từ quan điểm tâm lý học, tác ý quyết định những hành vi của các tâm có liên quan; từ quan điểm luân lý học, nó quyết định những hậu quả không thể tránh được của nó. Tác ý dẫn đến hành động bằng thân khẩu ý và như thế trở thành yếu tố chính đứng sau nghiệp. Vì thế đức Phật nói: ‘cetanāham bhikkhave kamma-mavadāmi’ (Tác ý, này các tỳ kheo, là nghiệp, Ta tuyên bố như thế). Như vậy các hành thiện hay bất thiện, được làm có chủ ý lần hồi sẽ được những hậu quả tương xứng của nó theo sau. Nhưng nếu vô tình dẵm lên côn trùng và làm nó chết, hành vi như thế không có ý nghĩa nghiệp quả hay tội lỗi nào vì tác ý không có mặt. Lập trường của đức Phật ở đây trái hẳn với quan điểm đương thời của Nigaṇṭha Nātaputta, giáo chủ Jainism. Nātaputta chủ trương rằng ngay trong hành vi vô ý cũng tạo nghiệp, như vậy sự giải thoát khỏi luân hồi chỉ có thể đạt được khi ngừng chỉ tất cả các hoạt động.

Các tâm phụ tùy biệt khởi với tất cả các tâm. Sáu tâm phụ tùy được gọi là biệt khởi, không như chung khởi, vì chúng không cần phải hiện hữu trong mỗi tâm. Đó là:

  1. 1.Vitakka (hướng tâm về đối tượng) hướng các tâm phụ tùy khác vào đối tượng khi sự chú ý mang đối tượng vào vòng định lực. Vitakka là hình thức nhận biết sơ đẳng nhất về đối tượng của tâm bằng cách lưu lại dấu vết trên đối tượng để có thể nhận ra nó sau này: ‘Nó đây! như người mù thốt lên khi rờ biết voi’ (Con Đường Thanh Lọc ch 4, 91).
  2. Vicāra (xoay quanh đối tượng) làm cho các tâm phụ tùy trụ vào đối tượng. Khi đã định, vicāra không còn đi ra khỏi phạm vi của đối tượng nữa. Trong phần luận giảng về Bộ Kinh Tăng Chi, một tỷ dụ được nêu lên: ‘Khi người thợ gốm dùng cần để quay bàn uốn và nắn chậu bình, vitakka là bàn tay giữ vững phần bên ngoài, vicāra là tay kia di động đây đó để nắn [26].
  3. Adhimokha (quyết định) ngăn các tâm phụ tùy không cho do dự mà phải dứt khoát quyết định.
  4. Viriya (tinh tấn) thêm sinh lực cho tâm phụ tùy và chống lại sự biếng lười.
  5. Pīti (hỉ) tạo cho đối tượng có sự thú vị để làm cho tâm hăng hái.
  6. Chanda (ý muốn làm), ao ước muốn làm, muốn đạt mục đích.

Các tâm phụ tùy biệt khởi và cùng khởi tự chúng không có ý nghĩa luân lý rõ ràng, nhưng sẽ trở thành thiện, bất thiện hay trung tính tùy thuộc vào loại tâm nào chúng xảy ra với.

Các tâm phụ tùy bất thiện. Có 14. Bốn tâm phụ tùy bất thiện đầu tiên hiện hữu trong các tâm bất thiện. Các tâm phụ tùy khác còn lại thì tùy biến.

  1. Si (moha) đồng nghĩa với vô minh trong bốn thánh đế.
  2. Không biết xấu hổ (ahirika) là thiếu lương tâm, không phải là thiếu tiếng nói huyền bí nhắc bảo bên trong, mà thiếu sự ghê tởm đối với điều ác.
  3. Không ghê sợ tội lỗi (anottappa) là tính táo bạo bắt nguồn từ vô minh về luân lý.
  4. Lao chao (uddhacca) là trạng thái bồn chồn không yên biểu thị đặc tính của tất cả các hành bất thiện, trái với an lạc liên kết với các hành thiện.
  5. Tham (lobha) đồng nghĩa với ái (taṇhā) một trong ba nhân bất thiện xảy ra trong hai hình thức lộ liễu và vi tế.
  6. Tà kiến (diṭṭhi) là nhìn sự vật việc theo lối lệch lạc. Có vài loại tà kiến:
  • ngã kiến (sakkāya diṭṭhi) quan niệm có ngã
  • chủ nghĩa vĩnh cửu (sassata diṭṭhi) hay chủ nghĩa đoạn diệt, chết là hết (uccheda diṭṭhi)
  • không có quả (natthi diṭṭhi), không có nhân (ahetuka diṭṭhi) và không có tốt xấu luân lý (akiriya diṭṭhi)
  1. Ngã mạn (māna) là sự tự lượng giá khởi lên khi so sánh với người khác cho mình hay hơn, bằng và kém thua.
  2. Sân (dosa), một nhân bất thiện khác, là một phản ứng tiêu cực lại đối tượng kể từ tính hơi nóng nảy cho đến giận dữ đến độ đập phá, hủy diệt.
  3. Đố kỵ (issā) là thiếu khả năng chịu đựng được sự giầu có, thịnh vượng của kẻ khác, nó liên kết với ghen ghét.
  4. Ích kỷ (nacchariuya) là ước mong kẻ khác không cùng chung cảnh ngộ sung sướng của mình, nó cũng liên kết với ghen ghét.
  5. Lo âu (kukkucca) là hối hận, lo nghĩ, hối tiếc về việc ác đã làm hay việc thiện bỏ không làm.
  6. Hôn trầm (thīna)
  7. Dã dượi (middha): cùng với hôn trầm, cặp này chỉ sự lười biếng hay buồn chán, là trở ngại thường xuyên cho sự tiến bộ về đường tu.
  8. Nghi hoặc (vicikicchā) là trạng thái chần chờ, do dự, không nhất quyết của tâm.

Các tâm phụ tùy thiện. Có hai mươi lăm tâm phụ tùy thiện. Mười chín tâm phụ tùy thiện luôn hiện hữu với tâm thiện, sáu có thể biến đổi.

Mười chín tâm phụ tùy thiện luôn hiện hữu với tâm là:

  1. Tín (saddhā), cũng được gọi là niềm tin, với người học Phật có nghĩa là tin vào tam bảo và tin vào những nguyên tắc trong lời Phật dạy. Nhưng saddhā này không có giá trị gì cả nếu nó không ảnh hưởng gì đến lối sống của mình[27].
  2. Niệm (satī): đó là ý thức minh mẫn làm cho ta nhận biết rõ ràng cái gì đang xảy ra quanh ta, trong từng khoảnh khắc, qua năm giác quan và tâm ý. Niệm là yếu tố cốt tủy của thiền quán thực tánh, khi nó phải kết hợp với sự hiểu biết rõ ràng về sự thích hợp, mục đích và tương thuận với thực tại với bất kỳ hành động nào. Rồi nó được gọi là chánh niệm (sammā satī). Thường thường một người trung bình hành xử trong thất niệm, cử động, hành vi của người ấy phát nguồn từ ảnh hưởng của thói quen. Chánh niệm có hai chức năng: một là gia tăng sức hồi tưởng (nhớ) hai là phán xét cái gì là thiện và cái gì là bất thiện. Chánh niệm là khả năng thuộc về tinh thần có thể duy trì sự thăng bằng giữa các khả năng khác: tín, tinh tấn, định và tuệ.
  3. Biết xấu hổ (hiri) trái ngược với tâm phụ tùy bất thiện thứ hai vừa nói ở trên
  4. Biết ghê sợ tội lỗi (ottappa) trái ngược với tâm phụ tùy bất thiện thứ ba vừa nói ở trên.
  5. Không tham (alobha) ngăn chặn tham đắm và trưởng dưỡng lòng rộng lượng
  6. Không sân hận (adosa) đồng nghĩa với lòng từ ái (mettā). Nó ngăn không cho người khỏi sự tức bực và giận dữ.
  7. Bình thản (tatramajjhattā, upekkhā) là thăng bằng tâm trí, một phẩm tính trung dung, thoát khỏi tham đắm chấp trước và tị hiềm.
  8. đến 19. Mười hai tâm phụ tùy sau đây tạo thành sáu cặp, một phần tử trong cặp ảnh hưởng phần ‘thân’ của tâm phụ tùy (kāya), phần tử còn lại ảnh hưởng toàn thể cái tâm. Sáu cặp được kể sau, còn tên gọi tự nói lên được tính chất của chúng:
  9. a)điềm tĩnh (passaddhi) của tâm phụ tùy và tâm
  10. b)nhẹ nhàng (lahutā) của tâm phụ tùy và tâm
  11. c)mềm mỏng dễ uốn nắn (mudutā) của tâm phụ tùy và tâm
  12. d)thích ứng (kammaññatā)
  13. e)thành thạo (paguññatā) của tâm phụ tùy và tâm
  14. f)ngay thẳng (ujukatā) của tâm phụ tùy và tâm

Các tâm phụ tùy có tính kềm chế (virati) ngăn cản người ta không cho nhúng tay vào điều ác. Ba tâm phụ tùy đó là:

  1. Chánh ngữ (samma vacā) ngăn không cho nói dối, vu cáo và nói lời ác và nhảm nhí
  2. Chánh hành (samma kammantā) ngăn không cho sát hại, trộm cắp và tà dâm.
  3. Chánh mạng (sammā ājīva) ngăn không cho sinh sống bằng nghề tác hại cho sanh linh khác.

Các tâm phụ tùy vô lượng (appamaññā) là tâm bi và tâm hỉ, gọi là vô lượng vì chúng không có biên giới rải khắp đến các chúng sanh. Bi và hỉ cùng với từ và xả tạo thành tứ vô lượng tâm (brahmavihāra). Từ và xả được bàn đến dưới phần tâm phụ tùy thiện:

  1. Bi (karunā) có đặc tính bị xúc động vì sự khổ đau của kẻ khác. Sự buồn bã ta có thể kinh nghiệm phải cho người thân bị khổ đau hay chết không phải là bi thực sự. Sự buồn bã ấy là cảm thương, một biểu hiện của đau khổ. Lòng bi thực sự khởi lên khi tâm thức, tách rời khỏi sự quan ngại bản thân, bị khuấy động lên vì sự khổ đau của người khác, cảm thọ sự khổ đau như của mình.
  2. Hỉ (muditā) có tính chia niềm vui, hoan hỉ với người khác. Thường người ta hoan hỉ sự thành công với người gần gũi và thân với mình, nhưng ít khi hoan hỉ với sự thành công và thịnh vượng của người xa lạ, đừng nói chi tới kẻ thù địch. Hỉ đón nhận mọi sanh linh và không thể cùng có mặt với tâm phụ tùy bất thiện ghen ghét.
  3. Tâm phụ tùy tuệ (paññā) cho phép ta thấy được vạn pháp đúng thực tánh của nó: vô thường, khổ và vô ngã.

Điều quan trọng là nhận ra tâm phụ tùy bất thiện và thiện nào hiện đang hoạt động trong tâm thức ta. Nếu không biết chúng là gì ta sẽ không thể nhận ra được chúng khi chúng khởi lên. Nhưng khi tuệ giác phát triển, ta có thể hiểu được rằng không phải ‘ngã’ nào phạm các hành xấu hay tốt mà chính là các tâm phụ tùy này.

Qua sự thực hành giáo pháp, mục đích của ta là loại trừ tâm phụ tùy ác và gặt hái tâm phụ tùy thiện. Đức Phật đã tóm lược qua bốn pháp hành chánh tinh tấn. Hành giả quyết chí, tạo nỗ lực, khơi dậy năng lực, tận dụng tâm trí và gắng:

  • ngăn ngừa sự sanh khởi của tư tưởng ác, bất thiện chưa sanh
  • từ bỏ tư tưởng ác, bất thiện đã sanh khởi
  • phát sanh tư tưởng thiện chưa sanh khởi
  • giữ cho tâm phụ tùy thiện đã sanh khởi và không để cho chúng diệt đi, nhưng làm cho chúng tăng trưởng, chín mùi và phát triển trọn vẹn.

Còn về những tư tưởng bất thiện, để ngăn cho khỏi sanh khởi và từ bỏ chúng ngay khi mới sanh, ta phải có chánh niệm về trạng thái của tâm, đó là, tâm có tham sân si hay không. Bằng cách luôn giữ chánh niệm, ta có thể học cách nắm lấy tâm phụ tùy bất thiện ngay khi chúng sanh khởi. Chỉ sự nhận biết này cũng đủ để ngăn không cho chúng tạo nền tảng, ngăn không đưa đến hành động qua thân khẩu ý. Nếu thường xuyên làm thế, những tư tưởng bất thiện này bị suy yếu đi và diệt dần dần.

Tuy vậy, đôi khi các tư tưởng bất thiện tiếp tục xảy ra và chỉ sự quán tâm thôi, không đủ để đối phó với chúng. Trong những trường hợp như thế, đức Phật đề nghị năm cách đối trị trong Majjhima Nikāya 20 (Xua tan loạn tưởng). Đại ý như sau:

  • chuyển sự chú tâm sang một đối tượng thiện khác.
  • gẫm về sự nguy hại của những tư tưởng bất thiện.
  • chú ý đến sự xua đuổi nguồn gốc của tư tưởng này.
  • nghiến răng, áp lưỡi lên nóc vọng và dằn lấy, chinh phục, và đè nén tâm bằng tâm.

Thiền là khía cạnh quan trọng trong sự thực hành theo Phật đạo. Có 40 đề mục thiền quán Samādhi thích ứng với tâm tánh mỗi người và cũng có nhiều loại thiền quán thực tánh. Để chọn lựa đề mục thiền quán thích hợp, tốt nhất là tìm được sự chỉ bảo của vị thầy có đủ khả năng. Nếu không có vị thầy như thế, người ta phải chân thành tìm ra tâm tánh và đặc tính; tìm sự chỉ dẫn trong sách thiền. Vài thí dụ như sau:

  • Tứ vô lượng tâm- từ cho sự sân hận, bi cho những ai hung ác, hoan hỉ cho ai hay đố kỵ, ganh ghét, sân và nhàm chán; xả cho người thích ái dục tham lam.
  • Với kẻ có tính tự phụ, quán về sự vắng mặt của một ngã hiện hữu trong mọi hiện tượng tâm-vật lý của kiếp sống.
  • Với kẻ tham dục, quán về bản chất không đẹp đẽ của thân.
  • Với kẻ có lòng tin lung lay, quán về Phật, Pháp và Tăng.

Mục đích tối hậu là để phát triển trí tuệ (paññā). Điều này đạt được qua thiền quán thực tánh (vipassanā bhāvanā) đưa đến sự hiểu biết đầy đủ bằng cách trực tiếp kinh nghiệm ba pháp ấn của cuộc sống: vô thường, khổ và vô ngã.

—–*—–

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app