Abhidhamma Áp Dụng 

Sắc thể

Thực tại tuyệt đối thứ ba là rūpa, sắc thể. Theo sự phân tích về sắc thể, Abhidhamma nhìn nhận có 28 loại hiện tượng vật chất. Bốn trong hai mươi tám này là loại chính, còn lại là phụ. Loại phụ tùy thuộc vào loại chính.

Bốn yếu tố chính (cattāri mahā bhūtānī) là đãt (paṭhavi dhātu), nước (āpo dhātu), gió (tejo dhātu), lửa (vāyo dhātu).

Không có một đơn vị vật chất nào mà không chứa đủ bốn yếu tố này, chỉ khác nhau ở tỷ lệ. Yếu tố nào có tỷ lệ cao hơn ba yếu tố kia sẽ làm cho đối tượng mang đặc tính của yếu tố ấy.

Trong kinh Mahā Rāhulovāda Sutta, đức Phật giảng cho Rāhula:

Yếu tố đất có thể ở bên trong (con người) hay ở bên ngoài. Nói về phần trong, bất cứ cái gì cứng, đặc hay từ đó mà tạo thành như tóc ở đầu, lông ở thân, móng tay chân, răng, da, thịt, gân, xương và nhiều bộ phận khác, là yếu tố đất. Bất cứ yếu tố đất nào bên trong hay là yếu tố đất bên ngoài, chúng chỉ là yếu tố đất.

Yếu tố nước có thể ở bên trong hay bên ngoài. Nói về phần trong, bất cứ cái gì lỏng hay từ đó mà tạo thành như nước mật, đờm, mủ và máu là yếu tố nước. Bất cứ cái gì yếu tố nước bên trong hay là yếu tố nước bên ngoài, chúng chỉ là yếu tố nước.

Yếu tố lửa có thể ở bên trong hay bên ngoài. Nói về phần trong, bất cứ cái gì nóng, ấm hay từ đó mà tạo thành như cái tạo cho con người có sanh lực, được tiêu thụ hay phải đốt đi hay là cái từ đó thức ăn được tiêu hóa, đó là yếu tố lửa. Bất cứ cái gì yếu tố lửa bên trong hay là yếu tố lửa bên ngoài, chúng chỉ là yếu tố lửa.

Yếu tố gió có thể ở bên trong hay bên ngoài. Nói về phần trong, bất cứ cái gì di động, gió và từ đó mà tạo thành như hơi thở lên và xuống, hơi trong bụng, gió thổi qua tứ chi, hơi thở ra vào, là yếu tố gió. Bất cứ cái gì yếu tố gió bên trong hay là yếu tố gió bên ngoài, chúng chỉ là yếu tố gió.

Trong kinh này, đức Phật cũng tả về yếu tố không gian (ākāsa dhātu)  là, Ngài nói, cũng có thể ở bên trong hay bên ngoài.

Nói về phần trong, bất cứ cái gì là khoảng không, có chỗ, và từ đó mà tạo thành như những lỗ, lỗ hổng trong cơ thể là yếu tố không gian. Bất cứ cái gì yếu tố không gian bên trong hay là yếu tố không gian bên ngoài, chúng chỉ là yếu tố không gian.

Nên chú ý rằng trong mỗi tỷ dụ đức Phật chỉ ra sự đồng nhất có tính căn bản giữa những yếu tố bên trong và bên ngoài. Ý nghĩa của sự đồng nhất này sẽ được bàn đến sau này.

Những yếu tố phụ (upādāya rūpāni). Hai mươi bốn yếu tố phụ được chia thành hai nhóm. Như bốn yếu tố chính, mười bốn được trực tiếp tạo thành (nipphanna). Đây là những phần tử cốt yếu của vật chất. Mười yếu tố kia được gián tiếp tạo thành (anipphana). Đây chỉ là những đặc tánh của nhóm các yếu tố trực tiếp và không phải là phần tử vật chất. Vì thế, sự phân loại này bao gồm cả khía cạnh vật thể và chức năng của vật chất.

Những yếu tố phụ được trực tiếp tạo thành gồm có:

  1. Năm tiếp nhận giác quan (pasāda rūpāni): cakkhu pasāda nằm quanh con ngươi, có rất ít, nếu gom lại không lớn hơn đầu con chấy; sota pasāda, chất này nằm quanh vòng tròn có lông tai mầu đồng mọc quanh sâu trong ống tai; ghāna pasāda tận trong hốc mũi trên cao, chỗ xương mũi chẻ hai, jivhā pasāda chỗ nấm lưỡi nếm thức ăn, nhiều nhất ở giữa lưỡi (nếu kể cả cuống lưỡi) và kāya pasāda, nằm khắp thân trừ chỗ dưới móng tay, vẩy da chết khô, và chỗ tóc và móng tay không dính đến da.
  2. Bốn yếu tố kích thích (gocara rūpāni): màu sắc, thanh, mùi và vị. Xúc (cảm thọ thuộc về sờ mó) không được đề cập trong nhóm này vì, không như các yếu tố kia, cảm thọ xúc giác không phải là yếu tố giác quan độc nhất mà là ba trong bốn yếu tố chính – đặc, nhiệt và chuyển động- giải thích rõ về áp lực, kết cấu và sự chịu đựng của đối tượng. Yếu tố dính liền là ngoại lệ vì nó quá vi tế để tạo nên bất cứ cảm thọ giác quan. Bởi vì sự kích thích giác quan có thể tạo đau hay khoái lạc, còn bốn kích thích kia chỉ khởi lên thọ trung tính.
  3. Yếu tố phái tính (bhāva rūpāni): đến ngay vào lúc thụ thai để quyết định giống tính của một người. Sự quyết định giống tính này có liên hệ đến nghiệp lực.
  4. Yếu tố tâm-căn (hadaya vatthu): trong thời đức Phật có quan điểm cho rằng quả tim tạo nên chỗ tọa vị cho tâm thức. Đức Phật không bao giờ chấp thuận hay bác bỏ quan điểm này. Ngài đề cập đến căn bản của thức như sau: yam rūpam nissāy – ‘cái sắc thể kia tùy vào yếu tố tâm và yếu tố thức nào khởi lên’. Vì tâm và vật phụ thuộc lẫn nhau, rất có lý để kết luận rằng qua câu ‘cái sắc thể kia’ đức Phật ngụ ý đến bất cứ mô nào của cơ thể đều là căn cứ cho tâm thức, ngoại trừ những mô nào đóng vai trò căn cứ cho thức căn. Ta có thể hiểu là các tế bào thần kinh sống.
  5. Yếu tố sinh khí (jīvitindriya): như khả năng tạo sinh khí cho tâm, một trong những tâm phụ tùy chung, mang sức sống cho tâm và cả tâm phụ tùy, cái khả năng tạo sinh khí cho thân mang sức sống đến cho các chất hữu cơ của cơ thể. Sanh từ nghiệp, nó được tái tạo trong từng khoảnh khắc. Cả hai khả năng tạo sinh khí cho tâm và thân đều ngừng vào lúc chết.
  6. Dưỡng tố (āhāra rūpa): là chất bổ dưỡng nuôi thân này.

Những yếu tố phụ được gián tiếp tạo thành là:

  1. Yếu tố không gian (ākāsa dhātu):  đó là cái giữ cho các đơn vị vật chất tách rời nhau và ngăn cho khỏi hội hợp. Nó không phải là thực tại khách quan mà là một ý niệm được tạo ra từ sự đi vào sanh linh của các đơn vị vật chất.
  2. Hai yếu tố thông tin (viññatti): đó là yếu tố thông tin thuộc về thân (kāya viññatti), yếu tố thông tin thuộc về ngữ (vaci viññatti), chịu trách nhiệm về sự liên lạc về thân và miệng. Chúng được gọi là thông tin vì chúng làm cho sự thông tri giữa con người có thể thực hiện được. Hai yếu tố này xảy ra mười bẩy lần nhanh hơn những yếu tố vật thể khác, có cùng thời gian cho một đơn vị tư tưởng.
  3. Ba biến-tố (yếu tố biến đổi được-vikāra rūpāni): nhẹ nhàng (lahutā), mềm dẻo (mudutā) và thích ứng (kammaññatā). Những yếu tố này chịu trách nhiệm cho sức khỏe, tráng kiện và hoạt bát của thân thể. Chúng được sanh ra từ tư tưởng thiện, có tiết độ trong thói quen ăn uống và khí hậu dễ chịu.
  4. Bốn yếu tố giai đoạn (lakkhaṇa rūpāni): khởi đầu (upacaya), sanh trưởng (santati), già yếu (jaratā) và diệt (aniccatā). Đây là những giai đoạn trong một thời kỳ sống của một yếu tố trong diễn trình liên tục của đổi thay.

Sự sanh khởi của sắc thể (samuṭṭhāna)

Các yếu tố vật chất không bao giờ xảy ra trong sự biệt lập nhưng theo từng nhóm hay từng tập hợp được gọi là rūpa- kalāpas. Một kalāpa có thể chứa từ tám đến mười ba yếu tố vật chất. Không có kalāpa nào mà không có ít nhất tám yếu tố, bốn yếu tố chính và bốn yếu tố phụ là mầu, vị, mùi và dưỡng tố. Một đơn vị chỉ chứa tám yếu tố này (aṭṭha-kalāpa) được gọi là nhóm tám nguyên chất.

Hiện tượng vật chất khởi lên qua bốn nhân: nghiệp, tâm, nhiệt và chất dinh dưỡng. Tãt cả các thực tại tối hậu về sắc thể chỉ có thể thấy được bằng tuệ nhãn, nhưng đặc tính của sắc thể được biểu lộ trên cơ thể con người. Khi bạn giận dữ, ngay cả một đứa con nít cũng có thể biết được bạn đang giận. Cơ thể bạn phản chiếu các cảm xúc bạn đang có.

  • Nghiệp quyết định cơ thể vật lý vào lúc thụ thai. Ở khoảnh khắc này, ba nhóm được sanh từ nghiệp: đặc tính của giống phái, thân căn và ý căn. Đặc tính về giống phái (bhāva dasaka) có tám yếu tố chính cộng thêm phái tính (hoặc là đực hay cái) và yếu tố sanh khí. Đặc tính về thân (kāya dasaka) được tạo thành từ nhóm tám trên cộng với yếu tố cảm giác của thân và yếu tố sanh khí. Đặc tính của ý căn (vatthu dasaka) được tạo thành từ nhóm tám trên cộng với yếu tố ý căn và yếu tố sanh khí. Sau khi bào thai được tạo nên qua ba đặc tính này, vào khoảng tuần thứ mười một của thời kỳ thai nghén trở đi, các đặc tính của bốn giác quan kia bắt đầu thành lập. Nghiệp tạo nên và nuôi dưỡng những hiện tượng trong suốt kiếp đời.
  • Tâm (citta). Tâm ý không những ảnh hưởng đến vật chất mà còn sanh ra hiện tượng vật chất. Những bệnh liên quan đến sự xáo trộn tâm lý như loét cuống bao tử, áp huyết cao và suyễn chỉ rõ những xáo trộn như thế. Những tỉ dụ khác như phi thân, định tâm để điều khiển ngoại vật, đi trên than lửa. Trong chuỗi các biến cố bình thường, tâm chịu trách nhiệm về những cử động có tác ý của thân xác và lời nói, dáng diệu, sự hô hấp, toát mồ hôi hay chảy nước mắt, và ba biến tố – nhẹ nhàng, uyển chuyển và thích ứng hữu hiệu.
  • Nhiệt (utu) Yếu tố nhiệt (tejo), một trong bốn yếu tố chính hiện hữu trong tất cả các nhóm vật chất, có thể tự làm cho các loại vật chất khác khởi lên, kể cả các nhóm có đặc tính đơn giản hay phức tạp.
  • Chất dinh dưỡng (āhāra). Yếu tố dinh dưỡng (ojā) có mặt trong tất cả các nhóm, có khả năng tạo ra các hiện tượng vật chất khác nhau từ đó có sức sản sanh. Những yếu tố này bắt đầu sanh khởi từ khi các dưỡng tố của người mẹ chuyển sang thai tạng.  Dưỡng tố này là một trong những nhân cho sự sống lâu.

Sự già yếu của sắc thể (jarā)

Nguyên nhân gần của già yếu là sự chín mùi của vật chất, sự chín mùi này xảy ra qua những hoạt dộng không ngừng nghỉ của yếu tố nhiệt trên các mô phát sanh ra vào những lúc khác nhau. Có hai hình thức già yếu. Một loại, không nhìn thấy được, liên tiếp xảy ra trong mỗi nhóm từ lúc sanh cho đến lúc diệt. Loại khác, có thể thấy được, tự biểu hiện lên như sự lọm khọm, răng gẫy, tóc bạc, da nhăn… Sự già suy vật chất được sự suy kém của giác quan và sự lụi tàn của đời người đi kèm như đức Phật đã chỉ trong kinh điển.

Sự chết của sắc thể

Giống như sự già yếu, cái chết có hai hình thức. Một là sự hủy diệt liên tục của vật chất vốn thể không thấy được; loại kia là hình thức có thể thấy được (maraṇa), đặc trưng bằng sự biến mất của yếu tố sanh khí, nhiệt và thức.

Cái chết có thể do một trong bốn nguyên nhân sau:

  1. a)Luồng nghiệp lực (kammakkhaya) đã kiệt. Nghiệp tái tạo (janaka) có nhiệm vụ cho sự sanh khởi và tiếp nối của hiện tượng vật lý cốt yếu cho mạng sống. Khi nghiệp tái tạo này hết, sự sản sanh ra những hiện tượng chí cốt cho sanh tử này ngưng lại và cái chết xảy ra.
  2. b)Tuổi thọ đã hết (āyukkhaya). Đời sống ở những cảnh giới khác nhau có thời  hạn tối đa của nó. Khi thời hạn tối đa này tới, cái chết xảy đến cho dù luồng nghiệp lực vẫn còn. Bãt cứ nghiệp tái tạo nào chưa dùng hết sẽ biểu hiện trong kiếp đời mới cùng cảnh giới.
  3. c)Sự kiệt tận của cả hai luồng nghiệp lực và tuổi thọ (ubhayakkhaya) cùng một lúc.
  4. d)Sự can dự vào của một nghiệp khác mạnh hơn (upacchedaka kamma) cắt đứt giòng nghiệp tái tạo gây ra cái chết trước khi sức sống hết. Nguyên nhân này giải thích cho những cái chết thình lình thường thấy ở trẻ con.

Ba nguyên nhân đầu chịu trách nhiệm cho cái chết có kỳ hạn (kāla maraṇa), nguyên nhân thứ tư cho chết yểu (ākāla maraṇa). Cả bốn được mô tả như sự dập tắt ngọn lửa đèn dầu có thể do một trong bốn nhân sau: bấc tàn lụi, hết dầu, vừa hết dầu vừa hết bấc, hay có ngọn gió mạnh thổi qua.

Năm Nhóm Tập Hợp (Pañcakkhandhā)

Chữ khandha có nghĩa là nhóm, số đông hay tập hợp. Đức Phật thường mô tả ‘một người’ như là một tổng hợp của năm nhóm hiện hữu. Ngài mô tả bằng danh từ upādāna, nghĩa là bám lấy, dính vào. Nên ta có danh từ pañcūpādānakkhandhā, được dịch là ‘năm nhóm tập hợp tạo đối tượng cho sự bám víu’: nhóm tập hợp vật thể, cảm thọ, nhận thức, hành vi tác ý và thức.

Đức Phật diễn tả mỗi nhóm như là có liên kết đến āsavas. Một āsava là một nhân làm cho bại hoại, dơ bẩn, thối nát, độc hại hay có thành kiến. Có bốn āsavas là: tham dục (kāmāsava),  mong được tái sanh (bhavāsava), tà kiến (diṭṭhāsava) và vô minh (avijjāsava).

Điều cần phải nhấn mạnh ở đây là năm nhóm này không hiện hữu đầy đủ trong cùng một lúc. Chúng tạo nên một bảng phân loại chỉ chứa đựng những phần tử cùng loại vốn diệt lần đi và xảy ra cùng lúc theo nhiều tổng hợp khác nhau nào đó vào một lúc nào đó. Đức Phật giải rõ tính không và bản chất không vững chắc của mỗi nhóm bằng cách ví sắc như một đám bọt nước, thọ như bong bóng nước, tưởng như ảo ảnh, như thân cây chuối không lõi, và thức như sự lừa lọc qủi quái (Saṁyutta Nikāya ĪI, 140).

Sắc thể và Thiền

Ta đã thấy từ trước đức Phật nhấn mạnh sự đồng nhất của bốn yếu tố chính bằng cách nói rằng cả hai yếu tố trong lẫn ngoài đều có cùng bản tánh.  Rồi Ngài nói: ‘Qua trí tuệ trực giác toàn thiện, cần phải thấy đúng thực tướng của pháp như vầy: ‘Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi’. Sự chỉ dẫn này cho thấy không có gì đặc biệt về cái thân này mà ta quen nghĩ là ‘của tôi’ và đôi khi còn tin là một cái gì ‘đặc biệt’ lắm. Cái thân ấy, theo bản chất, giống như thế giới vật chất bên ngoài.

Tôn giả Sāriputta, một trong hai đại đệ tử của đức Phật, nêu ra cùng quan điểm theo một cách khác. Sau khi đã diễn tả bốn yếu tố chính như đức Phật đã làm, Sāriputta tuyên bố rằng rồi có lúc khi các yếu tố bên ngoài bị kích động và hủy diệt, vậy thì ‘đáng kể gì cái thân thể yểu thọ bắt nguồn từ tham ái này?’

Khi các yếu tố đặc trong cơ thể được kích động tất cả các hình thức tăng trưởng hình thành, từ mụn cóc đến bướu ung thư. Khi yếu tố lỏng bị khích động chứng phù thủng tạo nên, phồng lên vì dung dịch lỏng tụ lại. Yếu tố nhiệt tạo cơn sốt, lở loét vì giá cóng… yếu tố gió tạo chứng đầy hơi, chứng đau bụng dưới. Nhà địa chất gắng tìm nguyên nhân của sự biến động của cơ thể và nhà khảo cứu y học tìm nguyên nhân của sự rối loạn thân thể. Nhưng, bất cứ chỗ nào bốn yếu tố chính được tìm thấy chỗ ấy có chao động, kết quả là sự khó chịu, một tình trạng hỗn độn. Về yếu tố không gian, ngài Sāriputta nói: ‘dựa vào cọc, neo, cỏ và bùn, không gian được bọc lại và sự chỉ danh ‘ngôi nhà’ được dùng đến, cùng một cách ấy, dựa vào xương, gân, bắp thịt và da, không gian được bọc lại và sự chỉ danh ‘sắc thân’ được dùng’.

Các bộ phận của cơ thể cũng dùng làm đề mục thiền quán. Sự quán tưởng như vậy đem lại sự hiểu biết về bản chất của cơ thể mà không cần đến chẩn đoán bịnh lý hay sự hấp dẫn lôi cuốn. Sự quán tưởng về thân đề cập đến 32 phần cơ thể nếu được xem xét riêng rẽ, không có phần nào hấp dẫn, ngay cả tóc, da, móng tay chân và răng vốn thường được coi là cái góc con người. Cho dù một người đàn ông cho rằng người đàn bà đẹp vì ‘mái tóc của nàng’, nếu thấy sợi tóc của nàng trong tô cereal điểm tâm, hắn sẽ thấy tởm thay vì hấp dẫn. Vì không có phần nào của cơ thể có cái đẹp riêng, nên không thể nào chúng tạo toàn thân này hấp dẫn được. Sự thiền quán về bộ phận của thân thể nhằm mục đích xóa tan nhận thức điên đảo (saññā vipallāsa) coi cái xấu làm cái duyên dáng. Thực ra không phải để ức chế dục tình hay gia tăng cách đối trị về xúc cảm nhưng chỉ để giúp ta hiểu được bản chất của thân.

Một quán tưởng khác – phân tích thân thể ra thành bốn yếu tố chính – giúp ta xóa tan cái ảo tưởng về tính tổng hợp nguyên vẹn của thân thể. Kinh Đại Thủ Ý cho một tỷ dụ một người bán thịt sau khi giết con bò và cắt nó ra từng phần, ngồi ở ngã tư đường. Sách giảng rằng, mỗi khi thấy xác con bò ấy, cho dù sau khi nó bị giết, người hàng thịt nghĩ về một ‘con bò’. Nhưng khi hắn cắt xác bò ra từng phần, và ngồi ngã tư đường, khái niệm ‘bò’ biến mất và khái niệm ‘thịt’ khởi lên. Hắn không còn nghĩ là đang bán ‘con bò’ nhưng bán ‘thịt’. Cũng thế, nếu một người nghĩ về thân thể theo lối ‘các yếu tố’, khái niệm ‘con người’ sẽ mất đi, được thay bằng khái niệm các yếu tố.

Một lần gia chủ già lão Nakulapitā đến gặp đức Phật và nói: ‘Bạch Ngài, tôi là một người già, đã tới cuối đời, bịnh và luôn đau đớn’. Gia chủ muốn được đức Phật chỉ dẫn và khuyên bảo. Đức Phật nói: ‘Gia chủ, nó là thế. Gia chủ, nó là thế. Thân của ngươi bịnh và đầy ô nhiễm. Gia chủ, ai mang thân này, tự cho là không bệnh, dù chỉ trong giây phút, kẻ ấy là gì nếu không là kẻ ngu? Vì thế gia chủ, gia chủ cần huấn luyện như sau: ‘Thân tôi bịnh nhưng tâm tôi sẽ không bịnh’- gia chủ nên tự huấn luyện như thế’.

Suy tưởng về những sự thực không thể cãi bàn về thân thể này sẽ giúp ta:

  1. Diệt trừ hẳn những phức cảm, tự tôn hay tự ti, có liên quan đến thân thể.
  2. Chấp nhận một thái độ có ý thức đúng đắn về thân, không nuông chiều và cũng không bạc đãi nó.
  3. Xem chuyện tất nhiên của thân – suy yếu, bịnh và chết là hiện thực và với lòng bình thản.
  4. Đạt được tuệ trí về khía cạnh vô ngã (anattā) trong mọi hiện tượng.

—–*—–

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app