Abhidhamma Áp Dụng 

Giới Thiệu

Đọc các bộ kinh Nikāyas, đôi khi ta gặp chữ abhidhamma, abhivinaya. Ví dụ: Trong kinh Mahāgosiṅga số 32 (Majjhima Nikāya – Kinh Trung Bộ) có đoạn đối thoại như sau:

‘Ở đây, này hiền hữu Sāriputta, có hai tỳ kheo nói chuyện về abhidhamma và họ hỏi lẫn nhau, người này được người kia hỏi, đối đáp và trả lời được, và cuộc nói chuyện của họ về dhamma tiếp tục. Này hiền hữu Sāriputta, loại tỳ kheo này có thể làm sáng chói khu rừng Gosiṅga cây Sāla’.

Trong kinh Gulissāni số 69 cũng của Majjhima Nikāya, ta gặp câu này:

‘Người tỳ kheo sống trong rừng nên quán tưởng về abhidhamma và abhivinaya. Nếu không quán tưởng về abhidhamma và abhivinaya, khi được hỏi về abhi-dhamma và abhivinaya, vị ấy không trả lời được, sẽ có ngưòi nói về vị ấy như sau: ‘Có tốt gì cho vị tôn giả này khi sống một mình trong rừng, làm theo sở thích, không quán tưởng về abhidhamma và abhivinaya?’

Như thế, dhamma và abhidhamma chắc chắn có nghĩa khác nhau. Chữ abhi có nhiều nghĩa, nhưng chữ dhamma lại có nhiều nghĩa hơn. Theo Magdalene và Wilhelm Geiger trong Pāli Dhamma (Munich 1912), tùy theo cách dùng, chữ dhamma có tới hơn 60 nghĩa. Sau khi giành ra 3 chương phân tích tỉ mỉ để xác định ý nghĩa của chữ abhidhamma, Fumimaro Watanabe đã kết luận rằng chữ abhidhamma trong Nikāyas và Āgamas có nghĩa là ‘sự nghiên cứu nguyên tắc căn bản về dhammas’. Theo A. K. Warder, nguyên nghĩa của abhidhamma là ‘liên quan đến giáo pháp’. Sau này Warder còn cho abhidhamma là sự nghiên cứu giáo pháp có hệ thống.

Khi trình bầy giáo pháp có hệ thống, Abhidhamma đề cập đến các đề tài theo nghĩa tối hậu (chân đế), khác với tạng Kinh nơi sự sử dụng các lời nói mang giá trị theo quan điểm tục đế. Trong kinh, giáo pháp được trình bầy với mục đích thực dụng như tu tập phát triển giới định tuệ và thành tựu đạo quả. Trong tạng Abhidhamma sau này, đấng đạo sư được thay bằng các học giả, những người  quan tâm đến các định nghĩa, định danh, kiến giải có tính phân tích, lý luận tổng hợp. Nhưng cả hai tạng có chung mục tiêu: Kinh điển giảng về từ bi và phạm hạnh vô vị kỷ, về luyện định tâm linh, về lối sống thanh tịnh, đưa đến tư tưởng sáng suốt rõ ràng. Còn Abhidhamma phân tích diễn trình của tâm, các thành phần của vật thể và tâm thức, từ đó chứng minh rằng không có cái gì gọi là ngã hay linh hồn. Như vậy, cả hai cùng gặp nhau ở chỗ thực chứng tính vô ngã (anattā). Trong Kinh tạng, lời giảng được trình bầy khoáng đạt (sappariyāya desanā), các tỉ dụ, ẩn dụ, chuyện dật sử… được sử dụng rộng rãi. Nhưng trong Abhidhamma, lời giảng của đức Phật được trình bầy có phương pháp, được giải thích có hệ thống, thường dưới hình thức vấn đáp, có tóm tắt, theo khuôn khổ chặt chẽ (nippariyāya desanā) có chọn lựa, chính xác, vì thế danh từ rõ ràng mang tính cách thuật ngữ chuyên môn cả về nghĩa lẫn chức năng. Vì vậy, trong Abhidhamma vắng bặt bóng dáng các nhân vật, chuyện dật sử hay lời bàn. Với một số cách phân loại, Abhidhamma đề cập tường tận đến các thực tại. Mục đích duy nhất của Abhidhamma là tìm hiểu thế giới quanh và trong ta. Nhiệm vụ duy nhất mang tính khuyến bảo và ích lợi thực tiễn của Ābhidhammika là diễn tả thực tại hiện bầy trước tri giác. Vì thế, lời tường trình của Abhidhamma về các thực tại mang tính chất khoa học.

Theo Theravāda (trong quyển Atthasālīnī) và Sarvāstivāda (trong quyển Abhidharmakoíavyākhyā) đức Phật giảng dạy Abhidhamma, sau đó truyền cho Sāriputta, rồi đến Bhaddaji, Sobhita, Piyajāli, Piyadassī, Kosiyaputta, Siggava, Sandeha, Moggaliputta, Visudatta, Dhammiya, Dāsaka, Sonaka, Revata … cho đến kỳ kết tập kinh điển thứ ba và các đệ tử sau đó. 

Phương pháp dùng trong Abhidhamma: Abhidhamma không phải là một đóng góp mới mẻ vào giáo lý nhà Phật. Abhi-dhamma chỉ là sự nghiên cứu kỹ lưỡng có tính cách phân tích, có tính cách lý luận, có tính cách phương pháp luận về những gì đã nói trong kinh điển. Sự phân tích trong Abhidhamma được tiến hành với sự trợ giúp của phép qui nạp. Từ sự quan sát về bản chất và chức năng hay thái độ xử sự của một số đối tượng, biến cố, con người riêng nào đó… sau đó đưa ra một cách tự nhiên nhận định về đặc tính căn bản chung cho tất cả các hiện tượng. Theo sự phân tích về cái cùng tột (tối hậu), phương pháp này cho ta thành tựu được kiến thức về những định luật đầu tiên khống chế toàn thể vũ trụ. Bằng sự thanh lọc và phát triển có hệ thống tâm thức con người, kiến thức này được nâng lên đến tầm mức trực quán trong tức khắc, cuối cùng tạo nên sự chứng ngộ toàn triệt. Đây là lý do tại sao Ābhidhammika tránh không dùng phương pháp suy luận vốn chỉ để nuôi dưỡng thêm ức đoán không bằng cớ xác đáng vô cùng tận, che mờ đi sự thanh tịnh và che mờ tính khoáng đạt của tâm thức người đi tìm chân lý. 

Một câu hỏi được đặt lên là Abhidhamma có liên quan gì đến việc thực hành giáo pháp không? Câu trả lời là tùy vào cá nhân người hành trì. Con người khác nhau về trình độ hiểu biết và sự tiến bộ tâm linh. Một cách lý tưởng là các pháp môn nên được phân phối hài hòa, có người hoàn toàn vui với việc hành trì giáo pháp dựa trên đức tin, trong khi người khác say mê với việc phát triển tuệ giác liễu tri. Tạng Luận rất hữu ích cho ai muốn hiểu, muốn biết sâu xa tường tận giáo pháp. Nó trợ giúp cho việc phát triển tuệ giác về ba đặc tính của đời sống: vô thường, khổ và vô ngã. Sự hữu dụng của nó không những được tìm thấy trong các buổi thiền tọa, mà còn trong lúc làm những công việc khác. Khi chứng nghiệm thực tại, ta rút ra lợi ích của việc học Abhidhamma. Kiến thức rộng rãi về Abhidhamma còn có nhiều hữu dụng sau:

  • Phân biệt được rõ ràng giáo lý của Phật với giáo lý không phải của Phật.
  • Biết rõ cái gọi là ‘ngã’ không hề có thực. Cái gọi là ‘ngã’ chỉ là tổng hợp nāma-rūpa tâm thân sanh diệt hàng triệu triệu lần (trillion) trong một sát na, nhất là nāma (đặc biệt là ‘thức’) khi khởi lên là cái này, khi diệt đi là cái khác (S. ii. 94). Quyển Dhātu-kathā (Giảng Về Các Phần Tử) chỉ cho ta thấy sự sai lạc của quan điểm về Ngã.
  • Hiểu Kinh dễ dàng hơn, vì trong Abhidhamma, các danh từ Phật học thuộc chân lý tối hậu, danh từ triết học được giải thích tường tận. Các kinh điển trình bầy theo ngôn ngữ ước định trong đó có danh từ triết học. Chẳng hạn, kinh tạng không phân tích, không giải thích indriya, sikkhā (giới), nhưng trong quyển Phân Tích(Vibhaṅga) của Abhidhamma có cả hai chương giải thích về indriya: Indriya Vibhaṅga, Sikkhāpada Vibhaṅga. Abhidhamma phân tích đầy đủ chi tiết (ví dụ: về 4 niệm xứ, tuệ [ñāṇa], nhiễm lậu [kilesā]…), còn kinh tạng thì không. Vì thế, học abhidhamma sẽ giúp cho việc hiểu kinh tạng sâu rộng, rõ ràng hơn.
  • Ngoài cách phân tích, người học Abhidhamma còn biết dùng phép tổng hợp. Chỉ phép phân tích không thôi, không cho ta nhận định đầy đủ về bản chất, chức năng về các đối tượng, về các hiện tượng xảy ra. Phương pháp phân tích được trình bày trong Dhammasaṅgaṇi (Liệt Kê Các Pháp) và phương pháp tổng hợp được trình bầy trong Paṭṭhāna(Duyên Hệ).

Thực tại tối hậu. Không có gì hiện hữu ngoài thực tại tối hậu cả. Cái gì không phải là thực tại tối hậu, cái ấy có thể được gọi là khái niệm. Sự khác biệt giữa thực tại tối hậu và khái niệm rất quan trọng. Thực tại tối hậu có trong hiện thực, là đơn vị nhỏ nhất. Chúng thực sự hiện hữu, và cái thực sự không hiện hữu được nói là không hiện hữu. ‘Sông’, ‘biển’, ‘núi rừng’, ‘con người’, ‘đàn ông’, ‘đàn bà’… không hiện hữu trong hiện thực, và được nói là không hiện hữu theo nghĩa tối hậu. Nếu có hiện hữu chăng là hiện hữu trong ngôn ngữ ước định của con người. Tãt cả chỉ là khái niệm, ý niệm, lời, tên gọi… vì thế được gọi là sự thật có tính ước định, hay gọi là tục đế. Abhidhamma đề cập tới bốn thực tại theo nghĩa tối hậu (paramattha dhammā), còn được gọi là chân đế:

  1. Citta, tâm, hay thức, được định nghĩa là cái nhận biết về đối tượng. Citta xảy ra như những trạng thái riêng biệt chốc lát của tâm thức.
  2. Cetasika, tâm phụ tùy khởi lên cùng lúc với citta.
  3. Rūpa, sắc thể, hay hiện tượng vật lý.
  4. Nibbāna, Niết Bàn.

Tâm, tâm phụ tùy và sắc thể là những pháp chịu điều kiện. Chúng khởi lên vì có điều kiện và diệt đi khi những điều kiện không còn. Vì thế chúng vô thường. Nibbāna là thực tại không chịu điều kiện. Nó không khởi lên và vì thế nó không diệt đi. Bốn thực tại này có thể kinh nghiệm được không cần biết ta đặt tên chúng là gì. Bất kỳ thứ khác – là cái trong hay ngoài ta, quá khứ, hiện tại hay tương lai, thô xù hay vi tế, thấp thỏi hay cao sang, xa hay gần – đều là khái niệm và không phải là một thực tại tuyệt đối.

Tâm, tâm phụ tùy và Niết Bàn còn gọi là danh (nāma). Hai danh có điều kiện, tâm và tâm phụ tùy, cùng với sắc thể tạo thành nāma-rūpa, một thứ hợp phẩm tâm lý-vật lý. Theo nghĩa tối hậu, mỗi chúng ta là một nāma-rūpa, một tổng hợp các hiện tượng tâm lý và vật lý, không có gì khác hơn. Ngoài ba thực tại tạo thành tổng hợp tâm lý-vật lý này ra, không có tự ngã, ngã hay linh hồn. Phần nāma của tổng hợp này là phần kinh nghiệm đối tượng. Còn phần rūpa không kinh nghiệm gì cả. Khi cơ thể bị thương tích, không phải cái thân này là rūpa cảm thấy đau, mà nāma,  phần danh, chịu cái đau ấy. Khi đói, không phải cái bao tử cảm thấy đói, lại nữa, mà chính là nāma. Tuy nhiên, nāma không thể ăn thực phẩm để xoa dịu cơn đói. Cái nāma, tâm và những tâm phụ tùy, làm cho rūpa, cái thân, tiêu hóa thức ăn. Như vậy, không phải nāma cũng chẳng phải rūpa tự có đủ quyền lực riêng. Cái này phụ thuộc vào cái kia, cái này chống đỡ cái kia. Cả nāma và rūpa khởi lên vì các điều kiện và diệt đi ngay, và điều này xảy ra vào mỗi khoảnh khắc của đời mình.

Nhờ học hỏi và kinh nghiệm được những thực tại này, ta sẽ biết rõ về:

  1. ta thực sự là gì
  2. cái gì ở quanh ta
  3. tại sao ta phản ứng lại những gì trong & quanh ta và phản ứng ra sao
  4. ta nên mong đạt được cứu cánh tâm linh nào.

—–*—–

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app