Abhidhamma Áp Dụng
Các Cảnh Giới
Theo tạng Luận, có ba mươi mốt cảnh giới, hai trong số ấy ta có thể thấy được: cõi súc sanh và cõi người. Để hiểu được bản chất của các cảnh giới khác, điều cần thiết là:
- a)bỏ cái quan niệm có cái gì đặc biệt của con người mà không tìm thấy được trong đời sống các loài hữu tình khác;
- b)bỏ cái ảo tưởng rằng có, dù là chút ít, sự ổn cố vững bền hay chắc gọn trong tổng hợp tâm-sinh lý được coi như là một ‘sanh linh’;
- c)chấp nhận rằng con người chỉ là nhóm năm tập hợp, mỗi tập hợp biến hoại dần và không có thực thể;
- d)nhìn nhận rằng trong một số các cảnh giới, một hay nhiều tập hợp có thể không biểu hiện; và
- e)nhìn nhận rằng các cảnh giới này không hiện hữu ở một tọa độ nào đó, từ địa ngục rửa tội không đáy đến thiên đàng trong thiên hà – nhưng biểu hiện ra để đáp ứng lại với nghiệp của mình. Chúng hầu hết không xuất hiện trước ta được vì chiều không gian khác nhau, sự tương đối của thời gian, và những trình độ khác biệt của tâm thức.
Ba mươi mốt cảnh giới này tạo thành saṁsāra (cõi ta bà), nơi ‘lãng du không ngừng nghỉ’ qua vòng sanh tử ta đã bị vướng vào từ vô thỉ. Những cảnh giới này được phân thành ba cõi chính: dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
Cõi Dục (kāma loka) gồm có 11 cảnh giới:
- Bốn cảnh khổ: địa ngục (niraya), ngạ qủy (asura yoni), qủy đói (peta yoni) và súc sanh (tiracchāna yoni). Tái sanh vào những cảnh này là do nghiệp ác. Sanh linh ở đây không có ý niệm về thiện ác và nói chung không thể tạo nghiệp tốt. Tuy nhiên, khi nghiệp bất thiện dẫn chúng tới cảnh giới này hết đi, vài nghiệp tốt tích chứa sẵn có thể dẫn chúng đến tái sanh vào cảnh giới khác. Chỉ có bậc Dự Lưu và những bậc thánh mới có thể đoan chắc là sẽ không sanh vào những cảnh khổ này nữa.
- Cảnh giới người – sanh vào cảnh giới này là kết quả từ những hành thiện có phẩm tính vào loại khá. Đó là cảnh giới của sự chọn lựa thiện ác, nơi định mệnh có thể được hướng dẫn.
- Sáu cõi trời: cātummahārājika (tứ thiên vương thiên), tāvatiṁsa (33 thiên), yāma, tusita, nimmānarati (chư thiên vui hưởng sự sáng tạo của mình), paranimmita-vasa-vatti (chư thiên kiểm soát sự sáng tạo ra vị khác).
Tái sanh vào những cõi này xẩy ra nhờ nghiệp thiện. Các chư thiên hưởng các lạc thọ có tính mỹ thuật, sống rất lâu, đẹp đẽ và có một số thần thông. Những cõi này không phải chỉ dành riêng cho Phật tử chân thật. Bãt cứ ai sống đời chân thiện đều được sanh về cõi này. Những ai tin vào ‘thiên đường vĩnh cửu’ có thể mang niềm tin này đến cõi thiên và nhận lấy kiếp sống lâu dài ở đấy thành kiếp trường cửu. Chỉ những ai đã biết giáo pháp sẽ nhận chân rằng những cõi này là vô thường, một ngày nào đó những sanh linh ấy sẽ ra khỏi những cảnh giới ấy mà sanh vào những cõi khác. Các chư thiên có thể giúp đỡ con người bằng cách xui khiến người ta có khuynh hướng làm việc thiện, và con người có thể giúp chư thiên bằng cách mời đón chư thiên hoan hỉ với công đức của các chư thiên ấy.
Cõi sắc giới (rūpa loka) gồm có mười sáu cảnh giới. Sanh linh sanh trong những cõi này là kết quả của sự chứng đắc thiền. Họ có thân làm bằng chất tốt hảo. Mười sáu cảnh giới ấy tương ứng với sự chứng đắc bốn cõi thiền như sau:
A- Ba cõi là kết quả của sự chứng đắc cõi thiền thứ nhất:
- brahma parisajjā-cõi của các tùy tùng của chư thiên
- brahma purohitā – cõi của các phụ bộ thiên
- mahā brahma – cõi đại phạm thiên
B- Ba cõi là kết quả của sự chứng đắc cõi thiền thứ hai:
- parittābhā – cõi thiểu quang thiên
- appamānābhā brahma – cõi vô lượng quang
- ābhassarā – cõi phát quang thiên
C- Ba cõi là kết quả của sự chứng đắc cõi thiền thứ ba:
- paritta subhā – cõi thiểu tịnh thiên
- appamānasubhā – cõi vô lượng tịnh thiên
- subha kinhā – cõi bất biến tịnh thiên
D- Hai cõi là kết quả của sự chứng đắc cõi thiền thứ tư:
- vehapphalā – cõi đại thưởng thiên
- asaññasattā – cõi chúng sanh vô tưởng, chỉ có thân không có tưởng. Sanh vào cõi này là kết quả của sự hành thiền đè nén tâm thức. Hành giả nào thực hành pháp này tiếp nhận sự giải thoát khỏi khổ đau có thể được thành đạt được bằng cách thành tựu sự vô tưởng. Tuy nhiên, khi kiếp sống trong cõi này hết, các sanh linh ấy chết đi và tái sanh vào cõi có tưởng trở lại.
E- Năm cõi là kết quả của sự chứng quả vị không trở lại (anāgāmiphala), giai đoạn thứ ba của chặng đường giác ngộ:
- avihā brahmā – cõi trường cửu
- atappā brahmā – cõi thư thái
- sudassā brahmā – cõi đẹp đẽ
- sudassī brahmā – cõi quang đãng
- akanitthā brahmā – cõi trời cao nhất
Năm cõi này được gọi là suddhāvāsā hay cõi tịnh, chỉ có thể do những ai đã hủy diệt năm ràng buộc – ngã kiến, nghi, bám vào nghi thức và nghi lễ, ái dục và sân hận – mới đến được. Họ sẽ hủy diệt những ràng buộc còn lại – thích sanh về cõi vô sắc, ngã mạn, lao chao và vô minh – trong khi sống cõi tịnh này. Những ai tái sanh ở đây được gọi là ‘Không trở lại’ vì họ không trở lại từ cõi đãy, nhưng chứng đắc chặng cuối cùng là Niết Bàn ở đó mà không trở lại.
Cõi vô sắc (arūpa loka) gồm có bốn cảnh giới trong đó chúng sanh được sanh ra nhờ chứng đắc thiền vô sắc:
- ākāsānañcāyatana – cõi vô biên xứ
- viññāṇañcāyatana – cõi thức vô biên xứ
- ākiñcaññāyatana – cõi không xứ
- neva-saññā-nāsaññāyatana – cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức
Nhiều người có thể hoài nghi về sự hiện hữu của các cảnh giới này, không có gì là lạ cả. Sự hoài nghi ấy được biết đến ngay vào thời đức Phật. Bộ Kinh Saṁyutta Nikāya (Ī, 54) ghi rằng một lần tôn giả Lakkhana và Mahā Moggallāna đang đi xuống đồi Kên Kên, tôn giả Mahā Moggallāna nhìn vào chỗ nào đó mỉm cười. Tôn giả Lakkhana hỏi tại sao Mahā Moggallāna cười nhưng Mahā Moggallāna nói rằng đây không phải là lúc hỏi câu đó và đã đề nghị Lakkhana nêu lại câu hỏi này trước mặt đức Phật. Sau đó khi gặp đức Phật, tôn giả Lakkhana hỏi lại câu này. Tôn giả Mahā Moggallāna nói: ‘Lúc ta cười, ta thấy một bộ xương đang đi trong không. Kên kên, quạ, diều hâu theo sau và mổ vào giữa những cạnh xương sườn khi bộ xương này khóc lên vì đau đớn. Ý nghĩ này đến với tôi: ‘Thật là quái lạ và ngạc nhiên làm sao, sanh linh này có hình thù như thế, chủ thể này có hình hài như thế’. Đức Phật rồi nói: ‘Ta cũng thấy sanh linh đó nhưng ta không nói gì về sanh linh ấy cả vì kẻ khác sẽ không tin ta. Sanh linh này xưa là người bán thịt ở Rajagaha’.
Câu hỏi có thể được đặt ra là làm sao ta có thể phát triển nhĩ thông và nhãn thông để có thể nhận thức được âm thanh và cảnh sắc bên ngoài tầm mức thông thường. Để hiểu được như thế nào, phải xét đến ba yếu tố: các chiều không gian, tính tương đối của thời gian, và tầng lớp của tâm thức. Mỗi đối tượng trong cảnh giới người có ít nhất bốn chiều. Ba chiều đầu tiên là: chiều dài, chiều rộng và chiều sâu. Như thể tại một điểm kéo dài một đường ta có chiều dài, ngưng ở đó vẽ sang hướng khác cho ta diện tích, rồi ở giao điểm vẽ chiều cao cho ta thể tích. Mỗi lần rẽ hướng không những chỉ mang lại sự thay đổi về phương hướng mà còn mang lại chiều hướng với các đặc trưng của nó. Nhưng ba chiều này không chỉ có thế vì không có đối tượng nào cứng nhắc cả. Ngay cả một đối tượng trông có vẻ đứng yên, ở tầm mức nguyên tử, sẽ phát lộ ra một nhóm các vi tử hỗn loạn. Vì thế chiều cần thiết thứ tư là: thời gian. Chiều của thời gian biến cái ‘đang là’ sang ‘trở thành’ – một hành lang qua các giai đoạn quá khứ, hiện tại, vị lai. Khái niệm về thời gian của ta không dựa vào thời gian ‘đồng hồ’, nhưng nó tựu thành từ những hoạt động của các giác quan và tâm ý. Sự sanh khởi và hoại diệt không ngừng của tư tưởng đủ để đưa bằng chứng về sự chuyển động của thời gian. Ngay cả khi không có sự kích thích giác quan, giòng tư tưởng sẽ tạo ra khái niệm về thời gian và giữ ta hài hòa ăn khớp với cảnh giới này. Nhưng nếu giòng tư tưởng ngưng lại, như ở các cảnh giới cao hơn, khái niệm về thời gian sẽ thôi hiện diện. Một loại nhận thức khác biệt khác sẽ thay vào – với một mức độ nhận thức được trải rộng ra vượt qua hẳn mức độ mà ta bị ràng buộc dưới những điều kiện bình thường. Nhận thức mới này có thể được gọi là chiều thứ năm. Vì trong trường hợp của bốn chiều kia, nhận thức mới này sẽ thêm vào một chiều hướng mới, phương mới, và những đặc tính mới. Vì với nhận thức mở rộng như vậy, âm thanh và cảnh sắc sẽ được nhận biết, những âm thanh và cảnh sắc không được biết tới và không đến gần ta được ấy đã bị nhốt lại trong ý niệm thời gian hạn hẹp của chúng ta.
—–*—–