Abhidhamma Áp Dụng
Lời Tựa
Cuốn sách mỏng này có mục đích trình bầy một phần nào khía cạnh thực dụng của Abhidhamma trong hiện thực đến những người học Phật Việt Nam, những ai tự biết mình bị ô nhiễm, thấy được sự nguy hại của tình trạng bị ô nhiễm và tha thiết muốn đi tìm giải thoát. Học Abhidhamma là để biết cách nhìn thực tại sống động đúng với thực tánh của nó. Vì thế, Abhidhamma không phải là thung lũng xương khô, bám đầy bụi, không phải là những tư tưởng phiêu bồng trên mây. Abhidhamma có thể ứng dụng được trong đời sống hàng ngày. Học Abhidhamma là để hiểu và dùng thực tại có điều kiện (sắc thể, tâm, tâm phụ tùy) làm phương tiện thành tựu thực tại không điều kiện (Niết Bàn). Ví dụ:
Trong suốt diễn trình từ lúc đối tượng của tâm ý khởi lên, người học Phật nhận biết cho rõ loại tâm nào đang thi hành nhiệm vụ của nó, tiếp tục thấy rõ ràng sự sanh khởi, sự diệt tận của từng tâm (biểu hiện qua chức năng của nó), của cảm giác trong từng khoảnh khắc. Người học Phật quán chiếu sự vận hành của từng tâm, của cảm giác dưới ánh sáng của tinh thần ba pháp ấn: vô thường, vô ngã, khổ não. Khi được thăng bằng, hay khi ngừng lại để tự quán chiếu và tự biết lấy nó, tâm có thể nhận ra đúng như thật đối tượng của nó. Khi nhận ra đúng như thật đối tượng của nó, tâm không còn bám níu vào một cái gì, không còn khao khát trở thành. Tuệ giác này có được nhờ ở sự thấy biết chân chính và sáng suốt: tất cả sự tốt xấu, hạnh phúc hay khổ đau, chẳng thành vấn đề gì – nhờ biết như thế nên tâm buông bỏ, không còn bám níu. Khi không bám níu, không còn khổ đau. Khi không còn khổ đau, trạng thái an lạc Niết Bàn xuất hiện ngay trong cõi đời này.
Còn một lợi ích nữa khi học Abhidhamma: tự mình biết phân biệt, biết cách đặt câu hỏi và trả lời cho mình giáo pháp nào là của Phật, để thôi không còn ở trong tình trạng ‘tự mình đã bị ô nhiễm lại đi tìm cầu cái bị ô nhiễm’ nữa.
Cuốn này được soạn dịch dựa vào cuốn The Abhidhamma in Practice của bác sĩ N. K. G. Mendis. Chỗ nào cần phải nhấn mạnh, nói rõ thêm, nói rộng ra, đi sâu hơn, tôi soạn và đính thêm lời giảng của nhiều tác giả khác. Tất cả các phụ chú, chú thích ở cuối trang là của soạn giả.
Tãt cả các nhân danh, địa danh… trong kinh văn được giữ nguyên, không được dịch âm hay Việt hóa. Người đọc sẽ không gặp đức Phật Cồ Đàm, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên mà gặp đức Phật Gotama, Sāriputta và Moggallāna. Để nguyên như thế có lợi ích là tránh được ngộ nhận không cần thiết, tránh tam sao thất bổn, không tạo thêm chướng ngại, vấn nạn cho thế hệ đi sau (ví dụ: Vacchagotta và Vātsīputra là một hay hai người khác nhau?), giữ các danh từ riêng y nguyên, thống nhất, làm cho sự tham khảo nghiên cứu Phật Pháp của người sau trở nên dễ dàng. Một lợi ích nữa về mặt hoằng pháp là, nhờ quen thuộc các danh từ riêng, ta dễ nói chuyện với người ngoại quốc hơn.
Biết là không thể chờ đợi được (vì mất đến hàng thế kỷ) công trình đóng góp của nhiều người [vừa giỏi Phật học, vừa giỏi ngữ học, vừa muốn văn học Phật Giáo Việt Nam độc lập, thôi không còn trong tình trạng lệ thuộc văn hóa của người khác] vào việc tìm ra những chữ thật chỉnh, gọn gàng, rõ nghĩa để người học Phật Việt Nam không biết tí gì về Hán học hiểu dễ dàng, khi soạn dịch cuốn này, chúng tôi cố gắng dùng chữ đơn giản nôm na trong đời sống hàng ngày, dù lối dùng ấy có dài dòng và thô thiển. Chả sao cả. Đức Phật đã chẳng bác bỏ việc lưu tồn kinh điển theo thể loại bác cổ Veda dành cho một số người nào đó ư? Điều quan trọng là hiểu được ý của Pháp, vì một trong những đặc tính của Phật Pháp là svākkhāto, giải thích bằng chữ đơn giản để ai cũng có thể hiểu và thực hành được (Kinh Đại Bát Niết Bàn số 16, Trường Bộ Kinh (D. ii. 94). Vì vậy, tự biết văn thô kệch, không đánh bóng chải chuốt, xin qúi vị được ý quên lời, chánh pháp còn phải bỏ huống hồ… văn tự.
Soạn giả chân thành ghi ân tất cả các tác giả, tác phẩm đã được tham khảo ở đây. Xin cảm ơn anh Kingsley Rajapakse, người đã có nhã ý tặng cuốn The Abhidhamma In Practice để hôm nay cuốn sách này chào đời; cảm ơn anh Từ Sơn ở California không những đã sốt sắng gửi cho mà còn tận tình chỉ dẫn cách gắn software tiếng Pāli để việc phụ chú tiếng Pāli được hoàn chỉnh.
Cuối cùng, dù có cẩn trọng đến đâu, sơ sót không thể nào tránh khỏi. Soạn giả hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự thiếu sót của mình và chân thành đón nhận sự chỉ giáo xây dựng của các thức giả cao minh, để những công trình sau được hoàn mỹ hơn.
Soạn giả,
Kỷ niệm Phật Đản 2626
Toronto, Ontario, Canada.
—–*—–
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
—————————–
Bài viết được trích từ cuốn Abhidhamma Áp Dụng, tác giả Dr. N.K.G Mendis
Link cuốn Abhidhamma Áp Dụng
Link tải sách ebook Abhidhamma Áp Dụng
Link video cuốn Abhidhamma Áp Dụng
Link audio cuốn Abhidhamma Áp Dụng
Link thư mục tác giả Dr. N.K.G Mendis
Link thư mục ebook tác giả Dr. N.K.G Mendis
Link giới thiệu tác giả tác giả Dr. N.K.G Mendis
Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda