BÀI GIẢNG NGÀY THỨ CHÍN
Mười parami (hạnh ba-la-mật)
Có mười phẩm hạnh – parami – mà ta phải trau dồi hoàn hảo để đạt được mục đích cuối cùng. Mục tiêu là trạng thái hoàn toàn vô ngã. Mười parami này là những phẩm chất để phá bỏ dần tự ngã, nhờ đó đưa ta tới gần sự giải thoát hơn. Ta có cơ hội phát triển cả mười phẩm chất này trong một khóa thiền Vipassana.
Parami thứ nhất là nekkhamma – xuất gia hay từ bỏ. Ai đã trở thành tăng hay ni đều từ bỏ cuộc sống gia đình và sống không có tài sản riêng, thậm chí phải đi xin ăn (khất thực) hằng ngày. Làm như vậy với mục đích để phá tan bản ngã. Làm thế nào một cư sĩ có thể phát huy được phẩm chất này? Trong một khóa thiền như thế này, ta có cơ hội để thực hiện điều này, bởi vì ở đây ta sống nhờ vào lòng từ thiện của người khác. Nhờ chấp nhận những gì được ban cho như đồ ăn, chỗ ở, hoặc những nhu cầu khác, ta dần dần phát triển được hạnh xuất gia. Bất cứ những gì ta nhận được nơi đây, ta tận dụng chúng, gắng sức tu tập để thanh lọc tâm chẳng những có lợi cho riêng mình mà còn có lợi cho những người ẩn danh đã cống hiến cho mình.
Parami kế tiếp là sila – giữ giới hay giữ gìn đạo đức. Ta cố phát triển parami này bằng cách luôn luôn giữ năm giới, cả trong khóa thiền lẫn ngoài đời. Có rất nhiều trở ngại gây khó khăn cho việc áp dụng sila trong cuộc sống trần tục. Tuy nhiên, ở đây, trong một khóa thiền, không có cơ hội để phạm giới vì chương trình và kỷ luật nghiêm ngặt. Chỉ việc nói chuyện thôi cũng có thể làm ta phạm giới rồi. Vì lý do này, ta quyết giữ im lặng trong chín ngày đầu của khóa thiền. Bằng cách này, tối thiểu trong khóa thiền ta cũng giữ sila được hoàn hảo.
Một parami khác là viriya – nỗ lực (tinh tấn). Trong đời sống hàng ngày ta luôn có những nỗ lực, thí dụ như là nỗ lực để kiếm sống. Tuy nhiên, ở đây nỗ lực là để thanh lọc tâm bằng cách giữ ý thức và sự bình tâm. Đây là nỗ lực chân chính đưa tới sự giải thoát.
Một parami khác là panna – trí tuệ. Ngoài đời ta có thể có trí tuệ, nhưng đó là trí tuệ ta có được nhờ đọc sách hoặc nghe từ người khác, hoặc chỉ là sự hiểu biết trí thức đơn thuần. Parami thật sự về trí tuệ là sự hiểu biết phát triển trong chính mình, bằng kinh nghiệm của mình trong lúc hành thiền. Bằng cách tự quan sát ta trực tiếp nhận ra những sự thật về sự vô thường, đau khổ, và vô ngã. Nhờ thể nghiệm trực tiếp thực tại này ta thoát khỏi khổ đau.
Một parami khác là khanti – lòng khoan dung (nhẫn). Trong khóa thiền như thế này, tu tập và sống chung trong một nhóm, ta có thể thấy mình bị quấy rầy và khó chịu vì hành động của người khác. Nhưng chẳng bao lâu ta nhận ra rằng người gây rối không biết họ đã làm vậy, hoặc là họ bị ốm. Sự khó chịu mất đi, và ta chỉ cảm thấy thương yêu, từ bi đối với người đó. Ta bắt đầu phát triển được phẩm chất khoan dung.
Một parami khác là sacca – lòng chân thật. Bằng cách tu tập sila, ta tập duy trì sự chân thật trong lời nói. Tuy nhiên, sacca phải được tu tập ở mức độ sâu hơn. Mỗi bước trên con đường tu tập phải đúng với sự thật, từ thô thiển, dễ nhận biết, tới sự thật tinh tế hơn, tới sự thật tối hậu. Không có chỗ cho sự tưởng tượng. Ta phải luôn luôn duy trì sự thật mà ta thực sự cảm nghiệm được trong giây phút hiện tại.
Một parami khác là adhitthana – sự quyết tâm mạnh mẽ. Khi bắt đầu khóa thiền, ta nhất quyết ở lại trọn khóa. Ta nguyện giữ giới, giữ im lặng, tuân theo nội quy của khóa thiền. Sau khi được truyền dạy phương pháp Vipassana, trong mỗi buổi thiền chung một giờ, ta quyết tâm ngồi yên trọn giờ mà không mở mắt và không duỗi tay duỗi chân. Trên bước đường tu tập sau này, parami này rất quan trọng; khi gần tới mục đích cuối cùng, ta phải sẵn sàng ngồi liên tục cho tới khi được giác ngộ. Vì mục đích này phát triển quyết tâm mạnh mẽ là rất cần thiết.
Một parami khác là metta – tình thương thuần khiết không vụ lợi (từ tâm). Trong quá khứ ta cố gắng có tình thương và thiện chí đối với người khác, nhưng đây chỉ ở tầng ý thức của tâm. Tại tầng lớp vô thức, những căng thẳng cũ vẫn tiếp tục. Khi tâm đã được thanh lọc hoàn toàn, tự thâm tâm ta mong muốn mọi người được hạnh phúc. Đây là tình thương thật sự, hữu ích cho người và cho mình.
Một parami khác là upekkha – sự bình tâm (xả). Ta biết cách giữ được bình tâm không những khi gặp những cảm giác nặng nề, khó chịu hoặc chỗ không có cảm giác trong người, nhưng cả lúc gặp những cảm giác êm dịu, khoan khoái. Trong mọi trường hợp, ta hiểu rằng mọi kinh nghiệm trong giây phút đó đều vô thường, chắc chắn sẽ qua đi. Với sự hiểu biết này, ta giữ được thái độ không vướng mắc và tâm bình thản.
Parami cuối cùng là dana – từ thiện, cống hiến (bố thí). Đối với một cư sĩ, đây là bước đầu thiết yếu của Dhamma. Một cư sĩ có bổn phận kiếm tiền bằng nghề nghiệp chân chính để nuôi mình và những người thân. Nhưng nếu ta bị ràng buộc vào của cải ta kiếm được thì khi đó ta phát triển bản ngã. Vì lý do này, một phần những gì ta kiếm được phải được cống hiến cho lợi ích của người khác. Nếu làm như thế, bản ngã sẽ không phát triển vì ta hiểu rằng ta kiếm tiền không những cho ta mà còn cho cả người khác. Ta tự nguyện giúp đỡ người khác bằng mọi cách. Và ta nhận ra rằng, không một sự giúp đỡ nào tốt hơn là giúp cho họ học được cách thoát khổ.
Trong một khoá thiền như thế này, ta có một cơ hội quí báu để phát huy parami này. Những gì ta nhận được nơi đây đều do sự cống hiến của người khác; không tính tiền ăn, tiền ở, và chắc chắn không tính tiền giảng dạy. Để đáp lại, ta có thể đóng góp cho lợi ích của người khác. Số lượng ta đóng góp tùy theo khả năng của mình. Đương nhiên một người giàu có sẽ muốn đóng góp nhiều hơn, nhưng ngay cả sự đóng góp ít nhất, nhưng đóng góp với cả tấm lòng, cũng rất có giá trị trong việc phát huy parami này. Không trông mong được đền đáp, ta đóng góp để người khác có cơ hội được hưởng những lợi lạc từ Dhamma và có thể thoát hết khổ đau.
Nơi đây quý vị có cơ hội để phát huy cả mười parami (hạnh ba-la-mật). Khi cả mười phẩm chất này được hoàn hảo quý vị sẽ đạt được mục tiêu tối hậu.
Hãy tiếp tục tu tập để phát huy mười phẩm hạnh này từng chút một. Hãy tiến triển trên con đường Dhamma, không chỉ vì lợi ích và giải thoát cho riêng mình, nhưng cũng vì lợi ích và giải thoát cho nhiều người.
Nguyện cho tất cả những chúng sinh đang đau khổ tìm thấy được Dhamma thuần khiết và được giải thoát.
Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc!
Bài viết được trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF tại đây.
AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)