PHẬT GIÁO VÀ NIẾT BÀN
Niết Bàn là mục tiêu cuối cùng của người tu Phật. Người tu vì sợ sự thống khổ bởi phiền não gây ra. Nên chi quí Ngài hành để đến Niết Bàn là nơi không còn Phiền não, hay để diệt trừ tàn tuyệt, hoặc giụi tắt hẳn được ngọn lửa Tham Lam, Sân Hận và Si mê.
Vì Niết Bàn là mục tiêu chính yếu của Phật giáo, nên thật khó hiểu được. Tôi (soạn giả) không dám nói rằng đoạn sách ngắn như thế này có thể giải thích rõ được ý nghĩa của Niết Bàn hầu chư độc giả, nhưng tôi xin cố gắng hết sức mình để giải thích, xin trích trong nhiều đoạn kinh khác nhau, trong Tam tạng và trong bộ Mi-lan-đà, vấn nạn Ðại đức Na-tiên Tỳ kheo. Mong rằng đem lại phần nào hữu ích cho quí vị và xin hứa rằng: nếu thời giờ cho phép, tôi sẽ ráng tìm hiểu thêm và sẽ cống hiến quí vị trong những quyển sách kế tiếp theo.
Niết Bàn là danh từ trừu tượng, khó cho người thông hiểu được dễ dàng, mà cũng khó cho vị Pháp sư hay vị Trí thức nào có thể giảng giải được rõ rệt. Mặc dầu vị Ðại trí tuệ thuở xưa nổi danh là vị thông hiểu Tam-tạng nhứt là Ðại-đức Na-tiên Tỳ-kheo, cũng vẫn công nhận là khó diễn tả được. Vì Niết Bàn là nơi Tuyệt đối. Mà vạn vật trên thế gian này đều là vật tương đối nên không thể đem lại để so sánh thí dụ cho dễ hiểu được. Hơn nữa Niết Bàn cần phải hiểu rằng tuệ giác chứ không phải thấy bằng tâm thức được. Cũng như người nằm mộng, không thể chỉ giấc mộng của mình cho ai thấy được, hay là người đang nằm gần, ngồi gần mình, đang canh chừng mình cũng không thấy người đang nằm mộng thấy những gì. Vì vậy nên Ðức Thế Tôn gọi là tự đắc và tự mình thấy mà thôi. Có thể nói chúng sanh là người bịnh, và các pháp như Trì-giới Tham thiền Trí-tuệ, hay Bát chánh đạo là thuốc. Khi người uống thuốc trúng căn bịnh, đã mạnh thì người ấy biết mình mạnh và chỉ có người bịnh ấy mới biết rằng khi bịnh khổ chừng nào, mà khi mạnh cảm thấy trong mình như thế nào. Sự thơ thới không bịnh ấy chính là Niết Bàn. Người bịnh ví như hành giả trong cái khổ của thân này do Phiền não. Bịnh này phải trị bằng Bát-chánh-đạo, khi hành đứng đắn thì căn bịnh càng thuyên giảm; khi căn bịnh là phiền não thuyên giảm bớt đi, đến dứt hẳn bịnh thì chỉ có hành giả biết mà thôi, chớ không ai biết, Cũng như người bịnh vậy, khi mạnh thì chỉ có người bịnh mới hiểu được mình. Vì lý do ấy, nên Niết Bàn khó mà diễn tả bằng lời được. Chỉ có thể nói nơi ấy là nơi an vui tuyệt đối mà thôi.
Muốn dễ hiểu nơi đây tôi xin giải sơ lược về tiếng Niết Bàn. Niết Bàn cũng có nhiều tên khác nhau là: Vimutti, là giải thoát. Nirodha nghĩa là Dụi tắt (phiền não). Nirvana là Bắc phạn. Nibbãna Niết Bàn là nam phạn. Mặc dầu có nhiều tên chung qui cũng có một ý nghĩa là Dụi Tắt Phiền Não, Không Còn Khổ.
Tiếng Niết Bàn vẫn còn là tiếng Phạn nên chúng ta khó hiểu rõ rệt được. Tiếng Niết Bàn âm từ tiếng Nam phạn Nibbãna, hay Bắc phạn là Nirvana.
Xin chiết tự tiếng Nibbãna để quí vị có thể hiểu. Nibbãna chia ra làm hai phần là: Ni và Vãna. Ni có nghĩa là ra, Vana nghĩa là rừng. Muốn cho dễ đọc, Phạn ngữ đổi chữ Vana thành Bãna, khi chữ B đứng sau Ni có quyền thêm vào một chữ B nữa nên khi nối lại Nibbana có nghĩa là “Ra Khỏi Rừng”.
Rừng đây ý nói Rừng Phiền Não. Phàm người ở trong rừng thì có rất nhiều tai nạn nguy hiểm như thú dữ, nước độc và phi nhơn, ngoài ra rất khó mà ra khỏi rừng được, thật dễ lạc mất lối đi. Ðây là rừng thường, còn cái rừng phiền não trong lòng ta, thì càng âm u, và nhiều cạm bẫy cùng các giống thú dữ. Cái rừng ấy là Samyojana, ta dịch là Mười Kiết sử, nói cho dễ nghe là mười điều trói buộc chúng sanh, không cho giải thoát. Người lạc trong rừng thường có thể ra được, nhưng đối với rừng phiền não thì rất khó mà ra được.
Vì vậy nên Niết Bàn có nghĩa là người ra khỏi phiền não ở trong thâm tâm.
Niết Bàn cũng còn có nghĩa là Dụi tắt. Ý nói phiền não là một thứ lửa vô hình mà rất nóng, hằng thiêu đốt chúng sanh nên chúng sanh, sanh trong hoàn cảnh nào, trường hợp nào cũng không khỏi khổ. Dầu chúng sanh có cố gắng tìm sự an vui cho mình cũng chẳng hoàn toàn an vui được. Nên chi chư Thinh văn đệ tử Phật hằng ráng cố sức mình dụi tắt lửa phiền não bên trong, khi dụi tắt được là đã đắc Niết Bàn, có nghĩa là dụi tắt được Khổ.
Giải đến đây tưởng cũng nên nhắc lại câu Phật ngôn trong Tạng Kinh, Bộ Itivuttaka đoạn Dutĩyavagga. Bài kinh Sattamasutta dạy:
Idha Bhikkhave Bhikkhu Araham Hoti Pkhĩnasavo Vusitava Katakaraniyo Ohitabhabo Anuppattasadattho Parikhinabhavasamyojano Sammadanna Vimutto.
Nghĩa: Này các thầy Tỳ-khưu, trong kiếp hiện tại này vị Tỳ-khưu nào đã xa lìa phiền não, hết những phiền não, ngủ ngầm trong tâm, đã hành tròn phạm hạnh, làm xong nhiệm vụ, để gánh nặng xuống, diệt tận kiết sử pháp, tạo điều lợi ích cho mình, đã giác ngộ và giải thoát. Song nếu còn thân ngủ uẩn này gọi là Hữu Dư Niết Bàn. Ý nói: Chư A-la-hán đã hoàn toàn giải thoát nhưng còn mang thân ngũ uẩn này vì chưa hết tuổi thọ của kiếp sống. Các Ngài vẫn sống như người thường, đây là còn dư sót thân nhưng không còn phiền não.
Khi các Ngài sống hết tuổi thọ xong, nhập diệt gọi là Vô Dư Niết Bàn.
Trong câu Phật dạy, có đoạn nói: “bỏ gánh nặng xuống”. Có nghĩa là bỏ ba điều rất là nặng nề, thường do nơi ba điều ấy mà chúng sanh bị chìm trong biển khổ mãi. Ðó là:
- Khandahbhãra, Gánh nặng ngũ uẩn.
2. Kilesabhãra, Gánh nặng phiền não.
3. Abhisankhãbhãra: Tạo tác nghiệp thiện hay ác là gánh nặng.
Có đoạn nói Diệt trừ tận Kiết sử, là mười điều tiếng Phạn gọi là Samyojana, nghĩa là những sợi dây trói buộc người lại trong biển trầm luân.
Niết Bàn là nơi yên tĩnh tuyệt đối, không thể giải bằng lời ví dụ, bằng sự vật thực. Nhưng Niết Bàn có ba đặc điểm khác thường là:
- Trạng thái: Niết Bàn có sự hoàn toàn an tịnh là trạng thái.
2. Vị: Niết Bàn có sự bất diệt là Vị.
3. Hiện tượng: Niết Bàn có sự không có giới hạn là hiện tượng.
Sở dĩ mà người không thấu đáo hay đoạt được quả vị thanh cao là Niết Bàn bởi người ấy còn chứa đựng Phiền não là Tham Lam, Sân hận và Si mê Tà-kiến v.v… tạo ra nhiều nghiệp chướng Thiện hay Ác nên vẫn còn phải Luân hồi.
Tóm lại khi người dụi tắt được ohiền não ngủ ngầm trong tâm mình là người đắc được Niết Bàn. Nhân tiện đây tôi xin nhắc lại một đoạn trong bài kinh Aggivacchasutta trong Tạng kinh, bộ Majjhimanikãya đoạn Majjhimapannãsaka:
Ðức-Thế-Tôn có thuyết cho ông Bà-la-môn đến vấn nạn Ngài như vầy:
Thầy Bà-La-Môn Aggivaccha hỏi Ðức-Thế-Tôn rằng: Vị Tỳ-Khư đã có tâm hoàn toàn giải thoát rồi, sẽ sanh vào đâu?
– Này thầy Bà-la-môn Vaccha, không nên dùng tiếng sẽ sanh ấy.\
– Bạch Ngài Cồ-đàm, nếu vậy thì không có sanh sao?
– Này thầy Bà-la-môn Vaccha, tiếng nói không sanh cũng chẳng nên dùng đối với các vị ấy.
– Bạch Ngài Cồ-Ðàm, nếu vậy thì sanh cũng có, không sanh cũng có?
– Này thầy Bà-la-môn Vaccha, tiếng nói sanh cũng có, không sanh cũng có, cũng chẳng nên dùng.
– Bạch Ngài Cồ-Ðàm, nếu vậy thì sanh cũng không phải, mà không sanh cũng không phải?
– Này thầy Bà-la-môn Vaccha, tiếng nói sanh cũng không phải, mà không sanh cũng không phải thì cũng chẳng nên dùng.
– Bạch Ngài như tôi đã hỏi Ngài rằng: Tâm thầy Tỳ-khưu hoàn toàn giải thoát rồi sẽ sanh vào đâu? Ngài dạy: này thầy Bà-la-môn Vaccha, không nên dùng tiếng sẽ sanh ấy v.v.. Bạch Ngài, thật tôi không hiểu biết điều này được. Tôi đã đi đến nơi tối mê rồi. Sự trong sạch của tôi từ trước đến nay cũng tiêu mất rồi.
– Này thầy Bà-la-môn Vaccha, sự thật thì thầy không hiểu, thầy sẽ tối mê, vì pháp này là pháp cao siêu vô tận khó cho phàm nhơn thấy và hiểu, pháp này thật là yên tịnh, vi tế, không phải pháp để cho người thông hiểu được, vì phải suy gẫm rất là vi tế, chỉ có bực có rất đầy đủ duyên lành trí tuệ mới thấy và hiểu được. Pháp này có sự hiểu biết khác nhau của nhiều vị Giáo chủ. Vậy thì Như Lai hỏi lại thầy, thầy hiểu câu hỏi của Như Lai thế nào thì đáp lại như thế ấy. Này thầy, Bà-la-môn Vaccha, nếu lửa đang cháy sáng trước mặt thầy thầy có thể thấy biết rằng: lửa đang cháy trước mặt thầy, phải chăng?
– Bạch Ngài Cồ-Ðàm, nếu lửa đang cháy trước mặt tôi, thì tôi sẽ biết lửa ấy đang cháy trước mặt tôi.
– Này thầy Bà-la-môn Vaccha, nếu ai có hỏi thầy như vầy: Lửa đang cháy trước mặt thầy đây, vậy do nhờ nơi một lý do nào mới cháy được. Nếu bị hỏi vậy thì thầy phải trả lời thế nào?
– Bạch Ngài Cồ-Ðàm, nếu có người hỏi tôi: Lửa cháy trước mặt tôi do nơi lý do nào? Tôi sẽ đáp: Lửa cháy trước mặt tôi là do nơi bổi là cỏ và cây.
– Này thầy Bà-la-môn Vaccha, nếu lửa trước mặt thầy lại tắt đi, thì thầy có biết rằng: Lửa trước mặt thầy đã tắt rồi không?
– Bạch Ngài, biết, nếu lửa trước mặt tôi tắt, tôi biết lửa ấy đã tắt?
– Này thầy Bà-la-môn Vaccha, nếu có ai hỏi thầy rằng: Lửa trước mặt thầy đã tắt đi ấy, lửa đó đi về đâu, về hướng Ðông, hay Nam, hoặc là Tây hay là Bắc. Nếu thầy bị hỏi vậy thì thầy phải trả lời cách nào?
– Bạch Ngài Cồ-Ðàm, điều này không thể trả lời được. Vì lửa ấy do nơi bổi là cỏ và cây nên mới cháy được, nhưng khi bổi ấy đã không còn, và lại không có vật gì khác thay vào làm bổi, lửa ấy không thể cháy được; nên phải tắt.
– Này Vaccha, điều này cũng ví như khi đã gọi là chúng sanh, gọi là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức ấy, Như-Lai đã diệt tận gốc rễ của Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức ấy đã bị đào tận rồi, làm như cây thốt nốt bị chặt cụt ngọn không làm sao sống được nữa. Như-Lai đã giải thoát khỏi sắc (mà người đời cho là) quí báu. Vì vậy nên không ai có thể ước lượng được, đi đến nơi ấy được, không thấu đáo được.
Cũng như Ðại dương, người có nên nói rằng: sanh cũng có, diệt cũng có, không sanh cũng có, không diệt cũng có, Như-Lai đã diệt tận Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng như cây thốt nốt đã bị đứt ngọn không thể sống được. Như-Lai đã đi đến nơi hoàn toàn giải thoát là điều mà không ai ước lượng được.
Thầy Bà-la-môn tên Aggavaccha ngộ được Lý-đạo và xin qui y Tam Bảo. Và là người thiện nam thật là thông minh.
Nhắc lại đoạn này để quí vị thấy rằng, Niết Bàn là nơi dụi tắt được tất cả những phiền não, vì vậy nên không thể dùng điều vì để gọi được.
Thiết tưởng nơi đây tôi nên đem lại đoạn “Vấn đáp của Ðức vua Mi-lản-đà và Na-tiên Tỳ-Khưu”, để là cho sáng tỏ ý nghĩa của sự tắt của Niết Bàn.
Trong đoạn Nibbãnassa Patthãnapanhã (chỗ ở của Niết Bàn).
Ðức vua Mi-lản-đà hỏi Ðại đức Na-tiên: Bạch đại đức, vậy Niết Bàn ở nơi nào. Hướng Ðông, hướng Tây, hướng Nam hay hướng Bắc, Trên hay hướng Dưới?
– Tâu Ðại vương, Niết Bàn không có ở nơi nào, làng xóm, xóm nào cả.
– Bạch đại đức, chỗ ở của Niết Bàn không có, vậy thì Niết Bàn không có sao? Vậy thì tiếng nói làm cho thấu rõ Niết Bàn là sai rồi. Bạch Ðại đức, Ngài là bực Ðại Trí tuệ. Nơi đây tôi ví dụ như mặt đất là nơi để cho cây cỏ lúa v.v…. mọc lên. Có hoa thơm, cỏ lạ, ngũ cốc nuôi người. Biển cả chứa đựng nhiều châu, ngọc quí báu, người muốn tìm những vật quí báu ấy thì tìm ở biển cả. Nếu Niết Bàn không có chỗ ở thật sự thì cũng phải có chỗ ở tạm thời như những điều mà trẫm đã kể ấy. Vì vậy trẫm nghĩ rằng: Nếu Niết Bàn không có một nơi nào trụ lại thì Niết Bàn không có, câu nói làm cho thấu rõ Niết Bàn cũng chẳng có.
– Tâu Ðại vương, thật ra thì Niết Bàn không có chỗ ở như Ðại vương đã phán. Niết Bàn ở chỗ mà hành giả quan sát thấy rõ sự Sanh và Diệt của các pháp hành.
Tâu Ðại vương, sự thật lửa mà có ấy chính nó không có chỗ ở riêng của nó. Khi người cần lửa đem que diêm quẹt lại, quẹt vào miếng diêm thì nó cháy lên, điều này cũng như khi hành giả muốn được Niết Bàn, quan sát thấy rõ sự sanh diệt của các pháp hành, rồi nhờ ấy mà giải thoát là đắc được Niết Bàn, cũng như que diêm quẹt vào diêm mới sanh ra lửa.
Một lẽ nữa là bảy báu của vị Chuyển Luân Thánh vương là:
– Cakkaratanam, Bánh xe báu.
– Hatthiratanam, Tượng báu.
– Assaratanam, Ngựa báu.
– Maniratanam, Ngọc Ma ni báu.
– Itthiratanam, Vợ báu.
– Gahapatiratanam, Trưởng giả báu.
– Parinãyakaratanam, Quan tướng báu
Bảy báu kể trên có, nhưng không có chỗ cư ngụ, khi nào có vị nào có đủ đức cao, phước rộng thì bảy báu ấy sanh lại cho người dùng. Ðiều này cũng ví như, khi hành giả quan sát thấy rõ sự sanh diệt của các pháp hành, thì Niết Bàn đến với các vị hành giả ấy.
Ðức vua liền phán hỏi: Bạch Ðại Ðức, nếu Ngài dạy Niết Bàn không có chỗ nào để ở, nhưng trường hợp đắc Niết Bàn lại có. Nếu người hành ấy ở trường hợp tương xứng thì sẽ đắc được, vị hành giả ấy sẽ làm cho thấy rõ Niết Bàn.
– Tâu Ðại vương, đúng như lời Ðại vương phán, trường hợp đắc được Niết Bàn có, như hành giả nào, ở trong trường hợp tương xứng sẽ đắc được Niết Bàn.
– Bạch Ðại đức, vậy trường hợp ấy có xin giảng giải thế nào cho trẫm hiểu.
– Tâu Ðại vương, trường hợp ấy là Giới phải cho trong sạch tuyệt đối. Hành giả là bực trí tuệ, khi được ở trong giới trong sạch dùng Trí tuệ quan sát cho chu đáo. Vị ấy dầu ở nơi nào chẳng hạn thì cũng có thể làm cho thấu rõ Niết Bàn được. Ðiều này cũng ví như người ở trong rừng Sakãya, trong xứ Alasanda, hay tại xứ Kasĩkosala, hay ở trong xứ Gandha, hoặc ở trên chót núi, trong cõi Ngũ tinh Phạm thiên cũng đều trông thấy hư không như nhau. Ðây cũng như hành giả ở trong giới trong sạch dùng Trí tuệ quan sát thấy rõ rệt Vô thường, Khổ não, Vô ngã, dầu ở nơi nào, trường hợp nào, cũng đều đắc Niết Bàn được.
Hơn nữa, mặc dầu người ở trong rừng Sakãya cũng như người ở trong châu thành hay ở trong cõi Phạm thiên đều rõ biết hướng Ðông ở nơi nào. Cũng như người có giới đức trong sạch thì cũng có thể làm cho rõ thấu Niết Bàn.
Xin Ðại vương hiểu rằng: Người nào có giới hạnh trong sạch, mặc dầu người ấy ở trường hợp nào cũng là địa điểm làm cho người ấy rõ thấu Niết Bàn.
Ðức vua lấy làm thỏa mãn lời giảng ấy. Ngài liền nói: Bạch Ngài, Ngài là người dựng lá cờ cao thượng là Giới làm trường hợp là nơi thấu đáo được Niết Bàn. Trẫm lấy làm thỏa mãn. Trẫm xin vâng giữ và thật hành theo lời chỉ dạy của Ngài.
Theo đoạn này chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng: Niết Bàn là nơi tuyệt đối cao thượng không có chỗ nào là nơi ở, và điểm đặc biệt là người đắc Niết Bàn trong tâm mình, và tự mình trông thấy Niết Bàn mà thôi.
Trong Tạng kinh bộ Anguttabanikãya, đoạn Tikanipãta, hai kinh Nabbutasutta, Ðức Thế Tôn có dạy về kẻ nào đắc được Niết Bàn thì tự mình trông thấy. Ðoạn ấy như thế này:
Khi ấy có thầy Bà-la-môn tên Janusonĩ vào hầu Phật và bạch hỏi Ðức Thế Tôn rằng: – Bạch Ngài Cồ-đàm, Ngài hằng dạy rằng: Niết Bàn mà vị nào đắc quả thì sẽ tự mình thấy rõ. Nếu vậy, bạch Ngài, do bao nhiêu nguyên nhân, nên Niết Bàn có được đặc ân mà người nào đắc quả thì tự người ấy thấy, không chờ thì giờ, không thể gọi người khác thấy được, chỉ có một mình người đắc trông thấy mà thôi?
Ðức-Thế-Tôn dạy: – Này thầy Bà-la-môn Jãnusonĩ, người bị phiền não là Tham ái thống trị, thì tâm người ấy chỉ nghĩ đến sự làm hại bản thân mình, hay kẻ khác, hoặc nghĩ làm hại mình và kẻ khác, tâm kẻ ấy hằng thọ khổ. Khi mà Tham ái đã bị tiêu diệt rồi, thì người ấy không bao giờ nghĩ làm hại kẻ khác và cũng chẳng hề làm hại bản thân mình. Kẻ ấy không còn có sự đau khổ, nóng nảy trong tâm nữa.
Này thầy Bà-la-môn, nhân mà Như-Lai đã giảng dạy, nên làm cho Niết Bàn có đặc ân cao thượng là chỉ có người thấu đạo được Niết Bàn mới thấy và biết rõ Niết Bàn mà thôi, kẻ khác ngoài ra người ấy không thể thấy được.
Này thầy Bà-la-môn, người bị Sân hận thống trị, bị Si mê cai quản hằng nghĩ làm hại mình hay làm hại kẻ khác v.v… (xin hiểu như đoạn nói trên).
Này thầy Bà-la-môn, khi người thọ hưởng quả của Pháp là sự không tham lam, sân hận và si mê thì tự mình thấy rõ Niết Bàn, không chờ ngày giờ, mà cũng không thể chỉ cho ai trông thấy được. Bực Trí-thức tự mình đắc, và tự mình thấy như Như Lai đã giảng.
Tạng kinh bộ Khuddakanikãya, đoạn Pãtiligãmavagga, bài kinh Nibbãna thứ nhứt có dạy:
Ðức Thế Tôn ngự tại Kỳ viên Tịnh xá của Trưởng giả Cấp-cô-độc gần thành Thất-la-phiệt.
Ðức Thế Tôn có dạy chư Tỳ-khưu rằng: này các thầy Tỳ-khưu, các căn có Ðất, Nước, Gió, Lửa, Không vô biên, Vô sở hữu, Phi phi tưởng, đời này, đời vị lai không có trong các căn ấy. Này các thầy Tỳ-khưu, Như Lai không dạy rằng: Là sự đi đến, sự trụ lại, sự sanh lên, căn ấy không có nơi nào để cư ngụ, không có đề mục, nơi ấy là nơi hết khổ.
Ý Ðức Thế Tôn dạy rằng: tất cả mọi cảnh trong Tam giới và trong Tam-thế đều không phải là nơi đi đến hay cư ngụ của Niết Bàn; mà Niết Bàn ngoài những vật ấy, nơi ấy không còn khổ.
Trong bài kinh Niết Bàn thứ hai có dạy rằng: Khi ấy Ðức Thế Tôn ngự nơi Kỳ viên Tịnh xá. Ngài có dạy chư Tỳ-khưu rằng: Nơi mà người khó trông thấy nhứt, (nơi ấy) không có ái dục. Niết Bàn là vật tuyệt đối vì vậy nên người không thể thấy được dễ dàng. Nếu người nhận thức biết rõ rệt Ái dục thì phiền não là vật làm cho người bận, và trầm luân sẽ không sanh lên đến người ấy được.
(Câu nói không có ái dục, nghĩa là quan sát thấy rõ Ái dục là nguồn gốc sanh tội lễ là Luân hồi, nên diệt tận gốc vì vậy các phiền não không dựa vào đâu để sanh được nên giải thoát khỏi sự làm cho bận bịu, và đã giải thoát).
Trong bài kinh Niết Bàn thứ tư có dạy rằng: Sự rung động (có nghĩa là tâm chạy theo hoàn cảnh bên ngoài) vì người còn có Ái dục và Tà kiến. Khi có không sự rung động là có sự trong sạch, khi có sự trong sạch thì không có sự ưa thích. Khi ấy không có sự đến và đi, không có sự đến và đi thì cũng không có sự Diệt hay Sanh. Khi không có diệt sanh thì cũng không có đời Hiện tại mà cũng chẳng có vị lai, khoảng giữa của hai đời ấy cũng chẳng có, và nơi ấy là nơi tận cùng của Khổ.
Tiếng nói “trong sạch” nơi đây không có nghĩa là: trong sạch là hết phiền não, mà tiếng “trong sạch” này có ý nghĩa là không yêu mến những phiền não, nếu không có yêu mến thì không có ưa thích v.v….
Nói về đặc ân của Niết Bàn là làm người đã thoát khỏi sự khao khát vì phiền não bên trong tâm. Tôi xin trích một đoạn ở bài kinh gọi là Mãgandiya, bộ Majhimanikãya, Majjhimapannassaka.
Ðoạn này Ðức Thế Tôn có thuyết cho một vị ngoại đạo tên là Mãgandiya như vầy:
– Này Mãgandiyã, sự thật, Sa-môn hay Bà-la-môn nào là người đã giải thoát khỏi dục vọng, là sự làm cho con người khao khát. Tâm đã vắng lặng, hay tâm đang ở trong sự vắng lặng, hoặc sẽ vào nơi vắng lặng. Tất cả các vị ấy đều hiểu rõ sự sanh diệt, sự lợi ích, hay sự tai hại, hiểu rõ phương pháp giải thoát khỏi trần cảnh đúng với sự thật. Diệt tận được Ái dục trong cõi dục, diệt được sự nóng nảy phát sanh lên do nơi Ái dục thiêu đốt. Vì vậy nên vị ấy đã giải thoát khỏi sự thiêu đốt khao khát. Tâm bên trong đã yên lặng, đang ở trong sự yên lặng hay sẽ ở trong sự yên lặng.
(Câu nói Tâm bên trong an-lặng v.v… ấy có nghĩa là các bực Thánh nhơn, tâm luôn an tịnh, và các Ngài sẽ nhập định nên gọi là sẽ vào nơi vắng lặng. Hoặc đang ở nơi vắng lặng, nghĩa là đang nhập đại định).
Sau khi dạy dứt câu trên, Ðức Thế Tôn liền dạy rằng:
Arogã paramã Lãbbã Nibbãnam Paramam Sukham
Sự không có bịnh tật là sự được lợi lộc cao quí nhứt. Niết Bàn là nơi an vui tuyệt đối: tất cả các con đường đi, đường là Bát-chánh-đạo là đường đi đến nơi giải thoát.
Sau khi Ðức Thế Tôn thuyết xong câu ấy, thầy Mãgandiya liền bạch với Ðức Thế Tôn rằng: Bạch Ngài Cồ Ðàm; thật là chuyện phi thường chưa bao giờ có xảy ra, câu của Ngài đã dạy là: sự không có bịnh tật, là lợi lộc cao quý nhứt. Niết Bàn là nơi an vui tuyệt đối. Câu này mặc dầu tôi đã có nghe nơi thầy tổ của chúng tôi dạy, câu này thật thích đáng.
– Này Mãgandiya, điều mà thầy đã được nghe của các vị ngoại đạo là thầy của thầy dạy. Sự không có bịnh là lợi lộc cao quý nhứt. Niết Bàn là nơi an vui tuyệt đối. Vậy sự thật không bịnh là thế nào? Niết Bàn là thế nào?
Khi ấy ông Mãgandiya dùng tay rờ khắp châu thân của ông xong mới bạch Phật rằng: Bạch thầy Cồ Ðàm, không có bịnh là như vầy, Niết Bàn là như vầy. Bạch ngài Cồ Ðàm, hiện giờ tôi là người không có bịnh, có sự an vui, không có gì làm khổ tôi được.
– Này Mãgandiya, vì như người mù từ trong bụng mẹ, tức nhiên người ấy không hề thấy màu đen, trắng, xanh, vàng, đỏ v.v.. cũng chẳng thấy gồ ghề hay nơi bằng thẳng, không thấy trăng, sao, mặt trời. Người ấy chỉ được nghe người sáng mắt nói rằng: các người ơi, xem đây khố vải trắng thật sạch không có một tí bợn nhơ nào hết, thật đẹp làm sao. Người mù ấy nghe liền muốn có khố vải trắng để mặc, nên mới đi tìm mua một khố vải trắng tinh như nghe người nói. Có người đem lại bán cho một tấm vải đen, bán cho người mù, và bảo rằng: Ðây là vải trắng, thật là tinh khiết, không chút bợn nhơ. Người mù ấy lấy làm vui mừng, lấy tấm vải ấy mặc vào và khoe với người ta rằng: này quí vị ơi, đây là khố vải trắng tinh, không có chút bợn nhơ, thật là đẹp.
Này Mãgandiya, vậy người nghĩ sao? Người mù ấy có thấy và có biết rằng tự mình mặc tấm vải đen, mà còn vui mừng cho là vải trắng, sạch, lại còn khoe là mặt vải trắng.
– Bạch Ngài Cồ Ðàm; Người mù ấy không hiểu, không biết, không nhận thấy mặc tấm vải đen, lại còn vui vẻ khoe với người khác: tấm vải trắng không chút bợn nhơ. Sở dĩ người mù ấy vui thích và nói vậy vì tin người sáng mắt kia.
– Này Mãgandiya, các người ngoại đạo cũng vậy, có nghĩa là người không có mắt; không biết sự không có bịnh như thế nào, không thấy Niết Bàn ra sao. Mặc dầu vậy vẫn nói: sự không có bịnh là lợi lộc quí nhứt, Niết Bàn là nơi an vui tuyệt đối.
Này Mãgandiya, chư Phật trong lúc quá khứ đã có dạy: sự không có bịnh là lợi lộc quí nhứt. Niết Bàn là nơi an vui tuyệt đối. Tất cả các con đường, Bát-chánh đạo là con đường đi đến nơi giải thoát.
Câu Phật ngôn ấy, phàm nhơn học thuộc và truyền ngôn với nhau. Này Mãgandiya, thân này là ổ của bịnh, thân này ví như mụt ung thư, thân này ví như mũi tên nó là nơi sanh ra tất cả sự khổ cực, bịnh hoạn.
Các người nói rằng: thân này là ổ của bịnh, là mụt nhọt, cây tên là nơi sanh ra sự khổ cực bịnh hoạn. Thưa Ngài Cồ-Ðàm, sự không có sanh là như thế này. Niết Bàn là như thế này. Nhưng kỳ thật ngươi (Mãgandiya) không có Thánh nhãn, là vật để trong thấy rõ sự thật của sự không bịnh, là nhân làm cho thấu rõ Niết Bàn.
Ông Mãgandiya bạch Phật: – Bạch Ngài Cồ-Ðàm, tôi rất là trong sạch với Ngài. Ngài là đấng có thể giảng giải Pháp bảo cho tôi, làm cho tôi thấu được lý do diệt hết căn bịnh hiểm nghèo là Phiền não và thấu rõ Niết Bàn.
(Câu Phật dạy “Bịnh” đây Ngài ngụ ý bịnh của tinh thần vì vậy nên ông ngoại đạo không hiểu tưởng là bịnh của thể xác).
Sau cùng Ðức Thế Tôn dạy:
– Này Mãgandiya, nếu vậy thầy nên thân cận với các bực Trí thức; vì khi thầy được thân cận với các bực Trí thức thì thầy sẽ được nghe lời giáo huấn của các Ngài. Khi thầy được nghe lời giáo huấn, thì thầy sẽ hành theo chánh đạo đúng theo Thánh-pháp. Khi thầy hành chân chánh thì thầy sẽ đắc được Thánh quả tuỳ theo sở hành của thầy đã hành. Khi ấy thầy sẽ tự thấy, thấu rõ như vầy: tật bịnh, mụt ung thư, cây tên. Ðây là ổ của bịnh, đây là mụt ung thư, đây là cái tên. Thì những vật ấy sẽ tắt hẳn. Vì sự chấp các pháp hành bị dụi tắt thì Hữu (Cảnh giới) cũng phải diệt. Khi Hữu (cảnh giới) ấy đã diệt thì sự Sanh lại cũng diệt. Khi Sanh đã bị diệt thì sự Già, Chết, buồn rầu, than khóc, khổ não, ưu phiền, đau đớn, tuyệt vọng cũng diệt cả.
Sau khi nghe đoạn này ông Mãgandiya lấy làm trong sạch với Phật giáo. Ông liền xin xuất gia. Theo luật của nhà Phật, người ngoại đạo muốn xuất gia phải bị phạt cấm phòng 4 tháng.
Ông rất hài lòng, vì được bị phạt cấm phòng ấy. Và sau cùng ông xuất gia và hành đạo đắc được A-la-hán quả.
Theo Phật ngôn dạy “ổ bịnh” ý nói thân này là nơi xuất phát chứa tất cả các thứ bịnh, nào là bịnh vật chất, mà bịnh nguy kịch hơn là bịnh Tham lam, Sân hận, và Si mê. Người bị bịnh ung thư khó mà thoát khỏi bịnh mặc dầu có thầy hay thuốc quí. Ngài dạy như là mũi tên, ví nó là vật bén nhọn đâm vào thâm tâm con người. Nên hiểu rõ ý nói thân này bị tên bắn trúng, tên ấy là tên tẩm độc hành hạ người không bao giờ chữa hết.
Vì người vẫn cố chấp thân này, và vạn vật bên ngoài, nên ví như người mù mặc vải đen mà cho là vải trắng. Chỉ tin ở kẻ khác không tìm hiểu trong tâm mình, vì vậy nên không có được Pháp Nhãn hay Thánh nhãn.
Ðể quí vị dễ nhận thức và tham cứu Phật giáo về vấn đề giải thoát là đến nơi không còn phiền não và nơi ấy ở đâu, nên tôi xin dịch lại những đoạn vấn đáp giữa lúc Ðức vua Mi-lản-đà và Ðại đức Na-tiên Tỳ-khưu.
Theo bộ Mi-lản-đà Vấn Ðạo thật là nhiều đoạn, tôi chỉ rút lấy những đoạn nào dạy về Niết Bàn dịch ra đây để quí vị dễ hiểu về lời giảng dạy của 2 vị thông minh nhất thời kỳ ấy.
Nibbãnassa Atthibnãvanã Panhã.
(Vật gì trong Thế gian này sanh lên bởi Nghiệp thời tiết, vật gì sanh lên không cần hai vật ấy).
Ðức vua Mi-lản-đà phán hỏi Ðại-đức Na-tiên: Bạch Ðại đức Na-tiên. Tất cả vạn vật trong thế gian này sanh lên do nơi Pháp Thiện hay Ác cấu tạo, nên chẳng hạn như chúng sanh mà ta thấy rõ sanh ra phải do nơi một nguyên nhân, ngoài ra còn có những vật sanh lên vì thời tiết cũng có. Vậy bạch Ngai, có vật gì khi sanh lên không cần có Nghiệp là Tội hay Phước cấu tạo không? Và cũng không phải nhờ nơi thời tiết mới sanh lên được? Xin Ngài dạy cho Trẩm hiểu.
Ðại đức Na-tiên: Tâu Ðại vương, vật mà sanh lên không cần do nơi nghiệp mà cũng không do nơi thời tiết ấy có hai điều là Hư Không và Niết Bàn.
– Bạch Ngài Ðại đức, xin Ngài đừng khinh thường Phật ngôn, nếu Ngài có hiểu thì đáp, bằng không thì thôi?
– Tâu Ðại vương, Bần đạo có nói gì khác đâu, mà Ðại Vương lại phán dạy như vậy
– Bạch Ngài, xin Ngài giải cho đúng theo Phật ngôn mà Ðức Thế Tôn đã thuyết, nếu Ngài thông hiểu thì bảo là hiểu, bằng không thì bảo là không. Tại sao Ngài dạy rằng: Hư không và Niết Bàn không sanh lên do nơi Nghiệp cấu tạo? Ðức Thế Tôn có dạy rằng: con đường này, Như Lai thuyết rằng: là nhân làm cho rõ Niết Bàn. Trái lại Ngài lại bảo rằng: Niết Bàn là không có nhân cấu tạo. Vậy Ngài có chắc chắn như Ngài đã dạy không?
– Tâu Ðại vương, thật ra Niết Bàn không sanh lên bởi Nhân cấu tạo. Lời Phật dạy: đạo là nhân làm cho thấy rõ Niết Bàn. Ðức Thế Tôn có thuyết hàng ngàn hàng vạn nguyên nhân, lý do, nhân sanh lên vạn vật, nhưng đối với Niết Bàn thì lại không.
Ðức vua dạy: Bạch Ngài vậy thì cũng như chúng ta ở trong nơi mờ tối lại đi vào lối tối hơn nữa, hoặc cũng như người ở trong rừng rậm này ra rồi lại đi đi vào rừng rậm khác nữa. Nếu không vậy thì cũng như ra khỏi nơi rừng sâu lại vào rừng sâu hơn nữa; điều này ví dụ thế nào, cũng như Ðại đức dạy rằng: Nhân làm cho Niết Bàn sanh lên không hề có. Nhân làm cho rõ Niết Bàn có. Thì cũng không khác nào người ra khỏi rừng này lại vào rừng khác vậy. Nếu Ðại đức dạy rằng: Nhân làm cho rõ thấu Niết Bàn ấy có, thì cũng nên nói Nhân sanh Niết Bàn có. Cũng như con thì có cha, tức nhiên phải có ông nội. Nếu có Ðệ tử phải có thầy, có thầy thì phải có Tổ, những giống cây có hiện nay thì tức nhiên phải có từ trước. Ðiều này cũng như khi nói rằng: Có nhân làm thấu rõ Niết Bàn thì cũng phải có Nhân sanh ra Niết Bàn chớ. Cũng như, khi có ngọn cây thì tức nhiên phải có thân cây, cũng như khi có nhân làm thấu rõ Niết Bàn thì cũng phải có nhân sanh Niết Bàn chớ.
– Tâu Ðại vương, Niết Bàn không còn có nhựa là Ái Dục, vì vậy nghĩ rằng, Niết Bàn sanh lên bởi Nhân như lời của Ðại vương phán ấy là không nên. Vì lẽ Niết Bàn không có nhựa để sanh, nên gọi Niết Bàn không có Nhân sanh.
– Bạch Ngài đại đức, vậy xin Ngài vui lòng đem ví dụ lại giảng cho Trẩm thông đạt được rõ ràng hơn.
– Vậy Bần đạo xin Ðại vươong hãy chú tâm nghe, bần đạo sẽ giảng cho Ngài thấy rõ Nhân Trạng Thái của Niết Bàn. Vậy nhân tiện bần đạo xin hỏi Ðại vương: Có một người kia khoẻ mạnh, vậy ngưòi ấy có thể đi đến Hy Mã lạp sơn chăng?
– Bạch Ðại đức tức nhiên là có thể đến nơi ấy.
– Tâu Ðại vương, người ấy đã đến Hy Mã Lạp sơn, vậy người ấy có thể đem Hy Mã Lạp Sơn về cho người ta xem được không?
– Bạch Ðại đức, cố nhiên không thể nào người ấy đem quả núi vĩ đại ấy về cho ta thấy được.
– Tâu Ðại vương, người ấy không thể đem quả núi ấy về cho người đời xem được, cũng như Bần đạo có thể nói rằng: Ðạo làm cho rõ thấu Niết Bàn, nhưng không thể đem lại nhân sanh Niết Bàn giải rõ để hầu Ðại vương được. Tâu Ðại vương, một điều nữa: có người kia mạnh khoẻ có thể dùng thuyền vượt qua bờ bên kia đại dương được hay không?
– Bạch đại đức, người ấy có thể vượt qua đại dương được.
– Tâu Ðại vương, vậy người ấy có thể đem bờ bên kia đại dương qua bên này, để cho người bên này thấy được không?
– Bạch đại đức, không thể được.
– Tâu Ðại vương, điều này cũng như bần đạo chỉ có thể nói đạo là nhân làm cho thấu rõ Niết Bàn. Nhưng không thể giải nguyên nhân tạo tác, cấu tạo nên Niết Bàn được. Vì Niết Bàn là Asankhatadhamma nghĩa là Pháp Vô Nhân Sanh; hay nói là không có nguyên nhân, hay lý do nào có thể tạo tác nên được.
– Bạch đại đức, vậy Niết Bàn không có một vị nào có thể đem lại ví dụ giảng giải cho thấy rõ được hay sao?
– Tâu Ðại vương, vì Niết Bàn là Pháp vô nhân cấu tạo. Hơn nữa Niết Bàn không thể gọi là Uppannam nghĩa là Tự sanh, hay Anuppannam nghĩa là không tự sanh. Hoặc Uppadãniyam, do nhờ nơi một Pháp nào rồi sanh, hoặc gọi là quá khứ, hiện tại hay vị lai. Nacakkhuvinneyyam, không thể dùng nhục nhãn mà nhìn thấy được. Nasotavinneyyam, không thể dùng tai mà nghe được. Naghãnavineyyam, không thể dùng mũi mà ngửi được. Najivahãvinneyyam, không thể dùng lưỡi mà nếm. Nakãyavinneyyam, không thể dùng thân này cảm xúc được.
– Bạch Ðại đức, nếu Niết Bàn không tự sanh, không nương nhờ nơi Pháp khác để sanh, không thể dùng nhục nhằn để thấy v.v.. Như theo lời của Ngài dạy thì Niết Bàn không có phải không?
– Tâu Ðại vương, Niết Bàn có thật, nhưng phải thấy rõ bằng Tâm, và Phàm nhơn thì không thấy được, ngoại trừ chư Thánh nhơn mới nhận thấy rõ, vì Tâm của quí Ngài đã diệt được 5 pháp chướng ngại và sự vật là: Tài lợi v.v… Tâm của các Ngài rất trong sạch và rất vi tế.
– Bạch Ðại đức, Niết Bàn là gì? Niết Bàn có thật nhưng vì không thể giảng giải bằng ví dụ được. Thật là một chuyện đáng hoài nghi. Vậy xin Ngài dùng vật gì ví dụ để cho trẫm được hiểu, diệt trừ nghi ngờ. Vậy trên đời này có vật gì đã có mà không thể chỉ rõ được?
– Tâu Ðại vương, có tiếng nói là: Gió, vậy Gió ấy có trong cõi thế gian này hay không?
– Bạch Ngài dĩ nhiên là có.
– Tâu Ðại vương, xin đại vương vui lòng chỉ màu sắc, hình dáng, của Gió nhỏ, hay lớn, vi tế, hay thô siển, dài hay ngắn ra sao cho bần đạo thấy?
– Bạch Ðại đức, thật ra Trẫm không thể chỉ màu sắc, hình dáng, dài ngắn của gió được. Vì gió ấy là vật mà ta không thể nắm lấy hay hốt lấy bằng tay, hay bằng vật chi chi được, nhưng Gió có thật.
– Tâu Ðại vương. Nếu Ðại vương không thể chỉ được, vậy sao nói là có Gió được?
– Bạch Ðại đức, Gió ấy có thật không phải không có, trẫm thở vào tim phổi của trẫm, trẫm biết rõ, nhưng không chỉ hay nói bằng lời được.
– Tâu Ðại vương, Ngài không thể chỉ màu sắc hình dáng của Gió được. Niết Bàn cũng vậy, bần đạo cũng không chỉ hình dáng của Niết Bàn được.
– Bạch Ðại đức, Trẫm xin nhận thức theo lời giảng của Ngài.
Nibbãna (vấn đề Niết Bàn)
Ðức vua phán hỏi: Bạch Ðại đức, nếu Ngài giảng cho người đời thấy rõ hình, hình thể, từng bộ phận, bằng sự ước lượng, ví dụ, bằng nhân bằng lý do.
– Tâu Ðại vương, Bần đạo không thể giải rõ Niết Bàn bằng hình, hình thể, từng bộ phận, bằng sự ước lượng, bằng ví dụ, bằng nhân bằng lý do.
– Bạch Ðại đức, trẩm chưa nhìn nhận lời của Ngài dạy rằng: Niết Bàn ấy không có hình dáng, nguyên nhân lý do cấu tạo. Xin Ngài hãy giải thích hoài nghi của trẩm.
– Tâu Ðại vương, nếu Ðại vương hiểu rõ nguyên nhân lý do như vầy: Người trong thế gian thường gọi đại dương, vậy đại dương ấy có thật hay không?
– Bạch Ðại đức, đại dương ấy có thật vậy.
– Tâu Ðại vương, nếu đại dương có thật; và có người hỏi Ngài rằng: Ðại vương ấy bao lớn, có bao nhiêu nước, có bao nhiêu thủy tộc lớn nhỏ? Nếu người hỏi vậy Ngài phải đáp sao đây?
– Bạch Ðại đức, khi người hỏi Trẫm như vậy, Trẩm sẽ bảo người ấy rằng: xin người đừng hỏi vậy. Vì đó là vấn đề nan giải không nên hỏi. Vì không ai ước lượng được đại lượng rộng đến độ nào, có bao nhiêu nước, bao nhiêu loài thủy tộc ở trong ấy.
– Tâu Ðại vương. Ðại vương có ghi chép trong sách sử, và Ðức Thế Tôn cũng có thuyết dạy trong Kinh Luật, tại sao Ðại vương không đáp được câu hỏi ấy?
– Bạch Ngài, sở dĩ Trẫm không đáp được câu ấy, vì đại dương thật là rộng lớn, và nước cùng thủy tộc trong đại dương ấy có bao nhiêu.
– Tâu Ðại dương, điều này cũng ví như Niết Bàn: Ðức Thế Tôn có thuyết thật, nhưng bần đạo không thể giải rõ. Hình, hình thể, ước lượng lớn nhỏ, nhân và lý do được, vì nó quá sự giảng của bần đạo. Tâu Ðại vương mặc dầu có người nào có thần thông quảng đại, có Trí nhớ và Trí tuệ có thể ước lượng được đại dương bao lớn, có bao nhiêu nước, bao nhiêu loài thủy tộc lớn nhỏ. Vị ấy cũng không thể diễn tả hay chỉ rõ Niết Bàn hình, hình thể của Niết Bàn ra làm sao được.
Tâu Ðại vương, vậy Ðại vương có biết rằng: có một vị Chư thiên tên Arupakãyikãdevatã không?
– Bạch Ðại đức, Trẫm có nghe.
– Vậy Ðại vương có thể diễn tả hình dáng hình thể, ước độ, ví dụ nhân và lý do có được không?
– Bạch Ðại đức, chư thiên là hạng vô hình, thì làm sao Trẫm có thể diễn tả hình dáng được.
– Tâu Ðại vương, Ngài không thể diễn tả được hình dáng của chư thiên, vậy hạng ấy chắc là không phải chăng?
– Bạch Ðại đức, hạng ấy có, nhưng không có hình dáng. Vì vậy trẫm không thể diễn tả hay chỉ cho ngài biết được.
– Tâu Ðại vương, cũng như Niết Bàn không có hình dáng, cũng như hạng chư thiên vô hình vậy. Tâu Ðại vương vì lẽ ấy xin Ngài hiểu cho Niết Bàn có thật.
– Bạch hóa Ðại đức, nếu Ngài không thể diễn tả được hình, hình thể, ước độ, ví dụ nhân, nguyên do của Niết Bàn được. Vậy xin Ngài chỉ dạy đặc ân của Niết Bàn. Hiện giờ đây trẫm rất nóng nghe đặc ân của Niết Bàn.
– Tâu Ðại vương, có thể tạm so sánh đặc ân của Niết Bàn với những vật sau đây:
- Hoa sen có một đặc điểm tạm so sánh với Niết Bàn.
2. Nước có hai đặc điểm cũng tạm so sánh với đặc ân của Niết Bàn.
3. Thuốc trừ nọc rắn độc có ba đặc điểm tạm so sánh với đặc ân của Niết Bàn.
4. Ðại dương có bốn đặc điểm tạm so sánh với đặc ân của Niết Bàn.
5. Vật thực có năm đặc điểm tạm so sánh với đặc ân của Niết Bàn.
6. Hư không có mười đặc điểm tạm so sánh với đặc ân của Niết Bàn.
7. Ngọc Ma-ni Bửu-châu có ba đặc điểm tạm so sánh với đặc ân của Niết Bàn.
8. Lỗi cây Trầm hương có hai đặc điểm tạm so sánh với đặc ân của Niết Bàn.
9. Sửa đặc có ba đặc điểm tạm so sánh với đặc ân của Niết Bàn.
10. Chót núi Giri có năm đặc điểm tạm so sánh với đặc ân của Niết Bàn.
Ðức vua liền phán hỏi: Bạch Ðại đức, hoa sen có một đặc điểm gì khả dĩ sánh được với Niết Bàn?
– Tâu Ðại vương đặc điểm của hoa sen ấy là: Nước không thể thấm vào hoa sen được, cũng như Niết Bàn không bao giờ bị Phiền não làm cho nhơ đục được?
– Bạch Ðại đức, nước có hai đặc điểm gì khả dĩ tạm so sánh với đặc ân của Niết Bàn được?
– Tâu Ðại vương, nước có thể trừ được sự nóng nảy của con ngưòi được, cũng như Niết Bàn có thể dụi tắt được sự nóng nảy thiêu đốt trong lòng con người là Phiền não. Nước là vật mát mẻ và có thể rửa sạch những vết nhơ bẩn, giải được sự khao khát của người được, cũng như Niết Bàn rửa sạch được sự nhơ bẩn trong thâm tâm của con người, làm cho không còn khao khát mong mỏi sanh về kiếp vị lai, là cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.
– Bạch Ðại đức, thuốc trừ nọc rắn có ba đặc điểm gì có thể tạm sánh với đặc ân của Niết Bàn được?
– Tâu Ðại vương, thuốc trừ nọc độc có ba đặc điểm là: Khi rắn độc cắn người, dùng thuốc trừ nọc làm cho nọc rắn không phát ra được, đó là sự công hiệu của thuốc mà người ta có thể nhờ được, đó là sự công hiệu của thuốc mà người ta có thể nhờ được, cũng như Niết Bàn là nơi diệt trừ được phiền não như nọc độc không làm hại được người; đây là điều thứ nhứt. Thuốc trừ nọc độc rắn dùng để trừ nọc độc, khi người bị rắn hành hạ khổ sở; cũng như Niết Bàn làm cho người hành đúng đắn dụi tắt được khổ của chúng sanh, đây là điều thừ nhì. Thuốc trừ nọc rắn độc, trừ được nọc khi mà người đã bị cắn. Cũng như Niết Bàn giữ được không cho người phải chết vì sự làm hại người được.
– Bạch Ðại đức, vậy bốn đặc điểm của biển là gì?
– Tâu Ðại vương, bốn đặc điểm của biển là: biển rất là tinh khiết, không bao giờ có tử thi, cũng như Niết Bàn rất là trong sạch, không bao giờ có tử thi là phiền não, đây là điều thứ nhứt.
Tâu Ðại vương, biển cả rất là rộng lớn mặc dầu năm con sông to chảy vào biển cả từ lâu, nhưng cũng không làm cho biển cả đầy, không thể trông thấy bờ bên kia được. Ðiều này cũng ví như Niết Bàn rộng lớn không bờ bến, mà người đắc đạo quả nhiều đến độ nhập Niết Bàn cũng không thể làm cho Niết Bàn đầy được. Ðây là đặc điểm thứ nhì của biển cả.
Tâu Ðại vương, biển cả là nơi cư ngụ của loài thủy tộc. Cũng như Niết Bàn là nơi cư ngụ của các bực Thánh nhơn. Ðây là đặc điểm thứ ba của biển.
Tâu Ðại vương, biển cả có chứa nhiều thứ hoa thơm cỏ lạ thật quí. Cũng như Niết Bàn có nhiều thứ hoa thơm cỏ là Pháp giải thoát. Ðây là đặc điểm thứ tư của biển cả.
– Bạch Ðại đức, năm đặc điểm của vật thực là gì?
– Tâu Ðại vương, năm đặc điểm của vật thực là:
- Ayuvaddhanam. Nuôi chúng sanh sống thêm.
2. Balavaddhanam. Làm cho chúng sanh có thêm sức lực dồi dào.
3. Vannajanãnam. Làm cho ngưòi có sắc đẹp thêm.
4. Darathavupasamanama. Dụi tắt được sự nóng nảy vì đói của chúng sanh.
5. Jighacchãdubbalapativinodanam. Dụi tắt được sự đói của chúng sanh.
Năm điều này cũng như Niết Bàn có năm đặc ân là:
- Khi chúng sanh nào đã hiểu thấu Niết Bàn bằng Pháp nhãn, thì chúng sanh ấy không còn bị tiêu diệt vì Già và Chết nữa.
2. Làm cho người đã đắc được Niết Bàn có oai lực thêm lên.
3. Làm cho dung mạo đẹp thêm lên.
4. Dụi tắt được sự nóng nảy buồn rầu là nguyên nhân ở phiền não tạo thành.
5. Diệt trừ tận gốc của sự đói khổ là sự khổ sở của Phàm nhơn hằng bị (là sanh, lão, bịnh, tử)
– Bạch Ðại đức, hư không có mười đặc điểm là gì?
– Tâu Ðại vương Hư-không có mười đặc điểm là:
- Na Jirati: Không biết già.
2. Na Miyati: không hề chết.
3. Na Cavati: không hề thay đổi.
4. Na Uppajjati: Không bao giờ sanh.
5. Appaseyham: Không ai hiếp đáp được.
6. Acoragahaniyam: Kẻ trộm, cướp không thể trộm cướp hay giựt lấy được.
7. Anissaitam: Không có nơi cư ngụ (nghĩa là không có chỗ nào trống rỗng hết, hay nói là bao quát lớn vô bờ bến).
8. Vihangagamanam: Chỉ có các bực có thần thông và chim mới đi nơi ấy được.
9. Niranaranam: Không có vật gì ngăn đón được.
10. Ananantam: Không có nơi cùng tột.
Niết Bàn cũng có mười đặc ân là:
- Na Jĩyati: Niết Bàn là nơi không có Già.
2. Na Niyati: Niết Bàn lời không có chết.
3. Na Cavati: Niết Bàn là nơi không có sự thay đổi.
4. Na Uppajjati: Niết Bàn là nơi không còn Sanh nữa.
5. Appaseyham: Không có ai hiếp đáp được.
6. Acoragahaniyam: Kẻ trộm cướp không thể trộm cướp đem gì đi nơi khác được.
7. Anissitam: Không có phiền não làm bận rộn nữa.
8. Ariyagamanam: Là nơi đi đến của các bực Thánh nhơn.
9. Niravaranam: Không có vật gì ngăn đón được.
10. Anantam: Không có nơi tận cùng.
– Bạch Ðại đức, còn ba đặc điểm của ngọc Ma ni bửu châu là gì?
– Tâu hoàng thượng, ba đặc điểm của Ngọc Mai ni ấy là:
- Ngọc Ma ni bửu châu có tánh cách làm cho con người được toại nguyện.
2. Ngọc Ma ni bửu châu có tánh cách làm cho con người được an vui thơ thới.
3. Ngọc Ma ni bửu châu có tánh cách làm cho người được vui vẻ.
Cũng như Niết Bàn có ba đặc ân là:
- Niết Bàn làm cho người được kết quả vạn việc như ý.
2. Niết Bàn làm cho lòng người được an vui thơ thới.
3. Niết Bàn làm cho tâm người được sáng suốt.
– Bạch Ngài vậy lõi cây trầm hương có ba đặc điểm gì/
– Tâu Ðại vương lõi cây trầm có ba điều đặc điểm là:
- Thật khó mà tìm được.
2. Mùi thơm tuyệt đối
3. Tất cả ai ai cũng ưa chuộng và ca tụng.
Cũng như Niết Bàn có ba đặc điểm là:
- Thật là khó tìm thấy và khó mà gặp được.
2. Mùi thơm của Tam học là mùi thơm tuyệt đối.
3. Là nơi của các bực Thánh nhơn an nghỉ.
– Bạch Ðại đức sửa đặc có ba đặc điểm gì?
– Tâu Ðại vương, sửa đặc có ba đặc điểm là:
- Màu thật đẹp.
2. Vị thật ngon.
3. Mùi rất thơm.
Cũng như Niết Bàn có ba đặc điểm là:
- Có màu thật đẹp là ân đức cao thượng.
2. Có vị rất ngon là vị Giải thoát.
3. Có mùi rất thơm là Giới cao thượng.
– Bạch Ngài, còn 5 đặc điểm của chót núi Giri là gì?
– Tâu Ðại vương, 5 đặc điểm của chót núi Giri là:
- Chót núi là nơi cao nhứt của ngọn núi.
2. Chót núi Giri không bao giờ rung động.
3. Nơi ấy không có vật gì mọc lên được.
4. Nơi ấy khó có người lên tới.
5. Chót núi Giri không có sự thương, ghét, buồn, giận
Cũng như Niết Bàn có 5 đặc ân là:
- Niết Bàn là nơi cao nhất , nghĩa là ngoài Tam giới.
2. Niết Bàn không bao giờ biết rung động gì không còn có phiền não.
3. Niết Bàn là nơi mà phiền não không thể nẩy nở sanh lên được.
4. Niết Bàn là nơi khó có người đến.
5. Niết Bàn là ngoài vòng Tam giới, không có phiền não nên không có sự thương hay ghét.
Tâu Ðại vương, đây là lời ví dụ.
Ðức vua Milanda lấy làm trong sạch với lời giải của Ngài Ðại đức vì Ngài thông hiểu được lý của Niết Bàn.
Nibbãnasacchikarana Panhã
(Hỏi về người làm cho thấu rõ Niết Bàn)
Ðức Vua Mi lan đà phán hỏi Ðại đức Na-tiên rằng: Bạch Ðại đức Ngài có dạy trẫm rằng: Niết Bàn ấy không phải là hiện tại, không phải là vật mà ai ai cũng có thể làm cho thấu rõ, sanh lên được. Hành giả nào trong Phật-pháp hành chân chánh làm cho thấu Niết Bàn; vị ấy được gọi là người làm cho rõ Niết Bàn đã sanh rồi, hay là người làm cho rõ Niết Bàn chưa sanh, hoặc gọi là làm rõ Niết Bàn đã sanh rồi (ý nói có sẵn rồi) rồi làm cho thấu rõ?
– Tâu Ðại vương, Người mà đã hành chân chánh làm cho rõ được Niết Bàn đã sanh rồi.
– Bạch Ðại đức, theo lời giảng dạy của Ngài, còn bí ẩn làm cho trẫm không hiểu thấu xin Ngài giảng thêm?
– Tâu Ðại vương: Nibbãnadhãtu, Niết Bàn có thật. Sukhapanĩtã, sự an vui tuyệt đối của Niết Bàn có thật. Sammãpatipanno, người hành đạo chân chánh có thật. Sankhãresammasanto, đã quán tưởng rõ các pháp hành.
Theo giảng dạy của Ðức Ðại giác hành giả làm cho thấu rõ Niết Bàn bằng Trí tuệ. Ví như học trò, học nghề với thầy, tin tưởng và vâng lời thật hành theo lời của thầy chỉ dạy. Cũng như hành giả hàng đúng theo Phật Ngôn thì sẽ thấu rõ Niết Bàn. Như người học trò học được kết quả những nghề mà thầy đã dạy.
– Bạch Ðại đức, vậy thấy rõ Niết Bàn là thấy bằng cách nào?
– Tâu Ðại vương, Niết Bàn là nơi không còn có khổ, không sanh, không thay đổi, không lay chuyển, người muốn thấy phải thấy với trạng thái vi tế, yên tịnh, mát mẻ. Ví như người đứng gần đống lửa khổng lồ đang cháy, người ấy bị nóng nảy. Nếu muốn không bị nóng thì đều duy nhứt là phải xa lửa ấy thì mới được mát mẻ, và sẽ được an vui.
Tâu Ðại vương điều này cũng ví như hành giả bị ba thứ lửa rất nóng là Tham ái, Sân hận, Si mê đang thiêu đốt nóng nảy cùng tột. Khi biết vậy nên xa lánh bằng cách hành cho đúng theo lời Phật dạy, bằng cách dùng Trí tuệ quang sát thấy rõ ba tướng, nên diệt trừ được ba thứ phiền não, được mát mẻ an vui. Người mà dụi tắt được ba thứ lửa ấy, thì thấy rõ sự an vui thanh tịnh, là người đã đắc được Thánh quả, là A-La-hán quả, là bực Vô Học.
Tâu Ðại vương một lẽ nữa như người vào rừng tìm củi đem về đốt xác rắn, chó, hay thiêu tử thi. Khi người thiêu tử thi ấy đứng gần lửa bị nóng nảy, thiêu tử thi xong ra đi nơi khác thì không còn nóng nảy nữa, được thoải mái hơn. Tâu Ðại vương, tử thi ấy ví như Ngũ trần, người thiên tử thi là hành giả hành đúng theo lời Phật giáo truyền. Sự lánh xa đống lửa là người không còn Ngũ trần, được đến nơi an vui là Niết Bàn.
Tâu Ðại vương còn một lẽ nữa là, có người kia ở nơi thật nguy hiểm, tâm thường hay kinh sợ những tai nạn bên mình, nên muốn bỏ nơi ấy, đi đến nơi an tịnh không tai nạn. Nơi tai nạn nguy hiểm ấy không khác nào Tam giới. Hành giả hành để giải thoát khỏi nơi ấy, khi được đắc Niết Bàn là không còn khổ nữa thì cũng như người ra khỏi nơi kinh khủng ấy.
Tâu Ðại vương, một ví dụ nữa là như người ở trong rừng nơi đất trơn trợt ướt át khó đi vì sợ té và rất nhơ nhớp. Người ấy thấy tai hại nên cố gắng để ra khỏi nơi khô ráo sạch sẽ hơn. Ðiều này cũng ví như Hành giả trước kia còn là người chưa hiểu khổ, đi trên con đường lầy lội trơn trợt dễ té gây tai hại, nhờ hiểu Phật Pháp nên cố đi ra khỏi nơi ấy. Sau khi ra khỏi nơi ấy thì cảm thấy thật là khoẻ và không còn phải kinh sợ gì nữa, nơi ấy là Niết Bàn?
– Bạch Ðại đức, Hành giả hành thế nào gọi là hành chân chánh đúng theo Phật ngôn và làm thấu rõ Niết Bàn.
– Tâu Ðại vương, vị hành giả hằng dùng Trí tuệ quan sát ngay vào Pháp hành, thấy rõ bốn điều khổ là Sanh, Già, Ðau, Chết là khổ tuyệt đối nhưng lại còn mến tiếc vì còn nhân thấy trong ấy còn lẫn có ít vui, hay, đẹp trong khoản đầu hay đoạn giữa hoặc đoạn chót. Khi ấy tâm còn do dự không biết phải chấp lấy nơi nào. Cũng như người trông thấy viên sắt đang đốt cháy đỏ cả một ngày rồi thật rất nóng không biết cầm lấy đoạn nào. Cũng như hành giả trông thấy Sanh lão bịnh tử của Pháp hành, nhưng không thật là rõ rệt lắm vì còn quyến luyến, ưa thích phần nào ở đoạn đầu hay đoạn giữa hoặc đoạn chót, vì vậy nên làm cho tâm phân vân không biết phải cầm lấy đoạn nào, nơi nào. Vì vậy nên không thấu rõ Niết Bàn. Tâm của vị hành giả ấy không thỏa thích, không hoàn toàn an trụ, thân này nóng nảy. Hành giả này không tạo được cho mình nơi nương nhờ vững chắc.
Khi nào Tâm hành giả thật là yên tịnh nhận định rõ rệt chán nãn Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, không còn ưa thích sự luân hồi. Cũng như người ở gần đống lửa cháy to, nhận thấy bị thiêu đốt nóng nảy, nên bỏ nơi ấy ra đi. Ðiều này cũng ví như Hành giả nhận thấy Tam giới nóng nảy như lửa, không còn để cho tâm quyến luyến thương tiếc. Tâm thấy rõ rằng: Tâm này sanh rồi diệt, diệt rồi lại sanh ở trong vòng thống khổ, bẩn chật. Chỉ có nơi thoát khổ là nơi dụi tắt được các pháp hành diệt trừ tận gốc Ái dục, Tham ái đó là Ðại Niết Bàn. Khi vị hành giả được trông thấy rõ như vậy: tâm vui vẻ mát mẻ, đã được nơi nương nhờ vững chắc. Ðiều này có thể ví như người bị lạc đường, khi tìm lại được lối cũ thì lấy làm vui mừng. Vì thấy mình sẽ đi đến nơi mục tiêu của mình.
Hành giả nên cố gắng tin tấn hành đúng theo Chánh đạo không lâu sẽ đi đế con đường cùng của Tam giới và đến nơi Thánh vức, nghĩa là đắc được A-la-hán quả thì không còn luân hồi khổ nữa.
Tâu Ðại vương, hành giả hành như đã giải trên đây, các Ngài gọi là “Làm cho thấu rõ Niết Bàn”.
– Bạch Ðại đức, trẫm xin vâng giữ nghe theo lời Ngài.