ĐỨC PHẬT VÀ SỰ DẠY ĐẠO

Phàm một vị Chánh đẳng Chánh giác dạy đạo thì chỉ có một mục đích là đem sự an vui lại cho Chúng sanh trong kiếp này và kiếp vị lai, chúng sanh nào hành theo lời Ngài dạy thì không bao giờ có sự ân hận, và không bao giờ làm cho kẻ khác bị khổ. Tóm lại là Ðức Thế Tôn dạy chúng sanh hành theo lời Ngài không hại cho kẻ khác, mà làm cho mình được an vui, cũng có việc làm cho bản thân mình vui vẻ, mà người khác được hạnh phúc như giúp làm việc từ thiện, giúp đỡ xã hội v.v…

Còn sự lợi ích tuyệt đối nữa, là hành hầu đắc được Thánh pháp, là Ðạo quả và Niết Bàn, khi đắc được Thánh Pháp là không còn luân hồi, đến nơi an vui tuyệt đối.

Tám muôn bốn ngàn Pháp môn của Ðức-Thế-Tôn giáo truyền để cho chúng sanh tuỳ duyên lành hành theo. Nghĩa là không phải Phật giáo chỉ tuyệt đối dạy hạng xuất gia không mà thôi. Hàng tại gia cư sĩ cũng có thể hành để giải thoát được. Sỡ dĩ con người còn trầm luân là vì không tìm được phương thế tự giải thoát cho mình, nên nghĩ rằng: – Chắc người tại gia cư sĩ không giải thoát được! Tuy nhiên, khi Ðức Thế Tôn còn tại thế, thì có biết bao nhiêu chư Thiện nam, và Tín nữ đắc Thánh quả; như ông Trưởng giả Cấp cô độc, bà Visakha đắc Tu-đà-hườn, ông Thiện nam Visãkhã đắc A-na-hàm, đức Tịnh phạn vương đắc A-la-hán quả, v.v…

Tôi xin ví dụ là hiện nay có phi cơ phản lực và các loại xe. Tôi muốn nói các vị xuất gia ví như người đi phản lực có thể đến mục tiêu rất mau, nghĩa là các Ngài có thể đắc đạo quả mau hơn chúng ta là Cư Sĩ. Còn người cư sĩ cũng như người đi xe bò, cứ từ từ đi, đi mãi mãi đến ngày nào đó cũng đến mục tiêu, xin đừng dãi đãi nãn lòng thối chí, là có ngày cũng đến nhưng chậm thôi.

Nhưng trong hai thể thức đi ấy, có lợi mà cũng có hại, đi phản lực thì mau thiệt, nhưng khi mà ngộ nạn thì chắc chắn không thể thoát chết được. Chư vị xuất gia là người xa hết việc thế tục, sống với sự cúng dường để hành đạo, không bận gì hết, nghĩa là không lo gì về tứ vật dụng, nếu không tu hành chân chánh, thực hành đúng theo kỷ luật nhà Phật, thì sau khi chết chắc chắn sanh vào ác đạo. Như lời Phật dạy rằng: Bốn đường ác để cho các thầy Tỳ-khưu phá giới sanh vào nơi ấy (Xin quí vị xem quyển “38 Pháp Hạnh Phúc”, đoạn nói về luật xuất gia cùng một tác giả đã ấn tống xong). Thế thì đi phản lực cũng có hại là vậy.

Còn chúng ta là người đi xe bò, mặc dầu chậm thật nhưng không tai nạn gì kinh khủng lắm. Nếu chúng ta có đủ cỏ cho bò ăn, nước cho bò uống, vật thực đem theo đủ dùng thì cứ đi mãi mãi, lâu thật, nhưng ngày nào đó cũng đến mục tiêu như các vị xuất gia. Nói đây, tôi không cố ý ca tụng sự tu tại gia là quí, nhưng đó là sự thật, nếu quí vị nào trông thấy người đời như chúng ta gần nhiều tai nạn như ganh tị, oán thù của người hung ác, và có thể giữ nổi Cụ Túc Giới, thì nên xuất gia để mau chạy ra khỏi vòng luân hồi hoạn khổ.

Nơi đây tôi muốn thí dụ cái xe bò là đời người của người cư sĩ, ví xe bò đi lâu, người còn trong vòng đời, bận lo nào là sự sanh sống v.v… nên không thể hành giới hạnh hoàn toàn trong sạch, nên không thể có Thiền định, nên khó có Trí tuệ để thấy rõ giải thoát. Con bò nơi đây tôi muốn ví như Sự Tinh Tấn, vật thực tôi muốn nói là Ðức Tin, nước cho bò uống là Từ Bi. Vật thực đem theo ăn đó là Giới, Nhẫn nại, Bố-thí v.v…

Trở lại vấn đề Ðức Thế Tôn dạy người tự làm lợi ích cho mình kiếp hiện tại, vị lai, và tuyệt đối là Niết Bàn.

Nơi đây tôi xin nhắc lại bài kinh Appamãdasutta trong bộ kinh Anguttara-nikãya, đoạn Chakkanipãta rằng:

Có một thầy Bà-la-môn vào hầu Phật, đảnh lễ xong ngồi nơi phải lẻ, rồi bạch hỏi Phật rằng: Bạch Ngài Cồ đàm, Pháp mà người đã hành và đang tinh tấn hành hằng đem lại hai điều lợi ích hiện tại và vị lai có hay không?

Ðức Thế Tôn dạy: – Này thầy Bà-la-môn, Pháp mà người hành rồi và tinh tấn hành theo, hằng đem lại hai điều lợi ích trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai.

– Bạch Ngài Cồ-Ðàm. Một pháp hành mà lại đem đến hai điều lợi ích hiện tại và vị lai đó là gì?

– Này thầy Bà-la-môn, một pháp mà người hành, và tinh tấn hành sẽ đem lại hai điều lợi ích là lợi ích hiện tại và vị lai, đó là Sự Không Dễ Duôi.

Này thầy Bà-la-môn, ví như tất cả dấu chơn của người và thú trên mặt đất này, những dấu chơn ấy đều ở trong dấu chơn của loài Tượng (có nghĩa là tất cả dấu chơn các loài đều nhỏ hơn dấu chơn tượng). Người trên thế gian này đều nói: Dấu chơn Tượng là dấu chơn lớn hơn tất cả các thứ dấu chơn. Như Lai ví điều này cũng như chỉ có một Pháp mà người đang hành, và hành tinh tấn được sự lợi ích trong đời này và đời vị lai.

Này thầy Bà-la-môn, ví như nhà nóc nhọn, những rui, mè của nóc ấy phải gác vào cái nóc nhọn. Người đời thường gọi: Cái nóc nhọn ấy là nơi hội tụ của rui mè, nơi ấy là nơi cao nhứt của cái nhà.

Này thầy Bà-la-môn, ví như người cắt cỏ, khi cắt xong, gom cỏ bó lại một bó, cũng như chỉ có một pháp, người thực hành theo và tinh tấn hành theo thì sẽ được an vui trong kiếp này và trong kiếp vị lai.

Này thầy Bà-la-môn, ví như nhà vua một tiểu quốc, phải dưới quyền vua Chuyển luân vương. Vì người đời nói: Chuyển luân vương cao quí nhứt, cũng như chỉ có một pháp mà người hành rồi, cố tinh tấn hành, sẽ được an vui trong cõi này và đời vị lai.

Này thầy Bà-la-môn, ví như tất cả các ánh sáng đều không bằng một phần 16, đã chia ra làm 16 lần rồi, của mặt trăng vì thế gian này được sáng ban đêm là nhờ mặt trăng. Cũng như chỉ có một pháp mà người hành theo sẽ được sự lợi ích trong kiếp này và kiếp vị lai. Ðó là pháp Không Dễ Duôi.

Này thầy, chỉ có một pháp người đã hành và hành tinh tấn sẽ được hai điều lợi ích là hiện tại và vị lai là pháp Không Dễ Duôi.

– Bạch Ngài Sa-môn Cồ-Ðàm, lời của Ngài thật là rõ rệt. Bạch Ngài, xin ngài nhìn nhận rằng: Tôi là ngưòi Thiện nam qui y Tam Bảo trọn đời, kể từ ngày hôm nay.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app