PHẬT GIÁO VỚI NGÀY GIỜ XẤU TỐT VÀ SAO CÚNG HẠN
Ðối với Phật giáo, không có ngày nào xấu, mà cũng chẳng có ngày nào tốt, mà cũng chẳng có sao hạn xấu tốt. Vì Phật giáo chủ trương sửa đổi đời sống của mình bằng sự làm lành lánh dữ. Vì vậy tiếng “Tu” của Việt Nam có ý nghĩa là “sửa đổi và bổ túc”. Ý nói người tu là người sửa đổi những nết hư tật xấu, và bồi bổ thêm những điều lành nào mà chính mình thấy thiếu thốn.
Những sự Xấu hay Tốt đều do nơi người tự tạo ra. Nếu ta đi coi bói, thầy nói ngày ấy tốt mà ta đi làm những chuyện chẳng lành, như cướp bóc, giết người, vậy ta có bị truy tố ra pháp luật hay không, hay chánh phủ sẽ nói ngày này là ngày tốt nên tha lỗi cho tội phạm ấy? Thật là không thể có được. Thì ngày tốt mà ta coi thầy ấy đã trở nên ngày xấu. Vì vậy Ðạo Phật chủ trương ngày tốt xấu do nơi sự tạo tác của người.
Còn đối với sự cúng sao hạn, hàng Phật tử tự tạo cho đời mình tươi sáng là lo tu hành tinh tấn, thu thúc không dám làm việc ác, và luôn luôn tìm phương thế tạo thêm thiện nghiệp, thì dầu sao hạn có xấu cũng không làm gì được. Xin quí vị xem đoạn sau nói về Nghiệp. Nếu quí vị không tin tôi đi coi thầy, dầu họ nói có tai nạn đi chăng nữa, sau cùng họ cũng khuyên nên làm lành để tránh tai nạn!
Trong Tam tạng, Tạng Kinh bộ Anguttara-nikaya, đoạn Tikanipata có dạy:
– Nầy các thầy Tỳ-khưu, chúng sanh nào làm cho tâm được trong sạch, khẫu được trong sạch, tâm được trong sạch trong buổi sáng, buổi sáng ấy là giờ lành của chúng sanh. Chúng sanh nào làm cho thân, khẫu, ý trong sạch trong buổi chiều, ấy là giờ lành của chúng sanh đó.
Ðức Thế-Tôn có dạy câu kệ:
Stnakkhattam Sumangalam
Supabhasam Suhutthitam
Sukhano Sumuhuto Ca
Suyittham Brahmacarisu.
Nghĩa: Chúng sanh hành theo lẽ chánh trong giờ phút nào, giờ phút ấy gọi là giờ lành, an lành, sáng lạng, từng sát na đều đẹp. Cúng dường quí báu đến những người hành Phạm hạnh là giữ thân, khẩu, ý trong sạch chân chánh, sự ước mong của quí vị chân chánh. Tất cả chúng sanh nào tạo nghiệp thiện thì sẽ được hưởng quả lành.
Câu kệ trên dài nhưng tôi chỉ đem lại vắn tắt để khỏi mất nhiều thì giờ. Nghĩa là câu Phật ngôn ý nói: Người hành việc lành, ngày giờ nào thì ngày giờ ấy lành. Người mong sự an vui biết bố thí, cúng dường đến các bậc đáng cúng dường là các hàng hành Phạm hạnh sẽ được an vui. Sự cử kiêng, cúng kiến, cầu xin đều là việc làm không bổ ích chi cả. Người có Chánh kiến không nên hành theo những việc ấy.