PHẬT GIÁO VÀ SỰ NƯƠNG NHỜ
Như đã giải đoạn trước, Ðức Thế Tôn phủ nhận sự cứu khổ của đấng thiêng liêng, mà chính Ngài cũng đã dạy rằng: Không phải Ngài là đấng có uy quyền đem chúng sanh thoát khỏi khổ phải thực hành đúng theo lời chỉ dạy của Ngài. Ngài chỉ là một vị tối thượng y vương, chữa được tất cả các chứng bịnh nan y, mà tất cả các lương y cố gắng tìm phương cứu chữa, mà vẫn còn chưa tìm thấy phương thức nào chữa được, bịnh nầy là bịnh thần kinh, bịnh do phiền não bên trong phát ra.
Mặc dầu Ngài có thuốc, có phương pháp trị bịnh, nhưng chỉ trị được cho những người nào thực hành đúng theo lời Ngài, là phải biết cử ăn những món ăn kị với bịnh, và phải uống thuốc của Ngài cho đúng độ lượng. Ngài trị bịnh cho chúng sanh như vậy, chớ không phải Ngài lại móc lấy bịnh trong mình người ra, như người móc lấy đồ trong túi; hay thay đồ y phục cho người. Ý nói rằng: Người bịnh cần uống thuốc mới mạnh, người muốn giải thoát cần phải hành đạo mới thoát khỏi phiền não được.
Hơn nữa Ngài dạy rằng: Như Lai chỉ là một vị hướng đạo chỉ đường cho người đi ra khỏi nơi khổ sở đầy tai nạn thôi, chớ Như Lai không đem người ra khỏi khổ được.
Ðây là câu Phật ngôn trong Tạng Kinh bộ Khuddaka Nikaya Mahaniddesa, Ngài dạy người thanh niên tên Dhotaka:
Người thanh niên tên Dhotaka và hầu Ngài xin Ngài độ cho được giải thoát vì ông ta còn đầy sự nghi ngờ và phiền não. Ðức Thế Tôn mới dạy câu kệ:
Naham Samissami Pamocanaya
Katham Kathim Dhotaka Kinci Loke
Dhamanca Settham Abhijanamano
Evam Tvam Ogharamimamtare.
Nghĩa: Nầy thanh niên Dhotaka, Như Lai không thể nào làm cho người còn sự nghi ngờ trong thế gian nầy giải thoát được. Nhưng chỉ có các bậc Trí thức, thông hiểu rõ được pháp cao thượng mới giải thoát được vòng trầm luân. Người nên giải thoát khỏi vòng luân hồi như vậy.
Ý câu nầy, Ðức Thế Tôn dạy Ngài không làm thế nào làm cho người còn nghi ngờ phiền não giải thoát được. Nếu ông Dhotaka muốn giải thoát thì phải diệt sự nghi ngờ và phiền não trong lòng mình. Nơi đây ta thấy rõ Ngài không thể bồng ẳm hay nắm tay ai đem ra khỏi luân hồi được, mặc dầu đó là quyến thuộc của Ngài. Chứng cớ hiển nhiên, là Ðức vua Thiện giác là cha bà Gia-du-đà-la mà cũng là cậu ruột của Ngài, mà Ngài cũng chẳng cứu độ khi nghiệp đã đến, hơn đó nữa là dòng Thích-ca bị tru diệt. Như vậy cho thấy rằng Ngài chỉ là vị hướng đạo, dạy người đi ra khỏi khổ của bản thân mình mà thôi. Còn riêng Ngài thì không kéo níu ai bảo phải đi theo Ngài, mà cũng không có xe cộ nào để đưa người ra khỏi vòng khốn khổ.
Nói rõ hơn là Phật dạy hãy tự lực tự tạo cho mình hạnh phúc, chớ nên nhờ một cá nhân nào đưa mình giải thoát. Khi một người đệ tử Phật chân chánh không bao giờ nghĩ nhờ Phật độ đưa về Thiên đàng hay Niết-bàn mà tin rằng: Tự nơi mình hành theo lời Ngài thì tự mình được đến nơi an lạc, tùy theo khả năng mình đã tạo cho mình.
Trong Tạng kinh bộ Majjhimanikaya bài kinh Anathapindikasutta có dạy: Sau khi ông Trưởng giả Cấp cô độc chết, sanh về cõi Ðâu-xuất. Khi ông sanh về cõi ấy, liền nhớ đến Ðức Từ phụ Thích-ca mâu ni, nên ông trở xuống chùa kỳ viên vào hầu Phật lúc nửa đêm và bạch:
– Kỳ viên Tịnh xá nầy thật là nơi hữu ích cho chư tăng, và các bậc Phước lành đang cư ngụ. Ðức Ðại giác là vị Pháp vương đang cư ngụ nơi đây, thật là nơi làm cho đệ tử rất thỏa thích và trong sạch. Chúng sanh được trong sạch do nơi năm pháp là Nghiệp, Minh, Pháp, Giới và Ðời sống trong sạch, chớ không phải trong sạch vì dòng giống, của cải. Vì vậy các bậc Trí thức khi biết như thế, nên tự tìm lợi ích cho mình, người mà được trong sạch là do nơi Thiện pháp.
Theo câu nầy ý muốn nói: Người trong sạch là do nơi sự hành theo thiện pháp, khi chết đi nhờ Thiện pháp sanh vào nơi an vui chớ của cải, dòng họ cao sang quý tộc không giúp gì được cho người. Ông mà được trở nên bực Thánh-nhơn và về cõi Ðâu-xuất là do nhờ sự hành đạo theo 5 pháp mà ông đã kể.
Cũng trong bộ Khuttakanikaya thuộc về Pháp-cú kinh, đoạn Attavagga (nói về Thân), Ðức Thế Tôn có dạy:
Attahi Attano Natho
Kohinatho Parosiya
Attanava Sudandena
Natham Labhati Dullabham
Nghĩa: Người tự nên nương nhờ lấy mình. Làm sao nương nhờ nơi người khác được? Khi người đã tự dạy mình được thuần thục rồi, người ấy là người được có sự nương nhờ mà ít người có được.
Ðại ý câu kệ nầy Ðức Thế Tôn dạy rằng: Người đã tự cai quản được Tâm mình là đã diệt được ác pháp, tạo thêm việc phước thiện, hoặc đã đắc được Thánh-quả, thì người ấy tự mình được sanh về nơi an vui hay đến Niết-bàn. Ðó là người biết tự tạo sự nương nhờ cho bản thân mình. Nếu người làm tội thì đừng hầu mong ai cứu vãn được.
Lại cũng có câu kệ cùng một chuyện tích nầy Ðức Thế Tôn dạy: Người mà nương nhờ nơi kẻ khác để được Thiên đàng hay Niết-bàn thì không bao giờ có được. Vì vậy nên tự mình nương nhờ lấy mình mới được. Ý cũng nói phải tự mình tu hành lấy mới tự giải thoát cho mình. Vì phiền não làm cho mình Luân hồi, không phải ở ngoài lòng ta, mà nhờ kẻ khác lấy bỏ dùm được, nó là vật vô hình chỉ có tự mình diệt nó mới được.
Khi người đã tạo ra thiện, hay ác thì tội, hay phước ở ngay trong Tâm người ấy. Và phước hay tội cũng trả quả ngay trong Tâm của người ấy, chớ không ngoài tâm của người ấy bao giờ. Vậy nên người phải tạo sự nương nhờ cho mình bằng phước thiện. Nên biết hơn ấy nữa là mình cứu độ lấy mình chớ không ai có một phép huyền bí nào cứu mình được.
Muốn rõ hơn, tôi xin nhắc lại tích của người thiện nam tên Kala trong Pháp Cú kinh, đoạn dạy về Attavagga (Thân).
Có ông thiện nam tên là Mahakala là người tu hành tinh tấn. Nếu ngày bát quan trai giới, thì ông thọ và ở luôn trong chùa trọn đêm để nghe Pháp và tham thiền. Sự tinh tấn của ông, chư Tăng biết rõ. Không ngày Bát quan trai nào ông bỏ qua.
Ðêm nọ, có bọn trộm vào nhà người trộm lấy đồ. Không may người hay được rượt bắt, bọn chúng kinh sợ chạy vào chùa bỏ tang vật ở bên bờ ao chỗ chư Tỳ-khưu Sa-di thường đến múc nước và tắm rửa. Vừa rạng đông, ông Thiện nam Mahakala nghe Pháp xong xuống ao ấy rửa mặt để về, cũng vừa trong khi ấy những người tìm kẻ trộm lại đến nơi bờ ao, thấy gói tang vật và ông Thiện nam đang rửa mặt. Những người ấy bắt ông và nói: Ngươi ăn trộm đồ bị rượt nộ quá, chạy vào chùa bỏ đồ nơi đây rửa mặt, làm ra vẻ người đạo đức. Những người ấy đánh ông ta chết, bỏ nơi ấy, lấy đồ tang vật về. Ðến sáng rõ, chư vị Tỳ-khưu trẻ tuổi và các vị Sa-di ra ao múc nước, thấy ông Thiện nam bị đánh chết một cách thê thảm bỏ nằm đó, mới bảo nhau rằng: Ông thiện nam nầy thật là người tu hành tinh tấn, trong sạch, nghe pháp cả đêm mà chết như vầy thật là chuyện không nên.
Ðức Thế Tôn nghe vậy liền phán hỏi. Các vị bạch lại những gì đã thấy và đã nói. Ðức Thế Tôn dạy: Sự thật ông Thiện nam Mahakala không đáng chết như thế trong kiếp nầy. Nhưng rất đáng chết vì ông ta tạo ra nghiệp không lành trong kiếp quá khứ.
Chư Tỳ-khưu trẻ tuổi và Sa-di thỉnh cầu Ðức Thế Tôn thuyết chuyện của ông Thiện nam.
Ðức Thế Tôn dạy:
Lúc quá khứ, có bọn cướp hằng tu tập nơi biên thùy, cướp của giết người qua lại nơi đó. Ðức vua Baranasi biết chuyện ấy, mới cho một đạo quân với một vị tướng lảnh có tài trấn giữ nơi đó, khi nào có người phải qua con đường ấy, vị võ quan trấn thủ sẽ đưa qua. Ngày nọ, có một người đi trên một chiếc xe nhỏ cùng với người vợ thật đẹp, đến ven rừng ấy, vào xin vị võ quan đưa qua truông cướp. Vị võ quan thấy vợ người ấy đẹp, đem lòng yêu mến. Trong Tâm đã sắp bài độc kế, nên nói: Giờ thì đã quá muộn rồi, không qua kịp vậy hãy nghỉ lại đây mai tôi sẽ đưa. Quí vị hãy an lòng, nhà tôi có nơi ăn, chỗ ở đủ tiện nghi, đến nghỉ nơi ấy sáng hãy đi, tội gì phải lặn lội cho cực thân trong buổi chiều tối nầy.
Hai vợ chồng người ấy không muốn ở đêm nơi ấy. Vị võ quan ấy dạy quân hầu dẫn xe đưa về trại quân nghỉ, nơi ấy được đải đằng cơm nước rất chu đáo. Ðêm ấy ông ta lấy một viên ngọc quý nhét vào xe của người ấy, sáng ngày ông cho dân chúng hay rằng, đêm hôm ông bị kẻ trộm cắp đồ quý. Người đều bị kiểm soát kỷ càng mới được đi, khi kiểm soát đến xe người ấy, có viên ngọc trong xe. Vị võ quan buộc tội trộm, cho nên người có vợ đẹp ấy bị đánh chết. Ông ta cướp lấy vợ người.
Sau khi chết, vị võ quan ấy sanh vào Ðịa ngục A tỳ đếm năm không xiết, sau khi sanh lại làm người, vì quả dư sót ấy phải bị chết oan như thế đã hàng trăm kiếp rồi.
Ðức Thế Tôn thuyết xong tích ấy, Ngài mới dạy rằng: – Nầy các thầy Tỳ-khưu, tội mà người đã tạo hằng hành hạ người ấy trong bốn đường ác.
Ngài dạy câu kệ:
Attanava Katam Papam
Attajam Attasambhavam
Abhimanthati Dummetham
Vajiram Vasmayam Manim.
Nghĩa: Tội mà ta tự làm lấy, nó lại sanh trong tâm ta. Ta (thân nầy) là nơi nó phát sanh, nó trở lại hành hạ người ngu xuẩn ấy. Cũng như ngọc sanh trong đá.
Chú giải tiếng: “Ngọc sanh trong đá” có nghĩa là ngọc do đá sanh ra, cũng như tội mà chính ta tạo ra thì nó lại xuất phát ở trong cái ta nầy, nó lại làm khổ ta. Người đã gieo giống chẳng lành trong kiếp nầy trên đám đất là thân vị lai nó sẽ làm cho thân ấy khổ đau.
Vì vậy khi người trí thức hiểu rõ Nghiệp Thiện hay Ác theo bên người đã làm tội rồi, thì không ai có oai lực nào cứu khổ mình được. Người đệ tử Phật chân chính, đều hiểu rõ và không bao giờ có ý nghĩ ỷ lại một nơi nào, hoặc là sự cứu độ của Phật: mà trái lại tin tưởng rằng: Phải vâng giữ hành đúng theo lời giảng dạy của Ngài hầu mau tới nơi giải thoát.
Khi người biết rõ rằng: Không có nhân vật nào cứu độ mình khỏi khổ được, nếu muốn không khổ thì chỉ có điều duy nhất là đừng làm khổ kẻ khác, mặc dầu là con thú nhỏ, và phải cố làm cho người khác được an vui do nơi mình tạo ra. Người biết tội ác mà mình đã tạo rồi không sao trốn tránh nơi nào cho khỏi, vậy chớ nên làm tội thì sẽ không bị tai nạn và khổ sở nào đến làm cho khổ.
Theo giáo pháp của nhà Phật dạy, người phải tự thắng mình, thì người ấy mới đến nơi an vui tuyệt đối được. Tất cả vui buồn đến với mình đều do nơi mình tạo ra và gọi nó đến.
Như có tích trong Pháp-cú kinh, đoạn Sahassavagga có dạy.
Có thầy Bà-la-môn nghĩ rằng: Không biết có phải Ðức Thế Tôn chỉ hiểu về một phương diện là sự hữu ích không mà thôi, hay Ngài cũng hiểu về sự vô ích nữa. Vậy ta nên đến vấn nạn Ngài coi. Nghĩ xong liền vào Kỳ viên tịnh xá bạch hỏi Phật rằng: – Bạch hóa Ðức Thế Tôn; có phải Ngài chỉ hiểu về một phương diện là điều lợi ích mà thôi, Ngài không hiểu một phương diện khác là sự vô ích không?
Ðức Thế Tôn dạy: – Nầy thầy Bà-la-môn, Như Lai thông hiểu cả hai phương diện là Hữu ích và Vô ích.
– Bạch Ðức Thế Tôn, nếu vậy xin Ngài dạy sự vô ích ấy cho tôi.
– Sự ngủ dậy trưa, sự lười biếng, sự hung dữ, sự ham ngủ nhiều, sự đi đường một mình (không có người đi theo làm bạn), sự tư thông với vợ người. Thầy Bà-la-môn, người hành như vậy là người hành theo sáu đường vô ích, tai hại sẽ đến cho người.
– Lành thay, thiện thay, Ngài thật là vị Tổ sư của một Ðạo; Ngài mới là người hiểu rõ sự Hữu ích và Vô ích.
– Nầy thầy Bà-la-môn, trong Tam thế nầy không có ai hiểu sự lợi ích và vô ích như Như Lai.
Ðức Phật liền hỏi ông Bà-la-môn: – Vậy thầy sống bằng nghề gì?
– Bạch Ðức Thế Tôn tôi sống bằng nghề cờ bạc.
– Vậy người được hay thua?
– Bạch Ðức Thế Tôn cũng có khi được cũng có khi thua.
– Nầy thầy Bà-la-môn! Như Lai gọi rằng sự thắng của người, thắng kẻ khác không cao thượng. Chỉ có sự tự thắng mình. Sự thắng nầy mới gọi là sự thắng cao thượng. Vì khi mà mình đã thắng được mình rồi thì không còn bị thua lại.
Ðức Thế Tôn liền dạy câu kệ:
Atta Have Jitam Seyyo
Ya Cayam Itara Paja
Attadantassa Posassa
Niccam Sannatacarino.
Nghĩa: Người tự thắng mình cao quý hơn, người thắng kẻ khác thật không cao quý. Khi người đã dạy được mình rồi thì luôn luôn thu thúc. Chư-Thiên, Càn-Thất-bà, Ma-vương; Phạm thiên, không thế nào thắng được người như thế này.
Câu kệ ngôn này ý nói: Người thắng kẻ khác chỉ chuốc thêm thù oán, chớ không có chi là cao quý. Chỉ có người thắng được phiền não trong tâm mình, người ấy mới gọi là cao quý, vì không có oan trái oán thù, đường luân hồi lại thâu ngắn lại. Người thu thúc, ý nói: không để tâm phóng túng theo hoàn cảnh bên ngoài là nhân sanh phiền não. Người đã thắng được phiền não bên trong rồi thì tất cả nhân vật nào trong Tam giới nầy cũng không thể làm hại người ấy được. Tóm lược Người tự thắng mình rồi là vạn vật bên ngoài, vì vạn vật bên ngoài đều do nơi lòng còn phiền não tạo ra, nếu không tạo ra nữa thì đâu còn gì để thắng hay bại nữa. Vì vậy Ðức Thế Tôn dạy người nương nhờ nơi mình là phải tự thắng mình đừng nhờ nơi tha lực nào cả.
Cũng trong Pháp-cú kinh đoạn Sahassavagga, có tích như vầy. Lúc Ðức Thế Tôn còn tại thế có một cô Ðạo-sĩ tên Jampu (Diêm phù). Vị nữ Ðạo-sĩ nầy rất thông minh, vì cô có học ngàn câu vấn nạn, người trong cỏi Diêm phù thuở ấy đếu kính nể cô, vì không ai đáp được trôi chảy hết những câu hỏi ấy. Trước khi vấn nạn cô có hứa ai đáp được hết những câu hỏi của cô, cô sẽ làm đệ tử người ấy.
Ngày nọ cô đến cửa thành Thất-la-phiệt, bẻ một nhánh trăm cậm trên đóng cát, thường nếu ai nhổ nhánh trăm ấy là người muốn đối đáp những câu hỏi của cô, và cô có tánh là luôn luôn bẻ nhánh trăm cặm nơi nào tùy thích nên cô có tên là Jampu (Diêm phù). Ngày ấy Ðại đức Xá-lợi-phất đi ngang qua đó, và bảo trẻ con nhổ nhánh trăm ấy bỏ đi. Khi cô trở lại chỗ cũ thấy mất nhánh trăm, hỏi trẻ con thuật lại. Cô liền đi tìm Ngài Xá-Lợi-Phất để vấn nạn. Ngài Xá-Lợi-Phất bằng lòng đáp ngàn câu hỏi nhưng có điều kiện là: Ngài hỏi lại một câu thôi. Sau khi cô hỏi hết ngàn câu của cô, ngài Ðại đức chỉ hỏi một câu là:
– Cái gì gọi là có một?
Cô Nữ Ðạo-sĩ ấy, không biết ý nghĩa là gì, cô liền hỏi lại Ngài, xin Ngài chỉ dạy.
Ngài Ðại đức bảo: Ðó là Pháp rất huyền dịu của đấng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
– Xin Ngài hoan hỉ chỉ cho tôi câu ấy.
– Nếu cô bằng lòng xuất gia như ta thì cô mới học được.
– Vậy xin Ngài cho tôi xuất gia như Ngài.
Ðại Ðức liền cho chư Tỳ-khưu ni cho cô ta xuất gia. Khi xuất gia xong cô được pháp danh là Kundalakesi. Bà hành đạo không bao lâu đắc A-la-hán quả với Tuệ-Phân-Tích.
Khi chư Tỳ-khưu luân đạo với nhau tỏ lời ca tụng bà rằng: Người Phụ nữ thắng tướng cướp hung tàn; giải thoát nạn tai cho mình; mà cũng là người chiến thắng được Ngũ-ma, giải thoát khỏi trầm luân chỉ trong một câu kệ mà thôi. Xin nhắc lại, bà là con ông Trưởng giả yêu tên tử tội, cha mẹ cô phải đi chuộc tên tử tội ấy về cho bà làm chồng. Sau tên tử tội ấy sanh tâm muốn giết bà, bị bà xô rớt xuống hố. Câu chuyện này có nói ở đoạn Phật giáo đối với phụ nữ. Nơi đây chư Tỳ-khưu tỏ ý khen người Phụ nữ có trí tuệ cũng giải thoát cho mình trong đời này và giải thoát phiền não nữa.
Ðức Thế Tôn biết chư Tỳ-khưu đang nói gì. Ngài liền ngự đến và dạy: – Nầy các thầy Tỳ-khưu; các thầy chẳng nên bàn về sự thuyết pháp ít hay nhiều của Như Lai; nhiều hay ít ấy không phải là vấn đề quan trọng. Vì lời vô ích dầu có nói trăm câu cũng chẳng quý, mà chỉ trong một câu thôi, nhưng hữu ích thì rất quý. Hơn nữa, khi mà người thắng được tướng cướp hung tàn bên ngoài thì cũng chưa gọi là hoàn toàn thắng được. Chỉ người có người thắng được tướng cướp bên trong là phiền não, mới gọi là thắng cao thượng.
Ðức Thế Tôn liền thuyết câu kệ:
Yo Ca Gatha Satam Bhase
Anatthapade Sanhtta
Ekam Dhammapadam Seyyo
Yam Sutva Anusammati.
Nghĩa: Người thuyết hàng trăm câu kệ mà không có sự bổ ích cũng bằng thừa, không bằng chỉ một câu kệ duy nhất mà đem lại sự lợi ích mới thật là cao quý hơn.
Yo Sahassam Sahassene
Sangame Manuse Jine
Ekanca Jeyya Attanam
Save Sangamasuttamo.
Nghĩa: Người thắng hằng triệu người trong một trận giặc, người ấy không gọi là người cao quý của người chiến thắng. Người nào chỉ thắng được bản thân mình, người ấy mới gọi là người cao thượng nhất.
Ðức Thế Tôn có dạy: Natthi Attasamam Pemam. Nghĩa: Không có thương vật gì bằng thương ta thì nên tìm sự hạnh phúc vĩnh viễn, sự hạnh phúc ngoài vòng kiềm tỏa của Ma-vương, của Luân hồi. Người như thế mới gọi là thương Ta.
Trong bài kinh Anathapindikasutta có dạy: – Nầy ông Trưởng giả Cấp cô Ðộc, Như Lai không có dạy rằng: Sự kết quả của sự sống lâu, sắc đẹp, quyền chức an vui và Thiên đàng vì sự khấn vái, khẩn cầu. Nầy ông Trưởng giả, người mà muốn được những điều ấy thì nên thực hành đúng theo Chánh pháp thì những điều ấy sẽ đến với người thực hành.
Câu này dạy cho thấy rằng: Không vì muốn an vui mà cúng sao hạn và cầu vái thánh thần, không có vị Thánh thần nào ăn hối lộ, hay làm người chạy việc cho mình. Nếu có thể che chở nghiệp báo được, thì Ðức Thế Tôn không để cho giòng Thích-ca bị tru diệt, nếu mình muốn khỏi khổ thì chính mình đừng làm tội. Những sự việc cúng vái khẩn cầu không giúp ích gì cho ta hết, mà tự ta phải làm sự lợi ích cho ta mà thôi.
Theo câu Phật ngôn tôi kể lại trên là: Không có thương gì bằng thương ta, nhưng người đời thương ta bằng cách khác là thương ta, lo bồi dưỡng cho ta bằng thức ăn ngon, mặc đẹp.v..v đó chỉ là bồi bổ thêm lòng dục vọng, làm cho thân nầy thêm tội khổ ở kiếp nầy, và kiếp sau mà thôi. Người vì thương mình nên làm tội thì làm sao an vui được. Người Phật tử thương mình thì hằng lo trau giồi thân, khẩu, ý, trong sạch. Thật ra, thân nầy tuy phải là bị ốm đau bịnh hoạn, nghĩa là làm cho người rất khổ, nhưng khi người đã bị mất thân nầy rồi thật khó kiếm lại được. Nếu có được thân khác quý hơn, là sanh về cõi trời thì cũng bằng vô ích, vì người được sanh về cõi trời chỉ hưởng an vui mà thôi, chớ không thể nhờ thân nầy để làm lành như Bố thí, Trì giới, hay Tham thiền được. Còn nếu sanh vào cảnh khác ngoài người như địa ngục.v.v.. thì càng khổ.
Ðức Thế Tôn thường dạy: Chúng sanh phải nhờ thân ngũ uẩn nầy để tự giải thoát, vì vậy không có lợi ích nào bằng có được thân nầy, vì chỉ có cõi nầy, thân nầy mới có thể tự giải thoát được. Ðối với thân nầy, thật là cần thiết, là nơi nương nhờ, làm nơi tụ tập để giải thoát, chúng ta hãy tìm xem lại coi có vị Phật nào đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ngoài cõi này không? Và phần lớn các bậc Thánh nhơn đắc Thánh quả đều ở cõi này. Ý câu Phật dạy: Ta phải nương nhờ nơi ta. Có nghĩa là phải cần tu hành khi có cái Ta. Chẳng nên ỷ lại tha lực nào khác. Ðây là một pháp chân chánh nhứt mà người tu Phật cần có trước hết là Chánh tín, Chánh kiến.
Tóm lại, người đời cần phải nương nhờ nơi ta, vạn vật thành bại đều do nơi ta trước nhất. Nếu ta muốn người giúp ta, ít nhất, ta cũng phải là người có hạnh kiểm thanh cao, tánh tình hiền hậu, đáng cho người giúp đỡ. Thì mọi việc đều do nơi ta tạo cho ta hết.