PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI CƯ SĨ VÀ NGƯỜI ĐỜI
Nơi đây tôi muốn nói thế nào là người Cư-Sĩ, và người đời.
- Tiếng “Cư-sĩ” là tiếng thường dùng trong Phật giáo chỉ nguời đã tự phát nguyện tu hành theo Phật giáo và đã thọ trì Tam qui và Ngũ giới. Tiếng này thông dụng như tiếng gọi Phật tử hiện nay.
- Tiếng “Người đời” đây là người không phải chánh thức là đệ tử Phật, nhưng là người nghiên cứu Phật giáo hay không chăng nữa cũng có thể thực hành theo lời của Ngài chỉ dạy. Ðức Thế Tôn không dạy riêng cho đệ tử Ngài, mà Ngài dạy chung cho tất cả chúng sanh. Phật giáo ví như mặt Trời soi sáng chung cho nhân loại, chớ không soi riêng cho một nhóm người hay một cá nhân nào cả.
Bao giờ người đời còn đau khổ là Phật giáo còn của con người, còn hợp thời, hợp cảnh. Nghĩa là Phật giáo là một phương pháp, một giáo lý chân thành để dụi tắt Phiền não đang ngùn ngụt cháy trong lòng người.
Người trong đời này hằng bị đau khổ, vì Phiền não do tham lam, sân hận và si mê. Người gần với sự khổ nhứt là người tại gia cư sĩ, nghĩa thông thường là người còn nặng gánh gia-đình, còn phải tranh giành danh lợi v.v… Vì người phải nuôi nhiều miệng ăn, nhiều thân mặc đồ nên phải cạnh tranh mạnh, vì cạnh tranh nhau vì quyền lợi nên thường sanh oán thù, oan trái, ít nhứt cũng có sự ganh tị, nên trên đời thường xảy ra những việc bất hạnh cho con người. Vì lòng tham lam quá nhiều, nên dùng đủ phương thế để chiếm đoạt, giành giựt về mình, nên mới có oán thù từ ngày này sang ngày khác, kiếp này sang kiếp khác. Vì vậy, nên mới có một đấng cao cả nhứt đời, là Ðức Chánh Ðẳng Chánh giác tìm ra được đường lối, dạy người giải thoát khỏi oan trái triền miên ấy. Ngài biết chúng sanh khổ vì lý do nào, chúng sanh thường bị oán thù, oan trái và khổ vì nguyên nhân nào.
Ngài biết mặc dầu chúng sanh biết khổ nhưng không tài nào bỏ cái khổ ấy được. Nên Ngài mới dạy đến 8 muôn bốn ngàn Pháp môn để chúng sanh tùy hoàn cảnh, trường hợp của mình mà hành theo, để đỡ khổ đi một phần nào. Vì vậy, nên trong Phật giáo chia ra làm hai hạng người là:
- “Tại gia Cư Sĩ”: hạng người này là hạng còn có gia đình, vợ con, sống trong xã hội cạnh tranh với nhau để giành sự sống còn.
- “Người xuất gia”: là người thoát tục, người không còn lo gì hơn là trau dồi đức hạnh, để mau giải thoát khỏi phiền não. Người xuất gia là người dứt bỏ cả những gì mà người đời có. Vì vậy, người xuất gia có cái mà người tại gia không thể có được. Có thể nói một cách khác là người sống ngoài xã hội cạnh tranh giành lấy cái sống.
Trong Chương 4 này, tôi chỉ nói riêng về người còn nặng gánh gia đình. Còn về phần các vị xuất gia thì xin giải Chương sau.
Như chúng ta biết rằng Ðức Phật là đấng Vô thượng Y-vương. Ngài chửa được những bệnh nan y là bệnh phiền não. Ngài dạy nguời xuất gia hành một cách khác hơn người Cư Sĩ.
Ðức Phật dạy người tại gia cư sĩ có bốn điều an vui là:
- Sự an vui vì có tiền của.
2. Sự an vui vì biết cách xử dụng tiền của.
3. Sự an vui vì không có nợ.
4. Sự an vui vì không có phạm tội đối với luật lệ hiện hành.
Người ai cũng biết bốn điều ấy, nhưng biết là một lẽ, mà tìm cho được sự an vui là một lẽ khác. Lắm người tìm sự an vui sai với đường lối, đó cũng là một nguyên nhân đem tội lỗi đến.
Ðức Thế Tôn biết người tại gia cư sĩ không thể tránh khỏi nhiều tai hại, nên Ngài dạy người tại gia cư sĩ phải hành theo bốn pháp gọi là Ditthadhammikatthapayojana. Pháp làm cho được kết quả mỹ-mãn hiện tại này. Theo Phật dạy người hành theo 4 phần ấy sẽ được kết quả an vui làm việc gì cũng không bao giờ thất bại.
Pháp thứ nhứt: Utthãnasampadã
Siêng năng làm việc. Người thường làm việc gì không thành tựu mỹ mãn nguyên nhân bởi lười biếng. Còn người làm được kết quả là nhờ sự siêng năng. Lười biếng là một phiền não ngăn chặn sự tiếng hóa của con người.
Phạm ngữ tiếng Uthãna nghĩa là siêng năng. Còn có ý rộng hơn là từ từ làm việc hoài không xao lãng, khi mà việc làm ấy chưa thành tựu. Giải rộng ra như vậy để biết thêm rằng: Có người khi làm việc gì mới bắt đầu làm việc thật hăng hái, nhưng được một lúc lại bỏ việc ấy đi, người làm việc như thế không gọi là siêng năng được, vì siêng năng không bao giờ bỏ dở việc làm. Người lười biếng là người không thể làm việc gì khéo léo được; nếu việc làm không khéo thì tức nhiên không thu thập được lợi tức y như ý muốn. Sự thật trên đời nầy không việc gì quá sức mình, nhưng tiếc rằng: Người không chí công để học hay làm cho thật chu đáo thôi.
Nơi đây tôi xin nhắc tích nói về tai hại của sự lười biếng được nghe rằng: Nơi trường của một vị giáo sư Disapamokkha là nơi có nhiều học sinh giỏi, những học sinh ấy toàn là người siêng năng học tập. Chỉ có một cậu lười biếng, bỏ học hành chỉ biết ngủ mà thôi. Ông giáo sư dạy rằng: Người lười biếng lắm, có ngày ngươi sẽ bị tai nạn mù lòa.
Thường học sinh đến học, ở trọ nhà thầy, mỗi người đều phải làm việc nhà thầy như con trong nhà. Các trò ấy chia phiên nhau kẻ giã gạo, người xách nước… Ngày nọ người học trò lười biếng nhất ấy, tới phiên đi đốn củi. Nhiều trò vào rừng mạnh ai nấy lo. Cậu lười biếng ấy, thấy có một bụi cây khô. Cậu nghỉ: Ta ngủ một giấc, khi thức dậy chỉ cần chặt lùm cây nầy đem về là đủ, tội gì phải kiếm cho nhọc xác. Cậu ta nằm ngủ nơi ấy. Những cậu khác đốn củi bó lại xong rủ nhau về, thấy thiếu một người rủ nhau đi tìm; thấy cậu ấy đang ngủ say, kêu dậy và bảo; Chiều tối rồi mà còn ngủ đây sao? Thấy các bạn đều có củi rồi còn mình chưa có que nào, cậu lật đật kéo cành cây khô. Vì vô ý và lật đật nên một nhánh cây đâm vào đôi mắt bị mù lòa theo lời tiên tri của thầy.
Sự lười biếng thường đem tai nạn lại, ít nhất là hao tốn của cải, còn nặng hơn là hại thân như cậu học sinh lười biếng kia vậy. Người lười biếng là người thường tự dối mình. Như tự bảo còn sớm lắm nghỉ chút rồi hãy làm việc; đây là phiền não cám dỗ mình mà mình không hay biết chi hết. Nơi đây tôi xin nhắc lại sáu lý do thường cám dỗ con người lười biếng là:
- Atisitam: lạnh quá làm việc không được.
b. Ati unham: nóng quá làm việc không được.
c. Atisayam: muộn quá làm không được
d. Atipato: sớm quá làm việc không được.
e. Atichato: đói quá làm việc không được.
f. Atipipasito: khát quá làm việc không được.
Người thường viện lấy những lý do trên mà nghỉ không chịu làm việc. Người muốn thắng được bịnh lười biếng thì phải có trí nhớ kiểm soát tâm coi tâm có bị những điều đã kể trên ngự trị hay không. Phải có Trí tuệ suy nghĩ thấy cái hại của sự lười biếng. Xem coi việc làm của mình đã đến mức độ nào không bỏ qua thời giờ quí báo của mình. Người phải biết quả báo của sự siêng năng.
Quả báo của sự siêng năng có 5:
- Việc làm sẽ được kết quả mỹ mãn như ý.
b. Ðược lợi tức nhiều như ý muốn.
c. Làm cho gia đình được an vui đầm ấm, vì có đủ lợi tức chi dụng trong gia đình.
d. Làm việc với vị chủ nhân nào, dầu khó tính đến đâu cũng được người chủ nhân ấy trọng dụng; thương mến. Sở dĩ người chủ khó tính vì người giúp việc không làm vừa lòng họ, nếu đã làm đúng với mức độ của chủ nhân thì họ yêu mến ngay.
e. Người siêng năng là người có phép huyền diệu là ở đâu, làm việc gì cũng thành công và người thương mến.
Nơi đây tôi xin nhắc lại chuyện của người siêng năng đem lợi ích đến cho mình, và cho người cùng cộng tác với mình.
Khi Ðức Thế-tôn còn tại thế có một thầy Tỳ-khưu tu-hành rất tinh-tấn. Nhưng thầy thấy không đắc được đạo quả hết, thầy lấy làm nản lòng, muốn hoàn-tục. Các vị Tỳ-khưu bạn của thầy biết ý định ấy mới đưa thầy vào hầu Phật. Và bạch những sự mong ước của thầy Tỳ-khưu trẻ tuổi ấy.
Ðức Thế-tôn mới phán hỏi: Nầy thầy Tỳ-khưu việc ấy có thật vậy không?
Thầy Tỳ-khưu trẻ tuổi đáp: Bạch đức Thế-tôn có thật vậy.
Ðức Thế-tôn dạy: Ðoàn người đi trong Sa-mạc khi xưa thiếu nước uống nhờ người mà sống, và ra khỏi Sa-mạc. Tại sao, hôm nay người được học pháp giải-thoát với Như-Lai mà không lo tu-hành, mau thoát khỏi vòng thống khổ.
Các thầy Tỳ-khưu yêu cầu Ðức Thế-tôn thuyết lại chuyện xưa.
Ðức Thế-tôn dạy: Lúc quá khứ có một đoàn xe đi buôn phải đi ngang qua bãi Sa-mạc, không may người hướng đạo để đoàn xe đi lạc đường. Thường xe đi trong Sa-mạc vì chở đồ nhiều nên đem nước chỉ đủ dùng trong thời hạn những ngày trong Sa-mạc thôi. Nước quí hơn vàng đối với người đi trong Sa-mạc. Vì đi lạc đường nên nước đem theo không đủ dùng.
Người hướng-đạo tìm ra được một nơi có mạch nước, nên mới dạy người đào nơi ấy. Trong ấy có người thanh-niên rất hăng-hái làm việc không biết mệt. Nhưng khi đào xuống sâu, gặp phải một tảng đá chận ngang, người ai ai cũng thất vọng, nhứt là người thanh-niên ấy. Ông hướng-đạo mới xuống nghiêng tai nghe có tiếng nước chảy, ông liền bảo người thanh-niên ấy rằng: Nầy con thân mến ơi, con nên cố gắng thêm lên và phải phá vỡ phiến đá nầy là có nước; vì nước ở phía dưới phiến đá nầy. Người có kiên chí không thối chuyển sẽ được kết quả mỹ mãn.
Người thanh-niên ấy vâng lời phá vỡ phiến đá ấy, nước trào lên, người người đều lấy làm vui mừng tắm rửa và lấy nước đầy đủ ra đi đến nơi an-toàn. Những người ấy ra khỏi Sa-mạc nhờ có sự cố gắng của người thanh-niên ấy.
Ðức Thế-tôn dạy, người Hướng-đạo ấy chính là tiền-thân của Ðức Phật, còn người thanh niên kia là thầy Tỳ-khưu hiện nay.
Ðức Thế-tôn dạy: Nầy Thầy Tỳ-khưu, nhờ có sự cố gắng của ngươi trong khi ấy mà đoàn người thoát khổ, tại sao hôm nay ngươi lại bỏ sự cố gắng đem sự lợi ích đến cho bản thân ngươi.
Chỉ nghe qua câu nhắc nhở ấy mà Ông Tỳ-khưu trẻ tuổi tinh tấn tu tập, đắc Thánh-quả.
Tích nầy nhắc cho ta thấy không nên lười biếng chịu thua phiền-não, đôi khi công chuyện sắp thành tựu nhưng ta thiếu sự cố gắng nên lại không thành-tựu, như người thanh-niên thối chí vì phiến đá mà bỏ cuộc. Nếu không gặp người hướng đạo tài kia thì đã phi công và đoàn người phải chết trong bãi Sa-mạc.
Pháp thứ nhì: Arakkhasampada.
Cố giữ của đã tìm được. Sự cố gắng giữ đây có nghĩa là: Giữ công việc làm của mình đang làm cho chu đáo. Giữ gìn của cải mà mình đã có do nhờ việc làm siêng năng của mình. Người có của còn phải siêng năng chăm sóc không cho hư-hoại vì mối ăn, hay chảy trôi, hoặc bị trộm cướp v.v….
Pháp thứ ba: Kalayanamittata
Tư cách người có bạn lành. Phạn-ngữ dùng tiếng Mitta (bạn) ấy do tiếng Metta nghĩa là Từ, ý nói người gọi là bạn thì thương yêu nhau giúp đỡ nhau tận tình do nơi lòng Từ.
Sự thân-cận là một điều rất quan-trọng và rất nguy-hiểm cho mình, nếu mình không biết rõ được người ấy là người có thành-tích thế nào. Nếu gặp người bạn thành tích bất hảo thì mình cũng bị ảnh hưởng ấy. Khi có bạn không lành thì bực Trí-thức sẽ không thích giao-thiệp với ta, và các Ngài biết người bạn của ta chẳng tốt, đó là ảnh hưởng của bạn.
Có bốn hạng bạn không nên gần:
- Annadattuharo: Người nào chỉ biết lo lợi ích riêng cho mình, không nghĩ và lo cho bạn.
b. Vaciparamo: Bạn nào chỉ biết nói tốt ngoài miệng thôi.
c. Anupiyabhani: Người bạn nào chỉ biết xua nịnh theo thôi.
d. Apayasahayo: Người nào thường dắt dẫn mình đi tới đường trụy lạc như cờ bạc, rượu trà, đàng điếm.
Người bạn nên thân cận có 7 pháp:
- Duddadam dadati: Cho vật mà người khó cho được. Ý nói Người bạn ấy có thể cho đồ quý giá mà không ai có thể cho được.
b. Dukaram Karoti: Làm việc mà người khác không thể cho được, ý nói Người bạn ấy hết lòng giúp việc cho bạn mình, không nề khó khăn cực nhọc.
c. Dukkharam Khamati: Nhẫn nại với việc làm hay lý do nào khác mà người khác không thể nhẫn nại được; ý nói người bạn ấy nhẫn nại mọi việc và tất cả những lời nói nào mà bạn mình lỡ nói nặng khi nóng giận.
d. Guyhamassa arikaroti: Chỉ bảo sự Bí mật cho bạn. Ý nói biết bạn mình không biết bí mật quan trọng gì sắp xảy đến, nên chỉ cho biết để tránh xa những điều tai hại, giữ mình.
e. Guyhamassa pariguhati: Che dấu sự bí mật của bạn. Ý nói không bao giờ nói chuyện bí mật của bạn mình cho ai biết.
f. Apadasu na jahatu: Không bỏ bạn khi có tai nạn hay sự bị hao tài sản. Ý nói luôn luôn giúp đỡ hy sinh cho bạn khi bạn bị tai nạn hay suy sụp.
g. Khila nati manneti: Không khinh bỉ bạn khi bạn bị thất vận nghèo khó. Ý nói dầu bạn có bị tai-nạn trở nên nghèo khó cũng không bao giờ bỏ.
Bạn nào có những hạnh cao quí như vậy nên giao-thiệp, còn người có những điều xấu nên xa lánh, vì gần bạn nào cũng bị ảnh hưởng của người bạn ấy.
Chẳng những người ta phải bị ảnh hưởng của bạn mà thôi, khi con thú gần với người Thiện, Ác cũng bị ảnh hưởng ấy.
Có tích trong Túc sanh truyện như vầy:
Lúc quá khứ có con tượng tên Mahilaramukha hình dáng rất đẹp, tánh tình thuần hậu, là tượng quí của Ðức vua Brahmadatta. Ngài ngự đi nơi nào đều dùng tượng ấy. Khi ở trong thành thì rất hiền mà khi ra trận thì thật là dũng mãnh, nhà vua rất là yêu chuộng.
Nhằm lúc thanh bình, nên tượng trận không dùng đến. Ðứa vua dạy đưa đi ở nơi xa kinh đô nơi vắng vẻ. Nơi chuồng tượng ấy thường có bọn trộm cướp, côn đồ đến đó chia của đã cướp giựt được, vì nơi ấy ít người đến. Bọn chúng chia không đồng nhau, nên sanh chuyện cãi vã và giết hại nhau hằng ngày. Tượng trận thấy cảnh ấy hằng ngày làm cho tâm nó nổi cơn hung bạo, không tùng phục người Quản tượng. Người quản tượng mới đem chuyện ấy tâu cho Ðức Vua rõ.
Ðức vua liền cho một vị Ðại thần, người thông hiểu mọi việc đến nơi ấy xem coi, vì lý do gì mà tượng trở nên hung hăng như vậy. Vị đại thần đến xem, biết ngay tượng ấy bị cảnh hung ác kia chi phối, và đã thâm nhiễm. Ngài liền về thuật rõ những cảnh ấy cho Ðức vua hiểu. Ngài tâu: Tâu Ðại vương, sở dĩ tượng ấy trở nên hung dữ vì thấy sự giết chóc gây gỗ hằng ngày, nó tưởng rằng Người dạy nó, nên trở nên hung ác như vậy. Nếu muốn chúng trở nên hiền như trước nên để các bậc tu hành đến ở nơi ấy. Quí Ngài đàm đạo về đạo đức và nói năng lễ độ chúng sẽ noi theo gương ấy trở nên hiền như xưa.
Nhà vua xuống chiếu, thực hành theo lời vị Ðại thần ấy. Thật về sau Tượng ấy trở nên thuần, không còn hung dữ nữa.
Túc sanh truyện này chỉ cho thấy gần kẻ ác trở nên người ác như tượng ấy. Vậy, Thế-tôn dạy, vị Ðại-Thần ấy chính là tiền thân của Ngài. Và Ngài dạy: Thân cận với kẻ ác thì khó tránh khỏi nhiễm độc.
Chúng ta là con người, gần hạng nào còn mau nhiễm thói ấy hơn loài thú. Tại sao? Vì con người sống bằng tình cảm, khi người ta đối với mình cách nào, thì mình phải trả lại như cách ấy, và nhứt là sợ mích lòng bạn, nên đi theo lời bạn kêu gọi. Vì lý do kể trên người càng bị nhiễm mau hơn.
Người nên chọn bạn nào có bốn đức tánh sau đây thân cận thì sẽ được an-vui trong kiếp nầy và đời vị-lai. Bốn đức tính ấy là:
- Saddha: Ðức tin. Người có Ðức tin là người tin tội phước mà mình đã làm để trả quả cho mình. Vì vậy người ấy không bao giờ dám làm ác; người không dám làm ác, thì không bao giờ rủ người bạn làm tội. Ðây là đức tính lành mà ta có thể chọn người làm bạn được.
2. Sila: Có giới đức. Người có Thân không phạm vào tội sát-sanh, trộm cắp, tà dâm; Khẩu không phạm vào tội nói dối, nói đâm-thọc, nói lời vô ích; chửi rủa mắng nhiếc kẻ khác; Ý không nghĩ sự oán-thù, tham-lam, Tà-kiến. Ðây là đức lành của người Thiện, chúng ta nên làm bạn với người ấy.
3. Caga: Dứt bỏ. Có nghĩa là đem của mình ra giúp đỡ người khi bị tai nạn. Hay cũng có nghĩa là dứt bỏ tội lỗi trong Tâm mình, mà cũng vui lòng hỉ-xả, bỏ những điều gì mà người đã làm cho mình khổ.
4. Panna: Trí-tuệ. Người sáng suốt trong mọi trường hợp không để cho lòng hung ác phát sanh lên trong Tâm, và người bao giờ cũng giữ lòng Từ-bi thương hại và cố giúp người khỏi khổ.
Pháp thứ tư: Samajivita.
Nuôi mạng vừa thích hợp theo của cải của mình đã có.
Ðại ý câu nầy Ðức Thế-tôn dạy người có tiền không nên xài mà còn phí bỏ, phải biết xử dụng của cải, phải biết cần kiệm; nghĩa là việc gì đáng xài thì xài, bằng không đáng xài chẳng nên phí của. Xin nhớ rằng đây là sự tiết kiệm chớ không phải là bỏn xẻn. Vì lắm người xài phí cho mình một cách vô ích, nhưng không bao giờ dám đem tiền của ấy ra cho người nghèo khổ, hay đang bị tai-nạn. Trái lại người không lãng phí vô-ích ấy dám đem tiền của mình ra giúp đỡ kẻ khác. Người lãng phí của cải của mình phần lớn chỉ nhìn thấy sự sung sướng cá nhân mình, chớ không thấy thương-hại kẻ khác. Người lãng phí ấy có thể bỏ tiền ta năm ba trăm để coi cải-lương ấy cho đồng bào đang bị tai-nạn màn trời chiếu đất, những em bé thiếu tình thương đang ở viện cô-nhi. Vì vậy nên lãng phí mà bổn xẻn. Còn biết cách chi dụng tiền của không phải là bỏn xẻn, nếu người ấy biết đem của mình ra giúp đỡ người khác. Còn nếu người nầy tự mình không dám xài mà cũng không giúp kẻ khác thì thật đó là người đại bổn xẻn. Người quá keo kiệt bị người khinh-khi, người phung phí thái quá cũng bị người ghét và khinh-khi.
Ðức Phật dạy thể-thức chi dụng tiền của người tại-gia cư sĩ. Nếu người thực hành theo đã không bị người khinh khi ghét mà lại còn được lòng thương yêu quý mến của mọi người. Vì thể-thức chi tiêu của Ðức Thế-tôn dạy đã hợp với Tình-đời mà cũng hợp với Ðạo-đức nữa. Phương pháp ấy có 5 điều là:
Pháp thứ nhứt: Trả nợ cũ.
Phàm chúng ta ai ai cũng mang lấy một món nợ cũ, món nợ nầy rất nặng không chi sánh bằng. Ðó là Công ơn cha mẹ, nợ nầy ta bắt đầu vay từ khi ta thọ sanh vào lòng mẹ, món nợ ăn ở trong lòng ấy hằng mười tháng (nói cho chẵn). Khi sanh ra còn phải vay thêm nợ áo cơm, tiền ăn học thuốc thang, và quần áo, đây là chưa nói đến tiền công săn sóc mọi việc của cha mẹ. Khi có gia đình cha mẹ còn chia sớt của cải để làm vốn. Công ơn cha mẹ, là công thiêng liêng cao quí nhứt ở chỗ cha mẹ nuôi con không tính công ơn bảo dưỡng, dầu con có tính trả hay không, cha mẹ cũng chẳng hề đòi món nợ ấy. Ðây là một đặc ân cao quí nhứt, trên đời nầy không có vật gì nặng bằng công ơn cha mẹ đối với con.
Ðến như Ðức Thế-tôn là hạng cao nhứt Tam-Giới, mà cũng vẩn ca tụng công đức cha mẹ, mà chính Ngài lo Tấm rửa tẩn liệm Ðứa vua Tỉnh-Phạn, và Ngài có dạy rằng: Ðây là hạnh của các bậc Thánh-Nhơn. Ngài còn đem công đức của cha mẹ đối với con ngang hang với công đức của Phật-bảo. Ngài dạy rằng: – Người con nào biết kính trọng cha mẹ, cúng dường cơm nước, thuốc men; y phục, mùng mền đến cha mẹ. Cái phước ấy cũng sánh như là cúng dường cho Phật-bảo.
Trong kinh luật của Phật, Thầy Tỳ-khưu không được quyền đem của cúng dường của tín đồ cho người khác. Nếu vị nào làm như vậy thuộc về tánh cách đổi chác, phạm Tác-ác, nhưng người con chí hiếu đã xuất-gia rồi nhưng rủi cha mẹ nghèo khổ, có thể khất thực xong đem vật thực ấy cúng dường cho cha mẹ được.
Như trong Pháp-cú kinh có vị Tỳ-khưu thường khất thực về đem vật thực ấy nuôi cha mẹ, ông không để ăn, nên thân hình càng ngày càng tiều tụy, chư vị Tỳ-khưu khác thấy vậy mới hỏi ông, ông nói sự thật. Các vị Tỳ-khưu ấy chỉ trích ông, là đem của thí chủ nuôi người thế-tục việc làm ấy không xứng đáng là việc của người xuất-gia. Rồi các Ngài đem chuyện ấy bạch với Phật. Ngài dạy gọi thầy Tỳ-khưu ấy đến, khi thầy Tỳ-khưu ấy đến Ðức Phật hỏi: Nầy thầy Tỳ-khưu chuyện ấy có thật vậy không?
Thầy Tỳ-khưu trẻ tuổi ấy bạch: Bạch Ðức Thế-tôn chuyện ấy có thật vậy.
– Lành thay, thiện thay, ngươi đã hành đúng theo phạm hạnh của các bậc thánh nhơn khi xưa.
Ngài liền khen tặng lòng hiếu đạo của người và việc làm đáng khen tặng. Và thầy Tỳ-khưu ấy làm như vậy là vô tội. Tích nầy để ta thấy rằng: Công ơn cha mẹ ta có thể đền đáp được, mặc dầu là người xuất-gia hay cư-sĩ, đây là bổn phận thiên nhiên. Người con phải biết công ơn cha mẹ để ráng lo giúp đỡ quí ngài trong khi già. Ðức Thế-tôn dạy người mà không biết công ơn cha mẹ còn thua con thú.
Người mà không biết công ơn cha mẹ không vâng lời cha mẹ người ấy còn thua cục phẩn của cha mẹ. Tại sao? Vì khi cha mẹ có đau bụng muốn đi sông, khi đi sông phẩn ấy ra hết thì cha mẹ không còn đau bụng nữa, nhưng trái lại, đứa con bất hiếu, bất nghĩa không biết vâng lời cha mẹ, khi mẹ mang nặng đã khổ rồi, khi sanh còn phải đau khổ vô cùng, nhưng khi con khôn lớn lên lại là đứa con bất kính, bất nghĩa bất hiếu không vâng lời cha mẹ, đứa con hư đốn thì cha mẹ đau lòng từng giờ từng phút. Cái đau khổ nầy còn hơn cái khổ của đau bụng đẻ, cái khổ không sao kể được. Vì vậy bổn phận làm con chẳng nên để mình tệ hơn hòn phẩn. Tệ lắm là chỉ không đền công cha mẹ cũng nên đừng làm cho cha mẹ buồn thêm vì mình là đứa con bất hiếu, bất nghĩa, bất nhân. Ðừng làm cho mình thua hòn phẩn.
Nếu là người con chí hiếu thì nên thật hành theo những lời Phật dạy.
- Phải phụng dưỡng cha mẹ. Bổn phận làm con phải lo phụng dưỡng cha mẹ khi mình lớn khôn chớ không phải đợi đến cha mẹ già. Vì khi cha mẹ lo cho ta, cha mẹ cũng không hề nói; con ta lớn rồi nó hãy t75 lo lấy, trái lại dầu con đã 60 tuổi rồi, nhưng cha mẹ vẫn thương, và lo cũng như khi con còn bé, đó là lòng của cha mẹ. Hiếu đạo là con đường đi của các bậc Trí-thức, và các bậc Thành-nhơn nhất là Ðức Phật.
Nơi đây tôi xin nhắc lại Túc sanh truyện về chuyện con Quạ. Chắc quí vị ai cũng biết con quạ, vì loài quạ là loại hình thù xấu xa, mà tiếng nó kêu càng để ghét, vì vậy khi mà nó đến nhà ai kêu lên, người ta lập tức đuổi nó đi, vì nghĩ rằng: Loại nầy kêu nơi nào là đem tai họa đến cho nơi ấy. Nhưng quí vị có biết không loại quạ là loại có hiếu nhất, và nó hơn cả con người về tánh hiếu hạnh ấy Quạ khi còn nhỏ cha mẹ móm mồi về cho ăn, nó không ăn, đút lại cho cha mẹ, khi cha mẹ không ăn nó mới ăn. Khi lớn lên cha mẹ già nó đi tìm mồi, miếng mồi mà nó tìm được trước hết nó đem về cho cha mẹ ăn, khi cha mẹ no rồi nó mới ăn sau.
Ta thử coi trên đời nầy có mấy đứa trẻ nhịn để cho cha mẹ ăn, và có người con nào làm được tiền hay có món ngon vật lạ đem dâng cho cha mẹ.
Lúc quá khứ, Ðức Bồ-tát tiền thân của Ðức Thích-ca sanh làm quạ, chẳng may một ngày nọ mắc bẫy của người thợ bắt chim. Khi quạ thấy người bắt chim đến, lấy làm kinh sợ, người ấy thấy vậy liền hỏi. Ngươi sợ chết sao?
Quạ đáp: Sự thật sanh ra là phải chết, cái chết thật không đáng sợ, vì nó là luật chung cho nhân loại.
– Nếu không sợ tại sao người tỏ vẻ hãi hùng la khóc?
– Sở dĩ mà tôi khóc là vì tôi nghĩ thương cha mẹ tôi mù lòa, và cũng đã quá già rồi, không ai tìm mồi cho mà ăn, hai Ngài phải bị chết đói chết lạnh. Còn tôi thì chết hay sống không phải là vấn đề phải suy nghĩ.
Người bắt chim nghe quạ trả lời rất chi lý, và nghĩ loài điểu thú mà còn thương cha mẹ già vậy ta nỡ nào giết nó sao. Người bẫy chim liền thả quạ ra. Quạ lấy làm cám ơn và dạy rằng: Bổn phận làm con phải biết phụng dưỡng mẹ cha để đền công ơn sinh dưỡng, đó là con đường đi của bậc Thánh-nhơn. Người cũng nên thay đổi nghiệp của người đi, không nên giết kẻ khác làm vui, và giết kẻ khác để mưu cầu sống còn của mình.
Quạ dạy rồi bay đi về tổ. Người nên lấy gương của quạ mà tự răn mình, không nên để thua loài điểu thú.
- Phải thay cha mẹ làm phận sự. Ý dạy rằng: Bổn phận làm con lo cung phụng cha mẹ không, cũng còn chưa đủ, phải thay cha mẹ làm việc, không phải đợi cha mẹ sai khiến, mà tự mình hy sinh làm phận sự của cha mẹ phải làm. Người làm con phải hy sinh sự an vui hạnh phúc, mà có thể cũng hy sinh cả đời sống của mình cho cha mẹ an vui. Trong Túc-sanh truyện (Jataka) của Phật dạy, có ghi chép rất nhiều chuyện lạ tích hay về hiếu đạo để dạy đời. Nơi đây tôi xin nhắc vắn tắc chuyện Ðức Bồ-tát.
Khi xưa, có một nhà vua trị vì tại xứ Baranasi. Năm ấy bị nước lụt cả xứ bị tàn phá, khi nước dâng cao lên đến thành nhà vua và hoàng hậu phải đeo một khúc gỗ mặc tình cho nước trôi, ngày nọ, nhà vua mệt nhọc quá, bị sóng đánh trôi mất tích, hoàng hậu bị gió tấp vào một nơi ở ven rừng, hoàng hậu mới tìm nơi ẩn trú, phần thì trong mình mang thai nghén, nên lịnh bà lấy làm khổ sở; may thay, lịnh bà tìm được một cái chòi nhỏ trên chòi ấy có đề chữ; ai muốn xuất gia thì tạm ở nơi đây được. Lịnh bà ở nơi ấy đến ngày sanh nở, và xuất gia làm nữ Ðạo-sĩ. Vị Thái-tử ấy chính là tiền thân của Ðức Thích-Ca.
Khi Ðức Bồ-tát vừa lên 7 tuổi. Ngài là người con rất chí hiếu biết lo việc trong nhà cho mẹ. Hoàng hậu thì hằng ngày phải vào rừng hái trái, đào khoai về nuôi con. Ngày nọ, lịnh bà vào sâu trong rừng già tìm thức ăn. Gặp phải dạ-xoa bắt lịnh bà ăn thịt. Ðức Bồ-tát ở nhà trông mẹ càng lúc càng tối, Ngài lấy làm kinh sợ, đi tìm mẹ. Ngài kêu khóc, bà mẹ nghe tiếng con bà bảo: Con ơi, đừng đến nơi nầy, vì nơi đây có Dạ-xoa sẽ bắt con ăn thịt.
Ðức Bồ-tát nghe vậy nhưng vẫn đến gần, thấy mẹ bị bắt ngồi đó với Dạ-xoa. Ðức Bồ-tát mới nói với Dạ-xoa rằng: Ông ơi, xin ông hãy ăn tôi và thả mẹ tôi ra, vì mẹ tôi già rồi thịt cứng, dai, hôi, và khét nắng. Còn tôi còn nhỏ xương thịt đều mềm và thơm ngon hơn thịt mẹ tôi.
Dạ-xoa nói: Ðược, ta muốn ăn quả tim ngươi, ngươi có bằng lòng móc tim cho ta ăn không?
Ðức Bồ-tát đáp: Vâng tôi rất vui lòng, nhưng nơi đây không có gươm đao thì làm sao?
Dạ-xoa liền cho Ngài mượn thanh gươm. Ngài liền tự đâm vào ngực mình moi tim cho Dạ-xoa. Sự làm phi thường của một vị Bồ-Tát nên khiến cho Thiên-Vương Ðế-Thích không sao chịu được. Ngài liền hiện xuống. Dạ-xoa kinh sợ oai đức của Thiên-Vương nên thả hoàng hậu, và Ðức Bồ-Tát được Ðế-Thích cứu sống.
Ðức Phật dạy: Ðức Bồ-Tát chính là tiền thân của Ngài, còn bà hoàng hậu ấy chính là lịnh bà Ma-da, Ðức Ðế-Thích ấy là Ðại đức Ananda còn Dạ-xoa ấy Ðề-bà-đạt-đa.
Ðức Thế-Tôn liền dạy: Hiếu đạo là con đường đi của các bậc Thánh-nhơn, làm con phải biết làm việc thay cho cha mẹ.
Nhắc lại tích nầy để thấy rằng: Hiếu đạo là con đường mà các Thánh-nhơn đã từng đi qua, và quí Ngài rất trọng các bậc hiếu đạo.
- Phải có tác phong Ðạo đức để giữ danh giá của gia tộc. Phận làm con chẳng những lo phụng sự cha mẹ mà còn điều quan trọng hơn nữa là giữ danh dự gia tộc cho được tốt đẹp. Làm con phải noi gương lành của cha mẹ, và thể hiện theo đường lối đạo đức mà cha mẹ đã hành; phải thương yêu giúp đỡ quyến thuộc của cha mẹ. Khi cha mẹ đã qua vãng phải luôn luôn tưởng nhớ và làm phước hồi hướng quả báu ấy đến cha mẹ.
- Phải thực hành cho tương xứng với đứa con thừa hưởng di sản của cha mẹ để lại. Người con chí hiếu không bao giờ dám hành động cẩu thả làm hại danh giá của gia tộc. Mặc dầu cha mẹ đã quá vãng nhưng vẫn xem như là còn tại tiền và rất cố gắng duy trì điều hay lẽ phải của cha mẹ. Nếu có thể phải ráng làm cho hạnh kiểm ấy càng cao quí hơon. Như vậy mới xứng đáng là người con có hiếu và xứng đáng là người con thọ hưởng di sản của cha mẹ để lại.
- Khi cha mẹ đã quá vãng phải cúng dường hay làm việc phước thiện để hồi hướng phước lành đến quí Ngài. Theo tinh thần Phật giáo khi cha mẹ đã quá vãng, con phải nhớ và luôn luôn từng giờ phút nào nếu có cơ hội thuận tiện phải làm phước hồi hướng đến cha mẹ. Ngoài ra, phải ráng tu hành cho trang nghiêm để hồi hướng phước đến cha mẹ. Vì người sanh về cảnh giới khác không dùng tiền bạc như ta trong đời này mà chỉ cần phước thôi. Người con nào biết thương yêu và đền đáp công ơn cha mẹ thì phải thực hành như vậy.
Pháp Thứ Nhì: Cho vay nợ mới.
Có nghĩa là bổn phận làm cha mẹ phải biết lo cho con từ mới sanh vào lòng cho đến khi cha mẹ không còn trên cõi đời nầy nữa.
Theo bài kinh Singãlovãda, Ðức Thế Tôn có dạy bổn phận làm cha mẹ đối với con có 5 điều là:
- Pãpãnivãrenti: Ngăn ngừa không cho con làm tội ác.
Gia đình chính là trường học đầu tiên của con trẻ, vì vậy Ðức Thế Tôn gọi ông cha bà mẹ Phbbacãriyo có nghĩa là Thầy tổ đầu tiên. Trẻ con học vỡ lòng bài học đầu tiên là ở gia đình, học từ cử chỉ nết hạnh lời nói, cách ăn, uống v.v… Nếu cha mẹ biết thể thức uốn nắn con từ lúc còn thơ bé, cho vào khuôn khổ lễ giáo thì đứa trẻ ấy là đứa con hiếu đạo, người dân lương thiện. Vì vậy có câu châm ngôn: Dạy Con Dạy Thưở Còn Thơ là vậy.
Có nhiều gia đình vì vô ý thức dạy con bài học vỡ lòng thật tệ hại, là dạy sát sanh, trộm cắp, tham lam, của người khác. Ðây lấy ra một ví dụ cụ thể như: khi cha mẹ không muốn tiếp khách vì lý do gì, lại bảo con rằng: khi nào có ai đến kiếm thì bảo rằng: “Ðã đi vắng”. Khi con làm theo ý mình thì tự mãn. Nhưing đã quên rằng: Ðó là tập cho con điều quấy, và nó sẽ dùng bài học ấy trả lại cho cha mẹ, là khi nào cần dối thì nó sẽ dối ngay, vì nó tưởng rằng: Cái dối ấy hay nên cha mẹ mới dạy nó. Còn có nhiều việc khác như: gạt nói mua món này, món nọ cho nó khi nó đòi, lại không bao giờ có món ấy cho nó. Ðây là một lý do làm cho con nói theo gương ấy.
Phàm làm cha mẹ nên có tác phong thanh cao để con noi gương ấy mà hành theo, như thế gọi là lưu đức lành lại cho con. Không nên dùng uy quyền làm cha mẹ mà mắng nhiếc đánh đập con, tốt hơn hết nên dạy nó bằng lời êm dịu hay đạo đức, chỉ rõ lý do vì đâu mà cha mẹ cấm không cho làm. Mỗi đứa trẻ trong tâm nó bao giờ cũng có máu anh hùng cá nhân, muốn tỏ ra ta đây là người tài giỏi, vậy bổn phận làm cha mẹ cần phải thấy những cái ấy để khai thác, nhưng đừng khai thác về những việc tội lỗi xấu xa, nên dùng những gương xưa tích cũ của những bực hiếu thảo, những bực tài ba để nó noi gương theo. Xin hãy để ý xem trẻ con nếu nó thích xem phim Cow Boy thì chắc hẳn nó ưa bắn súng. Vì vậy bổn phận làm cha mẹ phải quan tâm thật nhiều về sự hành động của con và coi con thường giao tiếp với những bạn hàng nào, để dễ bề ngăn ngừa dạy bảo con. Vì cha mẹ là vị Tôn sư đầu tiên của con, nên chi, vị Tôn sư này có một trácn nhiều rất nặng nề.
Lắm khi vì cưng con mà cha mẹ vô tình dạy con sự hận thù, như khi con chơi chạy vấp ngã, hay chạm phải vật gì đau đớn, cha mẹ đến dỗ xong lại đánh đập chỗ đó để làm cho nó bớt căm tức, nhưng gián tiếp cha mẹ dạy con sự hận thù và dạy con ăn miếng trả miếng.
Làm cha mẹ nên có lòng thương cho công bằng không nên thương một đứa nhiều đứa ít. Ðây là nhân làm cho con có lòng oán hận mà không dám nói ra. Có lắm cha mẹ vì thương một đứa nhiều hơon, thường cho đứa ấy nhiều và bảo đừng cho đứa kia. Ðây vô tình làm cho anh em chúng hiềm khích nhau một cách ngấm ngầm mà không ai biết, sau khi cha mẹ quá vãng, hay có chuyện chi, có dịp, chúng sẽ cho nhau biết những sự hiềm khích ngấm ngầm ấy, nếu không nói là chúng trả oán nhau.
Khi con có lỗi lầm nhất thời, cha mẹ không nên nổi cơn giận dữ, mắng nhiếc, hay đánh đập con, nhứt là giữa công chúng, hay trước mắt kẻ khác, lắm cha mẹ tưởng rằng trừng phạt như vậy, con xấu hổ mà chữa bỏ lỗi lầm ấy, nhưng trái lại nó căn tức vì thẹn, và khi lớn lên sẽ có cảm tưởng không hay của nó đối với cha mẹ.
Xin đừng bao giờ nghĩ rằng: uy quyền đòn bọng làm cho trẻ con kinh sợ, mà trái lại đó là lý do làm cho nó gia tăng lòng căm tức, sở dĩ mà nó không dám nói ra là vì nó sợ mà thôi. Khi nó bị hoàn cảnh nào người ta dụ nó, và chỉ bảo sơ với nó là: Cha mẹ không có ơn gì, sỡ dĩ mà nuôi là vì lỡ đẻ ra mà thôi. Nó sẽ nhớ sự mắng nhiếc đánh đập nó, thì nó sẽ theo người ấy, và có thể nói xấu cha mẹ nó dễ dàng. Vì vậy bổn phận làm cha mẹ phải có tánh nết thanh cao để cho con noi theo. Lắm khi chỉ một câu nói mà có thể cải hóa con được một cách dễ dàng.
Nơi đây tôi xin nhắc tích của vị Thái-Tử và vị Ðạo-sĩ trong bộ Túc sanh truyện.
Khi xưa, có một nhà vua trị vì tại kinh đô Bãrãnasi. Ngài có được một vị hoàng tử, nên rất thương yêu, nhưng hoàng tử có tánh tình hung bạo, nhà vua đã hết sức khuyên bảo nhưng không kết quả gì. Nhà vua lấy làm phiền muộn, vì lo cho con và vận mạng của một quốc gia có một nhà vua hôn quân, bạo ngược. Ngày nó, ngài đến vườn Thượng uyển hầu một vị Ðạo-sĩ. Ngài liền đem chuyện Thái-tử là một vị hoàng tử ngỗ nghịch hung bạo; sợ thần dân sẽ lâm vào cảnh khốn khổ. Người muốn tìm một phương thế nào để dạy Thái-tử và sửa trị tánh tình hung bạo ấy.
Vị Ðạo sĩ tâu: Tâu Ðại vương, vậy xin Ðại vương hãy đưa hoàng tử đến đây ở với bần đạo đôi ngày.
Ðức vua vội vàng về, và đưa hoàng tử đến ở với vị Ðạo sĩ. Vị Ðạo sĩ liền đưa Thái tử đi chơi ở vườn Thượng uyển, có đủ kỳ hoa dị thảo. Ðến một bụi cây nọ, Thái tử thấy làm cây ấy lạ, chưa bao giờ thấy, và cũng chẳng biết tên gì. Ngài liền hỏi vị Ðạo sĩ: “Bạch Ngài, loại cây này tên chi vậy?”.
Vị Ðạo sĩ không đáp lời, Ngài thong thả bảo: Nếu muốn biết xin Thái tử bứt một lá rơi bỏ vào miệng nhai thử thì sẽ biết.
Thái tử vâng lời hành theo. Khi nhai lá ấy, Thái tử cảm thấy vị thật là đắng. Tức giận truyền thị thần phải triệt hạ cho kỳ hết loại cây ấy, bất kỳ nơi nào”.
Vị Ðạo sĩ mỉm cười, và từ từ bảo rằng: Thưa Thái Tử xin ngài thong thả và bớt trận lôi đình, và nên hồi nghĩ lại, dư luận quần chúng trong nước đối với Thái tử như thế nào? Dân chúng trong nước thường ta thán rằng: Thái tử mới bấy nhiêu tuổi đầu, uy quyền chưa có mà tính tình thật ngỗ nghịch và hung dữ, bạo người hơn người. Khi lớn lên trị vì thiên hạ thì còn hung dữ bạo ngược đến mức độ nào?.
Thái tử nghe lời Ngài đạo sĩ lấy làm hổ thẹn lấy lỗi mình. Ông liền từ bỏ nết hư tật xấu, từ ấy trở đi ông là một vị Thái-tử rất là hiền đức ai cũng mến yêu.
Sự tích này chỉ cho ta thấy rằng: Chỉ một câu nói hợp tình hợp cảnh cải hóa được vì Thái-tử. Thì đối với con trong gia đình nếu biết phương pháp dạy con, thì cũng không đến đỗi khó lắm. Vấn đề dạy người là vấn đề về Tâm lý, kiêng cử nhứt là đừng dùng cái gì dối gạt cho nó sự nhứt thời, như nhát ma, ông kẹ v.v… là chuyện không bao giờ dối chúng.
Ðể làm gương cho con, cha mẹ phải sống cuộc đời hiền lương đạo đức, tự nhiên con cháu nhiễm lấy cái ảnh hưởng ấy mà chính chúng cũng không biết rằng: Chúng bị nhiễm phải việc rất lành. Những việc làm của cha mẹ mà con hành theo ấy chính là cha mẹ để cái Ðức lại cho con. Thật ra, rất ít có đứa con trong gia đình hung ác mà làm việc lành. Nếu có được vậy thật là Nghiệp Thiện của đứa trẻ ấy rất là sâu rộng.
Vậy bổn phận làm cha mẹ trước nhứt phải tạo cho mình, người có giới đức trang nghiêm để tránh truyền nhiễm nết hư tật xấu cho con. Xin nhớ Phật dạy: “Cha mẹ là vị Tôn sư ban sơ khai sáng tinh thần của con”. Vì vậy một chuyện bất chanh nào dầu thật nhỏ, và rất ít cũng có ảnh hưởng đến con. Khi cha mẹ có những lỗi lầm gì trong đời như cờ bạc, lúc biết con có tánh cờ bạc cũng khó mà khuyên bảo con cho mạnh miệng. Chính tôi (tác giả) nghe người rầy con không cho đánh bài. Ðứa bé ấy nói: con có máu cờ bạc của Ba.
- Kalyãne NIvesenti: Dắt dẫn cho con theo thiện pháp.
Như ta biết Cha mẹ là vị Tôn-sư ban sơ của con, là vị tôn sư gần, còn tước hết và gần nhiều hơn hết. Vì vậy nên những nết hư hay những hạnh kiểm thanh cao đều do nơi cha mẹ có. Vị Tôn sư này phải chịu trách nhiệm nhiều hơn các vị khác. Vị Tôn sư này phải chịu trách nhiệm nhiều hơn các vị khác. Vị Tôn sư này sẽ gieo vào đầu óc non nớt của trẻ con một ảnh hưởng vô cùng sâu rộng, con chịu ảnh hưởng của cha mẹ nhiều hơn hết. Vậy bổn phận làm cha mẹ luôn luôn phải nhớt, và nghĩ cùng tìm hiểu tính tình của đứa con ấy để khai thác theo đường Thiện. Vấn đề dạy con thuộc về vấn đề Tâm lý. Vậy bổn phận làm cha mẹ, có phận sự gầy dựng tương lai cho con nên một công dân lương thiện trong kiếp này, mà còn có ảnh hưởng rất lớn về phương diện tinh thần là Ðạo đức cho con về kiếp sau sau nữa. Vì vậy đây là một trách nhiệm rất là nặng nề không phải là chuyện thường. Nên bổn phận làm cho mẹ không nên giao phó hoàn toàn đời con cho ông Tôn sư thứ nhì là các Giáo sư. Nói đây, tôi (tác giả) không dám phủ nhận công đức của quý Ngài Giáo sư, nhưng sự thật quí ngài không đủ thì giờ và phương tiện để theo dõi từng trò một. Ngoài ra cha mẹ cũng không nên vô tình giao phó con mình cho một bà vú, mặc dù bà vú ấy thương yêu chăm sóc hết sức chu đáo, nhưng chưa chắc, có đủ khả năng dạy dỗ cho con mình cho nên người hiền đức. Mà nếu có chăng nữa, cũng chẳng nên giao như vậy, vì trẻ con gần người nào mến người ấy, vô tình mà cha mẹ lại để dây thân ái, tình Phụ tử, mẫu tử lại phai lạt đi. Về sau muốn dùng cảm tính để dạy con cũng hơi khó lắm rồi.
Ngoài phận sự làm hướng đạo cho con, vị tôn sư là cha mẹ còn có phận sự làm sao đoàn kết đàn con của mình, cho chúng thương yêu, quí mến nhau và nhứt là làm cho chúng biết kính trọng nể nang nhau để tạo ra một bầu không khí đầm ấm trong gia đình. Sau khi cha mẹ quá vãng đàn cho không chia rẽ vì chúng ở trong một khuôn khổ từ khi còn bé. Có nhiều gia đình anh em không yêu nhau và ly tán nhau, khi cha mẹ còn tại tiền, thật là một cảnh đau thương. Sở dĩ, mà có cảnh ấy vì cha mẹ không biết dạy cho chúng biết thương yêu nhau khi còn bé, và khi lớn lên cha mẹ không giữ được lòng bình đẳng, hoặc khe khắt với chúng thái quá. Làm cha mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng con không hiểu ý định của cha mẹ, chúng hiểu nhưng vì không dám nói, hay vì kính nể cha mẹ mà không nói thôi. Vô tình cha mẹ làm cho chúng ganh t� nhau thật đáng tiếc lắm vậy.
Ðiều thứ nhì nầy Ðức Thế Tôn dạy bổn phận làm cha mẹ phải dắt dẫn chúng hành theo chánh pháp, hay thiện pháp. Ngụ ý của Ngài muốn cha mẹ tạo cho con một con đường hạnh phúc trong kiếp này và kiếp sau sau nữa. Thiện pháp đây chỉ Thập Thiện trong 10 pháp:
– Pãnãtipãtã Veramanĩ: Không sát sanh.
– Adinnãdãnã Veramanĩ: không trộm cắp.
– Kãmesumicchãcãrã Veramanĩ: Không tà dâm.
– Musãvãdã Veramanĩ: Không nói dối.
– Pisunãvãcãya Veramanĩ: Không nói lời đâm thọc.
– Pharusãyavãcãya Veramanĩ: Không nói lời hung ác (chưởi nắng, nhiếc)
– Samphappalãpã Veramanĩ: Không nói lời vô ích.
– Anabhijjhã: Không tham của Người
– Abyãpãdo: Không làm hại người.
– Sammãditthi: Chánh kiến.
Nếu cha mẹ thương con nên lo kiếp vị lai cho con là đưa nó đi vào con đường chơn chánh, nghĩa là sự tu hành chơn chánh để mau giải thoát. Nên Ðức Thế Tôn dạy theo Chánh Pháp.
Ðây tôi xin nhắc tích của ông Trưởng giả Cấp Cô Ðộc dùng các phương pháp để hóa độ con hành theo chánh pháp. Tích này trong Pháp có kinh.
Ông Trưởng Giả Cấp Cô độc là một đại thí chủ một người có Ðức Tin nhứt trong phía Thiện-nam, ông tạo ra một kiển chùa trải toàn vàng gọi là Bố-Kim-Tự hay cũng gọi là Kỳ-Viên Tịnh xá. Mỗi ngày ông có thỉnh 5 trăm vị Tỳ-Khưu đến cúng dường nơi nhà ông. Mặc dầu ông là một đại Thí-chủ một thiện-nam. Nhưng con ông là cậu Kãla lại không ưa Phật Giáo không bao giờ cậu muốn gặp Phật, và muốn cúng dường đến Phật bảo hay Tăng-bảo. Ông lấy làm lo buồn cho bổn phận của con ông, nhưng ông không biết làm sao để hóa độ được. Ông nghĩ rằng: Con ông sẽ đi về A-tỳ Ðịa ngục. Bổn phận làm cha mẹ ông quyết phải đưa con ông đi theo Chánh đạo. Ông nghĩ chỉ có tiền mới mua chuộc được lòng người, và diệt được Tà-kiến.
Ngày nọ ông gọi Kãla đến và nói rằng: Con ơi, nếu con bằng lòng thọ Bát-quang trai giới, ở trong chùa một đêm, sang ngày cha con con năm trăm đồng vàng. Cậu Kãla không thích gì vào chùa, nhưng 5 trăm đồng vàng đối với cậu thật cũng nhiều. Cậu bằng lòng. Nhưng cậu có thọ giới vào chùa đâu, cậu đi chơi đến sáng sớm về. Khi cậu về đến, ông Trưởng giả lật đật hối người đi dọn cơm đồ điểm tâm cho con ông ăn.
Cậu Kãla nói: Con không ăn đâu nếu cha chưa cho con 5 trăm đồng vàng.
Ông Trưởng giả liền dạy người mang ra gói tiền đủ 5 trăm đồng cho con ông. Khi vàng ở trên mâm cậu Kãla mới chịu ăn.
Lúc sau, Ông gọi con lại nói: Con ơi, nếu con đứng trước mặt Ðức Thế Tôn nghe thuộc được một câu kinh về đây cha cho con một Ngàn Ðồng Tiền Vàng.
Sự thật mà nói, thì cậu Kãla có ưa chi Phật mà phải nghe lời Ngài, nhưng mỗi câu một ngàn đồng tiền vàng. Cậu ta định nhớ chừng một câu thì cũng đủ lắm rồi. Mà một câu kệ đối với cậu không khó gì lắm. Cậu bằng lòng.
Ðêm ấy cậu vào nghe Pháp. Ðồng thời Ðức Thế Tôn cũng biết những gì sắp đến. Ngài vẫn thuyết pháp như thường, nhưng ngài lại dùng thần thông làm cho cậu ấy quên những câu cậu đã thuộc. Cậu Kãla lấy làm bực mình, vì khi vừa học thuộc được một câu cậu định ra về là quên liền. Cậu liền đem hết tâm trí chú ý về ý nghĩa câu kinh đừng cho quên nữa. Khi người chú ý tìm hiểu tức nhiên phải hiểu ý nghĩa của lời nói. Nhờ chú ý tìm hiểu nên cậu ta giác ngộ được chân lý Phật và Ðắc Tu-đà-hườn quả.
Sáng ngày hôm sau, Trưởng giả thỉnh Phật về nhà trai tăng. Khi Trai tăng ông Trưởng giả để ý cử chỉ củ Kãla lấy làm hài lòng và ông nghĩ rằng: Hôm nay ta cảm thấy yêu cử chỉ con ta. Còn cậu Kãla thì lại nghĩ rằng: Xin hôm nay cha ta đừng cho ta tiền trước mặt Ðức Thế Tôn, và nên dấu chuyện thuê ta đi thọ bát-quang trai giới, và nghe pháp. Mặc dầu là ông muốn thế nhưng không sao che được Tuệ giác của đấng giác ngộ.
Sau khi làm lễ trai tăng xong, ông Trưởng giả bảo mang gói vàng ông đã gói xong, đem ra, để trước mặt con và nói: Cha cho con ngàn đồng vàng, đây là số vàng cha đã hứa cho con, khi con bằng lòng vào chùa nghe Pháp, và thọ Bát quang trai giới.
Cậu Kãla thấy gói tiền cha cậu để trước mặt Phật thì lấy làm hổ thẹn vô cùng. Cậu nói: Hôm nay con không cần số tiền ấy nữa.
Mặc dầu ông Trưởng giả nài nỉ đến đâu, cũng không bằng lòng nhận lãnh. Ông Trưởng giả đảnh lễ Phật và bạch: Bạch Ðức Thế Tôn, hôm nay đệ tử lấy làm hài lòng sự hành động con của đệ tử.
Ðức Thế Tôn hỏi: Chuyện chi vậy Cấp-cô-độc?
– Bạch Ðức Thế Tôn, ngày trước đây đệ tử bảo Kãla rằng: Cha cho con năm trăm đồng tiền vàng trả công cho con, khi con bằng lòng vào chùa thọ Bát quang trai giới. Sáng ngày về nếu chưa được tiền không bằng lòng ăn điểm tâm. Ðến cầm tiền trong tay mới chịu ăn. Trái lại hôm nay, không đòi tiền đệ tử, mà cho cũng không chịu lấy nữa.
Ðức Thế Tôn liền dạy rằng: Này ông Trưởng giả xin đừng có hành động như thế. Vì quả Tu-đà-hườn của con người còn cao quí hơn cả ngôi vua Chuyển Luân Thanh Vương, và hơn cả ngai vàng của Thiên-Vương Ðế Thích.
Ðức-Thế-Tôn dạy câu kệ:
Pathavyã Ekerajjena
Saggassa Gamanena vã
Sabbalokãdhipaccayena
Sotapattiphalam Varam.
Nghĩa: Quả Tu-đà-hườn cao quí hơn cả ngai vàng hơn cả ngôi Chuyển-Luân Thánh Vương và cả 26 cõi Trời cả cõi thế gian này.
- Sippam Sikkhãpenti: Cho con học rành nghề.
Cha mẹ có thương con dành để tài sản nhiều đến đâu cũng không bằng để cho con một nghề nghiệp. Vì của cải là vật ngoài thân, sẽ bị mất và cháy, trôi v.v… những tài nghệ trong mình thì không bao giờ bị mất mát. Vì vậy bổn phận làm cha mẹ phải khuyến khích con học những gì mà con có khả năng học được, nếu không giỏi về văn chương thì phải giỏi về nghề. Nếu con có hiếu nên làm vừa lòng cha mẹ là phải học cho thành nghề cho cha mẹ thấy để cha mẹ yên trí rằng: “Con đã có một nghề tinh vi” vì không sợ thiếu cơm ăn áo mặc.
- Patirupena Dãrena Samyojenti: Dựng vợ gã chồng cho con nơi tương xứng với gia đình mình.
Sự dựng vợ gã chồng cho con thật là một việc rất là quan trọng, bổn phận làm cha mẹ phải tế nhị lắm mới được. Vì việc dựng vợ gã chồng liên quan suốt hết một đời của con, không thể không suy nghĩ kỹ càng được.
Về vấn đề dựng vợ gả chồng thường có quan niệm bất đồng giữa cha mẹ và con. Cha mẹ thì bao giờ cũng tự cho mình có sự phận sự định đoạt, và cũng tự cho mình có nhiều kinh nghiệm hơn. Còn con thì muốn tự do lập gia đình cho mình vì vợ chồng cùng chung sống trọn một đời người cần phải có chỗ tâm đồng ý hiệp mới được. Vì vậy sự kén chọn vợ chồng nên để dung hòa giữa cha mẹ và con mới được. Sự hạnh phúc trên đời của một gia đình là một bà hiền nội trợ và ông chồng đứng đắn biết làm tròn bổn phận làm chồng. Vậy nên chọn gia đình đạo đức và phải biết chắc gia đình bên trai hay bên gái có phải là giòng gia phong và đạo đức không?
- Samaye Dãyajjam Niyyãpenti: Phân chia của cải cho con tùy theo thời.
Ðạo làm cho mẹ ngoài bổn phận, sự kể trên còn phận sự tạm gọi cuối cùng là lo tương lai cho con khi khôn lớn lên lập gia đình. Lắm khi cha mẹ phải chế ngự nhu cầu của bản thân mình, để dành của tiền chi phí ấy dành để cho con dựng cơ nghiệp sau này. Ngoài của hồi môn của cha mẹ cho là tiền bạc và một số vốn học thức có thể nuôi sống gia đình, đó là phận sự người đàn ông. Còn ngoài ra, số vốn cao quí hơn đó là phẩm hạnh làm chồng làm cha và chủ gia đình.
Còn người phụ nữ ngoài tiền bạc gia sản hồi môn của cha mẹ theo người phương đông, còn có cái quí nhứt là Trinh Tiết của người con gái, và số vốn về tinh thần là Bổn phận, làm người vợ hiền người mẹ khả kính, khả ái của con, bà chủ nhà đáng mến của người làm công.
Nói về nết hạnh thanh cao của người phụ nữ khi về cung phụng gia đình bên chồng thì thiết tưởng cũng nên nhắc đến Bà Tin nữ Visãkhã. Khi về nhà chồng bà có một số vốn hồi môn vĩ đại, số vốn của bà có thể tạo được một kinh đô mà bà còn có một số vốn tinh thần là những lời giáo huấn của cha bà.
Bà Visãkhã là con cuả ông trưởng giả tên Dhananjaya ở xứ Anga và cũng là cháu nội của ông Ðại trưởng giả là ông Mendaka, cha và ông của bà là người giàu nhứt trong thời Phật còn tại thế. Bà là tín nữ đắc Tu-đà-hườn quả lúc vừa lên bảy tuổi.
Khi bà lớn lên Ông Trưởng giả tên Magãra cưới bà cho con trai ông là ông Punnavadhana. Ngày làm lễ rước dâu Ông Trưởng giả Dhananjaya có dạy bà Visãkhã mười điều mà chính ông cha chồng bà ngồi phòng bên có nghe rõ. Mười điều ấy là:
– Không nên đem lửa trong nhà đốt ra đốt ngoài.
– Không nên đem lửa bên ngoài vào đốt trong nhà.
– Nên cho vật dụng tiền bạc đến người nên cho.
– Không nên cho vật dụng tiền bạc đến người không nên cho.
– Nên cho người đáng cho và không đáng cho.
– Hãy ngồi cho an vui.
– Hãy ăn cho an vui.
– Hãy ngủ cho an vui.
– Nên hầu hạ lửa.
– Nên tôn kính chư thiên.
Mặc dầu bà là con nhà Ðại trưởng giả, đối với sự sang giàu gia đình chồng bà, không bằng một phần ngàn của gia sản của cha cho của hồi môn. Dầu vậy, nhưng bà thật là dâu hiền hết sức lo cung phụng mẹ cha chồng, và lo coi sóc gia đình như lời cha bà đã dạy. Vì bà là nữ đệ tử Phật, nhưng vì gia đình bên chồng theo đạo lõa thể, nên bà không gặp Phật và cúng dường thích Pháp, bà rất buồn, nhưng không dám thố lộ ra.
Còn cha chồng vì lo cuộc hôn lễ và sắp đặt rất bận, nên không được cúng dường cho đạo lỏa thể. Ngày kia, công việc vừa yên, ông mới làm lễ cúng dường cho bạn lõa thể. Khi ông cúng dường, cho người đi gọi bà Visãkhã đến rằng: Các ngươi đi bảo dâu ta đến làm lễ cúng dường chư Thánh-nhơn.
Bà nghe tiếng Thánh-nhơn lấy làm vui mừng nghĩ rằng: Lâu lắm rồi, nay ta mới được gặp đức Thánh-nhơn. Khi bà đến trông thấy bọn lỏa thể đang ngồi ăn uống coi thật là nhột nhạt, vì bà là con nhà cao sang, gia giáo không bao giờ thấy những cái lạ kỳ như vậy. Bà liền chỉ trích: Bọn này là bọn không hổ thẹn, và ghê sợ tội lỗi, thân hình như thế này làm sao gọi A-la-hán cho được. Tại sao cha chồng ta lại gọi ta đến để thấy cảnh này. Rồi bà bỏ về phòng.
Bọn lõa thể thấy hành vi của bà Visãkhã như vậy biết đệ tử Phật, liền mắng ông trưởng giả rằng: Này ông Trưởng giả, trên thế gian nầy hết con gái rồi sao, ông đi rước đệ tử của ông Cồ đàm về xấu xa tội lỗi ấy vào gia đình này? Ông nên đuổi cô ra ra khỏi gia đình này lập tức.
Ông nghĩ: Ta không thể đuổi dâu ta ra khỏi gia đình này, chỉ vì chuyện cải vã cỏn con này được. Hơn nữa Visãkhã là con của một vị đại Trưởng giả. Ông mới nói với bọn lõa thể rằng: “Bạch chư đại đức, lễ cố nhiên, trẻ con không thông hiểu sự đời không đủ trí khôn, nên không thông hiểu như người lớn, mới có sự lỗi lầm. Xin quí vị tha lỗi cho.
Ngày nọ, ông đang ngồi thọ thực, và bà Visãkhã đang đứng quạt hầu. Có một vị Tỳ-khưu hạnh đầu đà đi khất thực từng nhà, đứng khất thực trước nhà, ngài là bực có phẩm hạnh trang nghiêm, đứng đợi như thế thật lâu. Cố nhiên, người đệ tử Phật thấy vị Tỳ-khưu giời đức trang nghiêm, mà phải đợi lâu thì nóng lòng nên bà mới đứng tránh qua một bên, để cho ông Trưởng giả thấy vị Tỳ-khưu. Mặc dầu ông thấy nhưng làm bộ như không biết gì hết. Bà biết rằng: Ông cha chồng đã thấy vị Ðại đức nhưng không chú tâm gì hết. Bà mới bạch với vị Ðại đức ấy rằng: Bạch Ðại đức xin Ngài đi khất thực nhà khác, cha chồng tôi đang thọ thực vật thực củ.
Ông Trưởng giả có thể nhịn chịu được lời bà mắng các ông đạo lỏa thể, nhưng ông không thể chịu được lời bà mắng các ông đạo lõa thể, nhưng ông không thể chịu được câu nói o6ng thọ thực vật thực củ. Ông lấy làm tức giận, gọi người nhà đến bảo: “Các ngươi nên đem vật thực và cơm đề hồ này đi bỏ lập tức, và cũng phải đuổi ngay cô này ra khỏi nhà ta liền bây giờ. Vì cô ta dám cả gan bảo vị tỳ-khưu là Ta thọ thực vật thực củ.
Người thời ấy hiểu nghĩa tiếng vật thực củ là Phẫn. Vì vậy nên ông Trưởng giả lấy làm tức giận vô cùng. Sự thật, ngưòi trong gia đình ông, toàn là người của bà Visãkhã cho theo hầu bà, vì vậy không có người nào dám nói một lời gì với bà cả.
Bà ôn tồn nói với cha chồng một cách lễ phép rằng: Thưa cha, con nhứt định không rời khỏi nhà này, không phải cha mua con ở bờ sông nơi bán nô lệ đem về, mà con là con của nhà thế gia vọng tộc, gia đình con là gia đình đại trưởng giả sang nhứt thời bấy giờ. Khi về với gia đình này, cha mẹ con có giao con cho tám vị Trưởng lão, và bảo rằng: Khi nào con quấy; tám vị ấy hội lại xét xử tội con. Cha muốn xử tội con cách nào cũng được nhưng phải có tám vị Trưởng lão ấy hội lại mới được.
– Con phải nói. Ông liền cho đi mời tám vị trưởng lão ấy đến. Khi tám vị ấy hợp đủ, ông Trưởng giả mới thuật hết câu chuyện cho tám ông ấy nghe.
Tám ông ấy hỏi bà: Có thật vậy không con?
Bà đáp: Thưa có thật như vậy, nhưng tôi không ngụ ý như cha tôi hiểu. Khi tôi nói với vị Ðại đức ấy ý nghĩ tôi là: Bạch Ngài cha tôi không làm phước mới đâu, ông dùng vật thực cũ là phước của ông tạo ra trong kiếp quá khứ. Vậy chớ khi tôi nói vậy tôi có lỗi gì?
Tám ông Trưởng lão ấy đồng nhận rằng: Visãkhã nói vậy thì không có lỗi gì hết. Hỏi lại ông Trưởng giả, vậy tại sao ông lại tức giận?
Ông Trưởng giả không có lý do gì để nói thêm vì sự thật là vậy. Ông nói thôi chuyện ấy hãy bỏ đi. Nhưng đêm nọ, lúc Visãkhã vừa về nhà tôi, giữa đêm khuya cô cùng nhiều tôi trai tớ gái ra sau nhà làm gì?
– Có đúng thế không con? Tám ông Trưởng lão hỏi.
– Dạ thưa đúng như vậy, nhưng tôi đi aáy không đi chuyện riêng tôi, mà vì con lừa quí của tôi sanh.
Không còn chuyện chi hơn nữa ông Trưởng giả liền nhắc đến Mười điều giáo huấn của cha cô khi về nhà chồng, ông hỏi từng điều một và cô Visãkhã cũng giải rõ từng điều một là:
Bà Visãkhã nói: Cha tôi dạy câu thứ nhứt: không nên đem lửa trong nhà ra đốt ngoài, có ý dạy rằng: con ơi, khi con trông thấy lỗi của cha mẹ chồng hay chồng của con; con không nên đem chuyện ấy ra nói cho người ngoài nghe. Vì đấy là lửa nóng hơn các thứ lửa.
Câu thứ nhì dạy: Không nên đem lửa bên ngoài vào đốt trong nhà. Ngụ ý: Nếu có nghe biết ai nói xấu cha, mẹ chồng hay chồng, con không nên đem chuyện ấy vào thuật lại cho cha mẹ chồng, hay chồng con nghe. Vì không có thứ lửa nào nóng bằng lửa này.
Ngoài ra những câu sau có nghĩa như vầy. Nên cho người đáng cho, có nghĩa là khi cho người ấy mượn đồ thì họ chắc sẽ trả lại
– Không nên cho người không đáng cho. Ý nói: Khi cho người ấy mượn thì không bao giờ họ trả lại.
Nên cho người đáng cho, và người không đáng cho, ý nói. Khi có quyến thuộc đến chơi, nên cho quà tặng, mặc dầu người ấy có trả lại hay không cũng chẳng sao.
Hãy ngồi cho yên vui, ý nói: Khi đang ngồi nơi nào chẳng hạn khi thấy cha, mẹ chồng hay chồng đi đến phải lập tức đứng dậy nhường chỗ lại.
Hãy ăn cho an vui, ý nói: không nên ăn món gì trước cha mẹ chồng hay chồng: phải lo cho các người ấy ăn trước đã mới đến bổn phận mình sau.
Hãy ngủ cho yên vui. Ý nói: Phải để cho cha mẹ chồng và chồng ngủ yên đã, bổn phận mình phải xem xét lại mọi việc trong gia đình xong xuôi chu đáo rồi mới đi ngủ sau.
Nên hầu hạ thần lửa, ý nói: Phải kính trọng kiêng nể cha mẹ chồng, và chồng như đống lửa lớn không nên chạm đến.
Nên tôn kính chư Thiên. Ý nói: Phải tôn kính mẹ chồng, và chồng là tôn kính một vị Thiên thần, không bao giờ dám phạm đến.
Khi cô Visãkhã giải xong mười điều ấy. Ông cha chồng không còn chuyện chi nói được, và cũng nhờ đó mà ông trở thành người chánh kiến tu hành theo Chánh pháp.
Pháp Thứ Ba: Ðổ xuống hố sâu.
Có nghĩa là chúng ta có những cái hố sâu hơn các cái hố khác là: Mắt xem vật tốt mãi không bao giờ biết đủ. Tai nghe tiếng hay mãi, không bao giờ biết chán. Mũi ngửi mùi thơm mãi không bao giờ biết đầy. Lưỡi nếm vị ngon mãi có bao giờ biết chán đâu. Những cái hố này thường bị thiếu thốn vì vậy nên Ðức Thế Tôn dạy phải đổ vào những hố ấy cho đầy tạm thời. Ý nói khi có tiền cũng phải chi ụng cho những cái hố ấy, không nên để thiếu thốn. Nơi đây cho chúng ta thấy rằng, khi có của Ðức Thế Tôn cũng không bắt buộc mình phải keo kiệt đến đỗi nhịn ăn, uống để phải thèm khát thái quá. Ngưòi Cư Sĩ cũng có quyền hưởng vật chất nhưng vừa với số vốn mà mình có. Nếu người hiểu đạo đức thấy xem hát không cần thiết dành để số tiền đổ vào hững cái hố không bổ ích lắm, cho kẻ nghèo càng hay chớ không sao hết, nhưng cái hố là bao tử và thân phải ăn mặc không thể cho thiếu thốn được. Theo đây quí vị đã thấy cái chu đáo của Phật giáo đến độ nào.
Pháp Thứ Tư: Ðể trải trên mặt đất.
Ý nói người ở trên đời này nương nhờ có Chánh phủ, nhờ chánh phủ mà người được an cư lạc nghiệp, vì vậy mình phải để một phần tiền đóng thuế cho chánh phủ mới có tiền thuế người chăm nom cuộc đời hạnh phúc của con người.
Pháp Thứ Năm: Chôn để dành
Câu này có hai ý nghĩa là:
- Khi người có tiền nên để ra một phần năm, để phòng khi có chuyện bất trắc có mà dùng khỏi phải vay nợ ai hết, hoặc khi già gặp cảnh không con, hay có con mà con bất hiếu không ai phụng dưỡng, có của để dành ấy đem ra xài.
- Ðể dành đây ngụ ý là đem ra làm phước, để dành phước lành để đem về ngày vị lai. Người cần tiền bạc xài trong ngày vị lai chỉ đem theo được là nhờ bố thí, làm việc lành mới có thẻ dùng ngày vị lai được.
Người muốn được hạnh phúc thì nên hành động theo lời Ðức Thế Tôn đã giáo truyền.
Ngoài ra người còn Tại gia nên hành bốn pháp gọi là Gharavãsadhamma nghĩa là Pháp của người Tại gia. Sở dĩ mà đức Thế Tôn dạy người tại gia cư sĩ phải hành theo pháp ấy và Ngài biết rằng: Người tại gia là người chung đụng với trần cảnh nhiều, không sao kể xiết, gần với Sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm vị ngon, sự đụng chạm đem lại sự thỏa mãn cho xác thịt, ngoài ra còn danh lợi. Những điều kể trên là nguyên nhân làm cho người ganh ghét nhau, oán thù nhau và làm hại nhau. Ðức Thế Tôn dạy người đang ở giữa tài, tình, danh, lợi không khác nào người chăn bò, dẫn bò qua một ngõ hẻm thật chật hẹp mà hai bên hẽm ấy toàn là lúa chín mạ non, khó mà giữ cho bò không ăn được, nhứt là loại bò là loại thích những của ấy. Lúa ấy chính là Tài, tình, danh, lợi. Tâm ta con bò, sự thật mà nói khó cho Tâm đừng mê theo những vật ấy. Khi người ngã vào một điều nào thì người ấy khó mà tránh những cái khổ sắp đến là oán thù, ganh t� v.v…
Ðức Phật biết vậy nên dạy chúng sanh phải hành theo bốn pháp Gharavãsadhamma. Pháp của người tại gia có bốn:
Pháp Thứ Nhứt: Sacca, Thành thật.
Người đời nếu đối với nhau không thành thật thì không bao giờ có sự tin cậy nhau và nhờ nhau được. Trong gia đình nếu vợ chồng không thành thật nhau, thì khó có được không khí êm đềm tốt đẹp. Nếu làm cha mẹ mà không thành thật với con, thì cũng khó dạy con cho nên người được. Thành thật là pháp rất quan trọng cho tất cả các hạng người. Nhờ sự thành thật mới có thể hợp tác với nhau làm ăn lớn lao được.
Vì vậy Ðức Thế Tôn dạy Saccam have Sãdutaram Rasãnam, nghĩa là: không có vị nào có mùi vị ngon cho bằng Lời Chân Thật. Vì lời chân thật là lời nói bất diệt, nhờ Ðức Thế Tôn nói lời chân thật nên phật giáo truyền bá rất mạnh và rất sâu rộng trong cõi Diêm phù, khi mà có rất nhiều Tôn giáo đã chôn sâu vào lòng người trong khi ấy, nhứt là những ông Tôn sư trong các Tôn giáo ấy tuổi lớn hơn Ngài nhiều. Vì lời nói chân thật là vị rất ngon nên từ xưa đến nay các nhà Trí thức trên thế giới này đều tìm học Chân lý của Ngài. Mặc dầu có người muốn diệt Phật giáo những cũng không làm cho Phật giáo tiêu diệt được. Vì Ngài nói sự thật không bao giờ nói dối.
Cũng lắm khi người dám nói sự thật được thoát khổ. Như có tích có một nhà vua tên Sunanda trì vì tại xứ Pãrasita. Ngày nọ, Ngài ngự vào ngục thất để xem sự chịu tội của tù nhân, có nhiều vị đại thần theo Ngài. Ngài thấy có bốn tù nhân mang gong cùm thật là khổ, lấy làm thương hại mới phán hỏi những tội nhân ấy rằng: Các người phạm tội chi mà bị hành phạt nặng nề như thế này?
Tội nhân thứ nhứt nói: Tâu hoàng thượng, thật ra hạ thần là kẻ bị hàm oan, thật là người vô tội; sở dĩ mà hạ thần bị tù tội vì bị người phao vu.
Tội nhân thứ nhì nói: Tâu Ðại Vương, hạ thần bị tù đày như thế này vì hạ thần bị vị thẩm phán oán ghét, nên giam hạn thần vào ngục thất này.
Tội nhân thứ ba nói: Tâu thánh hoàng, hạ thần là nguời lương thiện, sở dĩ bị tù tội vì hạ thần bị vị thậm phán bất công ăn hối lộ của người khác.
Tội nhân thứ tư nói: Tâu lịnh cửu trùng, hạ thần đã vào nhà trộm một rương vàng ngọc của người thành Vayã. Vì vậy, hạn thần bị quan thẩm phán kêu án theo luật lệ hiện hành, không oan uổng chi hết. Hạ thần xin tâu lại y như tội lỗi cuả thần đang làm.
Nhờ sự thành thật và không dối lòng mình, nên Ðức vua lấy làm cảm động, vì Ngài thấy người dám nói chân thật, nên Ngà liền hạ lệnh tha cho người tù nhân thứ tư ấy liền. Và Người dạy: Người biết tự thú lấy sự thật của lòng mình mới là đáng tha tội. Ngài còn cho một số tiền dạy về sanh sống cho chân thật đừng lầm lỗi nữa.
Các bực Trí thức nhứt là Ðức Thế Tôn biết rằng: Lợi chân thật là một vị ngon nhứt nên Ngài dạy:
Saccã Hi Paraman Loke
Saccam Loke Padhanakam
Saccam Hi Vijjamanasmin
Sabbapunnanca Vijjati.
Sự thành thật là pháp cao quí nhứt trong thế gian. Sự thành thật là dẫn đầu (ý nói cao quí) nhứt thế gian. Các phước lành đều do sự Thành Thật mà có.
Pháp thứ nhì: Dama, Sự dạy Tâm.
Tại sao Ðức Phật dạy. Phải dạy Tâm? Ðức Phật dạy Phải dạy Tâm. Vì Ngài biết rằng Tâm của chúng ta có tánh cách như là nước. Nghĩa là nước có tánh cách không bao giờ chảy ngược từ chỗ thấp lên cao, trái lại chảy từ cao xuống thấp. Cũng như Tâm có tánh cách là thường đi xuống mực thấp. Theo Phật giáo, mực thấp của Tâm là ác-pháp. ác pháp ấy có rất nhiều, nhưng chỉ những cái mà ta thường thấy như là Tham lam, sân hận, ganh tỵ, oán thù, ngã mạng v.v… (xem quyển Tam độc và pháp Ðối trị cùng một Tác giả). Khi Tâm con người đã nổi cặn bã là những phiền não kể trên ra thì không còn sợ tội lỗi dám làm tất cả những gì xấu xa đê tiện.
Người thường sợ nước lụt luôn luôn lo đắp đê ngừa nưóc lũ, không cho tràn vào làm hại hoa mầu. Rủi người bị nước lũ làm hại mùa màng người còn có thể cứu vãng được không khó lắm. Chớ khi Tâm đã bị phiền não xâm nhập phá hại thì khó mà cứu vãng lại được, nếu nặng lắm phải sanh vào nơi khổ sở. Như người để cho phiền não là Tham lam hay pháp nào khác xâm nhập vào phá hại ít thì bị người đời ghét bỏ, nhiều hơn nữa là mất giá trị.
Người ngăn nước bằng cách đắp đê, vậy người muốn ngừa Tâm phải làm cách nào? Người muốn ngừa Tâm, pháp quan trọng nhất là Trí nhớ, biết mình và trí tuệ. Khi có những Pháp nầy thì thấy rõ Tâm muốn gì? Biết Tâm muốn gì? Khi hiểu và biết Tâm thì còn có những pháp như Nhẫn nại, Từ Bi v.v… để diệt trừ Tội ác sắp nảy nở. Như đã biết người đời gần Tài Sắc lợi danh nhiều nên Ðức Thế-Tôn dạy ngăn đón tai hại là Apayamukkra nghĩa là 6 con đường đi tới nơi tiêu diệt tài sản.
- Uống rượu. Uống rượu là một tai hại rất lớn mà người đời không bao giờ chịu nhìn nhận là có tai hại. Muốn che lỗi mình có người nói uống nhưng không say thì không có hại. Nhưng người mặc dầu uống say hay không chăng nữa, cái hại trước nhứt là tốn tiền mua. Nếu tính mỗi ngày uống ít nhứt hai đồng, mỗi tháng 60 đồng, mỗi năm 720 đồng đây chỉ nói sự tốn tiền, còn ngoài ra tốn thì giờ quí báu là uống rồi ngủ, mất bao nhiêu thì giờ làm việc. Người uống rượu là người phạm vào pháp gọi là Dễ duôi. Khi người uống rượu đã say rồi thì dám làm cả mọi việc, khi mà người không say không bao giờ dám làm.
Người uống rượu có 6 điều tai hại:
– Sanditthika Dhanajani: Làm hại tiền của, là mất tiền để mua rượu.
– Kalahappavaddhani: Làm cho sanh sự gây gổ nhau (hoặc người ngoài hay vợ con trong nhà).
– Akittisanjanani: Làm cho có sự chỉ trích phê bình của mọi người (nhứt là chủ nhơn).
– Hiaikopina Nidhamsani: Làm cho bị hổ thẹn (với mọi người).
– Pannayadubbalikarani: Làm cho bị giảm bớt trí nhớ và trí tuệ.
Vì những tai hại kể trên nên Ðức Thế-Tôn dạy người tại gia cư-sĩ phải ngăn đón, ngừa và dạy Tâm đừng cho để duôi sa ngã theo chuyện ác là sự uống rượu. Vì uống rượu thường hay đem lại những hậu quả như kể trên.
- Hay đi chơi đêm. Người đi chơi đêm, dầu là người thật tốt nhưng cũng không tránh khỏi tai hại. Nếu người ấy đã có gia đình rồi còn tai hại hơn là làm cho gia đình mất sự đầm ấm, nhứt là cha mẹ vợ con lo rầu không ít.
Vì vậy nên Ðức Thế Tôn dạy người đi chơi đêm thường đem lại sáu điều tai hại.
– Attapissa Agutto Arakkhito Hoti: Là người không biết thu thúc, không biết giữ bản thân mình. YÙ nói người hằng đi chơi đêm, nơi hang cùng ngõ hẻm dễ bị người thù làm hại. Nếu không vậy cũng bị người giựt đồ, hay bị người đánh, hoặc giết lầm vì tưởng là kẻ thù.
– Puttadaropissa Agutto Arakkhito Hoti: Là người không săn sóc vợ con. Có nghĩa là bỏ phế gia đình đi như vậy việc nhà không ai chăm sóc, con hư hỏng, vợ cũng hư hỏng, gia đình đi tới nơi hư hại. Gia đình nào mà có người chồng như thế này thật là bất hạnh.
– Sapateyyam Pissa Aguttam Arakkhitam Hoti: Là người không quan tâm săn sóc của cải tài sản của mình. Người đàn ông là cha gia đình, có phận sự chăm nom săn sóc của cải, mà cứ bỏ đi chơi đêm mãi là một lý do cho kẻ trộm đạo vào lấy của cải dễ dàng, nhứt là mất của quý nhất đời là vợ hay con.
– Samkio Ca Hoti: Làm cho người nghi ngờ. Ý nói: Người quanh bên thường hay lưu ý nghi ngờ rằng: Tại sao người nầy lại đi đêm mãi, chắc là người bất lương. Khi mà người đã hoài nghi thì họ sẽ lánh xa. Vì lẻ ấy, mà mất cả tình cảm trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
– Abhutavacananca Tasmin Ruhati: Bị phao vu. Nghĩa là khi người ta bị trộm cắp nhứt định họ sẽ nghi ngờ ngay cho kẻ đi đêm trộm lấy, sẽ bị tố cáo vì nghi ngờ, nếu không vậy họ chỉ hỏi: Ðêm hôm anh đi về khuya có thấy kẻ trộm không? có thấy người lạ không? Chỉ hỏi chừng ấy cũng đủ thẹn lắm rồi.
– Bahunnanca Dukkha Dhammanamp Urakkhato Hoti: Phải bị tất cả những tội khổ, ý nói khi đi đêm nơi bóng tối cực nhọc, khi bị té hay đạp miểng chai, trời mưa ướt át, cực nhọc đủ mọi điều.
Ðây là cái tai hại của người đi đêm. Nên đã là người mong tìm hạnh phúc cho gia đình thì nên tránh sự đi đêm ấy đi. Vì nó là một con đường đưa người đi đến nơi bại hoại gia cang.
- Thường đi coi lễ hay coi hát. Ðiều này chỉ nói đến người nào đi hằng đêm không gián đoạn, nhưng người khi có cuộc lễ lớn, đi xem một lần cũng chẳng sao, vì không tai hại gì lắm, và đó cũng là cách xài tiền không keo kiệt đến đổi lấy thân che của. Người không đi xem vì nghĩ rằng: Ta xem phung phí tiền thật vô ích, số tiền ấy dùng để cho người thiếu hụt, hay cô nhi quả phụ còn hơn. Người nghĩ như vậy không đi không gọi là khá keo kiệt nhưng lại gọi là Hy sinh cái vui cá nhân cho người thiếu thốn. Tóm lại nếu đi hằng đêm, khi nào không biết chỗ nào có cuộc lễ vui, đi kiếm những người bạn hỏi: Ðêm nay có thú vui gì ở đâu. Người nầy là người đi trên con đường đi đến nơi tai hại. Nếu lâu lâu đi một lần thì chẳng sao.
Ðức Thế Tôn biết người tại gia cư sĩ không ra khỏi được thế thường nên cũng còn chỉ cho chỗ hại ít và nhiều. Nếu biết có hại mặc dù ít cũng đừng cho phạm vào càng quý hơn.
- Cờ bạc. Cờ bạc là một nguyên nhân đưa tai hại đến gia đình thật là vĩ đại. Nhiều gia đình suy sụp một cách mau thấy rõ trong vòng ít tháng thôi. Sự tiêu hao tài sản là một việc còn tai hại như mất thanh danh gia tộc, mất cả vợ con yêu quý. Nếu người đàn bà cờ bạc mất cả những gì quý báu mà mình đã có. Vì vậy Ðức Thế Tôn dạy: Cờ bạc là con đường đưa đi tới nơi tai hại.
Cờ bạc có sáu điều tai hại là:
– Fayamverampassavati: Khi ăn thế nào cũng có oán thù. Phàm người ăn được nhiều thì làm cho kẻ thua oán ghét, ganh tị, và họ nghĩ đến việc cướp bóc của ấy, có nhiều chuyện tương tự như thế nầy hằng ngày trong xã hội cờ bạc.
– Jino Cittamanusocati: Người thua bị mất hết của cải. Có nghĩa là đã thua thì không còn gì hết, lắm khi còn phải cầm bán cả quần áo, đồ trang sức.
– Sanditthikadhanajati: Sự tiêu diệt hết của cải thấy rõ. Nghĩa là khi đã thua quá rồi đám bán hết sự sản gia tài của các bậc tiền nhân để lại, và cùng lắm cũng dám cướp của giết người hay cắp lấy của chủ giao phó.
– Sabhagatassa Vacanam Haruhati: Lời nói của người cờ bạc không có giá trị không ai tin tưởng được. Có nghĩa là: Người đã cờ bạc nói gì cũng chẳng ai tin vì ai ai cũng nghĩ rằng: Khi đã thua thì ai thuê làm gì cũng dám làm, thì thuê phao du hay nói dối, hay làm chứng bất chánh là chuyện rất dễ.
– Mittapaccanam Paribhuto: Bạn tác hay người quen biết là người không cờ bạc đều xa lánh người cờ bạc. Có nghĩa là ai ai cũng khinh khi người cờ bạc, chỉ không dám nói ngay ra mà thôi. Khi đến nhà bạn mặc dầu là với lòng thương mến muốn đến thăm chăng nữa, thì người ta cũng nghĩ rằng: Ðến mượn tiền. Sở dĩ người nghĩ xấu như thế vì họ đã dành sẵn trong lòng một sự nghi ngờ xấu là, người ấy đã thua hết tiền rồi nên đến xin vay hay mượn để đánh gở. Lắm khi người ta thấy người cờ bạc đến lật đật trốn và cho người nhà nói dối là đi vắng. Ðây là lý do làm mất bạn.
– Avahavivahakamam Apatthito Hoti: Khi có lễ lọc quan trọng như ăn tân gia hay lễ cưới hỏi..v..v không ai nghĩ đến mời người cờ bạc đến hội nơi ấy. Vì người sợ người cờ bạc đến là đem sự không lành, sự xui đến người trong cuộc.
- Chơi với bạn ác. Như đã có giải ở đoạn trước và nếu quý vị cần tham cứu rõ hơn xin xem quyển “38 Pháp Hạnh Phúc” cùng một tác giả.
Bạn ác nơi đây Ðức Thế Tôn dạy, người bạn nào có sáu tật xấu, một tật nào ta cũng tránh xa:
– Ye Dhutto: Người cờ bạc.
– Ye Sando: Người chơi gái.
– Ye Pipaso: Người uống rượu.
– Ye Nekatika Người lường gạt bằng cách bán đồ giả.
– Ye Vancanika Người dối gạt người.
– Ye Sahasika Người cắp vặt, trộm, gian lận .v.v..
Khi người thân cận với bạn những tật xấu nói trên, mặc dầu không bị nhiễm theo đường lối của bạn ấy chăng nữa. Cũng làm mất sự tin cậy của bề trên, như chủ nhân hay các bậc trí thức không dám gần với người có bạn xấu như vậy.
- Lười biếng. Người lười biếng thường hay bỏ phế việc làm, vì vậy nên thường hay thất bại hơn thành công, và nhất là mất tín nhiệm. Sự lười biếng thật là một trở lực thật quan trọng của người tại gia cũng như của người xuất gia, làm ngăn hay mất sự tiến hóa của người. Người lười biếng thường viện sáu lý do sau đây để được nghỉ làm việc là:
– Nóng lắm nghỉ đã để mát sẽ làm.
– Lạnh lắm nghỉ đã để bớt lạnh hãy làm.
– Chiều tối rồi nghỉ đã mai sáng hãy làm.
– Còn sớm lắm chút nữa làm cũng chẳng muộn.
– Giờ thì đói lắm nghỉ chút nữa hãy làm.
– Khát nước lắm nghỉ chút sẽ làm.
Sự lười biếng là một phiền não, hằng làm trở ngại rất lớn nhưng người vì dễ duôi nên không nhìn thấy tai hại. Lười biếng có thể ví như những đội binh du kích phá hoại. Thiện pháp trong lòng Hành giả. Thật khó mà trừ được, nó thuộc về tâm si-mê. Người muốn trừ lười biếng phải có trí nhớ và phải có đủ mười pháp là:
– Nên hằng suy nghĩ cho thấy tai hại của sự lười biếng như vầy: Lười biếng là nguyên nhân làm cho người nghèo khổ, làm cho kẻ khác khinh bỉ mình.
– Nên hằng suy nghĩ thấy lợi ích của sự siêng năng: Siêng năng là nhân làm cho ta được kết quả mỹ mãn công việc ta làm: siêng năng là lý do đem sự đầm ấm trong gia đình, và không ai dám khinh khi.
– Nên suy nghĩ thấy: Người được trở nên con người có giá trị, có tiền của danh vọng cũng do nhờ sự siêng năng, học hành từ nhỏ và khi làm việc cũng không bỏ công việc.
– Nên suy nghĩ: Vật thực, chỗ ở, thuốc men, áo quần ta có và đang dùng đây đều do nhờ sự siêng năng làm ra. Vậy khi đã lười biếng thì sẽ không có và cũng không đủ chi dụng nữa.
– Nên suy nghĩ: Người lười biếng thì cả đời chỉ ở trong cảnh nghèo túng.
– Nên nghĩ đến Cha, mẹ, thầy tổ, đều muốn cho ta siêng năng làm việc có tiền của để sống một đời sống thong thả an nhàn. Riêng Ðức Từ Phụ Thích Ca Mâu-ni muốn cho ta có sự siêng năn đào tạo cho ta một đời sống an nhàn vô tội trong kiếp này và tu hành tinh tấn để mau giải thoát khỏi biển trầm luân này càng mau càng hay.
– Nên nhớ rằng: Người là nhân vật cao hơn tất cả các loài trong vũ trụ. Vậy ta là người, nên cố gắng làm cho ra người cao cả hơn thật sự. Vì vậy nên siêng năng dồi mài phẩm hạnh bên trong là có Ðức hạnh thanh cao để mau giải thoát khỏi nơi u ám tối mê là cõi đời nầy.
– Nên nhớ: Bạn bè, quyến thuộc ta đều là người siêng năng lo làm việc, còn nói về tinh thần đạo đức thì cũng lo bồi đắp công đức lành. Ta cũng phải cố gắng cho bằng các người ấy.
– Nên nhớ, hãy xem coi gương của những người bạn nào siêng năng làm việc chân chánh noi gương người bạn ấy để mau được tiến hóa trên đường đời như đường đạo.
– Nên cố gắng bắt buộc Tâm phải siêng năng, khi bắt buộc được vài lần tâm ấy sẽ quen với sự siêng năng.
Tiếng gọi là Apayamukha, có nghĩa là “Sáu con đường trôi của cải ra biển cả”. Cũng có ý nói người không khéo đóng 6 cửa ấy thì của cải sẽ trôi đi không còn.
Khi người biết dạy Tâm không cho sa ngã vào 6 con đường tiêu hoại ấy. Người ấy sẽ sống được một đời sống an vui hạnh phúc làm cho gia đình đầm ấm.
Pháp thứ ba: Khanti, Nhẫn nại.
Có nghĩa là Nhịn. Chịu đựng được với tất cả mọi việc trái ý nghịch lòng.
Người Tại gia cư sĩ cũng như người Xuất gia cần phải có Pháp nhẫn nại để chịu đựng với tất cả sự nóng lạnh, hay những gì làm trái ý nghịch lòng thường hay xảy ra nếu người thiếu sự Nhẫn nại thì thường hay có sự không lành hối tiếc ăn năn. Nếu muốn an vui thì phải nhẫn nại nhịn chịu mọi việc, sự nhịn nhục thật lắm khi cũng thấy bực dọc lắm, nhưng người nhịn được việc làm cho sanh ra gây gổ hay bất bình ấy thì bằng được an vui là không có oan trái oán thù và người làm hại mình.
Nhẫn nại cũng là một trong 10 Pháp Ba-la-mật của chư Phật phải hành. Ðức Thế Tôn thường ca tụng những người hành theo Pháp Nhẫn nại là người hành theo các bậc Thánh-nhơn nhất là Ðức Phật. Nhẫn nại ví như một thứ giáp sắt phi thường không có một thứ khí giới nào phá hủy được. Người đời thường không thể Nhẫn-nại được, vì để cho phiền não là “ngạo mạn” lên quá cao, người ấy nghĩ. Nếu mình nhịn người ấy đây sẽ có người nói rằng: Ta sợ, khiếp nhược. Nhưng kỳ thật khi mình nhịn được chính là mình thắng trận giặc bên trong là Sân hận và Ngạo Mạn bằng đạo binh Nhẫn nại và Từ Ái, ngoài ra còn thâu ngắn bớt được con đường Luân hồi là ít có oan trái oán thù.
Người bị người có uy quyền hơn hiếp đáp, nhưng không dám trả lời hay làm gì lại, đó là chịlu thua và người nầy được cái khá là biết mình, nhưng không gọi là nhẫn nại. Người nầy là người Chịu kém Chịu thiệt thòi. Người đời thường nói: Khôn cũng chết mà dại cũng chết. Theo Phật dạy chỉ có người biết mới sống. Nghĩa là người biết mình, biết người, biết hoàn cảnh, trường hợp. Người biết như thế này là người sống được bình an. Biết mình ý nói biết mình là người ở giai cấp nào? Biết người ở giai cấp nào? Biết hoàn cảnh có thể nói được, làm được hay không? Tùy theo trường hợp, tùy thời nói hay làm mới đúng. Nếu người làm công mà chống với chủ thì không hợp tình cảnh. Ý tôi nói đây là khi mình quấy mà chống lại. Người mà biết và hành theo những điều trên là người sống được an vui trong mọi nơi. Các bậc Trí thức không chê hạng nầy nhưng cũng chẳng khen.
Người chịu đựng được những khó khăn của người ngang hàng mình, vì không thích gây gổ, nhưng sự thật không sợ kẻ ấy, người hạng nầy rất khó kiếm trong xã hội, người nầy không thể gọi là Nhẫn nại được có thể gọi là Soracca nghĩa là Nín thinh, hay chịu đựng.
Người thật tình chịu đựng được sự khinh bỉ mắng nhiếc của người thấp hèn hơn mình, người dưới quyền mình, mình có thể dùng uy quyền làm khó kẻ ấy được nhưng nhẫn nại chịu đựng được người như thế đó gọi là nhẫn nại có nghĩa là Nhịn nhục, ý tôi muốn nói là chịu tất cả sự nhục nhả mà người đời không chịu đựng được.
Tôi xin nhắc lại chuyện Ðức Ðế-Thích trong bộ kinh Samyuttanikaya Sagathavagga, bài kinh Vepacitta như vầy. Ðức Thế Tôn có dạy: Khi xưa, thường có trận giặc giữa Thiên-Vương Ðế-Thích và A-tu-la vương. Nầy các thầy Tỳ-khưu, lúc nọ A-tu-la vương bị Thiên vương Ðế-Thích bắt cột ở cột cờ. A-tu vương chửi Thiên vương Ðế-Thích thật là thậm tệ. Nầy các thầy Tỳ-khưu, khi ấy có vị Chư thiên tên là Matali không chịu được sự mắng chửi ấy nên đến hỏi Thiên-Vương rằng: Tâu Ðại vương, Ngài có nghe lời A-tu-la vương trước mặt đây không? Ngài nhẫn nại được là do sự kính sợ hay sự yếu kém hơn?
Thiên-Vương Ðế-Thích đáp: Trẩm nhẫn nại lời đê tiện của Vepacitta đây, không phải vì kinh sợ hay yếu kém chi. Bậc Trí thức như trẩm thì bao giờ chịu đi đối đáp với người hung ác ngu xuẩn như Vepacitta ấy.
– Kẻ ác thường làm hại người rất nhiều, nếu không trừng phạt chúng sẽ không sợ. Vì vậy các bậc Trí thức thường trừng phạt chúng một cách nặng nề.
– Khi người nào biết rằng: Kẻ khác giận ta, người ấy là người có Trí nhớ dụt tắt được (Lửa Sân). Trẩm hiểu rằng: Sự dụt tắt được (lửa sân) ấy là sự trừng phạt kẻ ác nặng nề.
– Tâu Ðại-vương, khi mà Ðại vương nhìn thấy sự trừng phạt của sự nhẫn nại, khi ấy bọn hung ác tưởng rằng: Người nhịn ta vì sợ ta, người hung ác ấy hiếp đáp người nhẫn nại. Như con bò mạnh thường đuổi đánh bò yếu hơn nó vậy.
– Người tưởng rằng: Người nầy nhịn ta, vì sợ ta hay không cũng tùy ý họ. Những sự lợi ích của bản thân mình không có sự lợi ích nào cao quý bằng sự nhẫn nại. Kẻ nào có được sức mạnh của pháp Nhẫn nại, chịu đựng được với sự hành động của kẻ ác, sự Nhẫn nại của người ấy, các bậc Trí thức gọi là sự Nhẫn nại cao thượng. Các bậc Trí thức thường gọi sức mạnh của kẻ hung ác là sự Yếu ớt. Không có người nào có thể dùng lời nói, hay cách gì để làm cho người đã hành hạnh Nhẫn nại dùng mức nổi lòng Sân hận lên được. Tội nặng nề nhất là người sân hận trả lại kẻ sân hận. Người không sân hận kẻ giận mình, các bậc Trí thức gọi là người thắng được trận giặc, mà khó có người thắng được. Người nào biết rằng: Người ấy đang giận ta, nên có Trí nhớ dụt tắt ngay khi nó chưa phát cháy, người ấy gọi là người làm sự lợi ích cho cả hai bên là cho mình và cho người đang giận mình. Người ngu xuẩn thấy người giữ sự lợi ích cho mình lại cho là người ta Ngu xuẩn.
Ðức Thế Tôn liền dạy: Nầy các thầy Tỳ-khưu, Thiên Vương Ðế Thích nhờ phước báu ấy nên được thượng thọ trị vì hai cõi Ðạo lợi và Tứ đại thiên vương.
Nầy các thầy Tỳ-khưu, các người dứt bỏ mọi việc ở thế gian, xuất gia theo giáo pháp của Như Lai, nên làm cho ra người nhẫn nại, khả kính, khả ái của người bằng phép Nhẫn nại ấy.
Câu nói làm lợi ích cho người và cho mình ý nói rằng: Làm lợi cho mình là không gây thêm oan trái oán thù vào mình. Làm lợi cho người là không bị tức giận thêm hay khổ vì mình trả thù lại. Khi người trả thù lại thì oan trái vẫn kéo dài mãi mãi không bao giờ dứt.
Theo Pháp Nhẫn nại ấy có ý nghĩa cao siêu hơn là:
– Nhẫn nại trước sự khổ là nhân sanh lòng Tham.
– Nhẫn nại với sự khổ là nhân sanh lòng Sân hận.
– Nhẫn nại với sự khổ là nhân sanh lòng Si mê.
Giải thích:
– Nhẫn nại trước sự khổ là nhân sanh lòng Tham ấy nghĩa là nhịn chịu với sự ham muốn mọi việc như giàu sang, danh vọng v.v.. mà mình đang muốn vì không có, hay có nhưng còn chưa đủ với lòng tham. Người vì sự ham muốn ấy, thúc đẩy không thể nhịn chịu được phải tìm đủ phương thế xâm chiếm vật ấy, khi mà đang cố gắng xâm chiếm vật ấy bằng đường lối bất chính là đã tự tạo nghiệp chẳng lành, nghiệp ấy sẽ đến với mình là làm khổ tâm. Người chế ngự được Tâm không cho chạy theo những cảnh bên ngoài bởi sự tham lam nên gọi là nhẫn nại.
– Nhẫn nại với sự khổ là nhân sanh ra Sân hận, có nghĩa là người nhịn chịu với các trường hợp làm cho mình khổ Tâm vì sự sân hận như có người làm hại mình .v..v. nhưng mình nhẫn nhịn được không trả đũa ai, đây là sự nhẫn nại với các trường hợp làm cho phát sanh sự Sân hận.
Nếu người nhìn thấy: Trong thế gian nầy không ai vừa lòng được mọi người, và không ai tránh khỏi sự chỉ trích, khinh khi, những sự chỉ trích ấy, người không chỉ trích trước mặt thì cũng chỉ trích sau lưng. Vì những chuyện ấy là Thế gian Pháp, chẳng nên buồn phiền bực tức với Pháp ấy.
– Sự nhẫn nại để chịu đựng với sự Si mê ấy, có nghĩa là Sự chịu đựng với sự khổ sanh lên do thân nầy làm cho Tâm khổ như sự nóng nực, lạnh hay bịnh tật. Người nhẫn nại hằng có trí nhớ quan sát tâm không để tâm phóng túng giữ được sự êm lặng, dầu có xảy ra tai nạn thế nào cũng chẳng than van rên xiết.
Nơi đây tôi xin nhắc lại tích của một vị Tỳ-khưu hành hạnh nhẫn nại một cách tột độ, đây là một gương lành người tu Phật cần noi theo gương ấy.
Có một vị Tỳ-khưu học tham thiền xong, và ở một cái hang tên Piyanguha gần Cetiyapabbata, nơi ấy hầu như tuyết đóng quanh năm. Ngài ở tham thiền nơi ấy thật là lạnh lẻo, hầu như không thể chịu đựng nổi. Ngài tự dạy mình rằng:
Nơi đây tuy lạnh thật, nhưng cái này vẫn chưa lạnh bằng Ðịa ngục Vô gián. Cái lạnh nầy ta vẫn còn chịu đựng được. Nếu không tu hành chân lý trong khi ta có được thân nầy, và duyên lành rất lớn nên được gặp Ngài chỉ dạy, rõ được đường giải thoát. Nếu ta không ráng lo tu hành thì làm sao thoát khỏi cảnh địa ngục. Tại sao ta vận còn đỏ đuôi không cố gắng tu hành cho mau giải thoát? Tại sao ta không nhẫn nại được chỉ lạnh bằng độ này?
Ngài tự dạy mình như vậy, nếu cố gắng hành đạo đắc Thánh quả nơi ấy. Thật là một gương soi sáng chung cho hàng Ðệ tử Phật.
Chuyện nữa, có một vị Tỳ-khưu học Tham thiền xong Ngài ngồi Tham thiền ở cội cây trong mùa nóng. Ngày ấy, sức nóng làm cho Ngài mồ hôi xuất ra ướt cả y. Ngài tự dạy mình: Ðây nóng thật nhưng cũng chưa nóng bằng cảnh khổ nơi Ðịa ngục. Cái nóng ở Ðịa ngục có thể làm cháy một quả núi đá to lớn, như đốt cháy một miếng bông gòn nhỏ. Hôm nay Ta có nhiều duyên lành được sanh làm người, được gặp Phật và càng may hơn là được xuất gia theo Phật pháp, vậy ta có nên thối chí trước sự chỉ nóng nực thường như vậy hay không? Vậy Pháp nhẫn nại của ta đâu? Ngài nghĩ vậy nên rất cố hành đạo không thối chuyển. Ngài hành và đắc A-la-hán quả dưới cội cây ấy.
Có một vị Tỳ-khưu đang ngồi nghe Pháp, bị một con rắn độc cắn đứt một miếng thịt ở bắp chân. Sự đau đớn hành hạ Ngài quá lắm; nhưng Ngài cố gắng dùng Pháp nhẫn nại tự dạy mình rằng: Dầu chết cũng chẳng nên làm náo động người đang thỉnh pháp, Pháp bảo là lời giảng giải quý nhất trên cả các vật trên đời này. Người nhờ nghe Pháp mà giải thoát được, vậy ta không nên vì sự đau đớn của mình mà làm hại quả báu cao thượng của người khác sao. Nhờ suy nghĩ vậy, nên dùng hết sức nhẫn nại và ráng cố nghe Pháp, nhờ sức mạnh của Phỉ lạc, nên làm cho nọc rắn tiêu tan, ngài liền bắt con rắn bỏ vào Bát, sau khi dứt thời Pháp, Ngài đem rắn bỏ ở biên rừng vắng.. Cũng nhờ sự nhẫn nại ấy nên Ngài cũng đặc được Thánh quả và tiêu trừ được nọc rắn ấy.
Những chuyện tích nầy có rất nhiều trong kinh sử Phật-Pháp nhắc lại đây để thấy rằng: Nhẫn nại là một pháp rất cao quí, nhờ nhẫn nại mà người đến nơi giải thoát. Người tại gia cư sĩ hay người xuất gia muốn giải thoát, hoặc làm cho được kết quả mọi việc thì phải có Nhẫn Nại. Người có pháp nhẫn nại là người có pháp huyền diệu làm cho ai ai cũng thương mến ở nơi nào cũng được an vui, chư thiên hộ-trì và nhân loại mến yêu.
Có câu Phật-ngôn:
Khantiko Mettava Labhi
Yasassi Sukhasilava
Piyo Devamanussa Nam
Manapo Hoti Khantiko
Nghĩa: Người có nhẫn nại là người có Tâm Từ, là người hằng được lợi lộc, Người có uy quyền. Người hằng có sự an vui. Người nhẫn nại là người mà Chư-thiên và Nhân loại hằng yêu mến.
Hơn nữa, Nhẫn nại là một cái kho vĩ đại chứa đầy của của quý là Giới, Ðịnh, Huệ, không để những của ấy rời rạc: nên kẻ trộm khó cắp lấy được.
Có câu Phật dạy:
Silasamadhigunanam.
Khanti Pakhada Kabanam
Sabbepi Kusala Dhamma
Khantiya Vadd Stite
Nghĩa: Nhẫn nại là nhân chứa đựng các đặc ân là Giới, Ðịnh, Huệ. Các thiện pháp mà được tiến hóa là nhờ sự Nhẫn nại.
Ðức Thế Tôn còn dạy: Nhẫn nại là môn khí giới tuyệt độc để tiêu diệt các ác-pháp; mà cũng là cái máy dùng để bứng tận cội rễ của sự gây gổ oán thù, như có câu Phật-ngôn dạy:
Kevalanampi Papanam
Khanti Mulam Nikantati
Gabahakalahadinam.
Mulam Khanati Khantiko
Nghĩa: Nhẫn nại đào bứng tận tuyệt hết gốc rễ của các ác Pháp. Người nhẫn nại gọi là người đào bứng tận gốc rễ của các điều tội lỗi, nhất là sự chỉ trích, sự cải vã, và gây gỗ.
Còn rất nhiều câu Phật dạy, về sự nhẫn nại và quả báu của sự nhẫn nại. Nhưng phần lớn dạy, ngụ ý dạy người tại gia phải cương quyết nhẫn nại với sự chỉ trích chê bai; mắng nhiếc và lời nói châm biếm. Hãy xem những lời ấy như là luồng gió có mùi bất tịnh. Khi người chịu được lời ấy là người có sự nhẫn nại trong Tâm và cố giữ càng Tăng trưởng thêm nhiều càng hay.
Các bậc Trí thức thường khen tặng người giữ vững lòng Nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh và mọi nơi. Thường các bậc Trí thức nhẫn nại với lời khinh rẻ, chưởi mắng mà người ngang giai cấp hay người trong giai cấp thấp kém hơn, không bao giờ biết rung động những lời nói hay việc làm của ai hết. Vì các ngài hiểu rằng: Người đến làm mình khổ vì lý do gì, đó là hạng người ít Trí thức, nên đi làm khổ kẻ khác, vậy nếu mình là người Trí thức gọi là hàng Phật-tử, có nên đem mình từ chỗ cao cả xuống hàng thấp kém chăng. Hơn nữa, người Nhẫn nại là người có vàng quý, nếu không có lửa thì lấy chi thử vàng. Nghĩa là muốn biết thử vàng chỉ có lửa, cũng như người tu hạnh Nhẫn nại nếu biết mình tu tới mức độ nào thì hãy coi khi mình gặp phải chuyện làm cho lòng buồn phiền tức giận.
Người tại gia hay người xuất gia đều phải có sự nhẫn nại từ hơi thở, nghĩa là luôn luôn phải nhẫn nại với mọi sự việc. Người Phật tử cần phải có sự nhẫn nại như người cần phải có không khí để thở vậy. Vì người thiếu không khí là chết, cũng như người muốn tu giải thoát mà thiếu Nhẫn nại là không thể giải thoát được. Tất cả công việc đời như đạo bị thất bại đều do nơi người không có sự Nhẫn nại, để làm việc ấy cho chu đáo cho đến nơi kết quả mỹ mãn.. Nói tóm lại, Nhẫn nại là pháp chủ động của mọi việc làm. Người bị oán thù, bị người làm hại cũng chỉ vì thiếu sự Nhẫn nại mà ra. Vì vậy người tại gia cư sĩ cần phải ráng hành hạnh Nhẫn nại. Vì có Nhẫn nại mới có sự an vui.
Người Nhẫn nại là người dụi tắt được lửa Sân hận phát sanh lên trong lòng, vì vậy nên không có sự cãi vả nhau. Người có được lòng Nhẫn nại dỏng mảnh là nhờ có lòng Từ giúp vào; khi có Nhẫn nại và Từ là nhờ có Hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi. Khi mà có được Hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi là nhờ có Pháp. Ghi nhớ hay gọi là Trí nhớ và sự biết mình. Những Pháp kể trên đây như sợi dây xích, phải nối liền nhau từ khoen nầy với khoen kia thiếu một khoen nào thì không thành hình được.
Tóm lại, Nhẫn nại là phép dụi tắt ngay sự sân hận khi mới chớm lên, nghĩa là người biết ngay nhân sanh lòng Sân hận liền dụi ngay không để cho có thì giờ bốc lên được. Xin đừng để cho người phải mất công đánh ta một tát tay, đã đau mà còn phải mất công đưa má cho tát thêm một tát nữa.
Phật dạy người nhẫn nại có 5 quả báu:
– Piyo Hoti Manapo: Ðược nhiều người thương yêu mến chuộng.
– Naverabahulo: Không có nhiều oan trái.
– Navajjabahulo: Không có nhiều tội lỗi.
– Asammulho: Không loạn tâm khi sắp lâm chung.
– Suggatim Upapajjati: Ðược sanh về cõi Trời.
Ngoài ra, người tại gia cư sĩ còn cần phải biết phận sự đối đãi với tất cả mọi người cùng chung sống trong xã hội.
Bổn phận làm chồng đối với vợ
Có 5 pháp:
- Samaanaya: Khen tặng mến yêu vợ nhà. Có nghĩa là:
– Phải làm lễ cưới và phép giao.
– Thường thường đưa vợ đi đến mọi cuộc lễ và giới thiệu vợ với tất cả mọi người, trong mọi nơi.
– Cùng ăn, uống, nằm, ngồi bình đẳng. Vì khi Phật còn tại thế người thời ấy coi vợ là hạng thấp kém không được ăn uống ngang hàng với chồng.
– Không để vợ làm việc nặng nề, phải để vợ có thì giờ nghỉ ngơi và phải giúp đỡ việc nhà với vợ.
– Khi đi ngoài đường cần săn sóc và giúp đỡ vợ mọi việc như xách dùm đồ nặng.
– Tỏ ra rất thỏa mãn việc làm của vợ.
– Thường ca tụng hành vi của vợ nơi đô hội, có mặt vợ nơi ấy hay không cũng chẳng hạng.
– Phải săn sóc và khuyến khích vợ trong cơn bịnh hoạn.
– Phải cố hiểu tính nết của vợ, để dễ bề đối phó việc không hay xảy ra.
– Thường hỏi han sức khỏe của vợ, và thường nói cho vợ biết việc làm của mình có kết quả gì.
– Phải đem việc làm của mình ra bàn luận với vợ và chỉ bảo những điều thiếu sót của vợ.
– Phải để thì giờ sống với vợ nghĩa là phải để thì giờ đi chơi như đi nghỉ mát xem cuộc lễ.v.v.
- Avimananaya: Không khinh khi vợ nhà. Có nghĩa là:
– Không hành hạ đánh đập.
– Phải nói lời nhả nhặn êm dịu.
– Khi vợ có lỗi lầm, không nên la rầy và nên khuyên dạy nơi vắng vẻ.
– Khi biết mình quấy thì tự nhận lỗi.
– Nên luôn luôn nhớ rằng: Khi mà mình được vinh hạnh, hay chuyện may gì ngoài đời cũng nhờ phần lớn ở bà hiền nội trợ.
– Không nên khinh khi cha mẹ, anh em, họ hàng của vợ.
– Ðừng bao giờ đem người đàn bà nào khác so sánh với vợ nhà.
– Không nên đem chỗ khiếm khuyết của vợ ra chỉ trích, chớ không phải khuyên bảo chỉ chỗ thiếu sót.
– Phải biết nhận lấy phận sự làm chồng như người anh cả khuyên bảo em gái của mình.
- Anaticaryaya: Không ngoại tình. Có nghĩa là:
– Không bao giờ yêu người phụ nữ nào khác ngoài vợ nhà.
– Phải luôn luôn nhớ rằng: Của cải đã có là nhờ công vợ một phần lớn.
– Phải luôn luôn nhớ rằng: Vợ nhà là hàng phụ nữ, mà phụ nữ là phái yếu nên luôn luôn chìu chuộng mềm mỏng. Tỏ vẻ mến thương.
– Phải luôn thấy rằng: Khổ của vợ chính là khổ của mình.
– Phải luôn luôn chăm nom, săn sóc vợ khi vợ ngủ ngon không nên phá giấc ngủ.
– Không nên đánh bạc, hút thuốc phiện, uống rượu. Ðây là nhân làm cho vợ nhà rầu buồn khổ tâm không ít.
- Issariyavossakena. Giao phó trách nhiệm cai quản gia đình cho vợ.
– Giao cho vợ chăm nom săn sóc tất cả mọi việc trong gia đình.
– Phải có sự Nhẫn nại, và phải luôn luôn nghĩ đến thương hại vợ và tha thứ cho những lỗi lầm nào có thể tha thứ được.
– Lo phòng sự tai nạn có thể xảy đến cho vợ.
– Phải làm cho ra vẻ người chồng khả kính, khả ái của vợ.
Vợ chồng có thể ví như tay mặt và tay trái. Chồng là tay mặt và vợ là tay trái. Tại sao? Vì tay mặt là tay làm ra tiền làm việc nặng nề, còn tay trái là tay làm việc ít mà là tay đeo nhẩn. Cũng như chồng làm việc nặng nề mệt nhọc nhưng có của tiền đem về giao cho vợ nhà coi sóc. Vợ nhà ví như một bà nội tướng trông nom một tiểu bang trong một xã hội lớn. Nếu bà nội tướng ấy giỏi trông nom gia đình thì tiểu bang ấy sẽ được an vui thạnh vượng.
- Alakaranuppadana: Cho đồ trang điểm đến vợ. Người đàn ông yêu thương vợ thì hay mua đồ trang điểm mà vợ thường ưa thích, mặc dầu của ấy không đáng giá là bao, nhưng nó là một kỷ niệm làm cho người vợ không bao giờ quên được; vì nó là một tình thương, và cũng là một vấn đề Tâm lý.
Ngoài ra cho những món quà thường ấy, người chồng còn phải nhớ đến những ngày đáng nhớ cho vợ, những món khác trong những ngày là:
– Mua quà biếu ngày sinh nhật. Ðây là Tâm lý hết sức quan trọng. Tỏ ra người chồng còn nhớ đến vợ.
– Mua quà biếu trong ngày Tết Nguyên Ðán.
– Mua quà biếu sau khi sinh nở.
– Mua quà biếu sau khi mới bình phục cơn bịnh ngặt.
– Khi đến nơi nào xa lạ thấy có bán món gì lạ, khác thường mà quê hương mình không có, nên mua về làm quà biếu vợ đây là quà tặng của người đi xa về.
Bổn phận của vợ đối với chồng.
Ðã nói rằng: Người vợ là bà nội tướng, và khi mà ông chồng đối với mình đủ tư cách một người chồng tốt thì phải đối với chồng có 5 pháp. Nói người chồng tốt đây, tôi không có ý nói: Nếu người chồng không tốt, thì người vợ đối lại bằng cách không lành. Theo Phật dạy thì mọi điều phải làm tròn phận sự của mình. Mặc dầu là người có xấu nhưng ta phải đối xử cho thật tốt. Vì có câu Phật dạy Asadhum Sadhuno Jine nghĩa là Thắng kẻ xấu bằng sự đối xử tốt của mình.
Ðây là 5 pháp đối xử của vợ:
- Susamvihitakammantam: Xếp đặt việc gia đình có trật tự.
– Phải nghĩ rằng: Chồng ta không có thì giờ lo việc gia đình. Ta phải xếp đặt mọi việc trong nhà cho có trật tự.
– Khi thấy chồng bừa bãi không có trật tự, nên dọn dẹp, không nên vì chuyện nhỏ nhặt ấy mà buồn, hay cằn nhằn để sanh ra chuyện không hay trong gia đình. Phần đông người đàn ông hay bừa bãi, vì vậy nên không gọi là Ông nội tướng.
– Luôn luôn để ý coi tại sao chồng thường hay bừa bãi. Coi chồng thường cần vật nầy, vật nọ nào thường để nơi nào, cứ đem để lại nơi ấy cho có trật tự hơn, khi ông ta cần khỏi phải tìm kiếm.
– Không nên nghĩ rằng: Ðã có người giúp việc lo cho gia đình rồi không quan tâm đến, mà phải chính mình lo cho chồng. Người đàn ông nào cũng muốn chính tay vợ lo cho mình. Người đàn bà biết lo cho chồng là người đàn bà nắm vững phần chắc là không bao giờ chồng quên mình. Vì người đàn ông thường nghĩ đến Công Vợ.
– Người vợ hiền luôn luôn có thời khóa biểu để tùy theo đó mà làm việc không phí thì giờ.
- Susangahita Parijana: Giúp đỡ quyến thuộc chồng như chính của mình. Có nghĩa là:
– Kính trọng Cha, mẹ, và quyến thuộc chồng.
– Lo phụng sự cha, mẹ chồng.
– Thương yêu quí mến quyến thuộc chồng như chính là quyến thuộc của mình.
– Ðể ý đến việc tiếp rước quyến thuộc chồng và thường có thư thăm viếng.
– Không để ý đến chuyện quyến thuộc bên chồng đã làm phiền mình.
– Nhẫn nại và hỉ xả những việc sai lầm mà cha mẹ, quyến thuộc của chồng đã đối xử với mình.
– Không khinh khi cha mẹ chồng vì quyến thuộc chồng nghèo hơn gia đình mình.
– Nói với cha mẹ hay quyến thuộc chồng rất là lễ phép nhả nhặn êm dịu.
- Sambhatanca Anurakkhita: Biết giữ gìn của cải mà chồng đã giao cho. Có nghĩa là:
– Hết lòng giữ của đã có không cho hư hại vì mưa, nắng, hay bị trộm cắp.
– Người biết cách chi tiêu tiền bạc nghĩa là biết tiết kiệm không chi tiêu thái quá.
– Không cờ bạc uống rượu.
– Không hề nói dối, hay dấu tiền làm của riêng của mình, hay để cho riêng quyến thuộc của mình.
– Hết lòng làm cho có thêm tiền nếu có thể.
– Cố tỏ ra người có đủ khả năng, nhẫn nại, là lòng khoan hồng đối với mọi người.
- Anatucarini: Không ngoại tình. Có nghĩa là:
– Phải có sự thành thực và yêu mến chồng.
– Hằng nhớ rằng: Có thể hy sinh đời sống của mình và vật gì mà mình thương yêu nhất của chồng cho chồng.
– Không hề nghĩ ngoại tình.
– Cần phải tìm hiểu tính nết của chồng để dễ bề đối phó khi có chuyện không may xảy ra trong gia đình.
– Nên nhớ rằng: Chồng là người hy sinh để đem lại sự an vui hạnh phúc cho gia đình.
– Người vợ hiền thường tìm phương thế sửa chữaa tính nết không hay, không đẹp của chồng tùy theo trường hợp cho phép.
– Không nên thân thiện với bạn bè quá mức, mà bỏ phế việc gia đình là phận sự chính yếu của vợ hiền.
– Không nên đem chuyện người đàn ông nào nói cho chồng nghe, hoặc tỏ ra vừa lòng người ấy, một chuyện gì dầu nhỏ nhen đến đâu.
– Phải nhớ đến tương lai của con là phận sự của mình.
– Nên nhớ: Ta phải làm cho ra người vợ hiền, dâu thảo.
– Nên nhớ: Việc làm của chồng là công việc của ta.
– Nên nhớ: Phải dấu không nói những việc xấu xa trong gia đình cho người ngoài biết.
– Khi nhận thấy mình đã lầm lỗi rồi, thành thật thú nhận tội lỗi không ngoan cố.
– Không nên nói chuyện hoang đường làm cho chồng cảm thấy bực dọc khi muốn an tịnh.
– Không nên bắt buộc chồng phải nghe mình nói chuyện, trong khi chồng muốn giải trí với tờ báo hay quyển sách chi đó.
Ngoài ra, người vợ hiền cũng cần phải biết những thứ nước:
– Nước nóng. Người vợ hiền biết lo nước nóng cho chồng khi cần, lúc trời lạnh phải tắm, hay khi bịnh hoạn cần có nước uống. Hoặc cần nước trà uống khi có khách.
– Phải biết nước lạnh. Ý nói như câu trên.
– Phải biết nước canh. Có nghĩa là người vợ phải quan tâm coi chồng thích ăn món canh gì, hay món ăn gì, tùy lúc và cũng tùy món ăn ngon vừa miệng chồng. Bữa cơm ngon lành không thể nào làm cho chồng quên được. Khi ăn vừa miệng thì không bao giờ nghĩ đến sự cao-lầu hay nơi khác. Ðây cũng là một nguyên nhân tiết kiệm được ngân sách gia đình không nhỏ vậy. Nên nhớ: Khi người ăn ngon miệng thì việc làm được trôi chảy, vì có sức khỏe. Tâm lý người đàn ông khi đi làm về mệt nhọc thấy vợ lo sẵn một bữa ăn ngon lành vừa miệng, thì rất thỏa mãn, gia đình được vui vẻ là nhờ vậy.
– Nước tâm, có nghĩa là: Người vợ hiền luôn luôn để ý đến tâm tính của chồng. Khi xem thấy chồng có thái độ bất thường, nên biết có chuyện chi, để ý tìm thế khuyên nhủ không để chồng buồn. Khi chồng nổi cơn giận, nên nhẫn nại để khi chồng bớt cơn giận hay đã hết hẳn rồi mới phân trần cho chồng hiểu. Gia đình nào có được người vợ hiền Tâm chồng như thế thì gia đình ấy thật là hạnh phúc.
Thì bây giờ mà nói chuyện trên đây, có lắm người không ưng ý, vì người nghĩ rằng: Ðàn ông thường dùng uy quyền, hiếp đáp đàn bà. Sự thật nên xem lại coi Phật dạy người chồng phải đối với vợ thế nào.
Trong gia đình thường hay có sự bất hòa vì người đàn ông cũng như đàn bà không biết giữ một mức độ mà tự mình thay đổi sự đối đãi nhau. YÙ tôi muốn nói là, khi mới gặp nhau vợ cũng như chồng, hai người chiều chuộng nhau. Khi ở lâu rồi, vợ cũng như chồng không còn giữ được mức độ cũ, nên tình thương hay sự kính nể nhau thay đổi, vì thay đổi nên có sự cải vả nhau. Nếu hai người đều giữ được tình yêu ban sơ mãi mãi thì không bao giờ có sự buồn phiền trong gia đình.
Người chủ nhân phải có 5 pháp:
- Yathabalam Kammanta Sanvidhanena: Phân cắt việc làm tùy theo khả năng của người.
- Bhattavettananuppadanena: Cho vật thực và trả tiền thù lao tử tế; Nghĩa là trả đúng ngày giờ, đúng theo khả năng không bớt hay thiếu lại.
- Gilantuppathanena: Săn sóc người giúp việc trong khi bịnh phải cho thuốc men nghỉ ngơi.
- Acchariyanagm Rasanam Samvibhagena: Chia sớt vật thực ngọt ngon.
- Samayevosaggene: Cho nghỉ ngơi khi làm việc mệt nhọc, hay ngày lễ.
Bổn phận người giúp việc đối với chủ nhơn.
- Pubbutthayino: Thường thức sớm làm việc trước chủ.
- Pacchanipatino: Nghỉ làm việc sau chủ.
- Dinnadayino: Chỉ lấy của nào mà chủ đã cho, nghĩa là không ăn cắp của chủ, hay lạm dụng của chủ nhơn.
- Sukarakammakaraka: Làm việc với tất cả sự cẩn thận chú tâm kỷ lưỡng.
- Kittivannahara: Thường ca tụng những điều tốt của chủ khắp mọi nơi.
Bổn phận người đối với bạn:
- Danena: Cho của cải. Nghĩa là có ý giúp đỡ bạn trong khi biết bạn mình đang thiếu thốn.
- Piyavajjana: Nói lời êm dịu. Nghĩa là đối với bạn không hề dùng tiếng không nhả với bạn.
- Atthacariyanam: Làm cho bạn được sự lợi ích.
- Samanattataya: Tánh cách người ngay thật với bạn.
- Avisamvadanataya: Tánh cách người không dối và dấu diếm việc làm của mình với bạn.
Khi được bạn đối đãi như vậy phải đối lại 5 pháp:
- Kamattan Rakkhanti: Tiếp và giúp đỡ bạn trong khi bạn dễ duôi.
- Pamattassa Spaateyyam: Tiếp giữ, gìn giữ của cải trong khi bạn dễ duôi.
- Bhitassa Sarnam Hoti: Có thể cho bạn nương nhờ được trong khi bạn có tai nạn.
- Apadasu Na Vijahnati: Không bỏ nhau trong khi thất bại hay bị suy sụp.
- Aparappajam Pissa Patiujenti: Có lòng thương yêu quyến thuộc của bạn như người thân của mình.
Trò đối với thầy có 5 pháp:
- Utthanena: Khi thầy đến phải đứng dậy tiếp đón.
- Paccupatthanena: Phải tùy thời vào hầu hạ thầy.
- Sussusaya: Nên theo lời thầy dạy dỗ.
- Paricariyaya: Hầu hạ làm việc lặt vặt trong nhà thầy.
- Sakkaccam Sippuggahanena: Phải kính cẩn trong khi học.
Thầy đối với trò có 5 pháp:
- Suvinitam Vinenti: Dạy dỗ học trò cho châu đáo.
- Suggahitam Gahapenti: Giảng dạy tập luyện học trò cho thuần thục.
- Sabbasippesu Tam Samakkhayino Bha Vanti: Dạy hết sự hiểu biết của mình (không dấu nghề).
- Mittamaccesu Pativedenti: Khen tài trò trước mặt bè bạn và quan quyền.
- Disasuparittanam Karanti: Có ý bảo học trò trong mọi việc.
Người tại gia cư sĩ nên xa lánh 6 điều xấu:
- Alassa: Lười biếng
2. Pamada: Dễ duôi.
3. Anutthana: Không cố gắng.
4. Asannama: Không cẩn thận.
5. Ninda: Mê ngủ.
6. Anabhirati: Tâm không thích công việc đang làm.
* Trong Tạng kinh Tiểu bộ, Khuttakanikaya Suttanipata, bài kinh Parabhavasutta có dạy Ðường Tiến Hóa và Ðường Tiêu Hoại của người cư sĩ. Trong ấy có tới 12 câu kệ ngôn. Tôi (Tác giả) muốn viết luôn kệ ngôn Phạn ngữ ra đây nhưng quá dài xin dịch lại nguyên văn nhưng không có Phạn ngữ
Câu kệ thứ nhất
Người học thông nghề lành thì được sự tiến hóa. Người học nghề ác thì bị sự tai hại. Người yêu kính Pháp thì được tiến hóa. Người khinh bỉ Pháp thì bị sự tai hại. Vì lẻ ấy, người nên hiểu rằng: Ðây là con đường đi đến nơi tai hại nhất.
Giải: Người học thông nghề Lành, có nghĩa là thông hiểu việc làm thuộc về thiện nghiệp, khi làm nghề lương thiện thì không bị tai hại. Nếu học thông nghề bất lương thì hằng bị tai hại. Tiếng nói yêu kính pháp có nghĩa là hành theo pháp. Khinh bỉ Pháp có nghĩa là không hành theo pháp, mà còn chê bai.
Câu kệ thứ nhì
Người yêu kính kẻ ác, không kính trọng bậc Thiện Trí thức, kẻ nào ưa thích lời giáo huấn của người ác. Ðây là con đường đi đến nơi tai hại. Vì lẽ ấy, người nên hiểu rằng: Ðiều nầy là sự tai hại thứ nhì.
Câu kệ thứ ba
Người ham ngủ, thích nói chuyện vô bổ, không siêng năng, mau sân hận, đây là con đường đi đến nơi tai hại. Vì lẻ ấy Người nên hiểu rằng: Ðây là sự tai hại thứ ba.
Câu kệ thứ tư
Kẻ nào có khả năng nuôi cha mẹ. Nhưng không nuôi cha mẹ khi tuổi xế chiều, đây là con đường đi đến sự tai hại. Vì vậy, người nên hiểu rằng: Ðây là sự tai hại thứ tư.
Câu kệ thứ năm
Kẻ nào nói dối với bậc Sa-môn, Bà-la-môn hoặc kẻ ăn xin bằng lời, đây là con đường đi đến nơi tai hại. Vậy người nên hiểu rằng: Ðây là sự tai hại thứ năm.
Câu kệ thứ sáu
Kẻ nào giàu có, có của cải nhiều ăn vật thực ngọt ngon một mình (ý nói không cho người khác cùng hưởng), đây là con đường đi đến nơi tai hại. Vì vậy người nên hiểu rằng: Ðây là sự tai hại thứ sáu.
Câu kệ thứ bảy
Kẻ nào tự kiêu vì giòng quý phái cao sang, vì có nhiều của cải họ hàng, khinh khi quyến thuộc của mình. Ðây là con đường đi đến nơi tai hại. Vì vậy Người nên hiểu rằng: Ðây là sự tai hại thứ bảy.
Câu kệ thứ tám
Kẻ nào thích chơi gái, uống rượu, cờ bạc, của cải của người ấy, đã làm ra sẽ bị tiêu diệt, đây là con đường đi đến nơi tai hại. Vì lẽ ấy Người nên hiểu rằng: Ðây là sự tai hại thứ tám.
Câu kệ thứ chín
Kẻ nào không biết tri túc vợ nhà, hành động bất chánh với vợ kẻ khác, hay cũng đối với người mãi dâm, đây là con đường đi đến tai hại. Vì lẽ ấy, Người nên hiểu rằng: Ðây là sự tai hại thứ chín.
Câu kệ thứ mười
Kẻ nào già mà có vợ còn trẻ hằng ngủ không yên vì sự ghen tương, vì lo người vợ trẻ. Ðây là con đường đi đến nơi tai hại. Vì lẽ ấy người nên hiểu rằng: Ðây là sự tai hại thứ mười.
Câu kệ thứ mười một
Kẻ nào giao phó gia đình cho cô gái mãi dâm làm chủ hoặc giao cho người đàn ông bất lương làm quản gia. Ðây là con đường đi đến nơi tai hại. Vì lẽ ấy người nên hiểu rằng: Ðây là sự tai hại thứ mười một.
Câu kệ thứ mười hai.
Kẻ nào sanh vào giòng vua, nhưng có binh ít, lương thiếu mà lòng ham muốn lớn, muốn được ngự trị toàn thiên hạ, bậc trí thức là người trọng lẻ phải, nhìn thấy những kẻ ấy là người bị tai hại trong đời này. Vậy các bậc Trí thức nên giao tiếp với người tiến hóa.
* Trong Tạng Kinh bộ Anguttaranikaya Atthaka Ipata Ðức Tôn có dạy câu kệ này, nơi đây xin viết Phạn ngữ vắn tắc.
Utthata Kammadheyyesu
v…v…
Cago Pannam Pavaddati
Nghĩa: Sự siêng năng làm việc. Không dể duôi. Xếp đặt việc làm chu đáo. Việc làm hợp thời, Nuôi mạng tương xứng với sức mình (ý nói tương xứng với của cải do sức mình tìm ra). Giữ gìn của đã có. Có Ðức tin, có giới hạn. Không có sự bỏn xẻn keo kiệt, hằng lo dọn sẳn con đường đi về ngày vị lại. Những pháp này là của người Tại gia cư-sĩ có đức tin. Ðức Thế – Tôn là đấng hoàn toàn giác ngộ có dạy rằng; (Những pháp kể trên) đưa sự an vui cho 2 đời là hiện tại và vị lai.
* Trong Tạng kinh bộ Anguttaranikaya Pancakanipata (Tăng Chi), Ðức Thế – Tôn có thuyết cho Ông trưởng giả cấp Cô Ðộc nghe lợi ích của sự chi dụng tiền của. Tôi xin rút ra một đoạn.
Một lẽ nữa các bực Thánh – nhơn (hữu học) trong giáo pháp của Như Lai xử dụng tiền của mà tự mình đã tạo ra bằng sự siêng năng chân chánh, tiết kiệm hợp theo 5 pháp là:
- Natibali: Giúp đỡ quyến thuộc.
2. Itithibali: Tiếp khách.
3. Pubbapetabali: Làm phước hồi hướng cho quyến thuộc đã quá vảng.
4. Rajabali: Ðóng thuế cho chánh phủ.
5. Devadabali: Giúp cho chư thiên có nghĩa là làm phước hội hướng quả báo cho chư thiên.