SƠ LƯỢC LỊCH SỬ ÐỨC THÁI TỬ SĨ-ÐẠT-TA

Phật không phải là tên, họ mà là hồng danh của Chư thiên nhân loại ca tụng công đức của một đấng siêu-việt trần gian. Tên thật của Ngài là Sĩ-Ðạt-Ta, hay có khi cũng gọi là Tất-Ðạt-Ta nguyên phạn ngữ là Siddhattha. Họ Ngài là Gotama, Tàu âm là Cổ Ðàm. Phụ vương của Ngài là đức Tịnh Phạn Vương, và bà Hoàng hậu Mada. Ðức Tịnh Phạn Vương trị vì xứ Sakya, kinh đô Kapilavatthu – âm là Ca-bi-la-vệ, gần giòng sông Rohini, hiện nay cách xa kinh đô Baranasi (Benares) ước độ trăm dặm Anh. Dòng Sakya âm là Thích Ca. Xứ Sakya ở về Ðông Bắc xứ Ấn-Ðộ, ở triền núi Himalaya âm là Hi Mã Lạp Sơn. Giòng Thích Ca thuộc giòng Ariya cũng gọi là Ariyan.

Thái tử Sĩ-Ðạt-Ta sanh nhằm rằm tháng tư âm lịch năm Tuất, trước Phật lịch 80 năm (P.L. 2543, T.L. 1969).

Sau khi sanh, có 8 vị Bà La Môn rất lão thông Tam Phệ Ðà đến xem tướng Thái Tử, và các ông ấy tiên tri rằng: Nếu Thái Tử trị vì thiên hạ thì Ngài là vị Chuyển Luân Thánh Vương cai trị cả bốn châu thiên hạ. Nhược bằng Ngài xuất gia tìm đường giải thoát thì Ngài sẽ đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Chỉ có một vị Ðạo sĩ tên là Kaladevila cương quyết tuyên bố: Thái tử chắc chắn không hề luyến tiếc ngai vàng thế tục, nhứt định rằng Ngài sẽ chắc chắn xuất gia tìm được đường giải thoát. Ngài là đấng chí tôn, là vị Chánh đẳng, Chánh giác. Ngài là đấng diệt trừ được ngũ ma, nêu đèn trí tuệ, dẫn chúng sanh giải thoát trần gian.

Lời tiên tri của vị Ðạo sĩ Kaladevila, làm cho Ðức vua Tịnh Phạn lấy làm buồn và rất lo ngại, vì Ngài muốn Thái tử phải là vị Chuyển Luân Thánh Vương, Ngài phán hỏi: Vì lý do gì làm cho Thái Tử phải xuất gia, Thái tử gặp những gì làm cho Thái tử nản chí xuất gia?

Ðạo sĩ Kaladevila tâu: – Tâu Ðại vương, Thái Tử nhận thấy sự thật của đời là sự đau khổ của sự sanh, già, đau chết và người xuất gia, đó là lý do làm cho Ngài xuất gia.

Ðức vua nghe vậy, Ngài ghi nhớ và từ ấy trở đi Ngài cố hết sức lo tạo ra các cuộc vui chơi để ru ngủ Thái Tử trong giấc ngủ trần dục, không bao giờ cho Thái tử tiếp xúc với thế gian.

Mặc dầu được vua cha nuông chìu, và được tất cả hạnh phúc trên đời, nhưng những miếng mồi tục lụy ấy không câu được cá to, sợi dây tài, sắc, lợi, danh, ấy không cột nổi chân Ðại Bàng. Vì vậy mặc dầu sung sướng, nhưng Thái Tử cảm thấy không còn vui thích trong mùi tục lụy, mà cảm thấy thiếu thốn những gì. Vì vậy Thái Tử sanh lòng mơ mộng muốn thấy cảnh thật của đời. Nên Ngài xin phụ vương cho đi xem phong cảnh ngoài cung nội, để thấy rõ mặt thật của đời.

Ðến năm Ngài 29 tuổi mới được du ngoạn ngoài hoàng cung. Ngài mới nhận thấy rõ sự thật của nhân gian khổ sở đời sống chật vật mà còn cái khổ vô cùng là: Già, Ðau và Chết. Sau cùng Ngài gặp người xuất gia là đề mục nhắc nhở Ngài đi theo con đường ấy. Sau đó, Ngài từ bỏ cung điện, và ra đi tìm đường giải thoát.

Sau sáu năm khổ hạnh ở tại rừng Tuyết Lãnh và cuối cùng Ngài đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Thời pháp thứ nhứt thuyết tại vườn Lộc giả gọi là Chuyển pháp Luân độ 5 thầy Kiều Trần Như, và từ ấy Ngài mở mang giáo phái trong 45 năm độ chúng sanh nhiều vô số kể. Trong 45 năm thuyết pháp độ đời, Ngài để lại trên đời này ba tạng kinh gọi là Tam Tạng. Trong ấy có tám muôn bốn ngàn pháp môn. Hiện nay ít có người học hết, hay đọc cho hết, thì làm sao có người giải rõ được ích lợi của Tam Tạng. Rất tiếc bao nhiêu tinh hoa thâm thúy của đấng Giác Ngộ bị cất sâu vào một nơi, cũng như thuốc có mà không người biết sử dụng.

Vì lẽ không biết được hương vị của Pháp bảo nên nhiều người hỏi tôi: Ðạo Phật dạy những gì? Có ích gì cho Nhân loại? Phật giáo còn phù hợp với người thời bây giờ không?.

Vì những câu hỏi kể trên, nên tôi (tác giả) cố sưu tầm viết ra quyển này, thiện chí tôi chỉ muốn trả lời giải đáp thắc mắc muôn một. Mong rằng quyển sách này đem lại sự hiểu biết cho quí vị phần nào.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app