Tiêu đề 12- Trí hiểu rõ về danh sắc (nāmarūpa).
Chánh kinh.
Chư Hiền, thế nào là danh sắc (nāmarūpaṃ), thế nào là tập khởi của danh sắc, thế nào là đoạn diệt của danh sắc, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của danh sắc?.
Thọ (vedanā), tưởng (saññā), tư (cetanā), xúc (phasso), tác ý (manasikāra), chư Hiền như vậy gọi là danh.
Bốn đại chủng (cattāri ca mahābhūtāni) và bốn đại tạo sắc thủ (catunnañ ca mahābhūtānaṃ upādāyarūpaṃ), chư hiền, như vậy gọi là sắc (rūpaṃ).
Như vậy đây là danh, đây là sắc, chư Hiền như vậy gọi là danh sắc.
Từ tập khởi của Thức (viññāṇa), có tập khởi của danh sắc. Từ đoạn diệt của thức, có đoạn diệt của danh sắc. Và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của danh sắc, tức là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”.
Giải.
Pāli có giải thích danh sắc (nāmarūpa) như vầy:
Nāmañca rūpañca nāmarūpañca = nāmarūpaṃ:
Danh và sắc, gom chung danh sắc lại, gọi là đanh sắc.
Với câu giải tự này, nếu trình bày theo cách: Thức duyên cho danh sắc, thì phải dùng Pāli như vầy:
“Viññāṇa paccayā nāmarūpa nāmarūpaṃ”, nhưng bỏ bớt một từ nāmarūpa, còn lại là: Vññāṇa paccayā nāmarūpaṃ (Thức duyên danh sắc), là trình bày theo cách tóm gọn.[49]
Danh – sắc là thành phần cơ bản phải có cho chúng sinh cõi 5 uẩn, cõi Vô tưởng có sắc không danh, cõi Vô sắc có danh không sắc.
Do đó, khi nói nāmarūpa (danh sắc) là ngầm nói đến cõi 5 uẩn.
Trong cõi năm uẩn, tuy danh sắc không hòa lẫn vào nhau (vippayoga), nhưng lại tùy thuộc vào nhau để sinh khởi.
Pāli có dẫn như sau:
“Aññamañūpanissitā ete dhammā: Đó là pháp tùy thuộc lẫn nhau”[50].
Trong cõi năm uẩn, một trong những nhân sinh tâm là: “Có sắc ý vật” (làm chỗ nương trú cho tâm), đây là danh tùy thuộc sắc.
Đồng thời có một loại sắc do tâm tạo, gọi là sắc tâm (cittajarūpa) và chính tâm điều hành những hoạt động của thân theo ý. Đây là sắc tùy thuộc danh.
Một từ ngữ đồng nghĩa với nāmarūpa là nāmakāya (danh thân), như có Pāli sau:
“Evaṃ mini nāmakāyā vimutto: Cũng vậy, ẩn sĩ giải thoát danh thân” [51].
A- Danh (nāma).
Có hai loại nāma (danh).
a- Là tên gọi của người hay vật theo thế gian định đặt, như Ngài Sāriputta, Moggallāna…
Vua Milinda có hỏi Ngài Nāgasena: Kiṃ nāmosi: Bạch Ngài, Ngài tên chi?
Nāgasena nāma: (Tâu đại vương), tên bần tăng những bị thầy Bàlamôn hằng gọi là Nāgasena…[52]
Hay: “Konāmo āyasmā kathañ ca.. Tôn giả tên là gì?.
Puṇṇo ti kho me āvuso nāmaṃ… Thưa hiền giả, tên tôi là Puṇṇa…[53]..
“Atthi, Visākhe, nigaṇṭhā nāma samaṇajātikā: Ở đây, này Visākhā, có nhóm Samôn sinh lên, gọi làNigaṇṭha”[54]
Pāli có một số từ chỉ ra nāma chỉ là tên gọi như: nāmakaraṇa[55] (lễ đặt tên, sự đặt tên); nāmagahaṇa (nhận tên, được đặt tên)[56], nāmagotta (dòng dõi tên là) [57] …
b- Là một thuật ngữ chỉ cho những thực tại vô sắc (arūpino) của một chúng sinh, bao gồm thọ uẩn (vedanākhandhā), tưởng uẩn (saññākhandhā), hành uẩn (saṅkhārakhandhā) và thức uẩn (viññāṇakhandhā).
Danh trong tiêu đề này là loại danh mang ý nghĩa này.
Gọi là danh vì hướng đến cảnh, như Pāli có giải:
“Ārammaṇe namatī’ti = nāma.
Hướng vào cảnh, là danh.” [58].
Danh trong tiêu đề danh sắc này, chỉ cho thọ uẩn, tưởng uẩn, và hành uẩn, không đề cập đến thức uẩn. Vì Ngài Sāriputta (Xálợiphất) có thuyết giảng: “Từ tập khởi của thức, có tập khởi của danh sắc”.
Ngoại trừ thọ, tưởng, Đức Sāriputta chỉ ra Tư (cetanā), Xúc (phassa), Tác ý (manasikāra) ba tâm sở này thuộc hành uẩn.
Trong luận Atỳđàm, hành uẩn có đến 50 tâm sở, vì sao Đức Sāriputta chỉ nêu ra có ba tâm sở?.
Vì rằng: Hành uẩn là nhóm tâm sở có chức năng tạo tác, tuy có đến 50 tâm sở, nhưng đứng đầu là tâm sở Tư (cetanācetasika), ví như kỹ sư trưởng trong nhóm thi công xây dựng một công trình, nên chỉ đề cập đến vị kỹ sư trưởng là đủ, như nói “công trình này do kỹ sư A đảm nhận”.
Tuy có 50 tâm sở hoạt động phối hợp với nhau, nhưng thành phần cơ bản cần thiết chính là tâm sở tác ý (manasikāracetasika) và tâm sở xúc (phassacetasik).
Đức Phật có dạy:
“Chandamūlakā sabbe dhammā, manasikārasambhavā sabbe dhammā, phassasamudayā sabbe dhammā…
Các pháp lấy dục làm gốc rễ, các pháp lấy tác ý làm sinh khởi, các pháp lấy xúc làm tập khởi ...” [59]
Tuy dục (chanda: ý muốn làm) là gốc rễ, nhưng dục sinh khởi lên cũng do có tác ý và xúc, nên dục là một tâm sở bất định, có khi hợp trong hành uẩn, có khi không. Và Đức Sāriputta chỉ nêu tác ý và xúc là hai tâm sở cần thiết cho các pháp sinh lên.
Bốn ý nghĩa thực tính của danh:
– Trạng thái: Hướng vào cảnh (nāmanalakkhaṇaṃ).
– Phận sự: Phối hợp với tâm (sampayogarasaṃ)
– Thành tựu: Không xa lìa tâm (avinibbhogapaccupaṭṭhānaṃ)
– Nhân cần thiết: Có thức (viññāṇapadaṭṭhānaṃ)
1- Thọ (vedanā). Xem phần giải về thọ.
2- Tưởng (saññā).
Saññā được phân tích thành: Ngữ căn saṃ (mất, suy nghĩ) + ñā (biết) = saññā.
Tưởng là “biết cái đã mất” hay “biết do nghĩ đến”. Đức Sāriputta có dạy:
“Sañjānāti sañjānāti āvuso tasmā saññāti saññātī’ti:
Này hiền giả, nhớ biết, nhớ hiểu, gọi là tưởng.”
Nghĩa đơn giản nhất của tưởng là: “Nhận thức những gì từng biết qua 5 giác quan”. Ví như người thợ mộc nhận biết loại gỗ trong hiện tại, do đã từng biết loại gỗ này trước đây.
Có ba loại tưởng: Tưởng bất thiện là: dục tưởng, sân tưởng và hại tưởng [60], đó là những loại tưởng có trong tâm tham tâm sân và tâm si.
– Tưởng thiện là tưởng ly dục, tưởng ly sân, tưởng ly hại [61].
– Tưởng vô ký là tưởng trong tâm quả và tâm duy tác. Loại tưởng này không mang tính thiện hay bất thiện.
Ngoài ra, tưởng có hai loại là:
– Tà tưởng. Là tưởng sái quấy, chính là tưởng bất thiện.
– Tưởng đúng. Chính là tưởng trong tâm thiện.
Lại nữa, phần lớn tưởng nhận cảnh quá khứ theo cách chế định, có một vài trường hợp nhận cảnh quá khứ chân đế, như hành giả đang tiến tu đề mục “thức vô biên xứ” (nhận tâm không vô biên xứ đã diệt làm đề mục) hay đề mục “phi tưởng phi phi tưởng xứ” (nhận các hành còn sót của tâm vô sở hữu xứ làm đề mục).
Cùng là định danh, có loại định danh nương theo thực tính pháp, như hồng danh Đức Phật, đất, nước, lửa, gió… gọi là danh chơn chế định, nhờ tưởng niệm đến các đề mục này, hành giả chứng đạt cận định hoặc Sơ, nhị, tam, tứ thiền. Đây là tưởng đúng.
Có một số tên gọi không đúng thực tính pháp hay không có thực tính pháp, gọi là phi danh chơn chế định. Niệm tưởng những tên gọi này là tưởng niệm sai, là tà tưởng.
Vì sao? Vì đi chung với si. Có thể ví von, “tưởng là nhà họa sĩ vẽ lại những gì đã từng biết”, niệm tưởng những danh từ chỉ cho những gì không có thực tính pháp thì chẳng khác nào nhà họa sĩ này vẽ “sừng thỏ, lông rùa”.
Tâm sở Tưởng là một thành phần rất quan trọng trong sự tu tập, trong lãnh vực thiền chỉ (samathajhāna), nó có thể giúp hành giả thành đạt những pháp thượng nhân như các tầng thiền, các thắng trí Túc mạng minh, thần túc thông, tha tâm minh ….
Còn trong lãnh vực thiền quán (vipassanājhāna), tưởng giúp cho trí nhạy bén thấy rõ được tam tướng, chứng đạt Nípbàn.
“Rāgassa, bhikkhave, abhiññāya, cha dhammā bhāvetabbā. Katame cha?
Aniccasaññā, anicce dukkhasaññā, dukkhe anattasaññā, pahānasaññā, virāgasaññā, nirodhasaññā.
“Để thắng tri tham, này các Tỳkhưu, sáu pháp cần phải tu tập. Thế nào là sáu?
Tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham, tưởng đoạn diệt.[62]
Bốn ý nghĩa thực tính của Tưởng là:
– Trạng thái: Có sự nhớ lại (sañjānanalakkhaṇā).
– Phận sự: Nhớ trở lại do có dấu hiệu (đã biết) làm duyên (pana sañjānana paccayanimittakaraṇarasā).
– Thành tựu: Nắm giữ (đúng hoặc sai) cảnh quá khứ (yathā gajhanimittabhinivesa paccupaṭṭhānā).
– Nhân cần thiết: Có cảnh tái hiện (yathā upaṭṭhitavisaya padaṭṭhānā).
3- Tư (cetanā).
Cetanā xuất nguyên từ ngữ căn CIT nghĩa là “suy gẫm”.
Trong lý duyên khởi ở đây, Tư là tên gọi khác của hành (saṅkhāra), nhưng có nét sai biệt nhau: Hành (trong câu Hành duyên cho thức) là tâm sở Tư đang tạo tác, còn Tư ở đây là kết quả của hành, tức là tâm sở Tư trong các tâm quả hiệp thế (thức duyên danh sắc).
Trong luận Atỳđàm thì TƯ được dùng cho cả ba loại:
– Tư bất thiện: Là tâm sở Tư có trong 12 tâm bất thiện.
– Tư thiện: Là tâm sở Tư có trong 37 tâm thiện (8 tâm thiện dục giới + 9 tâm thiện Đáo đại + 20 tâm đạo Siêu thế).
– Tư Vô ký: Là tâm sở Tư trong tâm quả và tâm duy tác.
Sách Atthasālinī có giải thích như vầy:
“Attānā sappayutta dhamme ārammaṇa abhisandahati = cetanā.
Phối hợp với các pháp tương ưng cùng với mình trong một cảnh, gọi là TƯ.”
Sách Vibhāviniṭīkā lại giải thích:
“Saṅkhatābhisaṅkharaṇe vā byāpāraṃ apajjatī’ti = cetanā.
Tạo ra hay tạo điều kiện cho pháp khác sinh ra, gọi là TƯ.
Nói gọn lại: Tâm sở Tư là pháp có tính quyết định hành động, tự mình trực tiếp làm và điều hành các pháp tương ưng với nó cùng tạo tác.
Bốn ý nghĩa thực tính của Tư là:
– Trạng thái: Kích động các pháp tương ưng (cetayita lakkhaṇaṃ).
– Phận sự: Tập hợp các pháp tương ưng có trong một cảnh (āyuhanarasaṃ).
– Thành tựu: Phối hợp, xếp đặt các pháp tương ưng (saṃvidhāna paccupaṭṭthānaṃ)
– Nhân cần thiết: Có ba danh uẩn ngoài ra (sesakhandha padaṭṭhānaṃ).
Tư là một tâm sở rất quan trọng trong việc tục sinh, chính nó tạo ra tâm quả đầu tiên trong cảnh giới mới, khởi đầu cho một kiếp sống nối tiếp đời sống cũ, nó điều hành ái (taṅhā) dán sát tâm (thiện hay bất thiện trong lúc cận tử) vào cảnh giới sắp tái sinh, để rồi tạo ra tâm quả tục sinh tương thích.
Trong thời bình nhật của kiếp sống, cũng chính nó tạo ra những tâm quả tốt hay xấu khiến cho kiếp sống của chúng sinh thay đổi không ngừng, hạnh phúc và đau khổ nối tiếp nhau diễn hoạt trọn kiếp sống.
“Bao giờ còn tạo nghiệp thiện hay bất thiện, bấy giờ còn sinh tử. Bao giờ đoạn được nghiệp dẫn đến sinh tử, bấy giờ giải thoát mọi khổ đau. Con đường duy nhất đoạn nghiệp là Bát Thánh đạo.”
4- Xúc (phassa). Xem phần giải về xúc.
5- Tác ý (manasikāra).
Theo nghĩa từ ngữ thì manasikāra là “việc làm của ý”, dịch là tác ý.
Tác ý là một tâm sở có tác năng sinh khởi các pháp khác, nếu tác ý không đúng sẽ sinh khởi những pháp ác, bất thiện, còn như tác ý đúng (yoni so manasikāra) sẽ sinh khởi những thiện pháp.
Trong những tâm lộ có đổng lực, chính tác ý khéo hay không khéo nằm trong tâm Hướng ý môn (manodvāravajjana citta), tác ý đúng làm sinh khởi những tâm đổng lực (javanacitta) tốt đẹp, tác ý không khéo khiến sinh khởi tâm bất thiện.
Mặt khác, các danh pháp sinh lên do có cảnh. Tâm sở Tác ý có chức năng “tạo cảnh cho tâm”.
Pāli có giải thích:
“Ārammaṇa manasipaṭipādāyatī’ti = ārammaṇapaṭipādako.
Tạo cảnh cho tâm, là “tác ý thành cảnh”.
Do đó, Đức Phật dạy: “Các pháp lấy tác ý làm sinh khởi”(sđd).
Bốn ý nghĩa thực tính của tâm sở Tác ý.
– Trạng thái: Dẫn dắt các pháp tương ưng hướng đến cảnh (sāranalakkhaṇaṃ).
– Phận sự: Làm cho những pháp tương ưng khắn khít với cảnh (sampayojanaraso).
– Thành tựu: Luôn hướng đến cảnh (ārammaṇābhimukhībhava paccupaṭṭhāno).
– Nhân cần thiết: Phải có cảnh cũ (āramaṇapadaṭṭhāno).
Nên ghi nhận: Tâm sinh lên do bốn nhân:
– Nghiệp quá khứ.
– Có tâm sở.
– Có cảnh.
– Có sắc ý vật.
Cảnh do tác ý tạo.
Đức Sāriputta dạy: “Sáu xứ có danh sắc là tập khởi”.
Ở đây, danh duyên cho ý xứ, tức là các tâm sở làm duyên cho tâm sinh lên.
sắc làm duyên cho ý xứ là sắc ý vật.
Vì rằng: Sắc ý vật là một trong các loại sắc do nghiệp sanh ra, đồng thời làm chỗ nương trú cho tâm[63] (sắc sinh trước trợ giúp cho tâm sinh sau, gọi là Tiền sinh duyên- Ns).
– B- Sắc (rūpa).
Các Giáo thọ sư Pāli giải thích chữ rūpa có nguồn gốc từ chữ ruppati nghĩa là “bị thay đổi”, như Phật ngôn:
“Ruppatīti kho bhikkhave, tasmā rūpan’ti vuccati: Bị thay đổi, này các Tỳkhưu, nên gọi là sắc.” [64]
Sách Thanh tịnh đạo có định nghĩa sắc (rūpa) như sau:
– “Ruppatī’ti = rūpaṃ. Biến đổi là sắc.[65]
– “Tattha yaṃ kiñci sītādīhi ruppanalakkhaṇaṃ dhammajātaṃ, sabba taṃ ekato katvā rūpakkhandhoti veditabbaṃ
“Bất cứ pháp chủng (dhammajāti) nào có trạng thái biến đổi (ruppanna) do lạnh nóng v..v, tất cả được gom vào sắc uẩn”[66]
Như vậy, “sự biến đổi” ở đây chỉ cho sự thay đổi hình thức, hình thức sắc pháp bị thay đổi không còn như cũ nhưng vẫn giữ được tính chất (như viên đá bể vụn thành những mảnh nhỏ, những mảnh đá vụn vẫn có tính chất cứng hay mềm của đất), khác với sự biến đổi của danh pháp từ trạng thái này sang trạng thái khác (như từ sân sang tham, từ bất thiện sang bất thiện…).
Sắc pháp có hai loại: sắc đại hiển (mahābhūtāni rūpaṃ) và sắc nương sinh[67] (upādāyarūpaṃ), như Pāli có dẫn:
“Bhūtopādāyabhedato duvidhaṃ:
(Sắc) phân thành hai loại là: đại hiển và nương sinh.” (sđd).
Mahābhūtāni (đại chủng).
Chữ bhūta có rất nhiều nghĩa, nhưng nơi đây thường dùng với nghĩa “trở thành”, “tạo ra” (nghĩa là từ cơ sở này tạo ra loại sắc khác, như đã giải ở trên), “biến trá”.
Theo nghĩa từng chữ thì mahābhūta là “những gì trở nên lớn”, nên mahābhūtāni còn được dịch là “đại hiển”.
Gọi là đại (mahā), vì các sắc này có khắp nơi trong cõi Dục và cõi Sắc, chúng nổi bật hơn các sắc khác dù đó là sắc vô sinh vật như núi, sông, biển, lửa rừng… hay sắc sinh vật như người, chư thiên, Phạm thiên hữu sắc, đồng thời bản tướng của chúng rất rõ ràng, nên gọi là hiển.
Gọi là đại, vì chúng dẫn đầu (padhāna) cho các sắc khác .
Gọi là đại, vì muốn phân biệt nhận định rõ chúng phải chú ý và nổ lực cao, gọi là hiển vì chúng đã hiện bày, không còn ẩn khuất (bhūtāni: đã trở thành).
Ngài Buddhaghosa có giải thích:
“Gọi là mahābhūta do bốn ý nghĩa: Biểu hiện lớn (mahantapātubhāvāto), như nhả đại huyển thuật (mahābhūtasāmaññato), có sự duy trì lớn (mahāparihārato), có thay đổi lớn (mahāvikārato).”[68]
a- Biểu hiện lớn.
Có hai biểu hiện lớn: Biểu hiện lớn không chấp thủ và biểu hiện lớn có chấp thủ.
– Biểu hiện lớn không chấp thủ (anupādinna).
Như ân đức Tam bảo, ân đức giới, ân đức thí, ân đức thiên… là biểu hiện lớn không có chấp thủ.
“Yāvatā, Cundī, sattā apadā vā dvpadā vā catuppadā vā bahuppadā vā rūpino vā arūpino vā saññino vā asaññino vā nevasaññināsaññino vā. Tathāgato tesaṃ, aggamakkhāyati arahaṃ sammāsambuddho…
“Này Cundī, trong tất cả các loại hữu tình nào không chân, hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không có tưởng hay phi tưởng phi phi tưởng. Như Lai, bậc Alahán Chánh đẳng giác xem là tối thượng…
“Yāvatā, Cundī, dhammā saṅkhatā vā asaṅkhatā vā. Virāgo tesaṃ, aggamakkhāyati.
Trong tất cả các loại pháp, hữu vi hay vô vi. Vô nhiễm (virāga) được xem là tối thượng.
“Yāvatā, Cundī, saṅghā vā gaṇā vā, Tathāgatasāvakasaṅgho tesaṃ, aggamakkhāyati.
Trong tất cả hội chúng nào, chúng Tăng đệ tử Như Lai, được xem là tối thượng.” [69].
– Biểu hiện lớn có chấp thủ (upādinna).
Như thân sắc to lớn của Rāhu, chư thiên, phạm thiên, rồng chúa Nandopananda…. Tức là loại biểu hiện to lớn thành tựu từ sự chấp chủ.
“Seyyathāpi, Pahārāda, mahāsamuddo mahataṃ bhūtānaṃ āvāso; tatrime bhūtā-timi timirapiṅgalo asurā nāgā gandhabbā…
“Ví như này Pahārāda, biển lớn là trú xứ các loại chúng sinh lớn, như các con timi, timingalā, timirapiṅgalā, những loài Asura, Nāgā, Gandhabba..”[70].
b- Như nhà đại huyển thuật.
Một chú thuật gia có thể biến nước thành sửa, đất hóa thành vàng… hay như nhà ảo thuật làm biến mất vật đang cầm trên tay, xuất hiện một vật khác. Cũng vậy, đại chủng có thể thay đổi hình dạng màu sắc nhanh chóng, như từ trứng chuyển sang sinh vật, từ mầm trở thành cây… hay từ lá xanh sang đỏ, từ đỏ sang vàng… hoặc màu da từ hồng chuyển sang tái xanh…
Lại nữa, như nữ dạ xoa dấu vẻ đáng sợ dưới hình thái xinh đẹp, đáng ưa thích để lừa mị người. Cũng vậy, những đại chủng này dấu những đặc tính như thô cứng hay mềm mại (chất đất), nóng hay lạnh (chất lửa), phồng ra hay co lại (chất gió), trôi chảy hay quến tụ (chất nước) dưới với hình thức xinh đẹp, màu sắc tươi thắm ưa nhìn … nên nói bốn đại chủng giống như “nhà đại huyển thuật”.
Lại nữa, như người bị phi nhân có uy lực ám, người ấy khi thì thế này khi lại thế kia, cũng vậy, bốn đại chủng khi thì thế này khi thì thế kia, lúc thô cứng lúc mềm mại, lúc nóng lúc lạnh, lúc trôi chảy lúc quến tụ, lúc trương phồng lúc co cụm.
Phi nhân ấy không ở trong, không ở ngoài, không biệt lập với người bị ám. Cũng vậy mỗi đại chủng không ở trong nhau, không ở ngoài nhau, không biệt lập nhau; chạm vào một như chạm vào bốn, chạm vào bốn như chạm vào một.
Bốn đại chủng quỷ quyệt như thế khiến chúng sinh không phân biệt được “đang chạm vào cái gì”, chỉ có thể nói “đang chạm vào tứ đại”, cụ thể là đại nào? Khó định rõ nếu không có sự ghi nhớ mạnh cùng với nổ lực cao.
c- Có sự duy trì lớn.
Tứ đại chủng được sinh ra, chúng được duy trì bởi sắc vật thực.
d- Có sự thay đổi lớn.
Tứ đại chủng dù có hay không chấp thủ, chúng đều bị thay đổi.
Trong bài kinh núi Vepulla[71], Đức Thế Tôn có dạy về sự thay đổi của núi Vepulla là:
– Trong thời Đức Phật Kakusandha (CùLưuTôn), núi Vepulla có tên là Pācinavamsa, dân chúng có tuổi thọ là 40.000 năm, mất bốn ngày mới leo lên đến đỉnh núi và mất bốn ngày mới leo xuống núi.
– Trong thời Đức Phật Konāgamana (CâuAHàmMâuNi), núi Vepulla có tên là Vankata, dân chúng có tuổi thọ là 30.000 năm, mất ba ngày mới leo đến đỉnh núi và mất ba ngày mới leo xuống núi.
– Trong thời Đức Phật Kassapa ( CaDiếp), núi Vepulla có tên là Supassa, dân chúng có tuổi thọ là 20.000 năm, mất 2 ngày mới leo đến đỉnh núi va mất hai ngày leo xuống núi.
– Thời hiện tại, núi Vepulla được biết với tên Vepulla, chúng sinh có tuổi thọ là 100, leo lên đỉnh núi chỉ trong thời gian ngắn, leo xuống trong thời gian ngắn.
Hay: “Hoti so, bhikkhave, samayo yaṃ mahāsamuddo ussussati visussati na bhavati.
“Có thể có một thời, này các Tỳkhưu, biển lớn đi đến khô cạn, hoàn toàn khô kiệt, không có hiện hữu” [72].
Đó là ý nghĩa sự thay đổi lớn với vật vô sinh vật.
Đối với sinh vật, tứ đại thay đổi lớn như thân người khi tái sinh về chư thiên, phạm thiên…
Pāli có giải thích mahābhūtāni (đại hiển) như sau:
“Mahantāni hutvā bhutāni pātubhutānīti = mahābhūtāni
Có sự hiện bày rõ và lớn, gọi là đại hiển, (tức là đất, nước, lửa, gió).
1- Đất (pathavī).
Xuất nguyên từ ngữ căn puth nghĩa là “nới rộng ra”, đất là loại sắc cơ bản cho các sắc khác được tồn tại, đồng thời chứa đựng các sắc khác.
Biệt tướng của đất là trải rộng ra (patthaṭa), nếu không có nguyên tố đất với biệt tướng này thì một vật không thể choán không gian.
Có câu giải tự về pathavī như sau:
“Sahajātarūpāni pathanti paṭiṭhahanti etthā’ti = pathavī:
(Sắc nào) thành chỗ nương trú cho các sắc đồng sinh khác, gọi là đất ”.
Bốn ý nghĩa thực tính của đất là:
– Trạng thái: Cứng hoặc mềm (kakkhaḷattalakkhaṇā).
– Phận sự: Duy trì (paṭṭhānarasā).
– Thành tựu: Hứng chịu (sampaṭicchanapaccupaṭṭhānā).
– Nhân cần thiết: Có ba đại ngoài ra (avasesadhātutayapadaṭṭhānā).
2- Nước (āpo).
Xuất nguyên từ ngữ căn āpa nghĩa là “lan tràn, tản đi”, như Pāli dẫn giải:
“Appoti pappoti taṃ taṃ ṭhānaṃ visaratī’ti = āpo:
Lan tràn chỗ nọ đến chỗ kia, gọi là nước.” [73]
Hay Ā + ngữ căn pāya (thịnh vượng, tăng trưởng)
Sách Thanh tịnh có giải thích: “Gọi là nước (āpo) vì nó trôi chảy (appoti), thấm nhuận (āpiyati), làm cho tăng trưởng (appāyati) các pháp khác”[74].
Biệt tướng của nước là “kết dính”, chính chất nước kết dính các sắc pháp vào nhau, không cho rã rời.
Có những câu Pāli giải về “nước” như sau:
– “Āpeti sahajātarūpesu byāpetvā tiṭṭhatī’ti = āpo:
(Sắc nào) thấm nhuần cùng khắp trong các pháp đồng sinh, gọi là nước.
– “Appāyati sahajātarūpāni suṭṭhu brūheti vaḍḍhetī’ti = āpo:
(Sắc nào) làm cho những sắc đồng sinh được tiến hóa tốt đẹp, gọi là nước.
-“Sahajātarūpāni avippakiññāni katvā thuso pāti rakkhatī’ti = āpo:
(Sắc nào) kết chặc các sắc đồng sinh, không cho rời rã, gọi là nước.[75]
Bốn ý nghĩa thực tính của nước là:
– Trạng thái: Chảy ra (paggharanalakkhaṇa) hay quến tụ lại āabandhanalakkhaṇa).
– Phận sự: Tiến hóa (byuhanarasā)
– Thành tựu: Kết dính chặc (saṅgahapaccupaṭṭhānā).
– Nhân cần thiết: Có ba đại ngoài ra (avasesadhātutayapadaṭṭhānā).
3- Lửa (tejo).
Xuất nguyên từ ngữ căn tija, nghĩa là “nung chín”. Có pāli giải tự như sau:
“Tejepi paripānetī’ti = tejo: Làm cho chín, gọi là lửa.”
Đặc tính nóng (uṇha) hay lạnh (sīta) đều là lửa, nhưng phần nhiều chỉ cho hơi nóng.
Biệt tướng của lửa là “làm cho chín các sắc pháp đồng sinh”.
Bốn ý nghĩa thực tính của lửa là:
– Trạng thái: Nóng (uñhattalakkhaṇā).
– Phận sự: Làm cho chín (paripācanarasā)
– Thành tựu: Làm cho ấm áp (maddavānuppādanapaccupaṭṭhānā).
– Nhân cần thiết: Có ba đại ngoài ra (avasesadhātutayapadaṭṭhānā).
Lửa có năm loại:
a- Hơi ấm trong thân (usmātejpo).
b- Nóng sốt (chất nóng trong thân tăng thịnh) (santappanatejo).
c- Nóng cao độ (dahanatejo).
d- Lửa làm cho thân già (khiranatejo).
e- Lửa làm cho tiêu hóa vật thực (pācakatejo).
Trong năm thứ lửa trên, chỉ có hơi ấm trong thân, lửa tiêu hóa vật thực là thường xuyên có trong thân chúng sinh, còn ba loại kia là từ hơi ấm trong thân biến thể thành. Như hơi ấm tăng trưởng thì thành sốt, sốt cao, đồng thời chính hơi ấm trong thân đốt cháy những tế bào trong thân, tạo ra sắc già.
4- Gió (vāyo).
Xuất nguyên từ ngữ căn vāya là “rung động, di động”.
Theo nghĩa đen, “gió là nguyên tố có tính di chuyển, chuyển động”.
Theo nghĩa rộng thì “gió là nguyên tố có tính di động và căng phồng”.
Gió là yếu tố chính cho các hoạt động của sắc pháp, có hai loại gió:
– Gió giữ cho các vật chất đứng yên, thăng bằng, gọi là vitthambhanavāya (gió yên lặng).
– Gió làm cho các vật chất chuyển động, gọi là samīraṇavāya (gió chuyển động).
Có hai câu giải tự về hai loại gió này như sau:
– “Vāyati sahajātadhamma apatamāne katvā vahatī’ti = vāyo.
Giử thăng bằng cho các pháp đồng sinh đứng vững, không lay động, gọi là gió.
–“Vāyati dosantaruppatti hetubhāvana bhutalaṅghātaṃ paratī’ti = vāyo.
Là nhân (hetu) khiến các sắc pháp khác lay động, rời khởi vị trí, gọi là gió.
Bốn ý nghĩa thực tính của gió là:
– Trạng thái: Lay động (samīraṇalakkhaṇā) hay trương phồng (vitthambhanalakkhaṇā).
– Phận sự: Làm khua động thành tiếng (samudīranarasā).
– Thành tựu: Kéo đi (abhinihārapaccupaṭṭhānā).
– Nhân cần thiết: Có ba đại ngoài ra (avasesadhātutayapadaṭṭhānā).
Có sáu loại gió hoạt động trong thân chúng sinh là:
a- Gió thổi lên (uddhaṅgamavāya) như ợ, ngáp.
b- Gió thổi xuống (adhogamavāya), như đánh rấm.
c- Gió thổi trong vùng bụng (kucchiṭṭhavāya).
d- Gió thổi trong thân mình (koṭṭhāsayavāya).
e- Gió di động trong các bộ phân ở cơ thể (āṅgamaṅgānusārīvāya).
f- Gió trong dạng hơi thở ra vào (assāsapassāsavāya) [76].
Upādāyarūpaṃ (sắc thủ hay sắc nương sinh).
Upādāyarūpaṃ chỉ cho loại sắc hình thành từ tứ đại do nghiệp thủ (upādāya kamma) tạo ra, ví như tơ tằm hình thành từ con tằm, tơ nhện hình thành từ con nhện.
Chữ upādāya nghĩa là “nắm lấy, bám lấy”, một số Giáo thọ sư dùng từ nissaya (nương) thay cho upādāyatrong câu catunnañ ca mahābhūtānaṃ upādāyarūpaṃ.
Sắc nương từ tứ đại mà thành tựu có bốn loại, đó là:
– Sắc do thời tiết tạo, gọi là sắc thời tiết (utusamuṭṭhāna rūpa).
– Sắc do vật thực tạo, gọi là sắc vật thực (ojāsaṅkhāta rūpa) loại.
– Sắc do tâm tạo, gọi là sắc tâm (cittaja rūpa).
– Sắc do nghiệp tạo, gọi là sắc nghiệp (kammaja rūpa).
Chữ upādāyarūpaṃ trong kinh văn catunnañ ca mahābhūtānaṃ upādāyarūpaṃ chỉ cho sắc nương tứ đại thành tựu do nghiệp thủ, vì chính sắc này làm duyên cho 5 sắc xứ sinh khởi, là 5 sắc thần kinh: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân.
Một số sắc thành tựu từ tứ đại do duyên thời tiết hoặc vật thực hoặc tâm (ngoại trừ sắc tâm quả), gọi là sắc nương sinh từ tứ đại. Có pāli giải thích như sau:
“Upādāyati nissiyatī’ ti = upādāyaṃ.
Nương nhờ (tứ đại) sinh ra, gọi là “nương sinh”.[77]
Tổng quát thì sắc nương sinh có 24 loại (xin xem sách Thanh tịnh đạo, chương giải về năm uẩn).
Dứt giải về danh sắc.
-ooOoo-