Nội Dung Chính
QUY Y SIÊU THẾ
Siêu thế Quy Y có nghĩa là không có phiền não trong sự Quy Y bởi vì siêu thế Quy Y chỉ có được khi người Quy Y đó đã Giác Ngộ. Siêu thế Quy Y không có phiền não, nhưng thế tục Quy Y có thể có phiền não. Khi chúng ta không có sự hiểu biết về Tam Bảo hay khi chúng ta có sự nghi ngờ về Tam Bảo, hoặc khi chúng ta có sự hiểu biết sai lầm về Tam Bảo thì đó là sự Quy Y bị ô nhiễm, không thanh tịnh.
Khi Tam quy bị đứt thì chỉ có thế tục Quy Y mới đứt còn siêu thế Quy Y không bị đứt. Có hai loại đứt Tam quy: đứt Tam quy đáng chê trách và đứt Tam quy không đáng chê trách. Đáng chê trách có nghĩa là đem lại kết quả đau khổ, phiền muộn. Không đáng chê trách có nghĩa là không đem lại kết quả đau khổ, phiền muộn. Đứt Tam quy đáng bị chê trách khi chúng ta tự mình khuất phục dưới một vị thầy không phải là Phật, Pháp, Tăng. Có nghĩa là tin tưởng theo những vị thầy không phải ở trong Phật Giáo. Điều này có nghĩa là từ bỏ sự tin tưởng vào Phật, Pháp, Tăng. Đây là loại đứt Tam quy đáng chê trách bởi vì theo quan điểm của Phật Giáo điều này đưa đến hậu quả đau khổ thảm hại.
Đứt Tam quy không đáng bị chê trách là khi người có Tam quy chết đi. Khi đứt Tam quy không đáng chê trách khởi sinh thì sẽ không đưa đến kết quả đau khổ bởi vì chết chính nó là quả của Nghiệp trong quá khứ. Vì đó là quả nên nó không có khả năng để tạo ra một quả khác hay không có khả năng đem lại một quả đau khổ v.v…
Trong Phật Giáo, những nghi lễ mà vị Sư thực hiện khi có một người chết như sau: Trước tiên thân nhân hay những người cư sĩ đọc Tam quy và ngũ giới, sau đó họ cúng dường thực phẩm đến chư Tăng, rồi chia phước báu của sự cúng dường này đến những người đã quá vãng. Ở Miến Điện, người ta gọi các hình thức Quy Y trước khi làm phước và chia phước đến người chết là “cúng dường sự Quy Y” hay “giúp cho người khác Quy Y”. Nhiều người nghĩ rằng: đây là Quy Y cho xác chết. Nhưng thật ra, xác chết chỉ là xác chết, thân thể người chết bây giờ chỉ như một khúc gỗ vô tri chẳng biết gì cả. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa phía sau nghi lễ đó. Sau khi chết người chết sẽ tái sinh vào một cảnh giới mới, ở cảnh giới mới họ có đời sống mới. Bà con thân quyến còn sống của người chết muốn trong đời sống mới người này phải được Quy Y. Có nghĩa là vị này mới sinh ra trong đời sống mới chưa được Quy Y nên phải cho họ Quy Y. Theo ý nghĩa này, thân nhân mời người đã mất cùng Quy Y với họ, nương theo Tam Bảo và họ thỉnh các vị Sư hướng dẫn cho họ và người đã mất Quy Y. Nghi thức trong tang lễ này để giúp đỡ cho những người đã mất trong đời sống mới là người Quy Y Tam Bảo nên ở Miến Điện gọi những nghi lễ này là lễ đưa người đã mất đi Quy
Không có vấn đề đứt Tam quy trong siêu thế Quy Y vì đây là sự Quy Y của một người vào lúc họ Giác Ngộ. Chú Giải giải thích rằng: một vị thánh đệ tử của Phật dù sinh ra trong cảnh giới mới thì họ cũng không tìm một vị khác ngoài Phật, Pháp, Tăng để nương nhờ. Giả sử một người đã đắc quả Tu Đà Hoàn chết ở đâu và tái sinh lại nơi khác trong cõi người. Ngay cả khi vị này sinh trong một gia đình có cha mẹ thuộc tôn giáo khác thì họ cũng không đánh mất Tam quy nương nhờ vào Phật, Pháp, Tăng. Có nghĩa là mặc dù sinh ra trong gia đình cha mẹ theo tôn giáo khác họ cũng là một người theo Phật Giáo. Không có sự đứt siêu thế Quy Y dù trong một kiếp sống khác. Nhưng sự Quy Y của những người thế tục có thể bị đứt ngay khi họ còn sống.
Thoạt đầu khi giảng bài giảng này tôi nói rằng: Quy Y là việc làm đầu tiên của những người Phật Tử. Một người muốn trở thành một Phật Tử thì họ phải làm gì? Trước tiên là phải Quy Y. Khi Quy Y, nương nhờ vào Phật, Pháp, Tăng chính họ tuyên bố họ trở thành một đệ tử Phật hoặc con Phật; hay theo thời đại bây giờ họ tuyên bố: “Tôi là một Phật Tử”. Là một Phật Tử chúng ta Quy Y, đọc Tam quy hàng ngày, đó là một việc làm tốt đẹp, nhưng trước khi Đức Phật nhập diệt Ngài nhắn nhủ chúng ta: “Các con hãy là hải đảo của chính mình. Hãy là nơi nương tựa của chính mình. Không nên nương tựa vào kẻ nào khác”.
Chúng ta phải nhớ hai điều sau này. Thứ nhất là Quy Y, nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng, đây là điều tốt đẹp. Thứ hai là không nương nhờ vào ai khác ngoài mình, chỉ nương tựa vào chính ta. Hai câu trên có gì mâu thuẫn không? Khi chúng ta Quy Y hay nương nhờ Tam Bảo chúng ta xem Tam Bảo là người hướng dẫn, là vị thầy chỉ đạo tinh thần. Điều này không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn dựa vào Tam Bảo để được thoát khổ mà chẳng cần làm gì cả. Khi Đức Phật nói: “Đừng nương tựa vào một ai khác”, có nghĩa là hãy nương tựa vào chính mình để Giác Ngộ chính mình; không nương tựa vào kẻ khác để được giải thoát. Đây là điều quan trọng bởi vì không ai có thể giúp ta giải thoát được. Do đó, khi nói rằng: “Tôi nương nhờ nơi Phật, Pháp, Tăng” đó là việc làm đúng đắn. Và khi nói rằng: “Tôi chỉ nương tựa vào chính mình, không nương tựa vào ai khác” cũng là điều đúng đắn. Hai câu này không có mâu thuẫn, vì đây là hai vấn đề khác nhau.
Đức Phật tiếp tục giải thích rằng: “Nương tựa vào mình, có nghĩa là lấy giáo pháp làm nơi nương tựa”. Lấy giáo pháp làm nơi nương tựa có nghĩa là phải tự mình thực hành Tứ Niệm Xứ – bốn căn bản của chánh niệm. Khi Đức Phật nói: “Hãy lấy mình làm nơi nương tựa của chính mình ”, có nghĩa là hãy thực hành Chánh Niệm – bốn căn bản của chánh niệm. Hai câu trên không mâu thuẫn nhau.
Để thể hiện đức tin của vào Tam Bảo, chúng ta Quy Y, đọc quy giới hàng ngày đồng thời chúng ta theo lời chỉ dạy của Đức Phật để thực hành là chúng ta đã nương tựa vào chính mình. Nương tựa vào chính mình bằng cách thực hành Tứ Niệm Xứ. Khi thực hành Tứ Niệm Xứ, khi hành Thiền Minh Sát là chúng ta theo lời hướng dẫn của Đức Phật; và chúng ta lấy mình làm nơi nương tựa; chúng ta Quy Y Tam Bảo, lấy Tam Bảo là nơi hướng đạo tinh thần, và chúng ta thực hành theo lời dạy của Đức Phật. Thực hành Tứ Niệm Xứ là chúng ta đã nương tựa vào chính mình. Do sự Quy Y Tam Bảo và nương tựa vào chính mình, cầu mong các bạn đạt được mục đích tối hậu của người Phật Tử, đó là hoàn toàn loại trừ phiền não, tâm thanh tịnh giải thoát, và Giác Ngộ Niết Bàn.
Hôm nay chúng ta nói phần thứ hai của con đương tâm linh. Phần thứ nhất chúng ta đã xét đến Tam quy. Tiếp theo người Phật Tử phải giữ giới. Khi một người Quy Y Phật, Pháp, Tăng, người nam trở thành Cận Sự Nam (upāsaka), người nữ trở thành cận sự nữ (upāsika). Cận Sự Nam, cận sự nữ là những người thực hành theo lời dạy của Đức Phật nên khi một người Phật Tử, Quy Y hay nương nhờ vào Phật, Pháp, Tăng tức là người đó chấp nhận thực hành theo sự dạy dỗ của Đức Phật. Theo lời chỉ dẫn của Đức Phật tức là thực hành theo Giới, Định, Huệ.
Ba bước giới định tuệ này phải thực hành tuần tự và cùng lúc. Điều này không có nghĩa là phải đợi cho đến khi thực hành Giới một cách tốt đẹp rồi mới bước thêm hai bước kế tiếp.
Bước đầu tiên trong sự tiến bộ tâm linh, loại trừ phiền não là Giới (sīla). Giới là những hành vi thánh thiện, đạo đức. Như vậy, người Cận Sự Nam hay Cận Sự Nữ theo đúng nghĩa là người có giới luật hay có phẩm hạnh đạo đức tốt đẹp. Một lần nọ Đức Phật nói làm thế nào để trở thành một Cận Sự Nam, Cận Sự Nữ tốt. Một thiện nam hay tín nữ muốn trở thành một người Phật Tử tốt, có đạo đức thì phải giữ giới luật trong sạch. Đức Phật dạy khi một Thiện Nam hay Tín Nữ không sát hại sinh mạng chúng sinh, ngăn ngừa lấy của không cho, ngăn ngừa tà hạnh, ngăn ngừa sự nói lời không thật, ngăn ngừa uống rượu và các chất say. Người Thiện Nam hay Tín Nữ thực hành được những phẩm hạnh đó là người có giới luật hay phẩm hạnh trong sạch. Như vậy, người Thiện Nam hay người Tín Nữ theo đúng nghĩa là người giữ năm giới trong sạch.
Đầu tiên chúng ta cần hiểu nghĩa của chữ Giới. Giới (sīla) được định nghĩa là những hành vi hợp đạo đức hay giới hạnh. Chú Giải định nghĩa Giới (Sīla) là hành vi thu thúc thân hành v.v… Một người gọi là đứt giới khi họ sát sinh, trộm cắp, tà hạnh v.v… về thân, về khẩu thì gọi đó là người không thu thúc. Giới luật giữ cho hành động và lời nói được thu thúc. Giới luật cũng được định nghĩa là những căn bản có thể chấp nhận được. Thế nào là những căn bản có thể chấp nhận được? Chấp nhận được có nghĩa là đó là những hành vi thiện lành. Khi giữ giới trong sạch là chúng ta giữ cho tâm mình có được sự thiện lương. Giới luật là trạng thái tâm thánh thiện có thể chấp nhận được. Khi chúng ta phạm giới là chúng ta làm mất trạng thái tâm tốt đẹp này. Như vậy sīla được định nghĩa là những trạng thái tâm căn bản có thể chấp nhận được.
Thế nào là chức năng, phận sự hay nhiệm vụ của giới hoặc giới đem lại kết quả gì? Nhiệm vụ của giới là tiêu diệt sự không có đức hạnh, tiêu diệt những hành vi sai lầm. Một người giữ giới tốt đẹp thì người đó đã hủy hoại, tránh xa những hành vi không có đạo đức. Chữ tiêu diệt ở đây có nghĩa là tránh, ngăn ngừa những hành vi bất thiện, phi đạo đức khởi sinh. Tóm lại, nhiệm vụ của giới luật là hủy diệt hay đẩy xa hành vi phi đạo đức. Nói theo cách khác, nhiệm vụ của Giới Luật là ngăn ngừa, thu thúc, kiểm soát thân và khẩu. Bao lâu ta còn giữ được Giới Luật thì bấy lâu hành động và lời nói đước kiểm soát. Kiểm soát ở đây có nghĩa là không thực hiện những hành vi và lời nói sai lầm.
Một điều quan trọng cần ghi nhận ở đây là Giới chỉ có thể kiểm soát, thu thúc hành động và lời nói chứ Giới không thể kiểm soát được tâm. Tâm được đề cập đến trong sự kiểm soát về thân và khẩu vì nếu không có tâm thì không thể kiểm soát được, nhưng ý nghĩa ở đây muốn nói rằng: Giới chỉ có khả năng ngăn ngừa lời nói và hành động bất thiện chứ chưa thể ngăn ngừa tâm. Chẳng hạn, bạn có ý nghĩ giết người nào đó, nhưng bạn không thể hiện bằng hành động, lời nói (lời nói có nghĩa là bạn sai khiến người khác giết) thì giới của bạn vẫn không bị đứt. Chỉ mới suy nghĩ trong tâm mà chưa thể hiện ra hành động và lời nói thì vẫn chưa bị đứt giới.
Tôi hi vọng các bạn còn nhớ đến ba mức độ của phiền não, đó là phiền não ngủ ngầm, phiền não trồi lên bề mặt (hay phiền não tư tưởng) và phiền não biểu hiện ra hành động và lời nói. Trong ba mức độ của phiền não này thì Giới Luật chỉ đối trị được với phiền não thứ ba là phiền não được biểu hiện qua hành động và lời nói. Như vậy Giới Luật chỉ tiêu diệt và tránh được phiền não ở mức độ thứ ba, tức là Giới Luật chỉ có thể làm thanh tịnh được thân và khẩu mà thôi.
Đối với người cư sĩ có thể giữ năm giới, tám giới hoặc là mười giới.
1. NĂM GIỚI
Các bạn đã giữ năm giới nhiều năm. Người cư sĩ Phật Tử thệ nguyện giữ năm giới suốt đời. Năm giới này còn được gọi là giới của người Kuru hay những giới quan trọng, đạo đức căn bản cần phải thực hành. Ở Ấn Độ có một xứ gọi là Kuru, xứ này ở gần New Deli ngày nay. Những người xứ này giữ năm giới rất trong sạch, họ thực hành giới này với lòng tôn trọng, nghiêm túc nên còn được gọi là năm giới thiết yếu và đáng tôn trọng giới.
Năm giới còn được gọi là giới căn bản phải giữ thường xuyên. Ngũ giới còn được gọi là giới tự nhiên bởi vì những giới này là quy luật tự nhiên đối với tất cả chúng sinh. Theo vũ trụ quan của Phật Giáo, có bốn đại châu, dân chúng ở Bắc câu lưu châu giữ giới một cách tự nhiên. Họ không cần cố gắng để giữ năm giới. Năm giới được họ xem là những giới được thiết lập một cách tự nhiên. Ở Miến Điện có một câu châm ngôn: “Bạn phải giữ năm giới giống như bạn giữ cái váy của bạn vậy”.
Những người đã Giác Ngộ Đạo Quả thì không bao giờ bị đứt năm giới. Những vị đã đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán không bao giờ đứt năm giới ngay cả ở một đời sống khác. Giả sử một vị đắc quả Tu Đà Hoàn trong kiếp sống này rồi vị đó chết và tái sinh thành người trong một kiếp sống khác, dù trong kiếp sống mới này vị đó không biết rằng: mình là một vị Tu Đà Hoàn thì vị này cũng giữ tròn đủ năm giới. Muốn biết một người Giác Ngộ hay không ta hãy xem người đó có đứt giới nào trong ngũ giới hay không. Những người Giác Ngộ luôn giữ năm giới trong sạch.
Tất cả các bạn đều biết năm giới và mỗi giới có nhiều chi trong đó. Ví dụ giới sát sinh có năm chi, khi hội đủ năm chi này thì mới gọi là phạm giới sát.
a. Giới không sát sinh:
Giới sát sinh có năm chi:
- Phải là một chúng sinh còn sống.
- Biết chúng sinh đó còn sống.
- Cố ý giết. Hành vi vô tình, không cố ý sát hại chúng sinh thì không phạm giới sát.
- Cố gắng giết.
- Chúng sinh đó bị giết do sự cố gắng của mình.
Theo Chú Giải, sát sinh và trộm cắp có nhiều hình thức và phương tiện. Bạn có thể giết chúng sinh bằng nhiều cách.
Thứ nhất là chính bạn giết. Trong tiếng Pāḷi thì đó là giết bằng chính bàn tay của mình.
Thứ hai là sai khiến người khác giết, nghĩa là bạn ra lệnh cho người khác giết.
Giết bằng những dụng cụ bạn cầm trên tay có nghĩa là giết bằng súng đạn, cung tên, dao gậy…
Giết bằng những loại bẫy,
Giết bằng các loại ảo thuật,
Giết bằng thần thông.
Có rất nhiều cách giết. Tất cả những cách giết đều bao gồm trong giới sát sinh. Khi giết chính mình có phạm giới sát sinh không?
Giết chính ta là tự sát cũng phạm giới sát sinh.
Nếu bảo người nào giết mà người này đã giết thì phạm giới.
Nếu bạn bảo giết bằng dao mà họ giết bằng súng thì bạn không phạm giới. Nếu bạn bảo giết vào giờ này mà họ giết vào giờ khác thì bạn không phạm giới.
b. Giới không lấy của không cho:
Thu thúc, giữ gìn không lấy của không cho của người chủ của vật đó. Có năm chi hay năm điều kiện để phạm giới lấy của không cho.
- Của thuộc quyền sở hữu của kẻ khác.
- Biết của này thuộc quyền sở hữu của kẻ khác.
- Muốn ăn cắp, muốn lấy và cố ý lấy. Đây là tư tưởng ăn cắp.
- Cố gắng lấy cắp.
- Đã lấy được vật nhờ sự cố gắng ấy. Điều này có nghĩa là đã di chuyển vật hay có những hành vi tương tự.
Hành động có đủ năm chi đó thì phạm giới trộm cắp. Cũng được xem là phạm giới này nếu ra lệnh cho người khác trộm cắp. Giới này cũng bao gồm hai điều như giới sát sinh là tự mình làm hay ra lệnh, sai khiến người khác làm.
c. Giới không tà dâm.
Giới này có bốn chi hay bốn yếu tố:
- Đối tượng cấm, có nghĩa là người không được vi phạm. Nghĩa là người mà mình không được phép hành dâm.
- Có Tham Ái muốn hưởng thụ sự liên hệ đó.
- Cố gắng làm.
- Bộ phận của người nam và người nữ gặp
Người nào phạm đủ bốn chi giới này thì đứt giới thứ ba.
d. Giới không nói dối:
Giới này có bốn chi:
- Điều không thật.
- Có ý muốn dối gạt, có nghĩa là bạn muốn cho người khác hiểu một cách sai lầm, cố ý lừa dối họ.
- Cố gắng nói dối. Sự cố gắng này khởi sinh bởi tâm, và do ý muốn nói dối này khiến cho bạn cố gắng nói dối.
- Người nghe lời nói dối hiểu và tin những lời bạn nói. Nếu hội đủ bốn điều này thì phạm giới nói dối.
Nói dối thật sự xấu khi nào? Khi ảnh hưởng xấu đến sự an lạc và quyền lợi người khác.
Có một loại nói dối là “nói dối với thiện ý”. Đôi khi bạn phải nói dối để làm người khác an lòng hoặc đôi khi bạn nói dối vì không muốn người khác cảm thấy đau khổ, bất an. Như vậy là bạn đã nói những điều không thật. Dù đó là nói dối, nhưng theo tôi nghĩ điều đó cũng không đáng trách lắm. Đôi khi người ta dùng những danh từ thậm xưng để nhấn mạnh hay nói đến nghĩa bóng nào đó. Ví dụ nói “ở đây con muỗi to bằng con gà mái” hay trường hợp một vị Sư sau khi khất thực ở một ngôi làng về, có người hỏi thì vị đó nói “Ở đó có cả núi đồ ăn”. Mặc dù đó là những lời nói không thật, nhưng cũng không đến nỗi tệ lắm.
e. Giới không uống rượu
Giới không uống rượu có bốn chi.
- Vật uống hay ăn là một chất say, như rượu hay một loại chất say khác.
- Muốn uống.
- Do sự muốn đó nên cố gắng uống.
- Rượu hay chất say đó đã lọt qua khỏi cổ.
Hành vi hội đủ bốn điều đó thì phạm giới thứ năm.
Như vậy, có thể xét lại hành động của chúng ta bằng những chi, những yếu tố trên để biết xem là mình có phạm vào những yếu tố làm đứt giới không. Chẳng hạn, về giới thứ năm có người nói: Sau khi uống rượu rồi tôi đi ngủ, tôi chẳng làm điều gì sai lầm cả, như vậy tôi có phạm giới không? Đây không phải là điều bất thiện gì lớn lao? Đúng, bạn uống rượu, bạn thấy xây xẩm chút chút, bạn chẳng làm điều gì xấu cả, bạn đi ngủ, nhưng bạn cũng phạm giới. Hãy xét đến bốn yếu tố để phạm giới uống rượu. Thứ nhất, đó chất say; thứ hai, bạn đã uống nước say đó; thứ ba, bạn muốn uống và cố gắng uống; thứ tư, rượu đã qua khỏi cổ. Như vậy hành vi của bạn hội đủ bốn yếu tố để phạm giới. Hành vi của bạn không đến nỗi tệ lắm, nhưng bạn cũng phạm giới uống rượu.
2. TÁM GIỚI
Người cư sĩ có thể giữ tám giới gọi là bát quan trai giới (uposatha). Tám giới thường được giữ trong những ngày bát quan trai. Trong xứ Miến Điện, tháng được chia ra làm hai là: “nửa tháng sang” và “nửa tháng tối”. Ngày thọ giới Bát Quan Trai là ngày rằm trăng sáng, ngày ba mươi không trăng và ngày thứ tám của nửa tháng sáng, ngày thứ tám của nửa tháng tối. Những ngày đó gọi là bốn ngày bát quan trai của Miến Điện. (Ở Việt Nam mỗi tháng có tám ngày Bát Quan Trai, đó là các ngày: Mồng Năm, Mồng Tám, Mười Bốn, Rằm, Hai Mươi, Hai Mươi Ba, Hai Mươi Chín, và Ba Mươi).
Hai giới đầu tiên của bát quan trai giới giống với ngũ giới. Giới thứ ba trong ngũ giới là không tà dâm, giới thứ ba trong bát quan trai giới là không thông dâm. Giới thứ tư và thứ năm cũng giống như ngũ giới. Giới thứ sáu là không ăn trái giờ, nghĩa là không ăn sau giờ ngọ. Vào thời kỳ Đức Phật còn tại tiền, một tu sĩ (của bất cứ tôn giáo nào) nếu ăn trái giờ thì bị chê là không có phạm hạnh. Như vậy, ăn sau giờ ngọ đối với một vị ẩn sĩ, một vị sư là ăn sái giờ. Giới thứ bảy là không xem múa hát, nghe đờn kèn, đeo tràng hoa, thoa dầu thơm… Đối với một nhà Sư hoặc một người giữ bát quan trai giới thì xem một buổi trình diễn, nhảy múa, ca hát là điều bất thiện. Kinh điển giải thích điều đó giống như những cây thương, ngọn giáo. Đeo tràng hoa ở đây không có nghĩa chỉ là đeo đồ trang sức, thoa vật thơm, trang điểm thôi, ngay cả đeo những vòng hoa tươi cũng không được. Giới thứ tám là không nằm ngồi giường cao và xinh đẹp. Giường cao ở đây là không được quá sáu tấc. Giường xinh đẹp có nghĩa là rất xa xỉ, dùng cho những người hưởng thụ những dục lạc giác quan.
Tám giới chỉ giữ vào một số ngày trong tháng chứ không bắt buộc phải giữ suốt đời như ngũ giới. Lý do là vì cư sĩ và những người sống đời sống thế tục có gia đình nên họ không thể luôn luôn giữ tám giới. Họ chỉ giữ vào những ngày định sẵn trong tháng gọi là ngày bố tát hay ngày bát quan trai mà thôi.
Đối với những người cư sĩ giữ năm giới được coi như là giữ giới trong sạch. Đây là người đáng được tán dương, nhưng nếu giữ được tám giới thì càng tốt hơn. Khi giữ tám giới thì bạn sẽ ít làm điều bất thiện, điều đáng chê trách hơn vì ngay cả khi bạn ăn thì bất thiện cũng bao gồm trong đó. Hành vi bất thiện được định nghĩa là những hành vi phát khởi từ tham, sân, si. Thường người ta ăn với tâm ham muốn. Khi bạn múa hát hay xem hoặc nghe múa hát, khi dùng đồ trang điểm, trang sức, thoa dầu thơm thì cũng có hành vi bất thiện trong đó. Khi bạn tiết chế những điều trên cũng giúp bạn giảm thiểu hành vi bất thiện. Khi giữ bát quan trai giới thì bạn có nhiều thời giờ để hành thiền nhất là trong các khóa thiền. Vì vậy, giữ tám giới tốt hơn là giữ năm giới.
Có một loại tám giới khác có giữ xen kẽ với bát quan trai giới. Bát quan trai giới chỉ giữ một số ngày nhất định. Những ngày còn lại người Phật Tử phải đi làm nên cần phải ăn chiều. Trong bát quan trai giới bao gồm cả giới không ăn quá ngọ, người ta bỏ giới không ăn quá ngọ đi và thay vào bằng giới chánh mạng và họ gọi đây là tám giới chánh mạng. Người giữ tám giới chánh mạng vẫn giữ bảy giới trên, nhưng giới ăn sái giờ được thay bằng giới chánh mạng. Có nhiều nơi người thay vào giới ăn sái giờ bằng giới từ bi. Khi giữ giới họ đọc thêm “con nguyện giữ hạnh từ bi trong hành động, con nguyện giữ hành từ bi trong lời nói, con nguyện giữ hạnh từ bi trong ý nghĩ thầm kín”. Những người giữ ngũ giới cũng nên giữ những hạnh nguyện này.
Những giới này được đề cập đến trong Chú Giải, nhưng Chú Giải không nói đến cách xin giữ tám giới chánh mạng đó như thế nào. Ở Miến Điện, các nhà Sư trước đây dùng nghi thức giống như nghi thức thọ ngũ giới và bát quan trai giới cho tám giới chánh mạng. Cũng có một số nhà Sư cho thiện tín thọ trì tám giới chánh mạng bằng cách khác. Như chúng ta biết ngũ giới gồm có không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, nhưng giới thứ tư là không nói dối được thêm ba điều nữa là không nói hai lưỡi, hay nói đâm thọc gây chia rẽ, không nói lời dữ (chửi rủa, mắng nhiếc), không nói lời vô ích. Giới thứ tám là giữ chánh mạng. Nghĩa là bốn giới đầu giống như bốn giới đầu của năm giới, giới thứ năm là không nói hai lưỡi, gây chia rẽ thù hằn, giới thứ sáu là không nói là lời dữ, giới thứ bảy là không nói lời vô ích, giới thứ tám là giới chánh mạng.
Để cho các vị dễ nhớ tám giới chánh mạng thì bạn nên nhớ rằng: hành vi bất thiện về thân có ba, hành vi bất thiện về khẩu có bốn, tổng cộng là bảy, thêm một giới chánh mạng nữa là tám.
Còn một cách giữ giới nữa gọi là cửu quan trai (thêm giới thứ chín vào giới bát quan trai) đó là giữ tám giới cộng thêm giới từ ái đến tất cả chúng sinh. Giới này còn có tên là giới chín chi, giới có chín yếu tố. Tám giới là tám giới thông thường của bát quan trai giới, giới thứ chín là giới sống với tâm từ ái đến tất cả chúng sinh, nghĩa là giữ tám giới và thực hành thiền từ ái đến tất cả chúng sinh.
Thật ra từ ái không phải là một giới. Từ ái thuộc về sự phát triển tâm hay thiền. Tuy nhiên vào những ngày bát quan trai giới, để trang điểm hay làm đẹp thêm cho bát quan trai giới của mình thì họ thêm vào lòng từ ái hay thêm vào một chi giới cho tám giới bát quan. Bởi vậy được gọi là cửu quan trai giới. Khi bạn thọ thêm giới thứ chín này thì bạn phải nên thận trọng bởi vì bạn đã nguyện giữ cho tâm mình tràn đầy tình thương với tất cả chúng sinh. Điều này có nghĩa là bạn phải luôn luôn giữ tâm từ ái hay phải thực hành thiền từ ái suốt trong thời gian giữ giới này.
Nếu trong thời gian giữ chín giới này mà bạn nổi giận thì bạn mất hết một chi. Bởi vậy có nhiều tranh biện xoay quanh vấn đề có nên giữ chín giới hay không. Giới thứ chín này đã được đề cập đến trong kinh điển Pāḷi (Tăng Chi Bộ Kinh-Aṅguttara Nikāya) vì thế ta nên giữ. Có nhiều người ngại giữ giới thứ chín nên thay vì đọc “tôi giữ hạnh từ ái đối với tất cả chúng sinh” thì nói rằng: “tôi nguyện giữ hạnh từ ái đối với tất cả chúng sinh được bao nhiêu hay bấy nhiêu”.
Nhóm giới cuối cùng mà người cư sĩ có thể giữ là mười giới, nhưng mười giới rất ít người giữ bởi vì những người cư sĩ trong đời sống hàng ngày rất khó giữ giới không giữ tiền, nhưng một số cư sĩ vẫn có thể giữ giới này. Khi giữ mười giới thì giới thứ bảy trong tám giới được chia làm hai: múa hát, thổi đờn kèn, xem múa hát, nghe đờn kèn là giới thứ bảy; trang điểm, thoa vật thơm, đeo tràng hoa trở thành giới thứ tám. Giới không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp trở thành giới thứ chín. Và giới cuối cùng, thứ mười, là không giữ tiền, vàng bạc v.v…
Như tôi đã nói, người cư sĩ có thể giữ mười giới, nhưng rất ít người giữ được.
3. MƯỜI GIỚI
Mười giới được các sa di và sa di ni giữ. Mặc dù các sa di và sa di ni giữ mười giới, nhưng họ còn giữ các giới khác. Khi viết thì người ta thường viết là sa di, sa di ni giữ mười giới, nhưng thật ra họ phải giữ chín mươi lăm giới hay điều luật. Ngoài mười giới này họ phải giữ thêm mười giới nữa và giữ thêm bảy mươi lăm giới chung với các vị Tỳ Khưu. Như vậy sa di, sa di ni giữ chín mươi lăm giới chứ không phải mười giới. Các bạn cần hiểu rõ điều này.
Đôi lúc viết giới cho chư Tăng người ta cũng viết các vị Tỳ Khưu giữ mười giới, nhưngTỳ Khưu giữ hai trăm hai mươi bảy giới. Mười giới người ta nói đến có thể nằm trong hai trăm hai mươi bảy giới này, nhưng các bạn không nói rằng: những nhà Sư giữ mười giới. Tôi hy vọng đó là điều có thật. Tôi mong rằng: Tỳ Khưu chỉ giữ mười giới thôi thay vì hai trăm hai mươi bảy giới (Ngài cười).
Bây giờ chúng ta tiến đến một điểm rất quan trọng về giới luật. Đó là chúng ta không thể thay đổi hay biến cải giới luật bởi vì giới luật được dạy bởi Đức Phật. Nếu Đức Phật còn sống đến ngày hôm nay thì chúng ta có thể tranh luận với Ngài về giới luật, nhưng nay Đức Phật không còn nữa nên chúng ta không thể thay đổi hay biến cải giới luật, hoặc chúng ta không có thẩm quyền để biến đổi giới luật. Đây là điều rất quan trọng và nghiêm túc. Hoặc là bạn giữ giới luật đã được Đức Phật dạy, hoặc là bạn phá hay không giữ, đó là quyền của bạn, nhưng bạn không thể thay đổi hay biến cải giới luật. Tôi nghĩ đây là vấn đề rất nghiêm túc và quan trọng. Bởi vì ngày nay có những người muốn thay đổi và biến cải giới luật. Họ biện minh cho việc làm của họ bằng cách lý luận rằng: Giới luật đã được Đức Phật chế định cách đây hơn 2500 năm nên bây giờ đã lỗi thời, chúng ta phải thay đổi hay biến cải như thế này, thế kia v.v… Bây giờ có nhiều người nói về giới thứ năm rằng: uống rượu thì không phạm giới; họ nói rằng: “uống rượu có thể được Đức Phật chấp nhận, tránh uống rượu mới là phạm giới…”, nhưng trong kinh điển cũng như trong Chú Giải chẳng ở đâu thấy điều tương tự như thế. Nếu bạn uống rượu và khi rượu qua khỏi cổ thì bạn phạm giới. Dù cho bạn uống rượu với mục đích để có sức khỏe hoặc bạn uống rượu vì bạn muốn uống, lúc bạn uống rượu và rượu qua khỏi cổ thì bạn phạm giới rồi.
Như vậy đối với giới uống rượu chúng ta khỏi cần tranh biện với người nào vì có tranh biện đi nữa ta cũng không thể thay đổi hay biến cải được họ. Nếu họ không muốn thì họ đừng giữ giới này.
Khi sang Canada tôi gặp một phụ nữ người Miến, bà nói rằng: bà chỉ giữ giới không sát sinh được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tôi nói với bà rằng: “Không, như vậy là bà không giữ giới. Khi nói câu nói đó là bà đã tính toán sẵn sàng để phạm giới. Ai không giữ được thì người đó phạm giới. Giới luật không thể giữ như vậy. Giữ giới là một chuyện mà giữ được chừng nào hay chừng đó là một chuyện. Câu nói của bà chứng tỏ rằng: tâm quyết định của bà rất yếu. Tinh thần bà rất yếu. Tôi nghĩ rằng: khi thọ giới mà còn nói thêm câu ‘được bao nhiêu hay bấy nhiêu’ thì không phải là thọ giới”.
Bây giờ chúng ta bàn đến vấn đề chánh mạng. Người Phật Tử phải sống theo chánh mạng, có nghĩa là họ phải tránh xa tà mạng. Đức Phật dạy trong Tăng Chi Bộ kinh: có năm nghề nghiệp người Phật Tử cần phải tránh. Đó là buôn bán vũ khí, buôn bán chúng sinh, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán chất độc.
Sống nhờ buôn bán khí giới có nghĩa là làm vũ khí và bán vũ khí. Đó là điều giải thích trong Chú Giải, nhưng trong Phụ Chú Giải nói thêm: là bán vũ khí sau khi đã tự mình làm (bạn làm vũ khí và bán chúng) hoặc vũ khi đã được người khác làm (có thể bạn bảo người khác làm rồi mình bán) hoặc bạn không bảo người khác làm mà bạn mua vũ khí người khác đã làm và bán chúng thì đó cũng gọi là buôn bán vũ khí.
Buôn bán chúng sinh ở đây nói đến việc buôn bán người để cho họ làm nô lệ. Buôn bán thịt có nghĩa là nuôi súc vật rồi bán chúng. Phụ Chú Giải còn nói thêm, bán thịt ở đây nghĩa là sau khi đã nuôi chúng rồi đem bán hoặc bán thịt đã làm sẵn. Sự buôn bán thịt bị cấm vì nó bao gồm trong phần giết sinh mạng.
Bán rượu có nghĩa là nấu ra rượu và bán rượu hay là mua rượu bán sẵn hoặc đặt người ta làm rượu cho mình bán. Buôn bán thuốc độc có nghĩa là làm ra thuốc độc và bán. Bán thuốc độc cũng có những yếu tố quy định trong Phụ Chú Giải. Tóm lại, khi làm năm nghề nghiệp trên gọi là không chánh mạng nên chúng ta cần phải tránh.
Như vậy khi một người Quy Y Phật, Pháp, Tăng luôn luôn bao hàm việc giữ ngũ giới và họ có thể giữ tám giới, mười giới nữa. Người Quy Y Tam Bảo cũng bao hàm việc giữ chánh mạng, không làm những nghề nghiệp tà mạng. Giữ giới trong sạch là bước đầu tiên của hành trình tiến bộ tâm linh.
Bởi vì đây là bước đầu tiên, là căn bản, hay nền tảng vững chắc để ta có thể xây dựng ngôi nhà định, tuệ. Nếu giới không trong sạch nghĩa là nền tảng không vững thì chúng ta không thể kỳ vọng có được định tâm tốt. Nếu không có định thì tuệ hay sự xuyên thấu vào bản chất của sự vật không thể khởi sinh. Bởi vậy cần phải giữ giới thật trong sạch, nhất là khi các bạn hành thiền.
Khi hành thiền muốn đạt đến định tâm, nhưng giới không trong sạch thì không thể có định tâm. Vì khi không giữ giới trong sạch thì tâm bạn sẽ bị bất an, đau khổ vì ăn năn hối hận. Khi ăn năn hối hận ngự trị bạn thì tâm không thể an bình tĩnh lặng. Khi không có an bình tĩnh lặng thì tâm không ổn định, tâm không ổn định, thoải mái thì không thể có định. Giữ giới luật trong sạch hay có đức hạnh tốt đẹp là một yếu tố thật cần thiết cho tất cả mọi người, nhất là những người thực hành theo giáo huấn của Đức Phật, những người muốn đạt đến trạng thái, đến tầng mức tất cả phiền não bị tiêu diệt.