HAI LOẠI QUY Y

Có hai loại Quy Y, Quy Y Siêu Thế và Quy Y Thế Tục.

  1. Quy Y Siêu Thế:

Quy Y Siêu Thế xảy ra vào lúc Giác Ngộ hay vào lúc Đạo Tâm khởi sinh. Khi Đạo Tâm khởi sinh, thiền sinh Giác Ngộ Tứ Diệu Đế, lấy Niết Bàn làm đối tượng ngay vào lúc đó. Ngay vào lúc Đạo Tâm phát khởi là lúc Quy Y thành tựu. Và lúc đó sự Quy Y được thiết lập một cách vững chắc đối với người này. Đó là Quy Y Siêu Thế.

  1. Qui Y Thế Tục:

Quy Y Thế Tục là Quy Y dành cho người thế tục (puthujjana). Người thế tục này đè nén phiền não chướng ngại trong khi Quy Y. Những chướng ngại trong khi Quy Y có nghĩa là: không tin tưởng, không hiểu biết gì về Tam Bảo v.v…

Khi Quy Y hiểu rõ ràng về Tam Bảo, họ có đức tin hay có sự tín nhiệm vào Tam Bảo, đồng thời khi Quy Y, họ lấy những đặc tính tuyệt diệu của Tam Bảo làm đối tượng. Điều này có nghĩa là khi Quy Y, người Quy Y nghĩ đến những đức tính tốt đẹp của Phật, của Pháp, của Tăng. Phật Pháp Tăng, đối với người Phật Tử, là những đối tượng của đức tin và sự tín nhiệm của họ. Khi chúng ta đạt được đức tin vào Phật Pháp Tăng là chúng ta Quy Y.

Đức tin giúp chúng ta có Chánh Kiến; bởi vì nhờ có đức tin nên chúng ta mới học hỏi những lời dạy của Đức Phật. Nhờ học hỏi những lời dạy của Đức Phật nên chúng ta có sự hiểu biết đúng đắn hay có Chánh Kiến. Vào lúc Quy Y thì Đức Tin và Chánh Kiến khởi sinh trong tâm chúng ta. Có mười Thiện Nghiệp mà Thiện Nghiệp cuối cùng là có Chánh Kiến. Chánh Kiến là gốc rễ của Đức Tin hay lòng tin tưởng nhiệt thành và Tam Bảo.

Bốn Loại Quy Y Thế Tục

Thứ nhất là cúi mình tuân phục Phật, Pháp, Tăng. Thay vì nói con Quy Y Phật, Pháp, Tăng thì nói con cúi đầu tuân phục Phật, Pháp, Tăng. Khi cúi mình tuân phục thì chúng ta nói “bắt đầu từ ngày hôm nay, con tuân phục Phật Pháp Tăng”. Câu “bắt đầu từ ngày hôm nay” là câu tôi dịch sát nghĩa đúng theo văn Pāḷi. Câu này có nghĩa là bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi, con hạ mình tuân phục theo Phật, Pháp, Tăng.

Thứ hai là nhận Phật, Pháp, Tăng là Nơi Nương Tựa Tối Thượng của mình. Câu này có nghĩa là lấy Phật, Pháp, Tăng làm Nơi Trú Ẩn, Nơi Nương Tựa tuyệt hảo nhất. Khi chúng ta dùng nghĩa thứ hai này để Quy Y thì lúc Quy Y ta nói “bắt đầu từ ngày hôm nay con nhận Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng làm Nơi Nương Tựa Tối Thượng của con” hoặc “bắt đầu từ ngày hôm nay con có Nơi Nương Tựa Tối Thượng là Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng”.

Thứ ba là chấp nhận mình là học trò của Phật, Pháp, Tăng. Đôi lúc bạn không nói “con cúi đầu tuân phục Phật, Pháp, Tăng” hay “bắt đầu từ ngày hôm nay con nhận Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng làm Nơi Nương Tựa Tối Thượng của con” mà nói “con là học trò của Phật, học trò của Pháp, học trò của Tăng”. Khi nói như vậy thì chúng ta đã Quy Y Phật, Pháp, Tăng. Như vậy, cách thứ ba là nhận mình là học trò, là đệ tử của Phật, Pháp, Tăng.

Thứ tư là thành kính đảnh lễ Đức Phật, Pháp, Tăng qua sự tôn kính đảnh lễ. Theo cách này thì khi chúng ta đang ngồi mà thấy Phật hoặc một vị Sư đi ngang qua chúng ta đứng dậy tỏ lòng tôn kính. Đó cũng là hình thức Qui Y Thế Tục. Trong thực tế, người Phật Tử biểu lộ sự Quy Y này bằng cách lễ lạy hoặc chấp tay biểu lộ sự cung kính. Tất cả những hành vi biểu hiện sự tôn kính trên đều chứng tỏ chúng ta Quy Y Phật, Pháp, Tăng. Mặc dù không nói bằng lời, nhưng khi chúng ta cúi xuống lễ lạy Phật, Pháp, Tăng là chúng ta đã Quy Y.

Thông thường khi Quy Y chúng ta đọc những câu theo khuôn mẫu:

“Buddaṁ saraṇaṁ gacchāmi, Dhammaṁ saraṇaṁ gacchāmi, Saṇghaṁ saraṇaṁ gacchāmi”

(Con đem hết lòng thành kính xin qui y Phật. Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp. Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng)

Nói những câu như thế là chúng ta đã Quy Y Tam Bảo theo cách thứ hai. Câu “bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi con Quy Y Phật, Pháp, Tăng”. Câu này chỉ dùng khi chúng ta Quy Y lần đầu. Bây giờ, hằng ngày chúng ta đều đọc Quy Y. Thật ra, ngay từ thuở nhỏ chúng ta đã Quy Y và hằng ngày ta đều Quy Y. Như vậy chúng ta không cần nói câu “bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi”. Nếu chúng ta nói câu “bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi con Quy Y Phật, Pháp, Tăng” thì có nghĩa là hôm qua chúng ta chưa Quy Y. Do đó câu này chỉ áp dụng cho người mới Quy Y lần đầu. Còn đối với Phật Tử chúng ta đã Quy Y rồi và hằng ngày đều đọc tam quy và ngũ giới thì khỏi cần đọc câu “bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi”.

Về vấn đề khi tôn kính một người nào đó nên chúng ta lễ lạy, tỏ vẻ kính trọng hoặc khi sợ hãi chúng ta cũng lễ lạy hoặc khi lễ lạy những người bà con trưởng thượng hơn mình thì đó không có nghĩa là chúng ta Quy Y họ.

Khi Đức Phật về kinh thành, các thân quyến thuộc dòng Thích Ca (dòng Koliya) đảnh lễ Đức Phật với tư cách là một người bà con, một người thân quyến đáng kính của mình. Dù đó là đảnh lễ Đức Phật đi nữa, nhưng cũng không phải là Quy Y. Nếu bạn đảnh lễ Đức Phật bởi vì Đức Phật là bà con của bạn thì đó cũng không phải là Quy Y. Khi bạn lễ lạy, tỏ lòng tôn kính vì sợ hãi thì đó cũng không phải là Quy Y. Chú Giải có giải thích điều này: Nếu một người đảnh lễ Đức Phật với tâm lo sợ, nghĩ rằng: ẩn sĩ Gotama được nhà vua tôn kính và ẩn sĩ có những năng lực vĩ đại nếu ta không tôn kính đảnh lễ thì Ngài sẽ hại ta, hoặc nhà vua hay người khác sẽ hại ta thì đó không phải là Quy Y. Nếu đảnh lễ Đức Phật vì lo sợ, vì bắt buộc phải làm hay vì một lý do nào khác mà không phải là biểu hiện lòng tôn kính tin tưởng vào Phật, Pháp, Tăng như vậy thì không phải là Quy Y. Quy Y thật sự khi bạn đảnh lễ tỏ lòng tôn kính người đó. Sự tôn kính đó đặt căn bản trên giá trị tinh thần tốt đẹp của người đó. Có nghĩa là khi tôn kính lễ bái Đức Phật vì chúng ta tin hay hiểu biết rằng: Đức Phật là người có phẩm chất cao thượng nhất, xứng đáng được chúng ta tôn kính, cúng dường. Chỉ như vậy mới gọi là Quy Y theo nghĩa thứ tư.

Bây giờ chúng ta hãy bàn luận rộng thêm về vấn đề Quy Y này. Khi bạn đã Quy Y Tam Bảo, nhưng bạn có một người bà con thuộc tôn giáo khác, giả sử người đó theo đạo Thiên Chúa, bạn lễ bái, tôn kính người đó vì người đó là thân bằng quyến thuộc của bạn. Khi phải đảnh lễ một người khác tôn giáo vì người đó là thân bằng quyến thuộc của bạn thì bạn có đứt Tam quy không? Câu trả lời là không.

Vào thời đại quân chủ, trong nước có vua. Bạn phải cung kính lễ lạy nhà vua. Bạn quỳ lạy trước nhà vua bởi vì bạn sợ rằng: nếu không làm như thế bạn sẽ bị trị tội, bạn có thể bị ở tù hay bị đánh đập.  Vì sợ hãi nên bạn phải lễ lạy nhà vua thì bạn cũng không đứt Tam Quy.

Theo phong tục của đông phương, vị thầy rất được tôn kính, mọi người cũng như học trò thường lễ lạy những người đó vị họ là người thầy. Những người lễ lạy một người nào đó, tỏ lòng tôn kính vị đó bởi vì vị đó là một vị thầy thì đó không phải là Quy Y.

Bạn có một vị thầy dạy học, về sau vị này trở thành một tu sĩ của tôn giáo khác. Bạn đảnh lễ vị thầy này bởi vì đây là vị thầy dạy học cũ của mình, vậy bạn có đứt Tam Quy không? Câu trả lời là không.

Bạn gặp một tu sĩ của tôn giáo khác, vị này không phải bà con của bạn, vị này cũng không phải thầy của bạn, bạn cũng chẳng sợ hãi gì vị này, nhưng bạn nghĩ rằng: đây là một người tu hành, dù thuộc tôn giáo khác đi nữa cũng đáng cho ta kính trọng nên bạn đảnh lễ vị đó. Như vậy bạn có đứt Tam Quy không?

Chú Giải không giải thích điều này, bạn muốn làm sao thì tùy bạn, bạn phải tự quyết định lấy. Tôi nghĩ rằng: bao lâu bạn không xem người này là vị thầy có thể dẫn dắt mình ra khỏi vòng luân hồi sinh tử thì bạn sẽ không đứt Tam Quy, hoặc bạn không xem người này là vị thầy dạy bạn hành thiền, giúp bạn thoát khỏi những phiền não trong tâm thì bạn không đứt Tam Quy.

Tóm lại, khi bạn theo một người nào mà bạn nghĩ rằng: đây là vị thầy có thể giúp cho mình thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, đây là vị thầy dạy ta hành thiền, đây là vị thầy giúp ta loại trừ phiền não trong tâm thì khi đó bạn đứt Tam Quy.

Giả sử có một người phụ nữ đang mang thai, vị này nói rằng: “Đứa bé trong bụng tôi xin Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng” hay “tôi Quy Y Phật, Pháp, Tăng cho đứa bé này” v.v… Trong trường hợp này thì đứa bé đó có được Quy Y chăng?

Vào thời kỳ Đức Phật có một vị hoàng tử tên là Bodhi.   Vị hoàng tử thỉnh Đức Phật đến nhà để trai tăng. Sau lễ trai tăng, hoàng tử Bodhi hỏi Phật về cách thực hành của Ngài trước khi thành đạo, Ngài đã chịu khó khăn và nỗ lực như thế nào để trở thành một vị Phật.  Đức Phật kể lại rất nhiều chi tiết về việc thực hành của Ngài, về  việc  hành  Thiền  Định theo  các  vị  thầy  ngoại  đạo,  về sáu  năm khổ  hạnh  trong rừng, và sau đó là phương pháp Thực Hành Trung Đạo. Khi Đức Phật giảng giải xong, một người bạn của hoàng tử Bodhi nói: “Bạn ơi, bạn tôn kính tán dương Đức Phật, nhưng bạn chưa Quy Y với Phật”. Hoàng tử Bodhi nghe nói thế trả lời: “Mặc dù từ khi lớn lên tôi chưa Quy Y với Phật, nhưng khi tôi còn trong bụng mẹ, mẹ tôi đã cho tôi Quy Y với Phật rồi”. Câu nói của hoàng tử Bodhi cho thấy hoàng tử đã xem mình là một người đã Quy Y Tam Bảo.

Chú Giải giải thích rằng: sẽ không có Quy Y nếu không có hiểu biết, không có sự lưu tâm đến việc Quy Y. Điều này có nghĩa là mặc dù mẹ của hoàng tử đã Quy Y cho ông từ trong bụng mẹ, nhưng thật ra ông chưa Quy Y bởi vị lúc đó hoàng tử không biết. Sau khi hoàng tử được sinh ra, lúc hoàng tử đã có đủ sự hiểu biết, mẹ của hoàng tử nói rằng: bà đã cho hoàng tử Quy Y lúc còn trong bào thai. Vào lúc người mẹ nói như thế, hoàng tử biết rằng: mình đã Quy Y thì ngay lúc đó hoàng tử đã Quy Y.

Đức Phật lúc chưa Giác Ngộ Đạo Quả, còn là một Bodhisatta, vì là người có trí tuệ nên đôi khi Ngài dạy những người khác điều gì, nếu những người đó vì được Bồ Tát hướng dẫn nên tôn kính và đảnh lễ Ngài thì đó cũng không phải là Quy Y. Không những thế, ngay cả khi Bồ Tát đã thành Phật, Đức Phật nhiều khi chỉ dẫn cho những người cư sĩ làm thế nào để việc làm ăn được ngày càng tiến bộ hoặc dạy họ làm thế nào để dùng của cải họ đã kiếm được. Khi nghe lời hướng dẫn ấy, họ đảnh lễ Đức Phật vì họ biết ơn Đức Phật đã chỉ dẫn cho họ cách sử dụng tài sản thì đó cũng không phải là Quy Y.

Chắc các bạn đã biết Đức Phật dạy cách sử dụng lợi tức của mình một cách tốt đẹp bằng cách phân chia thành nhiều phần. Phần đầu tiên để sử dụng cho cuộc sống của mình, phần thứ hai và thứ ba để dùng làm vốn buôn bán làm ăn. Phần thứ tư để dành phòng khi trái gió trở trời hoặc gặp hoạn nạn. Như vậy bạn phải chia lợi tức của bạn thành bốn phần. Hai mươi lăm phần trăm để tiêu xài cho mình và gia đình, năm mươi phần trăm để phát triển việc làm ăn. Hai lăm phần trăm còn lại bỏ vào trong ngân hàng để phòng ngừa khi gặp điều gì bất trắc.

Nhiều khi Đức Phật dạy tiền của kiếm được nên chia làm năm phần. Phần đầu tiên để nuôi sống chính mình (bỏ vào lỗ trống), phần thứ hai để phụng dưỡng cha mẹ (trả nợ cũ), phần thứ ba để nuôi dưỡng con cái (cho vay nợ mới), phần thứ tư để dành phòng thân (đào lỗ để dành), phần thứ năm để bố thí cúng dường, giúp đỡ người bị bệnh tật tai nạn, thiên tai (rải trên mặt đất).

Quy Y sẽ thành tựu khi có sự hiểu biết hay ý thức rõ ràng.

Khi Quy Y hay khi ta nói:

“Buddaṁ saraṇaṁ gacchāmi Dhammaṁ saraṇaṁ gacchāmi Saṇghaṁ saraṇaṁ gacchāmi”

(Con đem hết lòng thành kính xin qui y Phật. Con đem hết lòng thành kính xin qui y Pháp. Con đem hết lòng thành kính xin qui y Tăng) thì chúng ta phải hiểu là chúng ta đang Quy Y Tam Bảo. Trong các quốc gia Phật Giáo như Miến Điện chẳng hạn, mọi người đã quen với cách thức Quy Y. Họ chỉ đọc những câu khuôn mẫu có sẵn, nhiều khi họ chẳng biết đến ý nghĩa của những câu xin Quy Y mà họ đang đọc. Có lần tôi hỏi mọi người: “Quý vị đang đọc cái gì đó? Nghĩa của những câu nói ấy như thế nào?” Họ chẳng hiểu gì cả. Bởi vậy tôi nói với họ muốn Quy Y một cách nghiêm túc thì quý vị phải hiểu những gì quý vị đang nói.   Khi quý vị nói Buddaṁ saraṇaṁ gacchāmi, Dhammaṁ saraṇaṁ gacchāmi, Saṇghaṁ saraṇaṁ gacchāmi, mặc dù quý vị không hiểu nghĩa từng chữ, nhưng ít nhất bạn cũng phải hiểu rằng: đây là những câu xin Quy Y hay cụ thể hơn là “Con xin Quy Y Phật, con xin Quy Y Pháp, con xin Quy Y Tăng”. Đó là điều tôi luôn nhắc nhở các Phật Tử khi họ Quy Y.

Quy Y là một việc làm rất nghiêm túc, quan trọng, quý báu. Đây là hành vi biểu hiện lòng tin tưởng vào Tam Bảo. Bởi vậy mỗi lần Quy Y, đọc những câu Quy Y thì chúng ta phải làm với tâm nhiệt thành, trang trọng, thành khẩn chứ đừng Quy Y cho có lệ hay đó là một việc mang tính hình thức mình phải làm hằng ngày. Chúng ta phải hiểu nghĩa của những câu Quy Y. Khi đọc câu “Con xin Quy Y Phật, con xin Quy Y Pháp, con xin Quy Y Tăng” phải hiểu rõ trong tâm là chúng ta đang muốn noi theo gương lành của Phật, Pháp, Tăng. Nghĩa là tôi nhận Phật, Pháp, Tăng là người hướng dẫn tinh thần.

Trong đời người Phật Tử đọc quy giới rất nhiều lần. Một câu hỏi được nêu ra là có cần phải Quy Y hằng ngày không? Hầu như những người Phật Tử đều Quy Y hay đọc quy giới hàng ngày. Chúng ta có phải đọc hàng ngày hay không nếu chúng ta bận công việc làm ăn và nếu ngày đó họ bận không đọc quy giới thì có phải là ngày đó họ không Quy Y hay không? Mỗi lần Quy Y như vậy thì hiệu lực của nó kéo dài bao lâu? Ba năm, năm năm hoặc kéo dài đến suốt đời cho đến khi bạn chưa bỏ Phật, Pháp, Tăng. Thật ra không cần phải đọc quy giới hàng ngày. Lần đầu tiên khi Quy Y chúng ta nói “bắt đầu từ hôm nay cho đến trọn đời tôi Quy Y Phật, Pháp, Tăng”. Dựa vào câu nói này thì ta chỉ Quy Y một lần, nhưng chúng ta hầu như hàng ngày được khuyên đọc lại quy giới vì chúng ta muốn xác quyết đức tin của chúng ta vào Tam Bảo. Chúng ta muốn xác quyết rằng: mình luôn luôn là người con Phật, luôn luôn là đệ tử của Tam Bảo. Khi đọc lại Tam quy là chúng ta vun bồi đức tin. Quy Y, đọc lại Tam quy là một hành vi thiện lành. Mặc dù, nếu nói theo một cách tuyệt đối thì không cần Quy Y hàng ngày, nhưng theo tôi nghĩ đọc lại quy giới là việc nên làm hàng ngày.

Chú Giải có đề cập đến những ô nhiễm trong sự Quy Y. Những phiền não, ô nhiễm trong sự Quy Y.

 

 

Bài viết trích tử cuốn Phật Pháp Căn Bản, Ngài U Sīlānanda giảng, Tỳ Khưu Kim Triệu hiệu đính, Tỳ Khưu Khánh Hỷ soạn dịch.
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app