Nội Dung Chính
- ĐẶC TÍNH SIÊU VIỆT CỦA PHẬT GIÁO
- 1. Đức Phật – một con người.
- 2. Không có kẻ sáng tạo.
- 3. Không có những giáo thuyết huyền bí.
- “Không nên chuyển đổi những lời dạy của Đức Phật thành ngôn ngữ Sankrit”.
- 4. Tự do suy tư và tìm hiểu
- Đức Phật dạy: “Đừng chấp nhận ngay điều gì chỉ vì đơn thuần nghe người ta nói điều đó”
- “Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng bởi vì mình đã so sánh với những điều khác đã xảy ra trước đây”.
- Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng chỉ vì thấy bề ngoài của nó.
- Đừng chấp nhận ngay điều gì là sự thật chỉ vì nó hợp với định kiến của mình đã có từ trước.
- Đừng chấp nhận ngay một điều gì chỉ vì dường như nó có thể chấp nhận được.
- Đừng chấp nhận ngay điều gì là sự thật bởi vì bạn nghĩ rằng: vị thầy đáng kính của ta đã làm hay dạy điều đó.
- “Khi chính bạn hiểu rằng, biết rằng: điều này là phi đạo đức, điều này bị chê trách, điều này bị những bậc có trí tuệ khiển trách, và điều này khi đem ra thực hành sẽ đưa đến thoái hóa, hư hỏng, đưa đến lo âu, phiền muộn thì đừng chấp nhận nó, hãy từ chối nó.
- 5. Hãy nương tựa vào chính mình và chính mình phải chịu trách nhiệm.
- “Con phải là hải đảo của chính mình, sống nương tựa vào chính mình, không có nơi nương tựa nào khác”.
- “Sống với Giáo Pháp, lấy Giáo pháp làm hải đảo của mình. Sống với Giáo pháp lấy Giáo Pháp làm nơi nương tựa, và không có nơi nương tựa nào khác”.
- 6. Không chấp nhận giai cấp.
- 7. Sự bình đẳng giữa nữ giới và nam giới trong sự Giác Ngộ.
- 8. Khoan dung tha thứ.
- 9. Không có Thánh Chiến.
ĐẶC TÍNH SIÊU VIỆT CỦA PHẬT GIÁO
Chúng ta đã nói đến những vấn đề thật khó hiểu đó là luật Nghiệp Báo, Luật Duyên Sinh và luật Duyên Hệ Duyên. Bây giờ chúng ta sẽ nói đến những vấn đề dễ hiểu hơn và hứng thú hơn. Đó là: những khía cạnh siêu việt của Phật Giáo, những điểm quan trọng then chốt của đạo Phật.
1. Đức Phật – một con người.
Điều đặc biệt đầu tiên của Phật Giáo là người sáng lập ra Phật Giáo không phải là một vị Thượng Đế, một vị trời, một đấng tiên tri, một sứ giả của Thượng Đế hay một đấng cứu rỗi. Đức Phật là một con người, nhưng không phải là một người bình thường như mọi người. Đức Phật là một người phi thường không ai có thể so sánh được. Ngài chẳng bao giớ nói Ngài là đấng sáng tạo. Ngài cũng chẳng bao giờ nói Ngài là một con người, nhưng chúng ta biết rằng: Đức Phật là một con người bởi vì Ngài sinh ra bởi con người. Ngài sinh ra là một con người, Ngài sống như một con người và Ngài chết như một con người.
Một lần nọ, trên đường đi đến xứ Benares, Đức Phật đã gặp một đạo sĩ, Ngài trả lời với vị đạo sĩ đó rằng: Ngài là một vị A La Hán, có nghĩa là: Ngài là một chúng sinh hoàn hảo trên thế gian này. Và Ngài nói: “Ta là một vị thầy; không có vị nào trên ta; không có vị nào cao thượng hơn ta (Điều này có nghĩa Ngài là một vị thầy tốt đẹp nhất). Ta là kẻ độc nhất có sự hiểu biết đúng đắn tất cả những gì mà ta cần biết, và những hiểu biết đó do chính ta tự biết. Ta đã trở nên an tịnh, mát mẻ, nguội lạnh (Có nghĩa là đã nguội lạnh hay thanh tịnh tất cả Tham Ái, hay phiền não trong tâm), và ta đã tận diệt, tất cả mọi phiền não trong tâm.
Như vậy, Đức Phật đã loại trừ tất cả mọi phiền não trong tâm và Ngài trở thành an tịnh, tĩnh lặng, mát mẻ, nguội lạnh, Ngài không còn Tham Ái và Ngài biết được tất cả những gì cần phải biết. Ngài biết tất cả mọi sự và tự mình ngộ lấy không thầy chỉ dạy.
2. Không có kẻ sáng tạo.
Mặc dầu Đức Phật là một con người, nhưng Ngài là một con người có lòng bi mẫn vượt trội, trí tuệ vượt trội, và đức hạnh vượt trội hơn tất cả thần thánh. Phật Giáo không chấp nhận có một vị Thượng Đế hay đấng sáng tạo. Như vậy, trong Phật Giáo không có Thượng Đế hay đấng sáng tạo. Hầu hết các tôn giáo trên thế gian này đều chấp nhận có một đấng sáng tạo; đó là Thượng Đế, Chúa Trời hay PhạmThiên hay một tên gì đó tương tự. Như vậy theo Phật Giáo không có đấng sáng tạo, do đó không có ai tạo ra những gì trên thế gian này cả. Thế giới Vật Chất có được tùy thuộc vào những định luật vật lý hay định luật thiên nhiên. Và chúng sinh hay vật hữu tình đến với thế gian này theo luật Nghiệp Báo. Luật Nghiệp Báo cũng là định luật tự nhiên. Chúng sinh và vật vô tri đều tùy thuộc vào luật tự nhiên, vận hành một cách tự nhiên không cần có một tác nhân hay đấng sáng tạo nào cả.
3. Không có những giáo thuyết huyền bí.
Đặc tính thứ ba của Phật Giáo là không có các giáo thuyết bí mật nào. Trong Phật Giáo tất cả các lời giảng dạy của Đức Phật được rộng mở cho tất cả mọi người để họ phân tích, suy tư tìm hiểu. Trong Phật Giáo không có các lời dạy hay giáo thuyết đặc biệt chỉ dành riêng cho đệ tử của Ngài thôi.
Một lần nọ có hai nhà sư xuất thân từ giai cấp Bà La Môn, giai cấp cao trong bốn giai cấp, đến xin Đức Phật cho họ viết ra các lời dạy của Đức Phật theo ngôn ngữ Vedic Sankrit. Ngôn ngữ Vedic Sankrit là một loại ngôn ngữ xưa cũ hơn Sankrit và rất khó học. Họ xin phép Đức Phật được chuyển các lời dạy của Đức Phật ra ngôn ngữ Vedic Sankrit bởi vì họ nghĩ rằng: các lời dạy của Đức Phật sẽ bị ô nhiễm hay bị hủy diệt bởi những người bình dân. Họ yêu cầu như vậy, bởi vì Giáo Pháp được Đức Phật được phổ biến trong cả giai cấp cao và giai cấp thấp. Họ sợ nếu những người giai cấp thấp học hỏi giáo pháp thì những người này sẽ hủy hoại Giáo Pháp. Nhất là một số các nhà sư xuất thân từ giai cấp Bà La Môn luôn luôn nghĩ rằng: nếu giai cấp thấp học hỏi những lời dạy của Đức Phật thì họ sẽ làm ô nhiễm hay hủy diệt những lời dạy đó. Họ muốn những lời dạy của Đức Phật chỉ được dạy cho những người có học thức cao và giai cấp Bà La Môn, giai cấp được cho là cao hơn các giai cấp khác. Đức Phật bác bỏ lời thỉnh cầu của họ và dạy rằng:
“Không nên chuyển đổi những lời dạy của Đức Phật thành ngôn ngữ Sankrit”.
Bởi vậy, người nào không nghe lời Đức Phật mà chuyển đổi những lời giáo huấn phổ thông của Ngài thành ngôn ngữ Sankrit là phạm giới cấm của Đức Phật (vì có các hành vi sai lầm). Như vậy, chuyển dịch những lời dạy của Đức Phật sang ngôn ngữ Sankrit là vi phạm giới luật Đức Phật đã đặt ra. Nếu chuyển đổi những lời dạy của Đức Phật vốn bằng ngôn ngữ phổ thông ra ngôn ngữ Sankrit thì sẽ khiến cho giáo pháp trở nên khó hiểu, và khiến cho mọi người gặp khó khăn trong việc học hỏi, hiểu biết các lời dạy của Đức Phật.
Tiếp theo đó Đức Phật dạy: “Ta cho ta phép các con được học hỏi những lời dạy của ta bằng chính ngôn ngữ của mình”. Điều này có nghĩa là các bạn có thể nghiên cứu học hỏi những lời dạy hay giáo pháp của Đức Phật bằng chính ngôn ngữ của các bạn. Đó là lý do tại sao các bạn đã học giáo pháp của Đức Phật bằng chính ngôn ngữ của mình mà chúng ta đang làm đây. Tôi học Giáo Pháp của Đức Phật bằng tiếng Myanmar, các bạn học bằng tiếng Việt, những người khác học bằng tiếng Anh. Như vậy, giáo pháp của Đức Phật dành cho tất cả mọi người chứ không phải cho một số ít người được lựa chọn.
Trong những ngày cuối cùng của Đức Phật, một ngày nọ, Đức Phật dạy Ānanda: “Này Ānanda, giáo pháp đã được Như Lai tuyên thuyết không có một sự phân biệt nào giữa giáo thuyết bí truyền và giáo thuyết công truyền”. Câu này có nghĩa là không có sự phân biệt giữa những lời dạy cho những người bên trong và người bên ngoài, không có sự phân biệt những lời dạy cho tín đồ Phật Giáo và những lời dạy cho những người không phải là tín đồ. Đức Phật không tạo ra một sự phân biệt nào như thế. Bởi vậy, những lời dạy của Đức Phật được áp dụng cho những người gần với Đức Phật, như những tín đồ Phật Giáo, hay những người xa Đức Phật, như các người ở tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào. Những lời dạy của Đức Phật không đặc biệt dành riêng cho một nhóm thiểu số tuyển lựa nào. Những lời dạy của Đức Phật được áp dụng cho tất cả mọi người không phân biệt người bên trong hay người bên ngoài Phật Giáo. Như vậy, những lời dạy của Đức Phật dành cho cả những người thân cận với Ngài lẫn những người không thân cận với Ngài.
Đức Phật dạy rằng: “Đức Phật không phải là vị thầy có bàn tay nắm lại” (đối với Giáo Pháp của Ngài). Một bàn tay nắm lại có nghĩa là gì? Một số các vị thầy có những lời dạy bí mật không dạy cho tất cả mọi người, chỉ dạy cho các học trò của chính họ, những người gần gủi họ, những người rất thân mật và thương yêu của họ, và những người đem lại lợi ích cho họ. Đó là những vị thầy có bàn tay nắm lại. Đức Phật không có thái độ như thế. Đức Phật dạy rằng: “Trong giáo pháp Như Lai, không bao giờ có bàn tay nắm lại”.
Một lần nọ Đức Phật dạy: “Những lời dạy chỉ tốt đẹp khi chúng được mở ra”. Bởi vậy, không có gì bí mật hay bí truyền chỉ được dạy riêng cho một số người trong Giáo Pháp của Đức Phật.
4. Tự do suy tư và tìm hiểu
Điểm đặc biệt tiếp theo là người Phật Tử có quyền tự do suy nghĩ và tìm hiểu. Phật Giáo là một tôn giáo độc nhất trong các tôn giáo khác bởi vì Đức Phật cho phép và khuyến khích “tự do suy tư”, “tự do tìm hiểu”. Chúng ta có thể tìm hiểu, điều tra, thẩm định ngay cả những lời dạy của Đức Phật. Chúng ta có quyền nghi ngờ những lời dạy của Đức Phật. Người Phật Tử phải loại trừ sự nghi ngờ này bằng sự học hỏi, nghiên cứu, và thảo luận.
Như vậy, Đức Phật cho phép tự do tư tưởng. Đây là điều chúng ta không bao giờ thấy có trong lịch sử của các tôn giáo. Nói cách khác, không có tôn giáo nào có tư tưởng tự do phóng khoáng như Phật Giáo.
Một lần nọ, Đức Phật đến thăm viếng dân chúng Kalama, người dân ở đó đến gặp Ngài và nói rằng: “Thưa Ngài, có nhiều vị thầy của nhiều tôn giáo khác nhau đến xứ của chúng tôi. Đầu tiên một vị thầy đến với chúng tôi, và vị này dạy rằng: “Chỉ có những lời dạy của vị thầy này là đúng, còn những lời dạy của các vị thầy khác là sai. Rồi các vị thầy khác đến với chúng tôi và họ cũng nói rằng: những lời dạy của họ mới đúng còn các lời dạy của các vị khác là sai. Chúng tôi rất bối rối phân vân không biết vị thầy nào nói đúng và vị thầy nào nói sai; những lời dạy nào đúng, những lời dạy nào sai. “Chúng tôi phải làm sao bây giờ?”
Đức Phật bèn nói: “Này các bạn Kalama, các bạn nghi ngờ về những lời dạy này, bởi vì có rất nhiều vị thầy đến đây và dạy rằng: chỉ có những lời dạy của họ mới đúng, còn lời dạy của kẻ khác là sai; các bạn nghi ngờ như vậy là phải lắm”. Câu nói này rất quan trọng, bởi vì câu nói này đã cho ta thấy rằng: Đức Phật rất cởi mở trong sự tự do tư tưởng, nhất là tự do tư tưởng về những lời dạy của Đức Phật.
Đức Phật dạy: “Đừng chấp nhận ngay điều gì chỉ vì đơn thuần nghe người ta nói điều đó”
Điều này có nghĩa là: Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng bởi vì đã nghe từ một người nào đó nói. Người nào đó đã nói với bạn rằng: lời dạy này là đúng và bạn chấp nhận đó là đúng ngay. Đức Phật dạy: “Không, không chấp nhận ngay điều gì bởi vì chỉ thuần được nghe lời đó”.
Rồi Đức Phật lại dạy: “Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng do truyền thống từ xưa để lại”.
Điều này có nghĩa là đừng chấp nhận điều gì là đúng vì chúng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, hoặc điều đó theo truyền thống đã có mặt trong một thời gian lâu dài rồi.
Đức Phật dạy rằng: “Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng vì nghe theo lời đồn đại”.
Chẳng hạn như nghe người ta nói như thế này, người ta nói như thế kia… Những lời đồn đại phần lớn không đúng. Như vậy, đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng bởi vì điều đó đã được nhiều người đồn đại.
Rồi Đức Phật lại dạy: “Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng bởi vì điều đó được ghi lại trong kinh điển của tôn giáo mà bạn đang theo”. Đó là những điều mà chúng ta đang làm. Chúng ta thường chỉ chấp nhận những điều gì hợp với những kinh sách của tôn giáo mình. Ở đây, Đức Phật dạy rằng: “Đừng chấp nhận ngay điều gì chỉ vì chúng được ghi trong kinh điển mà chúng ta đang theo”. Điều này có nghĩa là: Đừng chấp nhận một cách mù quáng một điều gì, ngay cả khi những điều đó phù hợp với kinh sách của tôn giáo mình. Bất kỳ lúc nào bạn cũng cần phải phân tích, tìm hiểu, và thẩm định chúng.
Đức Phật lại dạy: “Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng, chỉ vì chúng ta cho rằng: nó phải là như vậy”. Có nghĩa là: Bạn nghĩ rằng: chuyện này phải xảy ra như vậy hay sẽ xảy ra như vậy; và khi nghĩ đến chuyện đó, bạn nghĩ rằng: những điều suy nghĩ và kết luận đó là sự thật.
“Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng bởi vì mình đã so sánh với những điều khác đã xảy ra trước đây”.
Đôi lúc bạn liên tưởng từ chuyện này và đem áp dụng cho chuyện kia. Từ chuyện này liên tưởng đến chuyện kia, và kết luận rằng: điều liên tưởng của mình là đúng. Chúng ta thường áp dụng sự liên tưởng này khi chúng ta không thể nào hiểu biết một cách trực tiếp về một điều gì đó. Những gì đến từ sự liên tưởng có thể đúng cũng có thể không đúng. Như vậy, đừng chấp nhận điều gì là đúng chỉ vì chúng ta đã liên tưởng đến một điều khác.
Đừng chấp nhận ngay điều gì là đúng chỉ vì thấy bề ngoài của nó.
Đôi khi bạn nhìn thấy một vật gì đó, và vật đó biểu hiện theo một cách thức mà bạn cho nó là sự thật, là đúng, là tốt. Nhiều khi thấy biểu hiện bề ngoài của một vật gì đó có vẻ tốt đẹp, bạn vừa ý, bạn liền kết luận ngay và đánh giá vật đó theo hình dáng bề ngoài của nó. Đừng nhìn bề ngoài của sự vật mà cho rằng: nó là tốt. Nhiều vật, nhiều sự kiện có sự biểu hiện bên ngoài rất tốt đẹp, nhưng bên trong ẩn dấu những gì ngược lại. Như vậy, đừng nhìn bề ngoài của một vật mà đánh giá nó là tốt đẹp thật sự.
Đừng chấp nhận ngay điều gì là sự thật chỉ vì nó hợp với định kiến của mình đã có từ trước.
Có thể bạn có một vài định kiến trước về một số sự vật nào đó nên khi sự vật xuất hiện phù hợp với những định kiến có sẵn từ trước của bạn, bạn liền đưa ra kết luận rằng: điều đó là đúng, là tốt đẹp. Như vậy, đừng chấp nhận ngay điều gì là sự thật bởi vì nó phù hợp với những ý niệm và định kiến của bạn đã có từ trước.
Đừng chấp nhận ngay một điều gì chỉ vì dường như nó có thể chấp nhận được.
Đôi lúc bạn nghĩ rằng: có một việc gì đó bạn có thể chấp nhận được nên bạn cho đó là sự thật, là tốt đẹp, nhưng Đức Phật dạy rằng: “Đừng chấp nhận ngay điều gì là sự thật bởi vì bạn chỉ thấy dường như có thể chấp nhận được”; Bạn phải điều tra, thẩm xét, bạn phải thật sự hiểu rõ bằng chính sự quán xét của mình để tìm xem nó đúng hay không.
Đừng chấp nhận ngay điều gì là sự thật bởi vì bạn nghĩ rằng: vị thầy đáng kính của ta đã làm hay dạy điều đó.
Điều này có nghĩa là: Bởi vì bạn kính trọng và tin tưởng vị thầy của mình nên tất cả điều gì vị thầy nói ra bạn đều cho là đúng, là sự thật. Đừng xem là sự thật chỉ vì bạn nghĩ rằng: vị thầy đáng kính của ta đã nói. Không nên tin tưởng vào điều gì cho đó là sự thật chỉ vì lời nói hay việc làm đó do vị thầy đáng yêu, đáng kính của ta nói hay làm mà ta phải kiểm chứng lại với những vị thầy khác, phải kiểm chứng lại với kinh điển. Chỉ khi nào bạn tự mình tìm thấy rõ ràng những điều đó đưa đến an lạc và hạnh phúc thì bạn mới chấp nhận nó.
“Đừng chấp nhận ngay điều gì là sự thật bởi vì đã được nghe nói đến v.v… ” Vậy chúng ta phải chấp nhận như thế nào, hay thái độ của chúng ta phải như thế nào trước khi chấp nhận một điều gì?
Đức Phật dạy rằng:
“Khi chính bạn hiểu rằng, biết rằng: điều này là phi đạo đức, điều này bị chê trách, điều này bị những bậc có trí tuệ khiển trách, và điều này khi đem ra thực hành sẽ đưa đến thoái hóa, hư hỏng, đưa đến lo âu, phiền muộn thì đừng chấp nhận nó, hãy từ chối nó.
Điều này có nghĩa là bạn phải tự mình tìm thấy, tự đặt câu hỏi: Phải chăng những điều này là không đạo đức, bị khiển trách bởi những bậc trí tuệ và những điều này nếu thực hành sẽ đưa đến những điều bất hạnh, lo âu, phiền muộn. Sau khi tìm hiểu như vậy và chính bạn đã thấy rõ chúng đem đến sự tàn lụi, lo âu phiền muộn thì hãy từ bỏ chúng. Khi chính bạn hiểu rõ những điều này là đạo đức, những điều này không bị khiển trách, những điều này được các bậc trí tuệ ca tụng tán dương, những điều này nếu đem ra thực hiện sẽ đem lại an lạc hạnh phúc thì bạn hãy chấp nhận sống với chúng và thực hành đúng đắn theo.
Như vậy, ở đây Đức Phật dạy rằng:
“Không phải chỉ chấp nhận chúng thôi. Khi bạn đã chấp nhận chúng rồi thì phải đem ra thực hành. Có nghĩa là bạn sống với chúng. Như vậy, những lời dạy của Đức Phật không phải chỉ chấp nhận thôi. Khi các bạn biết rằng: những điều dạy này là những lời dạy đạo đức, không bị trách cứ, được tán dương bởi những người trí tuệ và đem đến sự an lạc hạnh phúc thì hãy thực hành. Bạn phải thực hành chứ không phải chỉ chấp nhận thôi là đủ.
Như vậy, Đức Phật nhấn mạnh đến sự thể hiện hay sự thực hành. Một khi bạn biết những gì đem lại an lạc, đem lại hạnh phúc thì phải đem ra thực hành. Qua lời dạy cho những người Kalama này, và những lời dạy của Đức Phật trong những trường hợp khác, mà chúng ta không nhắc đến trong bài giảng này, cho phép chúng ta – những học trò của Ngài – tự do suy tư, tự do đặt câu hỏi, tự do tìm hiểu.
5. Hãy nương tựa vào chính mình và chính mình phải chịu trách nhiệm.
Đặc tính tiếp theo là nương tựa vào chính mình và chính mình chịu trách nhiệm. Chắc bạn còn nhớ những điều Đức Phật dạy về Luật Nghiệp Báo. Luật Nghiệp Báo nói rằng: Nghiệp bất thiện sẽ đem đến quả đau khổ, Nghiệp thiện sẽ đem đến quả an vui. Điều này có nghĩa là nếu bạn tạo Nghiệp tốt, bạn sẽ hưởng quả tốt; nếu bạn tạo Nghiệp xấu, bạn sẽ hưởng quả xấu. Như vậy, để có được kết quả tốt bạn phải dựa vào chính mình. Chính bạn, chỉ có bạn mới chịu trách nhiệm các hậu quả tốt xấu mà bạn đã làm. Bởi vậy, không nên phiền trách người khác về các hậu quả bất thiện mà bạn nhận được; bạn cũng không cần phải cám ơn người đã đem lại điều tốt đẹp cho bạn. Như vậy, trong Phật Giáo, nương tựa vào chính mình hay tự mình nhận chịu trách nhiệm là một yếu tố rất quan trọng.
Đức Phật muốn chúng ta nương tựa vào chính mình, và không nương tựa vào kẻ khác. Đây là điều đi ngược lại với ý muốn của tất cả chúng ta. Chúng ta không muốn tự mình nỗ lực, chúng ta muốn dựa vào kẻ khác. Chúng ta sẽ không muốn hành thiền nếu có người nào có thể hành thiền thay cho chúng ta. Chúng ta không muốn hành Thiền Minh Sát, nếu ta có thể đạt được kết quả của việc hành thiền từ người khác. Nhưng không ai có thể Giác Ngộ thay cho người khác. Giáo huấn của Ðức Phật ngược lại các điều này. Ðức Phật thường dạy rằng: giáo huấn của Ngài, những lời dạy dỗ của Ngài, đi ngược dòng nước, không chảy xuôi theo dòng. Bơi ngược dòng nên cần phải cố gắng nhiều. Bởi vậy, chúng ta phải tự mình nỗ lực. Chúng ta phải nương tựa vào chính mình, chúng ta là kẻ cứu chuộc cho chúng ta. Đó là ý nghĩa của các lời dạy của Đức Phật.
Không bao lâu trước khi Niết Bàn, Đức Phật khuyên dạy chúng đệ tử của Ngài các lời sau đây:
“Con phải là hải đảo của chính mình, sống nương tựa vào chính mình, không có nơi nương tựa nào khác”.
Hãy lấy mình làm hải đảo của chính mình.
Hãy lấy mình làm nơi nương tựa.
Đừng lấy người khác hay vật khác làm nơi nương tựa.
Rồi Đức Phật lại nói tiếp:
“Sống với Giáo Pháp, lấy Giáo pháp làm hải đảo của mình. Sống với Giáo pháp lấy Giáo Pháp làm nơi nương tựa, và không có nơi nương tựa nào khác”.
Đầu tiên Đức Phật dạy: “Hãy sống nương tựa vào chính mình, lấy mình làm hải đảo hay chỗ nương tựa của mình “. “Lấy mình làm hải đảo hay chỗ nương tựa của mình ” có nghĩa là hãy sống với Giáo Pháp, lấy giáo pháp làm hải đảo hay chỗ nương tựa của mình. “Lấy giáo pháp làm hải đảo hay chỗ nương tựa của mình ” có nghĩa là hãy thực hành giáo pháp. Khi chúng ta thực hành giáo pháp là chúng ta đã sống mà lấy mình làm nơi nương tựa của chính mình. Chúng ta nương tựa vào chính chúng ta và không nương tựa vào ai khác.
Như vậy, Đức Phật khẩn thiết kêu gọi học trò của Ngài hãy nương tựa vào chính mình và không nương tựa vào ai khác.
“Nương tựa vào chính mình, lấy mình làm hải đảo của chính mình, đừng nương tựa ai khác” Điều này dường như có vẻ trái ngược lại những điều mà Phật Tử chúng ta làm, đó là: nương tựa Phật, Pháp, Tăng hay Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng. Và chúng ta cũng thường nghe nói những người nào Quy Y Phật, Pháp, Tăng mới được gọi là Phật Tử. Nương tựa vào Tam Bảo và nương tựa vào chính mình là hai chuyện khác nhau. “Nương tựa vào Tam Bảo” có nghĩa là chấp nhận Phật, Pháp, Tăng là ba sự hướng dẫn tinh thần; xem Phật, Pháp, Tăng là thầy dạy của chúng ta. Nương theo Phật, Pháp, Tăng để tu hành chứ không phải nương theo Phật, Pháp, Tăng rồi không làm gì cả.
Ở đây, “lấy mình làm nơi nương tựa của mình” có nghĩa là bạn phải dựa vào chính mình, tự mình nỗ lực để đạt được kết quả tốt đẹp trong việc thực hành giáo pháp. Không ai có thể đem kết quả của việc thực hành của họ tặng cho bạn. Không ai có thể tu thay cho bạn. Bạn phải tự mình thực hành. Bạn phải tự mình nỗ lực để đạt kết quả. Như vậy, nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng và nương tựa vào chính mình là hai chuyện khác nhau.
Trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:
“Chính ta là kẻ cứu rỗi ta. Không ai khác có thể là kẻ cứu rỗi ta”.
Điều này có nghĩa là chính bạn, chỉ mình bạn mới có thể cứu rỗi bạn, không ai có thể cứu rỗi bạn được. Đây là điều rất quan trọng. Chúng ta muốn Đức Phật cứu vớt mình, nhưng Đức Phật đã nói rằng: chính các bạn là kẻ cứu chuộc của bạn. Điều này Đức Phật muốn nhấn mạnh là ta không phải là kẻ cứu chuộc các ngươi. Ta không thể cứu rỗi các ngươi, các ngươi phải tự cứu lấy mình. Có nghĩa là không một ai có thể cứu rỗi người khác, đừng hiểu rằng: có người nào đó có thể cứu rỗi được các bạn. Không ai có thể cứu rỗi được người khác. Ai nói rằng: mình có thể cứu rỗi được người khác thì người đó đã nói điều không thật.
Tại sao Đức Phật dạy rằng: “Con hãy cứu chính con. Không ai có thể cứu con. Bởi vì “cứu rỗi chính mình” có nghĩa là loại trừ phiền não. Muốn loại trừ phiền não thì chính bạn phải thực hành. Không ai có thể đi vào trong tâm bạn và lấy đi các phiền não đang nằm trong đó. Nếu chuyện này có thể làm được thì thật là may mắn, tốt đẹp cho chúng ta bởi vì chúng ta chẳng cần hành thiền gì cả. Chúng ta chỉ cần đến gặp vị thầy và để cho vị ấy lấy đi phiền não ra khỏi tâm chúng ta. Điều này không thể nào có được; bởi vậy, Đức Phật mới nói rằng: Ta không thể cứu các ngươi, các ngươi phải tự cứu mình. Bởi vì chính chúng ta mới có thể cứu chúng ta thôi. Chỉ có chúng ta mới có thể loại trừ phiền não trong tâm mình. Không ai có thể đi vào trong tâm chúng ta để loại trừ tham, sân, si cho chúng ta. Không ai có thể loại trừ phiền não trong tâm chúng ta được.
Có nhiều người chỉ trích Phật Giáo, và nói rằng: “Tại sao Đức Phật không thể cứu chúng ta nếu Ngài có tâm bi mẫn với tất cả chúng sinh?”
Đức Phật là người có tâm đại bi. Điều này có nghĩa là Đức Phật có tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sinh không trừ một ai. Đức Phật không thể cứu chúng sinh, đơn giản bởi vì không thể nào cứu chúng sinh khác được, không ai có thể cứu vớt chúng sinh khác được, mọi người đều có nghiệp riêng của mình; Đức Phật chỉ hướng dẫn phương pháp và để chúng sinh tự cứu. Nếu Đức Phật có thể cứu chúng sinh thì Đức Phật đã cứu hết rồi. Mục đích của người muốn thành Phật là để cứu chúng sinh, nhưng cứu chúng sinh ở đây có nghĩa là giúp chúng sinh tự cứu.
Đức Phật dạy: “Người nào kiểm soát được chính mình thì người đó có được sự cứu chuộc khó tìm”. Câu này có nghĩa là muốn có được kẻ cứu chuộc khó tìm thì bạn phải kiểm soát chính mình. Bạn phải kiểm soát các căn của mình. Khi các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm) được kiểm soát thì bạn sẽ tìm được kẻ cứu chuộc khó tìm. Nghĩa là bạn trở thành kẻ cứu chuộc chính mình.
Trong một câu kệ khác Đức Phật dạy: “Chính ta làm điều sai lầm, chính ta làm cho ta ô nhiễm, chính ta loại trừ điều sai lầm và chính ta làm cho ta thanh tịnh”. Như vậy, điều sai lầm hay bất thiện được làm bởi chính ta, và chính ta làm cho ta ô nhiễm. Khi làm điều bất thiện ta đã làm ô nhiễm chính ta. Và chính ta loại trừ điều bất thiện. Khi ngăn giữ không làm điều bất thiện thì chúng ta làm cho chúng ta trong sạch. Khi làm điều thiện là chúng ta đã trong sạch chính mình. Như vậy, trong sạch hay ô nhiễm tùy thuộc vào chính chúng ta. Chúng ta có thể làm cho chúng ta ô nhiễm, chúng ta có thể làm cho chúng ta trong sạch. Chúng ta không thể làm cho người khác ô nhiễm hay trong sạch được. Bởi thế, Đức Phật dạy: “Trong sạch hay ô nhiễm tùy thuộc vào chính ta. Không ai có thể làm cho người khác trong sạch được”. Chúng ta phải ghi nhớ điều này: “Trong sạch hay ô nhiễm tùy thuộc vào chính ta”. Như vậy, chúng ta có thể làm cho chúng ta trong sạch hay ô nhiễm, không ai có thể làm cho người khác trong sạch, không ai có thể làm cho người khác thoát khỏi mọi phiền não.
6. Không chấp nhận giai cấp.
Đạo Phật không chấp nhận giai cấp. Đức Phật sinh ra trong một xã hội mà con người được chia ra làm bốn giai cấp. Đấy là sự phân chia rất khắc nghiệt và ép buộc người giai cấp này không được liên hệ hay cưới hỏi giai cấp khác. Hệ thống giai cấp tạo nên nhiều đau khổ cho mọi người. Đức Phật không chấp nhận hệ thống giai cấp, nhưng chúng ta cũng không thể nói Đức Phật đã loại trừ giai cấp trong xã hội Ấn Độ bởi vì Ngài không thể làm được. Ngài muốn loại bỏ giai cấp, nhưng Ngài không làm được. Chúng ta không thể nói rằng: Đức Phật đã loại bỏ giai cấp ở Ấn Độ, nhưng Ngài loại bỏ hệ thống giai cấp trong những người học trò của Ngài. Bất kỳ một ai khi đã gia nhập tăng đoàn thì phải để giai cấp lại đằng sau và khởi đầu một đời sống mới, vượt lên trên hệ thống giai cấp. Có nghĩa là sau khi trở thành một nhà sư thì họ chỉ là một nhà sư, và họ đã mất giai cấp của mình. Họ không còn giai cấp chiến sĩ, Bà la môn, thương gia hay cùng đinh. Khi đã xuất gia, nhà sư chỉ là nhà sư thôi. Bởi vậy, trong số các học trò của Đức Phật, đặc biệt là những nhà sư, Đức Phật có thể loại bỏ sự phân biệt giai cấp. Người nào đã gia nhập tăng đoàn thì trở thành bình đẳng với những vị sư khác.
Có một câu chuyện về các hoàng tử dòng dõi Thích Ca và người thợ hớt tóc của họ. Các vị hoàng tử và người thợ hớt tóc của mình đều muốn trở thành nhà sư; họ bèn đến gặp Đức Phật, nhưng những vị hoàng tử xin Đức Phật hãy cho người thợ hớt tóc xuất gia trước, và những vị hoàng tử xuất gia sau. Bởi vì trong giáo pháp của Đức Phật, người nào xuất gia trước trở thành đàn anh, người xuất gia sau trở thành đàn em, không phân biệt tuổi lớn hay nhỏ. Bởi vậy, những vị hoàng tử Thích Ca bạch với Đức Phật (Đức Phật cũng thuộc về dòng dõi Thich Ca): “Bạch Ngài, những người thuộc dòng dõi Thích Ca của chúng ta rất cao ngạo. Để loại trừ sự cao ngạo nên chúng con xin Ngài cho người thợ cạo xuất gia trước và để chúng con kính trọng người thợ cạo. Đức Phật đã cho người thợ cạo xuất gia trước, rồi mới cho các hoàng tử dòng Thích Ca xuất gia sau. Các bạn có biết người thợ hớt tóc đó là ai không?
Người thợ cạo đó sau này là Đại Đức Upāli, vị Sư được Đức Phật tuyên dương là “Người Giữ Giới Luật Đệ Nhất”.
Trong kỳ kết tập Tam Tạng lần thứ nhất, chính Ngài Upāli đã tụng đọc thuộc lòng tạng Luật và Ngài Ānanda đã tụng đọc thuộc lòng tạng Kinh. Như vậy, Ngài Upāli đã trở thành một vị đại đức, một nhà sư ưu tú trong số những học trò của Đức Phật. Trước đây Ngài Upāli là một thợ cạo. Thợ cạo được thời này xếp vào giai cấp cùng đinh.
Một trong những điều đặc biệt đáng ca ngợi mà những tôn giáo thời bấy giờ không có được là trong Phật Giáo không có giai cấp. Trong giáo pháp của Đức Phật những người đã trở thành những nhà Sư thì họ trở thành ngang nhau. Những nhà Sư mất hẳn tên và dòng dõi cùng giai cấp của mình. Bây giờ họ chỉ là những nhà Sư hay những ẩn sĩ trong giáo pháp của Đức Phật.
Giáo pháp của Đức Phật được so sánh như một đại dương. Có nhiều dòng sông chảy vào đại dương. Trước khi chảy vào đại dương những dòng sông này có tên riêng, như sông Hằng, sông Cửu Long, sông Hoàng Hà v.v… nhưng một khi những dòng sông này chảy ra đại dương thì chúng sẽ mất hẳn tên riêng của chúng; bây giờ chúng chỉ còn là một thành phần của nước, chúng chỉ là đại dương mà thôi. Cũng vậy, trước khi gia nhập Tăng đoàn thì những nhà Sư có thể là những chiến sĩ, những vị bà la môn, những thương gia, những người cùng đinh; nhưng một khi họ đã gia nhập Tăng đoàn thì họ mất hẳn tên riêng và dòng dõi, nghĩa là họ mất hẳn giai cấp. Bây giờ họ chỉ đơn giản là những nhà Sư, những ẩn sĩ hay là những người con, những học trò của Đức Phật. Đó là đặc tính kỳ diệu thứ tư trong giáo pháp và trong giới luật của Đức Phật. Có tám sự kỳ diệu trong giáo pháp và trong giới luật của Đức Phật, và đây là sự kỳ diệu thứ tư.
Theo lời Phật dạy, một người trở nên thấp hèn hay cao thượng không phải do từ sự sinh trưởng mà do Nghiệp (hay hành vi tạo tác) của họ. Nếu chúng ta tạo Nghiệp tốt thì chúng ta trở thành người cao thượng, nếu chúng ta tạo Nghiệp xấu thì chúng ta trở thành người thấp hèn, dầu cho chúng ta sinh ra ở dòng dõi nào thì điều đó cũng không quan trọng. Như vậy, sinh ra trong dòng dõi cao hay thấp không quyết định được tư cách của một người, tư cách của một người được xác định qua hành vi của người đó. Do đó, Đức Phật dạy hành vi là Nghiệp. Hành vi hay Nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định sự thấp hèn hay cao thượng của một người.
7. Sự bình đẳng giữa nữ giới và nam giới trong sự Giác Ngộ.
Một đặc tính khác trong Phật Giáo là phụ nữ không bị đánh giá thấp hơn nam giới, không bị loại ra khỏi khả năng Giác Ngộ. Phụ nữ không bị coi thường, vẫn được xem là có khả năng Giác Ngộ như nam giới. Trong giáo pháp của Đức Phật, phụ nữ được quyền Giác Ngộ như nam giới. Nam hay nữ không phải là yếu tố quan trọng quyết định sự Giác Ngộ hay không. Dù là nam hay nữ, nếu bạn tuân theo những lời chỉ dạy của Đức Phật và tinh tấn thực hành thì bạn sẽ Giác Ngộ. Phụ nữ có đủ khả năng để Giác Ngộ như nam giới. Có những phụ nữ trong nhiều khả năng đặc biệt đã đạt được địa vị cao trọng, thánh thiện nhất. Vào thời Đức Phật còn tại thế, về phía nam giới, Ngài Sariputta có trí tuệ bậc nhất, và Ngài Moggallana có thần thông bậc nhất. Cũng vậy, về phía nữ giới có hai Tỳ Khưu Ni Khema và Uppalavaṇṇa cũng có khả năng và địa vị tương đương. Tỳ Khưu Ni Khema có trí tuệ bậc nhất và Tỳ Khưu Ni Uppalavaṇṇa có thần thông bậc nhất. Như vậy nữ giới cũng có địa vị cao trọng trong giáo pháp của Đức Phật.
Trước khi Đức Phật ra đời, và ngay thời kỳ Đức Phật còn sống, phụ nữ Ấn Độ có địa vị rất thấp kém. Trong giáo pháp của Đức Phật, nữ giới được ngang bằng với nam giới. Nữ giới được mọi người tôn trọng. Phật Tử đến gặp các vị Tỳ Khưu Ni để học hỏi và nghe lời dạy bảo của các Ngài. Phụ nữ có đầy đủ cơ hội giống như nam giới để thực hành giáo pháp của Đức Phật và Giác Ngộ Đạo Quả A La Hán.
Khi bà Gotami, dưỡng mẫu của Đức Phật, xin Ngài cho bà và những phụ nữ khác gia nhập Tăng đoàn, Đức Phật đã từ chối ba lần. Khi ngài Ānanda gặp bà Mahā Pajāpati và hiểu rõ sự từ chối của Đức Phật, Ānanda bèn xin Đức Phật cho bà Mahā Pajāpati và các phụ nữ theo bà xuất gia, Đức Phật lại từ chối. Ānanda bèn thưa với Đức Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, những phụ nữ nếu xuất gia tu hành dưới giáo pháp của Ngài có thể đạt được đạo quả không?” Câu này có nghĩa là phụ nữ nếu xuất gia trở thành một vị tu sĩ thì họ có thể đạt được đạo quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán chăng. Đức Phật đã trả lời bằng một câu xác định: “Phụ nữ có khả năng trở thành một vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán”. Nghe thế Ānanda bèn bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, phụ nữ có thể tu hành trở thành Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán vậy thì tại sao Ngài không cho nhũ mẫu Gotami xuất gia tu hành. Nhũ mẫu đã có ơn sâu với Ngài, chính nhũ mẫu đã cho Ngài bú mớm trong khi để con mình cho những người vú khác nuôi”. Cuối cùng Đức Phật chấp nhận cho phụ nữ gia nhập Tăng đoàn.
Nếu bạn đọc giới luật của cả Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni thì bạn có thể nói có vài sự khác biệt trong hai bộ luật này. Tôi nghĩ rằng: chúng ra phải chấp nhận có những sự khác biệt, nhưng tôi không nghĩ điều đó chống đối lại phụ nữ, chỉ là có sự khác biệt giữa Tỳ Khưu với Tỳ Khưu Ni thôi. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy bởi vì đây là những điều cần thiết để ngăn ngừa cũng như tạo sự an toàn và trong sạch cho Tăng Đoàn và Ni Đoàn. Đồng thời sự khác biệt này cũng giúp cho giáo pháp được phát triển thuận lợi. Bởi vậy, trong giới luật của Tỳ Khưu Ni có cấm chế phụ nữ làm một số hành vi mà nam giới không bị cấm. Trong các trường hợp đó, chúng ta có thể nói có vài sự khác biệt hay có thể gọi là sự kỳ thị, nhưng về lãnh vực thực hành để đạt được sự Giác Ngộ thì không có sự phân biệt nào. Nam và nữ đều có đủ khả năng để Giác Ngộ như nhau. Có những phụ nữ có thể đạt được những kết quả tốt đẹp hơn nam giới, và cũng có những người nam có khả năng hay đạt được kết quả tốt hơn nữ. Như vậy, về phương diện thực hành và về phương diện Giác Ngộ không có sự phân biệt hay kỳ thị nào.
Các bạn đã từng nghe câu chuyện về bà Matikamātā. Bà hành thiền theo lời hướng dẫn của ba mươi vị Tỳ Khưu và đã đạt được Giác Ngộ trước ba mươi vị đó. Bà đã đắc tầng thánh thứ ba chứ không phải chỉ là tầng thánh thứ nhất hay thứ nhì; trong khi đó, những vị Sư hướng dẫn cho bà chưa đạt được thành quả nào. Bởi thế, không thể nói rằng bởi vì bạn là người nữ nên bạn không thể đạt được sự Giác Ngộ nào và chỉ có người nam mới Giác Ngộ được. Như vậy, không có sự phân biệt nam nữ về vấn đề Giác Ngộ Đạo Quả trong Phật Giáo.
8. Khoan dung tha thứ.
Một trong những đặc điểm nổi bật trong Phật Giáo là khoan dung tha thứ. Không chỉ khoan dung tha thứ đối với con người mà ngay cả đối với con vật. Lòng khoan dung tha thứ trong Phật Giáo cao thượng hơn tất cả tôn giáo khác. Một lần nọ Đức Phật dạy chư Tăng: “Này các thầy Tỳ Khưu, dù cho có người nào dùng cưa hai lưỡi cưa đứt tay chân con thì con cũng không được để cho tâm bị ô nhiễm mà tức giận người đó. Người nào còn giận dữ khi bị ai cưa tay chân mình thì người đó chưa thực hành đúng theo lời dạy của Như Lai”. Như vậy, dù cho kẻ thù cưa tay chân bạn bằng cái cưa hai lưỡi bạn cũng không nên nóng giận, nếu bạn còn giận dữ thì bạn cũng chưa thực hành đúng theo lời dạy của Đức Phật. Tôi nghĩ đây là điều thực sự khó thực hành. Bởi vậy, trong Phật Giáo sự khoan dung tha thứ, không giận dữ, sân hận có tầm quan trọng đặc biệt. Lòng khoan dung tha thứ này còn được phát triển đến cả các loài thú. Bởi vậy, giới đầu tiên của người Phật Tử phải giữ là không sát hại sinh mạng của chúng sinh dù đó là người, súc vật hay những côn trùng bé nhỏ. Như vậy, lòng khoan dung tha thứ hay tình thương của những người Phật Tử không phải chỉ giới hạn trong sự thương yêu con người mà thương yêu tất cả chúng sinh.
Tôi hy vọng các bạn đã biết câu chuyện của hoàng đế Asoka, một vị vua Ấn Độ. Trước khi trở thành một Phật Tử, vua Asoka là một vị hoàng đế hiếu chiến. Ông đã chinh phạt nhiều quốc gia. Một trong những trận đánh lớn là trận Kalinga, một trận chiến khủng khiếp với hàng trăm ngàn người bị giết. Về sau nhà vua trở thành một Phật Tử. Sau khi trở thành người con Phật, thay vì dùng gươm đao để chinh phục, nhà vua dùng Giáo Pháp của Đức Phật để chinh phục các xứ khác. Ông đã để lại nhiều lời dạy về tình thương, khoan dung tha thứ, những lời dạy này đã được khắc trên nhiều trụ đá. Hiện nay vẫn còn tìm thấy nhiều trụ đá ghi khắc những lời dạy về tình thương của vua Asoka rải rác nhiều nơi ở xứ Ấn Độ. Rất nhiều các lời dạy của ông đã được các nhà khảo cổ tìm thấy. Những câu này được ghi bằng một loại văn tự cổ Ấn Độ. Trong một trụ đá đã ghi lại các lời sau: “Ta tôn trọng mạng sống của những chúng sinh có hai chân, bốn chân, chim chóc, và những sinh vật dưới nước”. Như vậy, những lời dạy của Đức Phật đã chuyển một hoàng đế hiếu sát thành một vị vua nhân từ, không chỉ nhân từ đối với con người mà còn đối với tất cả các sinh vật trên cạn dưới nước.
9. Không có Thánh Chiến.
Một đặc tính đặc biệt là không có thánh chiến trong lịch sử Phật Giáo. Chưa bao giờ có việc nhân danh Phật Giáo để tạo ra những cuộc tàn sát nhau. Trong lịch sử thế giới cũng như trong lịch sử các quốc gia, chưa bao giờ có các cuộc chiến tranh gây ra bởi những người Phật Tử nhân danh Phật Giáo để giết hại tín đồ của các tôn giáo khác. Đạo Phật luôn luôn dạy chúng ta có tình thương, khoan dung tha thứ. Trong lịch sử, những Phật Tử bị sát hại bởi những người nhân danh tôn giáo khác như Hindu và Hồi giáo, chưa bao giờ có những cuộc chiến tranh của những người nhân danh Phật Giáo đi tiêu diệt các tôn giáo khác. Trên một trụ đá vua Asoka đã ghi lại: “Người nào nhân danh tôn giáo mình để tiêu diệt hay bức hại những người theo tôn giáo khác là đã tự đào hố chôn tôn giáo mình”. Một điểm rất quan trọng là không có thánh chiến, không có sự giết hại nhân danh Phật Giáo trong lịch sử Phật Giáo.
Có rất nhiều yếu tố quan trọng, tốt đẹp khác trong Phật Giáo, nhưng tôi nghĩ chúng ta tìm hiểu những yếu tố trên cũng tạm đủ. Tôi nghĩ chúng ta rất may mắn làm một người Phật Tử thực hành theo lời dạy của Đức Phật. Và là một Phật Tử nên chúng ta được tự do tìm hiểu, được tự do đặt câu hỏi, được tự do giải nghi cho bản thân, được tự do truy tầm tìm kiếm. Là người Phật Tử, chúng ta là chủ nhân ông của chính mình, chúng ta là những kiến trúc sư xây dựng tương lai cho chính chúng ta. Chúng ta là những người nương tựa vào chính mình để mang lại an vui hạnh phúc cho bản thân và cho người khác. Những người Phật Tử thực hành theo lời dạy của Đức Phật sẽ là những người có trách nhiệm, là những công dân tốt, cống hiến an bình và hạnh phúc cho xã hội. Những người Phật Tử cố gắng tùy theo năng lực của mình thực hành những việc thiện lành, tránh xa Nghiệp ác và loại trừ phiền não trong tâm.
—————————–
Bài viết được trích từ cuốn Phật Pháp Căn Bản II, tác giả Tỳ Khưu U Silananda
Link cuốn Phật Pháp Căn Bản II
Link tải sách ebook Phật Pháp Căn Bản II
Link video cuốn Phật Pháp Căn Bản II
Link audio cuốn Phật Pháp Căn Bản II
Link thư mục tác giả Tỳ Khưu U Silananda
Link thư mục ebook tác giả Tỳ Khưu U Silananda
Link giới thiệu tác giả Tỳ Khưu U Silananda
Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda