CẢI CÁCH GIỚI LUẬT
Nếu công nhận giới luật quả là trụ cốt của Đạo Pháp thì người cư sĩ Phật tử, dù sống trong quốc gia không có Phật giáo, cũng thấy khó long nhận định rằng ý niệm thay đổi (đôi khi gọi là cải tiến) giới luật để – theo ngươi ta nói – được “thích ứng với điều kiện sinh sống tân thời” sẽ được chúng Tăng, kể như một đoàn thể, một giáo hội, hoan hỉ chấp nhận. Có rất nhiều trở ngại cho việc đổi thay giới luật. Trái lại không có lợi ích. Trong phần sau đây người viết muốn khảo sát những trở ngại ấy và trình bày các điểm bất lợi và các điều nguy hại.
Trước tiên, khi đọc suốt tạng Luật ta thấy rằng có nhiều điểm đặc biệt áp dụng cho những quốc gia Đông phương. Cũng có vài điều được giới hạn trong điều kiện sinh hoạt thời xưa ở Ấn Độ. Tuy nhiên, các điều ấy không liên hệ đến những quy tắc chính yếu trong nếp sống tỳ khưu. Do đó, áp dụng trọn vẹn tạng Luật vào nếp sống hiện tại của chúng Tăng không bị khó khăn, và những điều không còn hợp thời hay quá cũ ấy không gây trở ngại nào cho thầy tỳ khưu có tâm trong sạch, muốn gìn giữ trang nghiêm và đầy đủ các giới luật quy định trong tạng Luật. Vả lại, có rất ít giới như thế và những giới này rõ ràng là không quan trọng.
Tất cả những quy tắc chính yếu trong giới luật của hàng xuất gia vẫn còn có giá trị, trong hiện tại cũng như vào thời Đức Thế Tôn ban hành, ngoài hai mươi lăm thế kỉ qua. Đây quả thật là một minh chứng kì diệu về trí tuệ cao siêu xuất chúng của Đức Thế Tôn, người đã khéo đặt ra những giới luật tu tập ấy. Các giới luật này cũng không quá đổi khắc khe hay tuyệt đối cứng rắn và do đó, có thể dễ dàng áp dụng vào đời sống hiện tại mà không phải vượt ra khỏi tinh thần tạng Luật. Phương tiện di chuyển của thầy tỳ khưu hiện tại có thể là một thí dụ. Nếu tạng Luật là một quy điều tuyệt đối cứng rắn, không thể di dịch, thì thầy tỳ khưu khó lòng mà di chuyển rộng rãi như ngày nay.
Điểm thứ nhì, có những lời dạy của chính Đức Phật như sau:
“Ngày nào mà chư tỳ khưu không tạo ra những giới luật mới mẻ chưa từng được ban hành và nghiêm trì những giới đã được ban hành thì cho đến ngày ấy, chúng tỳ khưu không thể suy đồi, trái lại còn phồn thịnh hơn”.
(Bảy điều kiện thạnh suy của chúng Tăng –
Tăng Nhứt A Hàm – Anguttara Nikaya 7, 21)
Những lời dạy trên của Đức Đạo Sư luôn luôn nằm đầu lưỡi các vị cao Tăng trong những buổi họp để lấy một quyết định có liên quan đến giới luật và đời sống tân tiến. Hoặc nữa, có lời kêu gọi, tuy không nằm trong kinh điển Pāli. Nhưng được xem là của Đức Thế Tôn:
“Này các tỳ khưu, sau khi Như Lai nhập diệt, các con hãy tôn sùng và kính trọng những quy tắc trong giới bổn (pātimokkha). Hãy xem đó như ánh sáng mà các con đã tìm ra trong đêm tối, như kho tàng quý báu mà người bần cùng nghèo đói nhận được. Các con phải biết rằng các quy tắc ấy là sự hướng dẫn chính yếu phải được bảo tồn trong sạch, không có sự khác biệt (khi các con giữ giới trang nghiêm) với thời Như Lai còn hiện tiền” (Lời mở đầu của bài kinh “Giáo huấn của Đức Phật truyền lại”)
Tiếp theo con phải chú trọng đến những diễn biến của cuộc tập kết tập Tam Tạng đầu tiên. Trong buổi họp vĩ đại gồm chư A La Hán này, Ngài Maha Kassapa chủ tọa, đặt quy nghị:
“Nếu chúng Tăng thấy là đúng, chúng Tăng sẽ không ban hành những gì chưa được ban hành cũng không bác bỏ những gì đã ban hành. Điều này phải diễn tiến hợp với, và đúng theo giới luật tu tập đã được ban hành. Đây là quyết nghị. Kính bạch chư Đại Đức, xin quý Ngài hãy nghe đây, nếu chư Tăng thấy là đúng, chư Tăng sẽ không… (Ngài lặp lại ba lần). Như vậy chư Tăng đã hoan hỉ với điều này, do đó các Ngài đều im lặng. Tôi đã hiểu như vậy.
Tất cả những ai đã được chấp nhận làm tỳ khưu (Nguyên Thủy) trong hiện tại đều theo đúng truyền thống đặt để do cuộc kết tập Tam Tạng đầu tiên này. Đó là truyền thống Nguyên Thủy, đặt nền tảng trên quyết định của những bậc cao tăng, đã trở nên cao quý trong sự cao quý vĩ đại rạng rỡ nhất. Vậy, thật sự chúng ta là ai, là gì, nếu ta bước ra ngoài con đường của các Ngài đã vạch?
Mặc dù trước khi nhập diệt Đức Thế Tôn có dạy:
“Này Ānanda, hãy để chúng Tăng, nếu chúng Tăng muốn như vậy, sửa đổi một vài giới tu tập nhỏ và phụ thuộc”, không có vị nào trong chúng Tăng thực sự dám mạo hiểm làm điều ấy. Một phần vì không biết phải định nghĩa thế nào là giới nhỏ, giới phụ thuộc, phần khác vì lòng tôn kính, muốn giữ nguyên vẹn những gì mà vị Tôn Sư đã ban hành. Ngài Ācariya Nāgasena giải thích rằng Đức Thế Tôn nói như sau để trắc nghiệm chư Tăng: “khi ta ra đi, các đệ tử của ta ở lại có còn giữ gìn giới tu tập nhỏ và phụ thuộc nữa không hay sẽ lãng quên và bỏ dần?” (Milinda Panhā text PTS 143). Cũng có thể nghĩ rằng những người khác đạo có thể nói: “lúc vị Tôn Sư (Gotama) còn tại tiền, các đệ tử còn tôn sùng và kính trọng giới luật, bây giờ Ngài đã nhập diệt, các đệ tử cũng bỏ luôn giới luật.” Nhưng lí do chính vẫn là tâm nhiệt thành phát sanh vì có những người thực hành giáo pháp và giới luật đã thành công rực rỡ. Chẳng hạn như có người tuyên bố muốn “cải tiến” giới luật. Trong khi làm hay muốn làm như vậy người ấy tự mình tách dần ra xa hẳn truyền thống ấy. Do đó, trong thực tế, người này đã bắt đầu một giáo phái mới và như thế, ai có chiều hướng chia rẽ, đảng phái? Và nếu người ấy là một thầy tỳ khưu thì vị này chỉ chuốc vào mình tội vi phạm giới luật và nếu không sám hối, ắt không thể tiến bộ nhanh chóng trên đường thực hành giáo pháp.
Lại nữa, ai sẽ sửa đổi giới luật? Vì giới luật là địa hạt của chúng Tăng, người cư sĩ dĩ nhiên không thể canh cãi được. Một thầy tỳ khưu cũng không thể sửa đổi được vì quyết định về giới luật phải do sự tham khảo của chư Tăng. Một “Tăng già” gồm các vị sư trẻ tuổi cũng không đủ tư cách để sửa đổi giới luật vì quyết định của các Ngài rất dễ bị thành kiến làm xoay chiều và có thể chỉ là quyết định căn cứ trên sự thiếu kém, về pháp học cũng như về tâm trong sạch. Một “Tăng già” gồm các vị sự cao hạ, có đủ kinh nghiệm và tư cách để quyết định về giới luật, ắt khó lòng dám làm điều ấy vì các Ngài đã lâu năm thấm nhuần ý nghĩa sâu xa và niềm tôn kính giới luật. Lại nữa, bất luận quyết định nào được đưa ra do một cuộc tập hợp ít hơn là tất cả các tỳ khưu trên thế gian(!) sẽ có ánh cách bè phái và là nguyên do của sự chia rẽ Tăng già (một trong năm trọng tội, do đó rất quan trọng). Nếu vạn nhứt, một cuộc họp vị đại như thế ấy thành tựu đi nữa, chẳng những lòng tôn kính các truyền thống của chư vị A la hán sẽ thắng dễ dàng mà những những tiếng nói dị đồng cũng sẽ được xem như của những người không quân binh. Thật sự, không thể tìm ra ai có đủ tư cách và khả năng đảm nhiệm công việc “sửa đổi giới luật”. (Tuy nhiên, đã có, như đề cập ở phần trên, những dự đoán về các quyết đinh có liên quan đến giới luật trong một cuộc kết tập của những vị cao Tăng thông suốt giới luật và chú giải như ở Thái Lan).
Còn một điểm khác nữa cần phải quan tâm đến. Nếu có sự đồng ý của giới hữu quyền với đầy đủ tư cách và Giáo hội Tăng già đồng thanh chấp thuận để sửa đổi đi nữa, sự tranh cãi ấy sẽ đi xa đến độ nào và chừng nào sẽ ngưng? Vấn đề này, giữa những điều khác cần phải chú trọng, luôn luôn làm cho các vị cao tăng Nguyên Thủy nản chí, lo sợ, không dám đá động đến việc sửa đổi giới luật. Đại đức Chao Khun Sāsana Sobhana ở Thái Lan gần đây có viết:
“Lý lẽ của người Phật tử Nguyên Thủy để chống lại việc thay đổi giới luật là, mặc dù lúc về già, trước ngày nhập Niết Bàn, Đức Phật quả có cho phép các Ngài đệ tử bãi bỏ vài giới phụ thuộc, hội nghị kết tập Tam Tạng lần đầu tiên không thể đi đến sự đồng ý về định nghĩa của danh từ “giới phụ thuộc”. Và cho đến ngày nay, giới bổn (pātimokkha, giới căn bản) vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn để giữ gìn nề nếp, phẩm hạnh và đường hướng đào tạo Tăng lữ (những người có chú nguyện giữ gìn giới luật trang nghiêm) như thời Đức Phật còn hiện tiền”.
Trong bản ấn hành có duyệt lại của quyển “The patimokkha” tại Vọng Các, Đại đức Panñavaddho viết:
“Có vài người chủ trương rằng trong thế hệ hiện đại và trong thời kì tân tiến này, một ít hoặc nhiều giới đã trở thành lỗi thời, không còn áp dụng được nữa, hoặc không thể chấp nhận được trong hoàn cảnh đã đổi thay nhiều của thời đại văn minh tân tiến này. Tuy nhiên, cũng nên ghi nhận rằng giới luật, lấy giới luật (patimokkha) làm nền tảng, đã được bảo tồn vững chắc và bền bỉ từ thời Đức Phật đến nay”.
Cuối cùng, có một điểm nữa cần phải lưu ý, căn cứ trên bản chất của pháp tu tập và mức đến cùng tột của nó mà người thực hành phải xem đó là mục tiêu cứu cánh. Từ thời Đức Phật dẫn xuống chí đến nay, vị tỳ khưu nào đã áp dụng thận trọng và đầy đủ các quy tắc của giới luật đều được hỗ trợ rất nhiều để thông suốt và thực hành Giáo Pháp:
“Giới Luật (Vinaya) đưa đến thu thúc, nhớ có thu thúc không ăn năn hối tiếc, không ăn năn hối tiếc dẫn đến tâm phỉ, phỉ đến lạc, lạc đến an tịnh, an tịnh đến hạnh phúc, hạnh phúc đến định, tâm định dẫn đến tri và kiến chân tướng sự vật, tri kiến chân tướng sự vật dẫn đến nhàm chán, nhàm chán đến dứt bỏ, không ham muốn, không ham muốn đến tự do, tự do đến tri và kiến tự do, và tri kiến tự do dẫn đến Niết Bàn, không còn bám víu, luyến ái đời sống”. (Vinaya, Parivāra, 169)
Trong khi mà giới luật đã được công thức hóa để hướng dẫn thầy tỳ khưu đến mục tiêu cùng tột là Niết Bàn thì ai còn nuôi dưỡng mộng tưởng sửa đổi giới luật? Chính chúng ta cần phải tự sửa mình, phải tự thay đổi tư cách, cố gắng thực hành giáo pháp để vươn mình lên cho ngang hàng, xứng đáng với mức độ của giới luật chớ không phải chờ đợi người ta thay đổi giới luật, đem giới luật xuống ngang hàng với chúng ta. Về điểm này có câu chuyện ngụ ngôn vắn tắt như sau:
“Vào một thời xửa thời xưa, có gốc cây cổ thụ to lớn sum sê, và trải qua hằng trăm năm, nhiều trăm năm, tán lá vẫn xanh tươi và vững chắc. Bao nhiêu người, cả nam lẫn nữ, từ những phương trời xa lạ, bồng con bế cái đến để thưởng ngoạn hình dáng oai nghi và toàn hảo của cây cổ thụ đẹp đẽ này. Dưới tán bóng to lớn lạ thường của cội cây, rất đông người xúm xít thưởng thọ trạng thái thoải mái mát mẻ. Chí đến loài thú cũng tìm đến nơi này để chia sớt hạnh phúc, tùy khả năng từng loại. Con thì nó đùa trên bãi cỏ, con khác trèo leo lên cây, chuyển từ nhánh này sang cành khác, giữa đám đọt lá xanh tươi và hoa trái thơm ngon. Hoa thơm như thế ấy, không ai tìm được ở một nơi nào khác. Những trái cây ngon ngọt và dồi dào, phong phú như thế – ai ai cũng nhận là quí nhất, cao thượng nhất, đứng vào hàng đầu, thượng hảo hạng trong các loại trái cây. Ngày tháng liên tục trôi, cây cổ thụ vẫn sum sê cùng tuế nguyệt, vẫn tốt tươi xinh đẹp. Khi một nhánh khô cỗi rơi xuống thì nhánh non xanh khác mọc lên. Bao nhiêu chúng sanh, hữu hình cũng như vô hình, đã được hưởng nhờ sức khỏe và tuổi thọ của chính cái cây. Nhưng rồi, với tính cách vô thường cố hữu, dính liền với sự vật, quan niệm về cái đẹp cũng đổi thay. Hình dáng oai nghi thiên nhiên của cây cổ thụ không còn được ngưỡng mộ như thời nào. Bây giờ người ta thích hơn những cội cây đã được bàn tay của con người uốn nắn, sửa chữa, cắt xén. Một vài xáo trộn xảy ra khi có một vài người chủ trương tỉa nhánh cây cổ thụ để cho hợp với thị hiếu của thời hiện đại. Sau đó, do ý kiến thấp kém của một nhóm người nông cạn, bao nhiêu thọ rừng trèo lên cây, chặt nhánh nhỏ, cưa nhánh lớn. Những cánh đầy bông trái dần dần bị tách khỏi thân cây. “Đừng lo, không sao đâu” người ta nói, “nó sẽ đẹp đẽ hơn, khi công trình cải tỉa được hoàn tất”. Không bao lâu, toàn thân cây cổ thụ sum sê chỉ còn trơ trọi vài nhánh, và hầu hết mọi người lấy làm thỏa mãn. Chỉ có một người kém hiểu biết còn luyến tiếc vì bây giờ cành lá thưa lưa, đó đây vài chùm hoa quả mà thôi. Đó là một nhóm người dốt nát, kém văn hóa thỉnh thoảng than với nhau, luyến tiếc tán bóng mát mẻ thời nào. Những người ấy quả thật nông cạn!
Khỏi cần phải nói rằng gốc cây cổ kính ấy không còn cho hoa quả dồi dào như trước và bị động nhiều quả, chết dần, để lại một bối cảnh vĩ đại mà đoàn học giả hậu tấn sẽ tranh nhau tạo nên những luận án, những đề tài tranh luận, những giả thuyết thật nhiều”.
Đó là hình ảnh mà phần lớn các vị tỳ khưu nghĩ đến khi nói về, không phải “sửa đổi” mà “thử hướng” giới luật về một chiều hướng mới. Tuy nhiên, sau khi quan sát thấu đáo các đề nghị này người ta thấy rõ rằng nó bắt nguồn từ những căn nguyên bất thiện. Như sau đây là một thí dụ giản dị. Vị tỳ khưu nghe bụng đói cào khó chịu vào một buổi chiều (mặc dù được phép dùng chất nước!). Thầy nghĩ rằng nếu phải khắc khe giữ gìn giới luật thì quả thật là đời sống khổ hạnh(!) và thầy tuyên bố nên gia giảm đôi chút. Khí hậu ở đây quá lạnh. Thời đại tân tiến đòi hỏi một sự cải tiến. Ta hãy làm như các sư Bắc tông(!) – hay còn hàng ngàn lí do tương tự. Và thầy tỳ khưu đề nghị rằng rằng giới tu tập có liên quan đến việc độ thực sau ngọ và trước bình minh nên được hủy bỏ. Dù sao, thầy lí luận “đó chỉ là một giới nhỏ (pacittiya) – đâu có gì trọng đại”. Đồng thời thầy tỳ khưu bắt đầu ăn vào mỗi buổi chiều, và như thế, không phải chỉ có cái bao tử mà cả dục vọng, tức tham ái, căn nguyên bất thiện của thầy, cũng được thỏa mãn hoàn toàn. Thỏa mãn cái bụng không phải là vấn đề trọng đại, nhưng tăng trưởng tham ái chắc chắn đẩy lùi tinh thần từ khước, hạnh xuất gia, của thầy và lẽ dĩ nhiên, khi tham ái tăng trưởng, tức nhiên sân hận và si mê v.v… cũng theo đó tăng dần.
Dù tỳ khưu hay cư sĩ, bất luận ai còn nuôi dưỡng một lập luận giống như thầy tỳ khưu tưởng tượng trên, chắc chắn đã tạo một trở ngại lớn lao trên con đường của mình. Một ý tưởng như: “Ôi, điều này có gì đâu, chỉ là một việc nhỏ” là một thái độ tinh thần nên coi chừng, vì đó là cánh cửa nhỏ mở ra con đường rộng lớn đưa đi xuống.
Thật sự, thầm kín phía sau lối suy tưởng dễ duôi như trên, lòng tham ái luôn luôn thúc dục. Và tham ái nghịch hẳn với tinh thần thận trọng nghiêm trì giới luật.
Dễ duôi hay nghiêm chỉnh trì giới không có liên quan – bằng một phương thức trong sạch nào – đến “aya” (Thừa tông) hay “vada” (đường lối). Trong Phật giáo Nguyên Thủy cũng như trong những truyền thống Phật giáo khác, đều có những vị sư giới hạn trang nghiêm, cũng có những vị dễ duôi. Nơi nào cũng có một vị Tăng trưởng chuyên cần, chăm lo đến việc thực hành nghiêm chỉnh giáo pháp thì nơi ấy giới luật cũng được trang nghiêm. Trái lại chùa nào không có một vị Tăng trưởng chuyên cần như vậy mà cũng không có một truyền thống giới hạnh tốt, tức nhiên ở đó có những tác phong vô kỉ luật, và trạng thái “vô giáo pháp” (adhamma) sẽ tràn ngập.