Phần 9 – CHƯƠNG V, CHƯƠNG VI

– CHƯƠNG V: Gánh nặng nhìn từ ánh sáng của tứ thánh đế  

– Phần Quan Trọng  

– CHƯƠNG VI: Kết luận 

CHƯƠNG V: GÁNH NẶNG NHÌN TỪ ÁNH SÁNG CỦA TỨ THÁNH ĐẾ

Phần giảng giải về bài Kinh Gánh Nặng bằng văn xuôi dễ hiểu đến đây đã chấm dứt. Tuy nhiên chúng ta sẽ áp dụng pháp này vào tứ Thánh Đế. Năm thủ uẩn tạo thành Khổ Đế (dukkha sacca). Như trước đã nói, kẻ mang gánh nặng năm uẩn này là một Người, vốn cũng chỉ là một cái tên. Khi nhìn từ quan niệm của sự thực (đế) trong nghĩa cùng tột nó không có một thực thể nào cả. Xét trong ánh sáng này, người nằm ngoài phạm vi của Tứ Thánh Đế. Nói cách khác, trong phần thảo luận này, Người không được tính đến. Chính tham ái mới là nhân sanh khổ. Chấp nhận thực tế này chúng ta đi đến Tập Đế (samudaya sacca tức nhân sanh của khổ). Tôi cũng đã nói về phương pháp diệt trừ tham ái, vốn là Diệt Khổ Thánh Đế hay Diệt Đế (nirodha sacca). Trong Kinh Gánh Nặng, Đạo Đế (magga sacca) hay con đường dẫn đến sự diệt khổ không được đề cập đến. Tuy nhiên, nếu Đức Phật đưa ra cho chúng ta kiến thức về sự diệt khổ, ắt hẳn chúng ta phải viện dẫn sự thực rằng công việc liên quan đến sự thực hành Đạo dẫn đến sự diệt khổ đã bao gồm trong Diệt Đế (nirodha sacca). Do đó, trong bài giảng của tôi, tôi đã cố ý nhắc đến thiền minh sát và bốn thánh đạo. Vì thế, quý vị hãy lưu ý đoạn sau: 

Gánh nặng có nghĩa là năm thủ uẩn. Nó làm hiển lộ Khổ Đế.

Người chấp nhận gánh nặng là Tham ái. Nó làm hiển lộ Khổ Tập Thánh Đế hay nhân sanh của khổ. 

Quăng xuống gánh nặng có nghĩa là hủy diệt tham ái. Nó làm hiển lộ Diệt Đế. 

Thiền minh sát và bốn thánh đạo là phương tiện diệt ái. Chúng làm hiển lộ Thánh Đế về Sự Diệt Khổ hay Đạo Đế. 

Phần Quan Trọng 

Để kết luận bài Kinh Gánh Nặng bằng văn xuôi, Đức Phật đã nói lên một số bài kệ (gāthās) để trợ giúp trí nhớ cho người nghe. Điều này đã được ghi lại trong các kỳ Kết Tập Kinh Điển như sau: 

Sau khi thuyết Kinh (Gánh Nặng này) Đức Phật, bậc thầy của trời người, thường có thói quen nói sự thực vì lợi ích của người nghe, ở đây cũng vậy ngài đã soạn hai bài kệ để tóm tắt ý chính của những gì ngài đã giảng. 

Bây giờ Tôi sẽ trình bày hai bài kệ ấy, bài đầu tiên như sau: 

Bhārā have pañcakkhandhā, 

Bhārahato ca puggalo; 

Bhārādānaṃ dukkhaṃ loke, 

Bhāranikkhepanaṁ sukhaṁ 

(Năm uẩn là gánh nặng,

Kẻ gánh nặng là người, 

Đeo mang gánh nặng ấy, 

Tức là khổ ở đời, 

Gánh nặng được đặt xuống, 

Tức là lạc ở đời.) 

Nghĩa là: Quả thực nặng thay là gánh nặng của năm uẩn. Kẻ mang gánh nặng chính là Người (cũng là một nhóm của năm uẩn). Trong thế gian của các hữu tình này, chấp nhận gánh nặng tức là khổ. Còn ai (áp dụng minh sát trí và Thánh Đạo trí) đặt xuống được gánh nặng tức là lạc ở đời. 

Người mang gánh nặng của năm uẩn này sẽ cảm nhận được sự nặng nề của nó khi hàng ngày họ phải phục vụ cho thân thể của mình không biết bao nhiêu thứ, như cho nó ăn uống và làm vệ sinh cho nó, … Với những người mà thiện nghiệp thiếu khuyết điều này sẽ rõ ràng hơn. Người bệnh và người già cũng cảm nhận được rõ rệt sức nặng của cái gánh nặng thân mà họ đeo mang. Những người trong cõi ngạ quỷ hay trong các cõi khổ thì khỏi phải nói. Những đau khổ của họ thuộc tầm cỡ cao nhất và họ lại không có cơ hội để thoát ra khỏi chúng. Loài vật cũng không khá hơn gì. Thức ăn đối với chúng là vấn đề muôn thuở. Chúng không được bảo vệ trước những mối hiểm nguy. Để giữ được sinh mạng, chúng phải tự chạy trốn, vì nếu không rất có thể chúng sẽ bị những con thú lớn khác ăn thịt. Còn những loại gia cầm như gà, vị, heo, dê,… thì luôn luôn phải sống trong nỗi lo lắng, sợ hại về những mối nguy hiểm sẽ xảy đến với chúng. Tuy nhiên dù có cố gắng để tự bảo vệ mình như vậy chúng vẫn bị giết để lấy thịt. Chúng không có đấng cứu tinh như con người. Trường hợp của trâu bò lại còn thương tâm hơn, vì khi còn khỏe mạnh, bất kể mưa hay nắng, chúng cũng phải làm việc cho chủ của chúng, nhưng cuối cùng chúng phải nhận lấy cái chết ở lò mổ. Chính vì cái thân (năm uẩn) của chúng mà chúng phải chịu khổ, vì nếu không có thân chúng sẽ chẳng bị giết và ăn thịt như vậy. Ngay giữa loài người với nhau, chúng ta cũng thường gặp kẻ mạnh trù dập kẻ yếu nữa huống chi những con vật khốn khổ ấy thì còn có thể nói gì hơn?

Về nghĩa của từ puggala hay Người đề cập trong bài kệ. Chúng ta phải hiểu từ này được dùng trong Chế Định Thuyết (paññatta desanā), vì trong Chân Đế Thuyết (paramattha desanā) hoàn toàn không có người. Ám chỉ đến năm uẩn chúng ta nói theo ngôn ngữ quy ước rằng nó là một người, một chúng sinh, một người đàn ông, một người đàn bà, … Nhưng chúng chỉ là những cái tên. Trong đệ nhất nghĩa đế, người không hiện hữu; và chính các uẩn mang gánh nặng của các uẩn mà thôi. Ngay cả việc chăm sóc cho cái thân này được khỏe mạnh, thực ra mà nói, cũng là đang mang gánh nặng. 

Chấp nhận gánh nặng là (chấp nhận) khổ và buông bỏ nó sẽ dẫn đến an lạc. Tham ái sanh khi chúng ta không ghi nhận các hiện tượng thấy, nghe, … , trong lúc hành thiền. Nó sanh ngay khoảnh khắc thấy hay nghe ấy, hay nó cũng có thể ngủ ngầm một thời gian để rồi sẽ thức dậy sau đó do sự suy nghĩ hay hồi nhớ của chủ thể. Dù nó sanh theo bất kỳ cách nào thì nó cũng đem theo với nó thủ (upādāna), nghiệp (kamma), và hành (saṅkhāras) và đến lượt chúng các yếu tố này tạo thành ngũ uẩn mới. Và khổ lại đến. Nếu chúng ta ghi nhận các hiện tượng thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và suy nghĩ mỗi khi chúng sanh khởi, chúng ta sẽ nhận ra bản chất thực của chúng, và với sự nhận thức này chúng ta có thể diệt tham ái cùng với kẻ ủng hộ của nó, đó là si mê hay vô minh. Khi thánh đạo được thành tựu sự diệt này sẽ không tạo cơ hội cho Thủ, Nghiệp, và Các Hành hoạt động nữa; và như vậy các Uẩn cũng chấm dứt trở thành hay tái sanh trở lại. Cuối cùng Khổ được đoạn tận và lạc được thiết lập. Vì vậy, quăng bỏ gánh nặng sau khi diệt ái có nghĩa là đã thành tựu Lạc. 

Bây giờ chúng ta đi đến bài kệ thứ hai: 

Nikkhipitvā garuṁ bhāraṁ, 

Aññaṁ bhāraṁ anādiyā, 

Samulaṁ taṅhāmabbuyha, 

Nicchāto parinibbuto. 

Sau khi đã đặt xuống gánh nặng (năm uẩn), sau khi đã từ chối gánh nặng mới tiếp theo, sau khi đã bứng gốc tham ái khỏi chính cái nền móng của nó, không tham muốn nào còn sanh khởi nữa, và sự bình yên (của Niết Bàn) đã được thiết lập.

Bài kệ này muốn nói đến các bậc thánh A-la-hán. Tuy nhiên, ngay cả một bậc A-la-hán vẫn phải mang gánh nặng trước khi vị ấy nhập vô dư niết bàn hay trước khi vị ấy nhập diệt. Nghĩa là vị ấy vẫn phải chăm sóc cho tấm thân này, tắm rửa cho nó, nuôi ăn nó, làm vệ sinh cho nó, … và tất cả những công việc này chỉ chấp dứt khi vị ấy nhập diệt. Vì thế bậc A-la-hán vào cái đêm trước ngày nhập diệt thường quán, “Ta sẽ còn phải mang gánh nặng này trong bao lâu nữa đây?” Đối với các vị chết là một sự giải thoát khỏi gánh nặng. Nhưng đối với người bình thường đang ở dưới sức quyến rũ của tham ái thì lại xem chết như một sự kiện đau buồn. 

Thực vậy, vào đêm nhập Niết Bàn của Đức Phật ngay cả ngài Anandā cũng vẫn khóc như thường. Và, đây cũng là trường hợp chung của nữ giới trong đêm nhập Niết Bàn của Thánh ni Ma-ha-ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di (Mahāpajāpati Gotamī), kế mẫu của Đức Phật, người đã phải an ủi hàng đệ tử của mình bằng những lời: “Này các con, chớ có khóc như vậy! Niết-bàn không phải là dịp để đau buồn. Mà nó là lúc để vui mừng (hāsa kāha).” Quả thực vậy cái chết của một bậc A-la-hán là một dịp để vui mừng! 

Như đã giải thích ở một đoạn trước, các uẩn mới đi vào hiện hữu do các đối tượng giác quan được tạo điều kiện bởi Nghiệp (kamma), nghiệp tướng (kamma nimitta) và thú tướng (gati nimitta). Đây là sự chấp nhận gánh nặng; và sự chấp nhận này được thể hiện bằng sự tái sanh đi tái sanh lại không ngừng. Bởi vì người mang đã chấp nhận mang một gánh nặng, vì thế anh ta phải chấp nhận gánh nặng khác nữa, rồi gánh nặng khác nữa,…cứ vậy vô số gánh nặng chồng chất trên đôi vai anh ta, cả vai phải lẫn vai trái. Anh ta không có một lúc nghỉ xả hơi. Thường thường hàng phàm phu thậm chí không có lấy một giây để nghỉ. Ngay cả bậc thánh nhập lưu cũng không biết đến nghỉ ngơi trong suốt thời gian bảy kiếp liên tiếp, vì suốt thơi gian đó họ phải cố gắng không ngừng để thoát mình ra khỏi tham ái. Đối với bậc thánh nhất lai cũng vậy, trong hai kiếp liên tiếp và bậc thánh bất lai trong một kiếp ở cõi Sắc Giới hay Vô Sắc Giới. Sau khi đã đoạn diệt vĩnh viễn tham ái, bậc thánh A-la-hán hoàn toàn được giải thoát khỏi tái sanh. Kinh nói rằng vị ấy từ chối những gánh nặng mới do tham ái áp đặt, vì trong vị ấy tham ái đã bị diệt hoàn toàn. 

Tham ái, giống như kẻ đói, không thể thỏa mãn được. Tất cả phàm nhân, ngay cả các bậc thánh nhập lưu, nhất lai và bất lai cũng không thể chặt đứt hoàn toàn được nó. Các bậc thánh hữu học, giống như hàng phàm nhân, cũng vẫn còn tham đắm các đối tượng giác quan do nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng tạo ít nhất cũng đến cái đêm trước khi nhập diệt. Do sự dính mắc ấy mà các Uẩn mới phát sanh. Nhưng một bậc A-la-hán, người đã giết sạch tham ái bằng vũ khí của A-la-hán thánh đạo, không còn tái sanh lại nữa. Vị ấy đã bứng tham ái ra khỏi chính cái nền móng của nó. Nền móng hay gốc này là gì? Đó là vô minh (avijjā). Thực sự vô minh chính là cội nguồn của mọi khổ đau. Nó đánh lừa mọi người khiến họ không biết đến sự hiện diện của nó. Vì thế việc bứng gốc nó được nhấn mạnh ở đây. Nếu một người không ghi nhận các hiện tượng thấy, nghe, … trong lúc hành thiền, rất có thể khi tham ái phát sanh đối với sự hiện hữu như một cá nhân, một con người, một người đàn ông hay một người đàn bà, họ sẽ xem chúng như tạo thành một cá nhân, một con người, một người đàn ông hay một người đàn bà. Sự đánh lừa này là yếu tố khởi nguồn của tham ái; và vì cắt đứt tham ái không thì chưa đủ. Nền móng của tham ái hay cội gốc của tham ái phải được nhổ lên và hủy diệt. Nếu không, nó sẽ nằm ngầm và khi cơ hội đến nó sẽ ngóc cái đầu của nó lên. Có trường hợp những người hành thiền đắc thần thông đã mất năng lực này ngay khoảnh khắc vô minh thức dậy từ trạng thái ngủ ngầm của nó. 

Trong chuyện tiền thân Mudulakkhana (Mudulakkhana Jātaka), tiền kiếp đức Bồ Tát của chúng ta là một đạo sĩ có các năng lực thần thông, và đã thoát ly dục ái (kāma rāga). Nhưng vì tham ái vẫn chưa được bứng gốc khỏi nền móng của nó với sự áp dụng của Đạo trí, nên tham dục đã tự xuất hiện trở lại khi ngài nhìn thấy vẻ đẹp lõa lồ của Hoàng Hậu Mudulakkhana. Vẻ đẹp của hoàng hậu đã kích thích những ham muốn nhục dục từ lâu bị đè nén trong tâm ngài bằng thiền định. Ngay lập tức ngài mất hết mọi năng lực thần thông. Chúng ta biết trước đó ngài dùng năng lực này du hành qua hư không để đến cung điện của đức Vua; nhưng sau khi mất thần thông ngài phải đi bộ về trú xứ của mình. Biến cố này chứng minh rằng ngài mới chỉ thoát ly ái dục chứ chưa bứng gốc được nó. Do đó, khi một cảnh khả ái được để ý tới nó đã tàn phá nội tâm ngài. 

Có một câu chuyện tương tự khác. Khoảng năm 400 Phật Lịch (101-77 B.C.), khi vua Duṭṭhagānanī đang cai trị xứ Tích Lan, có một vị Trưởng lão nghĩ mình đã đạt đến đạo quả A-la-hán vì ngài đã diệt sạch mọi ái dục. Ngày nọ, Dhammadinnā, một đệ tử của ngài, người đã thực sự đắc đạo quả A-la-hán, đến viếng và hỏi thăm xem ngài đã đắc đạo quả A-la-hán được bao lâu. Ngài nói với vị ấy rằng ngài là một bậc A-la-hán được 60 năm rồi. Tất nhiên, ngài nói điều này với niềm tin thực sự rằng ngài đã trở thành một bậc A-la-hán, vì ngài chưa bao giờ cảm thấy có chút ái dục nào khởi lên trong ngài. Tuy nhiên vị đệ tử biết rằng ngài thực sự chưa đắc quả vị ấy, điều đó có nghĩa là, ngài vẫn chưa thực sự đoạn diệt ái. Do vậy vị này hỏi tiếp là ngài có thể thi triển thần thông được không. Khi ngài trả lời rằng có thể, vị này cố nài nỉ ngài tạo ra một hồ sen có một đóa sen lớn ở chính giữa, trong đóa hoa sen ấy một cô gái xinh đẹp đang nhảy múa. Ngài liền tạo ra một hồ sen hoàn hảo với một vũ nữ đang nhảy múa đúng theo yêu cầu. Kế tiếp vị Trưởng lão thỉnh cầu ngài dán mắt vào cô gái do chính ngài vừa tạo. Ngài liền làm như vậy và thật bất ngờ ngài cảm thấy có một sự thôi thúc của dục vọng bên trong ngài. Lúc đó ngài tỉnh ngộ và thừa nhận rằng việc cần phải làm ngài đã chưa làm xong (tức việc chứng đắc A-la-hán vẫn chưa được thành tựu). Bởi thế ngài thỉnh cầu vị Trưởng lão A-la-hán chỉ cho mình cách thực hành Pháp để bứng gốc tham ái cùng với vô minh nhờ đó mà ngài có thể trở thành một bậc A-la-hán chính thức. Vì từ trước đến giờ ngài chỉ tạm thời loại trừ tham ái giống như cách chiếc bình tưới đập xuống mặt nước sẽ đẩy đám rong rêu dạt ra, tuy nhiên, khi chiếc bình được lấy lên chúng sẽ tập hợp trở lại vậy. Chỉ khi đắc chứng A-la-hán thánh đạo tham ái mới bị bứng ra khỏi nền móng si mê hay vô minh của nó. Và khi đã bị bứng gốc theo cách này không một hành giả nào còn có thể bị thối đọa, cho dù đối tượng kích thích đó là một vũ nữ bằng xương bằng thịt, còn nói gì đến vũ nữ tưởng tượng (do thần thông sanh). Khi hữu ái (tham đối với sự hiện hữu) được đoạn trừ hoàn toàn, không còn danh sắc mới hay ngũ uẩn mới nào có thể sanh. Không có các Uẩn mọi khổ đau sẽ chấm dứt. Tôi có soạn một bài kệ để giúp mọi người dễ nhớ những ý chính tôi đã giảng: 

Nếu tham ái đã bị bứng gốc, dục vọng sẽ được đoạn trừ. Khi một người quăng xuống gánh nặng cũ, và không gánh thêm gánh nặng mới. Sự bình yên vĩnh hằng của Niết Bàn kể như đã được thành tựu. 

Khi tham ái, cùng với si mê, được diệt trừ dục vọng sẽ biến mất hoàn toàn. Khi thân (ngũ uẩn) cũ được quăng bỏ, gánh nặng do phải mang một thân mới cũng sẽ được loại trừ. Lúc đó mọi khổ đau chấm dứt ; và sự bình yên của Niết Bàn được thành tựu.

CHƯƠNG VI: KẾT LUẬN

Đến đây bài giảng về Kinh Gánh Nặng (Bhāra Sutta) đã hoàn tất, chỉ còn phần kết luận. Chúng ta thấy rằng năm uẩn, được chúng ta xem như một con người, là một gánh nặng lớn và chúng ta phải đeo mang cái gánh nặng năm uẩn này trong suốt vòng luân hồi. Theo giáo lý Tứ Thánh Đế thì gánh nặng này biểu thị Khổ Đế (dukkha sacca). Chúng ta cũng nhận ra rằng bao lâu chúng ta còn thấy thú trong các trần cảnh, như sắc, thinh, hương,… chừng đó chúng ta vẫn còn đang chấp nhận mang gánh nặng mà vốn tự nó là Khổ (dukkha). Sở dĩ chúng ta thấy thích thú trong những trần cảnh ấy là vì chúng ta đã không ghi nhận với chánh niệm để biết rõ bản chất thực của chúng. Càng không hiểu biết về bản chất thực của chúng, tham ái của chúng ta đối với các trần cảnh sẽ càng mãnh liệt. Tham ái, vốn chấp nhận gánh nặng, là nhân sanh ra mọi phiền não. Điều này đưa chúng ta đến chỗ tin chắc rằng tham ái biểu thị cho Khổ Tập Thánh Đế hay Nhân Sanh của Khổ (samudaya saccā). Chúng ta cũng nhận ra rằng diệt tham ái có nghĩa là đặt xuống gánh nặng, và điều này chỉ ra Diệt Đế (nirodha saccā), tức thánh đế về sự diệt khổ. Si mê khiến chúng ta hiểu lầm bản chất thực của các hiện tượng thấy, nghe, … do chúng ta không nhận thức rõ trong tiến trình ghi nhận sự sanh diệt của chúng với chánh niệm. Chính điều này làm phát sanh tham ái. Vì thế bất cứ khi nào chúng ta cố gắng loại trừ tham ái, si mê cũng phải được loại trừ. Và chúng ta cũng biết rằng, khi si mê bị diệt trừ, minh hay trí tuệ sẽ sanh. Khi trí tuệ sanh có nghĩa là chúng ta đã đạt đến giai đoạn diệt đế (nirodha saccā) và khi chúng ta hành thiền thêm nữa trên các hiện tượng thấy, nghe,… minh sát trí của chúng ta sẽ phát triển và chúng ta sẽ chứng đắc bốn thánh đạo (ariyamagga) và chứng ngộ đạo đế (magga saccā), tức thánh đế về con đường đưa đến sự diệt khổ. Còn nếu chúng ta thích thú trong các trần cảnh như sắc đẹp và tiếng hay, … tham ái sẽ phát triển trong chúng ta, và sự phát triển này có nghĩa là chúng ta đang chấp nhận mang gánh nặng. Chúng ta cũng đã hiểu, tham ái có mặt là do chúng ta không nhận ra bản chất thực của các hiện tượng danh – sắc. Chính do sự si mê này mà chúng ta chấp nhận gánh nặng. Do đó, tham ái là nhân căn để của mọi phiền não, hay nói khác hơn tham ái là nhân sanh khổ. Nếu tham ái bị đẩy lui, chúng ta sẽ giải thoát khỏi khổ; và điều này có nghĩa rằng chúng ta đã đạt đến thánh đế về sự diệt khổ. Si mê là khởi nguồn của tham ái. Vì thế nó cũng phải được loại trừ. Si mê sanh khi chúng ta không chánh niệm về các đối tượng giác quan. Nếu chúng ta ghi nhận được sự sanh và diệt của các hiện tượng trong lúc chúng ta hành thiền, trí tuệ sẽ phát triển. Với ánh sáng của trí tuệ si mê sẽ biến mất, cũng giống như bóng tối bị đẩy lui khi ánh sáng xuất hiện vậy. Không có trí tuệ tham ái đối với gánh nặng năm uẩn sẽ sanh và do tham ái chúng ta mong muốn được ‘trở thành’ hay hiện hữu trở lại để tiếp tục mang nó. Khi chúng ta phát triển được thói quen ghi nhận các trần cảnh, thiền minh sát của chúng ta cũng sẽ được phát triển và tứ thánh đạo sẽ được đạt đến. 

Về tứ thánh đạo (ariya magga), nếu chúng ta đã đạt đến nhập lưu đạo, chúng ta chỉ còn bảy kiếp chịu khổ trong vòng luân hồi, sau bảy kiếp tái sanh các uẩn sẽ chấm dứt. Có thể nói nhập lưu đạo đã làm cho gánh nặng vơi nhẹ đi một mức độ nào đó. Tuy nhiên nếu thích, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thực hành thiền minh sát để làm cho gánh nặng nhẹ thêm nữa, vì chắn chắn chúng ta phải thực hành, để có thể đạt đến nhất lai thánh đạo (sakadāgāmi magga) khi mà gánh nặng của năm uẩn này sẽ được đặt xuống sau hai kiếp tái sanh. Khi chúng ta tự hoàn thiện mình hợp theo các Ba-la-mật đã tạo chúng ta sẽ đạt đến giai đoạn Bất lai Đạo (anāgāmi magga) khi tất cả gánh nặng có thể được bỏ qua một bên sau kiếp hiện hữu trong cõi Sắc Giới hay Vô Sắc Giới. Lúc đó toàn bộ gánh nặng của năm uẩn, biểu thị cho Khổ Đế, sẽ chấm dứt và sự bình yên tối thượng sẽ ngự trị vĩnh hằng. 

Ở đây chúng ta có thể nhớ lại lời Đức Phật nói với hàm ý rằng một khi tham ái bị bứng gốc không dục vọng nào còn sanh khởi và sự bình yên của niết bàn đã được thiết lập. Nếu chúng ta thực sự muốn đặt xuống gánh nặng và thiết lập sự bình yên nơi đây mọi khổ đau đều chấm dứt, chúng ta phải thực hành những gì Đức Phật đã dạy. 

Để kết luận lại, có thể tắt những gì từ trước đến đây tôi trình bày như thế này : 

Thế nào là gánh nặng ? năm uẩn là gánh nặng. 

Ai mang gánh nặng ? Người, do năm uẩn tạo thành, mang gánh nặng. 

Ai chấp nhận gánh nặng ? Taṅhā, hay tham ái, chấp nhận gánh nặng. 

Quăng gánh nặng xuống bằng cách nào ? Đoạn tận tham ái là quăng xuống gánh nặng. 

Nặng nề thay là gánh nặng của năm uẩn, 

Người mang gánh nặng được biết đến bằng tên này hay tên kia (theo chế định pháp). 

Sự chấp nhận gánh nặng là khổ và quăng bỏ gánh nặng sẽ đưa đến an vui. 

Khi tham ái được bứng gốc ngay tại nền móng (si mê) của nó, không ước muốn nào còn sanh khởi. Gánh nặng cũ đã được đặt xuống, không gánh nặng mới nào được áp đặt thêm. 

Lúc đó bạn nhập vào Niết-bàn, cảnh giới bình yên vĩnh hằng. 

Cầu mong cho những ai được nghe hay đọc bài kinh Gánh Nặng này sẽ sớm nhận ra năm uẩn sanh diệt không ngừng trong tự thân là gánh nặng lớn đối với mình; rằng tham ái đối với các trần cảnh sắc, thinh, hương,… có nghĩa là sự chấp nhận gánh nặng của ngũ uẩn mới, đã sanh khởi; đây chính là nhân của mọi khổ đau; rằng sự quăng bỏ gánh nặng sẽ dẫn đến bình yên vĩnh hằng; và sự bình yên đó chỉ có thể được thành tựu bằng việc thực hành thiền minh sát. Cuối cùng, tôi thành tâm cầu nguyện các bạn sớm đạt đến Niết-bàn, nhờ chánh trí minh sát và Đạo trí mà các bạn đã thành tựu. 

Viên Không sáng 25 tháng 4 năm 2016.

Tỳ-kheo Pháp Thông cẩn dịch

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app