Pháp-Hành Thiền-Định Và Pháp-Hành Thiền-Tuệ

Giáo-pháp của Đức-Phật Gotama có 2 pháp-hành:

1- Pháp-hành thiền-định (Samathabhāvanā).

2- Pháp-hành thiền-tuệ (Vipassanābhāvanā).

1- Pháp-hành thiền-định (samathabhāvanā) có 40 đề-mục thiền-định, một số đề-mục thiền-định có trong Phật-giáo và cũng có ngoài Phật-giáo; đặc biệt một số đề-mục thiền-định chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo.

Pháp-hành thiền-định là pháp-hành dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, và chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả có 4 bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm của pháp-hành thiền-định vẫn còn luẩn quẩn trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Pháp-hành thiền-định đã được trình bày trong quyển IX: Pháp-Hành Thiền-Định của bộ Nền-Tảng-Phật-Giáo cùng soạn giả.

2- Pháp-hành thiền-tuệ (vipassanābhāvanā) là pháp-hành chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo. Pháp-hành thiền-tuệ là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Thật vậy, pháp-hành thiền-tuệ có từ khi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, và được các hàng thanh-văn đệ-tử có đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ có khả năng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Các hàng thanh-văn đệ-tử có trí-tuệ kế thừa theo truyền thống thực-hành pháp-hành thiền-tuệ giữ gìn, duy trì tồn tại cho đến nay.

Khi giáo pháp của Đức-Phật Gotama bị suy đồi dần dần, bị tiêu hoại dần dần thì pháp-hành thiền-tuệ sẽ bị suy đồi, bị tiêu hoại trước, bởi vì trí-tuệ của các hàng thanh-văn đệ-tử không có khả năng giữ gìn duy trì được pháp-hành thiền-tuệ nữa.

Tuổi thọ của Phật-giáo có khoảng 5.000 năm, sau 5.000 năm, giáo pháp của Đức-Phật Gotama bị tiêu hoại hoàn toàn không còn trên thế gian này.

Tìm hiểu những điểm khác biệt nhau giữa pháp-hành thiền-định (trong quyển IX) với pháp-hành thiền-tuệ (trong quyển X này), để giúp cho hành-giả phân biệt rõ pháp-hành thiền-định với pháp-hành thiền-tuệ.

Điểm Khác Biệt Giữa Thiền-Định Với Thiền-Tuệ

Tìm thấy những điểm khác biệt giữa pháp-hành thiền-định và pháp-hành thiền-tuệ như sau:

PHÁP-HÀNH THIỀN-TUỆ 540

1- Ý nghĩa (Aṭṭha)

– Thiền-định: Thiền-định nghĩa là định-tâm trong đối-tượng thiền-định duy nhất, để chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới.

– Thiền-tuệ: Thiền-tuệ nghĩa là trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp tam-giới, nên hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

2- Chi-pháp (Aṅga)

– Thđ: Chi-pháp của thiền-định là ekaggatācetasika: Nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với tam-giới thiện-tâm, tam-giới duy-tác-tâm.

– Tht: Chi-pháp của thiền-tuệ là paññindriyacetasika: Tuệ-chủ tâm-sở đồng sinh với tất cả tam-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ, tam-giới duy-tác-tâm hợp với trí-tuệ.

3- Trạng-thái-riêng (Lakkhaṇa)

– Thđ: Trạng-thái-riêng của thiền-định là không phóng-tâm, định-tâm trong đối-tượng thiền-định.

– Tht: Trạng-thái-riêng của thiền-tuệ là thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tất cả sắc-pháp, danh-pháp.

4- Phận sự (Rasa)

– Thđ: Phận sự của thiền-định là gom các pháp đồng sinh lại với nhau.

– Tht: Phận sự của thiền-tuệ là diệt vô-minh che phủ thật-tánh của tất cả sắc-pháp, danh-pháp. 

5- Quả hiện-hữu (Paccuppaṭṭhāna)

– Thđ: Quả hiện-hữu của thiền-định là an trú trong một đối-tượng thiền-định duy nhất.

– Tht: Quả hiện-hữu của thiền-tuệ là trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tất cả sắc-pháp, danh-pháp, không có si mê lầm lạc.

6- Nguyên nhân gần (Padaṭṭhāna)

– Thđ: Nguyên nhân gần của thiền-định là thọ lạc.

– Tht: Nguyên nhân gần của thiền-tuệ là sát-na định-tâm trong mỗi đối-tượng thiền-tuệ.

7- Đối-tượng (Ārammaṇa)

– Thđ: Đối-tượng của thiền-định là 40 đề-mục-thiền-định thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma).

– Tht: Đối-tượng của thiền-tuệ là tất cả mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp, hoặc thân, thọ, tâm, pháp là đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ, thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).

8- Sinh-diệt ( Udaya-Vaya)

– Thđ: Sự sinh, sự diệt của đối-tượng thiền-định không có.

– Tht: Sự sinh, sự diệt của đối-tượng thiền-tuệ đó là sự sinh của mỗi sắc-pháp do nhân-duyên-sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp do nhân-duyên-diệt; sự sinh của mỗi danh-pháp tam-giới do nhân-duyên-sinh, sự diệt của mỗi danh-pháp tam-giới do nhân-duyên-diệt.

9- Trạng-thái-chung (Sāmaññalakkhaṇa)

– Thđ: Trạng-thái-chung của đối-tượng thiền-định không có, bởi vì đối-tượng thiền-định thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma), không có sự sinh, sự diệt, nên không có 3 trạng-thái-chung.

– Tht: Trạng-thái-chung của đối-tượng thiền-tuệ là trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của mọi sắc-pháp, mọi danh-pháp tam-giới, bởi vì đối-tượng sắc-pháp, danh-pháp tam-giới thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), có sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp, nên có 3 trạng-thái-chung.

10- Thời gian (Kāla)

– Thđ: Thời gian của đối-tượng thiền-định thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) là kālavimutta: Ngoại 3 thời, không thuộc về quá-khứ, hiện-tại, vị-lai.

– Tht: Thời gian của đối-tượng thiền-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) là tekālika: Có 3 thời: Quá-khứ, hiện-tại, vị-lai.

11- Bản tính (Carita)

– Thđ: Bản tính của hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định phân chia ra 6 loại tính, để phù hợp với 40 đối-tượng thiền-định.

– Tht: Bản tính của hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ phân chia 2 loại tính (tham-ái và tà-kiến), mỗi loại có 2 hạng hành-giả, để phù hợp với 4 đối-tượng tứ-niệm-xứ hoặc đối-tượng thiền-tuệ.

12- Hiện-tượng (Nimitta)

– Thđ: Hiện-tượng của đối-tượng thiền-định có 3 giai đọan: Đối-tượng parikammanimitta, đối-tượng uggaha-nimitta, đối-tượng paṭibhāganimitta, bởi vì đối-tượng thiền-định thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma). 

– Tht: Hiện-tượng của đối-tượng thiền-tuệ hoàn toàn không có nimitta nào, bởi vì đối-tượng thiền-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).

13- Định-tâm (Samādhi)

– Thđ: Định-tâm của pháp-hành thiền-định có 3 loại: Parikammasamādhi: Sơ-định ban đầu, upacārasamādhi: Cận-định, appanāsamādhi: An-định trong 1 đề-mục thiền-định.

– Tht: Định-tâm của pháp-hành thiền-tuệ chỉ có 1 loại là khaṇikasamādhi: Sát-na-định nơi mỗi đối-tượng thiền-tuệ, sắc-pháp, danh-pháp.

14- Chứng đắc (Adhigama)

– Thđ: Sự chứng đắc của pháp-hành thiền-định là đạt đến appanāsamādhi: An-định-tâm có đối-tượng paṭi-bhāganimitta, chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới.

– Tht: Sự chứng đắc của pháp-hành thiền-tuệ là chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

15- Diệt Phiền-não (Pahāna)

– Thđ: Diệt phiền-não: Pháp-hành thiền-định, đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm diệt phiền-não loại trung (5 pháp-chướng-ngại nīvaraṇa) bằng cách chế-ngự, đè-nén phiền-não (vikhambhanappahāna).

– Tht: Diệt phiền-não: Pháp-hành thiền-tuệ có 12 loại trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới từ trí-tuệ thứ nhất nāmarūpa-paricchedañāṇa cho đến trí-tuệ thiền-tuệ thứ 12 saccā-nulomañāṇa diệt phiền-não từng-thời (tadaṅgappahāna) theo khả năng của mỗi loại trí-tuệ thiền-tuệ.

Đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 đó là 4 Thánh-đạo-tuệ mà mỗi Thánh-đạo-tuệ có khả năng đặc biệt diệt tận được phiền-não (samucchedappahāna) theo năng lực của mỗi Thánh-đạo-tuệ, tiếp theo trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 đó là 4 Thánh-quả-tuệ mà mỗi loại Thánh-quả-tuệ có khả năng đặc biệt làm an-tịnh phiền-não (paṭippassaddhippahāna) theo năng lực của mỗi Thánh-quả-tuệ, và đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới giải thoát khổ (nissaraṇappahāna).

16- Tâm (Citta)

– Thđ: Tâm của các bậc thiền-định là 15 sắc-giới tâm, và 12 vô-sắc-giới-tâm, thuộc về 27 mahaggatacitta: Tâm bậc cao hơn dục-giới-tâm.

– Tht: Tâm của thiền-tuệ thuộc về siêu-tam-giới-tâm đó là 4 hoặc 20 Thánh-đạo-tâm, và 4 hoặc 20 Thánh-quả-tâm gồm có 8 hoặc 40 siêu-tam-giới-tâm.

17- Đối-tượng – Chủ thể (Ārammaṇa – Ārammaṇika)

– Thđ: * Đối-tượng thiền-định thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma) diễn biến qua 3 giai đọan từ thô đến vi-tế như sau:

– Giai đọan ban đầu: Parikammanimitta: Đối-tượng thiền-định thực-hành ban đầu của đề-mục thiền-định diễn biến đến

– Giai đọan giữa: Uggahanimitta: Đối-tượng thô ảnh tương tự của đề-mục thiền-định, diễn biến đến

– Giai đọan cuối: Paṭibhāganimitta: Đối-tượng quang ảnh trong sáng của đề-mục thiền-định.

* Chủ-thể thiền-định là tâm hành trong đối-tượng thiền-định cũng tiến triển theo 3 giai đọan theo đối-tượng thiền-định như sau:

– Giai đọan ban đầu: Parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu của đề-mục thiền-định có parikammasamādhi: Sơ-định trong đối-tượng parikammanimitta, và đối-tượng uggahanimitta.

– Giai đọan giữa: Upacārabhāvanā: Tâm-cận-hành gần bậc thiền sắc-giới có upacārasamādhi: Tâm-cận-định trong đối-tượng paṭibhāganimitta gần bậc thiền sắc-giới.

– Giai đọan cuối: Appanābhāvanā: Tâm-an-hành chứng đắc bậc thiền sắc-giới có appanāsamādhi: Tâm-an-định vững chắc trong đối-tượng paṭibhāganimitta chứng đắc bậc thiền sắc-giới.

– Tht: * Đối-tượng thiền-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) có thật-tánh của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, có sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, có 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới,

* Chủ-thể thiền-tuệ là trí-tuệ thiền-tuệ diễn tiến qua 3 giai đọan:

– Giai đọan ban đầu: Trí-tuệ thứ nhất thấy rõ, biết rõ, phân biệt rõ thật-tánh của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp tam-giới.

– Giai đọan giữa: Trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới gồm có 9 loại thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi sắc-pháp, mỗi danh-pháp tam-giới do nhân-duyên-sinh, do nhân-duyên-diệt, hiện rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, của danh-pháp tam-giới, v.v…

– Giai đọan cuối: Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.

18- Quả báu (Ānisaṃsa)

– Thđ: Quả báu của 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới có nhiều quả báu như sau:

  1. a) Kiếp hiện-tại của hành-giả

– Nhập thiền để hưởng sự an-lạc trong bậc thiền ấy.

– Có khả năng luyện phép ngũ-thông (abhiññā).

– Làm nền tảng, làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ.

– Hỗ trợ bậc Thánh-nhân nhập Thánh-quả-tâm.

– Nếu chứng đắc đủ 9 bậc thiền (5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới) thì hỗ trợ bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán nhập diệt-thọ-tưởng, …

  1. b) Kiếp vị-lai của hành-giả

– Nếu hành-giả nào chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và các bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm giữ gìn duy trì đến lúc chết, sau khi hành-giả ấy chết, thì chỉ có thiền thiện-tâm bậc cao nào có quyền ưu tiên cho quả là thiền quả-tâm bậc cao ấy làm phận sự tái-sinh kiếp kế-tiếp, hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên, hoặc tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, tương xứng với thiền quả-tâm bậc cao ấy mà thôi.

Các thiền thiện-tâm bậc thấp còn lại đều trở thành vô hiệu quả.

– Tht: Quả báu của 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả tương xứng là 4 Thánh-quả-tâm trong cùng Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Maggavīthicitta) ấy, không có thời gian ngăn cách (akālika) như sau:

– Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm 1 sát-na-tâm diệt, liền cho quả là Nhập-lưu Thánh-quả-tâm sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm trong cùng Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm. 

– Nhất-lai Thánh-đạo-tâm 1 sát-na-tâm diệt, liền cho quả là Nhất-lai Thánh-quả-tâm sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm trong cùng Nhất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm.

– Bất-lai Thánh-đạo-tâm 1 sát-na-tâm diệt, liền cho quả là Bất-lai Thánh-quả-tâm sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm trong cùng Bất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm.

– A-ra-hán Thánh-đạo-tâm 1 sát-na-tâm diệt, liền cho quả là A-ra-hán Thánh-quả-tâm sinh 2 hoặc 3 sát-na-tâm trong cùng A-ra-hán Thánh-đạo lộ-trình-tâm.

  1. a) Kiếp hiện-tại của 4 bậc Thánh-nhân

– Nhập Thánh-quả-tâm để hưởng sự an-lạc tịch-tịnh Niết-bàn.

– Nếu bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán chứng đắc đủ 9 bậc thiền thì nhập diệt-thọ-tưởng, …

  1. b) Kiếp vị-lai của 4 bậc Thánh-nhân

– Sau khi bậc Thánh Nhập-lưu chết, tuyệt đối không tái-sinh trong 4 cõi ác-giới, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người, hoặc cõi trời dục-giới, nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Đến kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập-lưu ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

– Sau khi bậc Thánh Nhất-lai chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người, hoặc cõi trời dục-giới, 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy, bậc Thánh Nhất-lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

– Sau khi bậc Thánh Bất-lai chết, tuyệt đối không tái-sinh trở lại cõi dục-giới, mà chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào cho quả bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy. Vị phạm-thiên Thánh Bât-lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

– Bậc Thánh A-ra-hán ngay kiếp hiện-tại, đến khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

19- Người (Puggala)

– Thđ: Dù hành-giả chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới cũng vẫn còn là hạng người phàm-nhân (puthujjana).

– Tht: Hành-giả chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

– Chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

– Chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả trở thành bậc Thánh Bất-lai,

– Chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Đó là 4 bậc Thánh-nhân (ariyapuggala) trong Phật-giáo.

20- Pháp-hành (bhāvanā)

– Thđ: Pháp-hành thiền-định (samathabhāvanā) là pháp-hành có trong Phật-giáo và ngoài Phật-giáo, là pháp-hành có thể dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm. 

Nếu hành-giả nào có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, sau khi hành-giả ấy chết, thì chắc chắn đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-nghiệp gọi là phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh gọi là Phi-tưởng phi-phi-tưởng-xứ-thiên. Vị phạm-thiên trên tầng trời ấy có tuổi thọ 84.000 đại-kiếp trái đất lâu dài nhất, hưởng an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ tại tầng trời ấy, rồi đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau xuống cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới.

Năm bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 3 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm bậc thấp còn lại đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma) không có cơ hội cho quả được nữa.

– Tht: Pháp-hành thiền-tuệ (vipassanābhāvanā) là pháp-hành chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo, là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc như sau:

– Chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

– Chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

– Chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

– Chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

* Sau khi bậc Thánh Nhập-lưu chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người và cõi trời dục-giới, nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Kiếp thứ 7 ấy, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Sau khi bậc Thánh Nhất-lai chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi người hoặc cõi trời dục-giới chỉ 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy, bậc Thánh Nhất-lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Sau khi bậc Thánh Bất-lai chết, không tái-sinh trở lại cõi dục-giới, chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy. Vị phạm-thiên Thánh Bất-lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

* Bậc Thánh A-ra-hán ngay kiếp hiện-tại đến khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Như vậy, pháp-hành thiền-định và pháp-hành thiền-tuệ là 2 pháp-hành có những điểm khác biệt nhau tìm thấy được bấy nhiêu! Chắc chắn còn có điểm khác nữa.

Tuy nhiên, * hành-giả nào trước thực-hành pháp-hành thiền-định, có khả năng chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào, sau hành-giả ấy sử dụng chi-thiền lạc hoặc tâm-thiền làm đối-tượng thiền-tuệ danh-pháp, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân.

Hoặc * hành-giả nào không thực-hành pháp-hành thiền-định, hành-giả ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân.

Trong 2 hành-giả ấy, khi Thánh-đạo-tâm nào phát sinh, ắt có bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh đồng sinh với Thánh-đạo-tâm ấy.

Bát-chánh-đạo có đủ 8 chánh là chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới. Trong 8 chánh ấy, chánh-kiến thuộc về thiền-tuệ, và chánh-định thuộc về thiền-định cùng có chung đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Như vậy, nếu trường hợp bát-chánh-đạo có đủ 8 chánh đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới, thì thiền-tuệ đó là chánh-kiến và thiền-định đó là chánh-định có đối-tượng giống nhau là Niết-bàn siêu-tam-giới.

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app