CHƯƠNG V: PHÁP-HÀNH GIỚI (SĪLĀCĀRA)

Quyển II: Quy-Y Tam-Bảo gồm có 2 chương: chương III: Ân-đức Tam-bảo và chương IV: Quy-y Tam- bảo đã được trình bày xong, tiếp theo quyển III: Pháp- hành giới có 1 chương là chương V: Pháp-hành giới sẽ được trình bày:

Pháp-hành giới: Sīlācāra nghĩa là thực-hành các điều-giới của mình.

Pháp-hành trong Phật-giáo có 3 loại chính:

1- Pháp-hành giới.
2- Pháp-hành thiền-định. 3- Pháp-hành thiền-tuệ

Ba pháp-hành này có 2 loại:

– Pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ trong tam-giới (lokiyacitta).

– Pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ trong siêu-tam-giới (lokuttaracitta).

* Hành-giả thực-hành pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ trong tam-giới, cần phải thực-hành theo tuần tự như sau.

1- Pháp-hành giới thuộc về phần đầu mà hành-giả cần phải thực-hành trong giai đoạn đầu trước tiên, hành- giả có tác-ý trong đại-thiện-tâm giữ gìn giới của mình là giữ gìn thân và khẩu tránh xa 3 thân ác-nghiệp và tránh xa 4 khẩu ác-nghiệp, để thành-tựu 3 thân thiện-nghiệp và 4 khẩu thiện-nghiệp.

* Tránh xa 3 thân ác-nghiệp là:

– Tránh xa sự sát-sinh, – Tránh xa sự trộm-cắp, – Tránh xa sự tà-dâm.

* Tránh xa 4 khẩu ác-nghiệp là:

– Tránh xa sự nói-dối,
– Tránh xa sự nói lời chia rẽ, – Tránh xa sự nói lời thô tục – Tránh xa sự nói lời vô ích.

Hành-giả thực-hành pháp-hành giới đầu tiên, giữ gìn thân và khẩu trong sạch, thanh-tịnh để làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định và pháp-hành thiền-tuệ được phát triển tốt.

2- Pháp-hành thiền-định thuộc về phần giữa, hành- giả nương nhờ nơi pháp-hành giới giữ gìn thân và khẩu trong sạch, thanh-tịnh làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, để thực-hành pháp-hành thiền-định có đối-tượng thiền- định dẫn đến phát sinh an-định chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới tiếp theo chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới và các phép thần-thông tam-giới.

3- Pháp-hành thiền-tuệ thuộc về phần cuối, hành-giả nương nhờ nơi pháp-hành giới giữ gìn thân và khẩu trong sạch, thanh-tịnh làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến phát sinh trí- tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của sắc-pháp, danh-pháp, thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc- pháp, danh-pháp tam-giới, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh- đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham- ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới

Như vậy, 5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc- giới phát sinh do nương nhờ nơi pháp-hành giới trong sạch, thanh-tịnh; 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm phát sinh cũng do nương nhờ nơi pháp-hành giới trong sạch, thanh-tịnh.

Cho nên, hành-giả thực-hành pháp-hành giới đầu tiên là giữ gìn giới của mình được trong sạch thanh-tịnh, làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho tất cả mọi thiện-tâm phát sinh từ dục-giới thiện-tâm, sắc-giới thiện-tâm, vô- sắc-giới thiện-tâm, cho đến siêu-tam-giới thiện-tâm.

Vì vậy, Giới ví như mặt đất tốt màu mỡ làm nơi nương nhờ cho các loài thực vật lớn nhỏ, các loài sinh vật lớn nhỏ sinh trưởng, cả các loài thú, loài người cũng đều nương nhờ nơi mặt đất tốt màu mỡ để sinh ra và trưởng thành.

Nếu như mặt đất xấu cằn cỗi làm nơi nương nhờ thì các loài thực vật lớn nhỏ khó sinh trưởng được, các loài sinh vật lớn nhỏ cũng khó sinh trưởng được, cả các loài thú, loài người nương nhờ nơi mặt đất xấu cằn cỗi cũng khó sinh sống được.

Cho nên, pháp-hành giới là pháp-hành mà hành-giả cần phải thực-hành đầu tiên, giữ gìn giới của mình cho được trong sạch trọn vẹn làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ được phát triển tốt.

Thế nào gọi là pháp-hành giới?

Pháp-hành giới là pháp-hành mà hành-giả có tác-ý đồng sinh với đại-thiện-tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa 3 thân ác-nghiệp và 4 khẩu ác-nghiệp, để giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, gọi là pháp- hành giới.

Pháp nào gọi là giới?

Trong bộ Paṭisambhidāmagga có trình bày 4 pháp gọi là giới:

1- Cetanāsīla: Tác-ý tâm-sở gọi là tác-ý-giới.

2- Cetasikasīla: Chế-ngự tâm-sở (viraticetasika) gọi là tâm-sở-giới.

3- Saṃvarasīla: Giữ gìn thân, khẩu, ý không để ác- tâm phát sinh gọi là cẩn-trọng-giới.

4- Avītikkamasīla: Không phạm điều-giới gọi là giới.

1- Tác-ý tâm-sở gọi là giới như thế nào?

Tác-ý tâm-sở (cetanā) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa 3 thân ác-nghiệp, 4 khẩu ác-nghiệp gọi là tác-ý-giới.

2- Chế-ngự tâm-sở gọi là giới như thế nào?

Chế-ngự tâm-sở (viraticetasika) có 3 loại:

– Chánh-ngữ tâm-sở (sammāvācā cetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm nói lời chân-chánh, là tránh xa sự nói-dối, mà nói lời chân thật; tránh xa sự nói lời chia rẽ, mà nói lời hoà hợp; tránh xa sự nói lời thô tục, mà nói lời dịu dàng; tránh xa sự nói lời vô ích, mà nói lời hữu ích.

– Chánh-nghiệp tâm-sở (sammākammanta cetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm hành nghiệp chân-chánh là tránh xa sự sát-sinh, mà phóng sinh; tránh xa sự trộm-cắp, mà làm phước-thiện bố-thí; tránh xa sự tà-dâm, mà bảo vệ hạnh phúc gia đình.

– Chánh-mạng tâm-sở (sammā-ājīva cetasika) đồng sinh với 8 đại-thiện-tâm tránh xa cách sống tà-mạng do thân hành ác-nghiệp, do khẩu nói ác-nghiệp, mà chỉ nuôi mạng chân-chánh bằng thân hành đại-thiện-nghiệp, khẩu nói đại-thiện-nghiệp mà thôi.

Chế ngự (virati) gọi là giới có 3 trường hợp:
– Sampattavirati: Chế ngự tránh xa ác-nghiệp khi tiếp xúc với đối-tượng đang hiện hữu.
– Samādānavirati: Chế ngự tránh xa ác-nghiệp do đã thọ trì giới.
– Samucchedavirati: Chế ngự tránh xa ác-nghiệp một cách đoạn-tuyệt là diệt tận được ác-nghiệp do khả năng đặc biệt của Thánh-đạo-tuệ của bậc Thánh-nhân.

* Sampattavirati: Chế ngự tránh xa ác-nghiệp khi tiếp xúc với đối-tượng đang hiện hữu như thế nào?

Trường hợp một người nào chưa xin thọ trì giới, đến khi gặp phải đối tượng có thể làm cho phạm-giới, người ấy vốn là bậc thiện-trí học nhiều hiểu rộng, có trí-tuệ, biết tự răn dạy mình rằng:

“Ta chớ nên tạo ác-nghiệp, bởi vì ác-nghiệp chỉ làm khổ mình, khổ chúng-sinh khác mà thôi.”

Sở dĩ người ấy có sự nhận thức đúng đắn như vậy là nhờ sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống đạo đức, được giáo dục tốt, nên khi trưởng thành, người ấy là bậc thiện-trí có trí-tuệ sáng suốt biết hổ-thẹn tội-lỗi và biết ghê-sợ tội-lỗi, có tâm từ, tâm bi đối với tất cả chúng-sinh. Ví dụ:

* Tích cậu Cakkana ở đảo Sihaḷa (nước Srilankā), được tóm lược như sau:

Mẹ của cậu Cakkana bị lâm bệnh, người anh sai bảo cậu Cakkana vào rừng săn bắt một con thỏ đem về để làm thuốc chữa bệnh cho mẹ. Cậu Cakkana vâng lời mang lưới vào rừng, giăng lưới bắt thỏ. Thấy một con thỏ đang đi ăn cỏ, cậu liền vây đuổi làm cho con thỏ hoảng sợ cắm đầu chạy về phía trước để lánh nạn, nó bị mắc lưới, kêu: ‘kiri! kiri!’ vùng vẫy sợ chết.

Cậu Cakkana nghe tiếng thỏ kêu, chạy đến bắt con thỏ và nghĩ rằng:

“Ta đem con thỏ này về giết chết để làm thuốc chữa bệnh cho mẹ ta.”

Nhìn thấy con thỏ run rẩy đau khổ sợ chết, cậu phát sinh tâm bi thương xót chúng-sinh, nên nghĩ lại rằng:

“Mọi chúng-sinh đều muốn sống, muốn duy trì sinh- mạng, đều sợ chết.

Vậy, ta không nên giết chết con thỏ này để làm thuốc trị bệnh cho mẹ ta.”

Cậu Cakkana buông thả con thỏ để nó chạy trở lại vào rừng, rồi trở về với tâm thanh thản và nhẹ nhàng.

Thấy cậu, người anh liền hỏi:
– Này em! Sao em không bắt được con thỏ nào cả?

Cậu Cakkana thuật lại sự việc đã xảy ra, cậu liền bị người anh trách mắng. Cậu đến bên cạnh người mẹ hiền, phát nguyện bằng lời chân thật rằng:

“Từ khi con sinh ra, trưởng thành cho đến hôm nay, con chưa từng có tác-ý giết chết một chúng-sinh nào.

Do lời chân thật này, xin cho mẹ hiền của con khỏi căn bệnh này.”

Thật là lạ thường! Do năng lực lời phát nguyện chân- thật của cậu Cakkana, căn bệnh của người mẹ chẳng bao lâu đã được khỏi hẳn.

Đó là trường hợp chế ngự tránh xa ác-nghiệp khi tiếp xúc với đối-tượng đang hiện hữu.

* Samādānavirati: Chế ngự tránh xa ác-nghiệp do đã thọ trì giới như thế nào?

Trường hợp người cận-sự-nam, cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đã xin thọ phép quy-y Tam-bảo và đã thọ trì ngũ-giới, …

Sau đó, gặp phải đối-tượng có thể làm cho phạm điều- giới của mình, nhưng người cận-sự-nam, cận-sự-nữ ấy niệm tưởng lại các điều-giới mà mình đã thọ trì, nên quyết tâm giữ gìn điều-giới ấy cho trong sạch trọn vẹn, dù phải hy sinh sinh-mạng, chứ không để phạm điều- giới ấy, bởi vì nhận thức biết rõ điều-giới ấy quý hơn sinh-mạng của mình.

* Tích người cận-sự-nam Uttaravaḍḍhamāna(1) được tóm lược như sau:

Một buổi sáng, cận-sự-nam Uttaravaḍḍhamāna đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Buddharakkhita, xin thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới xong, xin phép Ngài Trưởng-lão trở về nhà, dắt bò ra đồng cày ruộng.

Cày xong, ông thả con bò cho đi ăn cỏ, con bò đi lạc đường. Người cận-sự-nam đi tìm theo dấu chân bò dọc theo ven núi, chẳng may bị một con trăn lớn siết chặt vào người. Khi ấy, trong người cận-sự-nam có mang theo một con dao bén và nhọn bên mình, ông bèn nghĩ rằng:page60image4110231360

“Ta rút con dao này cắt cổ con trăn này.” Ông chợt nhớ lại rằng:

“Sáng hôm nay ta đã thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ trì ngũ-giới nơi Ngài Trưởng-lão Buddharakkhita, ta nên giữ gìn ngũ-giới cho trong sạch và trọn vẹn, không nên phạm điều-giới sát-sinh.”

Con trăn càng lúc càng xiết mạnh, làm cho thân mình ông vô cùng đau đớn, ông lại nghĩ đến việc rút con dao bén giết chết con trăn, để cứu sinh-mạng của mình, nhưng ông lại nghĩ lại như lần trước, nên không giết chết con trăn.

Mãi cho đến lần thứ ba, lần này ông suy xét rằng: “Sở dĩ, bao nhiêu lần ta định giết chết con trăn này, là vì ta ỷ lại trong mình ta có con dao.”

Nghĩ vậy, người cận-sự-nam rút con dao ném ra xa, rồi phát nguyện rằng: “Thà rằng ta chịu hy sinh sinh-mạng để giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn, ta quyết tâm không để phạm điều-giới”.

Do năng lực của sự giữ gìn giới trong sạch, khiến con trăn từ từ buông ra khỏi mình ông, rồi bò vào rừng.

Đó là trường hợp chế ngự tránh xa ác-nghiệp do đã thọ trì ngũ-giới.

* Samucchedavirati: Chế ngự tránh xa ác-nghiệp một cách đoạn-tuyệt như thế nào?

Trường hợp hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh theo tuần tự đến trí-tuệ thiền- tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là Thánh-đạo-tuệ trong Thánh-đạo-tâm có đối-tượng Niết-bàn, nên diệt tận được tham-ái, phiền-não, ác-nghiệp. Loại tham-ái nào, phiền-não nào, ác-nghiệp nào đã bị diệt tận được do khả năng đặc biệt của Thánh-đạo-tuệ nào rồi, loại tham-ái ấy, phiền-não ấy, ác-nghiệp ấy vĩnh viễn không bao giờ phát sinh trở lại được nữa.

Đó là trường hợp chế ngự tránh xa ác-nghiệp một cách đoạn-tuyệt đối với 4 bậc Thánh-nhân.

3- Giữ gìn thân, khẩu, ý không để ác-tâm phát sinh gọi là giữ gìn giới như thế nào?

Giữ gìn thân, khẩu, ý không để ác-tâm sinh có 5 loại:

1- Pātimokkhasaṃvara là cẩn trọng giữ gìn thân và khẩu với tác-ý trong đại-thiện-tâm giữ gìn 227 điều-giới trong giới bổn tỳ-khưu (bhikkhupātimokkhasīla) trong sạch và trọn vẹn bằng đức-tin (saddhā).

2- Satisaṃvara là cẩn trọng giữ gìn 6 môn: nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn, ý môn không để ác-tâm phiền-não phát sinh, thuộc về giới cẩn trọng trong 6 môn trong sạch thanh-tịnh bằng chánh-niệm (sammāsati).

3- Ñāṇasaṃvara là cẩn trọng giữ gìn giới với trí-tuệ ngăn chặn phiền-não tham, sân, si,… không cho phát sinh trong tâm, thuộc về giới quán triệt 4 thứ vật dụng thanh-tịnh (y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh) bằng trí-tuệ quán triệt (ñāṇa).

4- Khantisaṃvara là cẩn trọng giữ gìn giới với tâm nhẫn-nại dù khi tiếp xúc với đối-tượng trái ý nghịch lòng mà sân-tâm vẫn không phát sinh, chỉ có đại-thiện-tâm phát sinh mà thôi.

5- Vīriyasaṃvara là cẩn trọng giữ gìn với tâm tinh- tấn ngăn ác-pháp chưa sinh, không phát sinh, tinh-tấn diệt ác-pháp đã sinh, tinh-tấn làm cho thiện-pháp chưa sinh, được phát sinh, tinh-tấn làm tăng trưởng thiện- pháp đã phát sinh; thuộc về giới nuôi mạng thanh-tịnh bằng tinh-tấn (vīriya).

4- Không phạm điều-giới gọi là giới như thế nào?

Sau khi đã thọ trì giới xong rồi, hành-giả có đức-tin trong sạch, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, có tác- ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, dù phải hy sinh sinh-mạng của mình, quyết tâm giữ gìn, bảo vệ giới cho trong sạch và trọn vẹn, không để phạm điều-giới nào.

Như vậy, giữ gìn bảo vệ điều-giới không để bị phạm gọi là giới (avītikkamasīla).

Trong bộ Paṭisambhidāmagga trình bày giới có 3 loại:

1- Kusalasīla: Giới-thiện là tác-ý tâm-sở đồng sinh với thiện-tâm.

2- Akusalasīla: Giới-bất-thiện (giới-ác) là tác-ý tâm- sở đồng sinh với bất-thiện-tâm (ác-tâm).

3- Abyākatasīla: Giới không-thiện không-ác là tác-ý tâm-sở đồng sinh với quả-tâm và duy-tác-tâm.

Trong 3 loại giới này, giới cần giữ gìn cho được trong sạch và trọn vẹn thuộc giới-thiện (kusalasīla) là tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm giữ gìn giới của mình cho được trong sạch trọn vẹn.

Ý Nghĩa Của Giới (Sīla)

Giới có nhiều ý nghĩa:

* Sīla: Giới có ý nghĩa là sīlana: hành.

Sīlana: hành có 2 ý nghĩa.

1-Samādhāna: pháp-hành giới mà hành-giả có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm thực-hành giữ gìn thân và khẩu tránh xa 3 thân ác-nghiệp, tránh xa 4 khẩu ác-nghiệp, thành-tựu 3 thân thiện-nghiệp, 4 khẩu thiện- nghiệp, làm cho thân và khẩu được tự nhiên đàng hoàng.

Người hành giới có thân hành điều thiện, khẩu nói điều thiện, nên cử chỉ hành động của thân đàng hoàng tự nhiên đáng kính, nói năng nhã nhặn đáng yêu.

2- Upadhāraṇa: pháp-hành giới trong sạch để làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ được phát triển và tăng trưởng.

Pháp-hành giới là pháp-hành có khả năng diệt được phiền-não loại thô (vītikkamakilesa) không biểu hiện ra nơi thân và khẩu, nên giới được trong sạch thanh-tịnh.

* Giới thanh-tịnh làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định được phát triển.

Pháp-hành thiền-định có khả năng diệt được phiền- não loại trung (pariyuṭṭhānakisela) ở trong tâm đó là 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa) dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới.

* Giới thanh-tịnh làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-tuệ được phát triển từ trí-tuệ thiền- tuệ tam-giới (lokiyavipassanā), cho đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới (lokuttaravipassanā), chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót.

Pháp-hành thiền-tuệ có khả năng đặc biệt diệt tận được phiền-não loại vi-tế (anusayakilesa) ngấm ngầm trong tâm đó là 7 loại phiền-não ngấm ngầm trong tâm (anusaya) chưa phát sinh ra ở tâm.

Như vậy, giới trong sạch trọn vẹn ví như mặt đất tốt màu mỡ là nơi nương nhờ của các loài thảo mộc, các sinh vật, các loài thú, loài người sinh trưởng.

Định và tuệ ví như các giống cây ăn trái nương nhờ nơi đất tốt màu mỡ để sinh trưởng, rồi đơm hoa kết trái.

Sīla: Giới còn có các ý nghĩa khác như: * Sīla: Giới có nghĩa là sira: cái đầu.

Trong thân thể mỗi chúng-sinh nói chung, mỗi người nói riêng, cái đầu là phần quan trọng nhất.

Thật vậy, trong thân thể con người, dù bị chặt tay, chặt chân, … người ấy vẫn còn sinh-mạng (còn sống); nhưng khi người ấy bị đứt đầu, thì đồng thời mất sinh- mạng (chết).

Cũng như vậy, giới dẫn đầu mọi thiện-pháp, giới làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho pháp-hành thiền-định,pháp-hành thiền-tuệ, để cho mọi thiện-tâm được phát sinh từ dục-giới thiện-tâm, sắc-giới thiện-tâm, vô-sắc- giới thiện-tâm, cho đến siêu-tam-giới thiện-tâm đó là 4 Thánh-đạo-tâm.

Nếu không có giới hoặc giới bị đứt, thì tất cả mọi thiện-tâm không có nơi nương nhờ để phát sinh lên được.

* Sīla: Giới có nghĩa là sītala: Mát mẻ, thanh-tịnh.

Phiền-não làm cho tâm nóng nảy, rồi khiến cho thân nóng nảy, khẩu nóng nảy. Hành-giả có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm giữ gìn giới của mình, nên chế ngự, đè nén, diệt được phiền-não loại thô không thể phát sinh, không biểu hiện ra nơi thân và khẩu.

Vì vậy, giữ gìn giới làm cho thân và khẩu được mát mẻ thanh-tịnh.

Ý Nghĩa Pháp-Hành Giới

* Sīla: Giới có nghĩa là pakati(1): thường, thói quen.

Chữ sīla ghép với những danh từ như:
– Ayaṃ sukhasīlo: Người này thường được an-lạc.
– Ayaṃ dukkhasīlo: Người này thường chịu đau khổ.
– Ayaṃ kalahasīlo: Người này có thói quen hay cãi cọ.
– Ayaṃ maṇḍanasīlo: Người này có thói quen thích 
trang điểm.
– Sīlabbata (sīla+vata): Cử chỉ hành động cách sống theo thói quen như loài bò, loài chó, …
– Sīlabbatupādāna (sīla + vata + upādāna): Tà-kiến chấp-thủ trong pháp thường-hành, nghĩa là số tu-sĩ ngoại-đạo thực-hành pháp thường-hành theo thói quen như loài bò, loài chó, … như ăn, uống, đi, đứng, v.v… có tà-kiến chấp-thủ trong pháp thường-hành ấy, rồi tự cho rằng sẽ được tái-sinh lên cõi trời, sẽ giải thoát khổ, v.v…

Như vậy, gọi là Sīlabbatupādāna: tà-kiến chấp thủ trong pháp thường-hành.

– Sīlabbataparāmāsa (sīla+vata+parāmāsa): tà-kiến chấp-thủ trong pháp thường-hành của mình, nghĩa là số tu-sĩ ngoại đạo thực-hành pháp thường-hành theo thói quen cách sống như loài bò, loài chó, … như ăn, uống, đi, đứng, v.v…, có tà-kiến chấp-thủ trong pháp thường- hành theo thói quen ấy, rồi tự cho rằng sẽ được tái-sinh lên cõi trời, sẽ giải thoát khổ, …

Như vậy, gọi là sīlabbataparāmāsa: tà-kiến chấp-thủ trong pháp-thường-hành của mình.

4 Tính Chất Của Giới

Để nhận thức rõ về giới, cần phải căn cứ vào 4 tính chất của giới:

1- Trạng-thái của giới (lakkhaṇa).
2- Phận sự của giới (rasa).
3- Quả hiện hữu của giới (paccupaṭṭhāna). 4- Nhân gần phát sinh giới (padaṭṭhāna).

1- Trạng-thái của giới như thế nào?

Giới tuy có nhiều loại, nhưng đều có chung 2 trạng-thái:

– Trạng-thái giữ gìn thân, khẩu hành thiện đàng hoàng.

– Trạng-thái làm nền tảng, làm nơi nương nhờ cho mọi thiện-pháp phát sinh, nhất là pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ được phát triển và tăng trưởng.

2- Phận sự của giới như thế nào?

Giới có 2 phận sự:

– Có phận sự diệt sự phạm giới.
– Có phận sự hỗ trợ cho mọi thiện-pháp phát triển tốt.

3- Quả hiện hữu của giới như thế nào?

Quả hiện hữu của giới là thân hành điều thiện, khẩu nói điều thiện, ý nghĩ điều thiện.

4- Nhân gần của giới như thế nào?

Giới được phát sinh do nhờ 2 nhân gần:

– Hiri: biết hổ-thẹn tội-lỗi: Tự mình biết hổ-thẹn tội- lỗi, cho nên tránh xa mọi ác-nghiệp, tinh-tấn thực-hành mọi thiện-nghiệp.

– Ottappa: biết ghê-sợ tội-lỗi: Biết sợ các bậc thiện-trí chê trách, biết sợ khổ trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a-su- ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, cho nên tránh xa mọi ác-nghiệp, tinh-tấn thực-hành mọi thiện-nghiệp.

Các Loại Giới

Giới của 2 hạng người:

1- Gahaṭṭhasīla: Giới của người tại gia.

2- Pabbajitasīla: Giới của bậc xuất-gia.

1- Giới của người tại gia: Có nhiều loại:

– Ngũ-giới.
– Bát-giới Uposathasīla.
– Cửu-giới Uposathasīla.
– Thập-giới của người tại gia.

2- Giới của bậc xuất-gia: sa-di-giới và tỳ-khưu-giới:

* Sa-di-giới có các giới như:

– 10 sa-di-giới.
– 10 giới hoại phẩm hạnh sa-di.
– 10 giới hành phạt sa-di.
– 75 điều-giới hành của sa-di.
– 14 pháp-hành của sa-di, tỳ-khưu.

* Tỳ-khưu-giới có 4 thanh-tịnh-giới

1- Pātimokkhasaṃvarasīla: Giữ gìn giới giải thoát khổ có 227 điều-giới trong Bhikkhupātimokkhasīla.

Nếu tính đầy đủ theo Tạng-luật thì tỳ-khưu-giới gồm có 91.805.036.000 điều-giới. Giới thanh-tịnh do nhờ đức-tin.

2- Indriyasaṃvarasīla: Giữ gìn giới cẩn trọng 6 môn, nghĩa là ngăn ác-pháp nương nhờ nơi 6 môn: nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn, ý-môn mà phát sinh, do nhờ chánh-niệm.

3- Ājīvapārisuddhisīla: Giữ gìn giới nuôi mạng thanh- tịnh, nghĩa là tránh xa cách sống tà-mạng, do thân hành ác-nghiệp, khẩu nói ác-nghiệp, mà sống theo chánh- mạng, do nhờ tinh-tấn,

4- Paccayasannissitasīla: Giữ gìn giới khi nương nhờ dùng 4 thứ vật dụng: y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh, do nhờ trí-tuệ quán triệt 4 thứ vật dụng cần thiết hằng ngày đêm.

* Giới của tu-nữ có các giới như:

– Bát-giới Uposathasīla là thường-giới suốt đời tu-nữ.

– Thập-giới của tu-nữ.

Tóm tắt phần giới của người tại-gia và phần giới của bậc xuất-gia sa-di, tỳ-khưu, tu-nữ.

Trong quyển Pháp-hành giới nhỏ này chỉ giảng giải rộng về phần giới của người tại-gia, còn phần giới của bậc xuất-gia sa-di, tỳ-khưu nhiều chi tiết quá, nên chỉ giảng giải tóm lược mà thôi.

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app