PHẠM TỘI (ĀPATTI)

Tội phát sanh vì sự dể duôi điều học mà đức Chánh Biến Tri đã cấm chế[15] gọi là phạm tội. Phạm tội ấy, gọi theo tên có 7: bất cộng trụ (pārājika), tăng tàn (saṅghādisesa), trọng tội (thullaccaya), ưng đối trị (pācittiya), ưng phát lộ (pāṭidesaniya), tác ác (dukkata); ác ngữ (dubbhāsita).

Tội bất cộng trụ mà tỳ khưu phạm rồi, chẳng còn làm tỳ khưu được nữa. Tội tăng tàn, nếu tỳ khưu phạm rồi, phải chịu hình phạt cấm phòng rồi mới khỏi tội. Còn 5 tội sau, khi tỳ khưu đã phạm phải cung xưng sám hối giữa tăng, hoặc 2, 3 vị tỳ khưu, hoặc 1 vị tỳ khưu, rồi mới hết tội.

  • Thể thức phạm tội (āpattāpajjanākāra).

Thể thức mà tỳ khưu phạm các tội có 6: 1) phạm vì không hổ thẹn (alajjitā); 2) phạm vì không biết tội (aññāṇatā) là không biết rằng làm thế này, thế kia mà phạm; 3) phạm vì hoài nghi mà vẫn làm (kukkuccapakatatta); 4) phạm vì tưởng là nên trong điều không nên (akappiyekappiyasaññitā); 5)phạm vì tưởng là không nên trong điều nên (kappiyeakappiyasaññitā); 6) phạm vì quên (satisammosā).

Chú giải: Nguyên nhân phạm tội có 6 điều ấy như vầy:

1)    Phạm vì không hổ thẹn tội, là tỳ khưu không biết xấu hổ tội, vì lòng riêng tư thương riêng (chandāgati), giận riêng (dosāgati), lầm riêng (mohāgati), sợ riêng (bhāyāgati), mà phạm các điều học nhỏ, lớn, không biết xấu hổ, như thế gọi là phạm tội vì không biết xấu hổ.

2)    Phạm vì không thông luật cấm: tỳ khưu ngu dốt, không biết rằng điều nào không nên làm rồi lầm lạc, làm điều ấy, điều nào nên làm lại làm sai, quá pháp luật, cho phát sanh tội, hoặc không biết điều học của Phật chế cấm rồi làm như thế, gọi là phạm tội vì sự không thông.

3)    Phạm vì hoài nghi: tỳ khưu có sự nghi ngờ, không hỏi luật sư cầu xin quyết định trước rồi mới nên làm, như thế, rồi làm theo ý riêng của mình, vì sự nghi nan nên phạm tội. Khi đã nghi rồi, dù làm điều nên hoặc không nên, cũng không khỏi tội; đều đủ mỗi điều học, điều nào về tăng tàn, trọng tội, ưng đối trị hoặc tác ác thì phạm theo điều ấy, như thế gọi là phạm tội vì hoài nghi.

4)    Phạm do tưởng trong điều không nên cho là nên: tỳ khưu tưởng trong thịt không nên dùng là như thịt gấu, cọp mà tưởng là thịt heo, hoặc thịt bò là thịt nên dùng, rồi ăn thì phạm tội, hoặc vật thực không nên dùng tưởng là nên dùng, rồi ăn thì phạm tội, hoặc đã chinh xế rồi tưởng là còn sớm, rồi thọ thực thì phạm tội, như thế gọi là phạm tội vì tưởng trong vật thực không nên cho là nên.

5)    Phạm vì tưởng trong vật nên dùng cho là không nên là: tỳ khưu tưởng trong thịt nên dùng, như thịt heo, bò, cho là thịt gấu, thịt cọp không nên dùng, rồi ăn vào thì phạm tội, hoặc ngày còn sớm tưởng là xế, rồi thọ thực vào thì phạm tội, như thế gọi là: phạm tội vì tưởng trong vật thực nên dùng cho là không nên.

6)    Phạm vì quên là: tỳ khưu nằm ngủ trong nơi lợp, che với người chưa tu lên bậc tỳ khưu đến 3 đêm, qua đêm thứ tư, rồi quên đi nằm, ngủ chung trong nơi lợp, che nữa thì phạm tội hoặc quên, lìa xa 1 trong 3 y nào thì phạm tội; hoặc thọ thuốc (đường, mật, sữa…) rồi cất giữ quá 7 ngày, thì phạm tội; hoặc thọ y dư để quên không gởi hoặc không cho đến kẻ khác quá 10 ngày thì phạm tội ưng xả đối trị, như thế gọi là phạm tội vì quên.

  • Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna).

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) trong các điều học có 6: 1) thân, 2) khẩu, 3) thân và khẩu, 4) thân và ý, 5) khẩu và ý, 6) thân, khẩu và ý.

Tội chỉ sanh nơi thân hoặc chỉ sanh nơi khẩu là 1 chỗ sanh, như thế gọi có 1 chi (anga). Sanh nơi thân chung với khẩu, hoặc sanh nơi thân chung với ý, hoặc sanh nơi khẩu chung với ý, là 1 chỗ sanh, như thế gọi là có 2 chi. Sanh nơi thân chung với khẩu và ý là 1 chỗ sanh, như thế gọi là có 3 chi. 3 chỗ sanh trước là thân, khẩu, thân và khẩu gọi là chỗ sanh “không cố ý”[16] (acittaka samuṭṭhāna), nghĩa là: chỗ sanh của tội “không cố ý” không lẫn lộn với ý. Ba chỗ sanh sau là: thân-ý, khẩu-ý, thân-khẩu-ý gọi là chỗ sanh cố ý nghĩa là “chỗ sanh tội cố ý” lẫn lộn với ý.

Tội trong điều học mà tỳ khưu dầu không cố ý cũng phạm gọi là “vô ý” (acittaka). Nếu cố ý, gọi là “cố ý” (sacittaka).

Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm chỉ vì chỗ sanh thứ tư là thân-ý, như trong điều học “bất cộng trụ thứ nhất” (dâm dục) (pathama pārājika); chỉ phạm vì chỗ sanh thứ 5 là khẩu ý như trong điều học “thuyết pháp đến phụ nữ” (dhammadesanā sikkhāpada); chỉ phạm vì chỗ sanh thứ 6, là thân khẩu ý như trong điều học “chia rẽ tăng” (saṅghabheda sikkhāpada), ba chỗ sanh này gọi là 1 chỗ sanh.

Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì chỗ sanh thứ 1 (thân) hoặc thứ 4 (thân-ý) như trong điều học “tỳ khưu thọ lông cừu” (elakaloma sikkhāpada); phạm vì chỗ sanh thứ 2 (khẩu) hoặc thứ 5 (khẩu-ý) như trong điều học “dạy kệ đến người chưa tu bậc tỳ khưu” (upasampanna) (pada dhamma sikkhāpada); phạm vì chỗ sanh thứ 3 (thân-khẩu) hoặc thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong điều học “lễ dâng y thứ nhất”[17] (pathama kaṭhina); phạm vì chỗ sanh thứ 4 (thân-ý); hoặc thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong “điều học trốn quan thuế” (theyya sattha sikkhāpada); phạm vì chỗ sanh thứ 5 (khẩu-ý) hoặc thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong điều học “tỳ khưu ni không hỏi trước mà làm lễ xuất gia cho phụ nữ có tội” (corivutthapana sikkhāpada); 5 điều học này gọi là “có 2 chỗ sanh”.

Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì chỗ sanh thứ 1 (thân), thứ 2 (khẩu), thứ 3 (thân-khẩu) như trong điều học “tỳ khưu nói thiệt pháp cao nhơn” (bhūtārocana sikkhāpada); phạm tội vì chỗ sanh thứ 4 (thân-ý), thứ 5 (khẩu-ý) hoặc thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong điều học trộm cắp (adinnādāna sikkhāpada). Ðiều học này gọi là có “3 chỗ sanh”.

Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì chỗ sanh thứ 1 (thân), thứ 3 (thân-khẩu), thứ 4 (thân-ý), thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong điều học “tỳ khưu đi đường xa chung cùng tỳ khưu ni” (addhāna sikkhāpada); phạm vì chỗ sanh thứ 2 (khẩu), thứ 3 (thân-khẩu), thứ 5 (khẩu-ý), thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong điều học “tỳ khưu ni làm lễ xuất gia cho phụ nữ mà cha mẹ chưa cho phép” (ananaññāta sikkhāpada); 2 điều học này gọi là “có 4 chỗ sanh”.

Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì chỗ sanh thứ 1 (thân), thứ 2 (khẩu), thứ 3 (thân- khẩu), thứ 4 (thân-ý), thứ 5 (khẩu-ý), thứ 6 (thân-khẩu-ý) như trong điều học “làm mai dong” (sañcarita sikkhāpada); điều học này gọi là “có 6 chỗ sanh”.

Tất cả điều học, nói về chỗ sanh tội có 13, cả 13 tội ấy có 13 tên, do chỗ sanh theo điều học chế ra lần đầu tiên như vầy “chỗ sanh điều học bất cộng trụ thứ nhất” (paṭhama pārājika samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học trộm cắp” (adinnādāna samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học làm mai dong” (sañcarita samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học tụng lời khuyên răn” (samanubhāsana samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học lễ dâng y lần thứ nhất” (paṭhama kathina samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học tỳ khưu thọ lông cừu” (elakaloma samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học tỳ khưu đi đường xa chung cùng tỳ khưu ni” (addhāna samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học trốn quan thuế” (theyyasattha samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học thuyết pháp đến phụ nữ “(dhammadesanā samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học tỳ khưu nói thiệt pháp bậc cao nhơn” (bhūtārocana samuṭṭhāna), “chỗ sanh điều học tỳ khưu ni làm lễ xuất gia cho phụ nữ mà cha mẹ chưa cho phép” (ananuññātasamuṭṭhāna):

Phạm tội phát sanh trong điều học do thân và ý, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học bất cộng trụ thứ nhất” (paṭhama pārājika samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh vì cố ý (3 chỗ sanh phía trước), điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học trộm cắp” (adinnādāna samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do cả 6 chỗ sanh, điều học ấy gọi là chỗ sanh điều học “chỗ sanh điều học làm mai dong” (sacañrita samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học chỉ phát sanh do 1 chỗ sanh thứ 6, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học tụng lời khuyên răn” (samanubhāsana samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do chỗ sanh thứ 3 và thứ 6, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học lễ dâng y lần thứ nhất” (paṭhama kaṭhina samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do chỗ sanh thứ 1 và thứ 4, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học tỳ khưu thọ lông cừu” (elakaloma samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do chỗ sanh thứ 2 và thứ 5, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học dạy kệ đến người chưa tu lên bậc tỳ khưu” (padasodhamma samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do chỗ sanh thứ 1, thứ 3, thứ 4 và thứ 6, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học tỳ khưu đi đường xa chung cùng tỳ khưu ni (addhāsa samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học chỉ phát sanh do 1 chỗ sanh thứ 5, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học thuyết pháp đến phụ nữ “(dhammadesanā samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do 3 chỗ sanh vô ý phía trước, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học nói thiệt pháp bậc cao nhơn” (bhūtārocana samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do chỗ sanh thứ 5 và thứ 6, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học tỳ khưu ni làm lễ xuất gia cho phụ nữ có tội” (corivutthāpana samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do chỗ sanh thứ 2, thứ 3, thứ 5 và thứ 6, điều học ấy gọi là “chỗ sanh điều học tỳ khưu ni làm lễ xuất gia cho phụ nữ mà chưa có lịnh cha mẹ cho” (ananuññatasamuṭṭhāna).

Về tiếng gọi là “vì thể thức có chỗ sanh” ấy là nói về: làm (kiriyā), tưởng (saññā), ý (citta), tội (vajja), nghiệp (kamma), tít cá (tikka), dạy người làm (aṇatti), theo thứ tự như vầy:

Phạm tội trong các điều học vì làm (kiriyā) có 5: 1) phạm vì làm (kiriyā); 2) phạm vì không làm (akiriyā); 3) phạm vì làm và không làm (kiriyā akiriyā); 4) phạm vì làm cũng có, không làm cũng có (siyā kiriyā siyā akiriyā); 5) phạm vì làm cũng có, làm và không làm cũng có (siyākiriyā siyākiriyā kiriyā).

Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm do thân hoặc khẩu, như trong điều học “tỳ khưu đào đất” (paṭhavikhana sikkhāpada), điều học ấy gọi là phạm vì làm (kiriyā). Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì không làm, nghĩa là: tự mình phải làm hoặc phải nói mà không làm không nói, như trong điều học “lễ dâng y lần thứ nhất” (paṭhama kaṭhina sikkhāpada) không làm dấu và đặt tên, cất giữ y quá 10 ngày, như thế điều học ấy, gọi là phạm vì không làm (akiriyā). Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì làm và không làm như trong điều học “thọ y nơi tay tỳ khưu ni không phải bà con” (civara paṭiggahaṇa sikkhāpada) không đổi trước[18] mới phạm tội, điều học này gọi là “phạm vì làm và không làm” (kiriyā kiriyā). Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì làm cũng có và không làm cũng có, như trong điều học “thọ bạc vàng châu báu…” (rūpiya paṭiggahaṇa sikkhāpada), có tỳ khưu phạm vì làm cũng có là thọ bạc vàng châu báu…, có tỳ khưu phạm vì không làm cũng có, là không ra dấu ngăn cản bạc vàng, châu báu… mà người đem đến dâng cho, điều học này gọi là “phạm vì làm cũng có, không làm cũng có” (siyā kiriyā siyā akiriyā). Tội trong điều học mà tỳ khưu phạm vì làm cũng có, vì làm và không làm cũng có như trong điều học “tỳ khưu cất thất tô bằng vôi, hoặc bằng đất sét” (kutikāra sikkhāpada), có khi phạm tội vì cho tăng chỉ chỗ, rồi làm thất lớn quá hạn định, điều học này gọi là “phạm vì làm cũng có, vì làm và không làm cũng có” (siyā kiriyā siyākiriyā akiriyā).

Lại nữa, các điều học nói về ý tưởng (saññā) có 2 là: 1) khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha); 2)không khỏi phạm vì tưởng (no saññāvimokkha).

Trong điều học khỏi phạm vì tưởng, là không phạm vì tưởng là không phạm tội, như nước có côn trùng mà tưởng rằng không có rồi uống, không phạm tội; điều học này gọi là “khỏi phạm vì tưởng” (saññāvimokkha). Trong điều học không khỏi tội vì tưởng, như mặt trời đã chinh xế mà tưởng rằng chưa rồi dùng vật thực thì phạm tội; điều học này gọi là “không khỏi phạm vì tưởng (nosaññāvimokkha).

Lại nữa, các điều học nói về ý có 2: cố ý (sacittaka) và vô ý (acittaka).

Phạm tội trong điều học phát sanh do 3 “chỗ sanh cố ý” (sacittaka samuṭṭhāna), “thân-ý, khẩu-ý, thân-khẩu-ý”, không lầm lộn với “chỗ sanh vô ý” (acittaka samuṭṭhāna). Ðiều học này gọi là “chỗ sanh cố ý” (sacittaka samuṭṭhāna). Phạm tội trong điều học phát sanh do 3 “chỗ sanh vô ý” (acittaka samuṭṭhāna) là thân, khẩu, thân và khẩu. Ðiều học như thế gọi là vô ý (acittaka).

Điều học nào khỏi phạm vì tưởng (saññāvimokkha), điều học ấy gọi là cố ý (sacittaka). Điều học nào không khỏi phạm vì tưởng (nosaññāvimokkha), điều học ấy gọi là vô ý (sacittaka).

Lại nữa, các điều học nói về tội có 2: tội vì đời (lokavajja); tội vì Phật cấm (pannattivajja).

Phạm tội trong điều học nào, dầu là vô ý, như điều học uống rượu (surāpana sikkhāpada), ý trong thời phạm về phần vô ý, dầu tỳ khưu không biết là rượu, rồi cho vào khỏi cổ thì phạm tội, ấy là ác tâm về gốc xan tham (lobhamūla). Ðiều học này gọi là phạm tội vì đời (lokavajja), là tội mà bậc trí tuệ nên lánh, nên khinh khi trong đời.

Còn nói cố ý biết vật không nên dùng, như biết là rượu rồi uống vì ý tham, không nói về cái ý biết luật cấm là biết rằng không nên, nếu đã biết là không nên mà không tuân lịnh Phật, làm sái điều học vì ý nào, ý ấy (ý bất bình, bực bội) là gốc tội. Cho nên điều học uống rượu (surāpana sikkhāpada), điều học “tỳ khưu đi xem động binh đao” (uyyutta sikkhāpada) và điều học “tỳ khưu đi đến nơi chiến trường” (uyyudhika sikkhāpada) mới gọi là vô ý, có tội về đời. Còn ý biết điều tội trong điều học nào dầu là lành, điều học ấy gọi tội vì Phật cấm, là có tội mà bậc trí tuệ nên lánh vì Phật cấm.

Lại nữa, các điều học, nói về nghiệp có 3: thân nghiệp, khẩu nghiệp, thân và khẩu nghiệp.

Tội trong điều học nào mà tỳ khưu chỉ phạm vì thân môn, như tội phát sanh do chỗ sanh thứ 1 và thứ 4, điều học ấy gọi là “thân nghiệp”. Tội trong điều học nào mà tỳ khưu chỉ phạm vì khẩu môn, như tội phát sanh do chỗ sanh thứ 2 và thứ 5, điều học ấy gọi là “khẩu nghiệp”. Tội trong điều học nào mà tỳ khưu chỉ phạm trong thân và khẩu môn, điều học ấy gọi là “thân nghiệp, khẩu nghiệp”.

Lại nữa, tikka có 2: phần tâm có 3: chỉ nói về thiện tâm; phần thọ có 3: chỉ nói về thọ.

Tỳ khưu khi phạm tội có tâm lành phạm cũng có, tâm dữ phạm cũng có, tâm vô ký như ngủ phạm cũng có.

Lại nữa, thọ khổ mà phạm cũng có, thọ vui mà phạm cũng có, thọ vô ký mà phạm cũng có, như trong điều học nào, nếu nói “chỉ có 1 tâm” (ekacittaṃ) nên hiểu là nói về ác tâm: trong điều học nào, nếu nói “có 2 tâm” (dvicittaṃ) nên hiểu là nói về tâm lành và tâm vô ký, trong điều học nào nếu nói “có 3 tâm” (ticittaṃ) nên hiểu là nói về tâm lành, tâm dữ và tâm vô ký.

Trong điều học nào nói “có 1 thọ” (ekavedanā) nên hiểu là nói về thọ khổ, trong điều học nào nói có 2 thọ (dvivedanā) nên hiểu là nói về thọ vui và thọ vô ký. Trong điều học nào nói “có 3 thọ” (tissovedanā) nên hiểu là nói về thọ vui, thọ khổ và thọ vô ký.

Lại nữa, phạm tội trong điều học mà tỳ khưu tự mình làm hoặc bảo người khác làm cũng phạm điều học ấy gọi là “sāṇattika”, trong điều học mà tỳ khưu tự mình làm mới phạm, bảo kẻ khác làm thì không phạm, điều học ấy gọi là “anānattika”.

Những lời chú giải trên đây, có nói nhất là về chỗ phát sanh tội (samuṭṭhāna), ấy là để phân biệt cho thấy rõ tội trong mỗi điều học, sẽ giải ra sau này.

ÐIỀU HỌC (SIKKHĀPADA)

Luật cấm mà đức Chánh Biến Tri chế định từ điều gọi là điều học (sikkhāpada)[19]. Điều học có trong giới bổn[20] (pātimokkha) cũng có, không có trong giới bổn cũng có.

Điều học có trong giới bổn (pāṭimokkha) là: bất cộng trụ (pārājika) có 4 điều, tăng tàn (saṅghādisesa) có 13 điều, bất định (aniyatta) có 2 điều, ưng xã đối trị (nissaggiya pācittiya) có 30 điều, ưng đối trị (suddhika pācittiya) có 92 điều, ưng phát lộ (pātidesanīya) có 4 điều, ưng học pháp (sekhiyavatta) có 75 điều. Tổng cộng có 220 điều. Cộng thêm 7 điều diệt tránh (adhikarana samatha) thành 227 điều.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app