Xuất Gia Và Phương Pháp Thực Hành Ở Thabarwa

Thiền viện Phước Sơn, 07/01/2020

Thời Pháp này sẽ kết thúc vào lúc 5 giờ chiều. Sau đó, một thiền sinh Việt Nam sẽ xuất gia trở thành tu nữ. Bà ấy 62 tuổi và có 8 người con. Bà đã phát nguyện trở thành nữ tu từ rất lâu nhưng chưa có được cơ hội. Tôi quyết định sẽ truyền giới xuất gia cho bà, bà ấy mong muốn sẽ đắp y trọn đời. [Và bà sẽ tu tập tại Viện dưỡng lão Pháp bảo của Thabarwa tại Tiền Giang, Việt Nam – Lời người biên tập].

Chẳng dễ dàng gì để hiểu về cuộc đời của những vị tỳ khưu hay tu nữ. Chỉ khi nào thọ giới xuất gia chúng ta mới có thể tiếp cận gần hơn với những người bạn đạo và tự mình thực chứng đời sống tu hành. Có vô vàn trở ngại trong cuộc đời của một tu sĩ, đặc biệt là về trú xứ, thực phẩm, thuốc men và thiền tập – thực hành chánh niệm và xả ly. Chỉ khi nào các bạn xuất gia để sống đời tăng sĩ, tu nữ, bạn mới có thể hiểu rõ điều này.

Tôi trở thành một tu sĩ vào năm 2002, và thành lập trung tâm thiền của mình vào năm 2007. Trước khi trung tâm được thành lập, tôi không thể hỗ trợ những nhu cầu của các vị tăng, ni khác. Nhờ việc có trung tâm mà rất nhiều cư sĩ có được cơ hội xuất gia tại đó. Ở trụ sở chính tại Thanlyin – Yangon, hiện tại có khoảng 500 nhà sư và 400 tu nữ đang tu tập. Một số chuyển đến từ các tu viện hoặc thiền viện khác, phần đông trong số họ xuất gia tại Thabarwa. 

Khi là một cư sĩ, một thiền sinh, tôi hiếm khi có được cơ hội tiếp cận với chư vị tăng ni. Chỉ khi đã trở thành một nhà sư, tôi buộc phải tiếp xúc với những nhà sư khác mỗi ngày, thỉnh thoảng với các tu nữ nữa. Từ đó, bằng sự thực hành của mình, tôi dần thấm nhuần giáo pháp. Từ đó tôi thực sự trở thành một tu sĩ Phật Giáo, và trở nên am tường về những tu sĩ khác.

Là một tu sĩ, chúng tôi trở thành những người con Phật thực thụ. Có rất nhiều ưu điểm khi là một người con Phật, cạnh đó cũng là vô vàn khó khăn và trở ngại. Ưu điểm lớn nhất chính là sự thực hành không giới hạn và vượt qua khả năng của bản thân. Chính từ sự thực hành đó ta mới có thể tự mình chứng nghiệm. Còn những điểm yếu thì chỉ là hữu hạn, nó sẽ được giải quyết đúng lúc nếu chúng ta làm thiện pháp một cách đúng đắn. Là một cư sĩ, chúng ta bị níu giữ bởi rất nhiều trách nhiệm trong xã hội. Khi xuất gia, ta có thể từ bỏ những vướng bận đó, ta có thể tự do làm mọi thiện pháp trong khả năng. Ta cũng có thể được hỗ trợ từ những nhà sư, tu nữ và thiền sinh khác.

Chúng ta cũng có thể nhận được những sự hỗ trợ từ những tín đồ của Phật, Pháp, Tăng. Càng tín tâm về vai trò của mình, ta càng có thể được nhiều sự hỗ trợ từ những tu sĩ khác. Tôi đã hy sinh toàn bộ cuộc đời và tài sản để đáp ứng nhu cầu của những người đệ tử Phật. Điều này là đúng đắn, thế nên ngày càng có nhiều trung tâm Thabarwa ở Myanmar và khắp nơi trên thế giới. Ngày càng có nhiều nhà sư, tu nữ, thiền sinh và cư sĩ đến ở và làm việc tại các trung tâm Thabarwa khắp mọi nơi.

Hầu hết những giáo lý đều nặng về lý thuyết, ít sự thực hành. Những lời dạy của tôi thì thiên về sự thực hành, ít lý thuyết. Vì thế chúng rất có ích cho những người có khả năng thực hành theo phương pháp này. Chúng tôi cũng chú trọng vào việc thực hành cùng nhau, thế nên chúng tôi có nhiều hơn cơ hội để thành công. Cạnh đó, chúng tôi chú trọng vào những người thực hành, không phải những người điều hành. Thế nên, hầu hết những người thực hành đều được tự do làm thiện pháp tại trung tâm của tôi.

Thường thì người ta đều mong sẽ thành công trong mọi việc họ làm. Ở trung tâm, chúng tôi chú trọng vào việc làm những việc thiện, kể cả chúng tôi hiểu hoặc không hiểu, kể cả khi thất bại lẫn thành công, khi chúng tôi có khả năng hoặc không có khả năng. Bằng cách này, chúng tôi trở nên thành thục trong việc thực hành thiện pháp một cách liên tục. Điều này là việc thực hành gieo nhân – gặt quả một cách liên tục. 

Trong truyền thống Phật giáo, chúng ta đã luôn học về nhân thiện và quả thiện. Ở trung tâm Thabarwa, cùng một lúc, chúng tôi học từ cả nhân thiện – quả thiện và nhân bất thiện – quả bất thiện. Ta cũng quen với việc theo học từ vị sư phụ nào đó, tại trung tâm Thabarwa chúng tôi học từ mọi người, không chỉ từ nhiều người thầy, mà còn học lẫn nhau, học hỏi giữa những tình nguyện viên và những thiền sinh. 

Mọi người có thể vừa là người học lẫn người dạy học. Điều này thật dễ hiểu. Tuy nhiên, phương pháp thực hành của chúng tôi là chỉ-làm-mà-thôi và chỉ-không-làm-mà-thôi, chỉ-kinh-nghiệm-mà-thôi hay chỉ-không-kinh-nghiệm-mà-thôi, chỉ-biết-mà-thôi hay chỉ-không-biết-mà-thôi, chỉ-sử-dụng-mà-thôi hay chỉ-không-sử-dụng-mà-thôi, những điều này rất vi tế và khó hiểu. Nhưng nếu chúng ta có thể thực hành thiện pháp liên tục như thế này, chúng ta có thể hiểu được phương pháp này, đây chính là con đường trung đạo duy nhất.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app