Thiền viện Phước Sơn, 07/01/2020

Câu hỏi của thiền sinh: Bạch Ngài, sáng nay Ngài hướng dẫn chúng con về ba bước mà chúng con cần chú tâm khi hành thiền. Ngài có thể giải thích rõ hơn để con có thể phân biệt rõ hơn giữa bước thứ hai và bước thứ ba được không ạ?

Để có thể xả ly khỏi nhân gian, ta cần chánh niệm về chính mình. Càng chánh niệm về bản thân, ta càng có khả năng xả ly khỏi ý niệm về người khác. Chúng ta cũng cần phải giữ chánh niệm trên thân và tâm để có thể xả ly khỏi hình tướng của mình. Càng chánh niệm trên thân và tâm, ta càng có thể xả ly khỏi các sắc tướng: da trắng hay da màu, già hay trẻ, đẹp hay xấu, đàn ông hay đàn bà… Nếu ta giữ chánh niệm hoặc giữ tâm tại thời điểm hiện tại ngay trên thân và tâm, ta có thể nhận thức rõ ràng về Bản Chất Vô Thường Luôn Mới. Không có gì là thường hằng trên thân và tâm này.

Không bởi ai đó hay cái gì đó tạo dựng, quá trình Vô Thường Luôn Mới chính là Tự Nhiên. Càng tự mình chứng nghiệm về Bản Chất Vô Thường, ta càng có khả năng xả ly khỏi chính mình. Những cảm giác đau đớn, ngứa ngáy, giận dữ, lo lắng, sợ hãi, nghi kỵ… trên thân và tâm, nếu không chánh niệm, ta sẽ có thể lầm tưởng rằng chúng có thật. Ta luôn phiền não vì những cảm xúc, những bất toại nguyện đó. Chỉ khi nào ta có thể tự mình giữ chánh niệm trong hiện tại, ta mới có thể nhận thức rõ về Bản Chất Vô Thường Luôn Mới của chính những bất toại nguyện đó. Bằng cách này, chắc chắn ta có thể chịu đựng mọi phiền não.

Thêm nữa, khi có khả năng xả ly khỏi những bất toại nguyện đó, chúng ta cần kiên trì thực hành đi thực hành lại. Thậm chí khi đã ý thức được về Bản Chất Vô Thường của những diễn biến hiện tại trong thân và tâm, ta có thể sẽ dính mắc vào sự ý thức đó, và nhầm tưởng rằng sự ý thức đó là thật. Ta cần phải giữ chánh niệm và ý thức (hay sự nhận thức trong hiện tại). Thế nên ta nên cố giữ chánh niệm trên sự ý thức hay nhận thức đó để có thể biết về Sự Thật của Bản Chất Vô Thường trong mỗi ý thức, nhận thức. Càng biết rõ về Bản Chất Vô Thường của mỗi ý thức, nhận thức, ta càng có thể chịu đựng ý thức và nhận thức đó. Chúng ta cũng cần phải xả ly khỏi cái ý thức hay sự nhận thức đó, và cần phải thực hành nghiêm túc để có thể giữ chánh niệm trên mỗi ý thức trong hiện tại.

Đôi lúc sẽ rất khó để nói về Sự Thật với người khác bởi vì người đó chẳng thể nào chịu nổi Sự Thật về chính họ. Vì chẳng thể nào chấp nhận Sự Thật, chúng ta không thể chịu đựng được nó. Càng cố gắng thực hành và truyền bá về Sự Thật ra sẽ càng có khả năng chấp nhận Sự Thật. Chánh niệm trên từng sự hay biết trong hiện tại cũng là sự thực hành cần thiết nhất để có thể kham nhẫn và xả ly khỏi cái hay biết về Sự Thật. Rất nhiều người chẳng thể chịu đựng được việc mình sẽ chết. Thực ra, tất cả chúng ta sẽ chết, nếu ta không thể chấp nhận Sự Thật về cái chết của chính mình, ta sẽ chẳng thể nào chịu đựng nổi. Khi có thể chấp nhận cái chết của mọi người, mọi chúng sanh, bao gồm chính mình, ta mới có thể vượt qua.

Cạnh đó, nếu ta cố giữ chánh niệm trên sự nhận thức hiện tại hay sự hay biết, ta có thể hiểu được Bản Chất Vô Thường của mỗi ý thức và chắc chắn ta có thể xả ly khỏi cái hay biết hiện tại. Thậm chí khi đã biết về Bản Chất Vô Thường của những ý thức và sự nhận thức về hiện tại của chính mình, ta có thể sẽ nấn ná lại ở sự chánh niệm trong hiện tại đó. Nếu đã dính mắc như thế, sẽ rất khó để thực hành việc chánh-niệm-trên-hành-vi-chánh-niệm.

Việc không ý thức về Bản Chất Vô Thường của những hành vi chánh niệm trong hiện tại chính là nguyên do của dính mắc. Trong bước này hành vi chánh niệm trong hiện tại thậm chí sẽ trở thành đối tượng của chánh niệm. Nếu chúng ta không thể giữ chánh niệm như thế, ta có thể nhầm tưởng rằng sự thực hành này là thứ gì đó có thật. Chỉ khi nào chúng ta có khả năng giữ chánh-niệm-trên-hành-vi-chánh-niệm trong hiện tại, ta mới có thể thoát khỏi những lầm tưởng. So với hành vi chánh niệm, đối tượng thứ hai của chánh niệm – sự hay biết trong hiện tại thì dễ hơn.

Trong bước thứ hai, chúng ta đã chấp nhận cái ý thức trong hiện tại như là đối tượng của chánh niệm. Nhưng trong bước thứ ba này, chúng ta không chấp nhận bất cứ ý thức nào là đối tượng của chánh niệm, chúng ta chỉ chấp nhận chính cái hành vi chánh niệm trong hiện tại, và coi nó là đối tượng của chánh niệm.

Trong bước thứ ba, đối tượng của chánh niệm và hành vi chánh niệm hòa vào làm một. Chỉ sự lưu tâm về chánh niệm mới có thể trở thành đối tượng của chánh niệm. Điều này rất sâu sắc và vi tế, chúng ta cần phải thực hành liên tục và nhẫn nại hơn những người khác để có khả năng chỉ-làm-mà-thôi và chỉ-thực-hành-mà-thôi. Khi giữ chánh niệm trên những đối tượng trong các bước này, chúng ta cần cố gắng nhận thức về những tham, sân, lo lắng, nghi kỵ và lầm tưởng trong hiện tại. Càng ý thức rõ về những căn bệnh trong tâm, tâm ta càng trở nên khỏe mạnh.

Tôi có thể hướng dẫn các bạn nhờ vào việc dạy về Sự Thật của hành thiền và chánh niệm. Cạnh đó, tôi cũng có thể thực hành theo Hiểu Biết Đúng. Thế nên bạn cũng chỉ cần thực hành liên tục cùng với trung tâm Thabarwa, không cần phải đi những con đường sai lạc. Tiếp tục thực hành theo cách này bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn và những hạnh nguyện của bạn sẽ được thành tựu.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app