Who Am I Ta Là Ai

[lwptoc]

WHO AM I❓TA LÀ AI❓

Khi chưa sanh ra, Ai là Ta?
Khi sanh ra rồi, Ta là Ai?
Khi chết đi, Ai là Ta?

Đây là câu hỏi lớn mà chắc chắn mỗi một người trên con đường trưởng thành tâm linh đều bị nó ám ảnh, day dứt, lúc nhiều lúc ít, không thể nào yên ổn với nó, trong mọi kiếp người. Có nghi mới có ngộ. Đại nghi thì đại ngộ.

Và mọi câu trả lời “Ta là.… “hoặc “Ta không là… ” sẽ đều là sai lầm vì loại câu hỏi “Ai là Ta?” / “Ta Là Ai?” là thuộc những “Câu hỏi không thích hợp”.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp là “vô ngã” – “anattā”, nên không thể coi là có “Ta” – “attā”, vậy nên câu hỏi Ai là Ta?” / “Ta Là Ai?” là không thích hợp, không tồn tại bất kỳ câu trả lời đúng nào. Loại câu hỏi này chỉ nhằm mục đích phát khởi đại nghi về một vấn đề quan trọng bậc nhất, vấn đề sinh tử của con người, đồng thời thử thách mức độ trưởng thành tâm linh, phân loại người trả lời.

Rất nhiều người lúng túng không biết phải trả lời ra sao bởi họ chưa bao giờ tìm hiểu nghiêm túc về câu hỏi hệ trọng bậc nhất trong đời người này.

Cũng rất nhiều người, do có biết chút ít về Phật Pháp – Vô thường, Khổ, Vô ngã, nên đã có câu trả lời rằng: Tôi là ngũ uẩn / là danh sắc /là một pháp / là những hạt li ti đang sinh diệt … v… v…; hoặc Tôi không là ai cả / chẳng là gì cả… v… v…

Nhưng mọi câu trả lời đều sai vì chúng đều xuất phát từ tà kiến về sự tồn tại của một cái “Tự ngã”, cái “Ta” – Attā.

Attā có nghĩa là ‘bản ngã, cái tôi, cá nhân, thực thể, linh hồn’; còn anattā là ‘vô ngã, không có thực thể linh hồn’. Chữ anattā cần được hiểu theo ba cách giải thích sau:

1. Asārakaṭṭhena-anattā: Do không có cốt lõi hay thực thể mà nó được gọi là anattā

2. Asāmikaṭṭhena-anattā: Do không có bất kỳ một ông chủ hay chủ tể nào nên gọi là anattā.

3. Avasavattanaṭṭhenā-anattā: Do không tuân theo ý người khác nên gọi là anattā.

Tuy nhiên những câu trả lời sai lầm xuất phát từ tà kiến, vô minh sẽ theo ta suốt cuộc hành trình tầm cầu chân lý, cho đến ngày đạt được giác ngộ, và vì vậy hãy tìm câu trả lời nhưng chớ tin vào bất cứ câu trả lời nào do tâm trí có vẻ thông thái của ta đặt ra.

Hãy mở rộng tâm, không bám víu vào bất kỳ câu trả lời được cho là đúng nào, kể cả đấy là câu trả lời do nhớ và lặp lại lời Đức Phật chỉ dạy. Hãy để mọi câu trả lời có thể đến, có thể đi và cuối cùng để mọi câu trả lời đều trở nên vô nghĩa trong sự thực chứng, tự kinh nghiệm vi diệu nhất với trí tuệ Đạo, Quả.

Đây là một câu hỏi mà một người trưởng thành tâm linh – giác ngộ ở mức độ Thánh dự lưu trở lên, đã đoạn tận thân kiến mới vượt được qua.

‼”Ta là… “/ “Ta không là…” hoặc chấp “Có ta…” / ” Không có ta…” đều là tà kiến: 1. Coi ngũ uẩn là ta, hay 2. coi ta có ngũ uẩn, hay 3. coi ngũ uẩn có trong ta, hay 4. coi ta là trong ngũ uẩn: là 20 tà kiến – thân kiến (4 tà kiến x 5 uẩn = 20).‼

Hãy lắng nghe lời Phật dạy và dùng thiền minh sát để kiểm chứng những điều này ngay trên Thân và Tâm của bản thân mình trong từng khoảng khắc.

Hãy tu tập viên mãn Bát Thánh Đạo thông qua Minh Sát Quán Vipassnā Tứ Niệm Xứ để một lần mãi mãi đoạn tận mối nghi này, trở thành Bất tử, bình an mãi mãi.

Trong tâm từ,
Tỳ khưu Viên Phúc Sumangala

[Chánh Kinh]

THÂN KIẾN

“– Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là thân kiến?

– Ở đây, này Tỷ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu không hiểu rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không hiểu rõ các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân:

1.
① xem sắc như là tự ngã, hay
② xem tự ngã như là có sắc, hay
③ xem sắc như là trong tự ngã, hay
④ xem tự ngã như là trong sắc;
2.
① xem thọ như là tự ngã, hay
② xem tự ngã như là có thọ, hay
③ xem thọ như là trong tự ngã, hay
④ xem tự ngã như là trong thọ;
3.
① xem tưởng như là tự ngã, hay
② xem tự ngã như là có tưởng, hay
③ xem tưởng như là trong tự ngã, hay
④ xem tự ngã như là trong trưởng;
4.
① xem hành như là tự ngã, hay
② xem tự ngã như là có hành, hay
③ xem hành như là trong tự ngã, hay
④ xem tự ngã như là trong hành;
5.
① xem thức như là tự ngã, hay
② xem tự ngã như là có thức, hay
③ xem có thức như là trong tự ngã, hay
④ xem tự ngã như là trong thức.”

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya, 109. Ðại kinh Mãn nguyệt (Mahàpunnama sutta)

CÓ VÀ KHÔNG

– “Chánh kiến, chánh kiến”, bạch Thế Tôn được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là chánh kiến?

– Này Kaccàyana, thế giới này phần lớn y chỉ vào hai cực đoan này: CÓ và KHÔNG CÓ.

1. Này Kaccàyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới TẬP KHỞI, vị ấy KHÔNG CHẤP NHẬN THẾ GIỚI LÀ KHÔNG CÓ.

2. Này Kaccàyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới ĐOẠN DIỆT, vị ấy KHÔNG CHẤP NHẬN THẾ GIỚI LÀ CÓ.

Này Kaccàyana, chấp thủ phương tiện và bị thiên kiến trói buộc, phần lớn thế giới này là vậy.

Và ai với tâm không trú trước, chấp thủ phương tiện ấy, không chấp thủ thiên chấp tùy miên ấy, không có chấp trước, không trú trước, vị ấy không có nghĩ: “Đây là tự ngã của tôi”.

Khi khổ sanh thời xem là sanh, khi khổ diệt thời xem là diệt; vị ấy không có nghi ngờ, không có phân vân, không duyên vào ai khác, trí ở đây là của vị ấy.

Cho đến như vậy, này Kaccàyana là CHÁNH TRI KIẾN.

1. “Tất cả là có”, này Kaccàyana, là một cực đoan.

2. “Tất cả là không có” là cực đoan thứ hai.

???? Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccàyana, Như Lai thuyết pháp theo TRUNG ĐẠO.

1. Vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là TẬP KHỞI.

2. Nhưng do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là ĐOẠN DIỆT.

Nguồn trích dẫn: KINH TƯƠNG ƯNG BỘ TẬP II: THIÊN NHÂN DUYÊN – CHƯƠNG MỘT: TƯƠNG ƯNG NHÂN DUYÊN – II. PHẨM ĐỒ ĂN, XV. KACCÀYANAGOTTA

AI ĂN? AI CẢM XÚC? AI CẢM THỌ? AI KHÁT ÁI? AI CHẤP THỦ?

1)…Trú Tại Sàvatthi.

2) – Này các Tỷ-kheo, có bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh. Thế nào là bốn? Một là đoàn thực hoặc thô hoặc tế, hai là xúc thực, ba là tư niệm thực, bốn là thức thực. Này các Tỷ-kheo, bốn loại đồ ăn này khiến cho các loại sanh vật hay khiến cho các loại chúng sanh được tồn tại hay khiến cho các loại sắp sanh thành được thọ sanh.

3) Khi được nói vậy, Tôn giả Moliya-Phagguna bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn,

ai ăn thức thực?

Thế Tôn đáp:

– Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có ai ăn”. Nếu Ta nói: “Có kẻ ăn”, thời câu hỏi: “Có ai ăn” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, thức thực là cho ai?”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau:
“Thức thực là duyên cho sự sanh thành, cho sự tái sanh trong tương lai.
Khi cái ấy hiện hữu, có mặt thời sáu xứ có mặt.
Do duyên sáu xứ, xúc có mặt”.

 

4) – Bạch Thế Tôn,

ai cảm xúc?

Thế Tôn đáp:

– Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có kẻ cảm xúc”. Nếu Ta nói: “Có kẻ cảm xúc”, thời câu hỏi: “Ai cảm xúc” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, do duyên gì, xúc sanh khởi?”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây câu trả lời thích hợp là như sau:
“Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi. Do duyên xúc, thọ sanh khởi”.

 

5) – Bạch Thế Tôn,

ai cảm thọ?

Thế Tôn đáp:

– Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có người cảm thọ”. Nếu ta có nói: “Có người cảm thọ”, thời câu hỏi: “Ai cảm thọ?” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, do duyên gì, thọ sanh khởi?”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây câu trả lời thích hợp là như sau:
“Do duyên xúc, thọ sanh khởi. Do duyên thọ, ái sanh khởi”.

 

6) – Bạch Thế Tôn,

ai khát ái?

Thế Tôn đáp:

– Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có kẻ khát ái”. Nếu Ta nói: “Có kẻ khát ái”, thời câu hỏi: “Ai khát ái” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, do duyên gì, ái sanh khởi”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau:
“Do duyên thọ, ái sanh khởi. Do duyên ái, thủ sanh khởi”.

 

7) – Bạch Thế Tôn,

ai chấp thủ?

Thế Tôn đáp:

– Câu hỏi ấy không thích hợp. Ta không nói: “Có kẻ chấp thủ”. Nếu Ta nói: “Có kẻ chấp thủ”, thời câu hỏi: “Ai chấp thủ” là câu hỏi thích hợp. Nhưng Ta không nói như vậy. Và vì Ta không nói như vậy, nếu có ai hỏi Ta: “Bạch Thế Tôn, do duyên gì, thủ sanh khởi”, thời câu hỏi ấy thích hợp. Ở đây, câu trả lời thích hợp là như sau:
“Do duyên ái, thủ sanh khởi. Do duyên thủ, hữu sanh khởi”.
Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
8) Nhưng này Phagguna,
do ly tham, đoạn diệt một cách hoàn toàn sáu xứ nên xúc diệt.
Do xúc diệt, nên thọ diệt.
Do thọ diệt nên ái diệt.
Do ái diệt nên thủ diệt.
Do thủ diệt nên hữu diệt.
Do hữu diệt nên sanh diệt.
Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt.
Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập II – Thiên Nhân Duyên – [12] Chương I – Tương Ưng Nhân Duyên, XII. Moliya Phagguna (Tạp 15,10. Ðại 2,102) (S.ii,12).

VỌNG TƯỞNG

Này Tỷ-kheo,

1. “Tôi là”, như vậy là vọng tưởng.
2. “Tôi là cái này”, như vậy là vọng tưởng.
3. “Tôi sẽ là”, như vậy là vọng tưởng.
4. “Tôi sẽ không là”, như vậy là vọng tưởng.
5. “Tôi sẽ có sắc”, như vậy là vọng tưởng.
6. “Tôi sẽ không có sắc”, như vậy là vọng tưởng.
7. “Tôi sẽ có tưởng”, như vậy là vọng tưởng.
8. “Tôi sẽ không có tưởng”, như vậy là vọng tưởng.
9. “Tôi sẽ không có tưởng, không không có tưởng”, như vậy là vọng tưởng.

Vọng tưởng, này Tỷ-kheo, là bệnh, vọng tưởng là cục bướu, vọng tưởng là mũi tên.

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikaya, Kinh số 140 – Kinh Giới phân biệt (Dhàtuvibhanga sutta

VÔ NGÃ TƯỚNG

1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển.

2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. – “Thưa vâng bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3) – Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: “Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!”

4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: “Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!”

5) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu thọ là ngã, thời thọ không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được thọ như sau: “Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!”

6) Và này các Tỷ-kheo, vì thọ là vô ngã. Do vậy, thọ đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các thọ: “Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!”

7) Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu tưởng là ngã, thời tưởng không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được tưởng như sau: “Mong rằng tưởng của tôi như thế này! Mong rằng ưởng của tôi chẳng phải như thế này!”

Và này các Tỷ-kheo, vì tưởng là vô ngã. Do vậy, tưởng đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các tưởng: “Mong rằng tưởng của tôi như thế này! Mong rằng tưởng của tôi chẳng phải như thế này!”

8) Các hành là vô ngã, này các Tỷ-kheo, nếu các hành là ngã, thời các hành không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các hành như sau: “Mong rằng các hành của tôi như thế này! Mong rằng các hành của tôi chẳng phải như thế này!”

9) Và này các Tỷ-kheo, vì các hành là vô ngã. Do vậy, các hành đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các hành: “Mong rằng các hành của tôi như thế này! Mong rằng các hành của tôi không phải như thế này!”

10) Thức là vô ngã, này các Tỷ-kheo, nếu thức là ngã, thời thức không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể có được thức như sau: “Mong rằng thức của tôi như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!”

11) Và này các Tỷ-kheo, vì thức là vô ngã. Do vậy, thức đi đến bệnh hoạn, và không có thể có được thức: “Mong rằng thức của tôi như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!”

12) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế Tôn!

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Là khổ, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

13) – Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Thọ là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế Tôn!

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Là khổ, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

14) – Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Tưởng là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế Tôn!

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Là khổ, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

15) – Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? các Hành là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế Tôn!

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Là khổ, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

16) – Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Thức là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

– Là khổ, bạch Thế Tôn.

– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

17) – Do vậy, này các Tỷ-kheo, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

18) Phàm thọ gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

19) Phàm tưởng gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

20) Phàm các hành gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

21) Phàm thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

22) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm y đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

23) Thế Tôn thuyết như vậy. Nhóm năm vị Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời dạy này được nói lên, tâm của nhóm năm vị Tỷ-kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Nguồn trích dẫn: Vô ngã tướng, (Ðại 2,7c) (Luật tạng, Ðại phẩm q.1, từ trang 3) (S.iii,66)

TẤT CẢ PHÁP VÔ NGÃ

Dhammapada 279

Sabbe dhammā anattā’ti – yadā paññāya passati
Atha nibbindati dukkhe – esa maggo visuddhiyā.When with wisdom one discerns
all knowables are not a selfone wearily from dukkha turns
treading the path to purity.
"Tất cả pháp vô ngã, Với Tuệ quán thấy vậy,

Ðau khổ được nhàm chán, Chính con đường thanh tịnh."

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app