Thấy Biết Cái Gì Thì Được Coi Là Thấy Biết ‘như Thật’, ‘như Nó Đang Là’ Khi Thực Hành Tu Tập Minh Sát Tứ Niệm Xứ Vipassnā Satipaṭṭhānā?

Thấy Biết Cái Gì Thì Dược Coi Là Thấy Biết Như Thật Như Nó Dang Là Khi Thực Hành Tu Tập Minh Sát Tứ Niệm Xứ Vipassnā Satipaṭṭhānā

[lwptoc]

Thấy Biết Cái Gì Thì Được Coi Là Thấy Biết ‘Như Thật’, ‘Như Nó Đang Là’ Khi Thực Hành Tu Tập Minh Sát Tứ Niệm Xứ Vipassnā Satipaṭṭhānā?

Nếu chỉ thực hành giữ sự hay biết xuông thì sự hay biết này ai cũng có, con bò nó cũng có sự hay biết của nó, đó chỉ là cái hay biết ở mức độ tưởng tri và thức tri của người chưa tu tập, hoặc tu tập chưa đủ tinh tấn, hoặc tu tập sai Minh Sát Vipassnā, không phải ở mức độ tuệ tri.

Cái hay biết như vậy chỉ là sự hay biết về các sự vật, hiện tượng theo khái niệm tục đế, không có thật của vô minh dẫn đến sự hay biết sự vật ‘không như thật’, ‘không như nó đang là’: cho vô thường là thường, cho khổ là lạc, cho vô ngã là có ngã.

(1) Đó chính là hay biết với tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo dẫn đến khổ đau vĩnh viễn trong luân hồi.

(2) Đó không phải là cái hay biết đúng như thật về bản chất thực tính vô thường khổ, vô ngã của người có minh sát tuệ khi nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm quán sát liên tục sự sinh diệt trên thân / thọ / tâm / pháp.

Hãy như lý tác ý khi quán sát để chú tâm ngay vào bản chất sinh, diệt để vun bồi trí tuệ về vô thường, khổ, vô ngã thông qua thực chứng, kinh nghiệm, tức Tu tuệ: ví dụ khi quán sát tâm tham, tâm sân (thức uẩn trong ngũ uẩn) thì phải để ý quán sát và ghi nhận xem các hình ảnh, các lời nói trong tâm, các cảm thọ trên thân liên hệ đến tâm tham, tâm sân ấy đến rồi đi, sinh rồi diệt như thế nào.

Cùng thế ấy, mọi hiện tượng trên thân, thọ, tâm, pháp đều phải quán sát với như lý tác ý về sinh, diệt, cũng tức là (3) như lý tác ý về khổ vô thường vô ngã cũng tức là (4) như lý tác ý về bốn sự thật Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

Đầu tiên thì không thể thấy rõ ràng sự sinh, diệt ấy ngay đúng lúc đó, chỉ biết khi nó đã qua đi thậm chí rất lâu rồi; hoặc chỉ thấy nó sinh mà quên mất (thất niệm) khi nó diệt (vì bị cuốn chìm vào trong dòng lũ suy tư, phóng dật); hoặc ngược lại thấy được sự diệt mà chưa thấy được sự sinh khởi (vì chánh niệm tỉnh giác chưa sắc bén, liên tục).

Khi hành giả thực chứng sự sinh khởi thì sẽ không “chấp Không”, tức không chấp nhận thế giới (ngũ uẩn) là không có (5): được thoát khỏi “Đoạn kiến” ucchedadiṭṭhi – là Tà kiến cho rằng có một tự ngã (Ngã kiến) sau khi chết là diệt hết, không có quả của nghiệp . vv…

Khi hành giả thực chứng sự hoại diệt thì sẽ không “chấp Có”, tức không chấp nhận thế giới (ngũ uẩn) là có (5): được thoát khỏi “Thường kiến” sassatadiṭṭhi – là Tà kiến cho rằng có một linh hồn hay tự ngã (Ngã kiến) thường còn, bất biến, cố định không bao giờ bị hoại diệt, đi tái sinh đi từ kiếp này sang kiếp khác, hay Tà kiến cho rằng có đấng thượng đế vĩnh cửu (Tha ngã kiến) sáng tạo và chi phối muôn loài chúng sinh . vv…

Khi thực chứng sự sinh và diệt, hành giả xa lìa hai cực đoan “chấp Có”, “chấp Không”, thấy sự vật, hiện tượng “như chúng đang là”, “như thật” chúng chỉ là những pháp hữu vi có mặt và biến mất theo Lý Duyên Sinh (5): có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia – hoàn toàn trống rỗng, vô ngã, vô thường, khổ sở (khổ khổ), luôn biến đổi (hành khổ ) và luôn bị bức bách hoại diệt (hoại khổ), không ai có quyền điều khiển, chỉ huy, ra lệnh được cả. Hành giả thoát khỏi “Ngã kiến” là Tà kiến cho rằng có ta, của ta, tự ngã của ta trong ngũ uẩn hoặc chính là ngũ uẩn.

Sau khi bền bỉ, kiên trì thực hành, lặp đi lặp lại sự quán sát với như lý tác ý thì sự sinh diệt ngày càng trở lên rõ ràng hơn, dày đặc hơn, liên tục hơn. Trong Phật Pháp không có món “mì ăn liền” cho những hành giả lười biếng, không muốn làm mà lại muốn ăn ngon ngay lập tức, không chịu đi mà lại muốn đến.

Khi đó, kể cả sự sinh lên, diệt đi của các loại suy nghĩ, các loại thắc mắc, nghi ngờ, phấn khởi, lo lắng, ví dụ: câu hỏi “ô sao hay vậy ta” … v. v…… cũng cần được quán sát và ghi nhận kịp thời ngay khi nó có mặt thì mới không bị đồng hóa, không bị nhấn chìm vào nội dung suy nghĩ, không bị đồng hóa, bị nhấn chìm trong ‘cái tôi đang suy nghĩ’ … v. v…… .

Tuy nhiên việc này không hề dễ dàng vì tâm chưa được rèn luyện đúng cách nên chưa sắc bén, chưa nhanh nhạy, chưa kịp thời, cần kiên nhẫn lặp đi lặp lại việc ghi nhận với như lý tác ý. Kiên nhẫn dẫn đến Niết Bàn.

Trong thực hành Vipassnā phải ngay lập tức chú tâm vào bản chất sinh, diệt để trực tiếp kinh nghiệm, để thực chứng bản chất sinh diệt của mọi hiện tượng, và chỉ chú tâm vào đó mà thôi.

Tuy cùng là các Pháp thuộc phần Minh, nhưng ⑴ Chỉ samatha là phương pháp vun bồi tâm, tức vun bồi Định samādhi để đoạn tận tham (sân), đạt được Tâm Giải Thoát, còn ⑵ Quán Vipassnā là phương pháp giúp vun bồi Tuệ paññā để đoạn tận vô minh, đạt được Tuệ Giải Thoát.[6]

Nó được gọi là Vipassanā bởi các Pháp thuộc Khổ Thánh Đế và Khổ Tập Thánh Đế được quán chiếu, liễu ngộ dưới ánh sáng của Tam Tướng – tức là ba đặc tính Vô thường (anicca), Khổ (dukkha), Vô ngã (anatta).

Thực hành Minh Sát Tứ Niệm Xứ (Vipassnā satipaṭṭhānā) chính là quán sát thấy (passnā) bằng nhiều cách (vi) khác nhau (Vipassnā), một cách liên tục và tỉ mỉ tam tướng Vô Thường – Khổ – Vô Ngã của các hiện tượng khi ‘an trú Niệm trên Tứ Niệm Xứ’ (satipaṭṭhānā) với Nhiệt tâm – Tỉnh Giác – Niệm (ātāpī sampajāno satimā) nhằm đạt được mục đích rốt ráo” đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý, chứng ngộ Niết bàn.” Ở đây

(1) Nhiệt tâm ātāpī chính là tinh tấn đoạn trừ các dục và các bất thiện pháp là 5 triền cái gồm tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo cử hối tiếc, hoài nghi nhờ định lực samādhi;
(2) Tỉnh giác sampajāno là vô si tỉnh giác nổi trội – tức trí tuệ minh sát hay biết về vô thường khổ vô ngã nhờ Như Lý Tác Ý;
(3) Niệm satimā ở đây là liên tục chú tâm, không quên vào sinh và diệt trên thân, thọ, tâm, pháp.

Nhờ Như Lý Tác Ý và Chánh Tinh tấn, Chánh niệm liên tục nên Chánh định sinh khởi giúp thấy rõ như thật (7) được sự sinh diệt ấy trong từng khoảng khắc khi nó vừa xảy ra, tức là thấy rõ thực tánh Vô thường Anicca; khì thấy rõ Vô thường tức là thấy rõ thực tánh Khổ Dukkha; khi thấy rõ Khổ tức là thấy rõ thực tánh Vô ngã Anatta (8)

Khi thấy rõ Khổ thì thấy rõ ba sự thật còn lại trong Tứ Thánh Đế tức là thấy rõ Tập đế (Nguyên nhân của Khổ), thấy rõ Diệt đế (sự chấm dứt Khổ, đoạn tận tham sân si không còn dư sót, Niết bàn), thấy rõ Đạo đế (Con đường Bát Thánh Đạo dẫn đến Diệt Khổ). (9)

Và với sự thấy biết như vậy mọi sự vật, hiện tượng trong tam giới, tức ngũ uẩn, đều hiển lộ, hiện hữu thuần khiết ‘như nó đang là’, ‘như thật’: tức là chúng lộ rõ nguyên trạng trong bản chất vô thường khổ vô ngã dưới ánh sáng của Tứ Thánh Đế.

THẤY RÕ BỐN SỰ THẬT CAO CẢ KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO NHƯ VẬY LÀ THẤY ‘NHƯ THẬT’, ‘NHƯ NÓ ĐANG LÀ’. Đây chính là lời Phật dạy trong kinh tạng về việc “thấy được cái gì?” thì được coi là “thấy như thật” trong khi thực hành tu tập tuệ minh sát Vipassnā (10)

Vị ấy biết như thật: “Ðây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Ðây là Khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là các lậu hoặc diệt”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt”.

Vị ấy nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không có trở lui đời sống này nữa”.

Nguồn trích dẫn: Trung Bộ Kinh – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

Không nên tự mình suy diễn, hoặc tin theo các lời hý luận trên các diễn đàn của các thực tập sinh không được sự hướng dẫn hoặc thực hành sai lời hướng dẫn của vị thầy thiện tri thức, rồi tu tập theo sự suy diễn hoặc hý luận đó, sẽ tu tập sai lạc, mà hãy bám vào lời hướng dẫn trong khóa thiền của các Thiền sư, nhất là những vị theo sát lời Phật dạy ghi trong Kinh tạng.

Kiên nhẫn thực hành đúng đắn theo lời Đức Phật đã chỉ dạy thông qua các chỉ dẫn của các vị thiền sư có đủ năng lực và thẩm quyền trong các khóa thiền tích cực, nghiêm mật sẽ giúp chúng ta dần dần xác lập thái độ và phương pháp thực hành đúng đắn thì mới có thể thấy rõ như thật bản chất sinh diệt tức vô thường khổ vô ngã của tất cả các pháp hữu vi, từ đó phát sinh nhàm chán, lìa dục, ly tham, buông xả dẫn đến tâm bất động giải thoát và tri kiến giải thoát.

Nguyện cho oai đức Tam Bảo hộ trì cho quí vị luôn có được trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, từ, bi, hỷ xả trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn và vĩnh viễn mọi khổ đau, phiền não đạt được hạnh phúc thật, sự tự do thật sự – Niết bàn.

Trong tâm từ, Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala

Phần “Ghi Chú” và “Các Bài viết liên quan” dưới đây là nhằm để giúp cho một số đạo hữu ham muốn tìm hiểu chi tiết, đầy đủ, có chứng cứ, nhưng chưa biết cách tìm kiếm trong biển kiến thức bao la, có thể tìm được nguồn Chánh kinh và tài liệu gốc trực tiếp khi cần thiết, một cách thuận tiện và nhanh chóng. Người đọc bình thường có thể bỏ qua phần chuyên sâu và mở rộng này.

Ghi Chú

1. Bốn Điên Đảo

Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ Kinh – V. Phẩm Rohitassa – (Ix) (49) Tưởng Ðiên Ðảo

Lộn Ngược Là Thế Nào, Web, FB

Này các Tỷ-kheo, có bốn tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo này. Thế nào là bốn?

  • Trong vô thường, nghĩ là thường, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
  • Trong khổ nghĩ là không khổ, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
  • Trong vô ngã, nghĩ là ngã, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.
  • Trong không thanh tịnh, nghĩ là thanh tịnh, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo

2. Quán Sinh Diệt Trên Tứ Niệm Xứ

Nguồn trích dẫn: Trường Bộ Kinh – 22. Đại Kinh Niệm Xứ

Yếu Pháp Tu Tập Tuệ Giải Thoát – Bài 2/6 – Tứ Niệm Xứ, Web, FB

Như vậy vị ấy

  • Sống quán thân [thọ / tâm /pháp] trên nội thân [thọ / tâm / pháp]; hay
  • Sống quán pháp trên ngoại thân [thọ / tâm / pháp]; hay
  • Sống quán thân [thọ / tâm / pháp] trên cả nội thân [thọ / tâm / pháp], ngoại thân [thọ / tâm / pháp]. Hay
  • Sống quán tánh sanh khởi trên thân [thọ / tâm / pháp]; hay
  • Sống quán tánh diệt tận trên thân [thọ / tâm / pháp]; hay
  • Sống quán tánh sanh diệt trên thân [thọ / tâm / pháp].

“Có thân [thọ / tâm / pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán thân [thọ / tâm / pháp] trên thân [thọ / tâm / pháp].

3. Như Lý Tác Ý Vô Thường Khổ Vô Ngã

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 22: Tương Ưng Uẩn – Ii: Phẩm Thuyết Pháp – 122. Vị Giữ Giới

Yếu Pháp Tu Tập Tuệ Giải Thoát – Bài 4/6 – Như Lý Tác Ý, Web, FB

Vị Tỷ-Kheo Giữ Giới [Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Lai] Cần Phải Như Lý Tác Ý Năm Thủ Uẩn Là:

(1) Vô Thường, (2) Khổ, (3) Bệnh Hoạn, (4) Ung Nhọt, (5) Mũi Tên, (6) Bất Hạnh, (7) Ốm Đau, (8) Người Lạ, (9) Hủy Hoại, (10) Rỗng Không, (11) Vô Ngã.

Này Hiền Giả, Sự Kiện Này Xảy Ra: Tỷ-Kheo Giữ Giới [Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Lai] Do Như Lý Tác Ý Năm Thủ Uẩn Này Là (1) Vô Thường, (2) Khổ, (3) Bệnh Hoạn, (4) Ung Nhọt, (5) Mũi Tên, (6) Bất Hạnh, (7) Ốm Đau, (8) Người Lạ, (9) Hủy Hoại, (10) Rỗng Không, (11) Vô Ngã, Có Thể Chứng Được Qủa Dự Lưu [Nhất Lai, Bất Lai, Alahán]

4. Như Lý Tác Ý 

Nguồn trích dẫn: Tứ Thánh Đế Trung Bộ Kinh – 2. Kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc

Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh;khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.

Vị ấy như lý tác ý: “Ðây là khổ”, như lý tác ý: “Ðây là khổ tập”, như lý tác ý: “Ðây là khổ diệt”, như lý tác ý: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.

5. Xa Lìa Hai Cực Đan Có Và Không

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 12: Tương Ưng NhânDuyên – Ii. Phẩm Đồ Ăn – 15. Kaccàyanagotta: (Ca-Chiên-Diên Thị)

Này Kaccāyana, thế giới này phần lớn y chỉ vào hai cực đoan này: có và không có.

  • Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới tập khởi, vị ấy không chấp nhận thế giới là không có.
  • Này Kaccāyana, ai với chánh trí tuệ thấy như chơn thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có.

Này Kaccāyana, chấp thủ phương tiện và bị thiên kiến trói buộc, phần lớn thế giới này là vậy. Và ai với tâm không trú trước, không chấp thủ phương tiện ấy, không chấp thủ thiên chấp tùy miên ấy, không có chấp trước, không trú trước, vị ấy không có nghĩ: “Ðây là tự ngã của tôi”.

Khi khổ sanh thời xem là sanh, khi khổ diệt thời xem là diệt; vị ấy không có nghi ngờ, không có phân vân, không duyên vào ai khác, trí ở đây là của vị ấy. Cho đến như vậy, này Kaccāyana, là chánh tri kiến.

  • “Tất cả là có”, này Kaccāyana, là một cực đoan.
  • “Tất cả là không có” là cực đoan thứ hai.

Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccāyana, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.

Vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

Nhưng do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

6. Mục Đích Của Sự Tu Tập “Samatha Chỉ” Và “Vipassana Quán”

Nguồn trích dẫn: Tăng Chi Bộ – Chương II – Hai Pháp – III. Phẩm Người Ngu

Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, thuộc thành phần minh.
Thế nào là hai? Chỉ (Samatha) và Quán (Vipassanā).

Chỉ được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì?
Tâm được tu tập.Tâm được tu tập, chờ đợi lợi ích gì?
Cái gì thuộc về tham được đoạn tận.
Quán được tu tập, này các Tỷ-kheo, chờ đợi lợi ích gì?
Tuệ được tu tập.Tuệ được tu tập, chờ đợi lợi ích gì?
Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận.

Bị tham làm uế nhiễm, này các Tỷ-kheo, tâm không thể giải thoát.
Hay bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được tu tập.

Do vậy, do ly tham, là tâm giải thoát.
Do đoạn vô minh, là tuệ giải thoát.

7. Như Thật Biết Rõ Nhờ Định Lực Samādhi

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ Kinh – Chương 56: tương ưng sự thật – I: Phẩm định – 1. Ðịnh

– Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định (samādhi). Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết (pajànati). Và như thật rõ biết gì?

  • (1) Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ”.
  • (2) Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ tập”.
  • (3) Như thật rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”.
  • (4) Như thật rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập định. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có định, như thật rõ biết. Do vậy, này các Tỷ-kheo,

(1) Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ”;
(2) Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ tập”;
(3) Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Khổ diệt”;
(4) Một cố gắng cần phải làm để rõ biết: “Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt”.

8. Thấy Biết Rõ Vô Thường Là Khổ, Khổ Là Vô Ngã

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Tập IV – Thiên Sáu Xứ. [99] Chương Mxx. Tương Ưng Sáu Xứ (d). Phần Ba – Năm Mươi Kinh Thứ Ba. II. Phẩm Thế Giới Dục Công Ðức.- 121. VIII. Ràhula (S.iv, 105)

Yếu Pháp Tu Tập Tuệ Giải Thoát – Bài 6/6 – Những Lời Dạy Cuối Cùng Cho Con Trai Rahula, Đưa Đến Đoạn Tận Các Lậu Hoặc – Chứng Ngộ Niết Bàn – Hoàn Toàn Giải Thoát., Web, FB

Ông nghĩ thế nào, này Ràhula, MẮT [sắc / nhãn thức /nhãn xúc / cảm thọ … ] [mũi… ] [lưỡi… ] [tai… ] [thân… ] [Ý / CÁC PHÁP / Ý THỨC / Ý XÚC / CẢM THỌ] ấy là thường hay vô thường?

– Là vô thường, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại; có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: “1 Cái này là của tôi. 2 Cái này là tôi. 3 Cái này là tự ngã của tôi”?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.– Thấy vậy, này Ràhula, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, [sắc/ nhãn thức / nhãn xúc /cảm thọ / tưởng / hành / thức /pháp ] ấy;

Nhàm chán đối với tai…… nhàm chán đối với mũi… … nhàm chán đối với lưỡi… … nhàm chán đối với thân…… nhàm chán đối với ý…
Do nhàm chán, vị ấy ly tham.
Do ly tham, vị ấy được giải thoát.

Trong sự giải thoát, khởi lên trí hiểu biết: “Ta đã được giải thoát”.
Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Thế Tôn thuyết như vậy. Tôn giả Ràhula hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời thuyết giảng này được nói lên, tâm Tôn giả Ràhula được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Và hàng nhiều ngàn chư Thiên khởi lên pháp nhãn ly trần vô cấu: “Phàm các pháp gì được sanh khởi, tất cả đều bị đoạn diệt”.

9. Thấy Rõ Khổ Là Thấy Rõ 3 Chân Lý Còn Lại

Nguồn trích dẫn: Tương Ưng Bộ – Tập V – Thiên Ðại Phẩm – [56] Chương XII – Tương Ưng Sự Thật – I. Phẩm Ðịnh – 30.X. Gavampati (S.v,436)

“… Này các Tỷ-kheo, ai thấy Khổ, người ấy cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt.

  • Ai thấy Khổ tập, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
  • Ai thấy Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt.
  • Ai thấy Con Ðường đưa đến Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ

10. Biết Như Thật

Nguồn trích dẫn:Trung Bộ Kinh – 27. Tiểu kinh Dụ dấu chân voi

Vị ấy biết như thật: “Ðây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Ðây là Khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là các lậu hoặc diệt”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt”.…

Vị ấy nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu.

Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”.

Vị ấy biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không có trở lui đời sống này nữa”.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app